Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

Điều giản dị

Nhạc và lời : Phú Quang, hát : Lê Dung
(Theo yêu cầu của Lê Tiến Dũng K3)

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Con chúng ta

Cháu Lê Minh sinh 1986 là con trai của Lê Công (K3)-Thuý Hòa ,tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh tp.HCM 2007 , Đại học Kinh tế tp.HCM 2008. Bài viết đã đăng trên báo 'THANH NIÊN',04/10/2008.
Ảnh thờ của ông
Đó là quãng thời gian ông tôi sắp mất. Khi vừa đón cái Tết cuối cùng trong cuộc đời mình, sức khỏe của ông trượt dốc không phanh. Cả nhà tôi dù cố hết sức, dù luôn mang niềm tin ông sẽ khỏe lại, như cách ông đã đi bệnh viện rồi lại quay về, nhưng vẫn phải chấp nhận rằng có lẽ lần này ông sẽ không thể về nhà như mọi lần nữa.
Tôi không ở cùng ông từ bé, không lớn lên trong sự chăm sóc của ông. Tôi sống với ông vào quãng thời gian khi sức khỏe của ông bà không đủ để ông bà sống độc lập như trước nữa. Đôi lúc, tôi cũng tự cảm thấy những tình cảm mình dành cho ông bà cứ nhàn nhạt, không sâu đậm.
Rồi sức khỏe của ông ngày một đi xuống. Mọi người trong gia đình bắt đầu chuẩn bị hậu sự: mẹ gọi dì từ nước ngoài về, đặt may áo dài đen cho tất cả con cháu gái, cậu lo nơi an táng, dì lo giấu bà trước cú sốc phải mất ông... Tôi được giao nhiệm vụ làm ảnh thờ cho ông.
Không biết bao lần tôi đã tìm cách né tránh nhiệm vụ của mình. Khi ông vẫn đang khỏe mạnh, tôi đã lấy máy hình ngắm ảnh chân dung của ông với bộ áo trắng, chống gậy ba-ton. Nghĩ thế nào, tôi lại không bấm pô ảnh ấy. Khi ông nằm trong bệnh viện, tôi cầm hình thẻ của ông và mỗi khi đi ngang qua tiệm ảnh, tôi lại chạy qua thật nhanh. Trong sự lo sợ có niềm tin vô cớ rằng ông sẽ khỏe lại...
Rồi ông mất. Đúng sau cái ngày ông dường như tươi tỉnh lại mà tôi đã lấy nó làm điểm tựa để quên ngay ý định làm ảnh thờ. Tôi bối rối, hối hận. Ảnh thờ không có, gia đình sẽ nói thế nào với họ hàng, thân hữu? Tôi chạy đến tiệm ảnh trong tất cả sự ân hận. Thế rồi tấm ảnh thờ cũng có trong thời gian ngắn nhất. Cô thợ hình vừa tận tâm, vừa nhân ái đã khiến tôi an lòng.
Sau này, khi ngẫm nghĩ lại những việc mình đã làm, tôi vẫn không khỏi hối hận. Đâu là trách nhiệm, đâu là tình cảm của một người cháu dành cho ông mình? Giữa lý trí của tình cảm và tình cảm đơn thuần, tôi đã phân vân, đắn đo và tưởng chừng bế tắc. Mãi sau này, khi nhìn lên ảnh ông đang mỉm cười, tôi mới tìm ra một lời giải đáp cho mình: Có lẽ, trong mọi hoàn cảnh, tôi đã dành cho ông mình những tình cảm dù nhỏ bé và ẩn sâu nhất nhưng có thực. Đó phải chăng là mẫu số chung của những hành động, những suy nghĩ, niềm tin và cả sự đắn đo? Tình cảm, trong mọi hoàn cảnh, có lẽ là điều đúng đắn duy nhất để ta nương tựa và hành động.
Lê Minh