Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Bác sỹ Thuỷ thông báo về chương trình kiểm tra thính lực miễn phí.

BS Thuỷ chuyên khoa II Tai-Mũi -Họng,là em của Hữu Hoàng K3.
Chương trình kiểm tra thính lực và tư vấn miễn phí do BS Thuỷ phụ trách thực hiện tại TP Hồ Chí Minh với sự bảo trợ của Công ty Phonak thuộc Tập đoàn Sonova, Thụy Sỹ.
Nếu bạn hoặc người thân thấy có vấn đề về thính lực, xin mời bạn vô đây tìm hiểu thông tin chi tiết..

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Hà Nội trong mắt tôi - Bài 1





Hà Nội có nhiều gương mặt, nhìn từ những góc độ khác nhau thì chả “cái” nào giống “cái” nào. Đành chọn một góc mà ngắm nghía nó theo chủ quan mình vậy…


Bài 1
Nẻo xưa đâu tá…

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Nhà thơ Vũ Đình Liên, khi làm mấy câu trên, chưa chắc nghĩ mình đã “đóng đinh” khép lại một giai đoạn văn hoá. Chữ Nho lụi, hồn xưa tản mát, mỗi xuân mới lại thấy “chợ ông đồ” họp một lần ở chân tường Văn Miếu. Khi mấy ông hoạ sĩ vẽ chữ thành tranh bảo đấy là thư pháp, có người reo lên truyền thống đang trở lại. Thực thế không?
Tôi có người bạn làm ở một cơ quan nghiên cứu quá khứ. Yêu nghiệp, kính trọng cái cổ xưa, cả chục năm sau khi ra trường, anh hầu điếu các giáo sư, chúi mũi vào đám thư tịch cổ. Quãng bốn chục thì lấy vợ, và thốt ra: “Thư viện quốc gia xếp tôi vào loại bạn đọc lỳ lợm nhất, nhưng giờ thấy nó chả đến đâu. Viện tôi ít việc, cán bộ nghiên cứu làm thợ nề, viết luận văn thuê, nghĩa là đời không cần mình...”. Những lời nghe thật cám cảnh! Có vẻ như một “mầm non trí thức” sẽ lụi tàn.
Rồi mới đây gặp lại, thấy anh trẻ trung, hiện đại hẳn. Làm không hết việc, bình thường dậy chữ Nho ở nhà, thỉnh thoảng đi xa dựng phả cho dòng họ, dịch văn bia, có khi tát ao để lôi tượng đá, bia đá ném xuống hồi chống mê tín dị đoan lên, còn mò được cả hoa cái cụ nghĩa quân Cần Vương đánh Tây bị nó chặt đầu thời cách nay trăm năm. Viện anh ngoài buổi họp chung vắng vẻ, ai cũng bận “giúp” các nơi viết sử địa phương. Những ông trước nay kiếm tiền kiểu “năng động” giờ mới tiếc mình không dùi mài vốn cổ, học chữ người xưa, nay chả ma nào mời. Mà tỉnh, huyện giờ người ta ưa làm địa chí, khoa học, phong phú hơn, chứ hệ thống lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên đã làm xong cả rồi, và cũng eo hẹp, không kham nổi nhu cầu dân trí cũng như quan trí. Anh hồ hởi khoe với tôi những bản rập văn bia, bản chụp sắc phong, phả hệ. Lớp Hán Nôm của anh đông sư sãi sắp nhập học viện, vài anh “số” ăn lộc Thánh, tức sẽ xung vào “nghiệp” cúng bái. Lại một đại tá chỉ cần qua Tam Tự Kinh để đọc được lịch sử họ mình, một ông thời cải cách ruộng đất quy tội địa chủ hăng quá, nay muốn vớt vát lại cái “cục” mình đã “quăng” vào quá khứ. Đọc tạp chí Xưa & Nay, họ ầm ầm thảo luận sao nhà Nguyễn được ghi nhiều công sức thế, những Phan Thanh Giản, Mạc Thiên Tích té ra là thế này thế nọ, mà sao đánh giá trong sách giáo khoa vẫn chả động gì nhỉ...
Thành phố, và phải suy rộng ra cho cả vùng xung quanh, trong “đà” hội nhập vào hiện đại hoá, công nghiệp hoá, có một dòng chảy theo hướng truyền thống. Âm thầm, phải len lách, có khi tự xác định tiêu chí, nó thật bền bỉ, chỉ ngun ngún như nén nhang cháy trong đêm. Những ông già tìm về quá khứ để giữ nếp nhà nếp làng, răn dậy con cháu. Những trí thức dăm ba ngoại ngữ chán nản vì đi đình chùa vãn cảnh không đọc được chữ cha ông. Thậm chí, những anh trẻ trai chỉ cần vũ trang vài chữ “phúc lộc thọ khang ninh” với “tâm”, “nhẫn” để kiếm tiền thập phương kì lễ hội. Cái dòng chảy ấy không ồ ạt reo vang, người “bơi” bên trong rất cô đơn, có khi còn tự giấu mình đi, mà nhanh nhách dai, mà gặp tri kỷ thì sướng phát rồ. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dựng tượng Phật trong nhà. Hoạ sĩ Quách Đông Phương được tĩnh tâm trong “chùa” tại gia giữa phố. Hoạ sĩ Thành Chương gọi chốn bồng lai của mình là “phủ”. Dân văn nghệ, hướng về Chân – Thiện – Mỹ, làm vậy cũng dễ hiểu. Nhưng còn bao người thường, những cựu cán bộ phụ nữ xung vào đội tế nữ quan, lễ hội nào cũng có mặt, những quan chức mở miệng vô thần nhưng tìm cách vứt vàng vào yểm tâm ngôi tượng đang đúc..., họ có những căn gì, duyên gì? “Thế giới quan” của họ là duy vật hay “lấp lánh tâm linh”?
Nhu cầu về cội, tìm lại di sản trong quá khứ có những nguyên do thật phong phú. Trước tiên, chả phải Nho giáo là con số không tròn trĩnh, nếu không thì cả nghìn năm nay, cứ kể từ ông trạng khai khoa Lê Văn Thịnh đi, các cụ đã không tôn đây là Đạo Thánh Hiền. Lời người xưa chí lý, đọc như được “sang ngang” cái tâm hồn, những quan niệm nhân văn, đạo đức nuốt đi, cuốn mình đi. Đã có một thời Nho giáo bị đồng nhất với khái niệm phong kiến để phải bài trừ, chôn chặt. Nhưng các triều phong kiến có tinh thần dân tộc đã dùng nó như một công cụ để tề gia trị quốc yên dân đấy chứ. Các bậc Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông không có chữ, có Đạo, làm sao vĩ đại được vậy! Thời nào cũng phải có lý tưởng. Lý tưởng, đơn giản đi, như một thứ thần tượng, để thiên hạ hoà vào một mối mà noi theo. Cụ thái thú Sĩ Nhiếp từ phương Bắc sang cai trị, thương dân Giao Châu dạy cho chữ Thánh Hiền, nên được tôn là “Nam Giao Học Tổ”. Nho Giáo dần chiếm chỗ của Phật Giáo là vì bên cạnh phần cao cả của tâm hồn, khái niệm “quân tử”, còn có sức mạnh thế tục rất lớn, rất thực tế.
Rồi Nho tàn, gắn với thay đổi về chính trị. Quốc ngữ mà Alexandre de Rhode mang lại đẩy văn hoá ta đến gần với thế giới hiện đại, nền khoa học, công nghiệp tiên tiến, nhưng lại gián tiếp là nhát kiếm chí mạng chém vào sự liên hệ với quá khứ. Trường thi kiểu cũ bỏ hẳn, chữ Nho không còn tác dụng, bị quên dần, gần như quên hẳn. Nhưng rồi cũng đến cái lúc những thần tượng xã hội hằng noi theo mỗi ngày mỗi héo đi, rơi rụng, thì vì chưa có cái mới “lắp” vào, hoặc đã có nhưng nó không thuyết phục, người ta lại có nhu cầu tìm về cái cũ. Người đô thị, nhất là trí thức, vãn cảnh đình chùa, đứng trước tấm bia ghi sự tích cái nơi mình đang ở mà tựa trước bức vách, hẳn phải tức tối chứ. Càng tức tối khi đấy là “nguyên khí” mà các cụ mình hằng tựa vào cả nghìn năm. Và voi đá ngựa đá bát bửu cửa võng sẽ có hồn vía hơn khi người ta am hiểu cái không gian xung quanh, dính dáng đến nhân vật được thờ cúng. Có chuyện thật như đùa ở lễ hội nọ: tín chủ đọc danh sách toàn gia cho thầy viết sớ, xong bảo đọc lại xem có chính xác không, thì thầy… chịu, nghĩa là trứơc đó toàn múa bút lăng nhăng.
Dù sao, sự trở về cần thiết trên cũng chỉ để ghi lại những dấu ấn trong quá khứ, để cho khỏi đứt mạch mà thôi. Biết thì khỏi quên, biết để còn mang ơn, tránh cho hiện tại khỏi những chuyện chẳng may, sống khỏi bạc ác, chứ bước vào một xã hội đô thị thì không thể phục cổ hoàn toàn. Lớp Hán Nôm thời nay uyên bác đến mấy không thể tư duy bằng Hán văn nữa. Và một người nghĩ ngợi nói năng giống hệt các cụ cách giờ trăm năm ắt bị đám Tây học Nga học Mỹ học nhạo cợt. Nghĩa là sự trở về ấy đến đâu, như thế nào cần rất được chọn lọc. Chẳng hạn tinh thần “tham nhũng là sỉ nhục” của Nho giáo rất cần thiết, nhưng hạn chế sự độc lập của con người ta lại đã là hạn chế, trói buộc rồi...

Trần Chiến

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG (4 tiếp theo)

Mấy hôm đưa nhiều chữ lên Blog quá nên mọi người chắc mệt mỏi. Gần tuần nay không thấy ai đưa bài nào, tranh thủ gửi tiếp bài hành trình về phương Đông. Ai có thời gian xin tiếp tục chịu tra tấn.

CÕI VÔ HÌNH (4 tiếp theo)

ôngGiáo sư Allen ngập ngừng:
“Nhưng có một quan niệm lại cho rằng, sau khi chết linh hồn sẽ lên Thiên đàng hay xuống Địa ngục vĩnh viễn, điều này ra sao?”
Hamoud lắc đầu:
“Đó là một quan niệm không hợp lý, vì điều này cho rằng, khi chết linh hồn sẽ thay đổi toàn diện: sau khi chết, linh hồn sẽ mất hết tính xấu để trở nên hoàn thiện, trở nên một vị thiên thần vào cõi Thiên đàng, hoặc linh hồn mất hết tính tốt để trở nên xấu xa, trở nên một thứ ma quỷ bị đẩy vào Địa ngục. Điều này vô lý, vì sự tiến hóa phải từ từ chứ không thể đột ngột được. Trên thế gian này không có ai toàn thiện hay toàn ác. Trong mỗi chúng ta đều có các chủng tử tốt, xấu do các duyên, nghiệp từ tiền kiếp để lại. Tùy theo điều kiện bên ngoài mà những chủng tử này nẩy mầm, phát triển hay thui chột không thể phát triển. Một người tu thân là một người biết mình, lo vun xới tinh thần để các nhân tốt phát triển, giống như một người làm vườn lo trồng hoa và nhổ cỏ dại.
Thực ra, khi sống và chết, con người không thay đổi bao nhiêu. Nếu khi sống họ tham ăn thì khi chết họ vẫn ăn tham, chỉ có khác ở chỗ, điều này sẽ không còn được thỏa mãn, vì thể xác đã hư thối, tan rã mất rồi. Sau khi chết, tìm về nhà thấy con cháu ăn uống linh đình mà họ thì không sao ăn được. Lòng ham muốn gia tăng cực độ như lửa đốt gan, đốt ruột, đau khổ không sao tả nổi”.
“Như ông nói, loài ma đói thường rung động theo không khí quanh đó, như thế họ có thỏa mãn không?”.
“Khi người sống ăn ngon, có các tư tưởng khoái lạc, thì các loài ma đói xúm quanh cũng tìm cách rung động theo tư tưởng đó, tuy nhiên chúng không sao thỏa mãn được. Điều này ví như khi đói, nghĩ đến món ăn ta thấy thèm và ứa nước bọt (tiết tâm linh), nhưng điều này đâu có thỏa mãn nhu cầu bao tử. Các loại ma hung dữ, khát máu thường tụ tập nơi mổ xẻ súc vật, lò sát sinh để rung động theo không khí thô bạo ở đó. Nhưng người giết súc vật trong nhà đã vô tình mời gọi các vong linh này đến. Sự có mặt của chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu, nhất là đối với những người dễ thụ cảm.”
“Đa số mọi người đều cho rằng, ma quỷ thường xuất hiện ở nghĩa địa. Điều này giải thích thế nào?”.
“Sự hiện hình ở nghĩa địa chỉ là hình thể Phách đang tan rã, chứ không phải ma quỷ, vong linh. Khi ta chết, thể Xác bị hư thối, thì thể Phách, là thể trung gian giữa thể Xác và thể Vía cũng tan rã theo. Thể Phách được cấu tạo bằng những nguyên tử tương đồng với nguyên tử cõi trần, nhưng có nhiều nguyên tử Dĩ thái nên nhẹ hơn. Nó thu nhận các sinh lục còn rơi rớt lại trong thể Xác để cố gắng kéo dài sự sống thêm một thời gian nữa. Vì đang ta rã nên thể Phách không tồn tại nguyên vẹn, do đó, đôi khi ta thấy trên nghĩa địa có những hình ảnh người cụt đầu, cụt chân bay là là trên các nấm mồ. Người không hiểu gọi đó là ma.
Theo sự hiểu biết của tôi thì việc thiêu xác tốt đẹp hơn việc chôn cất. Vì để thể xác tan rã từ từ làm cho linh hồn đau khổ không ít và thường là trong giai đoạn hôn mê, bất động một thời gian rất lâu. Thiêu xác khiến vong linh không còn gì quyến luyến nữa nên siêu thoát nhanh hơn nhiều.
“Ma quỷ thường thuộc những thành phần gì trong xã hội?”
“Chúng thuộc đủ mọi thành phần, tùy theo dục vọng khi còn sống. Người chết bất đắc kỳ tử thường lưu lại cõi âm lâu hơn người chết già, vì còn nhiều ham muốn hơn. Những kẻ sát nhân bị hành quyết vẫn đang sống trong cảnh tù tội, giận hờn và có ý định trả thù. Một người tự tử để trốn nợ đời cũng thế, y sẽ hôn mê trong trạng thái khổ sở lúc tự tử rất lâu. Định luật cõi âm xác nhận rằng: Chính cái dục vọng của ta quyết định cảnh giới ta sẽ đến và lưu lại ở đó lâu hay mau”.
“Số phận của những quân nhân tử trận thì ra sao?”
“Họ cũng không ra ngoài luật lệ đó, tùy theo dục vọng từng cá nhân. Tuy nhiên, người hy sinh tính mạng cho một lý tưởng có một tương lai tốt đẹp hơn, vì cái chết cao đẹp là một nấc thang lớn trong cuộc tiến hóa. Họ đã quên mình để sống và chết cho lý tưởng thì cái chết đó có khác nào những vị Thánh tử vì đạo. Dĩ nhiên không phải quân nhân nào cũng sống cho lý tưởng và những kẻ giết chóc oán thù và chết trong oán thù lại khác hẳn.”
“Như ông nói thì người chết vẫn thấy người sống?”
“Thật ra phải nói như thế này, khi chết các giác quan, thể xác đều không sử dụng được nữa, nhưng người chết vẫn theo dõi mọi sự dễ dàng vì các giác quan thể Vía. Không những thế, họ còn biết rất rõ tư tưởng, tình cảm liên hệ là đàng khác, mặc dù họ không còn nghe thấy, nhìn thấy như chúng ta. Nhờ đọc được tư tưởng, họ vẫn hiểu điều chúng ta muốn diễn tả.”
“Như vậy thì họ ở gần hay ở xa chúng ta?”
“Khi mới từ trần, người chết luôn quanh quẩn bên gia đình, bên những người thân. Nhưng theo thời gian, khi ý thức hoàn cảnh mới họ sẽ tách rời các ràng buộc gia đình để sống hẳn ở cõi giới của họ”.
“Như thế có cách nào người sống tiếp xúc được với thân nhân quá cố không?”
“Điều này không có gì khó, hãy nghĩ đến họ trong giấc ngủ. Thật ra, nếu hiểu biết thì ta không nên quấy rầy, vì làm thế chỉ gây trở ngại cho sự siêu thoát.
Sự chết là bước vào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài thì nay quay vào trong. Linh hồn từ từ rút khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó, hai chân từ từ lạnh dần rồi đến tay và sau cùng là trái tim. Lúc này người chết thấy rất an tĩnh, nhẹ nhàng, không còn bị ảnh hưởng vật chất. Khi linh hồn rút lên óc, nó sẽ khơi động các ký ức, cả cuộc đời sẽ diễn lại như một cuốn phim. Hiện tượng này gọi là “Hồi quang phản chiếu” (Memory Projection). Đây là một giây phút hết sức quan trọng, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây từ điện liên kết giữa thể Xác và thể Phách sẽ đứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể Phách, và thể Vía bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách sắp xếp lại từng lớp nguyên tử. Lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến”
“Ông du hành sang cõi âm thế nào?”
“Nói như thế không đúng lắm, vì cõi âm chỉ một sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Các cõi thực ra ở cùng một nơi, chỉ khác nhau ở chiều không gian và thời gian (time, space dimension). Sang cõi âm là sự di chuyển tâm thức, sử dụng giác quan về thể Vía để nhận thức chứ không phải đi đến một nơi nào hết. Sở dĩ cõi trần không thấy cõi âm vì nguyên tử cấu tạo nó quá nặng nề, rung động quá chậm không thể đáp ứng với sự rung động nhanh của cõi âm. Quan niệm về không gian cũng khác, vì đây là cõi tư tưởng, nghĩ đến đâu là ta đến đó liền. Muốn gặp ai chỉ cần giữ hình ảnh người đó trong tư tưởng ta sẽ gặp ngay người đó. Khi di chuyển ta có cảm giác như lướt troi, bay bổng, vì kh còn đi bằng hai chân như thể Xác.”
“Những người chết nhận thức về đời sống mới ra sao?”
“Trừ những kẻ cực kỳ hung dữ, ghê ghớm, đa số mọi người thức tỉnh trong cảnh giới thứ năm hoặc thứ sáu, vốn có rung động không khác cõi trần là bao. Lúc đầu họ còn bỡ ngỡ, hoang mang, nhưng sau sẽ quen đi.Tùy theo tình cảm, dục vọng mà họ hành động. Tôi đã gặp vong linh của một thương gia giàu có. Ông này cứ quanh quẩn trong ngôi nhà cũ nhiều năm. Ông cho tôi biết rằng ông rất cô đơn và đau khổ. Ông không có bạn và cũng chả cần ai. Ông trở về để sống với kỷ niệm xưa, nhưng ông buồn vì vợ con ông vẫn còn đó nhưng chẳng ai để ý đến ong. Họ tin rằng ông đã lên Thiên đàng, vì họ đã bỏ ra nhiều tiền để tổ chức các nghi lễ tôn giáo rất lớn. Một tu sĩ đã xác nhận thế nào ông cũng được lên Thiên đàng. Tôi khuyên ông ta nên cởi bỏ các quyến luyến để siêu thoát, nhưng ông ta từ chối. Một vài người thân đã qua đời cũng đến tìm gặp, nhưng ông cũng không nghe họ. Có lẽ ông ta sẽ còn ở đó một thời gian lâu, cho đến khi các lưu luyến phai nhạt hết. Tôi đã gặp những vong linh quanh quẩn bên cạnh cơ sở mà họ gây dựng nên, họ vô cùng đau khổ và tức giận vì không còn ảnh hưởng được gì. Họ rất khổ sở khi người nối nghiệp, con cháu có quyết định sai lầm làm tiêu phá cơ nghiệp. Tôi đã gặp những người chôn cất của cải, phập phồng lo sợ có kẻ tìm ra. Họ vẫn quanh quẩn gần đó và đôi khi tìm cách hiện về dọa nạt những kẻ bén bảng đến gần nơi chôn dấu. Vong linh ghen tuông còn khổ sở hơn nữa. Họ không muốn người mình yêu mến chia sẻ tình yêu với người khác. Đôi khi họ điên lên khi chứng kiến sự âu yếm của người họ yêu với người khác. Dĩ nhiên họ không thể làm gì được nên vô cùng khổ sở. Những nhà lãnh đạo, vua chúa, những người ham muốn uy quyền thì cảm thấy bất lực khi không còn ảnh hưởng gì được nưa, họ hết sức đau khổ.
Đôi khi tư tưởng oán hờn có thể tạo nên những hình tư tưởng có sự sống riêng biệt và có tác dụng mạnh mẽ ở cõi vô hình. Cách đây vài năm, một người bạn ở Calcutta cho tôi biết, có một con dao cán ngà rất đẹp mà hễ ai cầm lên cũng có ý định giết người. Tôi bèn tìm đến và cầm thử thì quả nhiên trong người bị kích động lạ thường. Nhờ đã mở giác quan thể Vía nên tôi thấy một vong linh hung tợn đang giận dữ vì tôi chống lại. Nhờ các bạn bè cõi âm, tôi tiếp xúc được với tư tưởng vong linh đó. Vợ y đã ngoại tình với người bạn thân nên y sử dụng con dao này để giết cả hai. Sau đó y còn đâm chết hai người em vợ và bị một người khác dùng chính con dao đó để đâm chết y. Sau khi chết, lòng oán hận khôn nguôi nên y quanh quẩn bên con dao này và ảnh hưởng đến bất cứ ai sử dụng nó. Nhiều người đã bị y xúi dục giết người. Y rất thành công cho đến khi gặp tôi. Phải mất một thời gian lâu tôi mới thuyết phục được y, tôi bèn bẻ gãy con dao đó và đem chôn.
Một trường hợp khác, tôi gặp một vong linh say rượu bị xe đụng chết. Y rất oán hận nên cứ vẩn vơ nơi ngã tư đường và hướng dẫn những người lái xe cho họ gặp tai nạn. Rất nhiều người bị chết ở đó. Tôi cũng mất nhiều thời gian khuyên giải y mới bỏ đi nơi khác. Dĩ nhiên, sớm muộn gì các vong linh cũng tỉnh ngộ, nhưng việc làm của y là những nguyên nhân xấu sẽ tạo ra những nghiệp quả mà y sẽ phải trả, vì ở bất cứ cõi nào, luật thiên nhiên cũng không thay đổi.
Trường hợp khác, có hai người bạn rất thân cùng yêu một cô gái. Để chiếm đoạt cô gái, một người đã gài bẫy khiến bạn mình bị tình nghi có dính dáng vào một tổ chức chính trị. Anh bạn bị bắt và bị thủ tiêu. Anh ta chinh phục cô gái nhưng không thành công, ít lâu sau cô này lấy người khác. Anh ta đau khổ bèn tự tử. Thế là cả hai người bạn đều sang cõi âm, nhưng người bị thủ tiêu không biết mình là nạn nhân của bạn nên mến bạn và đi tìm gặp. Trái lại, anh kia lúc nào cũng bị lương tâm dằn vặt, thường lẩn tránh, ẩn náu. Sự tìm gặp này kéo dài rất lâu khiến người bạn tội lỗi lúc nào cũng đau khổ, hối hận.”
Hamoud lắc đầu: “Các ông nên biết, ở cõi trần có thể trốn tránh được, chứ ở cõi âm thì trốn đi đâu? Đây là cõi tư tưởng, chỉ cần nghĩ đến nhau là đã gặp nhau rồi…”
Mọi người im lặng, cảm thấy thấm thía điều vị pháp sư Ai Cập diễn tả. Giáo sư Mortimer lên tiếng:

(Còn tiếp)

THÔNG BÁO

Ban liên lạc trường VHQĐ-TCCT NGUYỄN VĂN TRỖI
Kính mời các thầy cô, các bạn cựu học sinh, thân nhân của cựu học sinh, các bạn cựu học sinh các trường nội trú cùng thời (Trường Bé, Trường HSMN...), các bạn yêu mến Trường Trỗi đến dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường tổ chức tại phía Nam.
Địa điểm: Nhà hát Quân đội, 140 Đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.
Thời gian: 09g00 ngày 03 tháng 10 năm 2010.
Rất mong sự có mặt của các thầy cô và các bạn.
Ban liên lạc.
người đăng thông báo KT.