T. T. Chiến mời mọi người xem cái này.
"Con gái mình vốn là lính của Đặng Kim Sơn, Trỗi dưới. Nó đang làm thạc sĩ bên Úc, xã hội học gì đó (mình chả hề muốn nó dính vào xã hội), gửi chú Sơn và nhân thể cho mình luôn. Mình không biết những tiếng Anh trong này, nhưng thấy cái nhìn của cháu lạ lạ…"
Cháu chào chú ạ,
Cháu Hà lớn bên CAP đây. Chú dạo này có khỏe không ạ? Cháu nghe mọi người kể chú thỉnh thoảng có ghé qua Trung tâm hỏi thăm Toilet paper nên cháu viết thư báo cáo tình hình cho chú đây. Cháu đang học Development Practice ở University of Queensland . Cháu thấy học nhiều cái rất hay, bây giờ có thời gian ngẫm lại những cái mình ở nhà vẫn cho nghiễm nhiên là đúng, mới thấy mình hồi xưa ngây thơ. (Bây giờ chắc cũng chỉ khá hơn một chút). Cháu có một vài suy nghĩ về phương hướng phát triển ở Việt Nam muốn chia sẻ với chú, chỉ cần chú đọc thôi, không cần hồi âm cũng được.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn hô hào "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" để đất nước "phát triển". Vậy "phát triển" là gì? Có vẻ như cách hiểu thông thường nhất vẫn là tiến lên cho bằng các nước phương Tây, tức là chúng ta giả định có một con đường tiến từ thấp lên cao, trong đó Việt Nam đang ở thấp và Tây ở cao. Để "phát triển" thì phải công nghiệp hóa, và theo như lập luận về Tam Nông của chú thì công nghiệp hóa trước hết phải đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Như vậy "phát triển" ở đây đồng nghĩa với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Kèm theo đó có thể có một số chỉ tiêu về giáo dục, y tế, v.v.
Nhưng trên thế giới có bao nhiêu dân tộc, mỗi dân tộc có một lịch sử khác nhau, văn hóa khác nhau, tại sao tất cả lại cần hướng tới một cái đích giống nhau? Những người làm trong ngành 'phát triển' chúng ta vào ngành với một lý tưởng rất cao thượng là giúp những người nghèo khổ, nhưng một câu hỏi chúng ta cần đặt ra là tại sao chúng ta lại nghĩ họ cần giúp đỡ? Vậy trước khi có chúng ta, họ sống trong đau khổ ư? Chúng ta tự giải thích cho sự can thiệp của chúng ta vào đời sống của họ bằng cách nhìn vào nửa vơi của cốc của họ: thu nhập họ kém hơn, họ không được đi học, họ không được ăn cơm ngon, không có dịch vụ y tế hiện đại, v.v. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nhìn vào nửa đầy của cốc và tự hỏi: liệu có một cách 'phát triển' nào khác, ngoài cách 'phát triển' chúng ta thường hiểu không? Liệu xã hội truyền thống có cách hoạt động riêng của họ nằm ngoài cơ chế thị trường không? Liệu những phẩm chất như thật thà, đoàn kết, gắn bó cộng đồng có thể được giải thích bằng cái gì khác ngoài khái niệm "reciprocity" của kinh tế không?
Có một ví dụ vui như thế này: Có một quán nước ở Nhật, trong đó người đến mua trả tiền cho đồ mình gọi, nhưng lại nhận được đồ của người trước mua. Tức là nếu mình đến mua nước cam, mình sẽ trả tiền cho nước cam nhưng lại nhận được cốc sô cô la nong của người đến trước. Nếu theo đúng như lý thuyết về self-interest và rationality của kinh tế thì ai cũng chỉ gọi một cốc nước lọc để trả tiền ít nhất. Nhưng trên thực tế không ai làm thế, rất nhiều người gọi đồ uống đắt tiền để người sau, người hoàn toàn xa lạ với mình, được thưởng thức. Rõ ràng cần có một cái nhìn nhân tính hơn về con người, chứ không thể coi những phẩm chất đạo đức là cái gì đó quá lãng mạn trong nền kinh tế thị trường.
Cháu thấy sự tập trung vào phát triển kinh tế hiện tại rất nguy hiểm vì nó bỏ qua các yếu tố khác cũng hết sức quan trọng với đời sống con người. Amatyr Sen có nói "economic development should not be viewed as an end in itself but a means to achieve a wider set of objectives". Chỉ nên tập trung phát triển kinh tế nếu nó mang lại hạnh phúc cho con người. Bản thân chúng ta thường nghĩ giàu có sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng con người (nhất là người Kinh) thường suy nghĩ như thế này: “Tôi phải làm việc chăm chỉ để đạt được thu nhập X, để mua được nhiều thứ hơn. Nhưng khi tôi đạt đến thu nhập X, tôi vẫn chưa thỏa mãn, rõ rang tôi phải cố hơn nữa để đạt được thu nhập Y”. Như vậy là sự thỏa mãn, sự hành phúc của con người không phải tỷ lệ thuận với phát triển kinh tế. Người giàu chưa chắc đã hạnh phúc hơn người nghèo. Vậy thì giàu lên để làm gì? Đây nghe có vẻ như một câu hỏi rất ngớ ngẩn, vì từ bé đến lớn chúng ta đều được dạy là lớn lên phải đi học, phải vào đại học, phải đi làm, phải giàu lên, nhưng chúng ta không bao giờ tự thách thức những giả định mà chúng ta coi là nghiêm nhiên này.
Cháu lấy ví dụ về người dân tộc thiểu số mà chúng ta thường coi là lạc hâu, nghèo đói, tự ti, lười biếng và ỷ lại. Chúng ta dung chính sách để ‘nâng’ họ lên ngang tầm của chúng ta. Chúng ta sử dụng một loạt thước đo do chúng ta đặt ra (mà đúng hơn nữa là do ‘Tây’ đặt ra) để đo họ và rút ra kết luận là họ đang ‘thụt lùi’. Cháu thấy những thước đo này giống như thi Olympic: nước nào chủ nhà thì nước đó được chọn môn chơi và thường đạt nhiều huy chương vàng nhất. Chúng ta nghĩ ra thước đo, đương nhiên chúng ta sẽ thắng. Nhưng chưa ai nhìn vào điểm mạnh của người dân tộc thiểu số (tất nhiên là tùy từng dân tộc, không thể vơ đũa cả nắm được): đoàn kết, khả năng hưởng thụ cuộc sống, trung thực, tự do v.v. Nếu chúng ta lấy những ‘chỉ tiêu’ này làm thước đo, chắc chắn chúng ta mới là những người kém phát triển.
Năm ngoái cháu có đi Bình Thuận làm Participatory Poverty Assessment, có nói chuyện với bà con người Raglay, J’Rai, Chăm. Lúc đầu họ than phiền về hoàn cảnh, cũng tự ti, nhưng khi cháu hỏi về văn hóa, hỏi “ở đây có vui không?” thì họ đều nói rất vui. Đi làm xong sang nhà bà con hàng xóm nói chuyện, sống trong rừng thì tự do, thoáng mát. Họ cũng không cần làm nhiều, vì họ tự hài long với cuộc sống của mình (cái mà người Kinh gọi là lười biếng và thiếu ý chí vươn lên). Trong khi cháu hỏi nhóm người Kinh không nghèo thì họ đều nói cũng không vui lắm, cuộc sống bình thường. Bản thân những người ‘giàu’ chúng ta, có mấy ai tự nhận là hạnh phúc. Đi làm cả ngày, tối về ăn cơm qua bữa, rồi người nào vào phòng người nấy. ‘Phát triển’ như vậy liệu có cô đơn quá không?
Thực ra trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về phát triển, nhưng định nghĩa cuối cùng được chọn qua một quá trình giằng co về mặt chính trị. Người nào mạnh người đó có quyền định nghĩa phát triển, văn minh. Nếu xét về lịch sử ‘phát triển’ thì năm 1940 – 50, phát triển được coi là “phát triển kinh tế”, chỉ tiêu này do WB đặt ra. Sau đó cách định nghĩa này bị phê bình vì quá hạn hẹp, và UNDP đã phát triển thêm “Human Development Index” vào những năm 1980s. Đây là những ‘chỉ tiêu’ làm thước đo nhận loại. Nhưng ngoài những định nghĩa được công nhận này còn có một số cách định nghĩa khác như: “self-sustenance, self-esteem, and freedom” (Goulet) hoặc đối với cháu, “phát triển” có nghĩa là “khả năng mưu cầu hạnh phúc”. Vậy cháu nghĩ vấn đề phát triển hiện nay không phải là làm thế nào để kéo được những người ‘disadvantaged’ ra khỏi hoàn cảnh của họ, mà làm thế nào để họ được quyền định nghĩa ‘phát triển’ theo văn hóa, cách nhìn của họ. Đây là vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, chứ không nằm trong vòng kiểm soát của kinh tế nữa.
Cháu gửi kèm đây bài luận của cháu về Chương trình 135 giai đoạn, trong đó cháu lập luận là “nghèo đói” không phải là vấn đề cần giải quyết và chỉ tập trung vào nghèo đói có nghĩa là chúng ta đã bỏ qua những chỉ tiêu khác mà bản thân cộng đồng, dân tộc đó coi trọng. Vô hình chung, xóa đói giảm nghèo đã khiến người dân tộc thiểu số chỉ nhìn vào nửa vơi của họ và trở nên tự ti, ỷ lại. Cháu đọc thấy Viện mình có quỹ phát triển miền cao, vùng sâu vùng xa, nên cháu thử gửi bài xem có đóng góp được gì không.
Cháu nhớ hồi trước chú có kể cho bố cháu là sau khi chú tốt nghiệp Đại học nông nghiệp xong, chú viết một lá thư liệt kê 10 điểm yếu của trường. Thôi thì coi như đây là lá thư liệt kê điểm yếu của ‘phát triển’ của cháu vậy.:-).
Cháu mong chú khỏe.
Hà