Thứ Ba, 7 tháng 8, 2007

Kỷ niệm 39 năm ngày nhập ngũ

Lần gặp mặt đầu tiên của khóa 3 Nguyễn Văn Trỗi tại nhà Thanh Hà.
Lần gặp mặt hôm 5/8/2007.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Trước buổi họp mặt





---------------------------------------------------------------
Khóa 3 trường Văn hóa quân đọi Nguyễn Văn Trỗi chúng ta đã sống với nhau 42 năm. Nhưng hầu hết sau khi học xong lớp 10, đều ra nhập quân ngũ vào ngày 1/8/1968, chúng ta lấy đó làm ngày gặp mặt truyền thống của khóa 3 trường Trỗi. Năm nay, theo truyền thống, khóa 3 lại họp mặt anh em vào chủ nhật đầu tháng 8. Điểm lại đã khá nhiều bạn về hưu nhưng số còn làm việc cũng đã có cương vị ở các cơ quan, đơn vị. Ở tuổi xấp xỉ 60, cũng có nhiều bạn phân tán ở các miền của đất nước và ở nước ngoài, không có điều kiện đến họp mặt, vì thế chúng tôi đưa lên trang blog này các hình ảnh và đoạn video để các bạn khắp mọi nơi, mọi miền đều hòa chung cùng không khí ngày kỷ niệm với anh em ở Hà Nội, là nơi có nhiều bạn sống và sinh hoạt công tác nhất.
---------------------------------------------------------------
Chương trình buổi gặp mặt

2 ảnh trên là các thầy các cô trường Trỗi đến tham dự buổi gặp mặt với khóa 3: thày Phú, thày Bính, cô Tâm, cô Lan, thày Bổng, thày Lực (đến sau).
Anh Thái Chi - trưởng ban liên lạc phát biểu mở đầu buổi gặp mặt.
Khóa 5 trường Trỗi tặng lẵng hoa cho khóa 3. (anh Bình trưởng ban liên lạc khóa 5)
Thày Phú - người gắn bó lâu nhất với khóa 3 trường Trỗi lên phát biểu ý kiến.
Thày Bính phát biểu ý kiến
(thày vừa là thày dạy toán vừa là đại đội trưởng rất thân thiết với khóa 3 chúng ta)
Anh Bùi Vinh - trưởng ban liên lạc nhà trường cũng là bạn khóa 3 - phát biểu ý kiến
Khóa 8 tặng lẵng hoa cho khóa 3
(bạn Thanh Hà nhận hoa quá vội nên không kịp chụp lúc trao hoa)
Ban liên lạc tặng quà kỉ niệm cho các thương binh khóa 3.
Các bạn Hà, Sơn, Đại Nghĩa.
Bạn Quang Hưng ở miền Trung ra phát biểu ý kiến
Bạn Công Dũng từ Sài Gòn ra công tác ở Hà Nội - phát biểu ý kiến.
Cô Ngần giáo viên Trung văn thay mặt các giáo viên trường Trỗi đến dụ phát biểu ý kiến.
Ban liên lạc khóa 8 (Trỗi út) - thay mặt các khóa Trỗi phất biểu ý kiến.
Còn bạn Nguyễn Hoàng, bạn Trí Dũng, cũng phát biểu ý kiến nhưng không kịp chớp hình nên thành thật xin lỗi các bạn, có bạn nào chụp được ảnh thì gửi cho chúng tôi.

Sau đây là đoạn video chúng tôi quay được trong lúc họp mặt mời các bạn vào đây xem không khí buổi gặp mặt


Không khí ngày gặp mặt

Cuộc gặp mặt diễn ra rất vui vẻ, phần phát biểu các thầy cô đều nói lên tình cảm, kỷ niệm với học sinh khóa 3, thày Phú và thày Bình nói lên tình cảm gắn bó thân thiết với khóa 3 khi còn ở trường Trỗi. Riêng cô Ngần, có đôi điều tâm sự hơi bùi ngùi nhưng làm học sinh rất cảm động. Các bạn Trỗi khóa khác như K2, K4, K5, K8đều có đại diện tham dự cuộc gặp mặt kỷ niệm của Trỗi K3 Hà Nội. Các bạn ở khóa khác xem trên ảnh và video sẽ nhận ra các nhân vật của khóa mình. K3 có các bạn Lý Trường ở Thái Nguyên, Quang Hưng ở Đà Nẵng, Chí Dũng ở Sài Gòn, Phùng Tuấn Sinh ở Hải Phòng cũng tham ngia và phát biểu rất tình cảm. Chúng tôi đưa lên hình ảnh và đoạn băng khá dài nhưng với mục đích để các bạn không có điều kiện tham gia có thể cảm nhận được phần nào không khí của buổi gặp mặt của Trỗi K3 và thể hiện được tính cách Trỗi. Nhất là các bạn ở xa như Tạ Nghĩa, các bạn K4 ở Đức, và Võ Hùng em Phi Hùng và Vân Hùng. Nếu có bạn nào nhắn được cho Chí Điền ở Nga thì tốt quá!

Phần sau đây là phần giao lưu tự do giữa các bạn và các thày cô. Còn một thông tin nữa: nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu ở Đà Nẵng được bạn Chí Đỉnh đưa đến có dự định kết hợp với trường Trỗi đặt bức tương Nguyễn Văn Trỗi của anh tại nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi ở quê hương anh - Điện Bàn, Đà Nẵng. Phần này chúng tôi sẽ có 1 bài riêng để giới thệu với các bạn sau.













Tàn cuộc...

Hà Nội nhìn từ nhà quê

(Phần cuối)
(Bài Hà Nội nhìn từ nhà quê phần 1: nhấn vào đây)
Dòng sông trong mát
Quê tôi thuần nông, còn giữ được khá nguyên vẹn cái hình ảnh làng truyền thống. Không còn tường chình mái lá, những ngôi nhà xây khiêm nhường núp dưới bóng cây xanh rợp. Những mít, na lúc lỉu, kiến bò quanh quẩn trên cành. Ngoài đồng đỗ, lạc trồng cạnh cây lúa, lách chách tiếng vịt đàn rỉa gốc, ông lão thảnh thơi vung cây gậy buộc lá chuối. Cấu trúc đình - đền chùa còn nguyên vẹn. Nhìn lá cờ hội phấp phới đầu mái đao cong vút lên, tôi nhớ đến ông bạn thợ ảnh, hắn phàn nàn nông thôn giờ khó kiếm được góc máy nào không bị vướng dây điện với nhà mái bằng quá. Khi tôi bảo thế cậu có đi được trong những toa lét có thúng gio để rắc xuống không, hắn già giọng: Nhìn theo quan điểm ấy thì chết!

Cảnh thế là đẹp, là êm ả rồi, để ta có thể tĩnh tâm với những suy tư thơ mộng. Thế mà gặp họ hàng, người làng, bước chân vào từng căn nhà, cảm giác về ngôi làng bình dị, an ổn của mình cứ bong ra, thay vào là sự lo lắng, thậm chí thấy bất trắc.

Nhà nào cũng toàn người già, trẻ con. Đàn ông đàn ang đi tiệt, ra phố làm thợ xây, xe ôm, lâu lâu có thể thành thợ chính hoặc đủ tiền thầu công trình. Bà chị họ tôi trông cháu, tết thảm, ngày được hai nghìn bạc, thịt không dám ăn. Cột nhà dán mảnh giấy ghi ba chục ngày giỗ trong năm, lo đủ ngần ấy cái là bạc mặt ra rồi. Tội nghiệp, tôi không tả nổi nét mặt bà lão sáu chục khi nhận món quà trị giá ba cốc bia chưa có cái gắp của thằng em rơi từ trên trời xuống. Lại một bà chị khác, quý hoá chân tình, kể tình đầu các cụ bên tôi tử tế thế nào, nhưng chả dám giữ khách ở lại ăn trong khung cảnh quá nhếch nhác.

Đất không nuôi nổi người, nói thế là quá. Nhưng chỉ cho đủ ăn, chứ không thoả mãn được những giấc mơ ngày càng phức tạp, cao vời. Thế nên nhà nào cũng trống hơ hoác. Phụ nữ kiêm nhiệm hết, từ cầy bừa đến xấp mặt cắm cây lúa, được cái đã có đôi ủng cao quá đầu gối tha hồ lội bùn không sợ đỉa với thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Kể cũng lạ, đôi ủng cao su tiện lợi, hơn hai chục nghìn mà cũng phải Made in China. Các bà làm việc nặng nhọc, mới ngoài ba mươi đã nhầu nát, da đen, dáng cứng cỏi, chả được túng tắng ném quả tình như mợ nhà tôi ngoài sàn nhẩy. Và vừa phun thuốc sâu về nhà đã vạch áo cho con bú là làm sao...

Khá nhất làng là Khị. Ngoài bẩy mươi, ông cứ một mực gọi tôi là chú cho đúng tôn ti. Nhà xây ba tầng rìa làng, trần đắp phào tô xanh đỏ, có bức cuốn thư chạm chữ nho gì gì mà cả tôi và Khị đều không đọc nổi. Nhưng tường chưa trát, những ô cửa trống hốc, mái lợp tạm tôn ốt Nam, khách ngự trên chiếu khai mù vì xa lông chưa mua được. Giữa tiếng trẻ u ơ, tiếng tivi vặn to hết cỡ, cố gắng lắm tôi mới thủng được gia cảnh. Rằng cậu con trai, ngoài ba mươi, đi kéo cưa lừa xẻ trên ngược. Chúng đẻ hai con vịt giời, cay lắm, tính tiếp nữa nhưng phải làm kinh tế trước đã. Vợ nó chạy dăm chục triệu được xuất ô sin ở Đài Loan, đi bốn năm mang ba trăm triệu về xây nhà, mới được cái xác mà chưa có ruột, bèn tốn bẩy chục triệu để sang Đài thêm lần nữa. Tiền con trai đem về, nuôi bố mẹ và con chả hết bao nhiêu, nhưng xây được khu mộ tổ tổ bố, oách cũng nhất làng rồi. Khị tự tin giữ tôi lại ăn cơm. Nhưng tôi chả, sợ rằng rượu vào lại hỏi ông có phải thằng con lên trên ấy làm lâm tặc, và vợ nó, mới hai sáu, liệu đi ô sin có thoát khỏi tay ông chủ... Cái sự từng trải thị dân lắm lúc tưởng ra những nhiễu sự rất khốn nạn.

Tôi định ở quê thêm mấy ngày. Khung cảnh thanh bình, tiếng chim, câu kể rủm rỉm của bà lão tám mươi níu giữ ghê lắm. Nhưng cùng với nấy là bao thứ nhiêu khê. Đi đường với anh trưởng họ, chào ông cụ thì ấy đừng, nó còn là cháu mình, gặp anh giáo trẻ định xưng hô lối bằng vai thì bị mắng té tát vì đứng về bên bà ngoại vợ tôi thì bố cậu phải gọi tôi là anh kia...Khổ quá, bố tôi mà còn sống, về làng chắc cũng mắc cái tội vô lễ hay khiêm nhường chả phải lối. Muốn sang bà chị họ nghe chuyện thì phải sang nhà này, nhà kia trước đã, không bị chửi thối ra ngay. Những quan hệ rằng rịt trong ngôi làng nhỏ bé như cái màng nhầy, ngăn không cho ta được là ta, mà trước hết phải là một thành viên của cộng đồng trước đã. Thế là trần văn tút. Anh trưởng họ rất tiếc, hỏi bao giờ lại về, tôi không hẹn được.

Còn một cảm giác kinh khủng, chả dám phô to. Sao mà ở làng trông ai cũng bé nhỏ, mặt mũi chậm chạp? Hay là vì cái thói ta về ta tắm ao ta, vợ chồng gần máu nhau quá mà đâm phản động về sinh lý?

*

Quê ta làm sao ấy nhỉ, vừa thương lại vừa tội. Những ý nghĩ mới ngổn ngang trong đầu khi tôi trở lại đô thị. Nó làm cho tôi khoan dung hơn, bớt dị ứng với những thói tật quê mùa bị áp đặt bấy lâu nay. Những ông xe ôm, tôi thấy thật can trường khi phải xa hơi vợ, suốt ngày tranh đấu trên đường mà không thể cậy làng cậy họ. Đứa trẻ đánh giầy đã ba lần bị nhặt trả về địa phương vào các dịp lễ lớn, mấy hôm sau lại vũ như cẫn, tôi thấy gan góc lắm. Và may mắn làm sao, những cô ô sin được tha hồ mặc áo hở lưng chả sợ mắng, những sinh viên ra trường trường kì bám trụ đợi cơ may. Thời chiến tranh, nhà nhà đổ về quê tránh bom đạn, tưới tắm tấm lòng nhân ái rộng lớn của những bầm, bủ. Giờ đây, theo chiều ngược lại, Hà Nội như dòng sông lớn, sông Mẹ bao dung, ai cũng xuống tắm được. Thành phố, vì thế lấm láp, tẹp nhẹp, luộm thuộm hơn, nhưng đã như cái đầu tầu kéo kẻ quê đi lên. Hồng hộc, nặng nhọc, nó giải phóng được cho bao người khỏi những tủn mủn, chật hẹp của nếp sống sau luỹ tre làng. Ta về ta tắm ao ta mãi cũng tức là đóng cửa, bảo thủ chứ gì.

Nghĩ đại thể là thế. Phải khoan thứ, nhìn mọi nhẽ theo đại sự , đừng chấp nê cái lặt vặt theo đòi hỏi của mình, tôi tự nhủ. Nhưng sáng nay ra đường gặp ông xe ôm đến từ Hưng Yên hỏi đường rồi phóng thẳng, chả cảm ơn cảm huệ, thì lại bừng bực. ối giời ơi, thế thì cái thằng tôi nghiệt ngã trước đây với cái thằng tôi rộng lượng bây giờ, đứa nào đúng đây?

Trần Chiến

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2007

Hà Nội nhìn từ nhà quê

* Chúng tôi xin đăng bài Hà Nội nhìn từ nhà quê của bạn Trần Trường Chiến, bài gồm 2 kỳ và đã được đăng trên báo Thể thao văn hóa tháng 06/2007.

Hà Nội nhìn từ nhà quê

        LTS. Hà Nội nói riêng, đô thị nói chung là đề tài hay trở đi trở lại trong nhiều bài viết của nhà văn  nhà báo Trần Chiến, dưới bút danh Hoàng Định. Chẻ nhỏ ra, là tính cách Hà Nội, cuộc sống phố cũ (TC không gọi đó là phố cổ), nhà ống, biệt thự, cốt cách đô thị..., thảy đều quán xuyến một cái nhìn theo chiều dài lịch sử, phân cách nó ra với nông thôn. Nhưng trong bài viết dưới đây, cái nhìn đó có vẻ đã thay đổi...

        Ngôi nhà tạm

Tôi thường có ý nghĩ thương Hà Nội, nhất là khi ra đường. Thành phố gì mà chen chúc, nhem nhếch, vứt rác ra đường, đang đi gặp người quen đứng lại nói chuyện cản trở giao thông... đều hồn nhiên. Quê quá. Đúng là quê chứ gì, người đô thị mà ai cũng có ngón chân cái còn dính bùn, nói như nhà văn Nguyễn Khải. Nghĩ vậy rồi tìm hiểu thêm, càng tâm đắc với những khái quát của riêng mình và chả phải của mình.
Như là tại Thủ đô, nơi phải có cỡ hai triệu người ngoại tỉnh đang đổ về, cơ cấu dân cư đã bị phá vỡ, kèm theo đó là sự mất ổn định các giá trị, nền nếp. Hai quá trình thành thị hoá nông thôn, nông thôn hoá thành thị cứ tồn tại song song, tranh đấu với nhau; một người trở nên thanh lịch thì lại thêm hai ba người về nhà không đóng cửa, ăn nói cứ oang oang.
Như là vì hình thành từ những làng nghề nên quá trình đô thị hoá của Hà Nội bị chậm, không như Sài Gòn. Hà Nội như một cái làng lớn, anh thợ trẻ nào nghĩ ra mẫu hàng nào mới, dễ bị ông trưởng họ, trưởng phường mắng là không tôn trọng truyền thống, qua mặt các tiên sư lắm, thế là trí sáng tạo nhụt đi, không dám hướng về cái mới nữa.
Như là, như thế nghĩa là cái tuổi một đô thị không nói hết được trình độ đô thị hóa của nó.
Nghĩ thế và viết ra, tất nhiên có cả luận điểm rằng Hà Nội mạnh mẽ, phong phú, đứng làm tinh hoa văn hoá, giáo dục cho cả nước là còn do có bao người tài từ tứ xứ tụ về. Thành phố tiếp nhận, sàng lọc, nâng cao lên rồi lan toả ảnh hưởng đi nơi khác. Về đây, con người ta trở nên lịch duyệt, phát huy được cái ưu điểm trong mình, gột rửa những thiên kiến thiển cận, hẹp hòi kiểu trong luỹ tre làng, chỉ biết chào cờ xã ta. Những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... đã chả vĩ đại nếu không tắm táp trong không gian văn hoá Thăng Long. Nhưng dù thế nào, về Kẻ Chợ, trong bao năm qua đâu phải chỉ tinh hoa, mà cả cặn bã, khôn mống chứ, nó làm nên cái chất tiểu thị dân trong tôi, trong anh, người nấy người nọ. Không thể không viết ra rằng nhiều tập người ở tỉnh lên bản năng sinh tồn quá mạnh, tạo ra một không gian sống thuần túy thực tế. Không hài hước, không hề mơ mộng, tràn đầy sinh lực, khát vọng quyền lực, họ pha vào cộng đồng những quan hệ cục bộ kiểu phe giáp, coi đó như ngôi nhà tạm, thuần tuý làm phương tiện chứ chả yêu thương gì. Hà Nội giầu truyền thống, đúng quá, nhưng cũng không ít lần ngoảnh đi trước những con người mới, những cơ hội đổi mới...
Đọc những bài viết của tôi, có người bảo đúng nhưng nghiệt ngã, buồn bã quá. Có người chỉ nhìn chả nói, ra điều thành phố này của riêng mình anh đấy a?. Vẫn biết Thủ đô được bồi đắp cả nghìn năm nay bằng những người tài từ tứ xứ đến, cô đọng lại thành tinh hoa, nhưng không thể không viết ra những nhận thức trái chiều trên. Và mỗi Tết đến, được hưởng cái thú đi bộ trong thành phố tinh tươm, vắng lặng (người ngoại tỉnh giờ về cả rồi mà), cứ ước ao cái nơi mình trú ngụ nó cứ như thế này mãi.
Gần chỗ tôi ở có gia đình từ Bắc Giang về trú, nguyên cả nhà. Họ để ruộng lại cho người nội tộc cấy, thu hái chút đỉnh, bảo những tiền thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, đóng góp làm đường làng, quỹ khuyến học khuyến tài, nuôi văn nghệ... nặng quá, chỉ đủ ăn chứ chả tương lai gì. Ra đây cày đường nhựa, dù chỉ là bốc hàng theo chuyến, thuê xích lô chở người nhưng khá hơn, chỉ về lúc giỗ tết thôi. Rồi một hôm họ kêu ầm lên rằng cái dự án lấy đất ở nhà tính cả đền bù với hỗ trợ trên chỉ trả 30 triệu đồng một sào, quá bằng cướp không. Nông dân không có đất thì chết chứ còn gì, con gái chỉ có nước đi làm đĩ... Thế là tranh đấu, những đám đông đến trụ sở công quyền đứng cả ngày, can trường, kiên trì đến lúc được giải quyết. Hể hả, thoả mãn được vài năm, lại thấy vợ chồng nhà ấy ước giá có dự án lấy đất nữa, để lại được đền bù. Nghĩa là nghĩ đúng kiểu chân đất mắt toét gì cũng muốn. Cái nhà ấy bao năm nay chỉ độc làm thuê, chả cất mình lên nổi.
Lại nhà khác, những nhà khác, về thị thành đã sẵn nong né, có họ mạc làm to để được nhờ. Ban đầu khiêm nhường, rón rén, chắc chân, phất lên rồi thì vi tính hẳn, vặn loa tra tấn cả con ngõ hẹp.

Những cảnh người quê, những phận người quê ra tỉnh, hình như rất khác nhau, đi lên hay đi ngang mỗi ông mỗi kiểu. Nó làm tôi rối tinh khi muốn phát triển óc quan sát. Lâu rồi chả có bom đạn để ta lại tán với đi bộ đội đóng nhà dân, thật khó biết chân dung nông thôn với đội quân chủ lực hôm nay ra thế nào.

Rồi tôi về quê, bỗng nhiên về, cái chốn mình hằng ghi trong trích ngang trích dọc nhưng chả biết nó màu hồng hay tím, hình tròn hay chữ nhật. Là bởi vì ý thích du lịch, khám phá trỗi dậy trong cái vỏ hiếu hạnh với quê nhà, về để thắp hương mộ các cụ, để biết cái ao cha ông mình đã bì bõm ra sao... Mới cưỡi ngựa xem hoa, thè lưỡi ra nếm vị quê, đã thấy bao nhiêu quan sát, nhận xét, chiêm nghiệm rất không giống cái cũ của mình. Đâm ra ngổn ngang quá.

Trần Chiến
(Còn tiếp)

Vài lời thông báo

Đã nhận được hai bài của Trân Trường Chiến nhưng có một chút vê định dạng văn bản nên xin lui
vài hôm nữa sẽ đưa lên blog để các bạn đọc.
Khóa 3 Trỗi Hà Nội sẽ họp lớp vào ngày 5/8/2007 này nếu không có gì thay đổi, địa điểm sẽ là số 1 Trấn Vũ, sau ngày đấy chúng tôi sẽ đưa hình ảnh họp lớp lên cho các bạn các khóa khác và những cùng khóa không đi dự được cùng thưởng thức không khí ngày họp của chúng ta.
Nguyễn Cương.

Đại đồng

- Xin được tiếp tục đăng thêm một bài viết của bạn Trần Chiến để mọi người cùng đọc.
- Thư của bạn Trần Chiến gửi cho chúng tôi: Tớ rất mừng là được "khai mào" cái sân chơi chung cua chung minh. nhưng cũng hoang mang. Mình là dân viết lách thật đấy, mấy chục năm qua bốc phét không ít. Nhung cú "đơn ca" thì chả hay chút nào. Có cách gì cho mọi người dốc bầu tâm sự vào nhiều hơn không? Chắc chắn ai cũng có, chỉ lười thôi

Nhưng tớ lại gửi tiếp bào khác, để khoe với các bạn. Bài về thú uống bia, đăng báo miền Nam, số Tết, cách đây khoảng 5, 6 năm, nhuận bút khoảng 1.6 triệu, thấy rất oách, nay mời mọi người cùng uống.
TC.
- Để trả lời bạn TC, chúng tôi xin đăng bài này và xin được thông báo: các bạn nếu muốn Nhận xet bất cứ bài viết nào trong trang này đều có thể nhấn vào mục Nhận xét dưới mỗi bài viết đấy.
----------------------------------------------------------------------
Đại đồng
Khi tôi đến, câu lạc bộ Cây Si đang vào tuần thứ ba, không khí có vẻ vẻ trầm lặng. Trên đầu cả nhóm, những chùm rễ si lưa thưa đang ngả sang trăng trắng đung đưa rất khẽ. Lạ nhỉ, có nhẽ nào trời ẩm ướt sắp đổ mưa lại là cái lý để dân nhậu phải lặng lẽ.
- Barca bị Chelsea hạ rồi. Ba - một! - Một người giải thích cho sự ngơ ngác của tôi.
- Dù sao còn trận lượt về kia mà.-Người khác lên tiếng - Bóng đá tấn công là thế. Thua thì thua, xem vẫn quyến rũ.
-Nào, thì ta uống mừng bóng đá tấn công!
Người thứ ba tổng kết. Cả bọn ngửa cổ cạn nỗi đắng cay của Barca, một tuần nữa cho hi vọng ở trận lượt về. Nhất trí trăm phần trăm.
Ơ bãi bia, người ta luôn chuộng phong cách tấn công. Sự lãng mạn tuyệt vời hun đúc những người đàn ông, đoàn kết họ lại trong tinh thần đại đồng ghê gớm. Khéo nay mai có bóng đã chuyên nghiệp, các câu lạc bộ cổ động viên tuyển người trước hết phải sở cậy vào bãi bia. Rồi cũng đến lúc có những  bãi Thể Công, bãi Đường sắt như cái quán bar nổi tiếng của đội Olimpic Marseille tít bên trời Tây kia chứ...
#
Tôi con nhà gia giáo, lần đầu uống bia là khi Hinh đến tìm. Hinh không hề quen tôi, nhưng thằng bạn thân của tôi đang cưa  người yêu hắn. Dù vậy,vấn đề  được nhất trí nhanh chóng sau khi tôi với Hinh đánh đổ một lũ bia chai Hà Nội. Hai mươi hai tuổi mới uống bia so với bây giờ là quá lạc hậu, so với những cô cậu sành điệu phải là hủ bại rồi. Nhưng sau trận ấy tôi tỉnh ra hai điều hệ trọng. Một là,bia giúp người ta can trường hẳn, quyết định những việc tày trời rất dễ. Hai, là tôi uống được, không đến nỗi ba say chưa chai.
Cái thuở chập chững uống ấy, sự bia bọt vừa giản tiện vừa cách rách vô cùng. Đang chiến tranh, ai có tiền mà thả dàn được, có thì cũng nhìn nhau dàn hàng ngang cùng tiến kẻo mang tiếng hưởng lạc, cá nhân. Bia hơi mậu dịch xếp hàng cắn xèng cả dây dài chục mét, người nọ nối người kia mặt
mũi nghiêm trọng không thể tưởng, bao nhiêu công lực vận hết vào cánh tay giữ xèng mà chỉ được mỗi. Dăm đồng gì đó, một vại đủ nửa lít kèm bát bầu dục trần hay đĩa nộm từ thứ tư tuần trước. Mặt mậu dịch khinh khỉnh. Mồ hôi chảy tới đâu biết tới đó, thoát khỏi hàng người, tay bê đĩa,tay khư khư giữ vại Dân Chủ bọt thủy tinh nhiều hơn bọt bia chen ra đến chỗ ngồi là đã hả hê, ngất ngưởng hơn cụ Nguyễn Công Trứ rồi. Hạnh phúc quá đơn sơ..., lẽ ra người ta phải sáng tác bài hát ấy từ thuở ấy mới phải chứ. Thế nên khi Thứ, một phiên dịch tiếng Nga - nghĩa là ăn lương Tây - bê cả két Hà Nội từ trong kho ra thì cả bọn đờ ra vì cảm động. Thứ ngồi đó phân phát những mắng mỏ, chế giễu mà không ai dám hó hé. Chiều ấy trong quán phở bia Mỹ Kinh, Thứ là ông vua, bạn bè bỗng thành thần dân, cả bàn là một đẳng cấp siêu việt, cảm hứng thăng hoa tới vô cùng.
Hết chiến tranh, xã hội bước vào thời kì bình trị, phát triển theo chiều tăng tiến. Các vận động đưa nữ quyền lên ngôi làm dấy lên nhu cầu giải phóng đàn ông. Không biết có phải vì thế mà sự nghiệp bia bọt phát triển mạnh. Quãng đầu những năm tám mươi, đĩa mì xào thịt trâu đã được quyền kèm vại bia vàng óng sủi bọt đứ đừ. Đến giờ thì nhà nhà uống bia, tỉnh tỉnh làm bia xuất khẩu sang nhau. Những HUDA, THADA, VIDA, HALIDA mọc lên như nấm sau mưa. Ân tượng về đất nước Đan Mạch chuyển từ Andersen sang công nghệ liên kết cho ra thứ cảm hứng tuyệt vời nhất. Lon, chai được nhâm nhi trong phòng lạnh bên các nhân tình nhân bánh chung tình theo giờ, càng tiêu tiền chùa  càng bôm bốp bật khỏe. Nhiều em ca-ve học được bản lĩnh cứ nhắm mắt nín thở zdô, xong lại vào toa lét móc họng, hàng giờ thế đi đứng vẫn tỉnh queo. Trong cơn có men, có tình vầy vậy, khách chịu chi tới tiền triệu lắm. Dân chơi ra gì mà!
Nhưng đa phần đám sành sỏi, không nhiều tiền lắm và cũng không màng tiếng chịu chơi đều thích bia hơi hơn. Nhất là ở Hà Nội, nghe nói nhà máy bia có mỏ nước chứa vi lượng gì gì sản xuất được bia hơi ngon nhất thế giới. Chai lọ lon hộp liên kết với Đan Mạch đan miếc cũng không thể bằng bom vại. Và bia hơi phải uống ở bãi mới hả. Chứ dưới một mái nhà hầm hập, nó cứ phải hét lên, ới khản cổ phục vụ bàn mới thủng thì dù mồi đậm thế nào cũng cứ dở mồm. Lãng phí phạm, bằng đem bia đi đổ lỗ dế.
Thử tưởng xem, xung quanh là bè bạn,bên trên là bầu trời thoáng đãng nó cho phép ta bộc lộ hết những dí dỏm, những lời vô nghĩa vô thức, kì thú hơn bao nhiêu. Tứ hải giai huynh đệ, đại đồng, tương thân tương ái mới là đây. Bãi bia là địa chỉ vàng chấp nhận mọi thân phận, túi tiền, tâm trạng. Không có sang hèn,tôn ti, bàn này có thể vắt sang bàn kia những chủ đề vĩ đại cỡ bóng đá hay ông con bà vợ thằng chồng... Dù chỉ dăm ba củ lạc hay bộn bề thức nhắm, bia đã vào là lời phải ra. Có bao nhiêu mồm thì bấy nhiêu hùng hổ chẳng cần ai nghe, cứ mình mình hùng biện cũng đã lắm. Bao nhiêu cánh tay là bấy nhiêu động tác khoát đạt, hào sảng. Đến lúc uống tới, chỉ mỗi câu càng nhắc đi nhắc lại càng sướng kệ cha thằng nào không hiểu. Bốc nhất là hát được, cả mâm đồng ca Anh vẫn hành quân, nhất trí sửa chữa ông Huy Du thành thôi thế thì thôi, thôi thì thôi thế thì..., tình đồng đội sao mà ngấm nghía, mà da diết...
Uống xong về nhà ăn cơm với gia đình thì chao ôi, kẻ coi vợ bằng vung, người nem nép hối hận. Mà vợ là cái giống nói dối nó còn chả tin nữa là nói thật. Bởi thế, sự dùng dằng ngoài bãi mới dài mãi ra. Không khắt khe quy phạm ba bát bốn đĩa như cỗ truyền thống, không mưu lược cài cắm nhau như ở khách sạn, khế ngọt đưa bên a đi hái chùm rượu Tây lúc lỉu. Mà có thể lì lợm bám bàn hoặc cứ ngồi yên trên xe ghếch vỉa hè làm đôi vại đỡ khát.
Được cái đi gì rất dễ, WC chỉ là mảnh tôn bình dị dựng hờ cách đấy dăm mét, hương vị quyện cả vào món sào. Hình như bãi bia thành phố có gốc gác từ quán nước dưới gốc đa xưa, nơi ông thợ cầy có thể làm một thôi nước chè xanh rồi rít thuốc lào say ngã ngửa. Lại hình như nó có họ với những hội làng, ai ai cũng được phép dón hòn xôi, tợp chén rượu chèn miếng thịt mỡ luộc rồi ngất ngư xênh tiền với hành vân lưu thủy.
Bãi bia Hà Nội , mỗi nơi hấp dẫn khách mỗi kiểu. Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là có ngon không. Bãi Ngọc Hà và Câu lạc bộ Quân đội uống thả phanh đầu vẫn trong vắt. Bia Hàng Vải đậm, ai cũng bảo ngon nhưng lắm lúc nằng nặng đầu. Lắm chỗ đúng là nước lã có cồn. Dân sành phân rõ bia thứ thiệt, nghĩa là không pha với bia ba-bẩy, bốn-sáu (ba phần nước với bẩy phần bia)... Nghe nói trên Bưởi có những lò bia rất đậm, nước lã pha vô tư đi, bán thì lãi nhưng thằng uống nhức đầu muốn chết. Lại còn những bia thương binh, bia tàn tật... Sau chất lượng, người ta kén đến địa điểm, thức ăn, cách mời. Những ông chủ béo tốt, thần thái vui tươi thường kéo khách hơn loại da mặt sát tận xương. Mỗi nơi lại có món độc làm của riêng, trưng biển gia truyền , như thịt chó chặt, rau cần xào bún, rau dấp cá, mướp đắng... Quán Cây Bàng Lý Quốc Sư có cá rô ron rán ròn, tiết canh ngan. Lại một ông lủng lẳng hòm gỗ vẽ chữ Tây cacahouete với địa chỉ Hàng Thiếc đi từ bãi này sang bãi khác giao lạc rang húng lìu ngon chúa sừng, hết hòm thì thôi, nhất định không bán thêm lạc non lạc độn. Vỉa hè đường Láng Hạ rộng mênh mông tha hồ ngồi duỗi dài, lại trồng được cả lẩu dê. Mùi , Lan Chín, Hoàn Béo, Hải Xồm, Nghi Râu, Đỉnh Hói... là những cái tên đủ lẫm liệt làm đấng trượng phu động lòng ngay từ câu ới đầu tiên . Cứ dầm dề, rồi quá trưa, khách có thể quên bữa với cơm nắm muối vừng của những người bán rong từ Như Quỳnh, Lạc Đạo sang; giờ khắc của những vại cuối cùng thiêng liêng.
Theo quan điểm lập trường của các bà thì bãi bia là chỗ chẳng ra gì. Về đạo đức, nó làm bê tha đàn ông, đánh mất điểm để xây dựng gia đình văn hóa mới. Về sức khỏe thì thậm mất vệ sinh, ăn uống gì mà ngay cạnh cống rãnh. Về thẩm mĩ, chân tay đờ đẫn, mặt trời còn phải gọi là cụ thì không thể chấp nhận được. Và về mặt tâm lí, có quái gì mà các lão chồng không gặp nhau hàng ngày không đựơc nhỉ? Tưng nấy chuyện, nói mãi phải hết chứ. Thế là chàng đi thiếp cũng theo cùng, có bà ra tận bãi hầu chuyện chồng, báo hại mấy ông bạn nhậu phải uống bia pha dấm ớt.
Nhưng mặc lòng các bà xử theo phương châm của ngành y tế phòng bệnh hơn chữa bệnh, đám đàn ông cứ phải quấn quýt nhau. Có lẽ nữ nhân tầm thường không thể hiểu thế nào là sự hào sảng, là không khí dân chủ, cởi mở, bình quyền bình đẳng. Những quân nhân tháo lon, những công chức đi trốn stresse có thể khẳng định mình, quên đi tư tưởng hèn hạ nhất vợ nhì giời. Uông xong đi karaoke khai thác tiềm năng thanh nhạc lại chả hơn ối bọn cờ bạc nghiện hút a? Cặp phạm trù bia hơi - bóng đá dứt định lành mạnh hơn cặp nhạc rốc - ma túy, chứ lị!
Dấy lên một cách tự phát - chứ không tự giác, không có nhân cốt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, phong trào uống bia đã có một bề rộng, chiều sâu phong phú với chân đế vững chắc . Sức sống đó cho thấy nhu cầu giải phóng đàn ông là có thật và bức xúc lắm. Được định hướng, liệu nó có những
đóng góp tích cực hơn cho xã hội chăng?
Bãi bia là sân nhạc rốc đủ tiết tấu , không cần lĩnh xướng , là Lương Sơn Bạc không có đại ca . Uông xong là về đoàn kết , thương yêu gia đình hơn , đừng có eo xèo đây nhá...
Một thợ nhậu đã chân thành tổng kết thế trong lúc tỉnh táo. Hỡi một nửa thế giới không có bia bọt, các mợ đã thủng chưa?

Lời chúc của Võ Hùng (em Phi Hùng)

Chào các bác k3.
Chúc mừng trang của k3.
Vừa lên ảnh đã tuôn ra ào ào.
Hay nhất là gặp được hai ông anh, còn lại chỉ nhận ra các Xếp Hoàng Sơn, Cao Long Tỉnh,Thái "tọ", Thanh Sơn..
Giá mà có bài ngắn kèm theo thì càng hay. Cho em đăng ký thành viên với nhé.
Võ Hùng em của Vân Hùng em Phi Hùng.

--------------------------------------------------------------------------------------------
Rất cảm ơn bạn Võ Hùng đã ủng hộ trang của chúng tôi, về việc đăng ký thành viên, bây giờ tạm thời mọi người có thể nhận xét bài viết mà không cần đăng ký, chỉ cần nhấn vào đường link Nhận xét phía dưới mỗi bài viết.

Ngày thương binh liệt sĩ 27/07/2007

Hôm nay là ngày 27/07, mọi người đều nhớ tới công ơn các anh hùng thương binh liệt sĩ đã đóng góp xương máu cho sự nghiệp độc lập của tổ quốc. Anh em trường Trỗi chúng ta cùng đồng bào cả nước tưởng nhớ tới các anh hùng thương binh liệt sĩ. Trong đó, các bạn Trỗi của chúng ta cũng đã có những người hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó khóa 3 chúng ta cũng có bạn Ngô Ngời và Lê Minh Tân là 2 liệt sĩ đã hi sinh ở chiến trường miền Nam. Hôm nay, chúng tôi xin đưa lên mấy bức ảnh khóa 3 họp mắt bàn bạc cùng với đại diện bộ tư lệnh thiết giáp, các bạn chiến đấu cùng đơn vị với Lê Minh Tân ở Thiết giáp và em Lê Minh Tân là Linh trước ngày đi vào miền Trung tìm mộ Lê Minh Tân. Khi vào trong đó, khóa 3 có bạn Võ Quốc Tấn đã đi cùng với đoàn vào tìm mộ Lê Minh Tân. và đưa về Sài Gòn.



Ảnh của K3

K3 Đại học Kỹ Thuật Quân Sự - 1973
(Phần lớn là Nguyễn Văn Trỗi K3)
(Nhấn chuột vào ảnh để xem nguyên cỡ.)
Một bức ảnh cũ để chúng ta cùng nhớ lại một thời. Bạn nào còn ảnh cũ thì lại gửi về để chúng ta cùng chiêm ngưỡng nhé.
Bức ảnh này được bạn Tạ Quang Vinh gửi từ Đức về cho chúng ta.

Vài bức ảnh hôm kỉ niệm 40 năm Nguyễn Văn Trỗi - K3



Chúng tôi xin đăng vài bức ảnh kỉ niệm do bạn Tạ Vinh gửi tới. Có tất cả 5 ảnh nhưng do quá lớn nên chúng tôi chỉ đưa 2 ảnh có nhiều bạn nhất để mọi người cùng xem.