Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Bài hát theo yêu cầu

Bài Ca Bên Cánh Võng -     hát  :  Trọng Tấn
Sáng tác: Nguyên Nhung
(Theo yêu cầu của Tạ Việt Chiến K3 và Lê tiến Dũng K3 )

Dừng chân bên suối võng đưa
 Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng 
Bông hoa rừng thơm mát, phải đất nước cho ta 
Mẹ yêu con gửi tình trong hoa bát ngát 
Võng theo ra chiến trường 
Võng theo ta giải phóng 
Tổ Quốc ơi! Muôn năm vững bền hai đầu 
Cho quê ta hết giặc, Bao em thơ yên ngủ 
Về anh ru dưới bóng dừa 
Chiều Trường Sơn dào dạt võng đưa 
Rừng ru ta thân yêu như quê nhà 
Như con thuyền trên bến đợi rẽ sóng trùng khơi 
Về dưới xuôi, đồn thù bốc cháy nơi nơi 
Võng theo ra chiến trường 
Võng theo ta giải phóng 
Tổ Quốc ơi! Muôn năm vững bền hai đầu 
Lời ru xưa vỗ về Lời ru nay thúc giục 
Rộn lòng ta ra chiến trường

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Những kỷ niệm không quên


Mến tặng các anh, chị khóa 3 thân yêu của tôi


Trường mình hiện hữu có 5 năm, thời gian như vậy quả là không nhiều so với tuổi thọ của hàng trăm hàng nghìn mái trường được sinh ra trên đất nước này; Ấy mà 50 năm sau và có thể còn lâu hơn nữa, anh em ta vẫn nhớ nhung “nó”, nhắc tới “nó” với những tình cảm yêu thương trìu mến như đó chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mình vậy. Cuộn sống ở đó đã cho ta trải, nếm đủ các dư vị của cái tuổi đầu đời: Hùng tráng có, bi tráng có và (tạm gọi) hài tráng cũng có.
Vậy thử nhớ lại xem nhé. Tuy có thể sai lệch đôi chút nhưng tôi xin cam đoan những gì mình nói, những gì mình nghĩ là đúng với bản chất của vấn đề, còn hình thức diễn đạt thì có chút khác biệt, chắc cũng chả có gì nghiêm trọng lắm phải không các bạn nhỉ?
Anh em Trỗi nhà mình (ăn chung, ở chung, vui chung, khổ chung, thì là “nhà mình” chứ còn gì nữa) ngoài ba cái vụ bị ghẻ lở, hắc lào nó hành, rồi những đợt dịch viêm màng não tấn công, đến nỗi ai cũng phải uống hàng vốc Sunfamir trắng xóa, hàng tô quán-chúng đen sì, thì còn một cái chứng nữa nó hành mình cũng không kém. Đó là căn bệnh “đói liên miên”, mà may ra sau này được sang nước bạn tá túc thì tự nhiên anh em mình hết “bệnh”. Ngoại trừ những bữa “Vì miền Nam ruột thịt” do trường phát động, chỉ có cơm với muối vừng, nhưng thực ra không hề hấn gì vì cả tuần mới có một buổi ăn nhạt chứ mấy, hôm sau ăn bù là được.
Tôi còn nhớ mang máng thực đơn theo lịch của bếp ăn đại đội là (những món chủ chốt):
Thứ hai: Thịt heo luộc chấm xì dầu.
Thứ ba: Canh hành tía củ to nấu với thịt hoặc cá.
Thứ tư: Thịt heo kho + canh cải (cải gì thì không nhớ lắm).
Thứ năm: Thịt gà luộc + đậu phụ chấm mắm tôm
v.v và v.v …nghĩa là thay đổi món ăn hàng ngày để khỏi chán. Đúng là hậu phương lớn có khác.
Ăn sáng thì hôm nay ăn cơm rang, sáng mai xôi và chè nhé, ngày kia bánh bao và cháo trắng nè, v.v …Quả là no xôi chán chè thực không có sai.
Ăn thì bằng tô bằng thìa. Một cái tô xúc đầy bằng 3 chén cơm. Nhét cho 2 tô thì ễnh bụng. Ăn mâm này xong lại còn được phép la cà tới mâm khác để vừa trò chuyện vừa ăn dùm bạn, thật là khoái hết chỗ khoái, no ơi là no, chẳng bù cho cái hồi còn … tại vị trong nước.
Này nhé, chúng tôi hồi đó hầu như đói kinh niên, đói mãn tính vì đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhìn thứ gì mà bỏ được vào miệng mà không chết là bỏ liền. Từ trái bưởi (có khi mua, có khi xin, và có khi ăn trộm) đến mít, khế và cả mấy quả ổi xanh lè, cũng xơi tuốt bất chấp hậu quả ra sao, có táo bón hay táo tàu gì cũng mặc kệ, miễn là no cái đã.
Có một kỷ niệm nhỏ, bây giờ mới dám thú nhận, dám vạch áo cho người xem lưng. Phiên gác đêm hồi ấy của đại đội thường là 2 người 1 ca. Tôi và Lê Cảnh Nghĩa (xin lỗi Nghĩa nhé, không ai truy cứu nữa đâu, lâu quá rồi, mà để lâu thì … cứt trâu cũng hóa bùn …) được phân công một ca trực, vũ khí được trang bị thời gian đầu còn thô sơ lắm, chỉ có dao quắm và …gậy, còn đèn pin thì tự túc. Ước gì có được cái đèn pin của Dũng “gỗ” nhỉ, hàng độc đấy, là đèn 3 pin, bấm lên sáng quắc cả một vùng; có nó thì chả sợ thằng nào, con nào nhé. Hai đứa đi một vòng đại đội thì về giải lao, đứng ngay bên chái bếp. Cửa bếp khóa, tò mò và đói, tôi leo vào theo lối cửa sổ. Dưới ánh sáng lờ mờ, một cái xoong nhôm đậy nắp được để hơi riêng ra một chỗ, tôi kiểm tra ngay. Trúng mánh rồi, liền gọi Nghĩa vào và 2 thằng (ăn trộm) tay thì bốc, miệng thì nhóp nha nhóp nhép. Đã là ăn vụng mà lại là thịt gà thì còn gì bằng. Đúng là miếng ngon nhớ đời. Nhưng cũng không dám ăn nhiều, vì biết sợ, nhỡ ra mấy ông đại đội phát hiện được thủ phạm thì ngượng lắm. Đói là thế nhưng cũng có lúc ễng bụng. Đó là vào những ngày chủ nhật, một số bạn có gia đình lên thăm, tất nhiên bọn nó sẽ không ăn cơm đơn vị. Vậy thì ba, bốn người sẽ được ăn mâm cơm dành cho 6 người. Lâu lâu cũng ấm chân răng là thế. Thật tội cho bạn Trịnh Thành Công, vì lý do nào đó Công ăn rất chậm, ngồi giữa 5 cái tàu há mồm lại không khách sáo gì thì bạn đói là cái chắc. Thế là có sáng kiến chia cho Công riêng một phần, nhưng cũng thỉnh thoảng thôi, vì sợ bạn tự ái. Vì thiếu ăn (đang còn chiến tranh mà) nên vóc dáng bọn mình cũng “oằn” lắm, đứa nào cũng độ 45, 50 ký cả quần và áo là cùng, nên khi ra suối tắm, thằng này chê thằng kia cũng là thường. Nhưng cũng có ngoại lệ, có anh bạn cũng to con lắm, phải trên 60 ký, vòng ngực hơn 90. Đó là Dương Thanh. Dĩ nhiên các thứ khác cũng phải đồng bộ chứ. Nếu nói theo kiểu bây giờ thì cũng thuộc hàng top ten đấy, chả thế mà bạn lại có ngoại hiệu là Thanh u – ko tu. Mà nghe tin chầu rìa thì giờ này hắn chỉ còn ở top 100 thôi. Không biết có đúng không? Hay là vì “ con gà tức nhau tiếng gáy” nên tụi nó phịa ra!? Hay như Phan Chí Đỉnh cao gần 1m8, để đỡ thấy cao nên anh em sửa tên lại là Phan Chí Chóp …
Đã là lính thì phải biết hành quân. Đã là bộ đội thì đâu cũng là nhà mình. Bầm, bu, thầy nào cũng là bầm, bu, thầy của mình và quan trọng hơn là đi thì dân phải nhớ, ở thì dân thương. Bọn lính Trỗi ăn chưa no, lo chưa tới, không biết có làm nổi được cái việc lớn lao ấy không?
Thời gian đầu về ở quân khu Tả Ngạn – Chí Linh – Hải Dương, chúng ta chưa được nhập ngũ, chưa thành anh bộ đội chính hiệu, mặc dù quần áo trang bị là của lính nhưng chưa được gắn sao vàng trên mũ, chưa có quân hàm, quân hiệu, thì cái việc “vì nhân dân” của mình chắc cũng còn non kém lắm.
Tôi và Tài Chí được phân công về ở một nhà dân. May là nhà không có con gái lớn chưa chồng. Bọn tôi hồi ấy nhát gái lắm. Nhát thì không nói chuyện, tán tỉnh được, mà không tán được thì mang tiếng không dân vận được, thế mới khổ chứ lỵ, nên nói may là vì thế.
Và chuyện này lại cũng có ngoại lệ đấy. Không phải anh em Trỗi nào cũng nhát đâu nhé. Ở những lớp học có bạn nữ thì môi trường này giúp mấy anh đực rựa nhà mình mạnh dạn và phóng túng hơn. Ví dụ, sắp đến giờ học môn Hóa, cả lớp ngồi ngay ngắn nhìn lên bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép để chờ thầy. Tới khi thầy vô, sau màn chào hỏi, trực nhật lớp cất bảng tuần hoàn để vào tiết học, không ngờ khi tháo bảng tuần hoàn xuống thì dòng chữ hiện ra, đó là 2 câu:
“ Lớp ta chàng Thắng họ Nê,
Sun fua đã lắm, máu D cũng nhiều”
Bọn học trò nam thì cười lăn, bọn con gái thì mím miệng! Còn thầy thì ngậm ngùi lau vội bảng và nhân vật kia thì đỏ mặt tía tai. Không biết tác giả là ai (nghe nói là Đ.X.H) nhưng chắc bạn cũng học khá môn Hóa (Sun fua hydro mùi gì? Đạp vỡ quả trứng ung ra thì sẽ biết). Vả lại các thầy cô thường dạy học trò là hãy vận dụng kiến thức ta đã học vào thực tế cuộc sống!!
Hồi ấy còn chiến tranh, nên việc ăn uống của bộ đội vẫn kham khổ. Hàng ngày bọn tôi tập quân sự (để chuẩn bị nhập ngũ): Tập lăn, lê, bò, toài đủ thứ, tập hành quân, tập mang vác nặng nên cũng chóng đói lắm. Khẩu phần ăn lúc này cũng chỉ là cơm độn, hạt bo bo; nếu cơm độn mì thì mì được hấp hay luộc thành từng cục, từng cục như bánh bao và cứng hơn nhiều, nhưng cũng không đủ mà ăn. Nhìn thấy trái mít, trái nhãn trên cây của nhà người ta mà ra sức tưởng tượng, mà thèm. Phải chờ cho mít hay nhãn chín đã, chín là mua liền, anh em góp tiền lại mà mua; có khi mua cả cây và để dành ăn dần (để dành trên cây là lý tưởng nhất). Nhãn lồng Hưng Yên các bạn biết rồi đấy, ngon nổi tiếng, mà Hải Dương với Hưng Yên về thổ dưỡng thì xem như nhau, nên nhãn lồng Hải Dương cũng ngon nức nở.
Bọn mình cũng bắt đầu tập tọe hút thuốc lá (chính thức học đòi thì từ trường mới ở Quế Lâm kia; việc mua và hút phải rất kín đáo, chỉ hút ở nhà vệ sinh hay trong .. màn thôi) để cho nó ra người lớn một tý, râu ria cũng bắt đầu lún phún, chỗ này, chỗ kia …
Cũng nhờ điếu thuốc mà chúng tôi và anh chủ nhà càng thân thiết cởi mở. Thi thoảng cũng được vài điếu thuốc thơm (Điện Biên, Thăng Long, Thủ Đô …) tôi không dám hút mà để dành về nhà mời anh. Anh thì thuốc lào là chủ lực nên khi được mời thuốc lá thơm (nói với tụi nó đem từ Hà Nội lên) là anh khoái và vui lắm. Đi đâu thì thôi, chứ về nhà là 2, 3 anh em lại quây quần chuyện nọ xọ chuyện kia, vui đáo để, tình cảm quân dân ngày càng gắn kết.
Biết bộ đội ăn uống, kham khổ, anh mời 2 đứa tôi ăn cơm, bọn tôi nói thật là mới ăn xong. Anh nói: “nhằm nhò gì, 2 chú cứ ăn thêm cơm nhà đi cho nó vui, ở nhà có cá, có tôm tôi đánh bắt được luôn ấy mà, chứ ăn uống như mấy chú thì cực quá, lấy sức đâu mà tập!”. Thú thực là ăn rồi mà bọn tôi còn thấy đói lắm, ăn nữa thì tốt quá, lại có cá, có tôm, toàn những đồ ăn ngon, ai mà chẳng thích nhưng ngại phiền anh chị và cũng khách sáo nữa, bọn tôi từ chối khéo: “Bọn em no lắm rồi, cảm ơn anh chị nhiều”. Anh chị nhường cho 2 đứa chiếc phản giữa nhà. Hai vợ chồng chỉ mới có 1 đứa con nhỏ, nó ngoan ít quấy nên bọn tôi cũng không thấy phiền. Chị thì đan lưới, sửa lưới ở nhà, làm cả đêm hôm. Một, hai giờ sáng, tiếng điếu cày rít lên lanh lảnh, tưởng anh hút thuốc, ai dè hóa ra là chị. Đây có lẽ là lần đầu tiên và duy nhất tôi được chứng kiến một phụ nữ hút thuốc lào. Chị cũng điệu nghệ lắm, từ việc thông điếu, thử điếu, đến việc nhả từng cụm khói trắng phau lên trời. Có lẽ nhờ những điếu thuốc đó mà chị thức được khuya để làm thêm việc nhà, giúp được cho chồng, cho con. Hình ảnh người đàn bà ngồi vá lưới bên ánh đèn dầu hiu hắt với chiếc điếu cày làm bạn giữa đêm khuya khoắt là hình tượng người phụ nữ Việt Nam, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó. Mẹ ta, chị ta, em ta cũng có hình bóng ở trong đó.
Một hôm, chúng tôi nói với anh rằng, bọn em sắp lên đường nhận nhiệm vụ mới, 2, 3 hôm nữa thì đi. Chuyện đi, ở của mấy anh bộ đội là thường. Khắp đất nước này, đâu cũng là quê hương mình, người dân ở vùng nào chúng tôi đến cũng là anh, em, cô, bác mình cả, chả thế mà “Xa bầm, con lại có bao nhiêu bầm”.
Ngày mai chúng tôi lên đường. Trưa hôm đó, không khí trong gia đình khang khác, anh chị ít nói hơn. Anh thì cười cười đấy như mọi khi nhưng hơi đượm buồn. Chị thì nựng con: “Mấy chú đi rồi thì chắc cái nhà này buồn lắm, phải không cún con của mẹ” Anh nói với tôi và Chí: “Trưa nay mời 2 chú ăn cơm với gia đình, mà 2 chú phải ăn, nhất quyết thế, chứ không được khách sáo đâu! Anh em mình sắp chia tay nhau rồi”. Không ngờ anh đánh giá cao buổi chia tay này quá. Anh dặn vợ thịt con gà để làm cơm. Vào thời buổi chiến tranh, gạo châu củi quế, việc thịt một con gà không phải là chuyện nhỏ, phải có việc lớn, việc trọng đại trong gia đình thì người ta mới mổ gà. Quả là 2 ông bà coi trọng mấy anh bộ đội này quá, tình nghĩa quá, và họ không tiếc gì với mình. Quả là chúng tôi đã làm tốt câu dân vận: “đi dân nhớ, ở dân thương”. Nếu không nhớ, không thương thì làm sao người ta giết gà đãi mình. Tôi có hỏi Chí: “Mình có làm được gì nhiều cho người ta mà ông bà quí mình thế nhỉ? Hắn nói: “Chắc là anh em mình lăn xả vào chống lụt, cứu đê (đê Phả Lại) như cứu nhà của mình, nên họ phục đấy thôi”. À, có thể thế lắm chứ. Quân hết lòng vì dân thì dân đâu có tiếc điều gì.
Bữa cơm hôm đó thật là ấm áp. Gà tươi, thịt ngon, rượu ngọt. Miếng ngon nhớ lâu, nhưng theo tôi thì chính tấm lòng của chủ nhà, chính cái chất phát mặn mà vùng sông nước của anh chị mới là những đặc sản mà tôi và Chí chắc không bao giờ quên được. Đó là 2 lần được ăn thịt gà đáng nhớ nhất trong đời bộ đội của tôi. Một lần là ăn trộm, một lần là được mời. Chuyện ăn và chuyện mặc bây giờ với mọi người không thành vấn đề lớn nữa. Ăn gì cũng được, miễn là đủ chất, ăn uống khoa học để có sức mà còn làm việc khác. Hãy nói nôm na là: Ăn để mà sống và chú ý đừng để vòng bụng lớn hơn vòng đời thì quả là …bất hạnh.
Tụi nhỏ bằng tuổi chúng mình hồi ấy, bây giờ chúng muốn ăn gì mà chả được, đến nổi nhiều đứa béo phì đến là bệnh hoạn. Đúng là đói quá cũng khổ mà no quá cũng … rất khổ.
Tháng 10 năm 2010, anh em Trỗi ở Nha Trang quyết tâm ra Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập trường. Năm chẵn hay lẻ không quan trọng, hứng chí là đi. Chả may, người tính không bằng trời tính. Anh em xé lẻ ra, người đi sớm, người đi muộn. Riêng tôi mấy chục năm rồi, không gặp lại được anh em bạn bè cùng khóa, nên cũng háo hức lắm. Ra tới nơi thấy không khí hoành tráng quá. Là năm chẵn (45 năm) nên Ban tổ chức làm lớn. Bạn bè cũ gặp lại nhau mừng hơn hớn, “ghét” chúng nó quá.
Dùng “gỗ”, Hải Bằng, Quang Chí hình như trẻ ra, đẹp giai hơn xưa; tụi nó mà nhỡ tán thì các cháu cỡ “hăm” cũng có đứa… “chết” lắm chứ. Ai dám bảo các chú đã U60. Thực ra ở quê thì cũng phải ngồi ở mâm các cụ cơ đấy, nếu có giỗ chạp, cưới xin …
Dũng “cận”, Trịnh Tường vẫn điềm đạm lắm, đúng là những cựu Trung đội trưởng nhà nghề (thiếu Tống Thái Liên và Việt Hùng, 2 bê trưởng hôm đó không có mặt). Đố các bạn nghe thấy Dũng “cận” văng tục, chửi thề bao giờ. Đôn Nguyên, Cường “vui” thì càng lớn trông càng phúc hậu. Bạn Tài Chí, Hải Hồng, Xuân Nam, Tuấn Linh và Linh “khắc đ”, Chí Nhân, Bùi Vinh, Đồng Tiến, Trường Chiến, Thanh Hải … thì vẫn y như xưa (nhận ra ngay), chả già đi chút nào. Hoàng Giang “hắc lào”, Việt Thắng, Mai Tự thì có vẻ mắt như đã mờ. Mai Thành thì ngầu hơn xưa bởi vóc dáng và khuôn mặt. Anh Trần Đào Hà Đông lúc đội mũ kê pi trông như một em thiếu nhi Liên Xô. Thái Chi thì vẫn nhiệt tình và hào hứng như hồi làm báo tường cho lớp ở Y Trung ấy.

Còn mình cũng thay đổi nhiều, làm cho anh em không nhận ra. May có Thanh Kỳ giới thiệu, tụi nó mới té ngửa. Chả thế mà hồi đám ma ông Kháng “ròi” xong, cả bọn kéo về nhà anh của Dũng “vịt bầu” (Vân Đồn – Nha Trang). Ổng thấy mình cứ 1 điều anh, 2 điều anh, làm mấy thằng Tiến “nhái”, Cường “con”, cứ nhắc hoài rằng nó (tôi) cũng cùng lứa với bọn em và “vịt bầu” thôi, anh cứ mày tao với nó chứ có sao đâu?

Hình như gặp nhau chưa đã, trưa ngày hôm sau, khóa 3 lại hẹn gặp nhau ở quán bia Hải Xồm, như lời Thái Chi thì đó là theo yêu cầu của các bạn ở Sài Gòn và của cô em gái Cao Quốc Bảo. Lại gặp nhau, lại vui như pháo nổ, cụng ly, cụng cốc chan chát, bôm bốp, nhưng không có 1, 2, 3 .. dô như trong Nam. Bù lại, hát hò vang lừng, lại cả hét nữa, cũng sắp … vỡ quán.


Quốc Quân thì cứ 1, 2 đòi chụp ảnh chung với Võ Song Yên, theo tư thế bá vai, bá cổ, mà nàng thì không chịu cứ ngúng ngoẩy đẩy hắn ra. Tôi góp ý và trấn an Song Yên: “Em đừng lo, nó chỉ là cái thằng sát gái thôi, em thì nhớn rồi, đâu còn gái nữa mà ngại ngùng, cứ tới đi, có bọn anh làm chứng cho …” Mà nói cho cùng thì tại Song Yên thôi, ai bảo em vẫn duyên dáng, mặn mà, đằm thắm, để cho cái thằng kia nó chịu không nổi!?
Nói thật anh không dám “dây” vào chuyện riêng tư của em, nhưng cẩn thận vẫn hơn, chứ thằng Quân nó nghê lắm. Nhất là những hôm nào … mát giời. Em còn nhớ chuyện con mẹ Đốp chứ? Tuy cơ cấu ở thôn, xã bây giờ có khác, nhưng anh tin nếu có điều kiện là nó (Quân) dám làm ông Lý trưởng lắm lắm …
Tôi không được ngồi lâu, vì còn lên chơi chỗ ông bạn “vàng” Thanh Bình (khóa 4) ở Sơn Tây. Chào anh chị em xong là Thanh Kỳ đưa ra ô tô liền, hướng Sơn Tây trực chỉ.
Vậy muốn biết kết cục cuộc nhậu của anh em khóa 3 ra sao, liệu Quốc Quân có kết ảnh được với Song Yên hay không, mời các bạn xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Vậy có thơ rằng:
Bạn cũ gặp lại, chả biết thằng nào với thằng nào
Nhìn nhau cười toe toét.
Bá cổ, quàng vai, dàn hàng ngang
Làm mấy pô nhòe nhoẹt.
A ha! Cuộc đời cần gì những mơ ước
Hão huyền, viễn vông, mù tít.
Giờ này còn được nhìn thấy nhau
đã là hạnh phúc khôn cùng.
Chỉ sợ mai rày, chân thì chậm, mắt thì mờ,
ăn nói lại lơ mơ.
Thì cũng có thời khắc này,
Để mà yêu, mà nhớ mãi.
Hi hi – ha ha
Ha ha – hi hi.
Nha Trang 22 – 11- 2010
Lê Xuân Lý
H S khóa 3