Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Chiến dịch CQ.88


Kỷ niệm CQ.88


                                          Chí Thọ - K3

Những ngày biển Đông nổi sóng, dư luận xôn xao… Mấy anh em cựu chiến binh Hải quân (Đa số có tham gia chiến dịch CQ.88 năm xưa) lại tìm gặp nhau. Nhiều kỷ niệm và tâm sự ngày ấy lại trỗi dậy quanh tấm hải đồ cũ kỹ… Tâm trạng thì nóng mà vẻ mặt luôn lạnh – Có lẽ đó là nét chung của những người từng một thời “ăn sóng, nuốt gió” với bao vất vả lo toan… Thế mà đã 26 năm!.
Tháng 3-1988, quân Trung Quốc bất ngờ tiến chiếm các điểm Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, bắn chìm ba tàu vận tải của ta ở Trường Sa, 64 chiến sĩ hy sinh… Cả nước rung động. Chiến dịch mang mật danh CQ.88 được triển khai khẩn trương quyết liệt. Các đơn vị Hải quân rầm rập vào cuộc, với tinh thần : Quyết không nao núng, tranh thủ thời gian, triệt để tận dụng thời cơ, triển khai nhanh lực lượng!.
Trước đó ta chỉ mới chốt được vài điểm ở Trường Sa, với cơ sở còn rất thô sơ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chiến dịch ta đã rải quân hầu khắp các điểm trên thềm lục địa với công sự kiên cố, khả năng phòng thủ vững vàng. Một khối lượng lớn công việc trên biển bằng cả mấy năm cộng lại đã hoàn thành, sẵn sàng với mọi tình huống phức tạp nhất. Điều đó khiến đối phương, dù còn đầy dã tâm, đã phải chùn bước… Với bối cảnh chung rất khắc ngiệt lúc ấy (trong thì khủng hoảng kinh tế xã hội, ngoài bị cấm vận bao vây, viện trợ không còn, khó khăn chồng chất…) CQ.88 đã thành công.
Ngày ấy tôi ở một trong những đơn vị Hải quân làm nhiệm vụ “Bảo đảm cho Trường Sa và DK1”. Một phần quân số đơn vị còn đang ở Cămpuchia giúp bạn. Số còn lại đều chuyển vào trạng thái sẵn sàng, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa” không kể ngày đêm. Nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm có tính chất “bên lề” khiến tôi nhớ mãi.
Một đêm mưa to, tôi vừa đi kiểm tra công việc ngoài quân cảng về, chưa kịp thay áo, thì có điện thoại gọi. Tôi thầm nghĩ : Chắc lại từ sở chỉ huy tiền phương CQ.88! (Hồi ấy điện gọi thường xuyên). Tôi chuẩn bị tinh thần báo cáo thật rành rọt tình hình các tàu đang neo đậu tại cảng (Nói cho hình tượng là : Phải nắm đến từng cơ số đạn, từng mét xích neo, từng gói mỳ, lon nước… như bên tham mưu thường nhắc “quên là mất đầu liền!”) thì nghe đầu giây bên kia vang lên tiếng cười nhẹ nhõm :
 A lô!... Ba Huấn đây (Anh Nguyễn Văn Huấn, khi ấy là phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vốn quen biết trước đấy).
Nhận ra tôi, giọng anh Ba trầm ấm :
 Đang vất vả lắm phải không?... Mình hiểu. Rất hiểu!... Mấy bữa nay nghe tin Trường Sa, tụi mình ở Ủy ban sốt ruột dữ lắm. Ai cũng nói : Phải làm cái gì chứ!... Xa thì khó gặp. Thôi thì… cứ gặp các cậu trước đã… Nè, nói thiệt nghe : Bí mật vừa thôi, cũng phải hô lên cho tụi tui ghé vai vô với chứ. Trường Sa đâu phải chỉ là của mấy ông Hải quân?! “Vì cả nước, cùng cả nước” kia mà!.
Nghe vậy, tôi rất xúc động. Mấy tháng nay cả đơn vị làm quần quật. Việc gì cũng nặng nề, khẩn trương, mà lại thiếu thốn đủ thứ… Nay có người thông cảm vậy, sao không xúc động. Giọng anh Ba vui tươi : Chiều mai mình đến thăm anh em, được chứ? Trước là thăm, sau là xem có giúp thêm được gì không. Rồi ta cùng bàn.
 Vâng, xin mời anh – Tôi đáp.
 Là thế này – Anh Ba hạ giọng – Tụi mình có đem theo chút quà tặng cho các tàu trực ở Trường Sa (mấy cái radio, sách báo, kẹo bánh… thôi). Ngoài ra còn kéo theo vài nghệ sĩ xuống ca dăm bài “úy lạo” anh em trước khi ra biển.
Đến cái đoạn”ca dăm bài” thì tôi hơi phân vân… vì rằng : Các tàu đều đang tất bật. Vũ khí, trang bị ngổn ngang. Lại cũng có lệnh của trên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”… Nhưng trước sự nhiệt tình của anh Ba (và cũng là của thành phố) tôi đành nhận lời (mà quên báo cáo lên trên “chuyện nhỏ” này).
Chiều hôm sau, đoàn khách thành phố đến khá đông, có các anh Ba Huấn, Ba Hòa, Tư Minh, Sáu Hiệp… cùng vài chục nghệ sĩ (đều khá nổi tiếng trên tivi). Ban chỉ huy chúng tôi ra đón mà hơi lung túng, vì với giới nghệ sĩ, thật tình là chúng tôi không quen ai và cũng không biết nên tiếp họ thế nào cho phải nhẽ. Anh Ba Huấn rất cởi mở (nghe người ta còn khen anh là có phong cách rất … sang! “Sang” từ cái bắt tay, chào hỏi, đến cả cách… uống rượu?). Anh thân mật giới thiệu từng người, rồi nói như thanh minh ::
- Tui tính chỉ lựa theo ba “cây hát vàng” tới ca vài bài rồi về ngay. “Đánh nhanh, rút gọn”, vì biết các anh đang rất bận. Nhưng nghe nói đi phục vụ bộ đội Trường Sa, nên ai cũng đòi đi rần rần… Hổng biết lựa ai nữa. Thành ra một đoàn “rồng rắn” vậy đó.
Sau khi giới thiệu vắn tắt tình hình biển - đảo, tôi đưa cả đoàn ra cảng. Mọi người dừng lại trước tấm bích chương đỏ rực căng ngay đầu quân cảng, ghi lời đại tướng Lê Đức Anh nói tại Trường Sa :
“… Xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, xin thề trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau : Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa của chúng ta!”
Vừa đọc, có vài người rút giấy bút ra ghi lại câu này, rồi trầm trồ :
- Câu nói hay quá! Anh Ba ơi, ta ghi lại, đem treo ngay trước Nhà hát lớn thành phố cho mọi người đọc chứ.
Đoàn khách đi thăm và tặng quà từng tàu. Đó là những con tàu vừa trực chiến mấy tháng trời ngoài biển xa trở về, hoặc sắp lên đường ra khơi. Trong đó có tàu vừa trải qua mấy ngày đêm gan góc đeo bám tàu đối phương, tìm cách cản phá, xua đuổi chúng ra khỏi vùng biển của ta. Có tàu trở về sau đợt lùng sục cứu vớt các chiến sĩ từ nhà dàn DK1 bị sóng quật đổ, trôi dạt trên biển mấy ngay liền … Nghe chuyện, đoàn khách ai cũng xúc động. Một nữ ca sĩ đứng lên bên khẩu pháo lớn và bồi hồi nói :
 Bấy lâu em chỉ hát nơi đô hội. Nay em xin được hát vài bài bên khẩu pháo này cùng các chiến sĩ hải quân của chúng ta.
Cô giơ tay mời. Lính hải quân sôi nổi ào lên nắm tay nhau cùng hát vang. Một bục gỗ và các ghế nhựa được đưa ra bờ cảng nhanh chóng tạo nên một sân khấu dã chiến. Các ca sĩ chuyên và không chuyên đua nhau lên biểu diễn. Tiếng vỗ tay cười hát vang rền… Thế là thành một “đại nhạc hội” ngay trên quân cảng cho đến tận khuya.
Tạm biệt nhau, các anh Ba Huấn, Ba Hòa, Tư Minh nắm chặt tay chúng tôi :
 Đến đây gặp anh em, thấy thương quá! Khi nào cần cứ gọi nhé. Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng làm tất cả cho biển Đông và Trường sa!.
Còn mấy cô ca sĩ thì sôi nổi nói :
 Khi nào có tàu ra Trường Sa, anh nhớ kêu tụi em nghe! Ra đó em sẽ hát suốt ngày…
Tôi vui vẻ cám ơn từng người, mà lòng như lửa đốt vì bao công việc còn ngổn ngang…
Sáng hôm sau đô đốc Giáp Văn Cương, tư lệnh Hải quân, đột ngột xuống đơn vị tôi kiểm tra công việc. Đi cùng là một đoàn cán bộ tham mưu tác chiến, kỹ thuật, hậu cần… Vẻ mặt ai cũng khá căng thẳng. Xin nói rõ thêm : Do tình hình lúc đó, đô đốc Giáp Văn Cương là tư lệnh quân chủng, cũng kiêm luôn tư lệnh chiến dịch CQ.88 và cả tư lệnh Vùng 4 Hải Quân… (Có người nói đùa : Tư lệnh còn kiêm luôn chỉ huy trưởng các lữ đoàn tàu, vì ông thuộc tên rất nhiều thuyền trưởng và biết khá rõ tình trạng của từng con tàu). Vừa bắt tay chào nhau, tư lệnh đã yêu cầu đưa ngay ông ra cảng… Sau khi kiểm tra các tàu, tư lệnh hội ý nhanh và kết luận ngay trên boong. Chừng đã có phần yên tâm, tư lệnh châm một điếu thuốc lá, thong thả đi về phía mũi tàu, tựa vào lan can, vẻ đăm chiêu… Bỗng ông giơ tay vẫy tôi lại gần :
Tinh thần anh em ổn chứ? – Ông hỏi với đôi mắt hơi nheo lại.
 Báo cáo tư lệnh, tinh thần rất vững – Tôi đứng nghiêm – Các tàu đều đã quán triệt kỹ mệnh lệnh số… , chỉ thị số… và hướng dẫn số… của tư lệnh chiến dịch. Cũng đã thao tác và kiểm tra các thiết bị…
 Là tớ hỏi…  Tư lệnh ngắt lời – Anh em có được vui vẻ không ?
 Vui vẻ?... – Tôi thoáng dè dặt – Vâng, cũng … vui ạ.
 Ca hát rộn ràng cả đêm qua phải không ? – Ông hỏi đột ngột.
 …  Tôi chột dạ “Ai mách lẻo nhanh vậy ta?” nhưng vẫn chống chế  Anh em có ca hát chút ít… Cũng là cho thêm … khí thế thôi ạ.
 Lại còn quà tặng nữa (?) Tàu nào cũng có thêm cái radio mới cứng và kẹo bánh đầy bàn (Ngày ấy mà tặng nhau cái radio là “oách” lắm). Phủ phê quá nhỉ?! Sao không đem ra đây chiêu đãi tư lệnh (?)
Tôi ngây người, không biết như thế là ông đang khen hay chê nữa. Chỉ đi lướt qua vài tàu mà sao ông biết nhanh thế ?
 Cậu kiếm đâu ra ? – Tư lệnh hỏi gắt.
 Dạ… gì cơ ạ? – Tôi ngơ ngác.
 Lại còn giả vờ… Tớ hỏi cái khoản “quà cáp” cho các tàu ấy, cậu kiếm đâu ra? Có “linh hoạt xà xẻo” gì vào ngân sách thiết bị, vũ khí của tớ không?
Đến nước này thì tôi đành phải nói thật sự tình. Tư lệnh lắng nghe, nhìn tôi một lúc, rồi ông bật cười (Nụ cười hiếm hoi suốt mùa chiến dịch) :
 Thế thì cũng … hay đấy, hay đấy…
Tôi im như thóc, vì nhớ lại các mệnh lệnh, chỉ thị ngiêm ngặt gần đây… Nói chung là cấm, cấm hết. Cấm giao lưu, cấm phát ngôn, cấm rò rỉ thông tin… Chỉ được gắng làm, “hết sức khắc phục khó khăn và luôn sẵn sàng, đi là phải đến, đánh là phải thắng” mà thôi. Vậy nên, dù tư lệnh có khen “hay” mấy vẫn cứ nên… cảnh giác.
Tư lệnh bỗng đưa thuốc lá mời tôi (cũng là việc hiếm có). Ông nhìn ra xa, mặt vẫn nghiêm phăng phắc :
 Chúng ta đã làm được nhiều việc, rất nhiều việc, trong một hoàn cảnh gấp gáp ngặt nghèo. Vậy nên… cũng có thể lại quên mất một vài việc quan trọng…  Ông bỗng hạ giọng nhẹ nhàng – Trước khi xông vào giông bão hiểm nguy, anh em ta không ai run sợ, mà vẫn hát ca vang lừng như thế… ấy là đã thắng được một nửa rồi!
Ông nheo mắt nhìn tôi, khẽ gật đầu :
 Thôi, gắng làm nhé. Tớ đi đây.
Tư lệnh bước nhanh lên bờ cảng, nơi đoàn cán bộ tùy tùng đang chờ ông. Tôi không đưa tiễn mà chỉ giơ tay chào, vì còn nhiều việc trên con tàu này, mà theo lệnh của ông : “Bất luận thế nào, nó cũng phải lên đường trước khi trời sáng!”
Ôi, những ngày tháng ấy, đưa thêm được một con tàu ra khơi, lòng người như vơi đi bao nỗi lo âu, bao niềm khắc khoải.
Những con tàu của Hải quân Việt Nam trong những năm tháng khắc nghiệt ấy!... Nó thật nhỏ bé, khiêm nhường, có phần quá mỏng manh, nhưng vẫn lặng lẽ nối tiếp nhau băng ra đại dương, bất kể bão giông, không lời ca ngợi. Có những con tàu đã không trở về. Và những con tàu trở về thì thân xác đều móp méo, tả tơi… thật khó nhận ra hình hài. Chỉ có… Vâng, chỉ có ngọn cờ đỏ bạc phếch trên đỉnh cột tàu là vẫn cứ luôn ngạo nghễ tung bay, reo ca phần phật. Có những đêm trực đơn vị, tôi lặng lẽ đi dọc bến cảng trong màn sương lạnh, nơi những “con sói biển” tả tơi chen chúc bên nhau, lắng nghe những thanh âm “phần phật” ấy vượt trên tiếng sóng vỗ mạn tàu, lòng có khi như nghẹn lại… Mọi băn khoăn, ưu tư về cuộc sống riêng tư (vốn có như một bản năng) theo đó cũng như lùi xa, lùi xa ra…
CQ.88! Giờ đây không mấy ai còn nhắc gì về nó nữa. Đó là một tên gọi, một mật danh gan góc đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng với chúng tôi, nó mãi là niềm tự hào. Nhiều con người của CQ.88 cũng đã đi xa… Hai mươi ba năm sau, có một bài báo ngắn đã nhắc sơ qua về chiến dịch này, bên dòng tin Nhà nước vừa truy tặng danh hiệu Anh hùng cho cố đô đốc Giáp Văn Cương. Anh em chúng tôi (những người một thời là lính của ông) báo tin cho nhau và đều có chung một tâm trạng : Vâng, có thế chứ!...

Riêng tôi, còn nhớ thêm về một người nữa : Anh Ba Huấn – Con người vốn có phong cách “rất sang”, nhưng lời nói và tác phong hôm ấy lại thật là mộc mạc : “… Nè, bí mật vừa thôi, cũng phải hô lên cho tụi tui ghé vai vô với chứ. Trường Sa đâu phải chỉ là của mấy ông Hải quân! Vì cả nước, cùng cả nước kia mà”. Nếu có một kỷ niệm chương về chiến dịch CQ.88, chắc tôi sẽ đem ngay đến tặng anh. Tiếc rằng chưa ai kịp làm việc này thì đã nghe tin anh vừa đi xa…

__________________________________________________


10 nhận xét:

  1. Thằng em cũng được tham gia chiến dịch này từ tháng 5=>tháng 10/1988,2 chuyến chở đá xây dựng đảo Đá nam và chuyển thiết bị dự báo thời tiết của bên khí tượng thuỷ văn cho đảo Song tử tây.

    Trả lờiXóa
  2. Có thế chứ , Chí Thọ - một trong những cây viết xuất sắc của đại đội ta .
    Thực cho đến gần đây tôi mới biết hơi rõ về CQ88 - và qua đây thấy cụ thể hơn cái núi công việc và bao khó khăn mà HQVN phải gánh vác trong giai đoạn lịch sử cam go ngày đó .

    Chỉ ức một nối là vì cái " đại cục " khỉ gió , viển vông đến chết người đó , mà chúng ta biết quá muộn màng công lao và sự hy sinh của các Anh !.

    Trả lờiXóa
  3. 85 mình rời HQ rồi, thời này gay go lắm vì quân ta đang còn lùng nhùng bên K nữa...

    Trả lờiXóa
  4. Tuyệt vời quá Chí Thọ ! Truyện ngắn (hay là tùy bút cũng được) của cậu xuất hiện thật đúng lúc, nó khắc họa được thời điểm lịch sử của chiến dịch CQ88 những năm 1988 vào thời điểm này- khi mà chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị đe dọa, khắc họa được cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ Hải quân trên đảo Trường Sa và đặc biệt chân dung tư lệnh Giáp Văn Cương đến chân dung chiến sĩ và tình cảm của văn nghệ sĩ thành phố khi ra đảo phục vụ chiến đấu. Lời kết của anh Ba Huấn cũng là tâm tư của tất cả người VN khắp mọi miền: "Trường Sa đâu phải chỉ là của mấy ông hải quân! Vì cả nước, cùng cả nước kia mà..."
    Cảm ơn TL đã đưa bài viết của Chí Thọ và tìm được Video "Nơi đảo xa" đặc biệt, có tới 600 ca sĩ và sinh viên trên cả nước cùng hát để minh họa rất phù hợp.

    Trả lờiXóa
  5. Hồi ký viết về Trường Sa hay quá! Rất cảm động. Anh Chí Thọ và các anh K3 cho em "rinh" về tạp chí tỉnh nhà nhé ?

    Trả lờiXóa
  6. Với bài tùy bút này, anh CT tiếp tục khẳng định là cây bút số một của trường ta.Chưa nói đến ý tưởng, văn anh luôn đẫm chất thơ,không thừa không thiếu một chữ,chất nghệ thuật rất cao,lại luôn pha chút hóm rất đàn ông (khiến phái đẹp luôn thích mê?).xin ngả nón bái phục. Thằng em k5

    Trả lờiXóa
  7. Lâu rồi mới được nghe lại giọng văn " phiêu diêu " của Chí Thọ , thật đáng thỏa niền vui âm ỉ từ lâu ! Viết nhiều nữa đi cho mọi người " say & mê đắm " giọng văn anh nhé !

    Trả lờiXóa
  8. -Hà Đông, TrungDC, Hoàng Giang...! Cám ơn các bạn đã cảm thông với anh em HQ về một thời CQ88 vất vả!... Đôi lúc lên mạng(khi ngoài biển có sự cố)lại gặp vài câu "xóc họng": Hải quân trốn đâu? Quân ta "đi chơi" đâu rồi?... Ức chứ! Mấy tay HQ "gạo cội" chả chịu lên tiếng gì cả. Là người ít nhiều được chứng kiến và tham gia (chỉ một phần việc rất nhỏ), tớ "đành" mượn chuyện "bên lề" này mà giãi bày. Tinh ý sẽ hiểu sâu đấy! Cũng chỉ để "lưu hành nội bộ" thôi.
    - Kiến Quốc : Đã có chủ trương làm tập 4 rồi à? Chưa ngán sao?! Nghe cậu nói mà tớ cứ... buồn cười(!) Nghỉ khỏe cái thân còm không được à(?) Làm thì cũng vui, nhưng phải cẩn thận, đừng để vui quá hóa... buồn nhé.
    Tớ bây chừ chỉ ưa thanh thản, chả muốn ồn ào nữa!
    - "Thằng em K5 - nặc danh" (Tên vậy chả sao, nhưng nghe hơi "hình sự" đấy): Cám ơn thằng em đã khen quá lời (là cây bút số một của trường ta). Thật không dám nhận! Chỉ xin nhận câu sau: "Văn anh luôn đẫm chất thơ... lại luôn pha chút hóm rất đàn ông" - Ý này dù bạn không khen, tớ cũng cố vơ vào cho thêm phần khỏe khoắn. Còn câu "khiến cho phái đẹp luôn thích mê" thì cũng ham lắm đấy, nhưng... hổng dám đâu(!)
    Hồi tuổi trạc tứ tuần được khen gì là sướng mê. Nay có ai khen lại cứ phải lảng lảng đi... Vờ như không nghe thấy. Nghe rồi mà tưởng thật, là mệt mỏi lắm "Thằng em K5" ạ!

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.