Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Đi đảo Lý Sơn



- Mạng cho biết LS là huyện đảo của Quảng Ngãi, rộng 9 km2, có 2 vạn dân thuộc 3 xã. Ba đặc sản nổi tiếng là tỏi, nghề lặn hải sâm và Hải đội Hoàng Sa lập thời Nguyễn. Hàng năm hải đội này làm lễ “Khao lề thế lính”, tức là được tế sống trước khi ra HS vớt đồ tàu đắm, lấy đồi mồi, hải sâm. Anh nào còn sống đem về Huế lĩnh thưởng.
- Từ cảng Sa Kỳ ra LS 40 km, chạy tàu khách cao tốc chừng 80 phút. Bến ngoài đảo là bến tạm, chủ yếu tàu cá trốn bão, có hai cây xăng. Áp phích “Không xâm phạm lãnh hải khác” và tuyên truyền bầu cử. Trong đảo nhiều chỗ bán xăng lẻ 25k/l (trên đất 21,4k/l). Đang có đám cưới, chú rể giáo viên trên đảo câu cô dâu từ đất về, cũng giáo viên, “chưa có chỗ dạy nhưng cứ cưới cái đã”. Trời nóng, đội hình hai nhà côm lê côm táo cài hoa đẫm mồ hôi. Sau biết là ngày tốt, còn 3 đám nữa.
- Cây cối thì có bàng vuông, phong ba, mít, cau, dừa. Hành tía ngâm dấm ngon, nhưng tỏi thì cả vị và mùi đều không được gắt như tỏi bắc. Dưa hấu quả nhỏ, thấy bảo rất ngọt. Đang hạn nặng, cái đập thủy lợi trên núi Chình chắc hết công suất rồi. Người ta “múc” cát biển lên đổ vào ruộng tỏi, đâu như làm hỏng thềm biển, gây xâm thực nặng. Nhưng ko làm vậy thì sống bằng gì.
- PCT huyện Phạm Thị Hương: 3000 người đi biển với 409 tàu thuyền (120 chiếc đánh bắt xa bờ kiểu Phi Hùng, Trung “lột”). 1 trường cấp 3, ba xã mỗi nơi một cấp 2, một cấp 1, một mầm non. Thi đại học cộng 1,5 điểm. Quy hoạch khá xôm, du lịch, làm kè chống sạt lở, khu đóng tàu, sơ chế hải sản, cấp dầu, nước đá. Ngư dân bị tàu TQ bắt không thể tìm nghề khác, mà tàu thuyền không còn. “Dân rất lỳ, tàu nó đuổi ném quả nổ (?) là thôi. Hoặc đang làm chủ giờ mất tàu vẫn làm bạn, tức là thủy thủ được thuê, đi tiếp. Cũng có cho vay vốn khôi phục làm ăn, cấp 3 tháng x 15 kg gạo / người trong gia đình người “mất tích” (thực chất là không còn)”. Chị Hương cho mượn chiếc xe công gây ấn tượng bằng con Lada trên đất, ko mũ bảo hiểm ko bị bắt, khi về quẳng lại bến, có người ra lấy. Quý như vàng!
- Bảo tàng về Hải đội HS có hình thuyền câu, tàu đi xa ngày xưa, tư liệu HS “của ta”. Ấn tượng nhất là chiếc chiếu, bộ nẹp, dây song, anh nào ngóm bó lại thả xuống nước, may dạt vào bờ nhận được tên khắc trên thẻ tre. HS trời nước mênh mông / người đi thì có mà không thấy về / HS mây nước bốn bề / Tháng 2 khao lề thế lính HS.
- Lặn hải sâm phải ở vùng nước trên 20 sải tay, nghề cực kỳ nguy hiểm. Làm hớp nước mắm, ngụp xuống, con hải sâm chừng một ký, được một tạ bỗng nhiên thành tỉ phú. Nhưng có thể lên là liệt cả đời. “Dân LS giờ khôn lắm, ít lặn, toàn thuê người Thái Bình, Nghệ Tĩnh vào, rủi chết bù trăm triệu”, chủ quán Thủy Tiên kể. Quán này trưa có bún, mực rất tươi, uống rượu gạo mồ hôi chảy rầm rầm.
- Bờ đảo chi chít miếu, am, đình, đền, nhà thờ họ nhà thờ tổ, chùa chiền. Cá Ông (voi) giạt vào đâu làm lăng chỗ đó. Phật giáo (cả Tiểu và Đại Thừa), Cao Đài, Gia Tô, Tin Lành cùng chung sống. Có nhà vợ theo đằng này chồng đằng kia. Dưới bóng cây bàng lực lưỡng là miếu thờ bà Thiên Yana Hộ quốc an dân, thực chất là thần Chăm Pônaga được người Việt “chuyển hóa” thành “của mình” khi Nam tiến. Vì “mượn” đất Chăm nên nhiều nơi còn tục cúng thần đất (của họ) hàng năm, gọi “tá thổ”. Nghĩ đến chữ “tá điền”, “tá túc”, chắc là mượn đất mượn chỗ ở.
- Ông Võ Hiển Đạt, sinh 1932: cả thôn có 24 tòa lăng miếu “chính thức”, còn các gia tộc, chi nhánh, phe giáp có 40 – 50 cái “riêng”. “Mùa biển được thì cúng vài triệu làm miếu là thường”. “Không có khoa bảng, đỗ đạt cao, nhưng thầy Nghệ thầy Quảng dạy chữ Nho nhiều lắm”. “Có nghề có chữ vào đất, anh nào ngu mới đánh cá”.
Nghĩ bụng: nghề biển bất trắc, phải cúng kĩ kiêng nhiều, thần phật chúa thờ hết, càng nhiều thần “độ” càng đỡ rủi ro. Tâm lý thế chăng? Và các thầy đồ dạt ra đây chắc cũng lắm thân phận kì bí lắm.
- Lê Minh Tân, sinh 1962, đi HS lấy rau chân vịt cùng 5 thủy thủ, qua Tết con mèo rồi ko về, giờ là tấm ảnh trên bàn thờ. Con gái là Thanh: “Nhà con 5 người giờ còn 4”. Tân theo Cơ Đốc, cha đạo không làm lễ “vì có xác mới cầu hồn”. Sau tết đảo thêm 6 mộ gió, bên dưới là hình người bằng đất sét, trên có bia, đám tang có cúng, đưa tiễn, khóc than như có xác thật. Một nghi lễ cho người sống an tâm là đã đưa thật chăng? Nếu không làm thế mà còn trông chờ hoặc làm tạm bợ, chắc sẽ khắc khoải mãi, chắc thế.
Anh vợ Tân kể TQ giờ không thu tàu, không đánh đập, hút dầu nữa, mà cắt dây hơi của thợ lặn. Thế là phải về, mất tong trăm triệu.
- Bùi Văn Hải, 21 tuổi, tóc đỏ rực, lực lưỡng. Vợ rất xinh, trắng trẻo, làm mướn trong SG được 1,5 triệu / tháng đã trừ ăn. Tàu Hải đang ở HS, cách 170 lý thì hai tàu nó áp hai bên, dắt vào. Đấm đá đạp, ăn đói, món thừa. 40 ngày thì thả, nhưng nó lấy hết đồ nghề, máy hỏng, lấy chăn làm buồm, trôi, gặp tàu TQ khác dắt vào biển ta, báo cho tàu ta dắt vào Dung Quất. “Bị lần thứ hai đấy. Giờ chỉ đi Trường Sa thôi, nhưng tàu hư chưa biết đi thế nào”.
Báo chí đưa quá nhiều về “sói biển” Mai Phụng Lưu, TQ “bắt hoài vẫn đi, nó ngán quá”. Mình không đến đấy vì sợ “đụng hàng”. Hóa ra Hải là con rể ông Lưu. Lưu không còn tàu không đi xa bờ được nữa, giờ chỉ đi ghe trong lộng, sáng ra chiều về; tức thị “đẳng cấp” phương tiện chuyển từ “taxi” xuống “xe đạp ôm” rồi.
- Đi biển tắm nước mặn thì thoải mái, xong lấy khăn nhúng nước ngọt lau cho đỡ rít, chừng một lít là sang lắm rồi. Bị thương lấy tỏi đập dập dịt vào.
- Nghe người đi trước bảo nhà khách huyện lắm rệp, bèn ra ngủ nhờ huyện đội. Điện có từ 17 – 23 giờ, sau đó cách gì cũng phải chợp mắt, vì 4 giờ đã sáng trưng. Đang tuần trăng, nằm trong màn “đấu tranh”, ở lại thì nhặt được nhiều tư liệu làm nghề quý lắm, nhưng ngủ thế này thì quá cực. Và không có hàng cơm. Được mời là sợ, vì chỉ có uống, bia thì ít, đá là chính. Đấu tranh cho đến khi chả biết mình đang làm gì nữa.
 (Hình ảnh từ daolyson.com)

TC - K3