Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

Xem bai Que Lam cua Minh lipid roi. ke cung vui khi tro lai Y Trung. Nhung thang cuoi nam nay, ko khi nong len voi hai quan dao dau lua,thi moi thu lai co y nghia khac. Gui cac ban hai bai ve Ha Giang va nuoc ban Lao, mot da dang, ve Lao, va mot de cho bao Tet, ve Ha Giang, ki ten Hoang Dinh. mot nhan xet ko the dua truc tiep vao bai viet cua minh: minh van minh hon Lao, nhung kem ho ve van hoa...
TC

ĐI THĂM LÀO

Thanh bình
Khách sạn Lanexang trông ra con đường chạy dọc sông Mê – kông, biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan. Gần đấy có cái quán nhỏ, những thức nướng bình dân. Tôi nhẩn nha ngồi, chọn một quả chuối đã xem xém trên bếp than hoa, nhẩn nha ngắm. Có lẽ vậy là phải. Quang cảnh xung quanh yên bình đến đỗi ta không thể sống vội vã, để mà chẳng cảm nhận được cái gì...
Trước mặt, là những làn xe trôi tăm tắp, rất nhiều “túc túc” và bán tải. Người Lào có kiểu đi xe từ tốn lắm: không bóp còi nếu không có lý do to tát. Gặp chỗ phải quành, họ dừng lại chờ, đến khi hết làn xe bên kia mới lượn, không chồm ra từng chục xăng ti mét để rồi tắc dí dị như ta; tốc độ lưu thông nhờ thế mà nhanh hơn. Xe máy ít, có lẽ chỉ bằng lượng ô tô, xe tay ga phân khối lớn càng ít, xe đạp gần như không có. Cảnh sát giao thông không mấy khi gặp, thường chỉ phải làm việc căng gần một tiếng buổi sáng, giờ cao điểm. Trung bình mỗi tuần có 14 tai nạn giao thông, bốn ngày một người chết vì tai nạn giao thông, rủi ro vào loại thấp trong khối ASEAN, đứng sau Phnôm Pênh, Răng Gun. Những đàn bà duyên dáng trong bộ váy áo lấp lánh kim tuyến. Những nhà sư khất thực thong dong, ai muốn cho quả bí, nắm cơm phải quỳ xuống mà dâng. Vào giờ tan học, những bé gái ùa ra làm sáng cả đường. Tất cả đều mặc váy, một quy định. Váy là một thứ đặc sản, phụ nữ vào chùa, đến công sở, đi lễ hội đều bận. Em Kẹo Sỏn ở báo Viêngchăn Mài (Viêng Chăn mới) bảo có tới năm chục bộ váy áo. Thanh niên có diện quần bò, nhưng cũng rất ít tóc nhuộm, và không hề có hoa tai khuyên mũi. Nhớ hôm theo Hải, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã - vào một sàn nhẩy đêm, cũng ầm ĩ điệu “suynh” chát chúa, nhưng múa lại chậm, một thứ lăm vông biến thể.
Mấy ngày ở Viêng Chăn, tôi chả có thì giờ mò đến khu dân cư bình dân, những căn phố tồi tàn - đô thị nào mà chả có thứ đấy. Nhưng bằng vào phần bao quanh Hoàng cung, dọc sông Mê kông, thì thấy đấy là một thành phố có quy hoạch rõ ràng. Nối vào đại lộ Luôngprabăng là đại lộ Lane Xang thẳng tắp, to rộng, một thứ “Săng Ê - li – dê”, giống thủ đô Pháp chăng? Đứng trên đài Chiến thắng sừng sững (xây năm 1962) nhìn ra tứ phía đều thấy được đầu mút những con đường châu vào đây.
Viêng Chăn là một thành phố Mở. Thủ đô nằm ngay đường biên, không chắc chắn về phòng thủ, thì thân thiện phải là đặc tính đương nhiên rồi. Rộng gần 4000 km2, hơn Hà Nội nhiều, thành phố tha hồ thoáng đãng vì chỉ có hơn 70 vạn dân. Dù trời nóng, nhiều muỗi, mà khách du lịch đủ loại đến vẫn đổ xô đến, mỗi năm tới 80 vạn lượt người. Pha trộn trong khu trung tâm đủ loại “rét tô răng” Thái, ấn, Việt, Pháp, cơm chay, ăn nhanh, các món nướng món chấm cay xè, xôi, lạp... đặc trưng Lào. Đô trưởng Sinlavong Khoutphaythoune nói sức sống Thủ đô là thanh bình, xanh, sạch, sáng, hấp dẫn, duyên dáng, văn minh. Hiển nhiên, với định hướng ấy, truyền thống phải là cái giữ được, để mà đem ra phô với bạn bè, để họ thấy sắc thái Lào có khác với người Thái bên kia sông. Nhà cửa không cần cao tầng, cứ thấp thoáng dưới bóng đa đề me xoài, và dù kiến trúc hiện đại là mấy, phần mái, các chi tiết đều cài điểm những đường cong, hoạ tiết Lào. Chính quyền rất chú ý giữ hình thái bên sông cho thành phố. Nên dẫu còn tới 8 cây số đường ven Mê Kông còn phải giải toả nhà cửa, hàng quán, Viêng Chăn vẫn cứ thoáng rộng, không như Hà Nội, con sông Hồng đã bị chôn sống rồi.
Viêng Chăn còn là thành phố mở về sắc tộc. Trong hơn 70 vạn dân, tới 20 vạn là người Thái, Việt, Miên, Xinh, ấn... Phan Đăng Viên, người Hà Nội, bỏ ngành điện lực ở bản quán sang thuê 2000 mét đất mở hàng ăn “Bếp Việt”, với cá kho, lòng lợn, đậu phụ mắm tôm, bảo đất này dễ làm ăn, không chen chúc xô bồ. Người Lào hiền hậu, bàn bên nói to đứng lên bỏ đi, xe khách hàng xóm cho đỗ trước cửa nhà mình. Quả có thế. Những phụ nữ sao mà ân cần, nhỏ nhẹ, giọng ngân nga khó bắt chiếc, lúc nào cũng dành cho khách nụ cười, câu chào “xăm pai đi” êm ái.
Tôi đi xem Thạt Luổng – có tượng ông vua dời đô từ núi cao về đồng bằng cách nay gần 450 năm, đài Chiến thắng, vườn Phật, bảo tàng Quốc gia..., những biểu tượng của Viêng Chăn. Chùa chiền, kiến trúc, tác phẩm điêu khắc nhiều và độc đáo vô kể, tạo nên một bản sắc không thể trộn lẫn. Và lên cố đô Luongprabang thăm tháp Kuangsi, hoàng cung. Rồi một nhận xét rất chủ quan bật ra: bạn có những thứ ta không có (đương nhiên), lại giữ được những thứ ta đã có mà nay không còn. Người Lào, được giáo dưỡng trong ánh sáng thuần khiết của tôn giáo, văn hoá truyền thống, thể hiện cái thiện căn của con người thật sâu sắc qua nhời ăn tiếng nói, câu chào, nụ cười. Không nghiêm khắc, căng cứng đến cực đoan, họ cứ bình thản, nhỏ nhẹ mà tồn tại, giữ được mình trong trào lưu hội nhập.
Đó là những gì đáng làm ta phải ngước lên chứ!
Hoàng Định
1029

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Đi "phượt"

“Phượt” là chữ chỉ những thanh niên, đa phần trí thức, ưa thích phiêu lưu, hay làm những chuyến du hý kiểu tây ba lô. Điểm đến của họ là vùng miền xa xôi, kì thú, hay đơn giản chỉ có cái tên vẫy gọi, sang trọng thì ra cả ngoài biên giới... Phương tiện: xe máy, xe khách, xe ôm, lội bộ, xe vẫy... Trang Web: WWW. phuot.com.
Ghi chép của một “phượt” thường giầu chất tự sự, kể, tả, “hồi kí” xen lẫn những quan sát, so sánh...

27/11/’07
Đang là mùa khô. Thị xã Hà Giang không bụi bậm mấy, hẳn là vì được dòng sông Lô. Đường vào có trạm rửa xe, nhưng là với ô tô thôi, dù hai chiếc future của “đoàn” mình cũng đáng phải tắm lắm. Đây là vùng đất khá phẳng, hẹp, xưa chắc chỉ đóng đồn quan binh và quan trị quan nhậm, có vài bản Tày xung quanh. Giờ thì chả còn mấy màu sắc dân tộc. Người Kinh, đa phần Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái... buôn bán, “làm cán bộ” và dịch vụ. Đi tìm hàng internet rất khó, chỉ có chỗ chơi điện tử. Nhưng đêm xuống có cháo ấu tầu, bà chủ đưa xem củ ấu tầu rồi nhất định đòi lại “vì nó độc”. Bảo tàng độc đáo, màu sắc Mông, Lô Lô, Giấy sặc sỡ. Chợ không nhiều thổ sản. Hàng Trung Quốc tỉnh khác sang là chính, chứ không phải từ cửa khẩu Thanh Thuỷ gần đấy.
Chán, là cái hình thái tựa vào núi vẫn còn, nhưng bao quanh sông Lô thì hầu như đã hết. Bờ tây, trừ chỗ quảng trường 26 tháng 3 có tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc còn trông thấy bờ, những nơi khác bị bít lại cả. Bờ đông tệ hơn, nhà bê tông chổng đít ra sông, dĩ nhiên chất thải cũng tống theo.
Hà Nội cũng “nhốt” sông Hồng. Viêng Chăn, nghe bảo chính quyền muốn giải toả nhà cửa 8 km dọc sông Mê - kông, để giữ hình thái sông nước cho thành phố.
Quên là phải giới thiệu “đoàn”. Mình lớn nhất, 25, công chức, thỉnh thoảng viết nên xin được cái giấy giới thiệu là cộng tác viên báo chí, tập karate, cận thị, đẹp trai. Minh, 23, mới ra trường coi như còn bú tý. Và Tuyết Quỳnh, 24, làm cho liên doanh, tiếng Anh rất giỏi. Mới đi “phượt” một lần với nhau, nửa đêm mò vào chỗ kinh tuyến A. giao nhau với vĩ tuyến B. trong rừng Quảng Trị, nhưng đông người. Lần này không cần la bàn nhưng khư khư bản đồ, sách tra cứu du lịch, vì cổng thông tin điện tử của Hà Giang nghèo nàn. Xe mình chở đồ, Minh đèo Quỳnh. Nhà nghỉ 150 nghìn một đêm, cứ nghía ba anh em thuê chung phòng. Được cái có thể coi Quỳnh như con trai, có khi còn quá con trai.
2 “con” future ngon. Đi chơi mùa khô không sợ sạt đường.
Ông Hùng Đình Quý, trước làm giám đốc văn hoá thông tin rồi hội văn nghệ tỉnh, bảo người Mông có gốc Trung Cận Đông, di sang Xi – bê – ri, khi dời xuống Trung Quốc thì lập nước Tam Miêu, nhưng bị người Hán kì thị bèn nam đào. Từ đó cứ đến chỗ nào có dấu chân người là đi tiếp, thành ra cứ leo lên cao mãi, ở chỗ không có nước. Hà Giang có “quốc gia đá” tức bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc toàn người Mông là thế.
Đêm ngủ yên. Quỳnh bảo uống thuốc hãm kinh.

28/11
Huyện lỵ Hoàng Su Phì (cây vỏ vàng) là thị trấn Vinh Quang (sao không có tên dân tộc nhỉ?). Đường từ ngã ba Tân Quang vào quãng sáu bẩy chục cây, có người đếm được 1009 khúc cua. Lên xuống liên tục, đèo Pha Đin còn gọi là “cụ”, mệt nhất là không có gương lồi, xe sầm sầm đâm vào mặt. Mình cứ lo cái lưng, ngã hồi leo Phansipan, nhưng không thấy gì. Hai tên kia khoẻ re. Hoàng Su Phì có suối nước nóng, giá mà được tắm. Đi tiểu, cành trà có hoa sớm níu lại.
Leo tiếp lên Xín Mần đường vẫn thế. Đứng trên cao nhìn xuống ruộng bậc thang chỉ có rạ xơ xác, hình dung đến mùa gặt, quang cảnh sẽ lộng lẫy lắm, đủ sức vẫy gọi những tay máy phương xa. Đám hồng hồng rất dễ thương là tam giác mạch đang nở hoa, hạt chín thì xay làm bánh, nấu rượu. Rừng cây kim an, giống Trung Quốc, có lẽ tựa bạch đàn, thứ cây rất hại đất. Những đàn bà tay không bao giờ nghỉ, chả xe lanh thì thêu, ngồi thêu, đứng thêu, nghiêng nghiêng dựa cột cũng thêu. Phụ nữ Mông đái đứng, không có “săm” trong chiếc váy phấp phới, còn đàn ông quần rộng quấn cạp, thành thử đái ngồi; nghe nói thế chứ đã chớp được pha nào...
Huyện Xín Mần đóng ở Cốc Pài, qua cầu treo sông Chảy, có nghĩa đây là đầu nguồn nước cho thuỷ điện Thác Bà. Cà phê Hồi Loan đầu huyện có mùi “hàng họ”. Chợ bán ấu tẩu, hạt dổi làm thức chấm, củ, hoa, rễ tam thất, đá lửa, bật lửa xăng, đèn pin tàu. Quỳnh lạc ngay vào hàng thổ cẩm, mình đàn ông còn thấy quá đẹp. Xín Mần xa tỉnh nhưng có cơ phát về du lịch hơn Hoàng Su Phì, vì đường nối sang cả Bắc Hà Lào Cai được. Tây đi hoang trên xe Minsk khá nhiều. Khu trung tâm nhộn nhịp, nhưng ngay xã Cốc Pài còn ba thôn chưa có điện, vì đường “leo” cho cột khó quá.
Trạm 5 biên phòng ở độ cao 1990 mét, anh trung uý má hồng Quỳnh phải ghen. Trình giấy, trò chuyện, ngắm cái cổng đá còn chữ nho, và cây cột mốc cả chữ Pháp. Bên kia là chợ to, ngày phiên dân hai bên họp cả vài nghìn người, đường bê tông to uỵch, rãnh thoát nước rất chỉnh. Coi như được xuất ngoại, tử vi mình chắc có thế?

29/11
Lơ vơ vào trường phổ thông nội trú. Hiếm khách, nên các thầy cô, đa phần ngoài hai mươi, chuyện ríu ran. Thịt lợn, rau đắt. Kêu là xã vùng hai, lại mới cắt khoản hỗ trợ nên mới ra trường chưa được 2 triệu.
Lại lên với xuống, cua hết phải rồi trái. Minh đã học lái bằng hông. Mới hay rằng người Nùng ở rất cao, trên cả người Dao, chỉ dưới người Mông. Nhà cũng chình tường nhưng bên trong bằng gỗ, thường có gác. Chình tường là ghép ván hai bên, cho đất vào giữa rồi nện, bỏ ván ra còn thấy vệt, ở được dăm bẩy chục năm.
Ăn cơm chợ Hà Giang, nghe được câu “Trung ương xuống tỉnh - tỉnh đãi, tỉnh xuống huyện - huyện tiếp, huyện xuống xã - xã đãi. Nhưng xã lên huyện thì “mày đi đâu?”. Một câu khác, huyện hỏi xã lên họp: “Sao mày không đi xe huyện đón? - Đi thì mai mới đến! – Thế ô tô huyện đâu? - Đang uống nước dưới suối!”.
Trở về nhà nghỉ. Ngủ không vẫy tai sướng ơi là sướng. Tỉnh có khác.

30/11
Chợ Minh Tân huyện Vị Xuyên 8 ngày một phiên. Cổng vào có hàng điện tử, nhạc Trịnh inh ỏi. Nhưng bên trong thật độc đáo. Váy áo ríu ran bên hàng sáp nẻ, gương, xà tích. Đàn ông ưa áo bò nhiều khuy, thắt lưng chi chít đinh. Chó con sắp “đi ở”, ngồi trong rọ tre, “ánh” mắt rất khó tả, vừa ngộ nghĩnh vừa tồi tội. Bà già Tày bảo phải bán, nhà không nuôi được chó mực, rồi sẽ mua con vàng.
Minh xà vào đám lăn xúc xắc gỗ đầu chợ, quan sát một lúc rồi chơi, được liên tiếp, cho lại lão chủ. “Chú mày đúng là dân cờ bạc chuyên nghiệp”, mình bảo. “Anh chả biết gì cả, cái thằng nộp tiền liên tục là “mồi” đấy”.
Men sông Tráng Kìm là vào “quốc gia đá”. Dù đường không ngoằn ngoèo như hôm Xín Mần nhưng cảnh vật quá dữ dội. Núi cứ dựng ngược. Đá đâm lên trời nhọn hoắt. Đang khô hạn, chỉ thấy xám một màu, chắc mưa xuống sẽ xanh hơn. Những nấm thân ngô nằm ỉ ôi như bù nhìn, đợi đến ngày ngún khói xấy khô dây thịt trên bếp. Con trâu không sống được ở đây. Người ta trèo lên cao, lấy đá chất thành bờ từng khoảnh bằng cái mùi xoa, rồi địu đất lên, đợi mưa tra hạt ngô xuống, làm ra những mèn mén với rượu men lá. Tắm rửa là chuyện xa xỉ, thành thử váy đàn bà, đẹp là thế, cứ đập đập rồi phơi bờ rào, có nhẽ muốn tra tấn thằng nào cứ đem chụp lên đầu nó là ổn.
Phim “Cao nguyên đá”, ông Lê Mạnh Thích làm đã kinh, nhưng tận mắt rồi thì thấy chưa là gì. Đá đen đâm phộc trời xanh, không thể tả nổi.
Quản Bạ, Yên Minh đóng huyện trên vùng đất khá phẳng phiu, nhưng khoan xuống nghìn mét chưa có nước. Uống sữa cô gái Hà Lan ở ngã ba. Bà người Tày bảo đi ăn cưới, mừng những một trăm. Rồi Cổng trời, đồi Vú cô tiên. Thủ tướng mới lên cho “quốc gia đá” 30 bể nước, mỗi cái tới ba tỷ đồng. Khát! Cả nghìn năm còn khát, dù điện đường trường trạm khá đủ.
Cách Đồng Văn mươi cây, nhà Vương hiện ra đột ngột. Quá đẹp! Tường cao chỉ đá xếp mà vững chắc. Lợp ngói âm dương, có bể hứng nước từ mái. Được hàng sa mộc trăm tuổi che chắn, dinh thự ông vua xứ Mèo vẫn có vẻ mỏng manh khi cần phòng thủ. Nhưng chắc phải có thầy chọn chứ?
Phố huyện đang trưa hai ba đám ngã vì say. Thấy bảo cán bộ giờ đi xã không “căng hải” nữa, mà xe máy, ngày ngày họp hành tiếp khách quần quật nên gút nhiều. Đáng kể nhất là khu chợ cũ, ba dẫy 15 gian xếp thành chữ U, hàng bếp xây đá để bắc chảo thắng cố ngày phiên. Những cột đá hai người ôm đỡ mái lợp ngói âm dương, thợ Tứ Xuyên Trung Quốc làm. Và dãy nhà cổ trong bản Nghiến - đang làm hồ sơ di tích lên UNESCO. Người Tày ở đây có họ Nguyễn, hỏi cụ Dục, ra ông tổ là gốc Thanh Hoá tha phương. Một quá trình pha tinh huyết vào những đàn bà Tày, giờ máu Kinh chỉ còn mấy phần.

1/12
Ai lên Hà Giang chưa đến chỗ cực bắc đất nước coi như chưa lên. Phi lên từ tinh mơ. Đồn Lũng Cú có gốc đào sớm điểm hoa, đến tháng năm quả trĩu phải chống cành, sáng ra nhặt mấy xô đổ đi. Nhiệm vụ biên phòng, ngoài tuần tra biên giới là nắm dân, chữa bệnh, tuyên truyền giữ rừng, đẻ ít..., và quan hệ với bên kia. Có người đóng lâu, khi về hưu chưa một lần đưa con đi khai giảng, vì cữ Quốc khánh là phải bám đồn.
Cột cờ cực Bắc lộng gió. Lá cờ 54 mét vuông, rộng hơn lòng nhà mình – trông bé tý. Phần phật, mươi ngày thay một lần. Và cây cột to hơn thân điếu ục, đã có lúc phải bị vặn. Hình dung lúc thay cờ, ba chiến sĩ đánh vật. Bản Lô Lô bên dưới vọng lên tiếng gà chó. Ngày xưa, khi trống đồng rền rĩ báo phỉ sang, biên cương náo động thế nào?
Chợ Ma Lé tiêu cả nhân dân tệ. Váy Mông 100 nghìn đồng, dĩ nhiên có ni lông và không khâu tay. Thắng cố “đồng bào” 20 – 30 nghìn đồng một bát. Rượu ngô 5000 đồng chai 65. Không có thắng cố “cán bộ”. Có anh say ngủ trên xe uyn ngay bờ vực, gọi là “ngất trên cành quất”.

2/12
Sang đến Mèo Vạc, còn kinh vì vượt đường Hạnh Phúc chiều qua quá muộn. Mã Pì Lèng (dốc ngựa quỳ) thăm thẳm, dưới chân vực là sông Nho Quế xanh lè. Chụp ảnh ở bia kỉ niệm hàng vạn dân công treo người làm đường. Vẫy theo xe du lịch chở toàn tây già đầm xệ.
Chợ Mèo Vạc thật là đặc sản về màu sắc dân gian, có lẽ đặc sắc nhất với người mê chợ như mình. Chợ vùng cao là cái hội. Từ sáng sớm, sắc Mông, Lô Lô, Nùng, Dao đã tràn ngập thị trấn. Đàn ông dắt bò, dê, ngựa, chó, ôm gà, vác mía. Đàn bà vào sân cơ quan (vắng vẻ vào chủ nhật) vén tóc, vuốt khăn, quên gương thì soi nhờ hàng xà tích, vòng bạc. Khoảnh đất bằng cái sân bóng đá phía sau nồng mùi nước đái bò. Cả nghìn con được, giá từ một đến chục triệu, đực đắt hơn cái. Lợn giống rất đắt, mỡ lá càng đắt. Vịt ngan không có; lấy đâu ra nước! Toàn đàn ông đứng đong đưa. Bán được giá rồi vào hàng ăn, có nhẽ không có vợ chả anh nào về được đến nhà. Phía trong phập phồng mái ni lông, bên dưới tràn trụa rượu ngô nghìn một bát. Chảo thắng cố khổng lồ sôi sục, bên trong lòng phèo ruột rà nhào lộn tíu tít. Những tảng thịt luộc, cỗ lòng, lá gan bốc hơi mù mịt. Các thức nhắm ấy thể nào cũng phải kèm vào xôi trắng, xôi nếp cẩm. Mèn mén không thể thiếu, mang sẵn đỡ tiền lại no inh ích. Ngôi chợ xây chèn chặt người, là thiên đường của váy áo vải vóc, đồ trang sức. Rồi cát xét, thắt lưng đầy đinh, đa phần đồ tàu. Ai cũng đeo quẩy tấu nên di chuyển rất khó, cứ chầm chậm từng bước theo dòng. Hơi người nồng nồng, nằng nặng bốc lên quánh đặc trên nóc.
Sân bóng đá đã có người say. Hỏi chuyện một cô bé, biết đi từ 2 giờ sáng, 7 giờ đến nơi, hai đứa trẻ, một bốn, một năm tuổi tha thẩn bên cạnh là con. Chả biết có nên tiếc là không có thắng cố “cán bộ” để nếm...
Quá trưa sang chiều, nếu tỉnh được thì về. Rời bỏ con đường phủ nhựa của thị trấn, họ rẽ sang đường đất, bám vào đá ngàn leo lên những đường con dốc ngược . Cắm cúi, thũng thẵng, đến tối mịt, chỉ còn lối đi có cứt dê lẫn trong bụi chó đẻ, là gần tới nhà rồi...
Hoàng Định

2512 TRẦN TRƯỜNG CHIẾN

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Cưới con gái Minh Chính.

Đúng Giáng sinh 2007, đám cưới được tổ chức tại Nhà hàng Đông Phương (431 Hoàng Văn Thụ , Tân Bình). Do nhà trai lặn lội từ Trung Quốc sang nên nên chỉ lấp đầy 1 bàn, còn lại nhà gái (Minh Chính và bạn hữu) phải "gánh vác" hết. Ngoài anh em anh em K3 , có cả K2, K4.5... và F367.
Nhà Hàng ĐF đang có cùng lúc chục đám- Đây là cách để tìm đám cưới con bạn mình.Đồng Hiền tới sớm, hoạt náo ngay

Tranh thủ hỏi thăm bạn...phương pháp luyện tập sau tai biến....

Bàn thứ 2 hội K3

K3

M Nghĩa mừng cho ông anh...

Cô dâu chú rể ra mắt các bác Trỗi, đồng môn của bố

-Thằng "dê" nhà tao Tiến sỹ người Tàu, nhưng tao vẫn bảo được ...
(làm tiến sỹ ở Nga nên đồng ngôn ngữ với bố vợ)

Chúc các cháu 100 năm hạnh phúc

Mừng bố vợ không "phải đấm..."; (con gái lấy chồng xa quá!)

Đ Hiền còn vui hơn cả bố cô dâu hôm nay...

Tất nhiên rồi, dịp gặp lại anh em mà!

Ngày vui hai cháu, ĐH hát tặng hai bài hát, một Hoa - một Nga !

"dân ta...ca muôn năm: Hồ Chí Minh - Mao tze Tung...!"

Đám cưới không quá đông và ầm ĩ...mọi người đều vui vẻ.

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

Ký sự video : Quế lâm ngày trở lại (tiếp theo)

KTường thuật lại chuyến đi Dương Sóc rất sơ lược, có lẽ vì không liên quan lắm với sự kiện Y trung. Tuy nhiên trên Blog bantroi cũng đã có nhiều bài và phóng sự ảnh kể về địa danh nổi tiếng này. Tôi xin góp video clip về Dương Sóc vào ban đêm mà chủ yếu là cảnh Phố tây. Tôi mới chỉ có cơ hội thăm Hội An vào ban ngày, mà dân tình thì lại nói đi Hội An phải đi đêm mới thấy đẹp! Phố Tây ở Dương Sóc cũng vậy, nếu muốn hưởng ngoạn Dương Sóc thì phải đi thuyền vào ban ngày còn Phố Tây thì cuốc bộ buổi tối.