Sau Qui Nhơn, Đà Nẵng, giờ là Nha Trang quê tôi. Lần này về Nha Trang không phải vì công việc, cũng chẳng phải để gặp bạn bè mà như đã nói, tôi về để học nốt (phần thực hành) và thi lấy bằng lặn biển. Khi còn nhỏ, kiểu bơi đầu tiên của tôi là lặn đến khi hết hơi lại ngoi lên lấy hơi ...lặn tiếp. Sau này biết bơi rồi vẫn sướng lặn. Tuy nhiên, từ khi đi làm thì chẳng có dịp và điều kiện tham gia môn giải trí này. Tôi chỉ có thể tự thỏa mãn thú vui này trong bể bơi bằng chân nhái và ống thở (snorkel ). Với dụng cụ này, bạn chỉ có thể bơi úp mặt trên mặt nước và vừa bơi vừa quan sát đáy. Nếu cần nhìn gần, bạn phải lấy hơi và lặn xuống. Khi hít đầy hơi, người bạn nổi nên việc lặn xuống sẽ mất sức hơn. Lặn có khí tài lại khác hẳn, người không biết bơi cũng có thể lặn tốt. Bạn không còn phải lo chuyện không khí để thở, đã có bình khí nén cung cấp. Bạn cũng không lo chuyện nổi, chìm...đã có áo phao và dây nịt trọng lực để điều chỉnh. Có áo lặn liền quần mặc giữ ấm và bảo vệ da. Quan trọng nhất là bạn buộc phải thở đều và liên tục trong quá trình lặn. Nước là môi trường đậm đặc hơn nhiều so với không khí, chính vì thế mà áp suất dưới nước tăng nhanh theo độ sâu. Xuống càng sâu áp xuất càng tăng. Mặt khác, không khí khi bị dìm xuống nước, thể tích sẽ co lại theo độ sâu. Bình khí 200 bar khi dùng để thở trên mặt nước có thể được cả giờ, khi xuống độ sâu 10 m chỉ có thể dùng được nửa thời gian nhưng nếu lặn ở độ sâu 20 m thì thời gian lặn sẽ chỉ còn 1/3 so với trên mặt nước. Áp suất của nước ngược lại, càng xuống sâu càng tăng. Ở độ sâu 20 m, áp suất cao gấp 3 lần trên bề mặt. Trong môi trường nước, ánh sáng được truyền với tốc độ khác so với trong không khí. Ta thấy các vật thể trong môi trường nước được phóng đại 33% tạo cảm giác to hơn và gần hơn - vì thế, người cận thị khi đi lặn không cần đeo kính vẫn nhìn rõ. Màu sắc cũng vậy, càng xuống sâu càng ít mảu sắc. Ở độ sâu dưới 5 m, ta không còn thấy màu đỏ nữa, dưới 15 m sẽ không còn màu cam, từ 30 m sâu ta không thấy màu tím và vàng....Chụp hình dưới nước cũng là một thách thức vì không chỉ thiếu ánh sáng, còn thiếu cả một số sắc màu tùy theo độ sâu. Âm thanh truyền trong môi trường nước nhanh hơn so với trong không khí 4 lần, vậy nên thật khó định vị được nguồn âm phát từ đâu. Môi trường nước dẫn nhiệt gấp 20 lần so với không khí, vì thế khi lặn ta bị mất nhiệt rất nhanh nếu không mặc áo cách nhiệt.
Với một số kiến thức cơ bản về môi trường nước và một số kỹ năng cơ bản về thở, giữ nổi, chuyển động... bạn hoàn toàn có thể thích nghi và cảm thấy tiện nghi, thoải mái dưới đáy biển, thưởng thức một thế giới tự nhiên khác hẳn những gì chúng ta thấy hàng ngày.
Ngày thứ 2 ở Hòn Mun, tôi và huấn luyện viên lặn 2 cuộc tại 2 điểm khác nhau, độ sâu tối đa 12 m và lặp lại các kỹ năng đã làm ở hồ bơi sau đó lặn vòng quang khu vực. Mỗi cuốc khoảng 50' và cách nhau 1h:20 nghỉ. Ngày thứ 3 vẫn ở Hòn Mun nhưng tại điểm lặn khác, độ sâu 18m. Cũng 2 cuốc, cách nhau khoảng 1h 30'. Cuối cùng, tôi được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời 90 ngày để chờ PADI gửi thẻ chứng nhận chính thức. Với giấy tạm thời này, tôi đã có thể tham gia lặn ở bất cứ đâu, sẵn sàng phục vụ anh Chí nhớn.
Tảu lặn của một trung tâm lặn biển khác - ở Nha Trang có 12 trung tâm, CLB lặn
Giới thiệu các điểm lặn tại Hòn Mun
Hướng dẫn viên lặn của Vinadive đang hướng dẫn một du khách.
Cặp du khách người Tây ban Nha này chọn gói lặn bằng ống thở (snorkelling) cho rẻ (18usd)
Tôi và Huấn luyện viên (Instructor) sau bài lặn cuối cùng.