3/ QUẾ LÂM NGÀY GẶP LẠI
Lại nói về chị Niệm, chị đến đón chúng tôi chậm khoảng 1 tiếng kể từ khi chúng tôi xuống xe. Nguyên nhân là do chị bận quá nhiều việc chuẩn bị cho các đoàn VN sang. Đúng là có thổ dân vẫn hơn, chị thuê cho chúng tôi khách sạn ngay tại trung tâm với gía không cao lắm. Khách sạn mang tên Hoa Thuận, ở ngay góc đường Đông Phương Mỹ Lộ, lớn nhất Quế Lâm, chếch góc bên kia đường là Bách hoá Đại lầu, đoạn đường này hàng đêm dành một nửa sát với khách sạn làm chợ đêm. Sau khi nhận phòng và tắm rửa, chị Niệm đưa chúng tôi sang nhà hàng lẩu dê sát ngay bên hông khách sạn. Hôm nay trưởng đoàn Nguyễn Thắng cho cả đoàn uống rượu “Ông lão Quế Lâm”, rượu khá ngon nên sau khi hết một chai cả đoàn biểu quyết uống thêm một chai nữa. Thức ăn hôm nay có món cá đặc sản Quế lâm và món dê núi cũng đặc sản luôn. Hoàng Sơn nhất quyết đòi cho được món chao Quế Lâm, món thức ăn đã gắn liền với tuổi trẻ của chúng tôi cách đây 40 năm. Chao Quế Lâm, mặc dù trông bề ngoài không đẹp bằng các loại chao công nghiệp khác, nhưng quả là rất ngon nên sau khi ăn xong, còn thừa nửa lọ, Hoàng Sơn thủ ngay về để dành cho các bữa sau. Trong bữa ăn các câu chuyện đều xoay quanh những ký ức và kỷ niệm về những ngày thơ ấu ngày xưa. Có lẽ những ký ức của Quốc Tấn là ấn tượng nhất vì hồi đó thuộc thành phần cá biệt, thế mà bây giờ là đại tá Quân đội Nhân dân, rất chững chạc nhưng cũng rất quậy như những ngày xưa.
Ăn tối xong mọi người đi chơi chợ đêm. Chợ đêm bán rất nhiều thứ đồ lưu niệm, nhiều thứ khá bắt mắt. Có lẽ trong bài viết này không thể mô tả được. Tuy nhiên có một vài thứ rất ấn tượng như bộ đồ dùng của Hồng vệ binh, gồm huy hiệu bác Mao, mũ vải tô châu, túi dết, băng hồng vệ binh; các tranh thuỷ mặc vẽ về Quế Lâm; các loại triện tên bằng đá ... ôi nhiều thứ lắm. Trước khi đi Nguyễn Thắng dặn đừng mua gì nhiều, để dành về Thâm Quyến và Quảng Châu mua, vì vậy tôi chủ yếu đi ngó chứ không mua một thứ gì, sợ rằng vừa vác nặng vừa chưa hẳn đã là thứ hay nhất, rẻ nhất. Sau này cũng thấy hơi tiếc vì có nhiều thứ muốn mua chỉ thấy ở chợ đêm Quế Lâm.
Vừa đi được một đoạn trong chợ chúng tôi gặp lại Dương Đức Hải khoá 8 và các bạn các khoá 5, 7, 8 và C11 trong đoàn của Thầy Chi Phan và Kiến Quốc, đoàn “cao cấp” của chuyến gặp gỡ này. Thế là tay bắt mặt mừng, chụp ảnh, quay phim loạn xạ. Đi được đoạn nữa gặp luôn tốp thứ 2 của khoá 3 gồm Phi Hùng, Trung địa chủ, Đồng tiến, Cao Long Tỉnh, Trần Đào Hà Đông và con trai của Tỉnh đã học ở Trung Quốc, đi làm Phiên dịch cho bố.
Như vậy là vào tối 25 tháng 10 năm 2007, toàn bộ 4 tốp với tổng số gần 100 cựu thầy trò trường Trỗi đã hội quân đầy đủ ở Quế Lâm; không phải tất cả, nhưng dại diện của 4 tốp đã gặp nhau tại chợ đêm Quế Lâm, không khí gặp gỡ thật sôi nổi và vui vẻ, đây quả là một cuộc gặp gỡ hiếm có trên đời.
Sau khi đi xem hết chợ đêm tất cả khoá 3 ( những người đi Quế Lâm trong dịp này ) đã kéo nhau lên phòng của Thịnh – Hùng tộ - Cảnh Nghĩa. Mọi người đều vui vẻ hồ hởi, các câu thoại trêu chọc nhau làm náo động cả phòng, nhiều lúc tranh nhau nói nên chẳng có ai nghe cả, vui ơi là vui. Nói chuyện một lúc, đoàn của Phi Hùng chia tay về khách sạn của mình, hẹn gặp lại sáng mai tại trường Y Trung.
Nửa đêm hôm ấy toán của chúng tôi kết nạp thêm 3 thành viên, hai cô con gái của Thịnh là Hiền và Liên, ngoài ra còn có thêm một cậu bạn trai là Hưng tháp tùng. Các cháu học ở tận Vũ Hán, đi xe suốt đêm để đến gặp bố thật là cảm động.
Sáng 26/12, đoàn chúng tôi chia làm hai tốp, một tốp gồm Thuỷ vợ và Xuân con trai Tấn, Quyết và Tâm hai cô em họ Tấn, hai cô con gái và bạn con gái Thịnh, Vợ chồng A Sầu và Lan đi mua sắm; một tốp gồm Thắng, Minh, Thịnh, Tấn, Nghĩa, Sơn, Tường, Hùng tô và chị Niệm trực chỉ trường Y Trung tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường. Khi đến nơi không nhìn thấy cảnh cũ của trường Y Trung ngày xưa cũng hơi buồn. Trường ngày xưa bây giờ họ lấy làm trường cao đẳng du lịch. Trường Y Trung chuyển về địa điểm mới cách trường cũ khoảng gần hai cây số.
Trước cổng trường không khí thật là náo nhiệt. Đội nghi lễ của trường gồm khoảng 30 học sinh xếp hàng ngay ngoài cổng, mỗi khi có khách đến đều nổi trống và nhạc chào đón rất hoành tráng. Các cựu học sinh của trường đợi nhau ngoài cổng và xếp hàng qua cổng vào khu tiếp đón. Nhìn vào trang phục cũng có thể nhận thấy họ thuộc rất nhiều tầng lớp khác nhau, sang có, bình dân có, tuy nhiên gặp nhau tay bắt mặt mừng rất là phấn khởi.
Tốp của chúng tôi đến vào loại sớm nhất và đúng như thời gian hợp đồng trước đó. Xe của tốp Thầy Chi Phan và Kiến Quốc đến muộn nhất vì có trục trặc về chía khoá phòng. Cuối cùng thì đoàn Việt
Lực lượng quay phim, chụp ảnh của đoàn ta khá hùng hậu vì đây là thời kỹ thuật số, các máy ảnh, máy quay cứ vô tư tác nghiệp không sợ tốn phim. Nếu có điều kiện thu thập toàn bộ các kết quả chụp và quay phim thì chúng ta có một bộ sưu tập rất hay và đồ sộ.
Kết thúc buổi lễ là nghi thức đánh chuông. Tất cả các quan khách chủ tịch đoàn đều tham gia nghi thức này.
Sau lễ chính thức, tất cả các quan khách được mời đi tham quan trường và tham gia lễ cắt băng khánh thành khu lưu niệm, trong đó có tượng của người sáng lập trường cách đây 70 năm.
Sau khi tham quan toàn bộ cơ ngơi của trường, trong người tôi thấy một sự chạnh lòng khó tả. Một trường trung học dưới cấp tỉnh, nhưng những điều kiện vật chất thì ngay cả các trường đang gọi là quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể bén gót. Không nói đến cơ ngơi phòng học, phòng thí nghiệm rất đầy đủ khang trang, trường có một sân vận động hiện đại, một nhà thi đấu có thể so sánh với các nhà thi đấu của nghành thể thao nước ta. Còn ở nước ta, suốt ngày báo chí nói về nghành giáo dục, nhưng chẳng thấy chuyển biến gì. Theo tôi được biết, các trường đại học của TQ cơ ngơi rất hoành tráng, ví dụ trường Đại học Vũ Hán có diện tích rộng trên 400 ha, đi lại trong trường bằng xe buyt, trường Đại học công nghệ Nam Kinh có diện tích 184 ha, trong khi đấy ở Tp. Hồ Chí Minh, trường Đại học Sư phạm, trường Đại học khoa học tự nhiên thì chật ních, không có lấy một sân bóng đá cho sinh viên, không có chỗ để triển khai môn giáo dục thể chất cho đàng hoàng ngoài cái nhà thi đấu bé xíu. Cái đấy có lẽ do tầm nhìn, trong khi đất dành cho các mục đích khác được phê duyệt khá nhiều thì đất và kinh phí dành cho đào tạo các máy cái là con người thì hình như được xem rất nhẹ.
Trước khi tạm biệt trường Y Trung, thầy trò trường Trỗi cùng ban giám hiệu nhà trường trồng cây và gắn biển lưu niệm xác nhận sự có mặt của thầy trò trường Trỗi tại đây trong năm 1966 -1967. Việc trồng cây và gắn biển được tổ chức đơn giản nhưng thắm tình hữu nghị, lính Trỗi tranh nhau ghi lại những hình ảnh này đồng thời cố gắng có mình trong ảnh.
Buổi trưa cháu Hoa dẫn cả đoàn đi ăn đặc sản. Tại đây Hoàng Sơn vẫn còn mang theo lọ chao còn lại bữa trước. Mặc dù ăn cơm đặc sản nhưng cơm với chao vẫn ngon.
Buổi chiều, đoàn lên xe trực chỉ trường mới. 40 năm đã trôi qua, mọi thứ đều thay đổi, phải hỏi thăm vài lần, xe chúng tôi mới tìm tới được. Trong khuôn viên trường có nhiều công trình mới so với hồi chúng ta đang sống tại đây, tuy nhiên, bên ngoài thì phát triển tương đối lộn xộn, na ná như ở VN. Không còn khoảng trống trước cổng trường nơi mà ngày xưa khoá 3 đã từng ngồi im trong mưa để xem các bạn TQ biểu diễn văn nghệ. Tinh thần kỷ luật của khoá 3 lúc đó thật là đáng khâm phục, không ai bảo ai nhưng mọi người ngồi im chịu ướt dưới mưa để xem văn nghệ, tinh thần ấy làm cho các bạn diễn viên lúc đó cũng không nỡ dừng buỗi diễn và tiếp tục diễn trong mưa. Đoàn của chúng tôi đến sớm nhất, trong khi chờ đợi chúng tôi tranh thủ đi tham quan một vòng quanh trường. Các cháu sinh viên nhìn thấy chúng tôi rất ngạc nhiên, mà ngạc nhiên là đúng vì họ có biết chúng tôi là ai mà cứ chỉ chỉ chỏ chỏ ở trong khu vực nhà trường. Những công trình từ trước đây còn lại gồm có bể bơi, hai nhà của khoá 3 và khoá 5, nhà thư viện, nơi mà thầy trò chúng tôi sẽ trồng cây lưu niệm ngay sau đó. Thầy hiệu trưởng của trường Cao đẳng công nghệ hàng không hứa sẽ giữ lại nhà thư viện này để làm kỷ niệm, thật là cảm động. Cũng như ở trường Y Trung, buổi trồng cây và gắn bia lưu niệm diễn ra đơn giản nhưng thắm dượm tình thân thiện, hữu nghị. Cũng như buổi sáng, Kiến Quốc đứng ra bắt nhịp bài hát truyền thống “ Việt Nam Trung Hoa”.
Sau lễ trồng cây ở trường mới, đoàn chúng tôi được cháu Hoa dẫn di thăm Dương Sóc. Đoàn đi Dương Sóc kết nạp thêm một thành viên mới người TQ, cháu tên là Thanh, bạn của các cô con gái Thịnh. Thanh khá xinh gái, người Liễu Châu, đang làm việc tại Quế Lâm. Điều đặc biệt là cô bé này có người yêu là người VN, quê Sơn Tây, cháu chuẩn bị về làm dâu VN. Vì chuẩn bị lấy chồng VN nên cháu đã tự học tiếng Việt bằng phương pháp giao lưu với người Việt, tiếng Việt của cháu khá tốt.
Ngày hôm sau cả đoàn đi thăm động Thất tinh. Trong đoàn từ khi có hai cô con gái của Thịnh tham gia có phần sinh động hơn. Các cháu rất sôi nổi, quậy cũng tưng bừng không kém các chú các bác ngày xưa.
Từ động Thất Tinh về chúng tôi trả phòng và tách đoàn. Doãn Thịnh và các cô con gái đưa Cảnh Nghĩa đi thăm Bắc Kinh và Vũ Hán. Số còn lại chuẩn bị lên đường đi thăm Thâm Quyến.
Tôi cũng muốn viết nhiều về Quế Lâm nhưng các bạn khác đã viết khá đầy đủ và hình ảnh rất sinh động nên thấy viết nữa là thừa mà không hay bằng những bài đã đăng. Bạn nào muốn tìm hiểu xin mời vào blogbantroi, xem các bài đăng trong tháng 11 năm 2007, rất nhiều tin hay và bổ ích, thậm chí có rất nhiều hình ảnh đẹp.
Theo tôi hiểu thì hũ rượu "lão Quế lâm" (nghĩa "trực tiếp") có lẽ không phải là "ông lão Quế lâm" mà có thể là "Quế lâm xưa". Tôi thấy mấy bác Tàu, bạn bè cũ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hồ hởi gọi nhau là "lảo phấng zẩu" (lão bạn hữu) tức "bạn cũ, bạn xưa". Họ gọi mình bằng cụm từ này, có nghĩa là họ xem mình là rất thân thiết, tin tưởng.
Trả lờiXóaChỉ để tham khảo.
HCQuang K4