Tôi đi miền Nam từ
4-14/7/2012. 11 ngày phẳng phiu, chả có chuyện gì lớn, nhưng nghĩ ngợi, so sánh
có khác những lần trước...
Năm ‘86, lần đầu tiên nhìn SG từ máy bay, tôi nghĩ đến
hai chữ “vĩ đại”. Kích thước “cái” gì cũng lớn, bể dầu, nhà cửa, đường xá… Bước
ra đường Nguyễn Huệ là cảm giác chim chích lạc rừng. Sao có những tấm kính to
đến vậy, trong suốt, hẳn phải được vệ sinh kỹ lắm. Nhưng tiếng ồn lập tức đè
nén, làm mất mọi cảm giác khác. Sống thế nào được khi ầm ầm đến nửa đêm, được
vài tiếng đã lại gầm rú. Và nóng ngột ngạt. Đi ngoài đường chỉ mong mau về nhà
chui vào buồng tắm. Nhà cửa khác ngoài Bắc, tiện nghi khu phụ đắt, sang hơn hẳn. Buồng khách sạn tôi ở bước vào thấy
ngay cái toa lét. Quan trọng đến thế ư, cái sự bài tiết, tắm táp?
Dần dần lập trường về khu phụ thay đổi theo lối Nam . Dân Bắc
làm nhà với tắm xí to đoạch. Bếp - thường làm phòng ăn luôn - sáng sủa, có tủ
giả đường bệ, những cái móc giản đơn mà tiện dụng, tha hồ cho bà nội trợ tung
hoành. Tủ lạnh càng to thì dường như gia đình càng ít thì giờ nấu nướng, bởi
tuần đi chợ mỗi lần. Ăn uống giản tiện thì tiền bạc, thời giờ để đi chơi tăng
lên, nhất là những gia đình trẻ. Và gọi đó là văn hóa tiêu dùng mới.
*
Nhà con gái ở quận Hai, cách quận Nhất “có” con sông
Sài Gòn, vốn có cái cầu, nay thêm hầm Thủ Thiêm. Tháng trước cô Oanh từ HN vào,
ở quận 1 gọi sang bảo hai quận gần nhau cô sẽ đi bộ sang. Biết đâu rằng vài
chục cây số. Từ sân bay về mất 280k tắc
xi, vừa rối mắt ù tai vì nhà cửa đã veo veo giữa dừa nước, bần, cầu Cá trê lớn
Cá trê nhỏ. Xa thật, nhưng hợp với mình. Thoáng đãng, gió chạy ù ù, tầm nhìn từ
lầu 7 mở thật xa, thấy cả cần trục cảng Cát Lái.
Nhà SG đương hạ, thấy bảo nhiều anh đầu cơ không bán
được, chết đứng. Chung cư Thủ Thiêm Star rao đã lâu, mới lác đác căn sáng đèn.
Căn hộ con gái đầu hồi, nghĩa là đắt nhất tầng, 80 mét – 1,4 tỷ, cái giá ngoài
HN chả ai tưởng tượng được. Ngoài cửa vào, có ban công, cửa sổ phòng ngủ hướng
chính Đông, một cửa sổ phòng làm việc chỉ Nam , và lại ban công nhỏ nữa mé Tây.
Vợ chồng nó nhường phòng ngủ có giường, nhưng bố mẹ quyết định “tiếp đất”, nửa
đêm kéo chăn đắp. Sáng ra bảo “nhà con mở tất cả cửa rồi đi làm, lúc về có thể
làm bối cảnh bộ phim “Khi cơn bão đi qua”. Chúng nó chọn hướng nhà thế là tuyệt
vời rồi, nhưng không nghe mình làm cái bàn thờ, dù chỉ để nhắc nhớ đến ông bà
chứ không phải cầu xin gì.
Cứ nghe tiếng xào xạc như có một trại chim đâu đấy.
Hóa ra ngôi biệt thự đằng Đông yến về làm tổ. Lộc giời đấy. Chợ Quảng Ngãi giữa
ồn ỹ khói xăng, yến đậu xuống, đem về cho nhà ấy trăm triệu mỗi năm, nhưng nhà
bên thì chả héo lánh. Đêm có tiếng lanh canh như chiêng, không ngân nga, chả
biết có phải chuông tịnh xá Ngọc Thanh gần đấy vẳng ra. Ngôi chùa đang xây này
đắp tượng to tướng, đằng sau vuông vức chỗ ở; chả có chỗ nào cho khuôn viên,
cảm giác rất bí.
Chính Đông, cái “viu” đẹp nhất của căn hộ, sẽ không bị
chắn nhiều, vì các biệt thự bị hạn chế chiều cao cả. Đêm xuống máy bay nhấp
nháy liên tục nhưng không nghe thấy tiếng ồn. Mưa tạnh, một anh chàng nói tiếng
Nghệ đi bắt chẫu chuộc “làm chả thì nhất”. Nửa cây số ra đường Nguyễn Duy Trinh
có xe bus lên Bến Thành. Và chợ Tân Lập lao xao tiếng Bắc, nguyên một giáo xứ
Thái Bình vào ’54. Chỗ mình ăn trưa lại có nhà thờ Cao Đài, “sát cánh” với ngôi
Quan Âm bên cạnh.
Nghe bảo quận Hai đông người Bắc, và nhiều nhà đại
gia. Nhưng uống cà phê gần nhà con lại rất nhếch nhác. Chung cư chắn chuồng
cọp, phơi phóng bừa bãi. Chủ quán bảo là chỗ tái định cư khi làm hầm Thủ Thiêm.
“Rất khổ, tiền đền bù ít mà mua chỗ này đắt. Trả góp đấy nhưng lắm anh phải gán
cả dàn máy, tivi, sau người ta thương, xóa cho. Còn chuồng cọp cấm làm, sau con
nít té nên phải cho”. Kể thì trong Nam hay ngoài Bắc đều có “quy
luật”, những chung cư tái định cư đều bẩn thỉu, chóng tàn phai, vì người xây
ẩu, và người ở chả thương xót gì những cống rãnh, khu vực chung, bạ gì cũng
tống xuống. Ngược lại, kẻ có tiền mua nhà thì sử dụng thang máy, hầm rác… cũng
có ý thức hơn. Đẳng cấp thị dân gắn với túi tiền, nếu thế đáng buồn lắm.
*
Đèo vợ đi Phú Mỹ Hưng cho biết mặt mũi cái khu dân cư
sang trọng. Đường xá rộng rãi, cây cối được chăm sóc, chốc chốc chốt bảo vệ.
Những cặp tân hôn chụp ảnh (mình thấy chú rể luôn luôn đáng thương). Bức tường
quây kín một khu, chắc những biệt thự bên trong đẳng cấp còn hơn bên ngoài.
Nhiều khái niệm đang bị đám nhà báo trẻ lười biếng
dùng sai. Cái nhà “công ten nơ”, “hộp diêm chồng lên nhau” họ gọi là “biệt
thự”, dù chả có chỗ đất nào cho cây lên. Tệ hơn, những ngôi nhà ba gian, năm
gian ở nông thôn bị gọi là “nhà cấp bốn”. Chuẩn tiếng Việt xuống cấp kinh
khủng, nhất là những nhà báo ấy lại bập bõng tiếng Anh “Cái này thì mi không
sua đâu”.
Không có khu dân cư nào ở Hà Nội so được! Chỉ nên nói
thế về Phú Mỹ Hưng.
*
Bản đồ SG hình như đều có ba ngữ Việt Anh Hoa. Quận 5,
thật ngạc nhiên là cái chợ (Bình Tây?) mình vào ít mùi chợ. Hóa ra trong ruột
nó là cái sân trồng cây, hoa, monument thờ người sửa sang cách nay hơn 80 năm.
Gió chạy ào ạt. Không hàng quán nào được phép dọn trong sân, điều không thể có
ở chợ HN. Ăn một bát chè gì giống tào phở, rất mát. Khu Chợ Lớn nghe nói của
Trần Thượng Xuyên, chủ bang Thiên Địa Hội phản Thanh phục Minh lập ra. Trần
sang Việt Nam
từ tk 18 (?), lập ra khu thương nghiệp Cù lao Phố ở Đồng Nai, sau chúa Nguyễn
thấy thế lực lớn quá dời về Chợ Lớn cho dễ quản.
Cái năm ra Hà Tiên, đến thăm lăng Mạc Cửu, thấy ông
này cũng trong Thiên Địa hội, mình hỏi đến những Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn
Địch, làm ông từ thốt lên “Sao anh biết nhiều zdậy?”. Mình chỉ hì hì, chả nhẽ
phô rằng đấy là công phu luyện chưởng Lộc Đỉnh ký của Kim Dung. Dù sao người
Hoa nắm hết yết hầu kinh tế những nơi có họ.
*
Không thể ngờ là Côn Đảo ngày có năm chuyến bay từ SG,
trung bình quãng 350 khách ra và ngần ấy về, đa phần là “du lịch tâm linh”.
Ngoài ra hai tầu biển chạy tới Vũng Tàu, cho loại ít tiền hơn. “Cô Sáu đang
nuôi cả Côn Đảo”. Đêm xuống nghĩa trang Hàng Dương sáng trưng đèn cảm ứng cắm
trên mộ, lấy năng lượng từ ánh mặt trời ban ngày. Chợ đêm tấp nập từ 22 giờ, đồ
lễ không thiếu thứ gì. Taxi đưa đón nhộn nhịp. Mộ Cô Sáu, đa phần phụ nữ lầm
rầm, có hai ông ra chiều công chức, khấn vái nghiêm trọng lắm. Cầu cho con
nhiệm kỳ tới lại trúng cấp ủy, ngồi ghế cũ, bổng lộc thu được con sẽ lại quả
cho cô, có khi thế chăng…
Côn Đảo vẻ ngoài dành cho du lịch. Khách sạn xịn, nhà
nghỉ bình dân, quán ăn, tạp hóa, hiệu thuốc đủ cả. Nhưng thực chất là một vị
trí bố phòng. Trong 7000 dân có 4000 bộ đội, ngoài ra là biên phòng, kiểm lâm,
công chức. Nghĩa trang cả vạn ngôi mộ, hệ thống nhà tù nhiều thời tạo cho nó vị
trí một trong 10 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới. Nhưng lại ở xa nhau. Sợ rằng mươi
năm nữa, xây cất nhiều quá, đi từ lao nọ sang banh kia đụng phải những kiến
trúc mới cảm giác đảo tù sẽ vợi. Sợ thế vì Huế, lượng di tích ít hơn HN, nhưng
rất tập trung, vòng vèo cả ngày không xuể, đâm sức hút du khách lại lớn hơn.
Thành phần dân cư ngoài chợ khá tứ chiếng. Bà bán rau
vốn có sạp chợ Vũng Tàu, chuyển ra vì làm ăn được hơn. Bà hàng khô từ An Giang,
giáp biên giới Campuchia, “chồng đánh quá trời phải chạy”. Giá cả cũng không
đến nỗi chênh quá với đất liền. Dưới cái nắng khô không khốc, bánh mỳ để trong
tủ kính lại vẫn mềm, mới lạ.
Trên bản đồ có đường tên ông già mình. Định ra chụp
cái ảnh cho oách, nhưng chưa có biển tên đường. Hòn Cau, nơi ông nhắc nhiều,
thấy bảo chả còn vết tích nhà tù gì, biên phòng và kiểm lâm xóa hết rồi. Một
chuyến ca nô sang là 2,7 triệu.
Xem lại ghi chép của bố: Hòn Cau có hàng nghìn cây
dừa, na, chuối, không có tàu mà chở về đảo lớn. Lợn, vịt, rượu… “trồng” lấy
được. Một ông uống nước dừa vứt quả, bị bạn tù phê bình lãng phí. Ú nàng, cái
con chỉ có một vỏ giống trai, có thịt ở giữa, bám vào vách đá, giờ trên menu của
nhà hàng thành “ốc vú nàng”, đắt mà chả ngon lành gì. Ông già mình hết 5 năm
cấm cố, về quê ai cũng thương, nhưng chả nhẽ lại kể ngoài đảo ăn uống sướng hơn
nhiều. Ai tin cho!
Mình mang bệnh cúm dở dang từ HN vào. Ra Côn Đảo vừa
khỏi thì mẩn ngứa, đêm gãi điên cuồng. Vì bị con muỗi “mù mắt” đốt, bôi thuốc
ghẻ DEP có đỡ. Nhưng vì thế mà mất cái thú hỏi han của thằng làm báo, mất cả
tắm.
*
SG kỳ này trưng ra cho mình cái khí hậu hiền hòa, khác
hẳn cảm giác trước đây, có lẽ vì không ở trong phố mà dạt ra quận Hai. Nhiệt độ
vẫn cao nhưng gió nhiều, độ ẩm thấp nên không thấy dâm dấp ở lưng. Vợ ra chợ
Tân Lập về suýt soa hàng nhiều và rẻ, cân cua bể có 220k mà không bị “trói” dã
man quá. Giao thông tốt hơn hẳn. Đi xa không thành vấn đề, vì đường tốt, và
người lưu thông trật tự, nó cho thấy chất lượng thị dân cao hơn HN.
Mình vốn ghét những anh Bắc vào ít năm cứ mở miệng là
kể xấu miền Bắc. Nhưng lần này, khốn nỗi, cái ấn tượng người Nam thiệt thà,
chân thành hơn lại lộ ra mồn một. Hỏi đường chỉ vẽ tận tình, ra chợ ít nói
thách. Dịch vụ đắt, nhưng đâu ra đấy. Người Nam dường như an phận với công việc
lắm, ra giá rồi thì làm cho khách vui lòng; chả bù với anh Bắc thỏa thuận xong
hay thêm câu “Thôi thì tôi làm giúp”, để rồi phát sinh bao khoản. Thanh niên
hết nghĩa vụ quân sự về sửa xe máy, đánh cá, đến bữa nhậu vui như tết, trong
khi lính Bắc rất thích được học sĩ quan tiếp, phải “ba linh thôn” là thấy đời
hỏng bét. Cái ý thích được buộc chặt vào hệ thống quan liêu, làm “người nhà
nước”, cùng thói “nói zdậy mà không phải zdậy” ám vào người Bắc khá rõ.
Thử tìm nguyên nhân, thì thấy ngay điều kiện sống nó
ảnh hưởng nhiều, ngoài này khắc nghiệt cả khí hậu lẫn kiếm ăn, trỏng dễ hơn,
nên con người phóng khoáng. Về lịch sử, nhiều đời chúa Nguyễn cho khai khẩn,
tồn tại ruộng tư, đến Minh Mạng mới cải cách, lập ruộng công để quản lý. Gần
trăm năm thuộc địa Pháp, Mỹ cho ra những quan hệ thị dân, nghĩa là con người
khá độc lập, nghĩ gì nói gần gần như thế. Ngoài Bắc đặc sệt quan hệ làng xóm,
một con người sinh ra đến khi chết trước hết là con ông ấy bà ấy, thuộc họ ấy
làng tổng ấy, học thầy ấy… Cứ thế tầng
tầng lớp lớp tôn ty nó đè, làm một cá thể sao nổi. Và lại gần Tầu, nói năng
nghĩ ngợi phải cẩn trọng, đừng huỵch toẹt ra mới được. Nhưng dường như ta học
Tầu cách giấu ý nghĩ đi, chứ không có tính kỷ luật, đoàn kết như họ, thành ra
vẫn chỉ là anh khôn mống, ham cái lợi vặt vãnh.
Chao ôi là nỗi. Đến nỗi phải dở dang với ý nghĩ nếu
còn trẻ có khi mình vào trỏng, kiếm cái nhà vườn đi ra đi vào…
T.T.C
Nhớ 1 lần, cách nay cũng ngót nghét 20 năm, đang phi trên đường TRẦN HUY LIỆU thì thấy bác Trần Trường Chiến đang chụp ảnh con đường cùng bảng tên. Anh em cháo nhau rồi đi. Nhanh quá!
Trả lờiXóaCách đây vài trăm năm, dân lập nghiệp ở vùng đất Nam bộ hầu hết là dân Bắc vô. Anh ta là:
Trả lờiXóa-Dân bần cùng buộc phải bỏ làng đi biệt xứ.
-Anh lính bị kỉ luật phải vô đây.
-Ông quan chức bị đày vô đây.
-Và nói chung, là những kẻ không muốn sống ở chốn cũ - nơi có những lề thói không hữu dụng cho họ.
-Tất nhiên còn những đối tượng khác, ví dụ là đám con nít bị quân "3 bị 9 quai" bắt cóc, mang vô Nam bán.
Vì thế, khi vô đây, họ xây dựng nên một xã hội cởi mở hơn, và tất nhiên, không giống với những cái mà họ đã phải bỏ lại đằng sau.
Mấy trăm năm trôi qua, họ vẫn là dân Bắc, nhưng cái sự suy nghĩ và hành vi của họ đã trở nên khác với Bắc.
HCQuang
Đọc bài của TC mình lại nhớ lần đi ăn phở đêm ở Phùng Hưng mới hỏi được vài câu bị mắng té tát. Hãi thật.
Trả lờiXóaThông thường, sau khi di cư tới vùng đất mới thì cái sự tư duy, cái sự hành động cũng sẽ khác so với khi còn ở chốn cũ. Ấy là chưa kể chốn cũ có nhiều cái mang tính bảo thủ. Kiểu như đám người Ăng lê, cách đây một vài trăm năm, sang định cư ở Mỹ (vùng đất mới), đã trở thành một dân tộc khác Ăng lê vậy.
Trả lờiXóaHCQuang