Máy bay siêu nhẹ hai chỗ ngồi, một phi công sáng mắt đồng hành đề phòng trường hợp bất trắc, và hệ thống thiết bị đặc biệt, phần mềm chỉ dẫn bằng giọng nói. Còn lại là ý chí, kiến thức, khả năng cảm nhận của Miles. Trong bản đồ hành trình phải vượt qua có các địa danh như Pháp, Ý, Ấn Độ, Singapore… nhưng chuyến bay ấy còn được hình thành từ những điều không ghi trên giấy – các trở ngại đầy thử thách :

Cái lạnh độ cao và lốc tuyết. Gió sa mạc gây nhiễu sóng, cản trở thông tin hướng dẫn từ xa. Chỉ có bóng tối chuyển động liên tục phía trước, viên phi công mù im lặng nghe các chỉ thị, tay chân điều khiển các cần gạt, nút bấm, gõ bàn phím để chỉnh tốc độ, cao độ, sức gió, hướng bay... Phi công đi cùng, Richard Meredith-Hardy, như tượng gỗ vì Miles thao tác chính xác như một phi công sáng mắt thực sự. Bay với máy bay 100 mã lực mà nhiên liệu chỉ chứa được 10 giờ bay đối với Miles là một thử thách lớn. Tuy nhiên, cảm xúc khám phá thử thách thật khó tả và lạ lùng. Ông nói “ở độ cao 1,5km khi bay qua một thành phố, một nhà máy, cánh đồng tôi đều ngửi được từng mùi khác nhau”. Khứu giác của Miles cảm nhận được hơi sương và khí ẩm khi lướt cạnh các rìa mây.
Không phải những kỷ lục nguy hiểm đã hớp hồn Miles. Ông thực hiện chúng với mục đích rõ ràng cho mình và cho cộng đồng : “Cần sống với những giấc mơ. Hãy mơ những mộng ước lớn. Các giới hạn duy nhất trong đời bạn là những gì bạn chấp nhận. Người mù chúng ta vẫn có thể “nhìn rất rõ”, nếu muốn. Ta có thể lên trời, xuống biển, bay như chim lặn như cá. Một đời người không là tổng số những nhịp ta thở mà gồm những khoảnh khắc phải nín thở”. Những câu nói trong các buổi nói chuyện của Miles đã biến thành khẩu hiệu của Hiệp hội Người Mù trên toàn thế giới:
“Cứ kỳ vọng những điều bất ngờ, không bao giờ bỏ cuộc, tận dụng sức mạnh tập thể, đừng để quá khứ quyết định tương lai, sẵn sàng đối đầu với những nỗi sợ, tận dụng tất cả mọi trở ngại xuất hiện trong đời và biết cám ơn sai lầm”.