Sự “để đời”
Lâu rồi tôi mới lên mạng (cũng là còn ham đi chơi đây đó). Lần này mở trang K3 gặp ngay bài của HMK6 (chỉ nghe tiếng, cũng coi như quen vậy) “Cảm xúc khi đọc SRTKL” (27/11/2010). Tuy tự nhận là “dốt văn”, nhưng tôi thấy bài nào của HMK6 cũng có cái… hay : Hành văn “ụych tẹc” rõ ràng, cách nhìn có tình có lý, luôn hướng thiện về bạn bè đã tạo nên cái “hay” ấy chăng?!
Tôi cũng có vài cảm nhận từa tựa HMK6 về 3 tập sách SRTKL của chúng ta :
Tập 1 là một ly nước mát (nước lã thôi) để chắp nối lại đám bạn bè. Tập 2 là một ly bia ướp lạnh, tạo thêm hứng khởi. Tập 3 là một bữa liên hoan nhẹ…
Tất nhiên, “tác giả” (tôi cho vào “…” vì tất cả chúng ta đều không ai có “ý đồ” làm văn ở đây) là những người không chuyên, nên tập nào cũng có sự thô ráp, trục trặc của dân “ngoại đạo” văn chương… Được vậy là tốt rồi.
Hồi BBT hô hào làm SRTKL2, có vài bạn nhỏ nhẹ, - Chắc đây là tập cuối của mấy ông hưu trí. Ta ráng “có mặt chút đỉnh” cho vui. Cũng là dịp “bố cáo” mình vẫn còn … sống “phẻ” (!)
Ai cũng chỉ nghĩ là “cho vui” thôi, nhưng khi viết đều cố gắng cho … đàng hoàng. Không tự viết thì “bắt” thằng khác viết dùm. Còn đứng tên ai thì … “makeno”(!) miễn không “sai phạm” gì là được. Nó như một “biểu tượng” cho ngôi trường xưa không còn chút dấu tích, như sự kích họat chắp nối lại đám bạn bè “mất tăm” sau mấy chục năm (điều này có lẽ “nổi lên” rõ hơn ở đám anh em phía Nam, nơi còn phảng phất tâm trạng của dân đi “mở cõi” phải trăn trở hơn và … “liều lĩnh” hơn chăng (?))
Tưởng SRTKL tập 2 là xong, anh em “xếp bút ngiên” nghỉ… khỏe. Ai dè lại có cả tập 3 SRTKL “hoành tráng” hơn ra đời. Đọc cũng thích (riêng tôi cũng có vài bài, mà chưa kịp “sửa sang” chi cả, nếu có sai sót gì, xin được lượng thứ). Nói như HMK6 : Với tài năng văn bút thế này thì “bị” hay “được” đưa vào sách cũng “đã” lắm rồi(!) “thôi thì anh em mình cả, ai chửi thì … mình nghe. Chỉ còn biết sori… sori liên tục…” Vui vậy. Nhưng dù sao cũng nên lắng nghe và rút kinh nghiệm (cả nội dung và cách làm) để lần sau có gặp nhau thì … vui hơn. Thế thôi.
Nay bạn HMK6 lại “gợi ý” việc làm tiếp SRTKL tập 4, với ý tưởng : Phải là một tác phẩm văn học thực thụ, hấp dẫn và là một cuốn sách để đời… Không biết các bạn khác “cảm” sao, chứ riêng tôi thì nghe hơi … hoảng! Ý tưởng là chính đáng, bài vở chắc chẳng thiếu, tâm sự còn đầy… Chỉ cần 1/10 “quân số” nhúc nhắc cầm bút thôi là… nhòe. Nhưng nêu “mục đích, yêu cầu” đến mức ấy thì “hoảng” là phải. Vì tôi thiết nghĩ : Đa phần anh em mình tuy đều có học hành tử tế, không ít người khá sâu sắc về trí tuệ (tôi không dùng từ “trí thức” vì bằng cấp giờ kiếm đâu chẳng có!) hoặc có nhân cách, bản lãnh đáng quý (dù thành danh hay không) nhưng đều là dân nghiệp dư về văn chương. Văn chương là tinh túy của đời, nhưng cái thế giới ấy nó mờ ảo, khúc chiết lắm, không phải là nơi của sự tâm tình bạn bè. Ở các cuốn SRTKL ta chỉ vì cái tình mà viết. Vì nhau mà viết. Viết cho vui. Sai thì sửa. Không ai có tham vọng gì ở đây (nếu có, họ lại chọn một “sân chơi” khác). Vậy nên, nếu đặt mục đích yêu cầu cao quá (một tác phẩm văn học thực thụ, một cuốn sách để đời…) thì chắc là sẽ … không ai dám viết nữa! (Chắc tôi cũng vậy!). Không phải do anh em ta “tài hèn đức kém”, mà vấn đề là : không nên đặt vấn đề ấy ra !... Lăn tăn về nó là mệt.
Sống đến tuổi này (trên dưới 60), lặn lội cũng nhiều, lo toan cũng lắm (cả việc chung, riêng) tạm coi là hiểu đời. Nhiều chuyện nhốn nháo, đảo điên vậy mà vẫn điềm tĩnh, vui tươi, tạm coi là yêu đời (thậm chí là cả tin đời)… Còn cái đọan “để đời” xin hãy đứng … xa xa (“kính nhi viễn chi” mà).
Nên nhìn nhận những cuốn sách SRTKL một cách bình thường, dung dị (như có bạn “mô đó” đã đùa : “Tau rứa đó, mi coi thì coi, không thì… vứt”). Như cuộc đời có dở có hay. Hay, dở đan xen. Vui, buồn lẫn lộn, gạn lọc để biết thêm về nhau. Chê bai nặng lời, khen ngợi quá mức, hay kỳ vọng quá cao đều là không nên. Cuộc đời của những cựu thiếu sinh quân chúng ta cũng vậy : hay, dở đan xen. Vui, buồn lẫn lộn… bình thường như bao người. Từ cuốn sách này, hay mọi sự giao lưu khác, là để niềm vui nhiều hơn, sự buồn bớt đi. Còn từ đó “rút ra” được cái gì là việc riêng của từng người.
Cuối cùng, theo tôi, ba cuốn sách SRTKL đã đạt được mục đích của mình (tạo nên một “biểu tượng” chung kết nối bạn bè lúc ban đầu) và hiện nó đang tồn tại êm ả trong anh em ta. Thế là vừa lượng, “quá lửa mất thiêng”. Nên dừng ở đây. Nhiệm vụ tiếp theo của sự kết nối ấy từ nay là của các Ban liên lạc, các mạng bạn Trỗi, các buổi “giao ban”… Tuy nhiên, nếu trong các cuốn sách “cho vui” ấy có vài bài nào đó, hình ảnh nào đó, hay chỉ vài chi tiết nào đó (có thể lắm chứ!) khiến bạn cười vang sảng khoái; hay trở nên tư lự, bồi hồi… thậm chí nghẹn nghào, nước mắt trào ra (như các bạn DM, CT, CP, KQ, KT, PH, ND, KL… đã viết) thì đó cũng chính là sư “để đời” chứ sao! Cái khái niệm “bất thường” này thực ra cũng chỉ là bình thường vậy thôi.
Nếu đều cùng quan niệm vậy, dẫu có ra đến SRTKL tập 4, tập 5… thì chắc nhiều bạn cũng cứ là … OK
Chí Thọ (K3)