(tiếp theo và hết)
Dần dần ông Lãnh nổi tiếng, được hàng xóm nhờ vả. Trong phường có bà cụ vô gia cư chết hai ngày hàng xóm mới biết, uỷ ban cậy ông, điếu văn vài lời thôi mà bao người dưng phải rỏ lệ. Cái cảm giác mình làm ơn cho người thật thú vị. Nhưng sướng âm ỷ nhất là người ta lại cần mình, cái năng lực viết lách ngày nào chẳng bị để hoen rỉ, mình không rầu rĩ như sếp này sếp nọ về vườn chỉ một mực hậm hực cấp dưới không đến thăm. Đi hội cao tuổi, nghe giới thiệu “Bác Lãnh đây viết điếu văn hay lắm, bác nên chu đáo với bác ấy để bao giờ đến lượt bác…”, cái người kia đã nhìn ông hết sức nể trọng. Nên vào ngày trời lại đẹp, những câu thơ bật ra:
Người đi mát mẻ
ở lại thản thanh
Làm đẹp cho đời
Trào bao ý thơ
Chuyên gia khóc cấp phường, đôi khi là cấp quận thấy mình phải xứng đáng với sự nghiệp mới. Nhà nào có người ốm nặng, ông mang sổ đến ghi chép sẵn, hỏi han (không thể trực tiếp được) ai đầu ban lễ tang để đăng ký sẵn, kẻo anh khác vuột mất. Mục “Tin buồn” trên báo được theo dõi kỹ, nhỡ đâu người ta cần mình. Cậu T. ở cơ quan đang tại chức chuyển sang từ trần, vợ cậy người viết câu khóc, khi mang đến thì ban tổ chức gãi đầu “bác Lãnh đã lo hộ rồi, rất chi mạch lạc”, đành xếp lại. Anh văn phòng phải ưu tiên ông chứ, chỗ dựa cậy lâu dài kia mà.
Nhưng lắm khi lại mang vạ. Có kỳ tăm tia người ốm, ông phải thằng con nó mắng “Cú dòm giường bệnh. Cút mẹ mày đi!”. Đến cơ quan, bọn trẻ hỏi “Sao bảo bác đi cấp cứu…” rồi kháo sau lưng “Chim lợn cao quý đấy”. Một kỳ họp hưu trí, ông K. đốp vào mặt: “Lão Quýnh lái xe đi đâu vợ đấy mà ông vu là “người chồng chung thuỷ”, quá là oan”. Xung quanh được thể: “Thợ khóc bậc bẩy, ai chả là người cha nhân từ người con chí hiếu người bạn tri âm, phấn đấu thế nào cũng không được là người tình sắt son thằng con mất nết sất…”.
Thế thì cái thể thống nó ra thế nào nhỉ. Ta làm đẹp cho đời cơ mà. Ra là cùng mục đích tốt nhưng sự đưa tiễn không đơn giản, có đặc thù của thể loại, còn khó hơn ngày xưa viết tổng kết nhiều. Càng nghĩ càng thấy đố đứa nào “đi” toàn thây được. Lão Quýnh đã chả hì hì bảo “Tôi tòm tem được chục cái bướm, ông cố kể vào đoạn thành tích nhá”, nhưng hội hưu kêu tởm quá. Có những nỗi niềm vợ con muốn đưa vào lắm nhưng ông trưởng họ hoặc trưởng cơ quan hoặc trưởng hội thọ phường xã nhất định bỏ ra. Ơ, ra sống còn không phải chặt chẽ bằng chết, có thể này này nọ nọ nhưng nằm quan tài là chỉ được vuông vắn ngay thẳng mà thôi.
Bèn chong đèn rút kinh nghiệm, đưa những sự phức tạp trên vào tham luận “Mấy vấn đề thực tiễn khi viết điếu văn”. Cách đặt vấn đề mới, giải quyết độc đáo, dẫn chứng ngồn ngộn. Nhưng ở hội nghị Người cao tuổi quận, ban tổ chức trù úm thế nào đó, nhất định không cho trình bầy. Ông bèn sửa cái “tít” khiêm tốn hơn: “Thử bàn về công tác đưa tiễn”, gửi kỷ yếu ra dịp cơ quan tròn 50 tuổi. Thì “chúng nó” cũng không sắp vào.
Vào một năm hết Tết đến, ông Lãnh tính sổ, thấy lượng điếu văn sụt giảm bốn mươi ba phần trăm so cùng kỳ năm ngoái. Có những kỳ đưa tiễn, ông thấy câu khóc chả phải thứ của mình đã nộp. Hỏi cho ra nhẽ thì thằng văn phòng mới cứ “bận”, lên hẳn sếp phó nó cứ vòng vo. Dĩ nhiên phần quà sáng giảm hẳn, kéo theo khoản tang quyến cảm ơn.
*
Tức thị đã có kẻ khác thế chân, chiếm cái lộc khóc sang trọng. “Chim lợn cao quý” đời mới có máy tính lưu dĩ vãng chúng mình, hẳn công khóc không mất nhiều bằng. Thời của mình đã hết. Thôi, không đấu tranh giành lại nữa, âu cũng là luật “bất tận hưởng”, chả gì ông cũng bắt đầu chuyển từ “bác” sang “cụ”, thường xuyên bay lượn giữa các phòng khám. Điều này có vẻ tiêu cực, nhưng nó bắt ông chuyển sang một “tứ” khác rùng rợn hơn: Rồi cũng sẽ đến lượt mình. Kẻ kia, con chim lợn mới ấy, sẽ quàng vào mình những cục chữ mòn nhẵn, mớ mỹ từ lố bịch mà ông hằng áp cho người đi trước. Ô mà nhỡ nó thù dai, tố đểu những chuyện này nọ ra… Ông đã nặn lại người chết theo hình hài người sống thích, có lý gì “thằng mới” nó sẽ không “tái nặn lại” ông theo cái cách ông không thể ưa được.
Không thế được. Mình phải tự đưa tiễn lấy. Trong đêm, ông Lãnh toát mồ hôi với ý nghĩ mới và bắt đầu cuộc kiểm điểm. Ngày làm sếp xấu mặt khi viết phải một từ sai, bị lên lương chậm một năm, đưa vào thế nào được. Đận ăn vụng vợ thằng Z. bị nó quả tang, chạy thầy thợ mãi mới khỏi đi cơ sở, cũng không thể. Và đoạn còn trẻ lang bạt kỳ hồ, làm sao mà ông không sa chân được vào hầm nọ hố kia. Bản tự khóc của ông không thể sáng choang như anh hùng vĩ nhân, nhưng nó cũng phải được là nhẵn nhụi. Không tỳ vết, cho con cháu soi vào khỏi xấu hổ, thậm chí có chỗ tự hào noi theo. Và cũng để con chim lợn cao quý mới chưng hửng một phen.
Ngày xấu trời ông Lãnh ra đi. Gia đình đưa bài khóc soạn sẵn đến cơ quan. Nhưng chánh văn phòng mới quan điểm mới đã mượn người làm bản khác, chả biết có thể gọi là điếu văn...
T.C 2009
Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Bài hay phải nghiền ngẫm...:))
Mời AE thưởng thức tiếp. Cám ơn TC và hy vọng các tay súng (viết) K3 như THĐ đã điểm danh cúng hưởng ứng!
P1 thì vui hóm hỉnh. Phần 2 thì chuyển tông.
Nghĩ thương cho thân phận con người nhược tiểu!
Cần phổ biến các bài này rộng rãi cho mỗi người ngẫm nghĩ về chính con người mình!
Cám ơn nhiều!
4 SG
Chà chà cuối cùng thì cái con người tận tụy làm văn khóc người ấy rồi cũng phải nằm xuống để đến lượt người khóc mình mặc cho có thích hay không. Có vay có trả mà! Tưởng rằng cái việc làm tròn cho 2 chữ 'nghĩa tử' sẽ chỉ gặp tuyền sự nghiêm kính, nào ngờ vẫn không tài nào thoát khỏi vòng ân oán tỵ hiềm dèm pha.'Con chim lợn cao quí' nghe sao mà chát.Đúng thật là thói đời đen bạc.
Đọc phần 2 này thấy ngờ ngợ :
- hình như thằng quái nào mà cần mẫn mài đũng ở bàn giấy năm này qua năm khác thế nào rồi cũng mắc chứng gàn gàn và cố chấp.Đến chết mà vẫn còn muốn cho thằng đang lấn việc của mình một vố chưng hửng.Nó là cái gì nếu không phải là cố chấp.
- Nghề viết điếu văn khóc người chết là nghề độc cách,nghĩa là không dậy không truyền không cùng nhau không hợp tác được.Thế mới có chiêu chót chơi 'con chim lợn cao quí mới'.
Hỡi ơi, tác giả dựng lên một ô.Lãnh, thổi vào nó hơi thở của cuộc sống ,để nhân vật tung hoành ngang dọc một chốc, rồi lại cho nó vào một cái hòm. Chi tiết cuối cùng không đọc bài điếu thân chủ soạn sẵn cho mình mà đọc bản điếu khác, ô.Tr.Ch đã đóng cái đinh cuối cùng vào nắp quan tài cho nhân vật Lãnh. Bi hài!
Đăng nhận xét