Hà Nội có nhiều gương mặt, nhìn từ những góc độ khác nhau thì chả “cái” nào giống “cái” nào. Đành chọn một góc mà ngắm nghía nó theo chủ quan mình vậy…
Bài 1
Nẻo xưa đâu tá…
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
Nhà thơ Vũ Đình Liên, khi làm mấy câu trên, chưa chắc nghĩ mình đã “đóng đinh” khép lại một giai đoạn văn hoá. Chữ Nho lụi, hồn xưa tản mát, mỗi xuân mới lại thấy “chợ ông đồ” họp một lần ở chân tường Văn Miếu. Khi mấy ông hoạ sĩ vẽ chữ thành tranh bảo đấy là thư pháp, có người reo lên truyền thống đang trở lại. Thực thế không?
Tôi có người bạn làm ở một cơ quan nghiên cứu quá khứ. Yêu nghiệp, kính trọng cái cổ xưa, cả chục năm sau khi ra trường, anh hầu điếu các giáo sư, chúi mũi vào đám thư tịch cổ. Quãng bốn chục thì lấy vợ, và thốt ra: “Thư viện quốc gia xếp tôi vào loại bạn đọc lỳ lợm nhất, nhưng giờ thấy nó chả đến đâu. Viện tôi ít việc, cán bộ nghiên cứu làm thợ nề, viết luận văn thuê, nghĩa là đời không cần mình...”. Những lời nghe thật cám cảnh! Có vẻ như một “mầm non trí thức” sẽ lụi tàn.
Rồi mới đây gặp lại, thấy anh trẻ trung, hiện đại hẳn. Làm không hết việc, bình thường dậy chữ Nho ở nhà, thỉnh thoảng đi xa dựng phả cho dòng họ, dịch văn bia, có khi tát ao để lôi tượng đá, bia đá ném xuống hồi chống mê tín dị đoan lên, còn mò được cả hoa cái cụ nghĩa quân Cần Vương đánh Tây bị nó chặt đầu thời cách nay trăm năm. Viện anh ngoài buổi họp chung vắng vẻ, ai cũng bận “giúp” các nơi viết sử địa phương. Những ông trước nay kiếm tiền kiểu “năng động” giờ mới tiếc mình không dùi mài vốn cổ, học chữ người xưa, nay chả ma nào mời. Mà tỉnh, huyện giờ người ta ưa làm địa chí, khoa học, phong phú hơn, chứ hệ thống lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên đã làm xong cả rồi, và cũng eo hẹp, không kham nổi nhu cầu dân trí cũng như quan trí. Anh hồ hởi khoe với tôi những bản rập văn bia, bản chụp sắc phong, phả hệ. Lớp Hán Nôm của anh đông sư sãi sắp nhập học viện, vài anh “số” ăn lộc Thánh, tức sẽ xung vào “nghiệp” cúng bái. Lại một đại tá chỉ cần qua Tam Tự Kinh để đọc được lịch sử họ mình, một ông thời cải cách ruộng đất quy tội địa chủ hăng quá, nay muốn vớt vát lại cái “cục” mình đã “quăng” vào quá khứ. Đọc tạp chí Xưa & Nay, họ ầm ầm thảo luận sao nhà Nguyễn được ghi nhiều công sức thế, những Phan Thanh Giản, Mạc Thiên Tích té ra là thế này thế nọ, mà sao đánh giá trong sách giáo khoa vẫn chả động gì nhỉ...
Thành phố, và phải suy rộng ra cho cả vùng xung quanh, trong “đà” hội nhập vào hiện đại hoá, công nghiệp hoá, có một dòng chảy theo hướng truyền thống. Âm thầm, phải len lách, có khi tự xác định tiêu chí, nó thật bền bỉ, chỉ ngun ngún như nén nhang cháy trong đêm. Những ông già tìm về quá khứ để giữ nếp nhà nếp làng, răn dậy con cháu. Những trí thức dăm ba ngoại ngữ chán nản vì đi đình chùa vãn cảnh không đọc được chữ cha ông. Thậm chí, những anh trẻ trai chỉ cần vũ trang vài chữ “phúc lộc thọ khang ninh” với “tâm”, “nhẫn” để kiếm tiền thập phương kì lễ hội. Cái dòng chảy ấy không ồ ạt reo vang, người “bơi” bên trong rất cô đơn, có khi còn tự giấu mình đi, mà nhanh nhách dai, mà gặp tri kỷ thì sướng phát rồ. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dựng tượng Phật trong nhà. Hoạ sĩ Quách Đông Phương được tĩnh tâm trong “chùa” tại gia giữa phố. Hoạ sĩ Thành Chương gọi chốn bồng lai của mình là “phủ”. Dân văn nghệ, hướng về Chân – Thiện – Mỹ, làm vậy cũng dễ hiểu. Nhưng còn bao người thường, những cựu cán bộ phụ nữ xung vào đội tế nữ quan, lễ hội nào cũng có mặt, những quan chức mở miệng vô thần nhưng tìm cách vứt vàng vào yểm tâm ngôi tượng đang đúc..., họ có những căn gì, duyên gì? “Thế giới quan” của họ là duy vật hay “lấp lánh tâm linh”?
Nhu cầu về cội, tìm lại di sản trong quá khứ có những nguyên do thật phong phú. Trước tiên, chả phải Nho giáo là con số không tròn trĩnh, nếu không thì cả nghìn năm nay, cứ kể từ ông trạng khai khoa Lê Văn Thịnh đi, các cụ đã không tôn đây là Đạo Thánh Hiền. Lời người xưa chí lý, đọc như được “sang ngang” cái tâm hồn, những quan niệm nhân văn, đạo đức nuốt đi, cuốn mình đi. Đã có một thời Nho giáo bị đồng nhất với khái niệm phong kiến để phải bài trừ, chôn chặt. Nhưng các triều phong kiến có tinh thần dân tộc đã dùng nó như một công cụ để tề gia trị quốc yên dân đấy chứ. Các bậc Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông không có chữ, có Đạo, làm sao vĩ đại được vậy! Thời nào cũng phải có lý tưởng. Lý tưởng, đơn giản đi, như một thứ thần tượng, để thiên hạ hoà vào một mối mà noi theo. Cụ thái thú Sĩ Nhiếp từ phương Bắc sang cai trị, thương dân Giao Châu dạy cho chữ Thánh Hiền, nên được tôn là “Nam Giao Học Tổ”. Nho Giáo dần chiếm chỗ của Phật Giáo là vì bên cạnh phần cao cả của tâm hồn, khái niệm “quân tử”, còn có sức mạnh thế tục rất lớn, rất thực tế.
Rồi Nho tàn, gắn với thay đổi về chính trị. Quốc ngữ mà Alexandre de Rhode mang lại đẩy văn hoá ta đến gần với thế giới hiện đại, nền khoa học, công nghiệp tiên tiến, nhưng lại gián tiếp là nhát kiếm chí mạng chém vào sự liên hệ với quá khứ. Trường thi kiểu cũ bỏ hẳn, chữ Nho không còn tác dụng, bị quên dần, gần như quên hẳn. Nhưng rồi cũng đến cái lúc những thần tượng xã hội hằng noi theo mỗi ngày mỗi héo đi, rơi rụng, thì vì chưa có cái mới “lắp” vào, hoặc đã có nhưng nó không thuyết phục, người ta lại có nhu cầu tìm về cái cũ. Người đô thị, nhất là trí thức, vãn cảnh đình chùa, đứng trước tấm bia ghi sự tích cái nơi mình đang ở mà tựa trước bức vách, hẳn phải tức tối chứ. Càng tức tối khi đấy là “nguyên khí” mà các cụ mình hằng tựa vào cả nghìn năm. Và voi đá ngựa đá bát bửu cửa võng sẽ có hồn vía hơn khi người ta am hiểu cái không gian xung quanh, dính dáng đến nhân vật được thờ cúng. Có chuyện thật như đùa ở lễ hội nọ: tín chủ đọc danh sách toàn gia cho thầy viết sớ, xong bảo đọc lại xem có chính xác không, thì thầy… chịu, nghĩa là trứơc đó toàn múa bút lăng nhăng.
Dù sao, sự trở về cần thiết trên cũng chỉ để ghi lại những dấu ấn trong quá khứ, để cho khỏi đứt mạch mà thôi. Biết thì khỏi quên, biết để còn mang ơn, tránh cho hiện tại khỏi những chuyện chẳng may, sống khỏi bạc ác, chứ bước vào một xã hội đô thị thì không thể phục cổ hoàn toàn. Lớp Hán Nôm thời nay uyên bác đến mấy không thể tư duy bằng Hán văn nữa. Và một người nghĩ ngợi nói năng giống hệt các cụ cách giờ trăm năm ắt bị đám Tây học Nga học Mỹ học nhạo cợt. Nghĩa là sự trở về ấy đến đâu, như thế nào cần rất được chọn lọc. Chẳng hạn tinh thần “tham nhũng là sỉ nhục” của Nho giáo rất cần thiết, nhưng hạn chế sự độc lập của con người ta lại đã là hạn chế, trói buộc rồi...
Trần Chiến
3 nhận xét:
Đ/n bác AMK3 đặt lại font chữ của blog to lên cho anh em đọc đỡ "toét". Toàn các "cụ" cả giương kính rồi mà đọc vẫn mệt quá!
@VinhNQ: Font vay la binh thuong ma. O ben BT va UT cung co nay. Cac "cu" muon coi cho ro, chi can nhan ctrl+ vai nhat la chu to len lien.
Xin loi vi may tinh chua cai ban phim Viet.
E lại quên "mẹo" vặt này. Cảm ơn bác.
Đăng nhận xét