Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

19/08/1945 - Tổng khởi nghĩa Hà Nội



Mít tinh tại Quảng trường Nhà Hát Lớn sáng 19/08/1945         


                                   Chiếm Bắc Bộ Phủ sáng 19/08/1945   

Wikipedia.Tinh mơ sáng ngày 19 tháng 8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của tổ chức Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Sau đó một cánh tiến thẳng tới Phủ Khâm Sai, cơ quan đầu não của chính phủ, và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này. Lính bảo vệ Phủ đã hạ vũ khí mà không có bất kỳ hành động kháng cự nào trước sức mạnh của nhân dân Hà thành. Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuân Chữ (người mới đứng ra thay thế ông Phan Kế Toại) bị bắt giữ và đưa về An toàn khu tại Hà Đông.
Cùng thời gian đó, ông Nguyễn Quyết đã chỉ huy nhân dân chiếm Trại Bảo an binh. Nhưng quân đội Nhật đã can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh trại, đòi tước vũ khí của lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Khang và ông Trần Tử Bình đã quyết định tiến hành đàm phán với quân đội Nhật vì theo phân tích thì quân Nhật đã rất rệu rã, không còn tinh thần chiến đấu cao và muốn bảo toàn lực lượng khi rút về nước. Hơn nữa nếu quân đội Nhật cố ngăn cản thì cũng không được lợi ích gì vì bản thân chính quyền do họ dựng lên quá yếu ớt, không thể đối trọng với sức mạnh của Việt Minh. Đúng như dự đoán, sau khi tiếp nhận đề nghị của Ủy ban Khởi nghĩa, Nhật đã đồng ý rút quân nhưng yêu cầu phải có một cuộc đàm phán chính thức với cấp chỉ huy tối cao của họ.
Chiều tối 19 tháng 8, phái đoàn của đàm phán của Việt Minh do ông Lê Trọng Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu đã trực tiếp gặp gỡ và đàm phán với tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng phía Nhật, đúng như đã được dự đoán, đã chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh; đổi lại binh lính của họ sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Họ đã chấp nhận chính quyền cách mạng. Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Hà Nội bởi phe Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn loại trừ mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại thủ đô vào thời điểm đó.
Cũng trong đêm 19 tháng 8, Xứ ủy quyết định thành lập Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội, chính thức hoá vai trò của chính quyền cách mạng với nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Ngày 20 tháng 8, khoảng 10 giờ 30 sáng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời, đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại Vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ phủ.
Ngày 21 tháng 8 tại Huế phong trào Việt Minh bừng nổi dậy. Tướng tư lệnh Nhật đã nhận được chỉ thị của Đông Kinh phải giữ ngôi cho Hoàng đế Bảo Đại, đã bàn với Thủ Tướng Trần Trọng Kim như sau: "Mặc dù nước Nhật đã đầu hàng nhưng quân đội Nhật tại đây vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho tới khi quân đội Đồng minh đến tiếp thu. Xin ngài hãy làm văn thư yêu cầu để chúng tôi tái lập trật tự." nhưng Thủ Tướng đã từ chối sự giúp đỡ của họ.
Đại tướng Nhật cũng vào yết kiến vua Bảo Đại xin tái lập trật tự để bảo vệ ngai vàng nhưng cũng bị từ chối.
Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo một sự rung động và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn vùng. Các tỉnh trưởng, thị trưởng Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Nguyên... đang ngóng trông tin từ Hà Nội, phải vội vàng chuyển sang tìm gặp và theo Việt Minh ở địa phương. Ngày 23 tháng 8, chính quyền cách mạng ở Hải Phòng được thành lập.

4 nhận xét:

  1. Một bài viết ngắn gọn, đầy đủ, hào hùng về ngày 19/8 lịch sử cách nay 65 năm. Các cá nhân lãnh đạo và tha, gia Tổng khởi nghĩa 19/8 ở Hn có nhiều phụ huynh trường Trỗi. Đến nay còn lại Đại tướng Nguyễn Quyết và Đại tá Lê TRọng Nghĩa.
    KQ

    Trả lờiXóa
  2. - Ko biết ông Trần Đình Long có phải học Phương Đông về, thời kỳ 36-39 làm báo Tin tức của nhóm Cộng sản công khai ở HN ko nhỉ?
    - Có một chuyện vui vui. Phái đoàn ta vào tiếp nhận (giờ người ta hay dùng chữ này hơn là "tước") ấn kiếm Bảo Đại trong Huế, có cuộc gặp trước giữa phái đoàn và hoàng tộc. Sau khi bàn chương trình, nghi thức, xong việc rồi thì bên hoàng tộc rất lúng túng, xong cũng hỏi "Hai tháng nay chúng tôi chưa có lương, vậy có được nhận hay ko?". Dĩ nhiên là "Có!"
    Thời Nhật sang tớ ko biết thế nào.Nhưng từ khi Pháp chiếm kinh đô 1885 thì lương nhà vua do khâm sứ Pháp trả. Tớ vừa đi Huế về. Dân Huế giờ là 33 vạn. Họ bảo ngày thất thủ kinh đô năm 1885, Pháp giết mất 1,7 vạn. Vậy dân Huế lúc đó là bao nhiêu, nó phải giết vãn cả chắc...
    Phái đoàn vào Huế ngày đó được dân đón vui lắm. Có chỗ trương khẩu hiệu "Khánh chúc tân triều". Tức coi đây là cái triều đình mới
    - Một chuyện nữa ko biết nên vui hay buồn, nhưng làm mình phải nghĩ.Dịp cách mạng, báo chí hay kỉ niệm. Năm kia tớ đưa bài cộng tác viên về người cướp micro trong cuộc mít tình của tổng hội viên chức ở Nhà hát lớn HN ngày 17-8-45, tức là vẫn thời chính phủ Trần Trọng Kim. Có đoạn đại khái:"ông, người của Việt Minh, đã cướp micro trước sự sững sờ,bất lực của những người tổ chức cuộc mít tinh là Trần Ngọc Sâm và... Rồi lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại thả xuống"
    Sau đó tớ tiếp một bà. "Tôi là con ông Trần Ngọc Sâm. Bố tôi tổ chức cuộc mít tinh đó, nhưng là cộng sản, đã tù đày, sau là lão thành cách mạng. Bao nhiêu năm bố tôi đòi phải bổ sung là có người VM trong ban tổ chức mít tinh.Đây, thư gửi TBT Đỗ Mười đây...".
    Đứng về lý, tớ ko sai. Bài viết dựa theo hồi ký các vị lãnh đạo khởi nghĩa HN, đã đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Nhưng về tình thì thấy tồi tội. nhất là khi bà ấy đưa hai tờ cáo phó về ông bố. Báo Nhân dân: "đ.c TRẦN NGỌC SÂM TỨC X." - thật ra phải là "TNS tức X". Báo HN mới:"đ. c Trần Sâm". Và khóc tức tưởi. "Rõ ràng là có một âm mưu về bố chị. Rồi sau những kẻ ấy cũng bị lãnh đủ em ạ"
    Kinh nghiệm dạy tớ cứ ngồi nghe. Rồi bà ấy cũng hạ hoả. Tức là ko có chuyện kiện cáo gì. (Thực ra lâu nay bà ấy đã nói với tuyên huấn HN nhưng họ ko sửa, ko hiểu sao). Rồi tặng tớ ảnh bố mẹ, cám ơn đã nghe, ra về.
    Đàn bà nói cho bõ uất, ko làm to chuyện nữa. Nhưng cái sự yếu đuối ấy làm mình ko quên được. Kể ra đây như kể một cảm giác thôi.

    Trả lờiXóa
  3. TL: thế này là đúng cái ông mình biết rồi. Còn vô danh lắm. TC

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét đối với bài đăng này.
Nhận xét của bạn là sự đóng góp hữu ích cho thành công của trang tin BanTroiKhoa3.