Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Lặng lẽ của “Lặng lẽ…”


                                                                                                        
                                     Trần Chiến

Thời nào có văn chương nấy, kiểu cách nghệ thuật riêng. Một quãng rất dài, nhân vật được coi là một trong những tiêu chí thành công. Người ta có thể quên Nam Cao nhưng cái anh Chí Phèo còn giãy đành đạch trong cửa miệng bình dân. Nghe nói khi Liên Xô làm phim “Sông Đông êm đềm”, đạo diễn tuyển diễn viên đóng Grigôri Mêlêkhốp, thấy anh nọ trước khi nhảy lên ngựa đá vào chân con vật, bèn chấm. Cái động tác như vu vơ ấy hứa hẹn rất nhiều “phẩm chất Cô dắc”. Tìm được nguyên mẫu để tạc ra nhân vật như vớ được vàng. Các chi tiết xung quanh anh ta sẽ vừa làm người đọc dễ nhớ, vừa tải được những gì ta gửi gắm, nhà văn reo lên như vậy sau bao nhiêu vật vã. Nhân vật có cuộc sống riêng “bướng bỉnh”, dường như khác với các trào lưu văn chương hiện giờ (Hậu hiện đại được nhắc đến nhiều hơn cả) hay lộn trái phải không gian thời gian tính cách… theo chủ quan tác giả.
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long để đời lại một anh khí tượng. Hồn nhiên, hơi rụt rè, chu đáo, trong trẻo, anh lại thật mạnh khi lăn gỗ xuống đường cản bánh xe khách, cốt có người nói chuyện. Đấy là những chi tiết làm người đọc phải nhớ mãi, nó “đính” theo cuộc sống heo hút trên đỉnh đèo. Nhân vật thứ hai, người họa sĩ già đầy tâm trạng, có lẽ Nguyễn Thành Long chỉ việc “đẽo” từ mình ra. Mờ nhạt đằng sau là cô kỹ sư đi nhận việc, ông xe ca, nhanh chóng rụng khỏi trí nhớ người đọc.
Lọ mọ đi tìm lại nguyên mẫu của một nhân vật nổi tiếng để đối chiếu đôi bên, là một cái thú. Để xem mức độ hư cấu, tưởng tượng, tiếp tục sống theo nhân vật của nhà văn thế nào, thử đặt mình vào “vai” này “vai” nọ “cương” tiếp. Biết đâu, ta nhặt được vô khối mảnh quý giá để khai thác tiếp. Từ lâu, dân khí tượng Hoàng Liên Sơn truyền nhau về một đồng nghiệp đã gặp Nguyễn Thành Long trong hoàn cảnh như trong truyện. Rất đáng để tìm đến. Cũng còn một thôi thúc khác: “Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, giữa buổi cả nước hát hành khúc đọc thơ Tố Hữu,  cái “tông” trữ tình ấy rất lạ, rất khó dựng. “Chảy ngược” chứ còn gì. Vài nhà văn nay ngót nghét bẩy chục kể năm ấy đưa đàn em  đi thực tế, gặp chàng khí tượng nọ, Nguyễn Thành Long bần thần rồi cuống lên đòi quay lại Hà Nội ngay, bỏ luôn “sứ mạng” dẫn dắt. Nhà văn sẵn ý tưởng gặp “mẫu” như mây dông phải sét, thế là đắm ngay cháy ngay, để lâu thời niềm riêng nó ĩu ra, cảm hứng tơi tả mà giọng điệu cũng rời rạc.
Tôi lên huyện lỵ Than Uyên, Lai Châu. Nguyên mẫu của chàng khí tượng ngày nào là ông Lê Văn Sử, đã nghỉ hưu, sống ở đây. Bà vợ có sạp hàng khô ngoài chợ thị trấn, ông ngồi chữa đồ điện sinh hoạt bên cạnh, lủng cũng những bếp từ quạt máy hỏng. Tôi được người quen ông giới thiệu, và ông cũng cởi mở, việc “khai thác” trở nên dễ. Té ra là còn một cuộc sống khác lắm đỗi lắm nỗi, sôi nổi thăng trầm đủ cả, xin chép lại mà không đưa chủ quan vào…
Về cuộc gặp gỡ làm nên thiên truyện để đời, Lê Văn Sử kể:
- Năm 1970 tôi ở trạm Hoàng Liên Sơn thuộc đài Vật lý Địa cầu Sa Pa, đóng trên đèo Ủ Quây Hồ, tức “Năm con hổ quây lại”, cùng với Nguyễn Xuân Tỵ. Tỵ là “con sóc Hoàng Liên Sơn”, mình bắc bếp chưa chín nồi cơm anh ấy đã kiếm được rổ nấm. Bấy giờ xe ca Lai Châu tuần một chuyến, ông lái dẫn Nguyễn Thành Long lên trạm lần đầu gặp Tỵ.  Lần sau lên, cũng xe ca, ông Long hỏi ngay “Anh Tỵ đâu?”. Ông ấy xưng họa sĩ, có cô kỹ sư đi nhận việc, nhưng không có đoạn để quên khăn tay như một lời trao tặng đâu. Hoa không trồng, tôi dứt bông bách hợp từ vách đá tặng. Người hay lăn gỗ để tán chuyện là tôi. Tôi cũng không đun nước pha chè, nhưng luộc trứng gà tặng. Ít lâu sau nghe “đọc truyện đêm khuya” trên đài. “Ô. Sao giống mình thế!”.
Vậy là có hai nguyên mẫu (gọi là “nguyên cớ” chắc cũng chả sai) cho chàng thanh niên trong truyện. Ông Tỵ sau về quê Thái Bình chẳng sủi tăm. Ông Sử không quá bẽn lẽn, hồn nhiên, mỏng manh như nhà văn nặn, cũng thảo tính, quý người, nhưng nghịch tinh, bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Có khi ông “hiện đại” giống cô kỹ sư trong truyện hơn, thế chăng? Truyện viết “Lặng im chỉ chực mình ra là ào ào xô tới”, ông bảo “ thèm người thực, nhưng thế mãi sống sao được”. Những trạm Tam Đường 180 bậc dốc đứng, trạm Sơn La 270 bậc trông sang nhà tù cũ ông nhớ như in. Đời cắm trạm “mọc” ra đến lắm  nghề: làm thuốc, cơ khí, điện máy, hướng dẫn du lịch, mỗi thứ mỗi tý.
Ở tuổi 75, ông Sử còn giữ được tầm dong dỏng, thời trẻ chắc vào loại cao ráo. Ông dẫn tôi về nhà, dáng đi bơi bơi, có lẽ hợp với biển mây hơn phố huyện. Kho chuyện mở ra, chả biết Nguyễn Thành Long sống lại nghe có thêm được mấy thiên “Lặng lẽ” nữa…
“Quê tôi Bình Lục Hà Nam, đúng làng Ngọc Lũ trống đồng. Tôi sinh 1937, thầy tướng bảo đoạn giữa đời khổ lắm. Học tiếng Pháp qua ông ngoại, không thuộc phải đấm lưng, đấm cả trưa rất hãi nên phải thuộc. Năm Cải cách bị quy địa chủ, mẹ ức bỏ lên Tây Bắc làm cấp dưỡng khí tượng, tôi vào nghề từ đấy, đi khắp các trạm và cũng leo từ sơ cấp lên đại học. Giám đốc đài Vật lý địa cầu Sa Pa Nguyễn Tác Nhân đưa sách tiếng Pháp, bắt học thêm, thỉnh thoảng mình dẫn khách du lịch, họ về gửi bưu ảnh, “sú vơ nia” vui lắm. Có quyển “Petit Larousse”, tôi tí toáy dịch kịch “Người thú” của V. Hugo”.
  “Lán ông Long lên ở độ cao khoảng 2000 mét, có giường, bếp củi, trong thưng ni lông che gió kín mít, nên ngủ dậy lỗ mũi đen xì. Tháng có 50 đồng lương, 21 cân gạo, 6 quả pin, sổ mua dầu hỏa, đài Orionton chạy ắc quy. Ngày lên vườn máy vào 7, 13 và 19 giờ đo nhiệt độ khô – ướt – cao – thấp, độ ẩm, bốc hơi… ghi sổ, xuống tính toán rồi chuyển về đài mẹ. Gió rùng rợn, dây trên vườn hú ầm ầm, ra rừng nằm trên thảm lá mới khỏi lộng óc. Mùa đông tuyết rơi vài tấc. Cô tịch  nhất là lúc hết mặt trời, không thấy khói bếp dưới bản, vặn đài thật to rồi hát theo. Nghiện thuốc lào từ đấy”.
“Ăn thì khỏe kinh khủng, vì cứ đói là rét không chịu được. Tháng ba chục cân gạo dễ cũng hết. Được cái bộ đội, lái xe chơi thân, lỡ độ đường ngủ lại, rồi thịt thà cá khô đem cho. Chả tủ lạnh gì cả, trời rét không ôi thiu, với lại mình chén hết ngay. Món đặc sản nhất là quả táo Mèo xanh thái ra rang với mắm tôm, nhưng ăn nhiều quá táo bón. Cho nên trồng rau nhiều, cải xanh cải xoong, kiếm nấm tai chuột cho mát ruột. Chả trồng hoa đâu, như anh chàng trong truyện ông Long thì lãng mạn quá. Nói không ngoa, phải ăn tạp uống tạp sống tạp mới trụ nổi trên đèo. Thuốc phiện thử ba điếu về như nằm trong cối bọ chó, không dám chơi nữa, giờ thấy là may. Thịt hổ ăn rồi, xào su hào rất ngọt. Nhưng râu nó độc, chọc vào da mưng mủ ngay. Mật gấu mật ong để chậu cứ ra miếng vào miếng, nó phát ra đêm ra suối vật đá, sau người lở lói phải trần truồng nằm lá chuối. Sợ nhất là trời khô, độ ẩm còn 7%  xì mũi ra máu cam”.
“Chơi với dân Mông rất có tình. Hạng A Giang, già bản San Sả Hồ vác củi sụn sương sống, bò lên lán, tôi bó thuốc cho, ông ấy cho con trai Hạng A Páo lên trồng cho cả nương xuyên khung củ bằng cái ấm. Xe tải chở muối, tôi bòn chỗ sót trộn vôi thành đá muối đem rải, nai hoẵng ra liếm thợ săn tha hồ bẫy, thịt cài lại trên cửa cho mình. Chó săn cắn chết khỉ của mình, ai biết đấy là đâu, họ cho con khác”.
“Cả đời một mình trên núi, không lọ mọ không được. “Đầu quy phá máu”, tôi đem câu ấy của ông ngoại dạy đàn bà đẻ tống máu độc ra ngoài. Thuốc phiện cũng làm sạch khí huyết, rong kinh. Được cô người Dao nhận làm bố nuôi vì chữa rắn độc cắn; nhưng giờ thì sợ rồi, không khỏi nhỡ phải kiện tụng. Đọc sự tích đền Bà Vôi trên báo Thiếu niên tiền phong, tôi bắt chiếc lấy vỏ cây gạo băm ra, đái vào đấy, gói lá dong đắp cho bà người Thái bản Cang, ba lần thì đạp xe được”.
“Làm khí tượng thì phải tỉ mỉ,  đúng bài bản, quy trình học. Nhưng lắm kinh nghiệm dân gian nên theo. Đận kiến bống tha đất be tổ, ong không bay xa kiếm mật, tôi đoán gió to về, báo cho nông trường Than Uyên huy động người gặt đêm, khỏi mất vụ. Những xe lên đèo hỏng tôi ghé vào cho lái sai, sửa được “pan” điện “pan” xăng với cả thay lốp vá săm. Cái nghề chọc ngoáy đồ điện bây giờ từ hồi ấy mà ra. Hàng xóm buôn sắt vụn, tôi sang bòn ốc vít dây rợ trở tụ về chữa đài đóm, nổi cơm điện, ti vi, quạt. Nhưng nhà bừa bộn, vợ ngứa mắt lắm”
                                         *
Những chuyện củ tỷ của một thời, một đời cứ bò ra rì rà rì rẩm, nào ngày ấy rừng rậm thú nhiều, nào mồng một Tết xẻ ván chôn thằng thợ xẻ. Nó cho thấy lao động, sức tưởng của nhà văn gia giảm so với thực tế thật gớm ghê. Sang đoạn gia cảnh thì trầm hẳn.
“Đã ăn hỏi một người đồng hương, tôi lại “vấp” phải cô bưu điện Sa Pa chửa ra đấy. Lấy nhau rồi, luôn xa nhà, mỗi lần về lợn cợn gì bỏ qua hết. Nhưng sau 35 năm chung sống với bốn mặt con thì càng ngày càng thấy quá tệ. Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông, đề đóm chửi rủa đủ cả, chả như đàn bà Thái khác. Không chịu nổi. Cãi nhau. Đòi li dị, người ta sang hòa giải bà ấy xách túi bỏ đi, ông kia bảo “thế thì níu kéo làm gì!”. Rồi về Than Uyên cạp lại với bà bây giờ, là Phạm Thị Đường. Được chăm chút, nấu miếng ăn hợp bộ nhai yếu, gắp cho thứ mình thích, tuổi tác dựa vào nhau thế. Có chuyện tình cờ ở đây… Mấy chục năm trước ông cụ nọ từ xuôi lên thăm con gái, địa chỉ là “Xê hai ba” bên Than Uyên nghe nhầm thành “lên Sa Pa”, đến đỉnh đèo thì cái ăn chả còn gì, mới vào trạm nhờ. Hôm sau đi tôi đùm cơm nắm, măng với muối rang đem theo, ơn lắm. Lấy bà Đường rồi, tôi theo về nhà thấy ảnh ông cụ năm nào trên bàn thờ, hóa ra là bố bà ấy, đận gặp mình là thăm con gái, đi lạc”.
- Giờ có điều kiện bác có quay về quê Hà Nam ở không? – Tôi hỏi ông Sử.
- “Phú quý quy cố hương”, tôi nằm lòng câu ấy. Giầu có mới nên về quê. Nếp quê bìu ríu ấm áp thật, nhưng thăm nhà này quà nhà nọ cũng vướng víu. Mình không phú quý, lại quen ở phố huyện nó tự do hơn rồi, chả về ở được. Nhưng Tết ra hay về thắp hương các cụ dăm ngày lại lên.
“Có miếng đất xa chợ, vợ chồng đều muốn làm nếp nhà về ở, nhà sàn càng tốt, chỉ sợ không có gỗ. Đỡ ồn ào lắm, sáng dậy được hít cái thơm tho trong trời đất…”, ông Sử bảo. Đoạn này thì có thể rất giống không khí trong truyện ngắn trên kia. Cái nếp cô tịch hằn vào người đã sâu quá lâu quá, thế chăng? Hay là vì tuổi tác?
                                    *
Lê Văn Sử đã đóng những Sơn La, Mù Cang Chải, Sa Pa, Than Uyên…, thế là giang hồ bạt thiệp khắp một Tây Bắc hữu hình rồi. Lại vào cõi “vô hình”, được nhà văn Nguyễn Thành Long tạc thành nhân vật trong truyện ngắn bất hủ “Lặng lẽ Sa Pa”, tức là ông – và cả ông Nguyễn Xuân Tỵ – sẽ sống lâu hơn, nhiều cuộc đời hơn rất nhiều so với những núi non sông suối con người khác của Tây Bắc, vốn đang biến dạng kinh khủng. Văn học có ý nghĩa ở chỗ ấy, định hình nên những cột mốc trong khi thời đại cứ vật đổi sao giời.
Nghĩ đến đây thì lại phọt ra câu “Thế bao giờ thì mình mới gặp nguyên mẫu của mình, tạc được thành nhân vật của mình?”. Giời ạ…

      Tháng 2 – 2012
--------------------------------------
TB. Cái này nó dài, hơi sâu về nghề nghiệp tý. Nhưng ông Lê Văn Sử vừa mất đêm qua 17-4, thấy buồn buồn, mình đem lên đây chia sẻ. Cũng tiếc vì hôm gặp không hỏi ông ấy “định” chết thế nào, dù thế là nghiệt ngã quá.

10 nhận xét:

chí nhân nói...

Đọc tùy bút của Trần Chiến biết ngay là nhà văn , ngói bút cứng cáp và sắc sảo , không có ký ức thì ko nhận ra cái anh bạn ngày nào tuổi độ 20 ,chiều 2 đứa đi dạo , 2 cái mồm hát lên ông ổng giữa trời , tiếng hát cũng thậm thụt lên xuống theo bờ ruộng , hẫng 1 cái là bản nhạc đựơc đính thêm 1 dấu lặng và 1 ca từ tiếng " đức ".Chỉ có nhánh sông Cà Lồ lặng lẽ ,ruộng lúa Hương Canh xao động và ngôi miều nhỏ núp dưới lùm tre lắng nghe thôi; giá mà hồi ấy Anh viết được như bây giờ thì có khối chuyện để cười để khóc... nhưng " giá mà" cũng là từ hoa mỹ thôi.kinh nghiệm đổi bằng sức trẻ .Mà Trường Chiến đổi cũng được nhiều kinh nghiệm đáng đổi rồi.Chí Nhân chúc mừng , dù hơi muộn màng

Hoang Giang nói...

cho tôi mượn com. để nhờ bác TL một chút , TC thông cảm nhé !

Bác TL : Tôi nhờ bác 2 việc , bác giúp tôi nhé !
1- Bài thơ "Khúc vĩ thanh buồn" đăng bên trang BTk3 mới chỉ là bản thảo , còn bên TT là bản tôi đã chỉnh sửa hoàn chỉnh . Nhờ bác thay cho tôi bên trang BTk3 nhé (không phải đăng lại)!

2 - Tôi muốn gửi đến bạn bè mình một ca khúc (mà tôi thấy hay) , tình cờ tôi nghe được , có tựa đề NGÀY XƯA ƠI . Tôi không biết tên tác giả , chỉ biết câu đầu "Ngày xưa có cánh diều chao hững hờ , vi vút sau rặng tre ..." . Nếu được , bác đăng lên nhé (có lời ca càng tốt !)!
HG xin cảm ơn trước ! Mong gặp bác ngày gần nhất , có thể .

Hoang Giang nói...

Bác TC ! Giá được đọc một cuốn tiểu thuyết bác viết ngay trong đời này thì chắc ACE mình quả là vinh hạnh . Tôi cầu mong được cái vinh hạnh ấy , chắc chắn ACE mình cũng nghĩ như tôi . Bài tùy bút của bác đã quá đẹp rồi , đừng dừng lại nhé ! Không phải bác làm , bọn tôi không thằng nào làm được đâu !
Vài lời tâm sự , có thể qua mặt bác , bác tha cho tôi nhé ! Tôi và anh em đang chờ đấy !
Tôi nói thế có phải không các ông ?

chí nhân nói...

Hòang Gian nói đúng nguyện vọng rồi.Nhưng kỳ vọng 1 tiểu thuyết thì hơi lớn . ít nhất là 9 tháng 10 ngày. 9 người đàn bà chửa mỗi người 1 tháng cũng không sinh nổi 1 con .cứ để T.Chiến thai nghén cái đã. T.Chiến có gì ngăn ngắn đọc cũng thích rồi

Tualinh nói...

@HG,CN : TC có một tiểu thuyết rồi chứ : "Đèn vàng",và đã dựng thành bộ phim truyện cùng tên.Tiền truyện,tiền phim tiêu hết từ lâu rồi hai bác ạ. Tìm hiểu thêm thông tin ở đây.

Truyện ngắn 'Lặng lẽ Sa Pa',tui có đọc trên tạp chí 'Tác phẩm mới' thì phải,lâu lắm rồi, còn ấn tượng tới giờ. Câu chuyện thanh bình,thơ thơ mộng mộng đầy mỹ cảm,nhân vật hiền hòa thư thái như cảnh vật, có cái gì như là 'sức sống vĩnh hằng' ở trong câu chuyện đó,khác hẳn với không khí chiến tranh sục sôi,bùng nổ 'tiền tuyến','hậu phương' trong hết thảy các tác phẩm văn học thời bấy giờ 70-72.
Sau đó lại đọc được một bài báo phỏng vấn TG về việc sáng tác truyện đó.
Nhớ một chi tiết : người ta hỏi ông NTL thực ra có lên tới chỗ trạm khí tượng heo hút ấy ko,ông trả lời : ko,chỉ gặp anh khì tượng ở thị trấn Sa Pa ,hỏi chuyện một đêm bên bếp lửa mà hình dung ra rồi viết.
Hỏi tiếp tại sao ko bỏ ra vài ngày lên trạm cảm nhận thực tế,biết đâu thêm cảm xúc. Ông trả lời : ông biết những gì ông đang cảm ,hình dung được lúc ấy là 'đỉnh', 'hay' nhất rồi,Ko ngại lên trạm mà chỉ sợ lên tới nợi, trước thực tế 'thật' lại 'tan' mất cảm hứng viết câu chuyện.
Nhớ lại như thế,ko biết có sai lệch ko,nhờ TC nhận xét hộ.

chí nhân nói...

chí nhan có đọc Tổng tập giai đọan qua của TC và có biết cả ĐÈN VÀNG của TC . do trỗi K6 đăng.ý HG là muốn đọc 1 tiểu thuyết mới. CN mới nói là fải có thời gian

Hoang Giang nói...

Các bạn : tôi cũng biết TC "thai nghén" từ rất lâu rồi . Tôi cũng vậy nhưng (lại phải NHƯNG) trong chuyện văn chương này có phải ai "thai nghén" cũng "sinh" (tôi phải dùng chữ SINH cho trọn nghĩa) được TP để đời đâu . Trong ACE mình , tôi nghĩ , chỉ có TC mới hội đủ phẩm chất trác tuyệt ấy ( có thể tôi chưa hiểu được hết mọi người , có gì sai quấy các bạn bỏ qua cho nhé !) . Tôi và mọi người chỉ muốn làm một giọt nước cho tràn ly "thai nghén" của TC thôi !
Ôi , thật vinh hạnh vì có được các bạn trong cuộc đời này !

TC nói...

Đọc cái ý của HG thì tớ phải đau khổ thú nhận rằng tớ đang chửa voi, ko phải chửa trâu. Đang viết cái dài dài thì tắc. Nhưng cứ sướng vì ae có đồng cảm.

TL: tớ nghe ông Sử này kể gì thì bê nguyên si vào bài. Chỉ có đoạn kể về bà vợ đầu tệ quá thì thôi, như là ko nỡ. Hỏi han thế tưởng là kỹ rồi, mấy hôm vừa rồi nghe ông Sử ốm nặng, lại tiếc ko hỏi một câu "ác", là hình dung sẽ kết thúc thế nào. Giờ thì ông ấy đã tịch, cũng buồn buồn. Hình như con cái cũng ko như ý, phải nghĩ ngợi.
Đoạn ông Long trả lời phỏng vấn mình ko biết. Chỉ nghe vài nhà văn trẻ (hồi đó)bảo ông Long gặp anh khí tượng rồi cuống lên, bỏ đoàn về ngay. Nhà văn nhiều khi chỉ "làm món nhúng", ko vào sâu thực tế quá nó ko như cái họ muốn.Lại có ông thích nhúng thật dừ, tôn trọng cái thật. nhưng nói chung ông nào cũng thích cái chân thực mà sợ cái thật thà

Tualinh nói...

@TC : mình nghĩ,văn học cần chân thực. Nếu thật thà thì ở chỗ khác,ko thì...hết văn!
Và với những người 'ngoại đạo' - cũng ko dễ gì phân biệt được hai cái này,phải ko TC?:)

TC nói...

TL: chuyện cậu nói làm tớ nhớ đến phim "Nhà giàu cũng khóc" của Brazin, cách đây chừng 20 năm, làm nức nở bao công chúng truyền hình. Hồi đó tớ sốt ruột vô cùng, hai người gặp nhau, nói "Chào bác". "Chào cháu. Cháu khỏe ko"- "Cháu khỏe ạ. Còn bác?"- "Bác khỏe" - Vậy thì cháu rất mừng". Đấy có thể coi là "thật thà", chiếm đến 5 phút.
Chuyện chỉ bắt đầu khi hỏi nhau "Sao bác phờ phạc thế" hay "Hôm qua lại cãi nhau giận nhau à". Nhưng lại có thể coi là một chiêu câu giờ của nhà làm phim, để thay áo quần, rền rứ. Các bà nội trợ vừa rửa rau vừa xem, các ông thể dục sáng rất "chịu" sự thật thà này.
Giờ thì người ta chắc ko ưa được tốc độ chậm vậy. Phim hành động Mỹ vào cái "máu" ngay, tạo ra tâm lý xem/ đọc kiểu khác. nhưng nhiều cái vẫn câu giờ, lúc xem ko đứng dậy đái được, nhưng xong thì chả còn gì để nghĩ.
Nói cho cùng khi "sáng tác" người ta nghĩ đến ai đọc, rồi "chế" theo khẩu vị người ấy, thích thật thà hay chân thực mà vẫn khái quát để gia giảm. Có nhiều ông bảo "Tôi viết chỉ để sướng mỗi tôi thôi", nhưng thực ra không nghĩ đến người đọc khó lắm. Nói như cậu thế là rất đúng đấy.