Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Nửa vời nhà ống


Có những từ giờ người ta hay dùng nhưng khác hẳn nghĩa gốc, mà “gốc” chỉ mới mọc lên chừng hơn trăm, chừng vài chục năm nay, chứ nào phải Hán Việt xa xưa gì. Chẳng hạn “biệt thự”, vốn được hiểu là kiểu gì cũng phải có vườn, bây giờ “nới rộng” ra cho cả khu đất to chèn nhà kín, không còn chỗ cho cây mọc. “Nhà ống” bây giờ chỉ nhà lô, sản phẩm của cách chia đất theo điểm công chức của cơ quan nhà nước, chừng dăm chục mét vuông, thường hình chữ nhật, xây ba bốn tầng nhà cho một gia đình hai thế hệ ở. Không gian riêng cho từng cá thể, buồng vợ chồng, con cái, không gian chung – là bếp núc, phòng khách, chỗ thờ cúng… đều có cả. Vì kiểu gì cũng là mấy tầng nhà chồng nhau trên lô đất chữ nhật nên muốn kiểu cách gì thì muốn, đại thể cũng không thể phá cách, tưởng tượng nhiều quá. Quanh đi quẩn lại hàng xóm chỉ khác nhau cái chi tiết. Có những cái tên khá hay đặt cho nó: ”nhà công – ten – nơ” - nếu thẳng đuột từ trên sân thượng xuống, hoặc “bao diêm có mái”. Nhiều nhà loại này là quà của thời kì cuối cùng nhà nước phân đất cho công chức, rồi họ xây nên những “ngăn ở” khá tiện nghi trong đó. Ở đây, chỉ nói về loại nhà ống truyền thống xuất hiện cách nay hơn trăm năm trong khu Ba sáu phố phường Hà Nội, có người Tây gọi “maison de tunnel” - chứ không phải “ maison de tube”. “Nhà đường hầm” hay “nhà ống”, thôi thì cũng bí cả. Vâỵ mà nó lại là hình thái nhà đô thị chủ yếu của Hà Nội trong một thời gian dài.
  1. Nhà ống Hàng Đường Hàng Bạc Bát Đàn Bát Sứ thường hai tầng, tường gạch chịu lực xây xi măng, lợp ngói. Phần gỗ khá nhiều, nhất là sàn tầng trên, tức là pha giữa vật liệu Tây với các thứ ta trồng được. Thật nhiều chức năng chen nhau. Tầng dưới có cửa hiệu, giếng giời, những đợt nhà ngăn cách qua khoảng sân, là chỗ ở của từng gia đình thành viên. Thể nào cũng có khoảng không thông lên gác, lan can đủ thấp để câu hàng lên, đủ cao để trẻ con không ngã. Khám thờ kín mít, ít khi có cửa sổ. Vài ba mái ngói châu vào nhau, có miếng kính lấy ánh sáng. Không gian riêng ít, thành thử vợ chồng anh, em nghe, nhìn lẫn nhau, mẹ chồng riếc thì ba bốn nàng dâu cùng “quán triệt”. Đại gia đình ăn một mâm, xong các bà dành nhau rửa bát, kiểu “Chị để em!”- “Cô để đấy, tôi khoắng cái là xong ấy mà…”. Nhưng đố ai dám “nhường “ ngay. “Ăn “ nguýt là cái chắc!
   2. Ra đời thời thuộc địa, nhà ống Ba sáu phố phường phải dân có máu mặt mới xây sắm nổi, nghĩa là không buôn bán cũng phải công chức ra gì. Nhưng dù có máu mặt, mang tiếng dân hàng phố, họ đều còn họ hàng hang hốc dây dợ lằng dằng ở quê, tập tục, lề thói chưa xa với ngôi làng gốc rễ lắm. Nói nhà ống là sản phẩm của giai đoạn thuộc địa hoá, hình thành đô thị cũng đúng. Nhưng cũng đúng là nó bộc lộ sự nửa vời khi người đồng bằng sông Hồng chuyển lên quần cư ở Hà Nội, bỏ lại ruộng đất, nhà thờ, mồ mả ở quê cho họ hàng trông nom. Nói cách khác, nhà ống là cái gạch nối từ ngôi nhà gia tộc ở quê, thường hình chữ U, vài bốn, thậm chí dăm bẩy gia đình thành viên quây quần quanh từ đường, nay "chuyển lên" kiến trúc Tây, có nhiều buồng kín, thông nhau qua hành lang chung.
Đặc điểm của đô thị là các cá nhân rất độc lập, sống tuân thủ “phép vua” – tức luật pháp- hơn “lệ làng”, tức những quy ước, nề nếp ở hương thôn. “Ra tỉnh” tức là quan hệ cha con, họ hàng, làng xóm phải “bay đi ít nhiều”, nhường chỗ cho cẩm, “pu lít”. Bạ đâu cũng vứt rác, xây cất tuỳ ý là không được. Xóm giềng đụng nhau không phải cứ tuổi cao hay vai trên là có lí… Lại không thể có chuyện hè nhau “đánh bỏ mẹ thằng tổng trên đến ve gái làng ta” hay cậy gần nhà, bởi ra khỏi nhà là không phải “làng mình” nữa rồi. Và chào ông ấy bà nọ một câu, hôm sau gặp lại không thấy người ta hỏi trước cũng không thể trách cứ.
Những lối cư xử ấy, dù chưa thành chuẩn mực bắt buộc ngay, vẫn làm người mới thành anh tỉnh thành bị ngợp. Tâm lí co cụm nảy sinh. Các làng nghề hình thành trên cơ sở hợp tác kinh tế, như Đan Loan ra Hàng Đào, Đại Bái đến Hàng Đồng, Đồng Sâm ở Hàng Bạc…. Buôn có bạn bán có phường mà, chắc nơi nào trên thế giới cũng vậy. Nhưng thể nào trong sự kết bè ấy cũng phải có lí do co cụm. Tỉnh không sẵn thần linh, vả có cũng không phải vị của làng mình. Vậy thời không gì bằng lập lấy đình làng mới, đem thành hoàng gốc ra thờ. Bàn thờ họ, thờ tổ cũng bấy nhiêu hoành phi câu đối cuốn thư chép lại ở chốn cũ. Và rủ nhau, những họ hàng làng xóm ra cùng làm ăn, giúp việc. Giỗ chạt, hội làng không về quê, nhìn quanh, vẫn thấy người cùng quê, chả tin cậy, đầm ấm hơn à…
Nhưng sự “tìm về cội” ấy cũng có mặt hạn chế của nó. Đầm ấm quá thì tính cách khó bề phát triển. Cá nhân luôn thấy chật hẹp, bị ức chế trong khuôn phép thì khó sáng tạo. Sự sáng tạo luôn bắt nguồn từ một cá thể. Cái mới, trong một khoảng không ninh ních quy ước cộng đồng không dễ ló ra, có nhẽ “hơi bị giống “ mầm cây mọc từ đá. Anh thợ tài hoa nhưng lắm tài lắm tật, khi tìm tòi một mẫu hoa văn mới, liệu có qua mắt được ông trưởng phường kiêm trưởng họ trưởng tộc, kiêm luôn người bảo trợ, thầy nghề? Sau lưng bậc gia trưởng là một khối chắc nịch những quy ước đạo đức, cách cư xử của cộng đồng. Chỉ cần đem những khuyết điểm sinh hoạt ra soi, anh ta “thi” không đỗ là cái chắc.
Gia phong thì gần gụi. Xa tít tắp mới là phép nước. Vậy nên “Tây “ có câu “Hà Nội là cái làng lớn”. Lại một nhận xét khác thật “tây”: “ Sự hình thành trên cơ sở các làng nghề làm chậm quá trình đô thị hoá của Hà Nội”.

TTC-K3
(còn tiếp)
Minh họa: Hàng Buổm - tranh cắt giấy cũa Bùi Xuân Phái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.