Miles Hilton-Barber, 58 tuổi, người Anh, đã hoàn thành chuyến bay 35 ngày qua 19 quốc gia, dài gần 21.000km, từ London đến Sydney, vào tháng 8-2004.
Máy bay siêu nhẹ hai chỗ ngồi, một phi công sáng mắt đồng hành đề phòng trường hợp bất trắc, và hệ thống thiết bị đặc biệt, phần mềm chỉ dẫn bằng giọng nói. Còn lại là ý chí, kiến thức, khả năng cảm nhận của Miles. Trong bản đồ hành trình phải vượt qua có các địa danh như Pháp, Ý, Ấn Độ, Singapore… nhưng chuyến bay ấy còn được hình thành từ những điều không ghi trên giấy – các trở ngại đầy thử thách :
Cái lạnh độ cao và lốc tuyết. Gió sa mạc gây nhiễu sóng, cản trở thông tin hướng dẫn từ xa. Chỉ có bóng tối chuyển động liên tục phía trước, viên phi công mù im lặng nghe các chỉ thị, tay chân điều khiển các cần gạt, nút bấm, gõ bàn phím để chỉnh tốc độ, cao độ, sức gió, hướng bay... Phi công đi cùng, Richard Meredith-Hardy, như tượng gỗ vì Miles thao tác chính xác như một phi công sáng mắt thực sự. Bay với máy bay 100 mã lực mà nhiên liệu chỉ chứa được 10 giờ bay đối với Miles là một thử thách lớn. Tuy nhiên, cảm xúc khám phá thử thách thật khó tả và lạ lùng. Ông nói “ở độ cao 1,5km khi bay qua một thành phố, một nhà máy, cánh đồng tôi đều ngửi được từng mùi khác nhau”. Khứu giác của Miles cảm nhận được hơi sương và khí ẩm khi lướt cạnh các rìa mây.
Không phải những kỷ lục nguy hiểm đã hớp hồn Miles. Ông thực hiện chúng với mục đích rõ ràng cho mình và cho cộng đồng : “Cần sống với những giấc mơ. Hãy mơ những mộng ước lớn. Các giới hạn duy nhất trong đời bạn là những gì bạn chấp nhận. Người mù chúng ta vẫn có thể “nhìn rất rõ”, nếu muốn. Ta có thể lên trời, xuống biển, bay như chim lặn như cá. Một đời người không là tổng số những nhịp ta thở mà gồm những khoảnh khắc phải nín thở”. Những câu nói trong các buổi nói chuyện của Miles đã biến thành khẩu hiệu của Hiệp hội Người Mù trên toàn thế giới:
“Cứ kỳ vọng những điều bất ngờ, không bao giờ bỏ cuộc, tận dụng sức mạnh tập thể, đừng để quá khứ quyết định tương lai, sẵn sàng đối đầu với những nỗi sợ, tận dụng tất cả mọi trở ngại xuất hiện trong đời và biết cám ơn sai lầm”.
Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011
Về " Khúc hát sông quê "
Cách nay chừng 10 năm , sự ra đời của ca khúc này đã gây nên 1 chấn động lớn trong đời sống âm nhạc . Chúng ta , nhất là những người con xứ Nghệ , có lẽ đều dành nhiều cảm xúc đặc biệt cho " nó ".
Về hoàn cảnh ra đời của bài hát , người ta đã nói tới rất nhiều . Và người ta còn nói nhiều hơn nữa về mối tương tác giữa nhạc sĩ và thi sĩ...mỗi khi xuất hiện 1 tuyệt phẩm như " Khúc hát sông quê " này .
Xin sưu tầm và giới thiệu bài thơ cùng tên của Lê Huy Mậu - tác giả phần lời của bài hát :
Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi!!
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thưở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che...
Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông thánh chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành...
Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thưở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
lại nghe nói
thưở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng , ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước ...
chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta ở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta...
Này dòng sông !
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả ?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng...
Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba...tháng năm...tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng...
Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đến trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người
trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi - còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnhnhai cả mùa đông lạnh...
Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm...
trong kí ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng!...