Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Bất hủ một Bài Thơ : " Em ơi! Hà Nội - Phố "



Trường ca


Em ơi! Hà Nội – Phố

Gửi những người Hà Nội đi xa  
1.
Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xếp nhỏ 
Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng
Xập xòe
Kỷ niệm
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người
Không tên phố
Người gửi không tên

Ta còn em chút vang động lặng im
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố
2.
Em ơi! Hà – Nội – Phố!
Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ 
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xao nỗi nhớ
Mỗi góc phố một trang tình sử…

3.
Em ơi! Hà Nội – Phố
Ta còn em rì rào cơn mưa trong chùm lá
Nhà thờ Lớn Hà Nội

Những hạt nhỏ đọng trên mái tóc ai
Vòm trên cao chuông hồi đổ xuống
Nhà thờ Cửa Bắc
Tan chiều lẻ
Kinh cầu còn mãi ngân nga
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa
Trên hè phố
Chàng Trương Chi ôm ghi ta
Ngước lên cửa sổ
Một ngày nào
Trống không ô cửa
Tiếng hát Trương Chi
Ngợi một số nhà
Ta còn em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga…
4.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình
Trên sân cỏ

Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy
Lang thang không bến đỗ
Thằng bé qua tuổi thơ
Bâng khuâng
Vội vã 
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở
Nhà ai
Qua đó
Nao nao nhớ tuổi học trò…
Ta còn em dàn thiên lý chết khô
Những chùm hoa năm xưa
Thơm hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm
Nụ hôn còn xanh mãi trên môi…
5.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang
Vàng vàng cỏ
Cô gái nhẹ buông rèm cửa
Chàng mũ lệch diễu qua
Lời tỏ tình hôm qua dang dở
Ta còn em ngày vui cũ
Tàn theo mùa hạ
Tiếng ghi ta
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ
Thuở ấy
Xanh lơ…
6.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em tiếng tíc tắc
Chiếc đồng hồ quả lắc
Đong đưa tiếng gõ

Nhịp thời gian chậm chậm
Già nua
Căn phòng trống
Mệt nhoài
Bóng lẻ…
Ta còn em hồi chuông thu không
Ngôi chùa ẩn trong cùng hẻm phố
Những hàng xoan
Nghiêng nghiêng bóng đổ

Đầu ngõ sót cây hoa gạo
Từng sợi nắng rớt theo màu đỏ
Lao xao tiếng phố
Chợ chiều còn họp giữa kinh đô
7.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em những ngọn đèn mờ
Trên nóc cao
Vầng trăng không tỏ
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ…

Người phu xe đợi khách bến đầu ô
Lão Mozart hàng xóm
Bẩy nốt cù cưa
Từng đêm quên giấc ngủ 
Ta còn em tiếng dương cầm
Căn nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và Sonate Ánh Trăng
Những nốt nhạc thiên tài
Lẫn trong mảnh vỡ…
Ta còn em một đam mê
Một vật vã
Một trống không
Tan tiệc
Tàn đêm
Cô gái áo đỏ Venise
Một bản valse dang dở
Những phím đàn long
Một kiếp người
8. Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em khuya phố mênh mông
Vùng sáng nhỏ
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa
Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ
Cơn say quá dài thành một cơn mê…
9.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em tiếng hàng ngày
Reo vang đường phố
Lanh canh! Lanh canh!
Tia hồi quang chớp xanh
Toa xe điện lên đèn
Người soát vé áo bành tô sờn rách
Ai xuống Bờ Hồ!
Ai đi Mơ!
- Ai lên Bưởi! 
Lanh canh! Lanh canh!
Một đời cơ nhỡ
Trăm ngày ngược xuôi
Đầm đìa nước mắt
Á vã mồ hôi
Bơ gạo mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày… 
10.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…
Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa
Chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vồi vội
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai

11. Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em cơn mưa rào
Lướt nhanh qua phố
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ
Cô gái băng qua đường
Chợt hồng đôi má
Một chút xanh hơn
Trời Hà – Nội
Hôm qua…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu…
12.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…
Ta còn em mùa nước xuống
Mất tăm bãi giữa sông Hồng
Chiếc bè nứa xuôi qua
Lặng lờ
Không ghé bến
Con tàu nhổ neo
Hồi còi vọng
Như tiếng than dài
Mùa này trăng vỡ trên sông
Trong trống vắng
“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực”
Lữ khách khẽ ngâm bài Tống biệt:
“Mẹ thà coi như chiếc lá bay…”* (Thơ Tâm Tâm)
Ta còn em hàng cây khô
Buồn như dãy phố
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Những ngôi nhà cửa đóng
Im lìm
13.
Riêng về một chuyến đi
Ga Hàng Cỏ.
Những người con lên đường.
Năm khởi chiến.
Tuổi mười tám trong hàng quân.
Đầu đời
Chàng trai nhận nụ hôn
Từ cô gái trong đám đông đưa tiễn…
Con tàu chở những người lính.
Về phía Nam vào trận đánh
Chở theo những căn phố.
Những con đường.
Chở nguyên Hà Nội nhớ.
Với những vết môi hôn.
Anh lính trẻ
Nghe tiếng súng khai trận.
Bỗng bàng hoàng.
Bỡ ngỡ.
Và thật bất ngờ.
Như nhận nụ hôn…
14.Em ơi! Hà - Nội - Phố!
Ta còn em chiếc xe hoa

Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa
Mùa xuân trong khung
Chi chít chồi sinh
Ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào
Những gót son dập dìu đại lộ
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?
15.Em ơi! Hà - Nội – Phố!
Ta còn em đường lượn mái xong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn
Xô lệch ngói âm dương
Ai đó còn ngồi bên gốc đại?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa
Chợt quên bên đường ai đứng đợi
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!
Ta còn em một cuộc tình
Như một bài thơ
Những nỗi đau gặm mòn phận số
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ…
16.Em ơi! Hà – Nội – Phố!
Ta còn em lô xô màu ngói cũ
Hiu quạnh
Một ngôi nhà
Oa oa tiếng khóc

Ngày ra đời
Cơn bão rớt
Bẻ gãy cành đa
Con vừa lớn
Chinh chiến gần kề trước cửa
Ta còn em con đường đá
Lát bao niên kỷ
Cây si kia trồng tự năm nào
Nhớ ngày tóc mẹ chưa lên trắng
Chiều nay qua sông vắng
Xót mẹ
Còng lưng
Gánh tuổi già…
17.Em ơi! Hà – Nội – Phố!
Ta còn em đồng kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã
Lâu đài, cung điện
Võng, lọng, ngựa, xe
Những hình nhân
Xênh xang áo mão
Một thời nào
Ngập ngụa vàng son…
Ta còn em mớ tro than
Tiền giấy
Mịt mù mặt phố
Che mờ
Khổ ải
Trần gian…
18.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy…
Ta còn em tiếng gọi trong đêm
Người trở về
Ngày đi nặng nỗi mang tên Nhớ
Ngày về căn nhà không biển số
Phố cũ quên tên
Quên bậc đá
Quên mái hiên
Quên cây táo trồng ngay trước cửa
Ngày về ra rả tiếng ve kêu
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo
Võng trưa hè
Đung đưa kẽo kẹt
“À ơi! Trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ…
Người về sững sờ bên cánh cửa
Tiếng ơi à
Gọi lại
Mảnh đời quên…
19. Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ
Một thịnh
Một suy
Thời thế
Lẽ hưng vong
Người qua đó hững hờ bài học sử…
Ta còn em dãy bia đá
Danh hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa
Ly rượu đầy xin rót cúng cha
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ|
Bến nước nào đã neo thuyền ngự|
Đám mây nào in bóng rồng bay?
Ta còn em những giấc mơ nhã nhạc
Lộng lẫy xiêm y
Nhịp nhàng dáng vóc cung phi
Những hào kiệt
Những anh hùng
Vương triều nào cũng có
Những kẻ cuồng si cũng có
Thắp nén hương nhớ người tri kỷ
20Riêng về một tháng chạp
Tháng Chạp
Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng
Tháng Chạp thủ thỉ lời hò hẹn:
“Qua đợt gió mùa
Ngày mai ta đến với mùa xuân”
Tháng Chạp
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa
Đã có tên
Trong vòng hoa tưởng niệm
Một tháng Chạp
Trắng khăn sô
Khói hương dài theo phố…
Một tháng chạp.
Thâu đêm.
Mẹ.
Thức.
Hóa vàng…
Một tháng chạp.
Con đường ngẩn ngơ.
Dãy phố không người ở.

Những khu trắng nằm trong tọa độ.
Cầu Long Biên

Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ.
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa.
Tất cả thí thân cho một mất một còn.
Lời thề ra đi của những người bỏ phố.
“Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!”
Một tháng chạp.
Phường phố rền vang còi hụ.
Cái chết đến tự phương nào?
Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào.
Cô gái loan truyền tin bão lửa.
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!”
Một tháng Chạp
Cây bàng mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Nóc phố mồ côi mùa đông…
Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố
21.Em ơi! Hà Nội Phố!
Ta còn em năm cửa ô
Năm cửa gió.
Cơn bão những năm nào qua đó.
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhòe
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố.
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường!
Một mình giữa bóng chiều sa
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha
Một bầu trời mãi mãi của riêng ta
Những nỗi buồn vô cớ!
Luôn luôn rất lạ
22.Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng.
Những giọt sương nhòa bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm.
Bỗng nhiên trở lạnh.
Tháp Rùa bóng nước lung linh.
Người ra đi mang theo buốt giá.
Áo choàng không ấm thân gầy.
Cầm bằng theo cánh chim bay.
Người đi tìm khoảng cách
Để quên.
Nào biết nơi phương xa.
Tháng năm mài mòn.
Đôi mắt nhớ.
23. Em ơi! Hà Nội – Phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ,
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xếp nhỏ…
Ta còn em!
Ta còn em
Ta còn em
Mãi mãi…./.

    Há nội 1972-Phan Vũ

16 nhận xét:

TC nói...

Ông Phan Vũ này bị đánh đập cũng ghê, phải yêu HN lắm mới viết được thế này. Và vào năm 72 thì cách viết cũng rất mới
Nhưng thành phố đang ngày một xấu đi. Ko dễ thương nữa

TK8 nói...

Phan Vũ thách đố tuổi tác


Em ơi! Hà Nội – Phố

Ngoc Anh nói...

Bọn em cám ơn chị Linh đăng các bài khoa học và văn học. Thỉnh thoảng chúng em ghé qua trang BTK3 thấy nhiều bài hay lắm. Mặc dù biết khoa họa và nghệ thuật chỉ là một, nhưng em vẫn thích sắc màu nghệ thuật hơn, cho nên đọc toàn bài thơ của bác Phan Vũ mới hiểu hết hình tượng và ca từ của bài hát Em ơi Hà nội phô, rồi nỗi ám ảnh về nó cũng được hóa giải,giống như lời ca của ông Trịnh Công Sơn người ta nói nó như câu chú phù thủy,bị say mà khó hiểu.

HCQuang nói...

Tui biết nhân vật trong bài thơ mà tác giả gọi là "em". Chị ấy cũng đáng để "lên" thơ.
Dĩ nhiên thơ thì phải hư cấu (thơ thẩn mà lại). Tác giả lấy một em có thật để phác họa nên một "em của Hà nội phố", một "em của thơ".
HCQuang

Tualinh nói...

@TC : 'phải yêu HN lắm mới viết được thế này',quá đúng. Mình rất muốn xen vào câu của cậu thêm 5 chũ:
'phải yêu HN lắm và phải là Phan Vũ mới viết được thế này'

Tualinh nói...

@TK8 : Ông Ph.V bây chừ vẽ tranh miệt mài thì thuận theo...'lẽ giời' rồi còn gì.

Vì "Em ơi! Hà Nội-Phố ' là một tác phẩm Thi - Họa về Hà Nội độc nhất vô nhị...cho tới giờ.
'Thách đố' của ông thực sự là 'đáng gờm' với tuổi trẻ đấy.

TK8 nói...

- Răng HCQ thông thạo chiên iu đương rứa hè ?

- "Chị Linh" dễ xương wá, chị nhiu tủi, còn trẻ là em nhào zô cua chị lun !

hadongtran nói...

Với 1 tác phẩm " khủng " như thế này thì biết viết gì đây , viết bao nhiêu cho đủ - nhất là với 1 kẻ " chân đất mắt toét " như tôi ???.
Nhưng thôi , xin cứ liều vậy , ít nhất thì cũng là tỏ đc tấm thịnh tình của bản thân với ông bạn TL , người miệt mài như con ong thợ bé nhỏ , chăm chút cho trang blogk3 - nơi qua lại của biết bao lãng tử hào hoa , mà chẳng mấy ai nhớ để lại ... dù chỉ 1 chút gọi là ...

Số phận bài thơ & tác giả của nó , người ta đã nói tới khá nhiều , tôi ko muốn nhắc lại .

Đã lâu rồi , trong tôi có 1 câu hỏi : thơ về HN , chẳng biết có bài nào đạt tới cái tầm của " Em ơi ..." ko ?.( tất nhiên là câu chuyện của sáu bảy mươi năm trở lại đây thôi , còn xa hơn , thì với kiến văn nhỏ hẹp , tôi xin nhường lời cho những bậc cao thủ TC , Lê Công , Chí Thọ , TL ...).
Và trong số những " tượng đài nghệ thuật "(nói chung ) về HN , thì bài thơ này chiếm vị trí thế nào ?.

hadongtran nói...

Nếu " Người HN " của NĐT là 1 bản hùng ca hào hoa mê đắm , thì với tôi , " Em ơi , HN phố " lại là 1 cuộc triển lãm ngôn từ độc đáo , có một ko hai , cuộc triển lãm về những cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng mà phiêu lãng mang âm hưởng Pautovski , về HN .
Trong bài thơ , 23 khổ thơ là 23 mảnh ghép thần kì , xếp lại trong ta 1 HN đầy nhung nhớ của 40 năm về trước . Có thể nói , mỗi lá cây , ngọn cỏ của HN thuở ấy , qua bài thơ , đều để lại trong ta 1 nét bồi hồi ...
Đúng , phải yêu HN ghê gớm lắm mới làm ra đc , tất nhiên là ko thể đầy đủ , từng ấy mảnh ghép về HN . Thế nhưng với 1 cá nhân nhà thơ , chỉ bấy nhiêu thôi , cũng là 1 sự sáng tạo kinh hồn , mà chỉ trong những giây phút thần tiên , hiếm có suốt 1 đời , mới làm đc như vậy .
Ngôn từ của Phan Vũ , cũng giống như cây cọ trong tay 1 họa sĩ bậc thầy , đã vẽ nên 1 HN phảng phất liêu trai , mà vẫn thực như nó vốn có ... đọng mãi tự bao đời , bao tháng bao năm của những kiếp người , ở lại & đã xa ...

HN , mảnh đất ngàn năm của những võ công - văn hiến , tự thân nó đã là 1 nguồn cảm hứng vô tận, đủ cho mọi sự sáng tạo đến ngàn đời ...

" Thành phố ngày một xấu đi ..." , nhà " Hà Nội học mi-ni " TC đã nói như vậy . Chỉ kiệm lời vậy thôi , nhưng ta phải hiểu , trong đầu anh là cả 1 lớp lang câu chữ , đủ để viết nên 1 cuốn sách .
Và tôi , chỉ muốn nói thêm 1 ý , là : nếu HN của chúng ta còn phải nhận sự " chiếu sáng " của những ngôi sao " quả tạ " kiểu Hoàng Văn Nghiên , Nguyễn Quốc Triệu ngày xưa & Nguyễn Thế Thảo hôm nay , thì nó còn xấu , còn nham nhở & hoen ố ...mà những người như anh , như tôi & bao nhiêu nữa chỉ còn biết ngậm ngùi , than thở và ...botay.com mà thôi ....he he !!!!

Tualinh nói...

@Ngọc Anh :'khoa học và nghệ thuật chỉ là một,'nhận xét này của em hơi bị...'siu' đấy.
Nếu KH là hoạt động của bán cầu đại não bên này thì NT lại là hoạt động của bán cầu đại não bên kia ở cùng một con người.
Bởi vậy một người cả đời làm công việc nặng về KH (hay nặng về NT) thì nay - khi đã già, nên chuyển sang tìm hiểu lĩnh vực liên quan tới vận động của bên kia.
Để làm gì?
để lấy cái 'sức trẻ' của cái bên ít làm viêc trước đây làm 'tươi' lại cái bên đã già cỗi vì lao động 'khổ sai' mấy mươi năm liên tục.
Đây là một phép 'dưỡng sinh' cực hay,có lẽ hiệu quả cũng chẳng thua gì các phép tập luyện dưỡng sinh khác (như yoga,khí công năng lượng..vv và vv...),chỉ khác là chẳng có ai nhắc đến và không có thầy hướng dẫn, ngoài sự 'giác ngộ' của chính bản thân.

'nhưng em vẫn thích sắc màu nghệ thuật hơn',lại thêm một lần đúng nữa.
KH và NT tuy hai mà một,nhưng cách thức hoạt động như nó thể hiện rất khác nhau ngay từ khi mới 'ra đời'(ai mà chả biết): một bên là 'lý',một bên là 'cảm'.
KH ngày nay có tính chất 'luận lý' và 'thực chứng',tức là phát triển nhờ 'suy luận' tầng tầng lớp lớp chồng chất:từ một nến tảng tới từng tầng lớp cao hơn. 'đối tượng' mà KH công nhận phải 'hiện hình', 'hiện hữu' bằng cách phải 'đo đếm' được theo cách nào đó.
KH đã,đang và không ngừng phát triển ngày một cao hơn. So với 300 năm trước,nay KH đã 'nhớn' hơn nhìu. Khó mà cãi được điều này.
Còn NT thì sao? nếu mục đích tối thượng (thiên chức giời giao)của NT là đề con người 'cảm' (nếu không 'cảm' được thì có nên gọi là NT không nhỉ), thì liệu có ai chứng minh được cái 'cảm' của người ngày nay phát triển 'cao' hơn cái 'cảm' của người 300 năm trước? Mặc dù hình thức NT (tức là phương tiện truyền cảm) thì phong phú hơn nhờ áp dụng các tiến bộ của KH.
NT là phương tiện để làm này nở cái 'cảm' vốn có ẩn chứa trong mỗi thuộc tính cá thể con người. Và không thể so bì 'cao-thấp' với nó được.
Ngọc Anh,có vẻ tới đây 'lý'(KH) và 'cảm'(NT) đường đi 2 ngả quá xa nhau mất rồi ,còn đâu 'là một' nũa.

Trên con đường tìm kiếm đến cùng bản chất thế giới này cuối cùng được tạo nên bời cái gì, vật lý học hiện đại theo từng bước xây dựng hệ thống lý thuyết 'hạt hạ nguyên tử' theo phương pháp luận lý: cái to hình thành từ những cái nhỏ,cái nhỏ hình thành từ những cái nhỏ hơn... vv ... cứ thế suy luận riết thành ra tận cùng ...không có cái gì cả (trọng lượng,kích thước biến mất tiêu -vì vậy mới nảy sinh ra tìm thấy 'hạt của Chúa' để mọi vật trở nên có khối lượng,giới KH vẫn còn hồ nghi có thể là ngộ nhận lắm, nên không đề cử giải Nobel năm 2012)
Ở đây có vấn đề là : khi chia nhỏ vật chất tới mức nào đó,các phương trình toán học cực kỳ phức tạp mô tả quá trình không còn đưa ra được 'nghiệm' tường minh và 'ổn định' nữa.Người ta buộc phải thêm cách 'cảm' để nhận ra kết quả.
Hihi,có vẻ có dấu hiệu KH bắt đầu buộc phải quay về với NT rồi. Nên dù gì thì gì KH với NT vưỡn lại là một- ‘về trong một nhà’ em à.

Thêm một chút,bế tắc xuất hiện vừa nêu của KH,theo chị có một nguyên nhân : đó là mô hình tính toán mô tả quá trình chia nhỏ vật chất vưỡn phải đặt trong môi trường nền tảng 'không gian-thời gian'.Trong khi đó 'không-thời gian' bản chất chỉ là 'kinh nghiệm' chủ quan của loài người (với 5 giác quan),có lẽ không còn thật thích hợp nữa ở cấp độ 'hạ nguyên tử'.

Với NT,'không-thời gian' không cần phải luôn là nền tảng,mà chỉ là môt sắc thái 'cảm' nó có thể mang lại.
"Em ơi! Hà Nội-Phố" là một ví rụ như thế.
Ngọc Anh,chị không biết hiện em đang làm việc theo bán cầu nào và đã được nhiều năm chưa. Nhưng sự 'tinh tế' thì có vẻ tồn tại ở cả 2 bán cầu em ạ.

Tualinh nói...

@HCQ :
'Tui biết nhân vật trong bài thơ mà tác giả gọi là "em". Chị ấy cũng đáng để "lên" thơ'. Tò mò quá anh ơi,anh có thể cho biết cụ tỷ hơn được không,hở anh?

Tualinh nói...

@HDT: 'Trong bài thơ , 23 khổ thơ là 23 mảnh ghép thần kì , xếp lại trong ta 1 HN đầy nhung nhớ của 40 năm về trước . Có thể nói , mỗi lá cây , ngọn cỏ của HN thuở ấy , qua bài thơ , đều để lại trong ta 1 nét bồi hồi ...'Thiệt hay cái 'cảm' này.
'Rubic',hay 'kính vạn hoa' của hình cảnh HN-như có lần HDT từng phát biểu,tớ cũng thấy vậy.Từng chữ từng câu trong bài thơ đậm 'cảm xúc' của một con người phí sau những hình tượng,bài thơ dường như còn cho cảm nhận phong cách của một NT sắp đặt'nữa.
Ở đây ta không 'thấy' dòng chảy cuồn cuộn đầy uy lực của vị chúa tể 'thời gian',mà chỉ cảm thấy nó 'vương vương' đâu đó ẩn hiện lấp lánh giữa các hình tường.
'Thời gian' đã được 'vỡ vụn' ra trong bài thơ. Ấy là kiểu của trường phái 'ấn tượng','lập thể'...? Phải chăng chất 'Họa' của bài thơ là ở chỗ đó?

Tualinh nói...


Ám ảnh “Em ơi!Hà Nội-phố”

Thơ Phan Vũ ( Comment )

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn Em
Thoảng trong hơi thở...
sương lạnh đêm Thu
...Cọt kẹt...kinh côông...
Đồng hổ cổ,
mờ ảo
phòng tranh
Hà Nội phố,
câu Thơ
chao nghiêng
ký ức,
bâng khuâng...
rơi
giọt..giọt...
thời gian.

Tualinh.07/2011

trước đây bên trang TT đã có đăng một phiên bản khác của bài thơ và có một số bình luận ở đó,
mời các bạn qua xem lại.

hadongtran nói...

Tìm về với bài thơ yêu thích , có khác nào ta đến với người tri kỉ tri âm để mà sẻ chia , tâm sự ... , phải chăng đó là 1 phép " dưỡng sinh " - ta thanh lọc & làm mới tâm hồn của mình ...he he !!!.

PV làm bài này từ 1972 , nhưng ít người biết đến , cho đến lúc đc nghe Phú Quang ...
Người nhạc sĩ tài năng đã mượn của nhà thơ những ngôn từ mượt mà say đắm nhất , để vẽ nên , trên nền nhạc , một HN mờ ảo , lung linh nhưng vô cùng gần gũi , thân thương . Có lẽ , làm đc đến vậy , PQ đã rất , rất xứng đáng để cho ta ngả mũ kính chào .

Thế nhưng , lẽ đương nhiên , HN của PV phong phú và sâu sắc hơn nhiều . Cảm xúc của nhà thơ khi thì đưa ta trở lại với câu chuyện của ngàn năm trước , Lý Công Uẩn đọc " Chiếu rời đô ": Bến nước nào đã neo thuyền ngự / Đám mây nào in bóng rồng bay / ...
Là " Kinh sư muôn đời " , HN tụ về nó những tinh hoa văn hóa ưu tú nhất của cả dân tộc , mà tên tuổi còn lưu mãi , đời đời : Ta còn em dãy bia đá / Danh hình hội tụ / Rêu phong gìn giữ nét tài hoa .../
HN trong thơ PV đâu chỉ của giới thượng lưu quí tộc " sênh sang mũ áo " , " lộng lãy xiêm y " mà hơn hết và trước hết , nơi đây thuộc về những con người bình dân , lam lũ - những ông chủ thực sự ngàn đời , đã làm nên " phong vị ko lẫn vào đâu đc " của HN : Một đời cơ nhỡ /Trăm ngày ngược xuôi / Đầm đìa nước mắt / A vã mồ hôi / Bơ gạo mớ rau .../ lá bánh củ khoai / ... , là cô hàng hoa " gánh mùa thu đi qua cổng chợ " .

Chắc ai trong chúng ta cũng dễ nhận thấy , HN trong thơ PV , đó là " một không gian yêu " một không gian của những mối tình .
Đa tài , đẹp trai cao to , phong cách hào hoa lãng tử , PV hút hồn không biết bao nhiêu thiếu nữ Hà thành . Chả thế mà chàng đã cưới đc nàng - 1 thiếu nữ tài danh & xinh đẹp nổi tiếng 1 thời - diễn viên điện ảnh , vai nữ chính trong phim " Chung một dòng sông " - đứa con đầu lòng , niềm tự hào của nền điện ảnh VN .
Phảng phất đây đó trong suốt bài thơ , là bóng dáng , hương sắc , là " dấu vết kỉ niệm " ...của những bóng hồng đã " lướt nhẹ " qua cuộc đời PV . Kể cũng đáng khâm phục và ghen tị ... he he .




hadongtran nói...

Còn một HN nữa , HN của PV .
Ở đây tôi ko muốn nói tới HN của năm " khởi chiến : " Những con người lên đường / ...con tàu chở những người lính / về phía Nam vào trận đánh /...
Cũng ko phải HN của những người năm ấy " ra đi mang theo buốt giá / Aó choàng ko ấm thân gầy / .../ đi tìm khoảng cách / để quên / nào biết nơi phương xa / tháng năm mòn mỏi .../ người bỏ xứ / quay nhìn lần cuối / những ngôi nhà cửa đóng / im lìm ...
" Nằm ở nơi trung tâm trời đất " HN đã chứng kiến những " rung lắc chính trị " kinh hồn . Và người HN buộc phải làm quen với nó . Chả thế mà người xứ " trong sông " ấy . vừa mới chào đời : oa oa tiếng khóc " , vừa lớn " chinh chiến đã gần kề trước cửa "...
Khi viết bài thơ , vào những năm tận cùng khói lửa ấy , ta ko thấy " sao vuông đầu mũ " và " chân bước hiên ngang ..." mà chỉ thấy " một tháng chạp / trắng khăn sô / khói hương dài theo phố / thâu đêm / mẹ thức / hóa vàng / ... con đường ngẩn ngơ / dãy phố ko người ở / khu trắng nằm trong tọa độ / ...
Đúng là HN trong mất mát , đâu thương ...phần quật khở có vẻ hơi ít ... " không hợp nhãn " những người canh gác văn nghệ thời đó chăng ??? - và chính vì vậy ông tự thấy ko nên trình làng bài thơ này chăng ?.

Còn hơn thế nữa : một Hàng đào / không bán đào / một Hàng bạc / ko còn thợ bạc / đương Tràng thi / ko chõng ko lều / ko ông nghè bái tổ vinh qui /...một cái gì đó trớ trêu , tréo ngoeo , ko hợp logic ... thì nó có tồn tại đc mãi không ?.
Cái khổ thơ 21 cũng rất lạ : " một màu xanh thời gian " lại đi kèm với " 1 màu xám hư vô " , " nhợt nhạt vàng son / đậm đầy cay đắng " và người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố , không nhớ nổi con đường ..." tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha " ...những câu thơ tưởng chừng như còn bỏ ngỏ với người đời .
Tại sao ấy nhỉ , con người " ngày đi nặng nỗi mang tên nhớ /...mà ngày về là 1 dãy số không : biển số nhà , tên phố , bậc đá , mái hiên ... mà chỉ còn lại " mảng đời quên " . Phải có 1 cái gì lớn lắm , rung lắc lắm mới chấn động hồn ta đến như vậy .
Tôi cũng chẳng mấy tự tin khi nhận ra những điều này . Bởi ko khéo , chính mình lại bóp méo 1 bài thơ , 1 tác giả mà mình yêu đến cháy lòng !!!.
" Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ
Một thịnh
Một suy
Thời thế
Lẽ hưng vong " ...
Vẫn biết , luận như thế về lẽ tử sinh vạn vật là lẽ thường tình . Nhưng vào cái thời điểm đầy gió bão & rất nhạy cảm ấy ... phải chăng là quá liều ???.
Người tài thường hay " rắn mặt ". Phải chăng như 1 vị bác sĩ thượng thừa , PV đã kịp nhận ra những " tế bào lạ " trên cơ thể đang rất tráng kiệh của chế độ ngày ấy ?...
Nói tới đây , tôi lại nhớ về câu chuyện vỉa hè . Rằng , lâu lắm rồi , đầu những năm 50 thế kỉ trước . Một trong những nhân tài , 1 nghệ sĩ bậc thầy ( Văn Cao , hay Nguyễn Tuân , tôi ko nhớ rõ ) đc cho sang LX để tham quan . Khi về , mọi người hỏi thăm , ông ca ngợi nhiều lắm . Nhưng chỉ với 1 , 2 người gần gũi , ông lắc đầu " ko ổn " .
Thì ra , với tầm kiến văn quảng bác , ông đã nhận ra " một cái gì đó " - đang âm thầm gặm nhấm cái cơ thể của " thành trì vĩ đại " - mà mãi tận 40 năm sau mọi người mới nhận ra , vỡ òa !!
Có lẽ nào PV cũng tài năng cái thế đến vậy , và ông đã bóng gió trong thơ ???.

He he , dài quá rồi , trong khuôn khổ cảm xúc về 1 bài thơ . Trúng hay trật , điều này liệu có quan trọng gì . Miễn là được chia sẻ với bạn hữu xa gần .

TC nói...

xem lại cùng thời, và cùng "dịp" tai nạn đầu hòa bình với PV, có Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt..., đều làm thơ "mới" hơn một chút, và trót chê một ông là "có vần quá". Trường ca này làm sau, trong chiến tranh, nhưng có lẽ vẫn trong dòng cách tân này.
Giải thành tựu trọn đời của hội nhà văn HN 2012 trao cho Phùng Cung, cũng hội này, "đi" 12 năm. Bài "Trà" của ông chỉ 3 câu:
Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương