Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

"Phát triển" dưới con mắt một Trỗi con

T. T. Chiến mời mọi người xem cái này. 
"Con gái mình vốn là lính của Đặng Kim Sơn, Trỗi dưới. Nó đang làm thạc sĩ bên Úc, xã hội học gì đó (mình chả hề muốn nó dính vào xã hội), gửi chú Sơn và nhân thể cho mình luôn. Mình không biết những tiếng Anh trong này, nhưng thấy cái nhìn của cháu lạ lạ…"

Cháu chào chú ạ,

Cháu Hà lớn bên CAP đây. Chú dạo này có khỏe không ạ? Cháu nghe mọi người kể chú thỉnh thoảng có ghé qua Trung tâm hỏi thăm Toilet paper nên cháu viết thư báo cáo tình hình cho chú đây. Cháu đang học Development Practice ở University of Queensland . Cháu thấy học nhiều cái rất hay, bây giờ có thời gian ngẫm lại những cái mình ở nhà vẫn cho nghiễm nhiên là đúng, mới thấy mình hồi xưa ngây thơ. (Bây giờ chắc cũng chỉ khá hơn một chút). Cháu có một vài suy nghĩ về phương hướng phát triển ở Việt Nam muốn chia sẻ với chú, chỉ cần chú đọc thôi, không cần hồi âm cũng được.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn hô hào "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" để đất nước "phát triển". Vậy "phát triển" là gì? Có vẻ như cách hiểu thông thường nhất vẫn là tiến lên cho bằng các nước phương Tây, tức là chúng ta giả định có một con đường tiến từ thấp lên cao, trong đó Việt Nam đang ở thấp và Tây ở cao. Để "phát triển" thì phải công nghiệp hóa, và theo như lập luận về Tam Nông của chú thì công nghiệp hóa trước hết phải đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Như vậy "phát triển" ở đây đồng nghĩa với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Kèm theo đó có thể có một số chỉ tiêu về giáo dục, y tế, v.v.

Nhưng trên thế giới có bao nhiêu dân tộc, mỗi dân tộc có một lịch sử khác nhau, văn hóa khác nhau, tại sao tất cả lại cần hướng tới một cái đích giống nhau? Những người làm trong ngành 'phát triển' chúng ta vào ngành với một lý tưởng rất cao thượng là giúp những người nghèo khổ, nhưng một câu hỏi chúng ta cần đặt ra là tại sao chúng ta lại nghĩ họ cần giúp đỡ? Vậy trước khi có chúng ta, họ sống trong đau khổ ư? Chúng ta tự giải thích cho sự can thiệp của chúng ta vào đời sống của họ bằng cách nhìn vào nửa vơi của cốc của họ: thu nhập họ kém hơn, họ không được đi học, họ không được ăn cơm ngon, không có dịch vụ y tế hiện đại, v.v. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nhìn vào nửa đầy của cốc và tự hỏi: liệu có một cách 'phát triển' nào khác, ngoài cách 'phát triển' chúng ta thường hiểu không? Liệu xã hội truyền thống có cách hoạt động riêng của họ nằm ngoài cơ chế thị trường không? Liệu những phẩm chất như thật thà, đoàn kết, gắn bó cộng đồng có thể được giải thích bằng cái gì khác ngoài khái niệm "reciprocity" của kinh tế không?

Có một ví dụ vui như thế này: Có một quán nước ở Nhật, trong đó người đến mua trả tiền cho đồ mình gọi, nhưng lại nhận được đồ của người trước mua. Tức là nếu mình đến mua nước cam, mình sẽ trả tiền cho nước cam nhưng lại nhận được cốc sô cô la nong của người đến trước. Nếu theo đúng như lý thuyết về self-interest và rationality của kinh tế thì ai cũng chỉ gọi một cốc nước lọc để trả tiền ít nhất. Nhưng trên thực tế không ai làm thế, rất nhiều người gọi đồ uống đắt tiền để người sau, người hoàn toàn xa lạ với mình, được thưởng thức. Rõ ràng cần có một cái nhìn nhân tính hơn về con người, chứ không thể coi những phẩm chất đạo đức là cái gì đó quá lãng mạn trong nền kinh tế thị trường.

Cháu thấy sự tập trung vào phát triển kinh tế hiện tại rất nguy hiểm vì nó bỏ qua các yếu tố khác cũng hết sức quan trọng với đời sống con người. Amatyr Sen có nói "economic development should not be viewed as an end in itself but a means to achieve a wider set of objectives". Chỉ nên tập trung phát triển kinh tế nếu nó mang lại hạnh phúc cho con người. Bản thân chúng ta thường nghĩ giàu có sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng con người (nhất là người Kinh) thường suy nghĩ như thế này: “Tôi phải làm việc chăm chỉ để đạt được thu nhập X, để mua được nhiều thứ hơn. Nhưng khi tôi đạt đến thu nhập X, tôi vẫn chưa thỏa mãn, rõ rang tôi phải cố hơn nữa để đạt được thu nhập Y”. Như vậy là sự thỏa mãn, sự hành phúc của con người không phải tỷ lệ thuận với phát triển kinh tế. Người giàu chưa chắc đã hạnh phúc hơn người nghèo. Vậy thì giàu lên để làm gì? Đây nghe có vẻ như một câu hỏi rất ngớ ngẩn, vì từ bé đến lớn chúng ta đều được dạy là lớn lên phải đi học, phải vào đại học, phải đi làm, phải giàu lên, nhưng chúng ta không bao giờ tự thách thức những giả định mà chúng ta coi là nghiêm nhiên này.

Cháu lấy ví dụ về người dân tộc thiểu số mà chúng ta thường coi là lạc hâu, nghèo đói, tự ti, lười biếng và ỷ lại. Chúng ta dung chính sách để ‘nâng’ họ lên ngang tầm của chúng ta. Chúng ta sử dụng một loạt thước đo do chúng ta đặt ra (mà đúng hơn nữa là do ‘Tây’ đặt ra) để đo họ và rút ra kết luận là họ đang ‘thụt lùi’. Cháu thấy những thước đo này giống như thi Olympic: nước nào chủ nhà thì nước đó được chọn môn chơi và thường đạt nhiều huy chương vàng nhất. Chúng ta nghĩ ra thước đo, đương nhiên chúng ta sẽ thắng. Nhưng chưa ai nhìn vào điểm mạnh của người dân tộc thiểu số (tất nhiên là tùy từng dân tộc, không thể vơ đũa cả nắm được): đoàn kết, khả năng hưởng thụ cuộc sống, trung thực, tự do v.v. Nếu chúng ta lấy những ‘chỉ tiêu’ này làm thước đo, chắc chắn chúng ta mới là những người kém phát triển.

Năm ngoái cháu có đi Bình Thuận làm Participatory Poverty Assessment, có nói chuyện với bà con người Raglay, J’Rai, Chăm. Lúc đầu họ than phiền về hoàn cảnh, cũng tự ti, nhưng khi cháu hỏi về văn hóa, hỏi “ở đây có vui không?” thì họ đều nói rất vui. Đi làm xong sang nhà bà con hàng xóm nói chuyện, sống trong rừng thì tự do, thoáng mát. Họ cũng không cần làm nhiều, vì họ tự hài long với cuộc sống của mình (cái mà người Kinh gọi là lười biếng và thiếu ý chí vươn lên). Trong khi cháu hỏi nhóm người Kinh không nghèo thì họ đều nói cũng không vui lắm, cuộc sống bình thường. Bản thân những người ‘giàu’ chúng ta, có mấy ai tự nhận là hạnh phúc. Đi làm cả ngày, tối về ăn cơm qua bữa, rồi người nào vào phòng người nấy. ‘Phát triển’ như vậy liệu có cô đơn quá không?

Thực ra trên thế giới có rất nhiều định nghĩa về phát triển, nhưng định nghĩa cuối cùng được chọn qua một quá trình giằng co về mặt chính trị. Người nào mạnh người đó có quyền định nghĩa phát triển, văn minh. Nếu xét về lịch sử ‘phát triển’ thì năm 1940 – 50, phát triển được coi là “phát triển kinh tế”, chỉ tiêu này do WB đặt ra. Sau đó cách định nghĩa này bị phê bình vì quá hạn hẹp, và UNDP đã phát triển thêm “Human Development Index” vào những năm 1980s. Đây là những ‘chỉ tiêu’ làm thước đo nhận loại. Nhưng ngoài những định nghĩa được công nhận này còn có một số cách định nghĩa khác như: “self-sustenance, self-esteem, and freedom” (Goulet) hoặc đối với cháu, “phát triển” có nghĩa là “khả năng mưu cầu hạnh phúc”. Vậy cháu nghĩ vấn đề phát triển hiện nay không phải là làm thế nào để kéo được những người ‘disadvantaged’ ra khỏi hoàn cảnh của họ, mà làm thế nào để họ được quyền định nghĩa ‘phát triển’ theo văn hóa, cách nhìn của họ. Đây là vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, chứ không nằm trong vòng kiểm soát của kinh tế nữa.

Cháu gửi kèm đây bài luận của cháu về Chương trình 135 giai đoạn, trong đó cháu lập luận là “nghèo đói” không phải là vấn đề cần giải quyết và chỉ tập trung vào nghèo đói có nghĩa là chúng ta đã bỏ qua những chỉ tiêu khác mà bản thân cộng đồng, dân tộc đó coi trọng. Vô hình chung, xóa đói giảm nghèo đã khiến người dân tộc thiểu số chỉ nhìn vào nửa vơi của họ và trở nên tự ti, ỷ lại. Cháu đọc thấy Viện mình có quỹ phát triển miền cao, vùng sâu vùng xa, nên cháu thử gửi bài xem có đóng góp được gì không.

Cháu nhớ hồi trước chú có kể cho bố cháu là sau khi chú tốt nghiệp Đại học nông nghiệp xong, chú viết một lá thư liệt kê 10 điểm yếu của trường. Thôi thì coi như đây là lá thư liệt kê điểm yếu của ‘phát triển’ của cháu vậy.:-).

Cháu mong chú khỏe.

18 nhận xét:

ĐN.K7 nói...

Bài viết thật tuyệt.

TQtrung nói...

Đúng là hậu sinh khả uý,rõ ràng là có một lớp trẻ đang trăn trở với tương lai của đất nước, tôi đọc bài này và thấy tâm đắc trong cách nhìn nhận vấn đề phát triển kinh tế của VN trong giai đoạn hiện tại của cháu,không dễ gì có được một cái nhìn mạnh dạn như vậy, dù sao phát triển kinh tế theo mô hình đã được kiểm chứng thì dễ cho người thực thi vì đã có lối mòn, môi trường dân trí, đặc điểm xã hội VN có những đặc thù riêng mà nếu không nghiên cứu thấu đáo thì lại như con kiến chạy cành đa thôi. Ở đây, cháu đặt vấn đề phát triển tự do của con người làm chủ đạo cho các vấn đề còn lại: "Vậy cháu nghĩ vấn đề phát triển hiện nay không phải là làm thế nào để kéo được những người ‘disadvantaged’ ra khỏi hoàn cảnh của họ, mà làm thế nào để họ được quyền định nghĩa ‘phát triển’ theo văn hóa, cách nhìn của họ. Đây là vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, chứ không nằm trong vòng kiểm soát của kinh tế nữa."
Đây là một cách nhìn mới mẻ. Đúng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại tôi e chẳng có cấp có thẩm quyền nào thèm để ý.Đó chính là não trạng của người Việt vậy.

HữuThành.Nguyễn nói...

Không có gì mới trong thư của cháu. Bởi vì thế giới này vẫn được dẫn dắt bởi những sức mạnh vật chất. Mà những sức mạnh ấy có được từ khai thác môi sinh đến cạn kiệt. Anh vui trong vườn nhà anh nhưng thằng hàng xóm nó cần cái vườn ấy. Anh muốn nó không lấy vườn thì phải chạy đua sức mạnh với nó, rồi cũng phải sống theo cách của nó thôi. Vì như thế mới có sức mạnh, để chiếm đoạt và để bảo vệ. Không gì có thể ngăn cản.

dathb136 nói...

Đây cũng là một cách lật ngược vấn đề rất hay và có lí.Trước đây mọi người cứ nghĩ đi một con đường mà mọi người đã mở sẵn thì đơn giản,dễ dàng,từ đúng trở lên?Nhưng ở nền kinh tế thị trường như hiện nay,thì tùy vào tình hình của mỗi nước mà tự chọn ra một con đường đi cho riêng mình.Nói gì thì nói phát triển để đất nước giàu,mạnh mang lại hạnh phúc cho mọi người dân mới là mục tiêu hàng đầu của một chính phủ tốt.

TC nói...

HT:ý ông đúng vô cùng. Một quy luật nghiệt ngã mà ta luôn phải đối mặt, tức là sinh tồn. Mạnh mới tồn tại bên ông hàng xóm nọ.
Nhưng tôi lại nghĩ có những bản năng (?) khác, nói ra rất vô cùng, vì nó cũng rất vô hình. Sang Lào, tôi thèm cái tinh thần đủng đỉnh của họ. Vừa có một bài báo về cổ động viên VN sang SEA games Lào: nói to, ô tô ko đợi luồng bên kia qua hết mới rẽ mà cứ vòng ngay, từng chục phân một, ko hề như bạn. Rồi trưởng đoàn CĐV bóng đá, ông kịch sĩ Đức Trung- phải nhắc giữ gìn vì nước họ theo Phật giáo, con người hiền lành lắm. Người mình vào khách sạn giao tiếp tiếng Anh, dùng mạng làu làu, nhưng cái đó mới là tiếp cận thế giới ở góc độ văn minh chứ văn hoá thì hơi khó.

Triển khai tiếp khó quá HT ạ. Vì Khoa học xã hội cứ phải dính đến chính trị. Nhưng tôi đi những rừng núi có thuỷ điện, di sản mất, đau vô cùng. Muốn hùng mạnh phải phát triển, cụ thể là có điện đóm vân vân. Nhưng phát triển có hai mặt, cái phần mất đi mới chỉ được nhìn nhận như một thứ xa xỉ quá. Di chuyển làng bản cho lòng hồ thuỷ điện, đàn bà Thái mò rêu đá phơi khô đem đến chỗ mới kẻo chồng con ko bao giờ được ăn rêu đá nữa. Cái mất mát ấy có vớ vẩn không? Người Kinh có đau được ko? Chưa kể là về kinh tế, tiền di chuyển tính bằng giá trước đó 4 năm...
Càng nói càng thấy khó. Chính tớ cũng thấy mình mâu thuẫn...

Nặc danh nói...

Cái hay là đã nhìn "phát triển" theo một chiều khác với thông thường. Vấn đề đặt ra không mới nhưng giải quyết bài toán "tổng hợp" này thế nào (?!) nhất là lại về hưu rồi! Nhờ vào thế hệ trẻ thôi.

XN.K3

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái cách phát triển ấy sẽ đúng nếu con người ta biết hòa hợp với thiên nhiên mà bây giờ thì nói thẳng ra là không thể.
Hòa hợp với thiên nhiên ở thời điểm này là nói một cách khôn ngoan: khai thác vừa bằng với khả năng tự khôi phục.
Điều đó có nghĩa là gì? Là người không đông quá, năng lượng không tiêu thụ nhiều quá, tuổi không sống lâu quá,... là biết rằng quả đất tuy cực kỳ to lớn nhưng cũng cực kỳ mong manh. Tức là biết rằng quả đất là giới hạn còn lòng tham thì vô hạn.
Bây giờ biết ra thì đã muộn. Lịch sử con người khi có thể chọn thì đã không "khôn" được như bây giờ. Bây giờ khôn ra thì không còn chọn được nữa vì trái đất đã quá nhỏ bé rồi, không thằng nào muốn khôn cho thằng khác trèo lên đầu hưởng cả.
Bởi thế cái lý thuyết phát triển kia chỉ có thể áp dụng trong lòng một cường quốc muốn duy trì một vùng dự trữ sinh quyển. Chứ một quốc gia không thể hạn chế sự phát triển theo cách khôn kia, trừ khi xin với một cái ô sức mạnh nào đó để mình làm dự trữ sinh quyển của nó.

tualinh nói...

- Chào XN.K3!Sao lâu nay im tiếng thế?
@TC: 'Cái mất mát ấy có vớ vẩn không? Người Kinh có đau được ko?'
Ý kiến tôi :'Cái mất mát ấy' ko vớ vẩn!Người Kinh-nói chung,có lẽ …ko đau,trừ ô., cháu Hà và…một số nữa,trong đó có tui!
Nhưng chúng ta biết làm sao được ngoài xót xa,ngậm ngùi…vì … ai bảo cái bản người Thái ấy ở đúng cái chỗ ngày hôm nay làm hồ thuỷ điện ? Mà ‘cái điện’ lại cần lắm cho bà con các dân tộc mình,cần thật,để ban đêm con trẻ có thêm ánh sáng bập bẹ tập đánh vần mà.
Đành phải hô lên theo Đắc-ta-nhăng thôi ‘ Mọi người vì một người, một người vì mọi người’!
Giả sử có sự trách thì trước tiên phải hỏi các cụ ‘thầy mo’ từ xửa từ xưa khi mới đến mở đất ở chỗ đó sao không dự đoán được trăm năm sau sẽ có cuộc di chuyển.Hì hì..
Ấy vẫn là ‘Nếu’thôi,bà con dân tộc mình thật thà,hiền lành chắc không ‘trách’ như người ‘Kinh’ mình đâu. ( hỏi nghiêm chỉnh : trong từ vựng tiếng dân tộc có từ ‘trách’,’oán’ không nhỉ?)
‘đàn bà Thái mò rêu đá phơi khô đem đến chỗ mới kẻo chồng con ko bao giờ được ăn rêu đá nữa’,đọc dòng này muốn ứa nước mắt đấy.

Nặc danh nói...

Riêng tôi,
Tôi thích lối sống thong thả, có ít dùng ít, có nhiều dùng nhiều, có chi dùng nấy, kiểu như lối sống người Lào;
Nhưng trên hành tinh này có vô khối kẻ mạnh và thích chiếm đoạt;
Nên nếu mình không đủ sức tự bảo vệ mình thì toi là cái chắc, đầu tiên toi trên lĩnh vực, sau toi toàn diện;
Tức là cái mình muốn không nhất thiết trùng với cái mình phải phấn đấu;
Ví dụ mình chỉ thích xài xe đạp nhưng tới khi các con đuờng nhỏ êm ả được/bị thay bằng các đường cao tốc thì mình đành phải xài xe hơi thôi, còn không thì đành phải chui vào vùng bán sa mạc mà sống - y như các đ/c thổ dân Úc vậy.
HCQuang
HCQuang

Nặc danh nói...

Ô xin lỗi, kí tới 2 lần.

TC nói...

- Chào X.N. Tớ mừng vì cậu xuất hiện, hy vọng anh em khác cũng thế cho tớ đỡ "lắm lời" quá.
- TL: "trách, oán" có trong tiếng dân tộc ko, tớ ko biết. Nhưng đọc, nhất là nghe kể truyền thuyết trong khung cảnh của họ, tự nhiên, tự nhiên thôi, thấy sao tình yêu cứ trong sáng, những quan hệ củ mỳ cù mỳ kiểu khoai sắn, ít mưu mô chiếm đoạt. Chuyện Khơ Mú Sơn La, chuyện Thái Nghệ An đều có tích rể Kinh lừa bố vợ dân tộc để lấy đất, đến nỗi tớ nghĩ đến hai chữ "mô típ"
Người Kinh hiện nay đem điện đường trường trạm đến, rót ko ít tiền qua vô số dự án. Nhưng đồng bào lại thấy nhiều đất đai rơi vào tay cán bộ. Và của cho ko bằng cách cho...
Cậu nhắc đến món rêu đá làm mình phải kể thêm đoạn đến vùng dân chạy lòng hồ thuỷ điện ở Tương Dương Nghệ An. Bà già Thái giã ngô trong cối gỗ nói về sự đền bù tháo nhà, di chuyển, dựng nhà, gọi chung là khoản tái định cư:"Áp bức quá. Đè nén quá. Thế mà cứ bảo công bằng". Đêm ấy một nửa đàn ông trong bản đến "phản ánh" những bí bức mà họ tin là "báo tỉnh báo huyện" không bao giờ đưa. Tớ ghi lia lịa. Tất nhiên cũng ko thể đưa, dù là báo "tỉnh lớn". Đưa ngược chủ trương HĐH-CNH thế nào được.
Tớ bèn thủ dâm một cách sang trọng: khóc lóc cho những câu chuyện cổ có ánh trăng soi xuống dòng suối, những món ăn từ lá lẩu hoa quả chỉ có trên rừng, từ nay thế thế thế là cất lên không còn hồn vía gì nữa.Bối cảnh mất thì hồn vía cũng chỉ còn trong sách vở,nếu có ai nhặt lên ghi lại. Nhưng người tái định cư có đọc sách ko?...

Nặc danh nói...

Rất tiếc không có bác nào dịch mấy câu tiếng Anh cho "người mù" nên ae chỉ "còm" phần hiểu được.
- Tụi Mĩ làm con số thống kê đo " chỉ số hạnh phúc' và phát hiện ra rằng: nhà giàu mua được cái nhà lầu hay cái du thuyền cũng chỉ có cảm giác "sướng" như anh nhà nghèo mua được cái xe đap, rađio...mà thôi. Như vậy vấn đề là "tự tâm"???
- VTV năm ngoái có chương trình " thế nào là người phụ nữ thành đạt"?...Kết quả "thành đạt" không có nghĩa là hạnh phúc. Tôi biết năm 2008 ta có 5 chị nữ "anh hùng lao độngthời đổi mới" thì 4/5 chị đều cô đơn!!
- Trỗi thèm bún ốc, phở...hương vị ngày xưa có phải là đi tìm cái giá trị " hạnh phúc" đã mất trong quá khứ?
- Bác " chỉ có ham muốn tột bậc":
+ "Ai cũng có cơm no áo mặc": Khía cạnh vật chất và công bằng.
+ "Ai cũng được học hành" : Khía cạnh dân trí , văn minh và phát triển...
Ấy mới là cái nhìn toàn diện, các giá trị đều được trân trọng,bảo tồn.

TM

từ điển nói...

Reciprocity :
sự nhân nhượng lẫn nhau, sự trao
đổi lẫn nhau, sự có đi có lại

self-interest :
tư lợi, tính tư lợi

rationality :
sự hợp lý, sự hợp lẽ phải

self-sustenance :
tự lực, có thể tự lực

self-esteem :
lòng tự trọng

disadvantaged :
người chịu thiệt thòi, người chịu
thua thiệt

Nặc danh nói...

Có cần hiểu hết các từ. Ấy là phát triển.
Cóc cần hiểu hết các từ vẫn "phán" được, ấy là hạnh phúc.

Nặc danh nói...

Hạnh phúc là đấu tranh - ấy là Mác nói. Tuy nhiên câu này thuộc lãnh vực "vĩ mô", "toàn cầu".
Nếu chỉ xem xét trên khía cạnh đời thường thì:
Hạnh phúc là không cần hiểu hết vấn đề nhưng vẫn sướng - ấy là ... ai đó nói.
Hạnh phúc là làm được (không phải được làm) những gì mà mình thích - ấy là ... tôi mới nghĩ ra (và tôi hoàn toàn không có ý định so sánh với ai cả).
Vả lại, như nhà bác TM vừa nói, thành đạt (chỉ hiểu theo nghĩa hẹp của từ này) không hoàn toàn đồng nghĩa với hạnh phúc.
HCQuang

TQtrung nói...

Việc phát triển ở đây mà cháu muốn nói đến hoàn toàn không phải chỉ là phát triển kinh tế, ptkt phải đi đôi với phát triển con người mà trong nội hàm của nó đã bao gồm cả đảm bảo tự do, hạnh phúc đúng nghĩa. Không chú trọng phát triển con người, dân trí thấp kém, ngu muội, thô lỗ. Trong nhà hay ra đường cứ chực xâu xé nhau, giành giật ,bon chen vụ lợi vv.. thì có phát triển kinh tế đến CNCS tưởng tượng cũng sẽ nhanh chóng sụp đổ thôi, nhà bạn đầy đủ ô tô , biệt thự, vài chục tỷ gửi nhà băng Thuỵ sỹ nhưng con bạn hút hít, vợ bạn đề đóm (Cái đó gọi là gia trí thấp) thì của núi cũng đổ, ra đê ở sớm, ở một quốc gia thì có khác gì. Vậy nên từ ông quan nhỏ ăn vài trăm ngàn, ông quan tỉnh nhỡ nhỡ ..ụ cả cháu bé học sinh đến ông quan bự ăn chưa có điểm dừng (Dân ta kém phát triển nhưng họ biết hết cả, họ chưa ngu mà) thì chẳng biết thế nào mà nói.

Nặc danh nói...

Đầu đề bài này có lẽ phải đổi lại là " ... một con (của) Trỗi" mới đúng?

HMK6

tranbachai nói...

Bác HT nhận xét "không có gì mới trong thư của cháu" kể cũng đúng. Nhưng mà "Cũ người mới ta". Quốc tế người ta có bao nhiêu bài học đáng cho sĩ phu Việt tìm hiểu. Còn được nghe nhiều ý có vẻ "trái chiều" từ những người trẻ là đất nước này còn hy vọng tương lai.

Vấn đề ở chỗ người trẻ có còn quan tâm đến phát triển cộng đồng nữa hay không. Văn hóa làm quan nước mình hình như đang khuyến khích lối sống chụp giật, cá nhân làm giàu bất chấp lợi ích cộng đồng.

Nhân tiện xin nói lại điều các bác cũng biết cả rồi. Thói quen lái xe nhường đường và không bóp kèn như ở nước Lào là chuẩn mực ở những xứ phát triển. Việc trở lại đi xe đạp cũng rất phổ biến. Dân mình muốn được "đủng đỉnh" như vậy thì phải có quyền chọn ai là người cầm tay vô lăng. Để một bác chủ tịch hay giám đốc cầm vô lăng, cán chết người rồi bỏ chạy, rủi có bị tìm ra thì chỉ bị kêu án treo. Còn thằng ăn trộm vịt làm mồi nhậu thì kêu án dăm năm, ra tù nhiều khả năng nó thành kẻ cướp thứ thiệt.

Vô phép nói leo, nếu trái tai các bác lượng thứ.