Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Về hồ Gươm hơn 20 năm trước


Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910 – 1989) tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khoá VII, làm Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội từ năm 1962 – 1975. Sách “Dấu ấn thời gian” mới ra ở NXB Khoa học kĩ thuật tập hợp nhiều tư liệu quý giá ông để lại, trong đó có “Kiến nghị về hồ Gươm” ông làm cùng Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Quang năm 1987. Về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (đã mất), nguyên giám đốc NXB Ngoại văn, chúng ta đã biết đến với vai trò giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Người thứ ba, ông (?) Nguyễn Quang, người soạn sách rất tiếc chưa tìm ra, cũng như không biết công trình chung trên đã xuất hiện, tồn tại, có hiệu quả ra sao.
“Kiến nghị…” trình bày dưới dạng những bức ảnh chụp hồ Gươm kèm lời bình, phân tích và cách giải quyết những vấn đề quanh “lẵng hoa giữa lòng thành phố”. Để hiểu thêm một giai đoạn, và nhận thấy cách ứng xử với khu vực nhạy cảm, giàu truyền thống này đến hôm nay vẫn còn những thái độ khác nhau, chúng tôi giới thiệu phần chữ trong công trình trên.
*
“Trong một thành phố có những khu nói lên sự oai nghiêm của Nhà nước, có những khu tập trung buôn bán giao dịch, có những khu công nghiệp rộn ràng, có những khu hiện đại với những đại lộ và nhà cao tầng. Nhưng nếu thiếu một khu như bờ hồ Hoàn Kiếm, là thiếu một yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên cảnh sắc của thành phố và tính cách con người ở thành phố ấy”.
“Bao lần trứơc lúc ra về, tôi muốn thoáng nhìn qua cảnh hồ, nhưng trong nhiều năm một cửa hàng bán hoa đã bịt kín tầm nhìn. Nếu tính ra trong nhiều năm đến mấy chục vạn người sau cơn sốt dấy lên trong cửa hàng Bách hoá Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza - HĐ), vì quầy hàng hoa oan nghiệt ấy, đã mất đi một liều thuốc an thần quý giá”.
“Chúng ta hết sức hoan nghênh quyết định phá bỏ quầy bán hoa trước cửa hàng Bách hoá: đây là áp dụng một phương châm cơ bản trong việc bảo vệ và phát huy tính độc đáo của cảnh sắc Bờ Hồ. Nhất thiết không xây dựng những gì ngăn cản người ta nhìn ra toàn cảnh Bờ Hồ… Con người thành phố sống chen chúc giữa những dãy nhà cao, tầm nhìn thường xuyên bị những bức tường bịt lại không mấy khi được nhìn ra xa, nhất là trên một mặt nước long lanh in bóng trời xa rộng; nay có một nơi nằm ngay giữa thành phố không cần đi xa, để có thể cho con mắt tức tâm hồn mình thoát khỏi cảnh chật chội tù túng hàng ngày, mà ta lại bịt đi, trong lúc hô hào con người Hà Nội phải giữ lấy truyền thống thanh lịch”.
“Các nhà cửa của cơ quan hay tư nhân không những chỉ cần chăm chú đến tầng dưới có mặt ra đường, còn phải quan tâm đến mỹ quan của các tầng trên; đặc biệt không phơi quần áo, và tốt nhất nên có những dàn cây, dàn hoa hoặc trang trí mang tính dân tộc. Trên các mái nhà cũng không thể cho mọc lên những cột với dây nhợ chằng chịt”.
“Vẻ đẹp của thiên nhiên, chiều sâu của lịch sử, nếu mất hai đặc tính ấy, thì không còn là Bờ Hồ nữa. Hà Nội đang trên đà xây dựng, nhưng Bờ Hồ là một khu vực đặc biệt, phương châm là bảo vệ tuyệt đối tính độc đáo của khu này. Chỉ cần năm bẩy nhà cao tầng bằng hoặc cao hơn toà Bưu điện, trên mỗi toà lại chằng chịt điện đài, thì hồ Hoàn Kiếm chỉ còn là cái ao, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn chỉ còn là những chuồng nuôi bồ câu, cầu Thê Húc chỉ còn là nơi ra ngồi vo gạo, rửa rau muống”.
“Tạo ra những tượng đài không thể chỉ để ý đến mỹ quan của bản thân nó, mà phải chú ý đến việc tượng đài ấy có hài hoà với cảnh sắc chung quanh không. Như cạnh cây đa và đền Bà Kiệu đặt một tượng đài kiểu hiện đại quả là không phù hợp”.
“Với những phương tiện xây dựng hiện nay, có thể xuất hiện nhanh chóng những toà nhà 10 – 15 tầng… Rồi những người buôn bán đua nhau dựng lên cửa hàng, quán rượu, tiệm ăn. Nhà nước và tư nhân, mỗi cơ quan, mỗi người xây dựng và trang trí theo kiểu cách riêng, quang cảnh Bờ Hồ sẽ hỗn tạp như một chợ trời”.
“Những cơ quan lớn tiến lên hiện đại không thể xây dựng bộ phận mới ở khu này. Chỉ giữ ở đây một bộ phận liên lạc, tiếp tân, còn xưởng máy móc, điện đài, ga ra ô tô, hoặc các phòng thực hiện chức năng của các ngành cần tập trung lại trong một trụ sở hiện đại, xây ở một khu sau này sẽ là Trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế”
“Cửa hàng không được nhếch nhác, lộn xộn, mà còn phải được trang trí thanh nhã mang tính dân tộc rõ nét. Không được phép hiện đại hoá vô tội vạ… như ở Sài Gòn cũ hay ở Băng Cốc. Hà Nội mà chạy theo Sài Gòn cũ hay Băng Cốc chỉ có thể làm được ở cấp thấp, và ai muốn tìm nơi ăn chơi thì hẳn người ta sẽ đi Băng Cốc hay Hồng Kông chứ chẳng đến Hà Nội làm gì. Còn người trong nước lại mất đi một nơi để bồi dưỡng tình cảm và tâm tư”.

Hoàng Định.

5 nhận xét:

  1. Không biết cách nay 20 năm, khi bài này được viết thì đã có nhà Bưuudiện mơi chưa nhỉ? Tui chỉ nhớ khi còn nhỏ thì nhà Bưu điện đã ở đó, kiến trúc Pháp to đẹp dạng nhà lồng nhưng không to đùng vuông vức thô như bi giờ.

    Trả lờiXóa
  2. AM: nếu mình ko nhầm thì bưu điện mới xây ít năm sau 75 thôi, vẫn đồ sộ, thô, kiên cố lối Liên Xô. Với thời hậu chiến, nó in một dấu ấn đồ sộ, "ghi nhận công trình lớn". Dân kiến trúc nhận ra ngay nó phá cảnh quan chung, nhưng đại chúng, mãi sau đó, khi ăn đã no, mặc đã ấm, muốn một cái đẹp không nặng về "công năng" nữa, mới thấy chối. Và họ biết tiếc ngay cái trụ sở toà thị chính kiểu Pháp, nhất là cái cổng xanh tươi, thân thiện khi nó bị phá đi. Tiếc mà ko làm gì được, đành gọi toà mới lên là "máy chém"

    Nói chung kiến trúc Pháp rất ăn với Hà Nội

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi hình như nó được xây dựng trước năm 75.Vì tôi ấn tượng về chiếc đồng hồ khi điểm giờ nó phát bài"Ca ngợi Hồ Chủ Tịch"ko biêt có đúng?

    Trả lờiXóa
  4. Hồi tây là Nhà dây thép, một trong những nơi chiến sỹ trung đoàn thủ đô đã uýnh tây. Nhà 1 hầm nổi, 1 trệt, 1 lầu. Sau giải phóng miền nam 1975 chừng dăm năm (tui không để ý vào năm nào) mới đập tan cái tàn tích thực dân mà xây nên cái nhà hộp CNXH.

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.