Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Hội An - ở bên dưới.


Sau đêm Hội An, tôi bắt đầu thực hiện mục tiêu chính của mình tại đây là khảo sát cái bên dưới.
Cù lao Chàm là một quần đảo nhỏ nằm ngay cửa ngõ Hội An, cách một giờ rưỡi chạy tàu. Từng là một cảng thông thương quốc tế sầm uất của thế kỷ trước, tàu bè ra vào Hội An thường đi ngang Cù lao Chàm. Ở đây người ta từng trục vớt được nhiều đồ cổ quí giá từ những con tàu bị chìm ở vùng nước này. Tôi cũng được gặp xác tàu đắm trong chuyến lặn nhởn này. Xác một con tàu sắt bé nhỏ, không hiểu vì sao chưa bị kéo lên bán ve chai. Các dải đá ngầm ở đây còn tệ hơn ở Nha trang hay Phú Quốc do nạn đánh bắt cá bằng chất nổ. Mới được qui hoạch là khu bảo tồn biển mấy năm gần đây, bên dưới Cù lao Chàm đang dần hồi phục. Bây giờ thì chỉ mới có san hô thân mềm là chính, cá mú cũng ít. Tuy nhiên, ở đây có những giống cá mà tôi lần đầu tiên chộp được - chú cá Chình hoa và cá Sư tử màu đen.
Lần này, hướng dẫn viên của tôi là một cô chuẩn úy (Dive Master), sinh ra ở vùng núi Alple nhưng rất mê lặn biển. Vanessa - cô gái Thụy Sỹ này sống hòa đồng với dân làng chài trên Cù Lao Chàm, dạy tiếng Anh cho lũ trẻ và còn quyên góp từ bạn bè để tặng cho làng một thư viện sách cho trẻ em. Mời các bạn xem clip về chuyến khám phá bên dưới Hội An của tôi.

Thiên tài không đi lẫn với bầy cừu?



Bài này 4SG giới thiệu, mời ACE vô coi. Nếu có cảm tưởng chi,xin nói to cho mọi người cùng nghe nhé.

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG (3-Tiếp theo)

CÕI GIỚI VÔ HÌNH (3-tiếp theo)


“Như thế người chết thường lưu lại ở cõi Trung giới bao nhiêu lâu?”
“Thời gian lưu lại đây hoàn toàn tùy thuộc vào dục vọng con người, có người chỉ ghé lại đây vài giờ lập tức đầu thai trở lại. Có kẻ ở đây hàng năm và có kẻ lưu tại đây hàng thế kỷ… Để siêu thoát, thể Vía phải hoàn toàn tan rã hết thì mới lên đến cõi Thượng Thiên (Devakhan) hay siêu thoát. Giống như một quả bóng bay bị cột vào đó nhiều bao cát, chỉ khi nào cởi bỏ hết tất cả các bao cát thì nó mới tự do tung bay được. Tóm lại, các danh từ như Thiên đàng hay Địa ngục chỉ là những biểu tượng của những cảnh ở cõi Trung Giới (Kamaloka). Tùy theo sự sắp xếp của thể Vía khi chết mà ta thức tỉnh trong một cõi giới tương ứng. Vấn đề quỷ sứ hành hạ, tra tấn tội nhân chỉ là những thí dụ trừu tượng khi nhân loại chưa có kiến thức khoa học về sự cấu tạo hay rung động của nguyên tử”.
Mọi người im lặng nhìn nhau, những điều Hamoud giải thích hoàn toàn hợp lý và hết sức khoa học, không hoang đường chút nào. Nhưng làm sao chứng minh được những điều mà khoa học thực nghiệm không thể nhìn thấy được?. Dù sao Hamoud cũng là một tiến sĩ vật lý, tốt nghiệp tại Đại học nổi tiếng nhất Âu châu chứ không phải một phù thủy vô học chốn hoang vu. Ít nhiều ông ta cũng có một tinh thần khách quan vô tư của một nhà khoa học chứ không mê tín dễ chấp nhận một lý thuyết vu vơ, không kiểm chứng. Nhưng làm sao có thể thuyết phục những người Âu Mỹ vốn rất tự hào, nhiều thành kiến và tin tưởng tuyệt đối ở khoa học?.
Hamoud mỉm cười tiếp tục:
“Sự hiểu biết về cõi vô hình rất quan trọng. Vì khi hiểu rõ những điều xảy ra sau khi chết, ta sẽ không sợ chết nữa. Nếu có chết chỉ là hình hài, xác thân chứ không phải sự sống. Hình hài có chết đi thì sự sống mới tiếp tục tiến hóa ở một thể khác tinh vi hơn. Đây là một vấn đề hết sức hợp lý và khoa học, nó cho ta thấy rõ sự công bình của vũ trụ. Khi còn sống, con người có dục vọng này nọ. Khi dục vọng được thỏa mãn, nó sẽ gia tăng mạnh mẽ đồng thời các chất thô kệch, các rung động nặng nề sẽ bị thu hút vào thể Vía. Sau khi chết, dục vọng này trở nên mạnh mẽ vì không còn lý trí kiểm soát nữa. Chính thế nó sẽ đốt cháy con người của ta. Sự nung đốt dục vọng chẳng phải địa ngục là gì?
Giống như đức tính, phẩm hạnh khi còn trẻ quyết định điều kiện sinh sống lúc tuổi già. Đời sống cõi trần quyết định đời sống bên kia cửa tử. Luật này hết sức hợp lý và dễ chứng minh. Khi còn trẻ, ta tập thể thao, giữ thân thể khỏe mạnh, thì khi về gia ta sẽ ít bệnh tật. Khi còn trẻ ta chịu khó học hỏi, có một nghề nghiệp vững chắc thì khi về già đời sống được bảo đảm hơn, có đúng thế không?
Những người nào chế ngự được dục vọng thấp hèn, làm chủ được đòi hỏi thể xác, thì các dục vọng này không hành hạ ta khi chết. Luật thiên nhiên định rằng, khi về gìa thể xác yếu dần, đau ốm khiến cho ta bớt đi các ham muốn và nhờ thế, dục vọng cũng giảm bớt đi rất nhiều, nên thể Vía cũng thanh lọc bớt các chất nặng nề, ô trược để khi chết sẽ thức tỉnh ở cảnh giới cao hơn. Trái lai, những người còn trẻ lòng ham muốn còn mạnh mẽ, nếu chết bất đắc kỳ tử, thường đau khổ rất nhiều và phải lưu lại cõi Trung giới lâu hơn. Nếu hiểu biết như thế ta cần duyệt xét lại đời sống của mình ở cõi trần để khỏi lưu lại những cảnh giới thấp, nặng nề bên cõi âm. Những người lớn tuổi cần chuẩn bị để dứt bỏ các quyến luyến, ràng buộc, các lo lắng ưu phiền, các tranh chấp, giận hờn … Phải biết xả, dứt bỏ mọi phiền não để mau chóng siêu thoát.
Một sự chuẩn bị ở cõi trần sẽ rút ngắn thời gian bên cõi âm và nhanh thúc đẩy thời gian lên cõi Thượng giới”.
“Nhưng còn các ma quỷ thì sao?”
“Các ông cứ cho rằng ma quỷ là một thực thể nào đó khác hẳn loài người, thật ra, phần lớn chúng là những vong linh sống ở cảnh giới thứ bảy, thứ sáu mà thôi. Chúng còn lưu luyến cõi trần, còn say mê dục vọng không sao thoát ra khỏi cảnh giới này… Luật thiên nhiên không cho phép chúng trở lại cõi trần, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt khiến người cõi trần trong một thoáng giây có thể nhìn thấy chúng… Khoan đã, các ông hãy xem kìa, người bạn của tôi đã làm xong việc”.
Hamoud chỉ vào góc phòng, nơi ông để bó len và cặp kim đan. Mọi người bước đến gần và thấy một chiếc áo len đan bằng tay đã hình thành từ lúc nào không ai rõ. Chiếc áo đan tay rất vụng, nhưng trên ngực có thêu tên giáo sư Mortimer. Vị pháp sư giải thích:
“Con ma này rất nghịch và thường quanh quẩn ở đây. Tôi yêu cầu hắn đan chiếc áo len cho các ông để làm bằng chứng. Để tránh việc các ông cho rằng tôi đã làm trò ảo thuật, tráo vào đó một chiếc áo len khác, tôi yêu cầu hắn thêu tên người nào đó trong phái đoàn có nhiều nghi ngờ nhất. Các ông đều biết rằng, từ khi gặp gỡ, tôi không hề hỏi tên các ông và nếu chiếc áo này không đan riêng cho các ông thì còn cho ai nữa?”
Quả thế, vị pháp sư gầy gò không thể mặc chiếc áo đan to tướng, rất vừa vặn cho giáo sư Mortimer, một người Âu mà kích thước đã rất ư quá khổ so với những người Âu khác. Đó là chưa kể vòng bụng khổng lồ rất hiếm có của ông này. Hơn nữa áo này cũng không thể may sẵn để bán vì đường kim rất ư vụng về. Nếu có bán cũng chẳng ai mua. Tại nơi hoang vu, không có ai ngoài vị pháp sư và phái đoàn, sự kiện này quả thật rất lạ lùng.
Giáo sư Evans Wentz thắc mắc:
“Như vậy ông có thể sai khiến ma quỷ hay sao?”
“Tôi không phải là một phù thủy, lợi dụng quyền năng cho tư lợi, mà chỉ là một người có rất nhiều bạn hữu vô hình bên cõi âm. Tôi hiểu rõ các luật thiên nhiên như Luân hồi, Nhân quả và hậu quả việc thờ cúng ma quỷ để mưu cầu một cái gì. Tôi chỉ là một nhà khoa học nghiên cứu cõi vô hình một cách đứng đắn. Sự nghiên cứu những hiện tượng siêu hình là một khoa học hết sức đứng đắn chứ không phải mê tín dị đoan. Nhiều người thường tỏ ý chê cười khi nói đến vấn đề ma quỷ, nên nếu ai có gặp ma cũng không dám nói vì sợ bị chê cười hay bị cho là loạn trí. Nếu người nào không tin hãy nghiên cứu và chứng minh một cách khoa học rằng ma quỷ chỉ là những giả thuyết tưởng tượng, còn như phủ nhận không chứng minh chỉ là một cái cớ để che dấu sự sợ hãi. Điều khoa học chưa chứng minh được không có nghĩa điều này không có thật, vì một ngày nào đó khoa học sẽ tiến đến mức có thể chứng minh. Những phương pháp thông thường như cầu cơ, đồng cốt thường gặp nhiều sai lầm, vì như tôi đã trình bày, các vong linh nhập vào phần lớn cũng có kiến thức giới hạn ở cảnh giới nào đó. Đôi khi họ cũng trích dẫn vài câu nói trong “Thánh Kinh” hoặc sách vở, kinh điển để nâng cao giá trị lời nói. Điều này có khác nào những nhà chính trị khi diễn thuyết. Phương pháp khoa học chính xác nhất là phải tự mình qua hẳn thế giới đó nghiên cứu.
Các ông nên biết, thân thể chúng ta không phải môi trường duy nhất của linh hồn và giác quan của nó cũng không phải phương tiện duy nhất để nghiên cứu ngoại cảnh.
Nếu ta chấp nhận rằng, vũ trụ có nhiều cõi giới khác nhau và mỗi thể con người tương ứng với một cõi thì ta thấy ngay rằng, thể xác cấu tạo bằng nguyên tử cõi trần nên chỉ giới hạn trong cõi này được thôi. Các thể khác có giác quan riêng của nó và khi giác quan thể Vía được khai mở ta có thể quan sát các cõi vô hình dễ dàng. Khi chết, thể xác tiêu hao, các giác quan không còn sử dụng được nữa thì linh hồn sẽ tập trung phát triển các giác quan thể Vía ngay. Nếu biết cách khai mở các giác quan này khi còn sống, ta có thể nhìn thấy cõi âm một cách dễ dàng”.