Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Cứu hộ 33 thợ mỏ Chi lê dưới góc nhìn của một "lính" Dù

Sự khó khăn, nguy hiểm, tính phức tạp về kỹ thuật trong việc cứu hộ 33 công nhân kẹt trong lòng đất dưới độ sâu 700 m ở Chi lê đã được báo chí đăng tải. Ở đây, dưới góc độ của một kẻ chơi Dù, tôi xin nói về mặt tâm sinh lý khi con người bị “leo” (chuyển động lên cao).

Trong vụ cứu hộ, để đưa công nhân lên mặt đất, họ nhốt anh ta trong cabin chật như chiếc quan tài. Tất cả tối đen. Cô đơn. Anh ta không biết gì và bị mất phương hướng (hiểu theo nghĩa đen). Khủng khiếp. Cabin “leo” với vận tốc 1m/s làm anh ta nôn nao muốn ói, hay tệ hơn, muốn xỉu, hay tệ hơn nữa, hoảng loạn.

Con người có khả năng kiểm soát, cảm nhận sự di chuyển trên mặt đất (ngang dọc). Khi lái xe hơi, anh ta thoải mái, và hăng lên, có thể “kéo” trên 200 km/h (ở xa lộ EU) mà vẫn bình thường. Nhưng với chuyển động lên và xuống, anh ta lại không dễ dầu thích nghi, bởi con người là loại động vật sợ độ cao. Anh ta hồi hộp khi “rớt” xuống, nhưng hồi hộp hơn là lúc “leo” (kể cả vận động viên Dù có hàng ngàn lượt nhảy hay hàng trăm giờ bay).

Tốc độ “leo”:
Tốc độ 1m/s (3,6 km/h) chỉ là tốc độ dạo phố, nhưng BỊ “leo” với tốc độ hơn 1/ms có thể làm cho người ta lạnh xương sống, có kẻ tim bị ngừng đập một vài giây, nhất là khi anh ta thấy mình đang ở trong điều kiện không an toàn. Một lần tôi bay dù lượn vào vùng khí thăng hơi mạnh, tôi bị “leo” hơi nhanh (hơn 1 m/s thôi), dù “phực phực” giật giật, bỗng dưng cảm thấy … lạnh, đành kéo cho dù trượt ra khỏi vùng thăng. Nhưng ngược lại, “rơi” với tốc độ 1 m/s thì quá êm, phải cỡ 10 m/s (36 km/h) đổ lên mới thấy “hay”, còn nếu đi mô tô (không leo, không rơi) thì phải lối 28 m/s (100 km/h).

Không nhìn thấy đích:
Ban ngày, khi VĐV rơi khỏi máy bay, anh ta hoàn toàn bình tâm vì đất trời minh bạch, nhưng chỉ cần bay đêm hay đơn giản hơn là chui vào đám mây mù là … khác ngay. Tôi một lần bị trôi vào mây mù. Không thấy trời, không thấy đất và đích đến, mất phương hướng, một nỗi sờ sợ kì lạ như bị mất giác quan. Một VĐV bơi qua eo biến Manche (cự li 22 dặm) và đã bỏ cuộc khi chỉ còn cách bờ nửa dặm, mặc cho HLV cam đoan rằng “chỉ còn nửa dặm thôi!”. Cũng chỉ vì lúc đó trời mù nên VĐV không nhìn thấy đích – một nỗi lo sợ vô cớ của loài động vật có tư duy. 3 tháng sau, VĐV này đã bơi qua eo Manche một cách mĩ mãn “vì đã trông thấy đích”.

Sự chế ngự nỗi sợ: Tính chuyên nghiệp của đội cứu hộ và việc tập huấn cho 33 thợ mỏ là rất quan trọng, nhưng phải nói đám thợ mỏ này (trừ 1 người) đều là dân kì cựu – họ có bản lãnh và tự tin.

Số liệu không liên quan (chỉ để xem chơi):
Định luật rơi tự do nói, vận tốc của vật rơi không phụ thuộc vào trọng lượng của nó.
Nhưng nó chỉ chính xác hoàn toàn khi không xét tới sức cản không khí.
Theo đúc kết của hội Dù thế giới, trên thực tế, với độ cao dưới 4.000 m, tốc độ rơi tự do của VĐV nhảy Dù (không phụ thuộc trọng lượng VĐV và phụ kiện) như sau:
Thời gian rơi (s) \ Tốc độ rơi (m/s):
1\9.8 – 2\19 – 3\27 – 4\33.5 – 5\45.5 – 6\47.5 – 7\49 – 8\49.5 – 9\50 (đã rơi được 287 m) – 10\50 – 11\50.5 – 12\50.5 – 13\50.5 – 14\50 - 15\50(...nt...) – 30\50 (đã rơi được 1.330 m).

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

K3 mời bạn giao lưu -Tin nhắn Thái Chi. 13/10/2010, 8:11

Toàn văn như sau :


TM BLL K3 Kính mời Bạn và nhờ bạn THÔNG BÁO đến toàn khoá k3 Tham dự buổi giao lưu Toàn quốc. KHOÁ 3 Hà Nội Đón tiếp Các Bạn K3 Sài gòn,Đà Nẵng,Huế,Hải phòng,Thanh Hoá Thái nguyên về Hanoi. thời gian 11g 30 ngày 15 th10 tại Bia Hải xồm số 23 Nguyễn Đình Chiểu HN,Tại buổi giao lưu xin gửi Giấy mời cho Bạn Chưa nhận và Phổ biến Nội dung k3 Hưởng ứng toàn diện lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Cám ơn.
   Thái Chi.

Vài suy nghĩ về cuốn SRTKL3


Gần đây thấy mấy “pác” bình phẩm cuốn SRTKL3 nhiều quá làm tôi “ngứa ngáy” cũng muốn “sổ” ra theo.
Trước hết xin nói : tôi cũng là một “nạn nhân” trong cuốn SRTKL3. Một số bài của tôi được mang tên người khác, một số bài được sửa chữa, thậm chí biên tập lại mang ý nghĩa khác hẳn ban đầu. Tất nhiên là chẳng thích thú gì với chuyện đó. Song nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại.
Từ ngay sau khi tập 2 ra đời, tôi đã trực tiếp cũng như gián tiếp nghe nhiều bạn Trỗi (xin miễn nhắc tên ra đây) nói : Sách đ. gì chỉ có vài thằng viết mà cũng gọi là trường Trỗi. Tại sao không có bài của khóa này, khóa kia, của thằng này, thằng kia viết rất hay …. Và tôi được biết, ngay ở tập 2 đã có một số bài mang tên không đúng của tác giả, song không có ai thắc mắc gì. Hay là vì hồi đó chưa có blog, nên cũng chẳng ai biết, ngoài tác giả và BBT. Hay là vì các tác giả này cũng suy nghĩ như tôi thế này :
Như đã một lần giãi bày cùng AE trong bài “Tôi viết bài cho blog Trỗi” đã đăng cũng lâu rồi (không nhớ chính xác thời gian) : tôi chẳng biết viết văn (hồi Trỗi vốn là học sinh dốt toàn diện mà!), nhưng vì bức xúc với những kỷ niệm xưa, kỷ niệm với những người bạn ba bốn chục năm trước mà nay vẫn là bạn (chứ đời nay, bạn bè người ta tính theo tuần là quá lâu rồi) nên mới viết ra những gì mình nghĩ mà chia sẻ với bạn bè. Tất nhiên văn nói (như tán gái) thì dễ, nhưng văn viết thì không dễ chút nào, mà văn trên blog chắc cũng không thể như văn trên sách (hay là vì tôi dốt nên mới nghĩ thế?). Bởi vậy nếu “người ta” đưa “văn mình” lên sách chắc chắn phải “tút” lại thì mới thành “vợ người” được chớ. Âu cũng là chuyện thường.
Với cái thằng dốt như tôi được nhìn thấy văn của mình in thành sách thì đã là tự hào lắm rồi dù cho đó chỉ là sách nội bộ AE mình nên dẫu có “bị” hay “được” sửa thế nào thì cũng thấy “đã” lắm chứ không phải như mấy “pác” văn nghệ sỹ “pro” có đủ “trình” để làm “cần câu cơm”. À, mà các “pác” muốn “câu cơm” thì cứ “câu” đi chứ sao lại phải đăng “nháp” lên blog để AE góp ý cho hoàn chỉnh rồi mới “câu”. Vậy “cái cần câu” của “pác” có bản quyền đứng tên ai? Theo luật là tên tập thể đó. Vậy khi “câu” nhớ xin phép tập thể nha(?). Mà có một số bài khi đăng lên, thấy có người bình : hay quá, xin được đưa bài vào tập 3 – Chẳng thấy tác giả nào trả lời. hay là theo thuyết “im lặng là đồng tình”?
Thôi lại nói bậy rồi. Xin quay lại chuyện AE mình. Tôi đang đặt địa vị mình vào vị trí người biên soạn cái tập 3 này (tất nhiên chỉ là tưởng tượng vì tôi không có đủ khả năng và trên hết là không đủ nhiệt tình để làm “chùa” như vậy). Trước hết tôi kêu gọi AE viết bài để biên soạn. Kêu gọi mãi, chẳng thằng đ. nào gửi bài mà chỉ toàn bình phẩm, nhận xét cái cuốn sách mà lúc đó thậm chí còn chưa được “thụ thai”! Vậy là “xù”? Nhưng mở mấy cài blog “bán trời” thấy có quá nhiều bài hay, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện trời, chuyện đất … chẳng thiếu gì, mà toàn theo đúng giọng “bán trời” tụi mình cả! Hỏi thăm lại, thì số AE xem blog chưa tới 100 người. Vậy còn khoảng 1000 nữa không biết. Ô là là! Chuyện Trỗi, văn Trỗi mà lính Trỗi không biết! Làm nhiều khi đi nhậu, nói dóc chuyện blog chẳng ai biết. Chán thật!
Rồi lên blog thì … ôi, cả ngàn bài, hoa mắt! Thế là đành mò mẫm 6 trang blog từ mấy năm nay đến giờ rồi chọn lọc. Bài này chọn- bài này bỏ - Chọn – Bỏ - Chọn … Xong! Đọc lướt lại khoảng năm sáu trăm bài để lấy ra 300 bài cho đủ khoảng 1000 trang (vì tính tương đương T2 mà!). Đang đọc mới nhớ : mẹ, có bài giống thế này mà còn hay hơn, nhưng mà ở blog nào nhỉ? Vậy là lật lại tìm hết 6 blog trong 3 năm mới sực ra : bài này thằng kia gửi mail cho mình chớ đâu có đăng blog…. Xong! Nhưng thế đêk nào, mấy trăm bài cũng chỉ loanh quanh vài chục thằng. Bỏ mẹ! Lại có chuyện “sách riêng của mấy người!”. Thế là đổi tên, gắn tên,… tùm lum cả. Gọi điện cho thằng này, nhắn tin cho thằng kia, rồi lại gọi điện lại, rồi… chết mẹ lại quên thằng này,…. Trong khi “đại lễ 45 năm” đã đến gần, mà còn xin phép, in ấn, ứng tiền, xin tài trợ, tinh toán số lượng, vận chuyển …thượng vàng hạ cám. Nhờ thằng HM thì : em đ. biết! Nhờ thằng XYZ thì : mày cứ làm đi! Rối cả lên, nhầm lẫn lung tung mà chẳng có ai kiểm tra lại cho. Vậy là đành tặc lưỡi : thôi thì AE mình cả. Nó chửi thì mình nghe. Sori! Vậy là sori liên tục ….
Vậy đó, cứ tưởng tượng ra chuyện đó là thấy ngán rồi. Ai làm thì làm, chớ em xin lỗi : ai làm em xem, em vỗ tay … và nếu “ngứa mồm”, em “góp ý” vài lời nếu có sai thì là “tại thiên tai”, mà lỡ đúng “là nhờ thiên tài …” của em! Ha ha!!!

   HMk6

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Hà Nội trong mắt tôi - Bài 5

Thông tin xô đẩy

Hai chục năm về trước, khi cánh cửa Đổi mới mở ra, cùng với những quan niệm, cách thức làm ăn mới, xã hội cũng nhận được sự thay đổi lớn lao về thượng tầng. Báo Văn nghệ của tổng biên tập Nguyên Ngọc giới thiệu truyện Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh..., gây ra cú sốc lớn. Đến nỗi mà một nhà văn lớp trước thốt lên “sau họ (những nhà văn kể trên), ta không thể viết như trước nữa”. Sự nhạy cảm xã hội đã được đáp ứng, trước hết trên báo chí, khiến người quản lý có sự điều chỉnh, lúc mở lúc thắt, nhưng rõ rành là giai đoạn mới đã bắt đầu rồi. Trong vài năm, cả trăm tờ báo trên cả nước ra đời. Những tờ có từ lâu xuất hiện nội dung, giọng điệu mới, mạnh mẽ nhất là khối báo đoàn thể kiểu Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ... Làn sóng thay đổi tràn từ Nam ra Bắc, nơi cả chục năm trước “chưa mở báo ra đã biết viết gì rồi”. Cuối thế kỉ XX, Hà Nội đã có ngót chục tờ báo của riêng mình. Các kì bóng đá, Ô lim píc trên hành tinh được đưa ngay lập tức và phong phú làm người đọc ngây ngất, qua thể thao mà biết thêm bao nhiêu tập quán, văn hoá xứ người. Lúc đó có ai nói đến một gương mặt khác của thông tin, còn rộng lớn, cởi mở, đa dạng và chi tiết hơn, hẳn sẽ bị coi là “giàu trí tưởng bở” lắm.
Sang thế kỉ này, internet lan toả, lập tức chiếm lĩnh vị trí cực kì quan trọng trong các kênh thông tin - tuyên truyền. Cạnh các ấn phẩm, toà soạn nào cũng cố ra báo điện tử “kẻo thông tin muộn”. Cạnh các tờ “chính thống”, được phép của Nhà nước, blog ra đời. Theo một công bố, tháng 11 - 2007, cả nước có hơn 3 triệu blog, mỗi ngày vài nghìn (?) cái mở thêm. Ngần ấy “báo cá nhân” làm thay đổi khủng khiếp tri thức, và do đó, nhận thức, quan niệm xã hội, mà trước hết trong giới trẻ. Cái sự được dễ dàng nói ra điều mình biết, mình nghĩ tạo xung động mạnh mẽ vào cộng đồng, đặt ra những vấn đề không dễ giải quyết cho người quản lý, như đâu là tin thật, đâu là giả, thế nào là cách nghĩ “đúng”...
*
Cách đây vài năm, có một chuyện thế này: cậu bé đánh giầy Trương Bá Sơn đang lang thang “tác nghiệp” thì dính tai nạn, gãy tay, vào viện cấp cứu trong tình cảnh chả ai thân thuộc. Đường dây tư vấn trẻ em của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (khi đó) biết chuyện, một mặt thông tin cho báo chí, mặt khác báo cho ngành dọc có liên quan can thiệp. Tỉnh Hà Nam quê Sơn bảo người thân em chả còn ai, mà “nó lên Hà Nội rồi thì Hà Nội chịu”. Quận Hoàn Kiếm trỏ sang Hai Bà, chỗ bị nạn, Hai Bà lại bảo Hoàn Kiếm là nơi Sơn trú ngụ. Chú bé nằm trong viện với số tiền giúp đỡ ít ỏi của nhân viên, bệnh nhân xung quanh, và có bà chủ nhà trọ của em ở ngoài bờ sông chăm sóc nữa. Khi báo chí loan chuyện, được nhiều ngời giúp đỡ, thì Sơn lại khư khư số tiền đã trở nên to, chả “đưa lại” cho bà chủ trọ đã giúp mình. Sau đó ít lâu, khi lành bệnh, em được hưởng những “giải pháp triệt để”, như cho lên trại xã hội chăm sóc, học nghề...
Chuyện đến đó là hết. Nhưng bình luận về thời gian chú bé đánh giầy gặp khó, một cán bộ cỡ vụ của cơ quan chăm sóc trẻ em coi đó là phép thử nghiệt ngã với xã hội. Có thể kể ra những thành phần “chính” sau: cơ quan chuyên trách về trẻ em ở các cấp, những người bình thường -trong đó có bà chủ trọ tốt bụng, và bản thân cậu bé - với tâm lý láu lỉnh, thực dụng của kẻ chả còn nơi nương tựa. Đây là một ví dụ về tác động của thông tin vào các thành phần của cộng đồng, cho ra những phản ứng khác nhau, điều trước đây hầu như không có.
*
Nhân chuyện này, ta xem lại vài phép thử khác, diễn ra trong thời gian gần đây mà dư luận hầu như đều tỏ.
Đầu tiên là “vụ” Lê Vân. Cuốn tự truyện của chị do một nhà văn chấp bút ra năm 2006 thật sự là một sự kiện. Cùng quãng này, nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Đức Thạc cho người ta biết phần nào cái trạng huống thật của con người ta trong chiến tranh, vừa bình thường vừa anh dũng, đem lại sự thấu hiểu, thông cảm, cả kính phục. Thì Lê Vân lại tạo ngay ra những phản ứng đối lập. “Phái” giận dữ (chí ít là trách móc) phê phán “Ai đời con cái kể bố ra thế. Sao không xem lại mình đi, có phải cái gì cũng hay đâu!”. “Đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại, chuyện gia đình có gì đóng cửa bảo nhau chứ”. “Vô trách nhiệm quá, gì thì cũng đã đóng vai chị Dậu cô Duyên, những biểu tượng phụ nữ Việt Nam rồi”. “Nổi tiếng đến vậy mà còn đem chuyện nhà ra buôn thì chỉ có là cần tiền”. Giới mạng, chủ yếu do người trẻ làm chủ, bình luận sôi nổi: “Có thế chứ! Nói ra được những điều thầm kín phải dũng cảm lắm”. “Ta quen đạo đức giả rồi, cứ phải kiêng kỵ không nói ra, khuôn mình vào cái khung chung chung nhạt nhẽo chả ai khác ai, nay có người bóc cái “màng” ấy tuột ra là chê ngay”. Tranh luận “xảy ra” ở cơ quan, trong gia đình, lúc ăn chơi ngủ ngáy họp hành, cũng có thể gọi là “mớ” “xung đột thế hệ”.
Tự truyện của Vân không có giá trị văn học cao, về “tư liệu” chả nhiều cái mới; vì ối người, ối nhà có chuyện tương tự. Nhưng về mặt xuất bản nó đúng là một cơn sốt: số lượng 8000 bản đợt đầu, còn in nối trốn thuế bao nhiêu chả ai biết, trong khi sách các nhà văn nổi tiếng được in 2000 bản đã là mừng. Nó gây sôi nổi vì chạm đến chỗ nhạy cảm của văn hoá, đạo đức truyền thống. Xã hội phương Tây xuất hiện loại sách này từ tám hoánh. Có câu cay nghiệt “Điếu văn để cho người sống, hồi ký để nói hay cho mình”, ở ta hai “thể loại” trên đều sống khoẻ, và đều “có họ gần” với tự truyện kiểu Vân. Nói thế để thấy cái xu thế “đem chuyện nhà mình ra kể” sẽ thành tự nhiên nay mai. Nhưng trước mắt, trong quãng “nay mai gần” thì còn khó: một nữ nghệ sĩ nhân dân đã bỏ trên chục triệu đặt nhà văn nọ chấp bút tự truyện cho mình, bản thảo xong rồi chuẩn bị in thì rút lại: sợ bị dư luận “phang” như Lê Vân.
Sang năm 2007, lượng “phép thử” càng nhiều, do người ta am tường cái thế giới xung quanh mình hơn, biểu thị phản ứng cũng dễ hơn. Sôi nổi nhất vẫn là cái “mô típ” “người của công chúng”: vụ Vàng Anh. Chương trình “Nhật ký Vàng Anh” làm chăm chút, phát trên VTV đang bắt mắt khán giả thì đoạn “phim” quay cảnh làm tình của TL, cô diễn viên chính xinh xẻo bị đưa lên mạng. “Xì căng đan” lớn quá. Chương trình phải ngưng bằng một buổi từ biệt, tất nhiên có cáo lỗi (nhân vật chính không gọi đó là “tội”); lại một dịp gây sự kiện nữa. Đến nỗi mà có ông lão chả biết sự tình chi chi, nhầm nhà thơ Phan Thị Vàng Anh, người được giải của Hội Nhà văn Hà Nội sau đó là cái cô Vàng Anh nọ.
Trở lại với dư luận xung quanh vụ này. Nhiều người phê phán diễn viên TL đóng Vàng Anh “đồi truỵ”, “nêu gương xấu”. Khá rôm rả và khái quát là những “quan điểm” trên một trang cá nhân, dưới hình thức đưa cả lời qua lẫn tiếng lại:
- “Nghệ sĩ không phải mẫu gia giáo, không nên xem đây là “sụp đổ thần tượng”. Nếu không phải thần tượng thì không phải giữ gìn ư?”.
- “Sao VTV3 dành cho TL một buổi chia tay, mà không có vụ sập cầu Cần Thơ?” - “Thì VTV3 là kênh giải trí cơ mà!”.
- “Đài báo sao ỉm vụ này đi? Để người có liên quan dùng ảnh hưởng dẹp đìa?” - “Cuộc sống còn khối chuyện còn phải nhắc. Đó là quyền được thông tin của dân, và quyền được tôn trọng tự do cá nhân. Moi móc không phải là để đáp ứng quyền được thông tin”.
-“Hành vi phát tán hình ảnh (sex) qua internet là phạm pháp rồi. Còn giao cấu và quay hình không phạm pháp. Mà văn hoá, đạo đức phương Đông không bất biến đâu. “Tây sương ký” chả ăn cơm trước kẻng a?”.
- “Bạn có thể không tha thứ cho TL, nhưng không thể bắt nó như bạn muốn”. “Cho rằng TL có trách nhiệm giữ đạo đức vì là người của công chúng là giả dối. Cho những quan niệm truyền thống vẫn còn nguyên giá trị là nhầm lẫn!”.
(Địa chỉ: http://svnhanvan.org)
Trang http://nguyenquanghuy.wordpress.com, sau khi “mô tả” về việc thông tin trên các báo đã “thỏ thẻ”: “Với mình, báo chí cũng nh một người “lắm chuyện”, ta nên tin tưởng có chừng mực. Phải hết sức tỉnh táo”.
Vụ Vàng Anh làm nhiều người nghĩ đến Văn Quyến. Cả hai đều còn trẻ, hồn nhiên trong hành xử. Cô gái nghĩ đơn giản là sẵn máy điện thoại thì ghi lại chuyện ấy của mình, rồi mất vai, phải đi tìm việc. Còn chàng cầu thủ đội tuyển vương vào lao lý vì “đằng nào mình cũng thắng, cho nó một bàn kiếm bạc triệu có sao!”. Cái giá cả hai phải trả cảnh tỉnh được nhiều ngời đồng lứa đang muốn nổi tiếng bằng cách “cũng” đưa clip sex của mình lên mạng “khoe chơi”. Cậu bạn trai “đóng” chung “phim” với TL bị chửi bới, đe doạ sợ mất mật. Nghĩa là nhìn chung, giới trẻ nhìn nhận sự việc này rất tỉnh táo, chín chắn, phân rõ đâu là “cái chỉ làm ta khinh bỉ chứ không thể tống vào tù”. “Thuốc thử” Vàng Anh, do đó, cũng có thể coi như một liều vác xin tăng cường sức đề kháng cho cộng đồng, ngăn chặn những ai muốn chơi trội, hay đơn giản chỉ là “hồn nhiên” quá.
*
Thế giới mạng không phải chỉ là ảo. Thông tin, té ra tạo xung động có tính chất rất thật. Nếu những tranh luận xung quanh tự truyện Lê Vân, clip Vàng Anh là giữa các cá nhân, thì cũng lại có va đập giữa cá nhân với cơ quan truyền thông nhà nước. Báo điện tử nọ “dựng” chân dung nhà văn Hồ Anh Thái, một bloger đáp trả. Báo nữa đăng phỏng vấn Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ này nhảy chồm chồm lên rằng trả lời của anh bị cắt xén, thay đổi. Mà tất cả những nói đi nói lại ấy ai ai cũng có thể đọc được. Một “vụ” khác không om xòm bằng Lê Vân, Vàng Anh nhưng có diễn biến khá thú vị, là xung quanh Vương Trí Nhàn. Nhà nghiên cứu này vài năm nay giữ mục “Thói hư tật xấu người Việt” trên báo Thể thao & Văn hoá, chủ yếu trích đăng những nhận xét của các vị trí thức đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng bàn về tính ỷ lại, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh nêu thói “nhất mẹ nhì con” chả cần biết đến bên ngoài thế nào... Rồi trong một lần phát ngôn, ông Nhàn cao hứng “Người Việt là một khối tự phát khổng lồ”. www.vietimes.com, “nhánh” của một báo điện tử “túm” được, bèn tổ chức “trận” phỏng vấn ông Nhàn. Những câu hỏi đưa ra, đại để: “Nước ta đã có những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... mà còn những thói tật ấy à?”, “Đưa ra như vậy thì bản thân ông có những thói tật ấy không?”, “Ông có nói với con cái mình về những thói tật ấy chứ, và chúng nó có mắc phải không?”... Cuộc phỏng vấn kéo đến phút thứ 24 thì ngưng, ông Nhàn bỏ về vì “Tôi không thể trò chuyện theo kiểu này!”.
Bài đăng ra lập tức có sự hưởng ứng. Khoảng hai chục ý kiến kèm theo, từ các blog trong nước, cho rằng ông Nhàn không có lòng tự trọng dân tộc, không được mở chiến dịch nói xấu người Việt.
Nhưng cái thế giới các nhà báo đang hành nghề lại “phẳng”. Đám bloger ngay lập tức biết chuyện, và ác cái, lại có phương tiện để bầy tỏ chính kiến (đa phần hẳn là trí thức trẻ). Họ kêu báo mạng nọ chơi không hay, “kích động bạn đọc nhẹ dạ”, phê phán lối đặt câu hỏi khi phỏng vấn là “đấm dưới thắt lưng”... Họ tán thành ý của Vương Trí Nhàn, một dân tộc muốn tiến bộ rất cần tự biết nhược điểm của mình, bằng vào cứ “mẹ hát con khen” chả khá được. Lỗ Tấn vạch ra cái xấu của người Trung Hoa mà vẫn được tôn vinh đấy chứ. Và tác phẩm “Người Mỹ xấu xí” rất là được các “đối tượng phê bình” quý trọng. Phải mạnh mẽ nhìn thẳng vào các thói tật mới được!
Chả biết có bao nhiêu blog “phản hồi” lại, và phản hồi như thế nào, mà sau đó vietimes. com nhanh chóng “bóc” ngay cái trang phỏng vấn nọ. Sự kiện này cho thấy tính chất “phẳng” của thế giới ngày nay. Hầu như ngoài địa hạt chính trị, người ta đều có thể tham gia vào thông tin một cách bình đẳng, sòng phẳng. Cái phong cảnh “vừa thổi còi vừa đá bóng”, “tay này múa tay kia vỗ”, “cả vú lấp miệng em”, “mẹ hát con khen hay” rất khó kéo dài. Cuộc can thiệp của giới truyền thông vào hoạt động của cơ quan điều hành bóng đá đỉnh cao dai dẳng và dữ đến độ (nghe nói) các vị đứng đầu ở đấy bảo “cứ đọc báo thì chả dám làm gì!”.
Thông tin biến cái không thể thành có thể, cái tưởng như bất biến thay đổi hình trạng. Đa chiều, cởi mở, “khoáng đạt”, nó lại đặt ra những vấn đề khác, không phải chỉ là chuyện “giới hạn đến đâu” cho giới quản lý, mà còn cả đạo đức, văn hoá... của người được nói. Báo nọ đòi treo giò cầu thủ đuổi đánh trọng tài, mấy tháng sau, khi án kỷ luật vẫn còn, lại lớn tiếng “sao không đưa anh này vào đội tuyển?”. “Thủ thuật” tìm sự kiện ”thổi” cho to lên được dùng nhiều. Và không ít bloger, vì muốn nhiều người truy cập đã “nhấn mạnh”, “đẩy tới” cái điều mình định nói lên, làm giảm tính chất thật thà cần phải có của “thể loại” “nhật ký cá nhân”.
Rối nhiễu thông tin, cộng đồng bối rối, hẳn thế. Nên chi một người có tuổi nhận xét: “Dân đô thị sướng vụt lên sau một thời nghèo khó thì lại phải trả giá cho “trình độ hưởng sướng” thấp của mình. Vì được ăn được uống thả phanh, những căn bệnh “của người giàu” như gút, tiểu đường, béo phì lan tràn. Cũng vậy, sau giai đoạn thông tin nhỏ giọt, có kiểm soát, định hướng, người ta dễ “rối loạn tiêu hoá” (về tâm lý) khi bỗng nhiên bể cả thông tin ập đến quá tràn trề, đa chiều, khiến ngạc nhiên, khiến bối rối, hoang mang, cái gì cũng “ô thế à?”. Nghĩa là bội thực về thông tin cũng gây bệnh chứ chả phải riêng do rượu thịt ê hề quá”.
Đó là một nhận xét chí lý, nếu xét riêng ở đô thị. Còn nếu kể cả nông thôn, nó làm một người con ra thành phố chưa lâu, trở về nhà đã thấy nhận thức của mình khác xa của phụ huynh nhiều lắm. Có nghĩa là, cái sự cách biệt về thông tin ở trung tâm lớn với các vùng quê cũng mênh mông vô kể.
Dù sao, nhìn đại thể, xã hội lành mạnh, được hưởng lợi nhiều hơn khi thông tin phát triển. Đặt ra thách đố về quản lý, nó làm số đông biết mình biết người, “tiện” cho sự hoà nhập.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Ngày 10/10/2010



DIỄU BINH




GIẤY MỜI 45 NVT
 ( Kích vào ảnh xem rõ hơn )


10/10 - Hà Nội Ngày trở về




Hà Nội Ngày Trở Về - Phú Quang

Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen
Dù chỉ là 1 chiều hương giăng lối cũ
Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa Ô
Như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ
Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế
Như giòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi
Vội vã trở về vội vã ra đi
Chẳng thể nào qua hết từng con phố
Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió
Và rêu phong bên những gốc cây già
Vội vã trở về cùng tháng năm xưa
Sau những con đường dầu dãi nắng mưa
Bên quán ngọ em buồn nghe lá trút
Chiều mưa sa giăng kín phố dài

Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về để nghe tim rưng rưng trong nước hồ thu