Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Nửa vời nhà ống (tiếp theo và hết)


  Nhưng lại có một quá trình khác, ở chiều ngược lại. Khi trở thành thị dân, người quê cũng làm ăn buôn bán, quan hệ rộng hẳn. Các tinh hoa bốn phương đổ về, để có lúc nhận ra rằng thành hoàng làng mình không hẳn đã “đè nghít” được thành hoàng làng khác, thiên hạ còn khối anh tài danh, rằng ta chỉ giỏi một, trong khi những ấy những nọ còn nhiều nghề lắm. Và dù sao, nơi cư trú mới cũng có lệ làng mới, áp đặt lên ta những lề thói không thể không theo.
  Nhận thức khác thì ứng xử cũng thay đổi. Cái để dung hoà giữa “hoà nhập” với “trở về cội nguồn” là các hội nghề nghiệp, thư quán, xã quán. Những kì hội chợ Tây mở có khu riêng cho các nghề, phần nào đem lại sự hoà trộn. Trong sinh hoạt nghề nghiệp, quan hệ xã hội thì như vậy. Còn tại nơi ăn chốn ở, cái chỗ khả dĩ dung hoà ấy là ngôi nhà ống đa chức năng. Nhà ống vừa khép vừa mở, cho phép cá thể và cộng đồng cùng tồn tại, cộng sinh. Anh em, bố con buôn chung một vốn, “thuyền lên nước lên”, lại vừa kiến giả nhất phận. Ngoài những chỗ để sinh hoạt chung ra, mỗi gia đình nhỏ có chốn riêng, nhưng lại không kín đáo quá. Để vào “chuồng tiêu”, lên kho lấy hàng hay ra phố, thì người nọ đi qua nhà người kia. Sinh hoạt vợ chồng phải giấu diếm. Ăn thêm miếng nào dễ cảm thấy mình “ích kỉ”. Thế nên có nàng dâu mới gẩy từng hạt cơm trước mặt mẹ chồng, chị em dâu, sau đó ra ngoài chén đẫy hai ba bát phở. Ra phố cơ mà, chứ có phải ra làng đâu, ai biết mình lèn cho chặt bụng…
  Kín đáo với xã hội, mở ra trong gia tộc, nhà ống dung dưỡng một tinh thần chung, lại cho phép cái riêng duy trì. Nó thích hợp với sự nửa vời, ngại ngùng sự giải phóng cá nhân tuyệt đối, lại vừa sợ hãi, chán ngán các tôn ti, phép tắc- có thể do cụ cố hay bà mẹ chồng áp đặt. Những cái ống có nhiều ngăn nhưng không nhiều không khí để thở lắm ấy vừa là pháo đài gia tộc, vừa là cửa khẩu thông giao. Những con người trong đó chân còn dính bùn, đầu nghĩ chuyện mang hàng đi nơi xa quảng bá có một tâm lí không nhất quán: vừa tự tin, hồ hởi muốn vươn ra, lại vừa tự ti, khép lại, quay về nếp làng. Người đàn ông chủ gia đình gánh hàng lên ngược bán có thể chơi bời, phá cách mặc sức, khi về lại một mực giáo huấn vợ con bảo vệ nếp nhà. Những cậu trai theo Tây học, “pác lê phăng xe” lầu lầu, qua bậc cửa vào nhà là phải chào hỏi thật đúng khuôn phép. Những thông phán, đốc học rất mực được trong vọng ở nhiệm sở, về nhà phải thi lễ rồi mới cởi khăn đóng áo dài hay veston, cravatte ra. Là bởi vì trong “ống” nào cũng có một bậc gia trưởng duy trì tinh thần hướng về nguồn cội. Không vị đó, thì phải lập ra thôi, dù “biểu tượng tinh thần” mới trong đầu có thể ngổn ngang chí hướng “ngoại lai”.
  Hà Nội, khu Ba sáu phố phường giờ còn nhan nhản nhà ống, nhờ chủ trương hạn chế việc xây cất,cải tạo của nhà chức trách. Thế nhưng có thể khẳng định đến 99,99% cấu trúc dân cư trong đó đã không còn như cách nay 60 năm, so với thời nhà ống ra đời lại càng xa cách. Chiến tranh, các thay đổi chính trị- xã hội tạo ra sự kẻ đến người đi. Cuộc cải tạo nhà cửa sau hoà bình khiến đa phần chính chủ rút lên gác, để lại cửa hiệu, tầng dưới cho “người Hà Nội mới”. Cả trăm tuổi rồi, nhiều ngôi đã xập xệ, dột nát, thậm chí nguy hiểm mà không sửa được, do nhiều chủ sở hữu quá (thông thường trên là tư nhân, dưới thời Nhà nước quản lí). Thế mà dường như lại có ai đó chủ trương khôi phục nhà ống truyền thống với sinh hoạt gia tộc như xưa. Thật không ổn. Ở vậy rất thiếu tiện nghi, bí rị, ngột ngạt, lại phải giả dối với nhau. ý hướng “về nguồn” ấy xuất phát từ một không gian biệt thự chăng? Hay người ấy muốn chỉ loại nhà ống mới, xây trên các lô đất trăm mét vuông trở lại?
3. Đến đây, lại phải nhắc đến một ý, nói mồm, nên có thể không chính xác lắm, của học giả mới quá cố Trần Quốc Vượng. Rằng, từ khi chuyển về đồng bằng định cư, đóng đô, người Việt chỉ giỏi đắp đê, trị thuỷ và tiến về phương Nam. Còn trong công cuộc khám phá, chinh phục, tiếp tục vươn ra biển để thông thương, hay đi đến tận cùng của một chủ thuyết, họ hay ngần ngừ, nghi ngại, sợ hãi sự hung hiểm của biển cả, không dám đi tiếp. Ông gọi đó là tâm lí “xa rừng nhạt biển”. Phải chăng đó cũng là tâm lí của người ở nhà ống truyền thống?

TTC-K3
(Tranh của Bùi Xuân Phái)

16 nhận xét:

Nặc danh nói...

Người Việt quen đi trên mặt đất, mở cõi vào phía nam cái rụp, nhưng ra biển xa có hơi ngại.
Mà nói cho cùng lí, biển xa hay biển gần cũng chỉ có cá với nước, như nhau cả thôi. Khinh mấy thằng tây đã đi qua Đại tây dương rồi lại khùng khùng đi tiếp qua Thái bình dương, chỉ tổ phải ăn thắt lưng với lại da giầy, sung sướng, vinh quang cái nỗi gì.
HCQuang.

TC nói...

HĐ:Vừa xem xong bài Võ Thanh Nga. Ko coi thường kiểu cha chú với cháu được. Trước hết đó là câu chuyện kể, kể thực, về người thân mà, nên khỏi "đặt vđ" có hư cấu. Đằng sau đó mới đáng nể: một thái độ. Ko tin những gì ba tin, thấy ba tốt quá nhưng yếu ớt trong cách nhìn thầy thuốc, thì chăm nom, chịu đựng đầy độ lượng. Thông cảm với điểm yếu - nói thẳng ra là "khuyết điểm" - của ba, qua đó càng thương ông hơn, thương những người liên quan,nhất là mẹ, tất nhiên thương cả mình
Tháng 10 ba mất. Bài (thật khó mà nói không phải là "truyện", vì nó khái quát kinh khủng)xuất hiện tháng 12, đến với cậu qua kênh Trỗi 4, còn mình được chuyển từ Trần Hữu Dũng. Như vậy cô bé ko phải chỉ muốn truyền một thông điệp thuần tuý cá nhân, của gia đình. Nó rắn rỏi, nhân tình, quả cảm vô cùng. Và cũng phải mất một thời gian mới hồi lại được thế

Có lẽ mình bị ảnh hưởng nghề nghiệp mà suy diễn lung tung chăng? Nhưng thực sự phục nó, cả tình cảm, sự tận tuỵ, sắc sảo mổ xẻ người thân (rất khó đấy), và cách thể hiện (cử nhân nghệ thuật, chắc thế)
Đáng bàn đấy các bố ơi. Loại "khuyết điểm thương yêu" này ai trong ta cũng dễ mắc

hadongtran nói...

TC: Chí lí, chí lí ! Mình đang chờ ý kiến của TL và LC .
Nếu mọi ng đồng ý thì TULY post bài " con cái chúng ta " đê ! URA! URA!

TC nói...

HĐ:truyện VTN đã đăng Văn nghệ trẻ 26-12,mẹ gửi đến (và khóc). Tức là phải xem lại cái điều mình nói về "ý muốn xuất hiện". Nhưng ý tứ chắc mình ko nhầm

AMk3 nói...

Tui cũng nhận được bài này qua email, đã định đưa lên BL thì vừa thấy nó trên BL BanTroi. Cô bé này thật đáng khâm phục.

tualinh nói...

@LC: Ông bà hỏi ý kiến con trai để chúng tôi đăng lại bài của cháu nhé, theo tôi bổ ích cho chúng ta lắm.

TC nói...

Thử nghĩ đến một kết cục khác, đứa trẻ nọ chính là con ba. Rất khó để còn tin ba (tất nhiên lòng tin mất rồi), có thể cả bạn bè, thế hệ ba. Tức là một phần kết nghiệt ngã, tàn nhẫn hơn... cho bản thân con, thế hệ con

LC nói...

TL :"Đệ tử" hoan hô chú TL quá trời.Nó viết nhiều,bây giờ không biết chú thích bài nào, ở báo nào nên nói chú có bài nào thì cứ đăng,cháu cảm ơn.

tualinh nói...

@TC: Cho dù như vậy,tôi vẫn tin bọn trẻ ngày nay được học hành sẽ có cách nhìn khoan dung khoáng đạt và nhân văn. Thế hệ chúng ta thì có thể bi kịch đấy.

tualinh nói...

@LC: Sẽ từ từ đăng lên tuỳ theo không khí và nội dung thảo luận của các ông bố.Tôi đã goị cho bà Hoà thu thập các bài của cháu,tốt nhất là có tên báo và số để lấy bài từ báo điện tử cho tiện. Đầu tiên theo tôi là bài khung ảnh ông nội và bài leo cầu thang nhà ông.
Thân mến.

hadongtran nói...

Sao, TC ," niềm tin mất rồi " ư?
Theo mình ko đơn giản thế .Có lẽ mình nghiêng về ý kiến TL hơn .Có vẻ bon trẻ bây giớ " từng trải ","hiểu đời " và tóm lại là "đa nguyên " hơn chúng ta cách nay 40 năm .
Chao ôi,chúng quá hiểu ng đàn ông dù có vẻ mạnh mẽ bao nhieu , chỉn chu và nghiêm khắc bao nhiêu chả có phút yếu lòng !....

TC nói...

HĐ:Nga ko "mất niềm tin", đúng như cậu nói. Trước hết, nó đi guốc vào bụng các ba. Sau nữa, quan niệm đạo đức của nó chả coi đó là cái đinh. Nhưng cũng đau cho mẹ chứ, giả dụ zdậy
Đây ko phải cái mất niềm tin trong trường hợp cụ thể,mà có cái gì đấy (như)nhân danh thế hệ, vào một cái hệ thống gì đấy đang có vài ba vấn đề gì đấy. Nói thẳng ra, trường hợp "ba" là cái cớ. Thế có vẻ tàn nhẫn, nhưng cô bé học nghệ thuật nên tớ cứ suy theo bụng tớ thế. Ko phải thì tớ xin lỗi một cách thật bụng
Rất có thể tớ méo mó. Nhưng trên Viet - studies Tran Huu Dung, người giới thiệu, ký Vũ Ngọc Tiến, viết ba tin vào người trong nước, bị gạt, sang TQ, cũng thế. Tớ ko nhận ra ý ấy, nhưng bọn văn nghệ nói riêng và người đọc nói chung có lối suy diễn riêng, có thể méo mó. Nhưng khi thành của công chúng, con mình- tức tác phẩm mình- đã ko thể như mình hình dung. Đấy là quy luật nghiệt ngã, mình cũng "hứng" nhè nhẹ rồi. Mình tin cô bé Nga sẽ vượt qua dễ hơn là bà mẹ, dù đây là bà mẹ rất nghị lực

TL: mình cũng nghĩ là nên đưa từ từ. Và các cháu càng tham gia đối thoại càng hay

tualinh nói...

@LC,TC,HĐ : thế là nhất trí rồi nhé. TQ AMk3 chắc cũng tán thành thôi. Phải không AMk3?

hadongtran nói...

AMK3:Tui thấy blog thế này là cũng hay rùi .Thế nhưng cậu là chuyên gia IT nên suy nghĩ xem có cách nào khác xắp xếp hay hơn ko? vì những v/đ nóng có thể còn nhiều ng chưa biết - và khi biết chắc chắn sẽ có ý kiến .Thế nhưng cứ sang trang bên kia là "mất tiêu " luôn,ít ng sờ tới .Vây những v/d đó có thể xắp riêng thành 1 mục (có ghi chú rõ là "nóng" )đẻ mọi ng dễ xem và góp ý .

Thân!

Chien Tran nói...

Vẫn về VTN, mình nghĩ đoạn từ 10/09 sau khi ba mất, cô gái phải ngập ngừng, kiệm lời hơn, không kể, tả dễ như đoạn trước
"Sau khi ba mất, những gì ba muốn giấu tản mác trong thiên hạ, ồn ào,lạc hướng... (đại ý). Câu này rất ám ảnh riêng tôi, người cả đời làm cái việc sắp xếp, cắt gọt thông tin, biến to thành bé biến bé thành to, được gọi là "định hướng"
"Ba mất, tôi trở về với mẹ, như chưa hề đi, chưa hề có gì..." - cũng đại ý. Viết được câu này không hề dễ, phải có cái giá của nó

Vậy là chúng ta bước vào năm mới, tớ hình dung "văn vẻ", trên con thuyền của con cái chúng ta. Chúc xuôi thuyền mát mái

AMk3 nói...

@HD: Mỗi bài viết đều có thể "đánh dấu" bẳng chức năng 'Tag" ở cuối bài, tui luôn cố gắng đưa 'tag' của từng bài như 'Ban troi k3', 'Cưới con ban trỗi k3' 'thư dãn'...Như vậy những bài có chủ đề 'Nóng" thì cứ cho vào tag 'Nóng' - và những bài này sẽ được cho vào chủ đề 'Nóng' ở trang nhất, bên trái. Ví vụ muốn tìm các bài về Hà nội, ông coi trong mục 'Các chủ đề' sẽ thấy chủ đề Hà nội(5) - nghĩa là có 5 bài. Điều cần nhớ là phải đánh tag cho bài.