2/ BẰNG TƯỜNG –
Từ quán ăn chúng tôi thuê xe lôi máy đến ga Bằng Tường. So với ga Sài Gòn ga này không kém về diện tích và quy mô nhưng cách xây dựng thì hiện đại và tổ chức khoa học và văn minh hơn ta. Nhà ga không thấy bóng dáng các loại cò mồi nên hành khách cảm thấy rất yên tâm. Vệ sinh trong ga ở mức tương đương sân bay quốc tế, không hề thấy các loại rác do hành khách thải ra như ở ta. Chúng tôi đi chuyến tàu chợ Bằng Tường – Nam Ninh vé ghi khởi hành lúc 12g45, và tàu chạy đúng như kế hoạch. Giá vé tàu chợ khá rẻ, chỉ có 17 tệ (khoảng 35 ngàn VN). Tàu chợ nhưng rất sạch sẽ, ghế ngồi rộng rãi thoải mái, không có số ghế nên thích ngồi đâu thì ngồi. Trên tàu có một số nhân viên hoả xa đi lại bán hàng rong như nước ngọt, trái cây, đồ chơi ... Tuy nhiên, theo tôi nhận xét, những người này không có biên chế vì khi bán hàng họ cũng cãi nhau vì đứng bán lâu mất khách của nhau. Trung Quốc là trung tâm sản xuất đồ chơi của thế giới, điều này chúng ta đều biết cả, nhưng khi tiếp cận với vài thứ đồ chơi rất - rất bình dân mới thấy họ có những ý tưởng thật là độc đáo. Ví dụ, trên chuyến tàu hôm ấy có bán một số đồ chơi nhỏ nhỏ, xinh xinh. Một chàng trai bán con quay trổ tài cho con quay đứng trên mọi thứ mà chân con quay có thế đứng được, thậm chí trên một đầu que nhựa dùng để tạo mô men xoắn cho con quay quay, que nhựa oắn xuống vì sức nặng của con quay nhưng vẫn bám trên đỉnh que nhựa. Tiếp theo cậu ta biểu diễn các chuỗi các khối tam giác nhựa được nối khớp với nhau, dài như con rắn nhựa nhưng nối khớp như khối rubic. Từ một chuỗi như vậy cậu ta xoay, bẻ để tạo thành rất nhiều hình con thú và đồ vật khá điệu nghệ và thông minh. Một cô bé bán đèn pin bóp, cô bé khá tươi nên khi đến chỗ đoàn VN ngồi bị các “ông già” tán tới số bằng thứ tiếng tàu lởm khởm và bằng tay chân, điệu bộ. Đèn bóp khá rẻ, khoảng 20.000đ VN, để thuyết phục khách hàng, cô gái nhúng cả đèn vào ca nước mang theo, vì làm bằng nhựa trong suốt nên nhìn thấy nước đầy trong đèn mà đèn vẫn sáng và không cần bóp ( trước đây chúng ta hay mang từ Liên X ô cũ về loại đèn bóp khá nặng kể cả về trọng lượng và cả về lực cần để bóp cho đèn sáng, thế nhưng khi nào ngừng bóp là đèn hết sáng). Cách tiếp thị như vậy hai bạn trẻ cũng bán được kha khá cho các “ông già” trong đoàn. Vì ngồi hơi lâu chỗ đoàn Việt nam hơi lâu nên cô bé bị một ông trung niên cự nự rất dữ vì dành mất khách “xộp”. Từ tình tiết này có thể suy đoán ra là những người bán hàng không phải nhân viên đường sắt mà là tư nhân mua chỗ bán hàng trên tàu và được cấp biển nhân viên. Lúc sau cô bé chia tay với các “ông già” và có hẹn quay lại nhưng cho đến khi tàu đến Nam Ninh chúng tôi cũng không gặp lại. Tàu càng gần đến Nam Ninh hành khách càng đông nhưng vẫn có trật tự.
Từ Bằng Tường đến Nam Ninh tàu chạy khoảng 4 tiếng, trong thời gian đấy nhìn ra ngoài chỉ thấy bạt ngàn là mía, mía mọc khắp nơi trong các thung lũng to nhỏ của dãy núi đá, chắc đây là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của TQ. Trên những cánh đồng mía mênh mông chẳng thấy mấy bóng người. Cánh đồng mía nằm theo sườn núi và trong thung lũng chắc là thu hoạch khó khăn hơn rất nhiều so với ở đồng bằng, vậy mà nghe đâu giá đường của họ không cao hơn ta. Như vậy, một là giá công lao động của người nông dân rất thấp, hai là giống của họ tốt và mía cho năng suất và hàm lượng đường cao và ba là công nghệ làm đường của họ hiện đại và hiệu quả. Trước đây có nghe nói bộ Nông nghiệp nước ta nhập khẩu khá nhiều nhà máy đường cũ với giá rẻ, chắc là lúc họ thay đổi công nghệ để đi lên còn ta mua công nghệ để đi ngược lại trách gì các nhà máy đường nước ta toàn thua lỗ. Thế mới thấy cái thâm của người tàu.
Tàu đến Nam Ninh khoảng gần 5 giờ chiều. Nhà ga khá đồ sộ, hành khách di chuyển toàn dưới đường chui chứ không di chuyển qua đường sắt như ở ta. Thật lạ là người nước mình du học khắp thế giới, thế mà những cái thấy tiện ích và an toàn đập vào trước mắt lại chẳng học được lấy một tí. Cả thế giới người ta làm đường chui để cho người dân đi lại không gặp nguy hiểm, không gây ách tắc giao thông. TQ là nước gần với ta các điều kiện cũng không xa ta mấy, thế mà từ thành phố lớn nhỏ người ta đều có đường chui, còn nước ta, nghe đâu tại Tp. Hồ Chí Minh có mấy dự án làm bãi đỗ xe ngầm vẫn nằm trong tủ vì lý do chưa có tiêu chuẩn xây ngầm nên không cơ quan nào dám ký cấp phép, thật buồn cười.
Sau khi xuống tàu chúng tôi tập trung ở sân ga để Thắng và A Sầu đi thuê khách sạn. Sân ga rộng rãi mát mẻ, sạch sẽ. Dưới sân ga là cả một siêu thị ngầm rất rộng và bán đủ mọi thứ. Vì đã có kinh nghiệm nên Thắng và A Sầu thuê khách sạn đường sắt với giá 100 tệ/ phòng ( khoảng 210.000 VND), khá rẻ và dễ chịu. Tuy nhiên một số điều kiện không bằng được khách sạn nước mình, ví dụ như phòng chật, các công trình phụ không đựơc bảo dưỡng thường xuyên nên không được tiện nghi lắm. Trong phòng chờ của khách sạn có một tủ kính bán hàng VN, chứng tỏ người Việt sang đây thường xuyên. Sau khi tắm rửa xong, Thắng dẫn chúng tôi đi ăn cơm “bụi” ngay tại vỉa hè bên cạnh khách sạn. Mặc dù đã được nhắc nhở nhưng hai cô gái bán cơm vẫn làm thức ăn với rất nhiều dầu, món nào cũng cho dầu rất nhiều. Vì đi xa đã đói nên Thắng và A Sầu kêu khá nhiều đồ ăn, thế mà cuối bữa cũng không thừa nhiều lắm. Trong đoàn có Hùng Tộ nổi tiếng ăn khoẻ từ xưa, đến giờ vẫn duy trì được phong độ như vậy, mọi tồn đọng được Hùng Tộ giải quyết trong nháy mắt. Do có Hùng Tộ nên khí thế ẩm thực trong đoàn sôi nổi hẳn lên, bữa cơm nào mọi người cũng ăn rào rào, kể cả các chị em nhà Quốc Tấn. Ở TQ các cửa hàng cơm bụi toàn dùng đồ nhựa ( không biết có phải sản xuất từ rác thải y tế không), ăn xong là vứt hết không phải rửa bát đũa, vì vậy khi ăn cũng không sướng lắm, nhất là uống bia không thể cụng được. Sau khi ăn no nê, tiền ăn bình quân mỗi người khoảng 20 ngàn tiền Việt, kể cả 6-7 chai bia BiQ. Trong toàn bộ chuyến đi Nguyễn Thắng kiểm soát rất chặt chẽ việc bia rượu, bữa nào cũng có bia nhưng mỗi người không quá nửa lít. Có lẽ vì sinh hoạt ẩm thực có chừng mực nên cả đoàn đi một tuần chủ yếu ăn cơm bụi và đi bộ mà không thấy ai ốm đau gì. Nghe nói vợ và hai cô em họ của Quốc Tấn ở nhà cứ khật khừ hoài mà trong chuyến đi này lội bộ khoẻ như thanh niên, đám đàn ông nhìn thấy lác mắt.
Cơm nước xong cả đoàn rũ nhau đi Trung tâm triển lãm-hội chợ Nam Ninh. Hôm ấy là tối 24/10, ngày 26/10 khai mạc Hội chợ Nam Ninh, Việt Nam có tham dự Hội chợ này và hơn thế nữa, nghe nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có mặt trong buổi khai mạc. Khu vực Hội chợ thật là hoành tráng mặc dù đây chỉ là một thành phố cấp tỉnh mà lại là tỉnh nằm trong số nghèo nhất TQ, thế nhưng tôi chưa thấy ở nước mình có chỗ nào sánh được. Ở khu vực này, để bảo đảm giao thông thông suốt không ách tắc, họ xây dựng hệ thống đường rất tuyệt vời với nhiều tầng san sát nhau. Mọi thứ đều có sự quy hoạch rất nghiêm túc từ hệ thống các công trình kiến trúc, hệ thống giao thông, hệ thống xe buyt phục vụ, hệ thống cây xanh và vườn hoa. Mọi thứ đều thấy có bàn tay con người chăm sóc kỹ lưỡng. Đường phố không thấy rác, bịch nylon không bay tứ tung, dưới các đường chui ( tôi chưa biết thuật ngữ đường dưới đường là gì nên tạm gọi như vậy), cầu chui không thấy rác rưởi mà cây xanh loại dây leo được trồng và chăm bón kỹ lưỡng. Ở VN nếu để ý sẽ thấy sự nhớp nhúa dưới các cầu vượt, thôi thì đủ thứ rác loại gì cũng có. So sánh như vậy để thấy cái kém cỏi trong quản lý của mình. Về độ ở bẩn trước đây VN phải gọi TQ là cụ thế mà bây giờ họ khác mình rất xa. Đến khu triển lãm nhìn thấy cờ VN được gắn trên cột đèn đầu tiên, tiếp theo là cờ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonexia, Malai ... Trèo một số bậc tam cấp lên đến sân chính thì thấy Quốc huy VN và một số nước đang được bố trí trong khu vực sân chính. Ra nước ngoài nhìn thấy Quốc huy và Cờ Tổ quốc trong lòng trào lên một cảm giác thật là thật là khó tả, không thể nói và viết lên được, đấy là cảm xúc của người con ở xa tổ quốc. Cả đoàn chỉ được ngắm và chụp ảnh ở bên ngoài vì Hội chợ chưa khai mạc.
Phương tiện vận chuyển và đi lại của Nam Ninh khá đa dạng từ xe đạp các kiểu, xe máy, oto các loại từ rất đắt như mecedes đến các loại rẻ được chế tạo tại TQ. Tuy nhiên, khác với nước ta, xe đạp phần đông rất xấu xí, còn xe máy cũng vậy, không đẹp và nhiều loại như ta. Nếu so với VN thì tỉ lệ loại xe hai bánh rất ít, nhưng so với TQ thì tỉ lệ khá cao. Ở Nam Ninh cũng như ở các thành phố nhỏ của TQ, xe đạp, xe xe đạp điện, xe máy điện (tôi tạm gọi như vậy vì bản chất nó là xe hai bánh chạy điện như xe đạp nhưng lại có bề ngoài giống như các xe máy tay ga tại VN) khá nhiều, những loại xe này luồn lách rất nhanh trên vỉa hè (ở TQ họ quy hoạch vỉa hè khá rộng để dành cho người đi bộ), không gây ô nhiễm khí thải và không gây tiếng ồn. Xe buyt là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân TQ. Đường xá được quy hoạch khá tốt và hiện đại cộng với sự tổ chức các tuyến xe buýt hợp lý nên người dân dễ dàng chấp nhận loại phương tiện giao thông công cộng này cũng giống như ở các nước phát triển trên thế giới. Trên xe buýt không có người bán vé, vé có thể mua ngay tại cửa lên ở đầu xe (cửa xuống ở giữa xe) hoặc trình vé tháng. Lái xe hầu như không tham gia vào quá trình mua bán vé nhưng họ kiểm soát khá chặt chẽ bằng các thiết bị tự động. Trên xe buyt có camera quan sát hành khách, có thiết bị định vị để trung tâm điều độ biết vị trí xe nhằm điều chỉnh quá trình đưa đón hành khách, chính vì vậy nên không gây ùn tắc, xe lúc nào cũng trật tự không lộn xộn chen lấn, xô đẩy nhau.
Chúng tôi nghỉ một đêm tại Nam Ninh, sáng hôm sau cả đoàn đi dạo phố và ngắm các loại cửa hàng. Cửa hàng bán máy điện thoại di động nhiều vô kể, kích cỡ cửa hàng cũng đủ màu sắc, to nhỏ, sang, bình dân ... Máy có đủ các hãng nổi tiếng trên thế giới, máy TQ. Giá cả thì vô chừng, tiền nào cũng có, chỉ không biết chất lượng như thế nào thôi. Tôi và Quốc Tấn mỗi thằng mua một sim trị giá 40 tệ. Tấn gọi về VN được 3 cuộc thì hết tiền, còn tôi, không gọi mà nhắn 3 tin về VN, còn lại chỉ gọi cho các máy trong đoàn nên dùng được đến ngày về, có một điều là khi về VN hỏi thì ở nhà không nhân được tin nhắn nào cả, không hiểu tại sao, rõ ràng máy báo đã chuyển được tin nhắn. Tìm hiểu ra mới biết, TQ có rất nhiều hãng điện thoại di động cấp tỉnh, cái sim của bọn tôi mua là sim của Quảng Tây, không có giá trị gọi trong toàn TQ, gọi quốc tế thì cước tính rất cao. Lần sau phải tìm mua sim của hãng nào có mạng trên toàn TQ.
Buổi trưa ngày 25/10, chúng tôi trả khách sạn và đi xe buyt đến bến xe Nam Ninh. Bến xe rất rộng, phong cảnh đẹp như trong công viên, vệ sinh sạch sẽ, phòng chờ và mua vé khang trang, rộng rãi, thoáng mát. Dưới sân đậu xe là tấng hầm rất to để đỗ xe chưa có kế hoạch chạy. Lưu lượng hành khách tại bến xe khá đông vì có tất cả các tuyến đi khắp TQ, tuy nhiên bến xe không ồn ào náo loạn, không có cảnh chen lấn xô đẩy, không có lực lượng có mồi, lực lượng bốc vác lộn xộn như ở ta.
Chúng tôi mua vé loại xe chất lượng cao, ghế ngồi rộng rãi như ghế hạng thương gia trên máy bay, giá vé cũng không cao lắm khoảng 40 tệ cho quãng đường 400km. Xe chạy trên đường cao tốc với đúng nghĩa của nó, nghĩa là mặt đường rất bằng phẳng, xe chạy với tốc độ trên 100 km/h vẫn êm ru, làn ranh giữa hai chiều đi là một công viên được xén tỉa kỹ càng rất đẹp, hai bên đường là hàng rào ngăn chặn gia súc. Trên đường cao tốc không có bất cứ loại xe hai bánh ba bánh nào, người đi bộ mà đi trên đường cao tốc là bị phạt, xe oto dưới 1000 cm3, các loại xe oto không chạy đạt tốc độ cao cũng không được chạy trên đường này. Phí cầu đường trên đường cao tốc rất cao, một hành khách biết tiếng Việt cho chúng tôi biết, nếu tiền xăng để đi hết một chặng đường khoảng 250 tệ thì tiền đường khoảng 400 tệ. Khi đi vào tuyến đường cao tốc người ta phát cho một thẻ từ, Khi đi ra khỏi đường cao tốc họ quẹt vao ổ để định số km đã chạy, khi nào vào đường cao tốc lại quẹt tính tiếp, khi hết đường cao tốc hoặc đến thành phố thì người ta tính tiền một lần luôn. Trước đây thời ông Đặng Tiểu Bình, người dân phải đóng thuế xây dựng đường tính theo đầu người, sau này khi mạng đường cao tốc đã phát triển đầy đủ và đã thu phí người ta không bắt đóng phí xây dựng đường nữa. Sau khoảng hơn 4 tiếng chúng tôi đến bến xe Quế Lâm, nơi cách đây 40 năm, trên một ngàn thầy cô trường Văn hoá Quân đội Nguyễn Văn Trỗi Tổng cục Chính trị rời tàu hoả lên xe oto hành quân vềTrường trung học số 1 Quế Lâm để sống và học tập hơn một năm ở đó. Mọi thứ đều thay đổi, nhà cao tầng mọc lên san sát không thoáng đãng như những ngày xưa, nói chung là không nhận ra được một hình ảnh nào của ngày xưa. Có một điều tôi thấy rất lấy làm tiếc là một thành phố sạch đẹp như Quế Lâm mà để nhà vệ sinh bến xe bẩn không thể tưởng tượng nổi, khai thối bẩn thỉu hơn ga Hàng cỏ của chúng ta cách đây 20 năm. Vì đi đường xa nên bắt buộc phải giải quyết nỗi buồn chứ vào đấy muốn ói ngay, vẫn nhà xí máng bẩn thỉu, phân, nước giải ngập ngụa, tôi không thể hiểu nổi tại sao thành phố lại để tồn tại một nhà vệ sinh như vậy.
Chúng tôi đợi chị Niệm, người đóng góp rất nhiều cho mối quan hệ giữa chúng ta cựu thầy cô trường Trỗi với trường Y Trung, Trường Cao đẳng công nghệ hàng không ( là trường tiếp quản toàn bộ “trường mới” tại khu Phong Khẩu), ra đón và đưa về khách sạn vì chị có mối quan hệ rất thân thiết với Nguyễn Thắng và Thắng nhờ chị thuê hộ khách sạn.
10 nhận xét:
Bác Khánh Tường có bài phóng sự hơi bị hay. Cảm ơn!
Khánh Tường có lẽ phải thêm một vài ảnh vào bài cho thêm sinh động vì Cương cũng đã póst mấy ảnh lên rồi nhưng vì không đi nên cũng không rõ là ở đâu
NC
Các anh đi "lê la" thế này mới thích chứ nhỉ.
bác Khánh Tường cho anh em đi du lịch Quế lâm qua bài phóng sự này rất sinh động. Cảm ơn bác.
K8
Bao lâu rồi không viết gì, nhân chuyến đi vừa rồi thấy muốn viết lại những cảm xúc đã trải qua, thú thật mình rất sợ vì văn chương mình kém lắm. Thật may là những điều mình viết được các bạn cho ý kiến tốt, rất cám ơn Quốc và Vinh.
Cương ơi, khi chuẩn bị cho đăng bài mình cũng muốn đưa vài hình làm minh hoạ cho thêm phần xung động nhưng trình độ vi tính đang ở hạng vỡ lòng. Hôm nọ mình đã hỏi Trần Anh Minh cách chêm ảnh vào nhưng làm chưa thuần thục nên hỏng hoài mà thằng Quốc Tấn thì cứ trách sao không viết tiếp mà lại bỏ lửng sau phần 1, thế là mình phải nhấn ào lên. Nay mai mình sẽ học và chỉnh sửa thêm ảnh vào.
Vinh ơi mình không phải là người tổ chức chuyến đi này mà là Nguyễn Thắng. Chúng mình từ Sài Gòn ra chỉ ăn theo thôi. Phải nói bọn mình rất cảm ơn Nguyễn Thắng có sáng kiến tuyệt vời này.
Hữu Thành ơi, cám ơn bạn đã có nhận xét. Minh định sửa nhận xét thì lại copy thêm một nhận xét thừa do trình độ ABC thông cảm nhé.
Cương ơi, bạn xem dọn hộ rác nhé mình không biết cách làm.
Qua QLâm vừa rồi mới thấy, rằng những hình ảnh thời anh em mình ở bển đã mất hút, không còn vết tích gì. Duy có cái ... thì vẫn "phát huy truyền thống", với cái rãnh đặc trưng, ngồi ngang, xối nước từ "thượng nguồn". Tự nhiên nhớ tới anh "Nỉ hâu" hồi đó chuyên trách khu vực này.
Đăng nhận xét