Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011
Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011
Bọn mình yêu văn nghệ, mê thể thao
Kính tặng các thầy, cô.
Mến tặng các bạn K3 rất đỗi yêu thương.
Phàm những ai yêu thể thao thì cũng thường là yêu luôn văn nghệ. Trong
thể thao, cụ thể hơn là những trận đấu, nó cũng có giai điệu, có trầm bổng, có
cao trào, có cả luyến láy và có cả những điểm nhấn hoa mỹ nữa là đằng khác.
Nghĩa là có tính nhạc trong đó? Xem một trận đấu hay, tim mình nhảy nhót loạn
xạ. Đội ta yêu mà thắng thì tâm thần ta phấn chấn, bay bổng … lên xuống nhấn
nhá và cả những khoảng lặng đến thót tim.
Nói đến nhạc, họa, người ta hay ví von trong nhạc có thơ, có họa hay
trong họa lại có nhạc có thơ … Suy cho cùng ra, nếu yêu nhạc có lẽ cũng mê luôn
thơ họa, hoặc mê họa rồi thì cũng yêu thơ yêu nhạc chăng? Vậy anh em Trỗi mình
(nói nhanh cho nó … vuông – từ nay cứ gọi thế nhé) mê gì? Yêu gì? Thì cũng phải
đến tận bây giờ mọi chuyện mới ngã ngũ.
*
**
Bọn mình được chơi thể thao từ tấm bé, được làm văn nghệ: Hội họa thì
có Cao Quốc Bảo, Phi Hùng, Thái Chi. Sáng tác nhạc là Phạm Nguyễn, Đồng Hiền.
Soạn kịch: Xuân Lăng, Việt Hùng. Làm diễn viên: Xuân Nam. Hải Bằng, Cao Quốc
Bảo, Phi Hùng … Và được xem văn nghệ của: Tổng cục chính trị, Cục Hậu cần của
các Quân khu từ lúc còn măng tơ thì dĩ nhiên nó ngấm vào người, mỗi ngày mỗi
ít. Dần dần, từ từ, làm cho mình mê nó từ hồi nào, yêu nó từ hồi nào mà không
hay.
Trận cầu siêu kinh điển mà tôi được “mục kích sở thị” lần đầu tiên
trong đời diễn ra vào tầm 9 giờ tối, khi mọi người đã lên giường: Xin chú ý!
Chú ý! Sau đây là buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa hai đội … Thời
tiết trên sân lúc này rất đẹp, mây bay gió thổi. Gió thổi nhè nhẹ từ khán đài A
sang khán đài B. Dòng sông Tô Lịch lững lờ trôi, vài con cá nhảy lên đớp …
Trọng tài lùa hai đội ra sân. Mười hai cô gái Hà Nội, tai lá mít, đ … lồng bàn
chạy ào ra tặng hoa và ôm hôn các cầu thủ. (Con gái Hà Nội đâu như thế nhưng vì
trung thành với nguyên tắc – Mong độc giả thông cảm). Các cầu thủ đứng đực ra
như ngỗng v v …và v v …
Tên các cầu thủ, trọng tài nghe cũng choáng lắm: Trọng tài Giác – Mắt –
Toét (Mắt toét mà đòi làm trọng tài- nhưng biết đâu có tật lại có tài!). Trung
phong thì có Lí Tủn … Thủ môn: Cách – Cành – Cạch. Trận bóng rất sôi nổi, tay
tường thuật viên (Hình như là Việt Chiến) cũng rất có nghề. Những thuật ngữ như
điều 3, hay mục 4 trong “Luật bóng đá” hiện hành được anh ta vận dụng triệt để.
Những kỹ thuật cá nhân như đảo người, động tác giả, kiểu đá nửa nảy, đá Vô lây
nghe cứ loạn cả lên, nhưng rất sướng tai và êm đềm … đi vào giấc ngủ lúc nào
không hay. Tình yêu thể thao có lẽ cũng bắt đầu từ nhưng trận “bóng mồm” như
thế. Đêm nào cũng có “tường thuật trực tiếp” nên nó cứ ngấm dần, ngấm dần.
Khoái “bóng mồm” rồi thì mấy chốc mà khoái “bóng chân” chính hiệu.
Còn con đường đưa mọi người tới những tình cảm với âm nhạc, với văn
nghệ là những bài hát đồng dao: Nu na nu nống; Xỉa cá mè đè cá chép … và ở Đại
Từ thì bắt đầu bằng những lời ca như thế này (Giai điệu rất vui): “ Tôi đi thăm
đồng, đêm tối không trăng không sao. Trên cây đa cao cao, gió đưa vi vu, Cò ta
yên giấc ngủ ngon …” Hay là: “ Cất tiếng hú, vang trong rừng rú hay là đêm
trường …”. Và “Bà ba béo, ăn gì (mà) to béo, trông mà kinh hồn…”.
Hồi còn đóng trong nhà dân (cũng ở Đại Từ), lớp học sao mà giản dị và
gần gũi với thiên nhiên thế. Bàn ghế được kê ngay ngoài bãi trống, xung quanh
là rừng vầu và lồ ô xanh ngăn ngắt. Nhìn từ trên xuống, lớp học rất kín đáo vì
có rừng vầu che phủ, nhưng cũng rất thoáng đãng vì không có mái che, không có
tường ngăn trông rất thơ mộng. Thế thì cũng khó mà tập trung được vào việc học
hành lắm. Bất ngờ, trong rừng vầu vút lên giai điệu của bài hát “Con ếch xanh”
bằng tiếng huýt sáo. Tiếng sáo mồm cao vút, du dương bay bổng. Giai điệu bài hát
lại hay nên cả bọn ngẩn tò te ra mà nghe. Họa có là tai trâu thì mới không cảm
nhận được cái hay, cái trữ tình của giai điệu sáo ấy. Lúc đó không biết người
huýt sáo ấy là ai, sau này thì ra là (Cập thời Vũ Tống) Công Minh – Minh đen.
Minh hát cũng được nhưng huýt sáo thì cực hay. Đấy là sáo mồm, còn sáo trúc thì
đích thị Phan Hoài Thuận rồi. Ai đã từng một lần nghe “Lý Hoài Nam” của Thuận
chắc cũng không thể nào quên được.
Đang thời buổi chiến tranh, ăn uống tất nhiên kham khổ. Thường thì đói
đi liền với khổ, nhưng bọn mình đâu có khổ. Tụi con gái vẫn xinh xắn, mà lại
còn: “Con gái, trắng nõn những búp tay …” (Bài hát người Châu Yên bắn máy bay)
nữa cơ đấy. Ngồi bệt xuống sườn đồi, dưới ánh sáng của hai ngọn đèn măng xông
mà nghe tam, tứ ca (Hoài Nam, Minh Châu, Hoà Bình, Kim Thành …) của các bạn thì
“tuyệt cú mèo”.
Còn bọn con trai: Ngực nở, bụng thon, trông dáng người rất mê … (bài
hát nhóm Tâm giao của thầy Chi Phan?). Bọn con trai nhìn đám con gái thì đắm
đuối. Đán con gái thì nhìn tụi con trai lại đằm thắm. Nếu nói khổ thì trai gái
không thể nhìn nhau như thế được (!!!).
Đinh Thắng Lợi, Từ Linh là những nghệ sĩ violon trứ danh của bọn mình.
Phạm Nguyễn, Đồng Hiền là những tay đàn gió có hạng, tất nhiên cả chú em Minh
Nghĩa là người độc tấu ắc coóc chuyên nghiệp thì khỏi phải bàn.
Bạn đừng nghĩ văn nghệ chỉ là món ăn tinh thần thôi đâu. Theo tôi, nó
còn có tác dụng vật chất cụ thể hẳn hoi nữa. Đó là hôm ngồi xem hát ở cổng Trường
Mới, nửa chừng mưa xuống. Mới đầu còn lưa thưa sau nặng hạt, không một ai có
mũ, nón, thế mà mọi người vẫn bình thản xem các tiết mục một cách say sưa. Kỷ
luật nhà binh là một chuyện, nhưng chính tình yêu văn nghệ, yêu tiếng hát mà
các học sinh nhí không cảm thấy bị ướt, bị rét, bị khó chịu. Đấy, sức mạnh của
hát hò nó như thế đấy.
Cái máu văn nghệ của bọn mình còn “nhí nhố” sang những trò chơi khác.
Ví như chơi chữ chẳng hạn: Bạn tên là Hứa Bá Thiện, anh em gọi là Hứa Gậy Gộc
(phải đọc tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày” thì mới biết được căn nguyên của
cái tên này). Còn Trần Trường Chiến thì phải gọi là Trần Truồng Chiến cơ (nghe
sexy quá). Thanh Hùng gọi là Hùng Phi Mô Zít. Chắc tụi nó vô tình thấy đồng chí
mình đến tuổi vị thành niên rồi mà “cục cưng” chưa đàng hoàng, chững chặc lại
đang ẩn dật, chờ thời nên nhìn “mặt” đặt hình dong đó chăng? Võ Quấn Tấn là Tấn
Teo Réo (chắc có gì teo và nhỏ lại?). Thì cái ông vua truyện ngắn Nam Cao đấy
thôi, ổng xây dựng nhân vật Trạch Văn Đoàng nghe mà điếc cái lỗ tai. Anh em
Trỗi yêu văn nghệ bắt chước cũng xây dựng nhân vật “quái” chớ sao.
Bây giờ sang chuyện mê thể thao. Cái này nghe còn ghê hơn, vì mê và yêu
nó hơi khác. Về cấp độ thì “mê” nó cao hơn “yêu” một bậc. Đã mê thì chả ngán gì
cả. Sước chân, trầy tay ư? Coi như không có gì. Thâm tím mặt mày ư? Chuyện nhỏ,
và có thể gãy tay, gãy chân lắm chứ, chấp nhận. Đã nói là mê mà!
Ông Dũng “Vịt bầu” (tên nghe rất văn nghệ nhé), khi còn là cầu thủ thì
chuyện đứng ở vị trí hậu vệ. Hậu vệ thường phải to, khỏe. Hồi ấy ông này to,
hùng dũng và đi đứng cũng hơi … lạch bạch. Mỗi lần đối phương xuống bóng, gặp
ông ấy là né ngay. Chân trái làm trụ, chân phải quét ngang một đường chí mạng.
Không thành công cũng thành nhân. Của phải tội, ít khi hắn đá trúng bóng lắm
nên anh em tiền đạo ngại là phải. Chém đinh chặt sắt thế này, Ba Đẻn gặp chắc
cũng chả vui vẻ được … Tránh ai, chứ tránh ông này (Chỉ là vịt thôi thì chắc
cũng chả xấu mặt nào!).
Sân đá bóng của trường Y Trung lý tưởng quá. Từ chỗ sân bóng nham nhở
trong rừng (ở Đại Từ), mà ra được cái sân này thì oách chứ còn gì. Tuổi 17 bẻ
gãy sừng trâu, quả không có ngoa. Chủ nhật, chúng nó đá bóng suốt cả ngày: Sáng
đá, chiều đá, mưa lất phất đá, mưa xối xả cũng đá. Mới đầu còn mặc quần dài (do
lười và tính khẩn trương), giữa hiệp cởi quần dài, còn quần đùi. Trời mưa cởi
luôn quần đùi, còn quần xì (may mà có quần xì) và đá đến tối mịt mới giải tán.
Ghê chưa! (Không phải phịa đâu, thật 100% đấy). Không biết chừng đêm mà có
trăng, các “bố” cởi luôn quần xì ra để đá ấy chứ.
Trong bài hát “Tổ tâm giao” có tả lính mình ngực nở, bụng thon …, không
phải thầy cố tình đánh bóng tụi nó đâu, mà đúng thực tế như vậy. Anh em mình đã
nói là mê thể thao mà: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ …, xà đơn, xà kép, xà lệch
… đều chơi tuốt tuột. Xà kép là môn thể thao luyện thể hình, chơi cái này
nhiều, tập cái này nhiều thì ngực nở, bụng thon là điều hiển nhiên. Và thấy đưa
“nó” vào bài hát cũng là điều hiển nhiên.
Anh em khoá 3 yêu thể thao đến mức tụi nó tập tạ ầm ầm, huỳnh huỵch
trên lầu (trung đội của Việt Hùng) cả ngày, cả đêm. Tầng trên hưng phấn bao
nhiêu thì bọn ở tầng dưới đau khổ bấy nhiêu. Tập tạ thì phải ăn nhiều. Khỏi
phải lo, vì ở nước bạn, ra căng tin là đã có chao, có kẹo, có đường, lại được
ăn no. Ăn xong là tụi nó trèo lên cân, cân thử độ rày nặng bao nhiêu ký.
Không ai thật giỏi một môn nào để thành tuyển thủ này, nọ nhưng tình
yêu thể thao đã phổ cập trong mọi người (như bây giờ người ta đòi phổ cập giáo
dục vậy …). Các bạn cần thể thao như cần hít khí trời, như cơm ăn, nước uống mỗi
ngày. Bóng đá ư? Ai cũng chơi được. Bóng bàn ư? Ai cũng biết chơi. Các danh thủ
như Trần Thắng Lợi, Thanh Hùng, Việt Thắng, Minh Chính, Hoa Khôi … là các
chuyên gia vợt gỗ và bàn đá đấy. Riêng Thắng Lợi có cây vợt mút Trung Quốc và
bộ dây kéo lò xo ngoại thì không chê vào đâu được.
Nói thế thôi chứ vẫn có những người nỗi trội, sở trường về một nội dung
gì đó:
Vẽ vời thì ai bằng được Cao Quốc Bảo, Thái Chi.
Kịch coọc thì có Xuân Lăng.
Nhào lộn, bơi lặn ai bằng Phi Hùng.
Tinh thông Toán ai được như Thanh Hùng, Đôn Nguyên hay Mỹ Toàn.
Còn đá bóng ư? Đã có Dũng cận, Tăng Bá Khải, Quang Chí và Ngọc Kỳ, Lân
Lư, Trung Nghĩa.
Thầy Khổng tử từng nói với học trò rằng: Trong ba người đi chung với ta
trên đường, thì thế nào cũng có người là thầy của ta đó. Vậy trong đội ngũ của
chúng mình có hơn 200 người bạn ấy, chắc chắn sẽ có vài chục người là thầy của
ta vậy, những người vượt trội như đã nói ở trên, và còn nhiều, nhiều nữa.
Văn thì đã có Trần Hồ Bắc, Trần Trường Chiến, Trần Chí Thọ (mà sao toàn
là Trần nhỉ? Đúng là con cháu nòi của tác giả “Hịch Tướng Sỹ” Hưng Đạo Vương
Trần Quốc Tuấn đây mà!).
Hùng biện thì ai bằng Tuấn Linh, Hữu Dũng. Hai đồng chí này mà “giao
lưu” với nhau thì mất thời gian lắm, giống như Trương Phi đánh với Mã Siêu, cả
ngày vẫn bất phân thắng bại.
Quậy tưng bưng tá lả là “ngài” Mai Tự. Hồi đó, tuổi đó mà có được kiểu
tóc hất ngược về sau là tự sành điệu quá đi chớ!
Phát ngôn chậm mà chắc là Cao Sơn Trà.
Cho vào cối giã không chết là ông Đức Cối.
Nói một phát lên đến giời là ông Đức Kháng. Giờ này thì Kháng đã lên
giời thật rồi. Bọn tôi còn nhắc đến ông thì ông vẫn còn hiện hữu, quây quần với
anh em, bạn bè vậy. Như lần gặp lại ở nhà hàng Bốn Mùa trên bờ biển Nha Trang
đầy nắng gió thôi. (Sinh thời, Kháng cũng là tay mê văn nghệ thứ thiệt đó nghen.
Đã từng cùng Xuân Lý, Quang Hưng, Trần Thắng Lợi biểu diễn rất thành công bài
“Sinh ra trong khói lửa” tại Thủy Tiên karaoke quán ở Nha Trang những năm 1998
… mặc dù suốt 30 năm không ôn luyện gì!).
Yểu điệu thục nữ thì ai bằng Minh Châu, Thu Lương, Hoà Bình.
Đẹp rạng ngời mà không chói loá: Song Yên, Hoài Nam, Kim Thành, vì nước
da bánh mật nên không chói đó thôi?
Tán gái như … chớp thì ai bằng … ; cái này không thể tuỳ tiện được, vì
là sinh mệnh chính … trị nhà của thân chủ. Với lại nó mơ hồ lắm. Nhiều người
chả tán, ve vãn gì mà gái theo nhiều như cào cào, châu chấu …
Còn những người thầy của thầy? Không biết thế này là có mạo muội nhưng
với lòng thành kính, lòng biết ơn, tụi em xin được giao lưu với những người BẠN
LỚN của mình.
Hào hoa phong nhã: Là thầy Chi Phan. Khi cầm phấn viết lên bảng, ngón
tay út của thầy cong vút lên. Nét cong cong ấy nó từa tựa những đường cong nơi
hai đầu mái cái Đền, cái chùa có ở trên khắp đất nước này.
Đẹp trai (12 chân kính) là thầy Bạch Quốc Bính. Mắt sáng, nhân từ. Mũi
thẳng và cái miệng nhỏ xinh xắn duyên dáng mỗi khi thầy chuyện trò và giải Toán
cho bọn em.
Bền bỉ dẻo dai (12 sức ngựa ): Thầy Nguyễn Phú. Tiếng còi báo động để
hành quân hoặc để sáng dậy và chạy dài của thầy nghe như loạt đạn tiểu liên AK
ba phát một. Không ai có thể lần khần, chần chừ được. Vừa xuống cầu thang, vừa
xỏ quần còn không kịp nữa là. Làm sao quên được những biểu tập thể lực, những
biểu chạy dài bài bản do thầy phụ trách. Mệt bở hơi tai, khói xì ra cả đằng …
sau khi về đích (giống máy bay phản lực tăng tốc), thế mà toàn đại đội vẫn đứng
xoạc chân, hay tay bắt chéo đằng sau lưng và miệng hô lớn: “Vì nhân dân phục
vụ!” tới 3 lần, khi được thầy hỏi: “Các đồng chí có mệt không?”
*
**
Đến giờ này “các cụ” đều trên dưới 60 một chút. Không biết có còn yêu
văn nghệ, còn mê thể thao nữa không? Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Gia cảnh mỗi
nhà cũng thế. Vậy xin hãy nghe thử đoạn thoại sau đây, để mà quyết định xem có
còn nên tiếp tục yêu cái này, mê cái kia nữa không nhé.
Hai bà hàng xóm tôi (các bà hàng xóm ở đâu cũng thế thôi) buôn chuyện:
- Này này bà có biết không? Ông xã nhà tôi về hưu rồi đấy.
- Thế thì sao? Sáu mươi rồi, ai mà chả hưu!
-
Những được cái
ổng vẫn chăm chỉ thể thao lắm. Dưỡng sinh này, cầu lông, bóng bàn này. Bơi ếch,
bơi nhái nữa.
- Thế thì tốt, quá tốt là đằng khác. Đừng đàn đúm rượu chè, đề đóm là
được.
- Quan trọng là ở chỗ, giọng hơi chùng xuống, bà này tiếp: Việc nào vẫn
ra việc ấy nhé.
- Hả? Tôi không hiểu.
- À, là cái chuyện một người khẻo … hai người vui ấy mà. Hiểu chửa?
- Ái chà chà! Hiểu, cái này thì tôi hiểu quá ấy chứ. Có phải thế này
không: Thượng tầng kiến trúc thì hưu, hạ tầng cơ sở thì chưa hưu chứ gì? (chưa
có hưu). Nhưng cẩn thận nhé. Một người khẻo hai người vui thì được, chứ đừng 3,
4 người vui cùng thì rách việc lắm.
- Ôi dào! Bà ích kỷ quá, thì cũng phải thế này thế nọ chứ. Nhân bất
thập toàn, nghe chửa? Ông Trời chả cho không ai hết cả đâu. Được cái này thì
phải mất cái kia. Mình có cơm thì hàng xóm cũng có tí cháo. Chỉ sợ rồi thì đến
khi không có cả cám mà ăn ấy chứ. Hì, hì. Bà này liến thoắng phân bua.
- Nỡm ạ, bằng ấy tuổi rồi mà còn tí ta tí tởn!
- À mà còn chuyện này nữa, bà này tủm tỉm, ý nhị.
- Chuyện gì nữa đây?
- Tôi thương ông ấy, thỉnh thoảng có hỏi: Trong người ông thấy thế nào?
Các cơ quan, đoàn thể có … mệt không? Thế mà … bà này bỏ lửng rồi nhìn xung
quanh dè chừng.
- Ông ấy nói sao? Bà kia sốt ruột hỏi dồn.
- Vì nhân dân mà … có sao đâu. Sáu mươi năm, máy móc còn chạy tốt! Bà
này cười hi hi ra chiều đắc ý lắm. Bà kia nghe thế thì tự dưng mắt chữ “A” mồm
chữ “O”, ngẩn tò te một lúc rồi buông một câu: Gớm, nói như nghị quyết chi bộ
ấy. Đang sung đang sướng tự dưng lại chen … nghị quyết vào …
Thấy hai bà “buôn dưa lê” đang hăng say, mình không dám dây. Nhưng bụng
lại bảo dạ: “Ông” đây, ngày nào chả hô “Vì nhân dân” mà những 3 lần cơ đấy, còn
chả ăn ai nữa là. Mới có tí xíu thì nhằm nhò chi.
Trộm nghĩ, nói gì thì nói, “câu này” anh em mình quá quen còn gì, từ
tấm bé ấy chứ và thực sự nghiêm túc mà hồi tưởng. Lời của thầy Nguyễn Phú kính
yêu của tất cả chúng ta vẫn còn vang vọng đến tận bây giờ. Và lúc này đây,
chúng em sẽ ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng, nắm tay phải đặt vào bên ngực trái và
đồng thanh hô lớn: “ Vĩnh biệt Thầy, chúng em xin thề VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ!”.
Lê
Xuân Lý (Nhím)
Nha Trang 22 – 12- 2011
Đón Xuân Nhâm Thìn
H S khóa 3