Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Tạ Chiến chia sẻ...


Warnning : .Bài báo của tác giả Bách Việt. (Nguồn: người Việt ở Philippines sưu tầm) trình bầy quan điểm của chỉ một cá nhân liên hệ giữa lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam và tình hình hiện nay ở Biển Đông, Đọc nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn đọc cần cân nhắc trước khi bấm vào tiêu đề sau để đọc:

" Thất bại trong quá khứ và bài học cho hôm nay "


                                               ( Tạ Chiến ST )

Tản văn của Trường Chiến


Lão Chim sâu của tôi
      (Văn nghệ quân đội tháng 5-2014)

Năm 2004, tôi nhập vào đoàn người đông đảo “hành hương” lên Điện Biên. Đồi A1 nắng chang chang, mấy anh già “bẩy sọi” mang cờ “Cựu chiến binh xã…” ở Hải Dương, mồ hôi nhễ nhại trong quân phục dầy cộp ra sức lấy thế chụp ảnh, sửa lại quân hàm lệch chải đầu xong lại tách tách. Nghe người hướng dẫn kể xưa đào hầm thế nào, đánh bộc phá ra sao, những gương mặt già lão háo hức. Đeo toàn trung úy, có người oai vệ như thủ trưởng trước hàng quân, có người cù mì lành hiền tỏ ra “ba linh thôn” đã lâu. Một ông lão bé như cái kẹo lẩy bẩy cứ bị nhắc nhở đứng dưới cờ thì phải ngay ngắn chứ nhẩy qua hào ngã mẹ nó giờ, phản ứng rất rúm ró. Nguyễn Trọng Chức ở báo Tuổi trẻ ngắm nghía mãi, thốt lên“Tôi buồn cười quá, ông này…”.
Có một cái gì đó bật ra. Con người này giữ “vị trí vai trò” gì trong cuộc chiến vĩ đại? Chắc chắn chẳng nên công trạng to nhớn được, và bình thời cũng hay bị người khác cười cợt - có thể ác ý hoặc trìu mến. Một kiểu “con người bé nhỏ” chịu thua thiệt trường kỳ. Nhưng lại ngộ nghĩnh. Viết về ông này phải có giọng dí dỏm, điêu điêu một chút, khi cần thì phóng đại ra. Đây sẽ là truyện nhân vật, lấy tâm lý, tính cách làm chính để bật lên cái ý định nói, những sự kiện to lớn chỉ làm nền. Và vấn đề nên giấu đi, để người đọc nhớ được nhân vật là tốt nhất.
Đêm ấy về khách sạn tôi đòi ngủ riêng, lấy giấy bút viết. Mươi dòng thì tắc. Nghĩ đến anh già run rẩy lập cập nhẩy qua hào vẫn buồn cười. Một hình ảnh đáng mến. Những dư âm như vậy, cùng thiên nhiên Tây Bắc mạnh mẽ, làm cả xe khoái chí, suốt cuộc đi chơi toàn hát những bài “chế” của lính tráng, kiểu “Lắc la lắc lư đoàn quân ra Bắc đồng bào thắc mắc sao các anh trở về. Sốt rét chúng ông mới về ốm gần chết chúng ông mới về…” và “Nẳm tay mạ hỏi mỳ chính con đâu”. Về nhà rồi cứ ám ảnh “tương quan” giữa bé nhỏ với vĩ vĩ đại. Người như lão thường gặp cực đoan khác trong đời sống, ví như vợ dễ là tháo vát, đanh đá, to béo. Đứng ngồi đi lại giữa nhân gian, thể nào lão cũng va đụng phải oai vệ bố tướng, cứ khép mình lại, dần dần hình thành một bản tính thứ hai, để tự vệ. Con người có cái gì – dầu là sự nhún nhường - tự vệ thì giữ được cho mình cái riêng, những ưa thích với ghét bỏ riêng. Đằng sau vẻ rúm ró phải là cái rất đặc biệt, tuy không nổi lên “hoành tráng lệ”.
Cần phải nói thêm, là tôi làm báo, đã vài lần lên Điện Biên, biết thế nào là “tằng cẩu”, “nậm pịa”, “chẩm chéo”, “lạp”, tiết canh gà tiết canh chó rêu suối xơi cả, trò chuyện có thể đưa đẩy vài câu “Sống chụ son sao”. Rất thích vẻ đẹp của đàn bà Thái nhưng họ thách uống rượu thì bẹp như gián. Và có hai cậu ruột, anh cùng mẹ khác cha, anh cùng cha khác mẹ, chị dâu từng là lính Điện Biên. Tôi đeo binh nhất 9 năm, phụ cấp leo từ 6 lên 23 đồng.
                                                    *
Những cơn cớ khác, “có họ”, kéo đến dần dần. Hơn bốn mươi năm trước, anh bạn Trần Chí Thọ vào núi gặp ông lão làm thơ, rằng
Ông nông dân ngày ngày đi nhặt phân
Cần mẫn, chuyên cần như con ong con kiến
Nếu trường hợp nhặt được ba mươi cân
Thì ngồi rung đùi, vuốt râu như ông đại tá
Một ông khác hay bị vợ đánh, luôn miệng rủa chết đi chết đi, đến lúc vợ lăn quay ra thì đêm đêm lại ti tỉ khóc. Nông thôn nhiều chuyện công – tội không thỏa đáng, cứ phải có một đấng bậc nào đấy đứng ra “cứu xét”. Mâu thuẫn tộc họ, phe giáp nhiều vô kể, xông cả vào chính quyền. Một con người bé nhỏ sống trong đó thời phải ôm đầu mần thinh, ra lời nào chết lời nấy. Chim sâu, từng có những hy sinh thầm lặng, ác liệt, hay bị chìm xuống, còn lại là những “biểu tượng” hoành tráng kiểu sân khấu. Dư âm sau một thắng lợi như thế rất sẵn, nhưng vẫn cần thiết; nghĩa là câu chuyện không nhất thiết phải bi lụy hoặc căng thẳng, cứ theo ông lão ngộ nghĩnh mà nương.
Lão còn khác người là không biết giấu những ý nghĩ trong đầu, không theo nếp làng nếp xã hội được. Người ốm lâu năm ra đi, lão coi là sự giải thoát. Nhiều người nghĩ vậy nhưng cái đứa ra miệng thể nào cũng ăn đòn.
Chim sâu nhập đoàn hành hương, tức là ra khỏi làng. Một mặt là trật tự quân ngũ, già cả thì trung úy vẫn phải dưới trung tá huống hồ “phó binh nhì”. Mặt khác ông được tự do hơn, thả cái bản năng hồn nhiên của mình vào thiên nhiên tươi tắn. “Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm truồng”, đàn bà uống rượu như thuồng luồng, duyên dáng kiểu chưa bị “giáo hóa” thành bà cán bộ. Tây Bắc không thiếu những “tình huống” như vậy. Và thành phố Điện Biên chật ních những số phận, giờ “thêm” cả karaoke ôm gội đầu ôm, hấp dẫn con người bị cấm đoán trong lũy tre làng vô tả. Ông lão vô tâm có quan niệm đạo đức khác người của tôi, chả bị gò bó nữa, không sa vào thì chả nhẽ ra không bình thường.
Còn các nhân vật khác bên cạnh Chim sâu, cần phải đắp điếm những gì tương phản, cho nó nổi bềnh tính cách lão lên. Những ông hay đọc báo rồi ra đám đông tái bản mồm, những ông “ba linh thôn” lâu lắm, họp phụ lão còn hô “Chấn chỉnh trang phục!” sẵn quá, cứ như quơ tay là túm được. Họ là gia vị, điểm xuyết cho Chim sâu. À, cái tên này “tự dưng” xuất hiện, là vì tôi cứ nghe nó hót mãi, rất thích, ngửa mỏi cổ mới thấy, chỉ là cái chấm chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Một loài chim hay đùa, hẳn thế…
                                           *
Phần kết thật sự phân vân, kéo thêm vẫn được vì cuộc hành hương còn tiếp tục. Nhưng nghĩ dài nữa nó loãng, mình “hết chuyện” rồi. Bèn đóng lại. “Hoa nước” xong, tôi không thấy nó hơn gì những cái khác của mình. Đưa nhà văn Hòa Vang, anh bảo “Đây là truyện ngắn hay nhất của ông”. Rồi tạp chí Văn nghệ quân đội in, cắt đoạn Chim sâu táy máy chị gội đầu. Và cuối năm thưởng một triệu đồng. Nhiều người bảo nó duyên dáng, hóm hỉnh.
Vậy là con mình đẻ ra, thấy nó xanh xanh tròn trĩnh, người khác lại nhìn ra tim tím vuông vuông. Cái sự vênh nhau ấy rất đỗi bình thường, đem lại cho người viết khi sượng sùng lúc thú vị.
                                                              Trần Chiến

Yên Mỹ hôm nay

11/6 vừa rồi 10 AE k3 lên Yên Mỹ  Đại Từ thăm lại chốn cũ. Chủ yếu là vào bom bo xem sự đổi thay thế nào.Quả là đã đổi khac rất nhiều.Khác xa với lần lên đi cùng Tuấn Linh và Xuân Nam cách đây gần chục năm.Giờ bãi trống xuống bom bo mà ta đứng chụp ảnh cũng là nhà dân rồi.Chỉ có suối nước bom bo mùa này có nhiều nước hơn lần trước.Sau đó vào nhà Sỹ Thành để Thái Chi bàn chẩn bị cho 1/8 tới sẽ tổ chức tại trại nhà Sĩ Thành.
môt vài hình ảnh ở bom bo :







Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Chiến dịch CQ.88


Kỷ niệm CQ.88


                                          Chí Thọ - K3

Những ngày biển Đông nổi sóng, dư luận xôn xao… Mấy anh em cựu chiến binh Hải quân (Đa số có tham gia chiến dịch CQ.88 năm xưa) lại tìm gặp nhau. Nhiều kỷ niệm và tâm sự ngày ấy lại trỗi dậy quanh tấm hải đồ cũ kỹ… Tâm trạng thì nóng mà vẻ mặt luôn lạnh – Có lẽ đó là nét chung của những người từng một thời “ăn sóng, nuốt gió” với bao vất vả lo toan… Thế mà đã 26 năm!.
Tháng 3-1988, quân Trung Quốc bất ngờ tiến chiếm các điểm Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, bắn chìm ba tàu vận tải của ta ở Trường Sa, 64 chiến sĩ hy sinh… Cả nước rung động. Chiến dịch mang mật danh CQ.88 được triển khai khẩn trương quyết liệt. Các đơn vị Hải quân rầm rập vào cuộc, với tinh thần : Quyết không nao núng, tranh thủ thời gian, triệt để tận dụng thời cơ, triển khai nhanh lực lượng!.
Trước đó ta chỉ mới chốt được vài điểm ở Trường Sa, với cơ sở còn rất thô sơ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chiến dịch ta đã rải quân hầu khắp các điểm trên thềm lục địa với công sự kiên cố, khả năng phòng thủ vững vàng. Một khối lượng lớn công việc trên biển bằng cả mấy năm cộng lại đã hoàn thành, sẵn sàng với mọi tình huống phức tạp nhất. Điều đó khiến đối phương, dù còn đầy dã tâm, đã phải chùn bước… Với bối cảnh chung rất khắc ngiệt lúc ấy (trong thì khủng hoảng kinh tế xã hội, ngoài bị cấm vận bao vây, viện trợ không còn, khó khăn chồng chất…) CQ.88 đã thành công.
Ngày ấy tôi ở một trong những đơn vị Hải quân làm nhiệm vụ “Bảo đảm cho Trường Sa và DK1”. Một phần quân số đơn vị còn đang ở Cămpuchia giúp bạn. Số còn lại đều chuyển vào trạng thái sẵn sàng, với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa” không kể ngày đêm. Nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm có tính chất “bên lề” khiến tôi nhớ mãi.
Một đêm mưa to, tôi vừa đi kiểm tra công việc ngoài quân cảng về, chưa kịp thay áo, thì có điện thoại gọi. Tôi thầm nghĩ : Chắc lại từ sở chỉ huy tiền phương CQ.88! (Hồi ấy điện gọi thường xuyên). Tôi chuẩn bị tinh thần báo cáo thật rành rọt tình hình các tàu đang neo đậu tại cảng (Nói cho hình tượng là : Phải nắm đến từng cơ số đạn, từng mét xích neo, từng gói mỳ, lon nước… như bên tham mưu thường nhắc “quên là mất đầu liền!”) thì nghe đầu giây bên kia vang lên tiếng cười nhẹ nhõm :
 A lô!... Ba Huấn đây (Anh Nguyễn Văn Huấn, khi ấy là phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vốn quen biết trước đấy).
Nhận ra tôi, giọng anh Ba trầm ấm :
 Đang vất vả lắm phải không?... Mình hiểu. Rất hiểu!... Mấy bữa nay nghe tin Trường Sa, tụi mình ở Ủy ban sốt ruột dữ lắm. Ai cũng nói : Phải làm cái gì chứ!... Xa thì khó gặp. Thôi thì… cứ gặp các cậu trước đã… Nè, nói thiệt nghe : Bí mật vừa thôi, cũng phải hô lên cho tụi tui ghé vai vô với chứ. Trường Sa đâu phải chỉ là của mấy ông Hải quân?! “Vì cả nước, cùng cả nước” kia mà!.
Nghe vậy, tôi rất xúc động. Mấy tháng nay cả đơn vị làm quần quật. Việc gì cũng nặng nề, khẩn trương, mà lại thiếu thốn đủ thứ… Nay có người thông cảm vậy, sao không xúc động. Giọng anh Ba vui tươi : Chiều mai mình đến thăm anh em, được chứ? Trước là thăm, sau là xem có giúp thêm được gì không. Rồi ta cùng bàn.
 Vâng, xin mời anh – Tôi đáp.
 Là thế này – Anh Ba hạ giọng – Tụi mình có đem theo chút quà tặng cho các tàu trực ở Trường Sa (mấy cái radio, sách báo, kẹo bánh… thôi). Ngoài ra còn kéo theo vài nghệ sĩ xuống ca dăm bài “úy lạo” anh em trước khi ra biển.
Đến cái đoạn”ca dăm bài” thì tôi hơi phân vân… vì rằng : Các tàu đều đang tất bật. Vũ khí, trang bị ngổn ngang. Lại cũng có lệnh của trên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”… Nhưng trước sự nhiệt tình của anh Ba (và cũng là của thành phố) tôi đành nhận lời (mà quên báo cáo lên trên “chuyện nhỏ” này).
Chiều hôm sau, đoàn khách thành phố đến khá đông, có các anh Ba Huấn, Ba Hòa, Tư Minh, Sáu Hiệp… cùng vài chục nghệ sĩ (đều khá nổi tiếng trên tivi). Ban chỉ huy chúng tôi ra đón mà hơi lung túng, vì với giới nghệ sĩ, thật tình là chúng tôi không quen ai và cũng không biết nên tiếp họ thế nào cho phải nhẽ. Anh Ba Huấn rất cởi mở (nghe người ta còn khen anh là có phong cách rất … sang! “Sang” từ cái bắt tay, chào hỏi, đến cả cách… uống rượu?). Anh thân mật giới thiệu từng người, rồi nói như thanh minh ::
- Tui tính chỉ lựa theo ba “cây hát vàng” tới ca vài bài rồi về ngay. “Đánh nhanh, rút gọn”, vì biết các anh đang rất bận. Nhưng nghe nói đi phục vụ bộ đội Trường Sa, nên ai cũng đòi đi rần rần… Hổng biết lựa ai nữa. Thành ra một đoàn “rồng rắn” vậy đó.
Sau khi giới thiệu vắn tắt tình hình biển - đảo, tôi đưa cả đoàn ra cảng. Mọi người dừng lại trước tấm bích chương đỏ rực căng ngay đầu quân cảng, ghi lời đại tướng Lê Đức Anh nói tại Trường Sa :
“… Xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, xin thề trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau : Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa của chúng ta!”
Vừa đọc, có vài người rút giấy bút ra ghi lại câu này, rồi trầm trồ :
- Câu nói hay quá! Anh Ba ơi, ta ghi lại, đem treo ngay trước Nhà hát lớn thành phố cho mọi người đọc chứ.
Đoàn khách đi thăm và tặng quà từng tàu. Đó là những con tàu vừa trực chiến mấy tháng trời ngoài biển xa trở về, hoặc sắp lên đường ra khơi. Trong đó có tàu vừa trải qua mấy ngày đêm gan góc đeo bám tàu đối phương, tìm cách cản phá, xua đuổi chúng ra khỏi vùng biển của ta. Có tàu trở về sau đợt lùng sục cứu vớt các chiến sĩ từ nhà dàn DK1 bị sóng quật đổ, trôi dạt trên biển mấy ngay liền … Nghe chuyện, đoàn khách ai cũng xúc động. Một nữ ca sĩ đứng lên bên khẩu pháo lớn và bồi hồi nói :
 Bấy lâu em chỉ hát nơi đô hội. Nay em xin được hát vài bài bên khẩu pháo này cùng các chiến sĩ hải quân của chúng ta.
Cô giơ tay mời. Lính hải quân sôi nổi ào lên nắm tay nhau cùng hát vang. Một bục gỗ và các ghế nhựa được đưa ra bờ cảng nhanh chóng tạo nên một sân khấu dã chiến. Các ca sĩ chuyên và không chuyên đua nhau lên biểu diễn. Tiếng vỗ tay cười hát vang rền… Thế là thành một “đại nhạc hội” ngay trên quân cảng cho đến tận khuya.
Tạm biệt nhau, các anh Ba Huấn, Ba Hòa, Tư Minh nắm chặt tay chúng tôi :
 Đến đây gặp anh em, thấy thương quá! Khi nào cần cứ gọi nhé. Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng làm tất cả cho biển Đông và Trường sa!.
Còn mấy cô ca sĩ thì sôi nổi nói :
 Khi nào có tàu ra Trường Sa, anh nhớ kêu tụi em nghe! Ra đó em sẽ hát suốt ngày…
Tôi vui vẻ cám ơn từng người, mà lòng như lửa đốt vì bao công việc còn ngổn ngang…