Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Hai bà nội của con tôi (chuyện về má của anh Trí Dũng, Chí Nhân)

Hồi con trai tôi vừa chào đời, bà Đường – bác sỹ nhi, bà đỡ cho cháu – có dặn: Tắm cho trẻ sơ sinh phải cẩn thận, đặc biệt là hai tuần đầu. Một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng xấu tới suốt cuộc đời của nó. Tôi xin nghỉ phép “đúp” để chăm nó.

Bà nội cháu đảm đương nhiệm vụ này. Tới ngày thứ tư, trong lúc tắm cho cháu, bà than thở “mai bà phải đi công tác rồi, biết tìm ai giúp bà đây (bà nói “giúp bà” chứ không nói “giúp ba”)?”. Vừa hay bà Thanh (má của anh Trí Dũng, Chí Nhân – Trỗi khóa 3) qua coi mặt “thằng cháu của bà”, biết chuyện, đã nhận tắm cho con tôi, mỗi ngày một lần vào gần trưa. Nhà bà Thanh và nhà tôi cách nhau chỉ chừng một, hai trăm mét, nhưng “vấn đề” là làm phiền bà quá...

Theo lời bà Thanh dặn, tôi nấu sẵn nồi nước, để nguội. Bà tới, ẵm cháu, u-a “nói chuyện” với nó, chờ tôi nấu thêm một ấm nhỏ nước sôi. Bà đóng các cửa “để tránh gió lùa, nguy hiểm cho trẻ khi đang tắm”. Bà đổ nước nguội vào chậu tắm, rồi pha thêm nước sôi cho vừa độ ấm. Bà nói tắm bằng nước chín vì nước máy hồi đó không đạt chuẩn (có nhiều Clo, nhiễm khuẩn, lẫn tạp chất). Bà đặt cháu nằm ngửa trên cánh tay trái của bà, ngón tay cái và ngón giữa bịt lỗ tai cháu, rồi nhẹ nhàng “nhúng” cháu xuống nước. Sự sung sướng của thằng bé hiện rõ trên nét mặt nó. Bà tắm cho nó, chuẩn xác từng chút một. Vừa làm bà vừa u-a “nói chuyện” với cháu.

Tắm xong, bà bọc nó trong khăn tắm rồi ẵm vào phòng ngủ. Bà sẽ sàng lau khô cháu, cởi khăn ra tới đâu lau tới đó. Lau xong, bà thoa chút xíu phấn rôm vào chỗ “nếp” (bẹn, các nếp cổ, khuỷnh tay, khuỷnh chân) cho nó. Bà nói, các chỗ “nếp” phải chú ý để không bị “hăm”. Bà mặc đồ mới cho cháu. “Cháu bà ngoan quá” – bà dỗ dành. Nó ngủ khì. Bà vừa se sẽ quạt cho cháu vừa truyền cho tôi những kinh nghiệm nuôi trẻ (tức bác Trí Dũng, Chí Nhân) của bà.

Bà nói, nuôi con không phải chỉ thực hiện chu đáo nghĩa vụ của mình là đủ, mà còn phải truyền sang cho đứa con những rung động từ trái tim mình. Đừng tưởng trẻ sơ sinh không biết gì, nó cảm nhận được đấy, nó hiểu đấy.

Cứ thế, giáp trưa nào “bà nội này” cũng sang tắm cháu, cả tuần lễ liền, cho tới khi “bà nội kia” trở về.

Cho tới bây giờ, khi thằng con tôi đã ba mươi mấy tuổi (lớn hơn tôi hồi đó), tôi vẫn nhớ như in những ngày mà hai bà nội đã tắm cho cháu – một cách thể hiện tình cảm của những người phụ nữ Việt nam đối với con, với cháu họ.
H: bà trông cháu (chỉ có tính minh họa).

2 nhận xét:

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.