Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

Hà Nội nhìn từ nhà quê

(Phần cuối)
(Bài Hà Nội nhìn từ nhà quê phần 1: nhấn vào đây)
Dòng sông trong mát
Quê tôi thuần nông, còn giữ được khá nguyên vẹn cái hình ảnh làng truyền thống. Không còn tường chình mái lá, những ngôi nhà xây khiêm nhường núp dưới bóng cây xanh rợp. Những mít, na lúc lỉu, kiến bò quanh quẩn trên cành. Ngoài đồng đỗ, lạc trồng cạnh cây lúa, lách chách tiếng vịt đàn rỉa gốc, ông lão thảnh thơi vung cây gậy buộc lá chuối. Cấu trúc đình - đền chùa còn nguyên vẹn. Nhìn lá cờ hội phấp phới đầu mái đao cong vút lên, tôi nhớ đến ông bạn thợ ảnh, hắn phàn nàn nông thôn giờ khó kiếm được góc máy nào không bị vướng dây điện với nhà mái bằng quá. Khi tôi bảo thế cậu có đi được trong những toa lét có thúng gio để rắc xuống không, hắn già giọng: Nhìn theo quan điểm ấy thì chết!

Cảnh thế là đẹp, là êm ả rồi, để ta có thể tĩnh tâm với những suy tư thơ mộng. Thế mà gặp họ hàng, người làng, bước chân vào từng căn nhà, cảm giác về ngôi làng bình dị, an ổn của mình cứ bong ra, thay vào là sự lo lắng, thậm chí thấy bất trắc.

Nhà nào cũng toàn người già, trẻ con. Đàn ông đàn ang đi tiệt, ra phố làm thợ xây, xe ôm, lâu lâu có thể thành thợ chính hoặc đủ tiền thầu công trình. Bà chị họ tôi trông cháu, tết thảm, ngày được hai nghìn bạc, thịt không dám ăn. Cột nhà dán mảnh giấy ghi ba chục ngày giỗ trong năm, lo đủ ngần ấy cái là bạc mặt ra rồi. Tội nghiệp, tôi không tả nổi nét mặt bà lão sáu chục khi nhận món quà trị giá ba cốc bia chưa có cái gắp của thằng em rơi từ trên trời xuống. Lại một bà chị khác, quý hoá chân tình, kể tình đầu các cụ bên tôi tử tế thế nào, nhưng chả dám giữ khách ở lại ăn trong khung cảnh quá nhếch nhác.

Đất không nuôi nổi người, nói thế là quá. Nhưng chỉ cho đủ ăn, chứ không thoả mãn được những giấc mơ ngày càng phức tạp, cao vời. Thế nên nhà nào cũng trống hơ hoác. Phụ nữ kiêm nhiệm hết, từ cầy bừa đến xấp mặt cắm cây lúa, được cái đã có đôi ủng cao quá đầu gối tha hồ lội bùn không sợ đỉa với thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Kể cũng lạ, đôi ủng cao su tiện lợi, hơn hai chục nghìn mà cũng phải Made in China. Các bà làm việc nặng nhọc, mới ngoài ba mươi đã nhầu nát, da đen, dáng cứng cỏi, chả được túng tắng ném quả tình như mợ nhà tôi ngoài sàn nhẩy. Và vừa phun thuốc sâu về nhà đã vạch áo cho con bú là làm sao...

Khá nhất làng là Khị. Ngoài bẩy mươi, ông cứ một mực gọi tôi là chú cho đúng tôn ti. Nhà xây ba tầng rìa làng, trần đắp phào tô xanh đỏ, có bức cuốn thư chạm chữ nho gì gì mà cả tôi và Khị đều không đọc nổi. Nhưng tường chưa trát, những ô cửa trống hốc, mái lợp tạm tôn ốt Nam, khách ngự trên chiếu khai mù vì xa lông chưa mua được. Giữa tiếng trẻ u ơ, tiếng tivi vặn to hết cỡ, cố gắng lắm tôi mới thủng được gia cảnh. Rằng cậu con trai, ngoài ba mươi, đi kéo cưa lừa xẻ trên ngược. Chúng đẻ hai con vịt giời, cay lắm, tính tiếp nữa nhưng phải làm kinh tế trước đã. Vợ nó chạy dăm chục triệu được xuất ô sin ở Đài Loan, đi bốn năm mang ba trăm triệu về xây nhà, mới được cái xác mà chưa có ruột, bèn tốn bẩy chục triệu để sang Đài thêm lần nữa. Tiền con trai đem về, nuôi bố mẹ và con chả hết bao nhiêu, nhưng xây được khu mộ tổ tổ bố, oách cũng nhất làng rồi. Khị tự tin giữ tôi lại ăn cơm. Nhưng tôi chả, sợ rằng rượu vào lại hỏi ông có phải thằng con lên trên ấy làm lâm tặc, và vợ nó, mới hai sáu, liệu đi ô sin có thoát khỏi tay ông chủ... Cái sự từng trải thị dân lắm lúc tưởng ra những nhiễu sự rất khốn nạn.

Tôi định ở quê thêm mấy ngày. Khung cảnh thanh bình, tiếng chim, câu kể rủm rỉm của bà lão tám mươi níu giữ ghê lắm. Nhưng cùng với nấy là bao thứ nhiêu khê. Đi đường với anh trưởng họ, chào ông cụ thì ấy đừng, nó còn là cháu mình, gặp anh giáo trẻ định xưng hô lối bằng vai thì bị mắng té tát vì đứng về bên bà ngoại vợ tôi thì bố cậu phải gọi tôi là anh kia...Khổ quá, bố tôi mà còn sống, về làng chắc cũng mắc cái tội vô lễ hay khiêm nhường chả phải lối. Muốn sang bà chị họ nghe chuyện thì phải sang nhà này, nhà kia trước đã, không bị chửi thối ra ngay. Những quan hệ rằng rịt trong ngôi làng nhỏ bé như cái màng nhầy, ngăn không cho ta được là ta, mà trước hết phải là một thành viên của cộng đồng trước đã. Thế là trần văn tút. Anh trưởng họ rất tiếc, hỏi bao giờ lại về, tôi không hẹn được.

Còn một cảm giác kinh khủng, chả dám phô to. Sao mà ở làng trông ai cũng bé nhỏ, mặt mũi chậm chạp? Hay là vì cái thói ta về ta tắm ao ta, vợ chồng gần máu nhau quá mà đâm phản động về sinh lý?

*

Quê ta làm sao ấy nhỉ, vừa thương lại vừa tội. Những ý nghĩ mới ngổn ngang trong đầu khi tôi trở lại đô thị. Nó làm cho tôi khoan dung hơn, bớt dị ứng với những thói tật quê mùa bị áp đặt bấy lâu nay. Những ông xe ôm, tôi thấy thật can trường khi phải xa hơi vợ, suốt ngày tranh đấu trên đường mà không thể cậy làng cậy họ. Đứa trẻ đánh giầy đã ba lần bị nhặt trả về địa phương vào các dịp lễ lớn, mấy hôm sau lại vũ như cẫn, tôi thấy gan góc lắm. Và may mắn làm sao, những cô ô sin được tha hồ mặc áo hở lưng chả sợ mắng, những sinh viên ra trường trường kì bám trụ đợi cơ may. Thời chiến tranh, nhà nhà đổ về quê tránh bom đạn, tưới tắm tấm lòng nhân ái rộng lớn của những bầm, bủ. Giờ đây, theo chiều ngược lại, Hà Nội như dòng sông lớn, sông Mẹ bao dung, ai cũng xuống tắm được. Thành phố, vì thế lấm láp, tẹp nhẹp, luộm thuộm hơn, nhưng đã như cái đầu tầu kéo kẻ quê đi lên. Hồng hộc, nặng nhọc, nó giải phóng được cho bao người khỏi những tủn mủn, chật hẹp của nếp sống sau luỹ tre làng. Ta về ta tắm ao ta mãi cũng tức là đóng cửa, bảo thủ chứ gì.

Nghĩ đại thể là thế. Phải khoan thứ, nhìn mọi nhẽ theo đại sự , đừng chấp nê cái lặt vặt theo đòi hỏi của mình, tôi tự nhủ. Nhưng sáng nay ra đường gặp ông xe ôm đến từ Hưng Yên hỏi đường rồi phóng thẳng, chả cảm ơn cảm huệ, thì lại bừng bực. ối giời ơi, thế thì cái thằng tôi nghiệt ngã trước đây với cái thằng tôi rộng lượng bây giờ, đứa nào đúng đây?

Trần Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.