* Chúng tôi xin đăng bài Hà Nội nhìn từ nhà quê của bạn Trần Trường Chiến, bài gồm 2 kỳ và đã được đăng trên báo Thể thao văn hóa tháng 06/2007.
Hà Nội nhìn từ nhà quê
LTS. Hà Nội nói riêng, đô thị nói chung là đề tài hay trở đi trở lại trong nhiều bài viết của nhà văn nhà báo Trần Chiến, dưới bút danh Hoàng Định. Chẻ nhỏ ra, là tính cách Hà Nội, cuộc sống phố cũ (TC không gọi đó là phố cổ), nhà ống, biệt thự, cốt cách đô thị..., thảy đều quán xuyến một cái nhìn theo chiều dài lịch sử, phân cách nó ra với nông thôn. Nhưng trong bài viết dưới đây, cái nhìn đó có vẻ đã thay đổi...
Ngôi nhà tạm
Tôi thường có ý nghĩ thương Hà Nội, nhất là khi ra đường. Thành phố gì mà chen chúc, nhem nhếch, vứt rác ra đường, đang đi gặp người quen đứng lại nói chuyện cản trở giao thông... đều hồn nhiên. Quê quá. Đúng là quê chứ gì, người đô thị mà ai cũng có ngón chân cái còn dính bùn, nói như nhà văn Nguyễn Khải. Nghĩ vậy rồi tìm hiểu thêm, càng tâm đắc với những khái quát của riêng mình và chả phải của mình.
Như là tại Thủ đô, nơi phải có cỡ hai triệu người ngoại tỉnh đang đổ về, cơ cấu dân cư đã bị phá vỡ, kèm theo đó là sự mất ổn định các giá trị, nền nếp. Hai quá trình thành thị hoá nông thôn, nông thôn hoá thành thị cứ tồn tại song song, tranh đấu với nhau; một người trở nên thanh lịch thì lại thêm hai ba người về nhà không đóng cửa, ăn nói cứ oang oang.
Như là vì hình thành từ những làng nghề nên quá trình đô thị hoá của Hà Nội bị chậm, không như Sài Gòn. Hà Nội như một cái làng lớn, anh thợ trẻ nào nghĩ ra mẫu hàng nào mới, dễ bị ông trưởng họ, trưởng phường mắng là không tôn trọng truyền thống, qua mặt các tiên sư lắm, thế là trí sáng tạo nhụt đi, không dám hướng về cái mới nữa.
Như là, như thế nghĩa là cái tuổi một đô thị không nói hết được trình độ đô thị hóa của nó.
Nghĩ thế và viết ra, tất nhiên có cả luận điểm rằng Hà Nội mạnh mẽ, phong phú, đứng làm tinh hoa văn hoá, giáo dục cho cả nước là còn do có bao người tài từ tứ xứ tụ về. Thành phố tiếp nhận, sàng lọc, nâng cao lên rồi lan toả ảnh hưởng đi nơi khác. Về đây, con người ta trở nên lịch duyệt, phát huy được cái ưu điểm trong mình, gột rửa những thiên kiến thiển cận, hẹp hòi kiểu trong luỹ tre làng, chỉ biết chào cờ xã ta. Những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... đã chả vĩ đại nếu không tắm táp trong không gian văn hoá Thăng Long. Nhưng dù thế nào, về Kẻ Chợ, trong bao năm qua đâu phải chỉ tinh hoa, mà cả cặn bã, khôn mống chứ, nó làm nên cái chất tiểu thị dân trong tôi, trong anh, người nấy người nọ. Không thể không viết ra rằng nhiều tập người ở tỉnh lên bản năng sinh tồn quá mạnh, tạo ra một không gian sống thuần túy thực tế. Không hài hước, không hề mơ mộng, tràn đầy sinh lực, khát vọng quyền lực, họ pha vào cộng đồng những quan hệ cục bộ kiểu phe giáp, coi đó như ngôi nhà tạm, thuần tuý làm phương tiện chứ chả yêu thương gì. Hà Nội giầu truyền thống, đúng quá, nhưng cũng không ít lần ngoảnh đi trước những con người mới, những cơ hội đổi mới...
Đọc những bài viết của tôi, có người bảo đúng nhưng nghiệt ngã, buồn bã quá. Có người chỉ nhìn chả nói, ra điều thành phố này của riêng mình anh đấy a?. Vẫn biết Thủ đô được bồi đắp cả nghìn năm nay bằng những người tài từ tứ xứ đến, cô đọng lại thành tinh hoa, nhưng không thể không viết ra những nhận thức trái chiều trên. Và mỗi Tết đến, được hưởng cái thú đi bộ trong thành phố tinh tươm, vắng lặng (người ngoại tỉnh giờ về cả rồi mà), cứ ước ao cái nơi mình trú ngụ nó cứ như thế này mãi.
Gần chỗ tôi ở có gia đình từ Bắc Giang về trú, nguyên cả nhà. Họ để ruộng lại cho người nội tộc cấy, thu hái chút đỉnh, bảo những tiền thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, đóng góp làm đường làng, quỹ khuyến học khuyến tài, nuôi văn nghệ... nặng quá, chỉ đủ ăn chứ chả tương lai gì. Ra đây cày đường nhựa, dù chỉ là bốc hàng theo chuyến, thuê xích lô chở người nhưng khá hơn, chỉ về lúc giỗ tết thôi. Rồi một hôm họ kêu ầm lên rằng cái dự án lấy đất ở nhà tính cả đền bù với hỗ trợ trên chỉ trả 30 triệu đồng một sào, quá bằng cướp không. Nông dân không có đất thì chết chứ còn gì, con gái chỉ có nước đi làm đĩ... Thế là tranh đấu, những đám đông đến trụ sở công quyền đứng cả ngày, can trường, kiên trì đến lúc được giải quyết. Hể hả, thoả mãn được vài năm, lại thấy vợ chồng nhà ấy ước giá có dự án lấy đất nữa, để lại được đền bù. Nghĩa là nghĩ đúng kiểu chân đất mắt toét gì cũng muốn. Cái nhà ấy bao năm nay chỉ độc làm thuê, chả cất mình lên nổi.
Lại nhà khác, những nhà khác, về thị thành đã sẵn nong né, có họ mạc làm to để được nhờ. Ban đầu khiêm nhường, rón rén, chắc chân, phất lên rồi thì vi tính hẳn, vặn loa tra tấn cả con ngõ hẹp.
Những cảnh người quê, những phận người quê ra tỉnh, hình như rất khác nhau, đi lên hay đi ngang mỗi ông mỗi kiểu. Nó làm tôi rối tinh khi muốn phát triển óc quan sát. Lâu rồi chả có bom đạn để ta lại tán với đi bộ đội đóng nhà dân, thật khó biết chân dung nông thôn với đội quân chủ lực hôm nay ra thế nào.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét