Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011
Chuyến đi đầu năm
Lâu nay có nhiều tiếng kêu di sản văn hóa dân thiểu số bay nhanh quá, lại có nhiều tiếng la phải giữ lấy những bản sắc ấy. Lần này, ban phóng sự báo tôi bảo nhau làm loạt bài về chuyện này, xin kể ra đây những chuyện “bếp núc” sẽ chả bao giờ được chường lên mặt báo.
Cơn cớ: Nghĩa Lộ
Có câu nói về bốn cánh đồng lớn nhất Tây Bắc: Nhất Thanh (Mường Thanh – Điện Biên) nhì Lò (Nghĩa Lộ - Yên Bái) tam Than (Than Uyên – Lai Châu) tứ Tấc (Phù Yên – Sơn La). Nghĩa Lộ được xem là chỗ đổ xuống đầu tiên ở Việt Nam của người Thái, khi bị người Hán đuổi khỏi Vân Nam TQ. Cuối năm ngoái tôi gặp ở đây ông Lò Văn Biến, người thông thạo văn hóa Thái Đen. Chuyện thì nhiều, có đoạn ông mở lớp dạy tiếng Thái. Nhiều người học, rất thích thú, nhưng an ninh văn hóa hỏi thăm, tỉnh ko muốn “nhân” rộng. Nó làm tôi chú ý, phải hỏi “tại sao?”. Dạy chữ để đọc các sách cổ tốt chứ, hay có ai nghĩ sự thống nhất, vẹn toàn về chính trị bị ảnh hưởng vì điều đó… Một dân tộc biết gốc tích mình có muốn tách khỏi “đại dân tộc” – tức quốc gia – không? Ở một đại hội nhà văn ông nhà thơ Tày Nông Quốc Chấn, còn là thứ trưởng văn hóa, phát biểu “Mất chữ là mất văn hóa”, thì ông ấy đau đến mức nào? Thực tế là chữ Nôm Tày chỉ còn mấy ông mo đọc, vài lần mỗi năm.
Nghĩ thế, và nhân đi làm loạt bài trên, tôi dò dẫm theo chữ Thái.
Sơn La: đi tìm chữ Thái
Xã Mường Sang huyện Mộc Châu cách nay hơn 10 năm, hai ông về hưu, một là giám đốc sở văn hóa, một là giáo viên trường sư phạm Tây Bắc, mở lớp dạy chữ Thái cổ. Chưa kịp sủi tăm xã huyện đã xì tốp, giờ còn ấm ức: “Có coi thường dân tộc không? Ai cũng nói như nhau thì nhạt nhẽo lắm”. Tôi nghĩ thêm: “Phải. Bảo các ông con Lạc cháu Hồng không thuận thế nào”. Năm ngoái nơi này một hiệu trưởng cấp 3 mở tiếp. Nhiều người ủng hộ. Bí thư xóm: “Văn bản chỉ thị đều chữ Việt cả, học làm gì”. Chính quyền ko ủng hộ nhưng ko cấm, lớp dạy tằng tằng, chả phải góp gì, hao hụt dần nhưng vẫn có người theo. Thầy giáo trên lại mở tiếp lớp xã khác, đảng ủy ở đây lại ra nghị quyết bắt cán bộ xã (đâu tới 19 “ngành, đoàn thể”) phải học, rất có đà.
Lên Sơn La – mới lên thành phố - thì phong trào lại rất cao. TT Giáo dục thường xuyên vài trăm trò. Tỉnh ủng hộ, bộ GD ĐT chỉ thị học. Té ra là có cả một nghị định chính phủ rằng cán bộ công chức, biên phòng công an bộ đội… biết thêm tiếng dân tộc sẽ xét vào việc lương thưởng, đề bạt. Người ta bỏ tiền đi, dọn việc nhà đi.
Nhu cầu học chữ của cộng đồng Thái có từ lâu, và âm ỷ trong thôn bản như lớp tôi gặp ở Nghĩa Lộ. Người ta muốn có một bộ chữ chung, nhưng cả nước có tới 7 tỉnh có Thái, mỗi anh khác nhau mỗi tý. Sau bao nhiêu họp hành mới ra được bộ chữ Thái thống nhất, hao hao ta lấy nắm giá đỗ vứt ra đất. Đánh vần được, đặc biệt là thêm bớt vài nét thì đọc được sách cổ, kiểu như ta đọc được Truyện Kiều vậy.
Hình thành rồi thì rộ lên, nhưng nhất là Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên. Những nơi khác chính quyền chả ủng hộ thành nghị quyết, còn có cản không thì không biết…
Nhà Mông ở Hà Giang
Tộc này cũng chạy người Hán từ phương BẮc xuống. Chiến tranh biên giới, họ rất ngán ngẩm vì ko được tin tưởng. Trong tục của họ còn nhiều nét thù Hán đến xương tủy, như đám ma đi vòng quanh nhà xua ma Hán đi. Thường treo trước cửa tấm vải đỏ, là “mảnh” của lá cờ quốc gia Tam Miêu xé ra trước khi bị Hán đuổi giết. Họ không có chữ, bài cúng, sử sách gì đều truyền khẩu. Lại có lối dạy nghề thầy mo rất lạ: ông thầy ra đồng bắt con cào cào hát nó nghe, ông trò ngồi gần đó học lỏm. Học trực tiếp hồn thầy bị ma tha mất mà. Vì thế tam sao thất bản, mỗi nơi hát, cúng một khác, thầy cúng đố hai ông một bài như người Việt ta quán triệt bài thơ Thần với lại Chiếu dời đô.
Tóm lại không có văn tự thì rất mong manh. Bởi vậy mà trong di sản văn hóa Mông, ngôi nhà có giá trị lớn. Ở Đồng Văn, thường nhà bao quanh là hàng rào đá, có khi cao 2 mét mà gió không xô nổi. Trong vườn thế nào cũng có lê, mận, đào, rồi chuồng trâu bò, dê. Nhà tường chình, lợp ngói âm dương, ba gian có chức năng cụ thể. Bếp lửa rất quan trọng, để hong khô xâu thịt trâu, ngô, đậu trên gác, đàn ông hút thuốc uống rượu bên cạnh.
Từ bên ngoài nhìn vào, nhà Mông rất đẹp. Rào đá, lê mận, sa mộc, tường chình mái ngói âm dương thấp thoáng, nhưng người xuôi lên hay bảo bẩn, chỗ nào cũng ám khói, tối, và mang “quan điểm” ở của mình áp vào. Chi chít các dự án, chương trình xóa đói giảm nghèo, hạ sơn, xóa nhà tạm, tái định cư thủy điện…, kết quả là ra đời những nhà gạch mái bằng 20 triệu cạnh đường, nhà gạch lợp ngói “phi bờ rô xi măng” mùa hè là cái lò, mùa đông núi đá lạnh thấu xuơng. Không có vườn và rào đá, tất nhiên chẳng lê đào mận. Nhìn những “xóm” mới ấy khô, trơ, phần lãng mạn ít đã đành. Nhưng công năng ở chả hợp, như không có bếp lửa, chỗ để cất ngô, sấy thịt, thành thử nhiều chỗ người ta bỏ không đến, mà cứ cheo leo lưng núi mà cắm. Dĩ nhiên khi tính thành tích, số căn nhà căn hộ ấy sẽ nhấn rất đậm trong tổng kết của các cơ quan, doanh nghiệp.
Nhà thì vậy. Còn làm đường? Nhà đầu tư, thường là bên giao thông, “chỉ thích làm đường nhựa hay những gói thầu lớn”. Đường ô tô đến trung tâm các xã rồi dừng, một cán bộ Mông bảo giá làm đường cấp phối hay bằng đá xây xi măng, giá chỉ bằng 1/3, thì trèo đến các bản được. 4 huyện núi đá Hà Giang ít nước, được chính phủ cho 30 cái “hồ treo” vài trăm khối, nhưng có cái ngay bên đường khô khốc, khi làm không tính đến nguồn nước. Còn nhiều chuyện nữa. Nghĩ mà sót ruột cho đồng tiền mang từ xuôi lên, và cho những người vùng cao luôn mang tiếng “được cho”.
Kể sơ sơ một chút. Sắp tới tôi lại đi Tây Nguyên, nơi mỗi buôn có một “nhà rông nhà nước” hoành tráng, xây theo chương trình gì đó. Đã nghe nói nhiều chỗ dân không đến, cứ tụ tập ở “nhà rông đồng bào” xập xệ hơn nhưng có hồn vía của tổ tiên họ.
Chiến Trần
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
56 nhận xét:
Bọ Trần Chiến coi lọ mọ vậy mà mô cụng tới, hề. Nghe bọ kể mà ham.
Bài viết rất thực và hay!
Chỉ "đếm cua trong lỗ" thì đúng là bệnh thành tích; còn với dân thì chẳng hiệu quả, tác dụng chi hết. Các ông nhà nước có biết điều này?
Nhà nước là ai KQ ơi? Là mấy ông có nhiệm vụ tiêu thuế dân góp vào những việc cao cả, càng "cao to" địa phương lại quả càng nhiều. Nên ko hề thích làm "quả" quy mô xinh xắn. Cấp huyện, thì cứ cầm vài ba dự án là mua nhà thủ đô được rồi. Thế nên có câu "Lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược".
Nhưng đau hơn, lại ko phải xuất phát từ lòng tham. Người có quyền chi tiền làm dự án hay coi dân tộc là lạc hậu, làm sao cho họ nghĩ ngợi, ăn, ở giống mình 100%. Nó có cái gì giống thực dân bảo "An nam mít cô sông" ngày xưa, nhưng "bọc" trong cái vẻ đẹp đẽ. Đến lượt mình, họ lại rập khuôn Âu Mỹ, đi miền núi chỉ uống Wisky, giới thiệu "Anh T. đến từ Bắc Kạn" nó mới sang, gặp nhau toàn hỏi có ô tô chưa, đổi xe chưa?
Người dân tộc được cho theo cách áp đặt ấy ko vừa lòng, nhưng lại tự ty:" Nước Việt như con rắn, đầu rắn là người Kinh, đầu đi đâu mình đi đấy thôi, nghĩ làm gì cho mệt!".
Cái tôi ko hiểu nhất là ý nghĩ "bản sắc từng tộc người càng bảo tồn được thì sự thống nhất của quốc gia sẽ kém an toàn, nảy sinh mâu thuẫn dân tộc như Nam Tư cũ, như Tân Cương bên Tàu mới đây".
"Kinh hóa" là bỏ mẹ! Mất hết những cái gì đã có, mất hết cái gì là truyền thống, là bản sắc.
@TC : Nhiều ngôn ngữ đã mất, nhiều cảnh vật chẳng còn, nhiều huyền thoại biến tướng, nhiều lễ hội hãi hùng...nhưng sách bảo là "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" thì phải hiểu thế nào (?).
Khi nào thì lên Tây Nguyên đấy?
XN.K3
Sự đồng hóa dân tộc dẫn tới sự tranh chấp giữa các sắc tộc.
Có nhiều nguyên nhân làm Liên xô tan rã, nhưng cái "nổi bật" nhất là ... như rứa.
TC: " Hồn vía tổ tiên" người Thái, Mông, Êđê... cũng là hồn vía tổ tiên người Kinh chúng ta,tìm về cội nguồn tổ tiên người Việt sẽ thấy rõ điều này. Phản ứng về việc áp đặt văn hóa của các sắc tộc sẽ đưa đến hậu quả khôn lường như ở Tây Nguyên mấy năm trước,tất nhiên là có sự trợ giúp của ngoại bang. Đến Tây Nguyên cậu nên quan tâm tới Tin Lành.
Từ bao lâu nay , cái " tài " của ông bạn TC là cứ tà tà , nhẹ nhẹ , tưng tửng ...rất tự nhiên ..." lùa " người đọc đi dần vào những vấn đề xã hội hiên nay đáng phải quan tâm . Bản sắc văn hóa các dân tộc VN là 1 trong số đó .
Làm văn hóa ( cũng như giáo duc ...) mà ko căn cơ , lại thiếu những con người kiểu " thế hệ vàng " như T Q Bửu , N V Huyên , V Đ Hòe...thì chỉ có " phá " trở lên mà thôi .
Qua trận động đất - sóng thần , nhìn người Nhật ta mới thấm về khoảng cách " dân trí " giữa ta và họ rông tới mức nào !
Bác TTC đi Tây Nguyên công vụ hay "phượt công tư kết hợp" để... anh em theo?
- nhà gạch mái bằng 20 triệu cạnh đường" người Mông k ở được.
- "Đường ô tô đến trung tâm các xã rồi dừng"
- “nhà rông nhà nước” k thích hợp.
- ABCD...
Bác CTK3 "Hạ Phóng" quả này công bố điều "mắt thấy tai nghe" cháu tức anh ách: Mất 30 năm mới THẤY: "đầu tư Công lãng fí", suy ra 50năm nữa mới SỬA được. HIC !
XN và nặc danh: Có lẽ cuối tuần sau mình vào TN. Một mình, định làm ở ĐẮc Lắc, Gia Lai, là công tác nhưng thêm bạn càng vui. Đại loại gặp bên văn hoá nghe, rồi đi một buôn nào đó kiếm chị Ê đê goá chồng nghe tiếp.
Các tỉnh xa có một chương trình kiểm kê di sản văn hoá dân gian, xem nhà rông nhà dài, canh tác rẫy, cồng chiêng, voi, ẩm thực... gì còn gì đang bay. Các ông đi với mình nghe thoải mái.
Có câu "của cho ko bằng cách cho", điện đường trường trạm của nhà nước cả, nhưng Tin lành nó "dỗ" mấy câu là đồng bào lại cứ tin, rất nhiều nhẽ...
@TC: Tin Lành nó không dỗ suông đâu bác. Tôi nghe "nhà nước..." dẫn điện về, xây trạm hạ thế, dẫn về đến buôn. "...Và nhân dân cùng làm" ở đoạn dây về từng nhà, trong nhà. Đồng bào thì chưa quen phải có "vốn đối ứng" nên cứ để đấy, bao nhiêu đời nay có cần cái điện đâu. Rồi Tin Lành họ cấp "vốn đối ứng", thuê người lắp đặt bóng đèn trong nhà. Thế chả phải cái điện là cái Tin Lành nó cho tao là gì?
Ô, bác đi bằng cách gì, bao lâu,... đã có kế hoạch chi tiết chưa hay là tùy duyên? Gặp bà góa nào duyên thắm thì lâu đấy nhỉ? :-)
HT: đúng là Tin lành ko nói xuông thật.vụ nổi dậy Ban Mê Thuột 2001(?), Đến bảo đồng bào đi biểu tình được 50 nghìn, là leo lên xe Công Nông (gọi "xe cày") đi ngay. Vào đến đầu thành phố mấy ông xe ôm bộ đội Bắc cản lại, cứ dây cua roa cắt. rồi bị lùa vào chỗ nắng, cho bánh mỳ, cắt nước, thất thểu ra về. Rất thật thà, ko tính đám cầm đầu.
Ngoài vụ này ra, TL cũng cấp thuốc cho người ốm, thăm hỏi tận tình, tuyên truyền đẻ ít, đừng phá rừng, ăn ở hợp vệ sinh, y như cán bộ ta thời chống Pháp. Bên Lâm Đồng mình gặp một già làng K'ho, nghe rằng theo TL (chứ ko phải theo Tuấn Linh)vì một năm chỉ phải cúng vài ngày, ko vài chục như trước. Bao nhiêu thần sông, núi, suối, cây gom vào một phát nên giản tiện lắm.
Tức là có cho, nhưng ko thấm đc với chính quyền cho. Đồng bào sống cộng đồng, ưa bình đẳng, mà về khoản này đám truyền giáo nó hơn đứt mấy cha cán bộ mới.Vẫn là chuyện của cho ko bằng cách cho.
Còn một nguyên nhân khổng lồ: di dân tự do
OK , TC đi nhanh rồi về , thượng lộ bình an !
Mà cậu cũng khôn thật , đi ngay từ hôm nay . Chứ nếu để vài năm nữa , lên tới nơi thì vài ba thằng trẻ con Bana , E đê ... gị đó ,... cởi trần đóng khố ra chào : " nỉ hảo , nỉ hảo ! stop ! nội bất xuất ngoại bất nhập ! cha ngộ thuê khu vực này 99 năm rồi ! xi xi nỉ ! " ....
LC: mình tưởng chỉ có Tày Thái thôi chứ, còn Ê đê là từ Ma lai Nam Đảo sang, ngực áo còn "mảnh" buồm hồi vượt biển chứ. Người Tây Nguyên gần như ko giao hoà với vùng dưới nên đám khoa học coi đây là "bảo tàng sống" của một văn hoá "na ná" Đông Sơn. Cùng thời chẳng hạn.
HĐ: hồi mình leo phan si păng, đi qua bản Mông chụp ảnh, trẻ con chào "Mo ninh" gì đó. Mình khen nó ngoan và biết tiếng Anh nhỉ, thằng hướng dẫn bảo nó nói "măn ni" đấy, nghĩa là xin tiền
Bác Trần Chiến.
Được 50 ngàn và ổ bánh mì, lại được xe rước ra Tỉnh chơi (thiế mỗi nước uống), phải tui, tui cũng đi, chứ lanh quanh mãi trong rẫy, buồn thấy ... bà cố nội.
TC:Người ta đang cố gắng tìm nguồn gốc,tổ tiên người Chăm ở TN. Nếu cậu còn " máu" đi tiếp tới Tây Nam, cho đủ 3 Tây, người Khơ Me Nam Bộ với Phật giáo Nam Tông cũng rất thú vị, có một phim về đề tài này của một hãng phim, chỉ mới phát được một tập trên VTV1 đã bị "thổi còi" vơi một thẻ đỏ.
LC:Miền Tây Nam Bộ thì thằng khác nó đi rồi. Nhưng mình sẽ bảo nó. Hãng phim nào vậy cà? Tất nhiên mình đưa những gì đăng được lên báo lề phải, còn lại san xẻ và giữ lại nhận thức cho riêng mình.
Một kỉ niệm khác về Chăm, kể để anh em thấy độ nhạy cảm của đề tài này. Huyền Trân, công chúa đời Trần, vua gả cho chúa (?) Chiêm Chế Củ, đổi lại là hai châu Ô, Rí, tức Quảng Bình đổ vào đến Thừa Thiên - Huế ngày nay. Chồng chết, bà này ko lên giàn hoả như lệ, mà rong buồm ra Thăng Long, dẫn đến cuộc Bắc tiến báo thù của người Chiêm. Sau đó các đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn tiếp tục tiến vào, hoàn thành việc mở rộng, thống nhất lãnh thổ như giờ. Công cái bướm bà công chúa to lắm. Nhưng ko thể nhắc đến, nên phố Huyền Trân công chúa ở HN, Huế đều đổi ra Bùi Thị Xuân cả, sau dân Việt ngoài 80 chạy sang Pháp, Mỹ về cứ hỏi phở Trí phố HTCC, rất ngơ ngác.
Hồi làm mục kỉ niệm 1000 TL-HN, tớ đưa một bài về bà ấy, bị ông bạn, trong ban biên tập gác. Rồi khi ông ấy đi nước ngoài tớ đưa lại, người duyệt khác ko cảnh giác bằng, cho đăng, muộn hai năm và cười thú vị một mình.
Phố HTCC ở Huế giờ đã đặt lại, nhưng ko được chỗ cũ. HN ta chưa!
Nói chung báo chí đưa các thông tin, nhận thức chậm hơn những gì giới khoa học phát hiện từ tám hóanh. Sách giáo khoa càng chậm. Mà giới sử giờ có ai cãi nhau về ba nền văn hoá chính của ta là Đông Sơn - sông Hồng, Chăm và Khơ Me - Ốc Eo nữa đâu. Thừa nhận cả rồi.
Tham khảo:
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA - CHẾ MÂN
TC:chế Mân chứ không phải là Chế Củ trong tình sử nhuốm mầu chính trị với Huyền Trân Công chúa.
Chế Củ là vua Champa vào năm 1069 đã phải dâng 3 châu Bố Chính,Địa Lý và Ma Linh( tương đương Quảng Bình,Quảng trị ngày nay) cho Lý Thánh Tông để được tha khi ông này đích thân mang quân chinh phạt Champa bắt Chế Củ cùng 5 vạn tù binh.
LC , TC : Như vậy 2 cuộc hôn nhân - chính trị trước đó là :
1) Mị Châu - Trọng Thủy : ta thua , bắt đầu cho 1000 năm Bắc thuộc .
2)Trưng Trắc - Thi Sách : liên kết 2 bộ tộc Việt mạnh nhất để chống Hán , nhưng ko thành !
Có đúng vậy ko , 2 ông bạn ?
HĐ:hiện nay đang có một cuộc hôn nhân 3 trong 1: Ái nữ của NTD với một Việt kiều nổi tiêng, có đúng không ?
Các bác có nói gì thì nói nhá, cháu CHẢ DÁM Ý KIẾN, cháu còn nuôi con thơ ăn học, vợ dại, lỡ "nhập viện" kcó ai thăm nuôi.
Các bác có nói gì thì nói nhá, cháu CHẢ DÁM Ý KIẾN, cháu còn nuôi con thơ ăn học, lại chưa có vợ, lỡ "nhập viện" kcó ai thăm nuôi.
HĐ: hôn hân chính trị Nguyễn Huệ - Ngọc Hân thành công đấy chứ. Cuộc nào cũng bại thì bố bảo ko dám lấy vợ
TC : Cậu có thích hôn nhân chính trị ko ? Nếu có thì tìm trong đám BCT mới ấy , ai có đứa con gái nào bị ..." ĐAO " thì xin cưới về làm vợ . Đảm bảo cậu được kéo dài....chẳng mấy mà lên TBTập !
Có dám liều thì xin mời ( mà cũng phải nhanh nhanh lên kẻo ...hết !).Thời gạo châu củi quế mừ !
HĐ: Đề án của cậu thú vị lắm, nhưng tớ thiếu tự tin, ko làm TBT đc. Nên chơi kiểu Nguyễn Ánh, sau khi dẹp xong Tây Sơn bắt Ngọc Bình em bà Ngọc Hân về ấp mấy hôm thôi.
Một hôm đi chùa Hổ Sơn ở Vụ Bản Nam Định, thấy bảo bà Huyền Trân sau đoạn tình tang với Trần Khắc Chung ngoài bể, hoàn thành nhiệm vụ, về tu ở đấy một thời gian. Chả biết bà ấy tu thế nào nhỉ?
Vụ Huyền trân Công chúa, lịch sử cho rằng bà có công lớn trong việc sáp nhập hai châu Ô, Rí của Chiêm thành vào lãnh thổ Đại Việt mà không phải dùng đến chiến tranh, tuy nhiên xử sự của Nhà Trần sau đó (Cướp công chúa về sau nguy cơ lên giàn hỏa theo chồng) mà thực chất là một âm mưu không được trong sáng, người ta nghi bà chính là người đầu độc chết chồng mình theo chỉ thị của Đại Việt, đồng ý việc binh là phải gian trá nhưng việc thôn tính đất đai kiểu đó không được chính đáng, có thể đấy chính là lý do bà Huyền Trân bị "thất sủng" trong tâm thức các "nhà nho" đời sau.
Lịch sử Tàu cũng có các ví dụ về việc tường tự và không ít những cuộc hôn nhân chính trị, nếu nó phù hợp với thời đại thì sẽ được tôn vinh, lịch sử châu Âu rất nhiều ví dụ về điều này, nhưng ngày nay, khi ý thức hệ khống chế các nền tảng chính trị, việc phối ngẫu giữa hai bên đối lập nghe chừng có hơi hướng vụ lợi và có thể có kết cục không như người trong cuộc mong muốn.
Báo chí có đăng tin vừa qua, có một ông lão tự tử chỉ vì dân tộc mình không có chữ, nghe vừa chua xót vừa lạ lẫm.
vấn đề đất đai và dân tộc vẫn là câu chuyện nhiều tập không có hồi kết của nhiều nước, không riêng gì VN, vấn đề Khơme Krôm, Tin lành Đega ở Tây nguyên chắc sẽ còn nhiều mệt mỏi, cách ứng xử của những người cầm quyền đối với vấn đề dân tộc làm người ta cảm thấy thất vọng vì quá nhiều những yếu kém mà chỉ có thể giải thích bằng sự tham lam và ngu dốt.
Lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lưu tại điện thờ Huyền Trân Công Chúa, Huế:
"Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ.",
Thật là một nhận xét 'tầm cỡ'.
Quan điểm của tôi :đời đời Tôn kính và Nhớ ơn Bà Huyền Trân.
Việc giải thoát cho Bà ,là việc nên làm.
TC:Hôn nhân Nguyễn Huệ- Ngọc Hân nếu xét dưới góc độ chính trị không thể nói là thành công. Ý đồ của Lê Hiển tông muốn Huệ ở lại Bắc Hà và chuyển giao quyền lực đã không thành, khi Huệ vội vã trở về Phú Xuân, sau đó để Nguyền hữu Chỉnh lộng hành tái diễn cảnh "vua Lê,chúa Trịnh" ở Bắc Hà.
LC: ít ra nó cũng duy trì ngai vua Lê thêm ít lâu, và khoác cho Huệ cái mác hào hoa, ko phải giặc cỏ. Cái sự kiện Huệ thắng quân Thanh, gửi cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân cho Ngọc Hân, nó quá đẹp.Hì hì.
Mà mình ngờ việc Hiển Tông muốn dựa vào Huệ. Chả có quyền lực gì lấy gì mà trao, nên chơi trò dựa bóng Huệ nhát các thế lực khác như dư đảng Mạc.
Có nhiều người bảo bài Ai tư vãn nổi tiếng ko phải của Ngọc Hân, mà của Ngô Thì Sĩ. Thêm một hòn đá bị rút dưới chân tượng đài Nguyễn Huệ.
Công chúa Huyền Trân yêu thượng tướng Trần Khát Chân , nhưng đành theo lệnh vua cha , gạt nước mắt ra đi làm vợ vua Chiêm .It năm sau vua Chiêm chết , nàng lập mưu thoát khỏi dàn hỏa thiêu , chạy ra biển - nơi có người yêu cũ dong buồm chờ sẵn .
Nàng thoát chết , nhưng còn lại đó mối thù của người Chiêm với dân Đại Việt .Mấy chục năm sau , Đông A suy mà Chiêm thịnh ..., thành Đại la mấy phen thành tro bụi !
Vậy đời sau đánh giá công lao HTCC thật khó lắm thay !!!
Xin đại ca Lê Công cho ý kiến .
Cái nhà anh SỬ này sao rối rắm wá - như vậy là còn 1 HÔN NHÂN CHÍNH TRỊ nữa là Ngọc Hân Công Chúa, con gái út vua Lê Hiển Tông gả cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Theo cháu thì Huyền Trân, Ngọc Hân, cả 2 người đẹp này chỉ nên vui chơi rùi bái bai chớ cưới xong cả 2 ông Vua đều ngoẻo sớm, ghê wá !
Tôi thì nghĩ ngược lại, cuộc hôn nhân chính trị này đã thành công, ít nhất là về phía Nguyễn Huệ, trước tiên, ông ta đã được cái "thử cái xem sao"( ông mọi Tây sơn được xài gái trẻ dòng dõi hoàng gia chính thống), thứ hai, quan trọng hơn là Huệ đã kết nối được với nhân tâm Bắc Hà, cùng với sự kiện tin dùng La sơn Phu tử trước đó, ông đã chuẩn bị một phần lực lượng cho việc kháng Thanh sau này, mặt khác, vua Lê đã dựa vào sức mạnh Tây sơn để khống chế thế lực họ Trịnh, dù sau này Chiêu thống sợ hãi mà chạy sang cầu cứu nhà Thanh nhưng trước đó, ông bố đã giữ được ngôi báu cho nhà Lê qua hành động này, vì vậy rõ ràng là động thái chính trị gả con cho một thế lực mạnh đã thành công.
Về "Ai tư vãn". Thật khó tin là một ông đực rựa lại có thể khóc chồng ai oán và hào hùng như vậy, hơn nữa, Ngọc Hân vốn là một bậc nữ lưu, bà còn nhiều tác phẩm thơ khác nữa chứ không chỉ riêng Ai tư vãn, việc nghi vấn đó chắc là luận điệu của ai đó muốn hạ bệ uy tín và võ công của nhà Tây sơn mà thôi.
QT: về Ai Tư Vãn, là người trong giới sử nói do Ngô Thì Sĩ, mình nói lại. Cũng chưa ai công bố tư liệu, có thể chưa đủ thuyết phục, cũng có thể đụng đến một tượng đài chống ngoại xâm thì "hổng dám". Nên "treo" ở dạng nghi vấn.
Về mối quan hệ giữa La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp với Nguyễn Huệ, cũng lại "nghe" nó ko hẳn là ủng hộ. Thực ra ta biết nhiều qua Hoàng Lê nhất thống chí (nhớ ko chắc lắm), mà tác giả phò Tây Sơn. Lại nghe nói có tư liệu khác nói hai ông cũng thế nào ấy.
Riêng mình, cứ ko hiểu, sao bậc khôn ngoan như Nguyễn Thiếp lại quân sư "tối" cho Nguyễn Huệ cái nước dời đô ra Vinh bây giờ. Đồng bằng nhỏ hẹp, thổ ngơi khắc nghiệt chả kém gì Phú Xuân. Được cái về gần quê Quỳnh Lưu, và xa ông anh Nhạc hơn một tẹo. Nhưng ko thể làm đế đô được.
Cũng khổ cho ông Huệ, ở Thăng Long bọn sĩ phu đáo để, trong Huế thì gần Nhạc, Nguyễn Ánh
TC: Tôi cũng biết nghi vấn đó do ông nhắc lại ý ai đó thôi chứ, nó cũng là cách để mình thảo luận thôi mà, buồn cười nhất là mấy trăm năm trước, nho sỹ Bắc Hà chống đối Tây sơn kịch liệt mà không ai nói điều đó, mấy ông sử sách bây giờ phán cứ như mình đã từng cầm bô hầu Công chúa vậy, he he!
Tôi nghĩ Nguyễn Huệ sinh ra để làm một phần lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, còn lại là nhầm lẫn cả thời đại và xuất thân.
Hình như một sự tích gì đó về việc thu phục La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp để ông này theo về Tây sơn, N.Huệ dùng ông để lấy lòng sỹ phu Bắc Hà chứ có vẻ không nghe theo lời chỉ trỏ của ông.
Có hồi tôi đọc chuyên ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tả cái đó của Ngọc Hân tiết ra mùi thơm như hoa huệ sau khi bị hiếp, he he! đọc xong muốn buồn nôn, nhưng tác phẩm đó đã làm nên tên tuổi của anh chàng này.
Sách Tàu có nhắc đến 1 loại PN tự thân thể toát ra mùi thơm gọi là THỂ HƯƠNG, vd như Dương Quý Phi làm Đường Minh Hoàng mê tít, cháu k tin lắm, vì bà DQP này rất giỏi fa chế các loại Hoa thành mỹ fẩm.
Nhưng mà con Đực có mùi Xạ để quyến rũ con Cái thì cháu tin, vd như con Chồn, chẳng hỉu chị em đánh giá thế nào chứ mấy thằng có mùi hôi mún chít !
Ấy là cháu "ăn theo" cái đề tài "THƠM THƠM" các bác K3, K4 moi ra chứ cháu có bít chi mô, cháu Đ viên gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành "luật hôn nhân GĐ".
Âý là tôi muốn nhắc lại chuyện ngắn "Phẩm tiết" của Ng.Huy Thiệp đăng trên báo Văn nghệ, trong đó cha này kể chuyện quân Nguyễn Ánh tràn ngập Phú Xuân, có thể tìm đọc chi tiết chuyện ngắn này trên mạng để xem NHT viết gì về số phận công chúa NH.
Cái "Phượng Hoàng Trung đô" mà Ng. Huệ xây dựng tại Nghệ an, TC có nhớ câu "Hoan, Ái do tồn thập vạn binh" không. Quyết định xây dựng hành cung ở Nghệ An có cái dở nhưng cũng có nhiều điểm thuận lợi, dở là khí hậu khắc nghiệt, không có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, giao thông cũng không thuận tiện, và dở nhất là không có tiềm năng kinh tế. Điểm lợi là ở vị trí tiến, thủ hài hòa, có thể xuất binh ra Bắc trong vòng hai ba ngày, vào Phú Xuân, Quy nhơn cũng chừng đó, nếu thế cùng cũng có thể té sang Vạn tượng. Nhất là trong con mắt nhà quân sự thì nhân lực khá quan trọng, mà hồi đó châu Hoan (Thanh hóa bây giờ) chắc cũng đông như bây giờ. Và cũng có thể, ông ta bắt chước Hồ Qúy Ly, dành một phần ưu ái cho quê cha đất tổ.
QT: tôi nhớ ra rồi, Tây Sơn muốn chuyển đô ra Vinh, đặt là Phượng hoàng Trung đô
Cái chuyện sử sách ko chép nho sĩ Bắc Hà chống đối N. Huệ, nên đặt trong một tổng thể: ta ghét nhà Nguyễn, dịch rất ít từ thời này, còn vằng vặc trong giáo khoa là ca ngợi N. Huệ, chống Nguyễn. Chứ ko ít thứ kể xấu N. Huệ đâu. Tôi thì nhận thức lúc này về ổng, một là anh hùng cái thế, thiên tài quân sự, giỏi kinh khủng, mà toàn huỷ diệt, đánh nhanh thắng nhanh. Hai là rất ngờ cái ý ổng có một tư tưởng kiến quốc.
Cái nhận thức này có thể sẽ khác, khi biết thêm những tư liệu nghiêm chỉnh khác.
Khoảng 08-08 có hội thảo "Chúa Nguyễn - vương triều Nguyễn", ở Thanh Hoá, kỉ yếu nói nhiều chuyện thú vị, dân sử có nhiều lắm. Nhiều đánh giá đưa ở dạng nghi vấn, tức là vẫn ngại nói thẳng.
QT: Lại phải tán thêm tý teo. Vinh ko rồng cuộn hổ ngồi, thì Thăng Long phẳng lỳ lấy đâu núi để tựa. Sông Hồng ngăn chặn ngoại xâm thật, nhưng theo hướng thì không phải làm cái "án" cho kinh thành như sông Hương với Huế được. "Thiên tử ngoảnh về Nam" kia mà. Tớ cho các cụ tán cho văn vẻ đấy thôi, kiểu lắp những câu trong các văn bản khác "cùng cấp bậc" vào. Đâu như nhiều "chiếu" khác cũng có những lời như thế.
Và lại nghĩ: Lý Công Uẩn lên ngôi có mấy tháng đã dời đô "mùa thu năm Canh Tuất", phải chăng là tháo chạy càng nhanh càng tốt khỏi Hoa Lư?
TC:" Chiếu dời đô" có 1 câu rất quan trọng nói về việc chọn Đại La " Đất này Cao vương đã chọn" (Cao vương= Cao Biền).
Còn tại sao Huệ lại chọn Nghệ An để xây dựng " Phượng Hoàng Trung đô" phải hiểu vì sao ông ta 3 lần ra Thăng Long, 5 lần vào Gia Định nhưng đều vội vã về giữ Phú Xuân, cuối cùng tính bỏ luôn Phú Xuân để ra Nghệ An.
Câu trả lời có thể tìm thấy từ ông anh Nguyễn Nhạc.
Các nhà viết sử, được tiếng như cha con Tư Mã Thiên đã là hiếm, vậy mà rồi vì một chút tư thù cũng làm cho ngòi bút mất một một chút trung thực (Xem Sử ký Tư Mã Thiên)
Chả trách người đời sau cũng vì "Hệ tư tưởng" mà có cách nhìn sao cho có lợi(cho hệ thống). Nguyễn Huệ được ví với anh hùng giải phóng dân tộc, xuất thân áo vải cờ đào(lời Ngọc Hân) phù hợp với giai cấp công nông theo cách mạng. Một thời được ca ngợi cũng dễ hiểu, có thể trong đó có v/đ tế nhị gì đó nữa chăng!
Nhà Nguyễn (Ánh) mang tội đưa Pháp về. Dù các đời sau có nhiều việc Tốt nhưng không làm mất đi được cái dớp đó trong các nhận định của các sử gia CM, gần đây thấy có nhiều hội thảo xem xét lại công lao của nhà Nguyễn trong việc thống nhất đất nước, điều đó cũng hợp lẽ.
Riêng việc đóng đô, tôi nghĩ mỗi thời mỗi khác, Đại La Thăng long trong mắt Cao biền có thể là nơi xưng Vương một cõi, ông ta không thể cưỡng lại được ý đồ ly khai nhà Đường nên phải mất mạng, thế đất ở đây tuy đồng bằng trống trải nhưng tiện cả thủy bộ, có Tản viên chống lưng, tiến có thể một ngày đến quan ải mà lui có đến mấy đường lui, đông ra Quảng ninh Đông triều(nhà Trần). Tây có thể theo thượng đạo về Nam, chính Nam thì có thể rút nhanh về Hoành sơn. Cho nên Thăng Long vẫn là đế đô muôn đời.
Tuy vậy tùy thời mà định đoạt, hai nhà cải cách hàng đầu là Hồ Qúy Ly và Quang Trung Nguyễn Huệ đều có ý đồ dời đô về miền Trung- Thanh Hóa và Nghệ an, hẳn là có lý do chứ!
Thời hiện đại, khái niệm xưa không còn phù hợp nữa, tuy nhiên quá gần kẻ thù truyền kiếp cũng không hay ho gì.
Khi Lý Thái Tổ soạn Chiếu dời đô , Đại Việt ta mới chỉ có từ Hoan Aí trở ra - phải nói là nhỏ bé - nên nhìn khắp ...cũng chỉ có Thành Đại La xứng đáng là đất Đế đô mà thôi .
Đến hôm nay , bờ cõi đã khác , lại còn kẻ thù phương Bắc - vừa mạnh , tàn độc , thâm hiểm ...- nếu thủ đô ta quá gần biên giới liệu có điều gì đáng phải nghi ngại hay không ??? .
Rồi KHQS , KHKT.. phát triển như thế , nếu chiến tranh xảy ra...ko phải là điều ko cần suy nghĩ ( chắc mọi người đếu đã đọc kịch bản 30 ngày trong kế hoạch Tàu đánh ta )...
Theo thông tin ngoài rìa , thì từ rất sớm Lê Duẩn đã nhận ra âm mưu bành trướng đại Hán và đầu những năm 80 ( ở 1 hội nghị tại Vũng tàu ) ông đã phát biểu ý tưởng " dời thủ đô vào Tây nguyên "....để tìm kế lâu dài .Không rõ lúc đó ý kiến của các ủy viên BCT khác ra sao , nhưng phải công nhận suy nghĩ của nhân vật lịch sử này rất rất đáng quan tâm , đặc biệt vận dụng vào hoàn cảnh thực tiễn ngày hôm nay .
Hà hà ! anh em mình dâu phải chiến lược gia gì gì đâu , động dến đề tài này bàn chơi cho zdui !!!!
Xin thêm :
1) Có nên dời đô không ? các chiến lược gia , khoa học gia & các " phong thủy gia " sẽ nói gì ?.
2) Nếu có thì thủ đô tương lai nên đặt ở đâu : Sài gòn ? Đà Nẵng ? Tây nguyên ? hay đâu nữa ?...
Dời đô làm quái gì,tốn kém của dân lắm,tỉ lệ % lại quả bi giờ cao đấy, mười đồng bỏ ra cho việc này may thì có sáu đồng là thực chi vào việc.
Xưa đã mấy lần Thăng Long bị quân xâm lược từ Bắc xuống từ Nam lên chà xát đánh chiếm...đủ cả...rồi đâu lại vào đấy thôi.
Còn nếu cứ phải chọn một vị trí nữa cho Thủ đô thì xin đề nghị là Huế hoặc Đà nẵng,hoặc vùng nằm giữa 3 nơi ấy. Để...thực hiện lãnh thổ Đại Việt có hình vòng tròn 'Bát Quái', với 'chấm Dương' là đảo Hải Nam, 'chấm Âm' là "Biển Hồ'.
Tôi nghĩ Thủ đô, trong thời đại phát triển khoa học ngày nay, khi tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể chạy vòng quanh thế giới thì các quan niệm xưa không còn phù hợp nữa,nó chỉ còn giá trị tâm linh mà thôi, các bác cho Thủ đô chạy vào Nông trường sông Hậu thì Đông Fong nó vẫn quét tới. he he!
Có lẽ chính vì cái vòng bát quái mà TL nhắc tới đã làm cho đất nước ta chưa bao giờ thoát họa ngoại xâm. Người ta đồn rằng ai làm chủ được vùng đất đó có thể làm bá chủ thiên hạ,,, he he he!! có nhảm nhí không nhỉ? nếu có thì làm sao hết Tàu lại Tây rồi lại Tàu cứ chực nhảy bổ vào vậy?
1 fiếu cho dự án "dời đô vào SG", các bác HN fắn vô đây thành NHÀ QUÊ RA TỈNH, chúng cháu là NGƯỜI SG GỐC.
Bọn Tàu Khựa Múc HN thì mình Múc Cambodge, nó Múc SG thì mình Múc Thailand...mất đất chỗ này thì mình có chỗ khác.
Quân Tàu đông như kiến, ta fải tránh ĐỤNG ĐỘ CHỦ LỰC TRÊN CẤP TIỂU ĐOÀN. Ở vùng bị chiếm, cứ nhè kho lương, y tế, hậu cần của địch mà giã...đói khát, bệnh tật, chúng fải rút...cứ thế mà mần.
Cứ xem Hưng Đạo Vương đánh trận Bạch Đằng giang hay ải Chi Lăng Quân Lam Sơn chặt đầu Liễu Thăng, giành được chiến thắng quyết định mới thấy Ông Cha ta dụng binh giỏi như thần.
Ý kiến anh QT đúng đấy,
Thời nay,muốn tránh bom đạn cho Thủ đô thì chỉ có nước 'hàng giặc' hoặc rời về Phong Nha - Kẻ bàng,nơi có nhiều hang động.
Nó đến bằng đường bộ ta đánh trận Chi Lăng,nó đến bằng đường thuỷ ta đánh trận Bạch Đằng,nó đến bằng đường ko ta đánh trận '12 ngày đêm',nó co cụm lập cứ điểm ta đánh trận Điện Biên,nó vào đất Thăng Long ta đánh trận Đống Đa....vy... Ko cần phải dời Đô đi đâu hết!
Còn vva64n cứ thích 'dời đô',thì đến đất Đà lạt mát mẻ lắm. :)
HĐ: Có liên đới tới vụ Huyền Trân Công chúa là Trần Khắc Chung chứ không phải là Trần Khát Trân, ông này cũng là một danh tướng đời vua Trần Nghệ Tông.Năm 1389 ông có công đánh đuổi giặc Chiêm Thành ở Thanh Hóa giết Chế Bồng Nga, được phong chức và ban thái ấp vùng Kẻ Mơ, nam kinh thành Thăng Long.
LC :Chế Bồng Nga đốt kinh thành TL nhỉ ?.Đúng là mình sai rùi , chuyện mấy chục năm sau - thời Trần mạt ! Cảm ơn cậu .
Không có Trần Khắc Chung tới cứu thì công chúa bị thiêu rồi.
Chế Bồng Nga là thời kì thịnh của Chăm, đánh ra Thăng long mấy chập. Nhưng vì chỉ lo dồn lực đánh nhau mà không quan tâm tới mần ruộng, nên từ đó nhà nước Chăm bị suy sụp tới mức mà (từ đó trở đi) không thể khôi phục được.
Xui xẻo là hồi đánh Thăng long lần chót, nội gián đã chỉ điểm chiếc thuyền có Chế Bồng Nga ở trển, thành thử quân Việt pháo kích đánh đắm Soái hạm. Cụ hi sinh luôn. Vãn tuồng.
Về chuyện dời đô thời nay:
Theo ngu ý của đệ thì, để tránh thật xa kẻ thù truyền kiếp, kinh đô nên dời hẳn về ... Phú quốc. Đây là nơi xa nhất, hải sản phong phú, bơi lội vô tư, khí hậu lí tưởng cho nghỉ ngơi. Bốn bề biển cả, tiện phòng thủ.
Mà rủi có bề gì thì Hạm đội 7 nó dzô, mình mướn nó chở Chính phủ đi tuốt qua đảo Rề-uy-ni-ông Phi châu, cũng đặng.
1979 tại sao mình không dời đô sang Nông Pênh, đã mang tiếng rồi, làm tới luôn, sợ gì bố con thằng nào.
Tôi nghe các bố tán cứ nghĩ chắc vài bốn trăm năm trước người Chăm cũng tán thế về người Việt.
Mà vậy cũng tiêu cực lắm. Sao ko lên Bắc Kinh lấy quách con người Hán, phá cho tan nát đời nó đi, sau con mình lại phá tan nát đời vài con Hán nữa
Người Chăm xưa không tán như mình, mà nó đánh đến Thăng long luôn.
Trích:Sau khi Chế Mân chết, từ năm 1311 đến năm 1353, vua Chăm Pa kế tiếp liên tục gây chiến với nhà Trần đòi trả hai châu Ô và Lý nhưng không thành công.
•Năm 1360, Chế Bồng Nga (được sử sách Đại Việt cho là một nhà chính trị, một nhà quân sự đại tài) lên ngôi.
•Năm 1361, Chế Bồng Nga đánh phá hải cảng Di Lý (?) của nhà Trần (theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Lâm Bình).
•Năm 1368, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân Đại Việt ở Chiêm Động (?).
•Năm 1370, Chế Bồng Nga tiến quân chiếm thành Thăng Long lần thứ nhất. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục là năm 1371.)
•Năm 1377, Chế Bồng Nga đánh thắng đoàn quân nhà Trần sang tấn công thủ đô Vijaya và giết chết vua nhà Trần là Trần Duệ Tông, sau đó đem quân cướp phá thành Thăng Long lần thứ hai.
•Năm 1380, Chế Bồng Nga đánh Nghệ An, Diên Châu và Thanh Hóa.
•Năm 1382, Chế Bồng Nga lại đánh phá Thanh Hóa.
•Năm 1383, Chế Bồng Nga đem quân chiếm đóng đồng bằng sông Hồng một lần nữa. (Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục thì Chế Bồng Nga đánh phủ Quảng Oai.)
•Năm 1389, Chế Bồng Nga lại xuất quân đánh nhà Trần và bị quân nhà Trần do tướng Trần Khát Chân chỉ huy giết chết trong một trận thuỷ chiến ở Hải Triều.
- Ý kiến của TC, "cho con mình phá nát đời vài con Hán" Đúng đấy, he he! có tiền lệ rồi mà, bắt đầu từ con trai nhà Lữ Thái- xem tin bên Trỗi k4.
HCQuang nói...
Về chuyện dời đô thời nay:
Theo ngu ý của đệ thì, để tránh thật xa kẻ thù truyền kiếp, kinh đô nên dời hẳn về ... Phú quốc.
Ủa, quốc hữu hóa hồi nào mà dời đô zìa đó? Đất riêng của mấy anh nhớn mà?
Đăng nhận xét