Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

TẾT ĐẦU TIÊN Ở QUẾ LÂM


Khi ấy vừa sang Quế Lâm thì cũng là lúc tết ta năm 1967 đến gần , toàn trường đang ở Y Trung bên dòng sông Ly. Khóa 3 là đại đội 9 (C9), ở trong một khu nhà phía cuối sân bóng đá. Có lẽ đấy là tết đầu tiên xa gia đình của tất cả lính Trỗi từ C5 đến C11. Tôi nhớ như lúc đó lại đúng vào thời kỳ bệnh viêm màng não đang đe dọa, hàng ngày phải uống một cái loại thuốc nước màu nâu nâu, đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng, các C cách ly nhau...và tết thì cũng chẳng được đi đâu...Có lẽ vì vậy mà kỷ niệm về cái tết đầu tiên ấy ít in lại trong tôi. Chỉ nhớ rõ là rất lạnh (nhưng không có tuyết rơi, mãi mùa tết năm sau khi đã sang trường mới, thì mới thấy cảnh tuyết rơi), được phát rất nhiều các loại kẹo cứng và là lần đầu tiên biết đến hạt hướng dương...
Dẫu sao thì đấy cũng là cái tết đầu tiên trong đời không chỉ xa gia đình mà cả xa Tổ quốc.

XN.K3

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Cung chúc tân xuân




Chúc mừng năm mới Tân Mão - năm tuổi của phần lớn lính K3! Chúc tất cả các bác một năm mới sức khỏe dồi dào, an khang hạnh phúc - may mắn cả năm!
Cứ như lời phán của "thầy" Kỳ Nghĩa thì tuổi Mẹo cả đời vất vả nỗ lực phấn đấu nhưng không có số thăng quan tiến chức, không thể làm lãnh đạo! Cuối đời phát lộc hưởng an nhàn...Các bác cứ yên tâm mà bước sang U bảy sọi nha.



Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

4 Chính phủ trong hơn 1 năm

Trong bữa nhậu, có 2 bố nêu danh sách Chính phủ thời 1945-1946 nhưng có khác nhau chút đỉnh. Lẽ thường bố này đúng thì bố kia sai, nhưng ở đây, bố nào cũng chém tay khẳng định, thế mới phiền ... cho thính giả. Và sau này, bá tánh "bỏ phiếu" thuận cho ... cả hai:
(tham khảo)

Chính phủ lâm thời 8/1945, tồn tại đến 02/03/1946:
1.Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:Hồ Chí Minh(Đảng Cộng sản Đông Dương)
2.Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Võ Nguyên Giáp(Đảng Cộng sản Đông Dương)
3.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:Chu Văn Tấn(Đảng Cộng sản Đông Dương)
4.Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền:Trần Huy Liệu(Đảng Cộng sản Đông Dương)
5.Bộ trưởng Bộ Thanh niên:Dương Đức Hiền(Đảng Dân chủ)
6.Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế:Nguyễn Mạnh Hà(không đảng phái)
7.Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục:Vũ Đình Hòe(Đảng Dân chủ)
8.Bộ trưởng Bộ Tư pháp:Vũ Trọng Khánh
9.Bộ trưởng Bộ Y tế:Phạm Ngọc Thạch
10.Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính:Đào Trọng Kim(không đảng phái)
11.Bộ trưởng Bộ Lao động:Lê Văn Hiến(Đảng Cộng sản Đông Dương)
12.Bộ trưởng Bộ Tài chính:Phạm Văn Đồng(Đảng Cộng sản Đông Dương)
13.Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội:Nguyễn Văn Tố(không đảng phái)
14.Ủy viên chính phủ (không bộ):Cù Huy Cận(Đảng Cộng sản Đông Dương)
15.Ủy viên chính phủ (không bộ):Nguyễn Văn Xuân

Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam, thành lập 01/01/1946:
1.Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:Hồ Chí Minh(Việt Minh:Việt Nam Độc lập Đồng minh hội)
2.Phó Chủ tịch:Nguyễn Hải Thần(Việt Cách:Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội)
3.Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Võ Nguyên Giáp(Việt Minh)
4.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:Chu Văn Tấn(Việt Minh)
5.Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động:Trần Huy Liệu(Việt Minh)
6.Bộ trưởng Bộ Thanh niên:Dương Đức Hiền
7.Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế:Nguyễn Mạnh Hà(không đảng phái)
8.Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục:Vũ Đình Hòe(Đảng Dân chủ)
9.Bộ trưởng Bộ Tư pháp:Vũ Trọng Khánh
10.Bộ trưởng Bộ Y tế:Trương Đình Tri(Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội)
11.Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính:Đào Trọng Kim(không đảng phái)
12.Bộ trưởng Bộ Lao động:Lê Văn Hiến(Việt Minh)
13.Bộ trưởng Bộ Tài chính:Phạm Văn Đồng(Việt Minh)
14.Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội:Nguyễn Văn Tố(không đảng phái)
15.Bộ trưởng Bộ Canh nông:Cù Huy Cận(Việt Minh)
16.Bộ trưởng (không bộ):Nguyễn Văn Xuân
-Đảng Cộng sản Đông Dương giải tán ngày 11/11/1945 do sắc lệnh Chính phủ lâm thời.
-Võ Nguyên Giáp kiêm chức Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam, do Quốc hội khóa I cử ra:
1.Chủ tịch:Hồ Chí Minh(Việt Minh)
2.Phó Chủ tịch:Nguyễn Hải Thần(Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội)
3.Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Huỳnh Thúc Kháng(không đảng phái)
4.Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:Nguyễn Tường Tam(Việt Quốc:Việt Nam Quốc dân đảng)
5.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:Phan Anh(không đảng phái)
6.Bộ trưởng Bộ Tư pháp:Vũ Đình Hòe(Đảng Dân chủ)
7.Bộ trưởng Bộ Giáo dục:Đặng Thai Mai(Việt Minh)
8.Bộ trưởng Bộ Tài chính:Lê Văn Hiến(Việt Minh)
9.Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính:Trần Đăng Khoa(Đảng Dân chủ)
10.Bộ trưởng Bộ Kinh tế:Chu Bá Phượng(Việt Nam Quốc dân đảng)
11.Bộ trưởng Bộ Xã hội, Y tế, Cứu tế và Lao động:Trương Đình Tri(Việt minh)
12a.Bộ trưởng Bộ Canh nông:Bồ Xuân Luật(Việt minh)
12b.(từ tháng 4/1946):Huỳnh Thiện Lộc
Cố vấn đoàn do cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhiệm.
Kháng chiến Ủy viên hội (sau gọi là Ủy ban Kháng chiến) do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh (Việt Nam Quốc dân đảng) làm Phó Chủ tịch.
-Giữa năm 1946 Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đã bỏ nhiệm sở chạy sang Trung Quốc. Vĩnh Thụy được cử sang giao hảo với Trung Quốc cũng ở lại không về nước.
-Bộ Giao thông Công chính và Bộ Canh nông dành cho đại diện của Nam Bộ, nhưng các đại diện của Nam Bộ chưa ra họp được nên giao cho Trần Đăng Khoa và Bồ Xuân Luật. Đến giữa tháng 4 năm 1946, Huỳnh Thiện Lộc ra nhậm chức Bộ trưởng Bộ Canh nông, Bồ Xuân Luật giữ chức Thứ trưởng.

Chính phủ mới, từ 3/11/1946:
1.Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại:giao Hồ Chí Minh(Việt Minh)
2.Bộ trưởng Bộ Nội vụ:Huỳnh Thúc Kháng(không đảng phái)
3.Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:Võ Nguyên Giáp(Việt Minh)
4.Bộ trưởng Bộ Giáo dục:Nguyễn Văn Huyên
5.Bộ trưởng Bộ Tài chính:Lê Văn Hiến(Việt Minh)
6.Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính:Trần Đăng Khoa(Đảng Dân chủ)
7.Bộ trưởng Bộ Y tế:Hoàng Tích Trí
8.Bộ trưởng Bộ Lao động:Nguyễn Văn Tạo
9.Bộ trưởng Bộ Tư pháp:Vũ Đình Hòe(Đảng Dân chủ)
10.Bộ trưởng Bộ Canh nông:Ngô Tấn Nhơn
11.Bộ trưởng Bộ Cứu tế:Chu Bá Phượng(Việt Nam Quốc dân đảng)
12.Bộ trưởng Bộ Kinh tế:một vị ở Nam Bộ
13.Bộ trưởng không bộ:Nguyễn Văn Tố(không đảng phái)
14.Bộ trưởng không bộ:Bồ Xuân Luật(Việt minh)

Ghi chú: một số cụ bị bỏ trống phần "đảng phái" - đó là sai sót của tài liệu này.

Thơ Đỗ Trung Việt

Vừa rồi , rất may mắn tôi tìm lại được quyển sổ nhỏ của những ghi chép thời 1970s - trong đó có mấy bài thơ của ĐTV .
Chỉ còn khoảng 2 tuần lễ nữa là đến ngày giỗ lần thứ 7 của Anh . Thiết nghĩ đây thay cho nén tâm nhang gửi tới người bạn chung của chúng ta ! Và xin mời mọi người " nhắp lại những ngọt ngào " của một thời trai trẻ .

CÂU CHUYỆN NGÔI NHÀ Ở CẠNH ĐƯỜNG TÀU


Có cô em gái nhỏ
Nhà ở cạnh đường tàu
Thương nụ cười tươi sáng
Nơi đôi mắt bồ câu

Những đêm tôi đứng gác
Một mình dưới trời cao
Nghe tiếng tàu hỏa gọi
Mà lòng xôn xao

Ôi cũng đoàn tàu ấy
Còn nhớ mới ngày nào
Chở ta về rất vội
Khi Hà nội xuân sang

Tình cờ gặp lại em
Rồi lại vội lên đường
Ai ngờ làn gió thoảng
Để lại niềm vấn vương

( Thời gian trôi có hay
Tôi đi em còn nhỏ
Rồi bừng sáng xuân nay
Như cánh hồng vừa nở )

Đêm đó tôi mới thấy
Ngôi nhà quen bên đường
Khi đoàn tàu rời bánh
Bao lưu luyến mến thương...

Từ đó tiếng còi tàu
Với tôi thành người bạn
Khi ôm súng đêm thâu
Lúc gác chờ trời sáng

Thời gian trôi năm tháng
Bao đêm gác dưới sao
Bao lần trong đêm vắng
Chờ đón tiếng còi tàu

Đêm nay tôi đứng gác
Một mình dưới trời sao
Đoàn tàu đêm lại dạo
Khúc nhạc lúc buổi đầu

Tiếng rì rầm dần nhỏ
Tàu về nơi xa xôi
Cho gửi về nơi ấy
Qua gió thoảng mấy lời

Đêm khuya sương xuống lạnh
Em chắc ngủ ngon rồi
Có thấy anh đứng gác
Trong mơ đó , em ơi !

Và em sẽ mỉm cười
Trong giấc mơ em nhé
Đoàn tàu trở về rồi
Từ nơi anh vẫn kể

- Nơi có khu rừng nhỏ
Và vầng trăng dịu hiền
Tiếng rì rầm gọi nó
Vào trong giấc mơ em...

Ngủ ngon đi em nhé
Trong giấc mơ tuyệt vời
Mơ ước - Niềm vui - Trong sáng
Lời ca - Anhs mắt - Nụ cười...

...Những ngôi sao chạy trên bầu trời
Đêm gần qua rồi đấy
Trời lại sắp sáng rồi
Gà gáy - sáng mai...

Sáng mai em thức dậy
Có gì vui trong lòng
Hàng cây khe khẽ hát
Có nhớ tới anh không?

Một ngày vui lại đến
Ngoài kia nắng lên hồng
Như tiếng chim ríu rít
Đâu vương vấn trong lòng...

Đâu phải cuộc đời
Như dòng nước nhẹ trôi
Đẹp những kỉ niệm êm đềm
Và những vần thơ nhỏ

Dù làm anh đau khổ
Mắt em đó nguồn thơ
Như bầu trời trong sáng
Tỏa niềm vui vô bờ

Em vui như chim nhỏ
Anh ngọn gió hiền hòa
Muốn cùng em tung cánh
Trong bầu trời bao la...

Em vui như chim nhỏ
Quên bóng anh mất rồi
Vui theo làn gió mới
Bay về phía chân trời

Anh vẫn gửi lời ca
Trong đêm về chốn cũ
Nhưng em chẳng còn anh
Đứng gác - Trong giấc ngủ

Còn anh - anh vẫn có
Mắt em cười - Trong mơ
Đó là em thủa trước
Nào phải em bây giờ

Chỉ có hàng cây trước nhà em
Không còn cô em gái nhỏ
Ngày nào mỗi khi qua đó
Mang trong tim tiếng hát của đoàn tàu.


( Đồi Bảo sơn 4/1972 )




KỈ NIỆM TUỔI THƠ


Sẽ có một sáng mai nắng đẹp
Anh dắt tay em đi lại lối quen xưa
Con đường xanh ngày nhỏ chúng mình đi chơi Bách thảo
Núi Nùng nên thơ còn đây tiếng trẻ nô đùa...
Anh sẽ kể cho em nghe bao kỉ niệm
Đây bãi cỏ xanh , xưa ngồi nghe chuyện " Dân gian Nga "
Kia những chú nai đáng yêu vẫn tung tăng vườn cũ
Nhớ mãi con đường rợp bóng xà cừ...

Diệu kì thay thời thơ ấu
Cả đến một nỗi buồn giờ cũng thấy dịu êm
Vui như chim non nào ai biết được
" Cô bé B.H khi ấy - lại là em!"

" Sẽ có một sớm mai nắng đẹp "
Chẳng biết em có mong một sớm nắng đó không?
Mà giờ xa nhau bặt vô âm tín
Bao nỗi niềm tơ rối trong lòng

Chẳng biết giờ này nơi góc trời xa ấy
Em nghĩ gì những kỉ niệm tuổi thơ
Có biết con đường xanh , ngày nhỏ chúng mình đi chơi Bách thảo
Dù ai quên vẫn rợp bóng xà cừ !


( Dịch đồng 6/1972 )