Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Tản văn của Trường Chiến


Lão Chim sâu của tôi
      (Văn nghệ quân đội tháng 5-2014)

Năm 2004, tôi nhập vào đoàn người đông đảo “hành hương” lên Điện Biên. Đồi A1 nắng chang chang, mấy anh già “bẩy sọi” mang cờ “Cựu chiến binh xã…” ở Hải Dương, mồ hôi nhễ nhại trong quân phục dầy cộp ra sức lấy thế chụp ảnh, sửa lại quân hàm lệch chải đầu xong lại tách tách. Nghe người hướng dẫn kể xưa đào hầm thế nào, đánh bộc phá ra sao, những gương mặt già lão háo hức. Đeo toàn trung úy, có người oai vệ như thủ trưởng trước hàng quân, có người cù mì lành hiền tỏ ra “ba linh thôn” đã lâu. Một ông lão bé như cái kẹo lẩy bẩy cứ bị nhắc nhở đứng dưới cờ thì phải ngay ngắn chứ nhẩy qua hào ngã mẹ nó giờ, phản ứng rất rúm ró. Nguyễn Trọng Chức ở báo Tuổi trẻ ngắm nghía mãi, thốt lên“Tôi buồn cười quá, ông này…”.
Có một cái gì đó bật ra. Con người này giữ “vị trí vai trò” gì trong cuộc chiến vĩ đại? Chắc chắn chẳng nên công trạng to nhớn được, và bình thời cũng hay bị người khác cười cợt - có thể ác ý hoặc trìu mến. Một kiểu “con người bé nhỏ” chịu thua thiệt trường kỳ. Nhưng lại ngộ nghĩnh. Viết về ông này phải có giọng dí dỏm, điêu điêu một chút, khi cần thì phóng đại ra. Đây sẽ là truyện nhân vật, lấy tâm lý, tính cách làm chính để bật lên cái ý định nói, những sự kiện to lớn chỉ làm nền. Và vấn đề nên giấu đi, để người đọc nhớ được nhân vật là tốt nhất.
Đêm ấy về khách sạn tôi đòi ngủ riêng, lấy giấy bút viết. Mươi dòng thì tắc. Nghĩ đến anh già run rẩy lập cập nhẩy qua hào vẫn buồn cười. Một hình ảnh đáng mến. Những dư âm như vậy, cùng thiên nhiên Tây Bắc mạnh mẽ, làm cả xe khoái chí, suốt cuộc đi chơi toàn hát những bài “chế” của lính tráng, kiểu “Lắc la lắc lư đoàn quân ra Bắc đồng bào thắc mắc sao các anh trở về. Sốt rét chúng ông mới về ốm gần chết chúng ông mới về…” và “Nẳm tay mạ hỏi mỳ chính con đâu”. Về nhà rồi cứ ám ảnh “tương quan” giữa bé nhỏ với vĩ vĩ đại. Người như lão thường gặp cực đoan khác trong đời sống, ví như vợ dễ là tháo vát, đanh đá, to béo. Đứng ngồi đi lại giữa nhân gian, thể nào lão cũng va đụng phải oai vệ bố tướng, cứ khép mình lại, dần dần hình thành một bản tính thứ hai, để tự vệ. Con người có cái gì – dầu là sự nhún nhường - tự vệ thì giữ được cho mình cái riêng, những ưa thích với ghét bỏ riêng. Đằng sau vẻ rúm ró phải là cái rất đặc biệt, tuy không nổi lên “hoành tráng lệ”.
Cần phải nói thêm, là tôi làm báo, đã vài lần lên Điện Biên, biết thế nào là “tằng cẩu”, “nậm pịa”, “chẩm chéo”, “lạp”, tiết canh gà tiết canh chó rêu suối xơi cả, trò chuyện có thể đưa đẩy vài câu “Sống chụ son sao”. Rất thích vẻ đẹp của đàn bà Thái nhưng họ thách uống rượu thì bẹp như gián. Và có hai cậu ruột, anh cùng mẹ khác cha, anh cùng cha khác mẹ, chị dâu từng là lính Điện Biên. Tôi đeo binh nhất 9 năm, phụ cấp leo từ 6 lên 23 đồng.
                                                    *
Những cơn cớ khác, “có họ”, kéo đến dần dần. Hơn bốn mươi năm trước, anh bạn Trần Chí Thọ vào núi gặp ông lão làm thơ, rằng
Ông nông dân ngày ngày đi nhặt phân
Cần mẫn, chuyên cần như con ong con kiến
Nếu trường hợp nhặt được ba mươi cân
Thì ngồi rung đùi, vuốt râu như ông đại tá
Một ông khác hay bị vợ đánh, luôn miệng rủa chết đi chết đi, đến lúc vợ lăn quay ra thì đêm đêm lại ti tỉ khóc. Nông thôn nhiều chuyện công – tội không thỏa đáng, cứ phải có một đấng bậc nào đấy đứng ra “cứu xét”. Mâu thuẫn tộc họ, phe giáp nhiều vô kể, xông cả vào chính quyền. Một con người bé nhỏ sống trong đó thời phải ôm đầu mần thinh, ra lời nào chết lời nấy. Chim sâu, từng có những hy sinh thầm lặng, ác liệt, hay bị chìm xuống, còn lại là những “biểu tượng” hoành tráng kiểu sân khấu. Dư âm sau một thắng lợi như thế rất sẵn, nhưng vẫn cần thiết; nghĩa là câu chuyện không nhất thiết phải bi lụy hoặc căng thẳng, cứ theo ông lão ngộ nghĩnh mà nương.
Lão còn khác người là không biết giấu những ý nghĩ trong đầu, không theo nếp làng nếp xã hội được. Người ốm lâu năm ra đi, lão coi là sự giải thoát. Nhiều người nghĩ vậy nhưng cái đứa ra miệng thể nào cũng ăn đòn.
Chim sâu nhập đoàn hành hương, tức là ra khỏi làng. Một mặt là trật tự quân ngũ, già cả thì trung úy vẫn phải dưới trung tá huống hồ “phó binh nhì”. Mặt khác ông được tự do hơn, thả cái bản năng hồn nhiên của mình vào thiên nhiên tươi tắn. “Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm truồng”, đàn bà uống rượu như thuồng luồng, duyên dáng kiểu chưa bị “giáo hóa” thành bà cán bộ. Tây Bắc không thiếu những “tình huống” như vậy. Và thành phố Điện Biên chật ních những số phận, giờ “thêm” cả karaoke ôm gội đầu ôm, hấp dẫn con người bị cấm đoán trong lũy tre làng vô tả. Ông lão vô tâm có quan niệm đạo đức khác người của tôi, chả bị gò bó nữa, không sa vào thì chả nhẽ ra không bình thường.
Còn các nhân vật khác bên cạnh Chim sâu, cần phải đắp điếm những gì tương phản, cho nó nổi bềnh tính cách lão lên. Những ông hay đọc báo rồi ra đám đông tái bản mồm, những ông “ba linh thôn” lâu lắm, họp phụ lão còn hô “Chấn chỉnh trang phục!” sẵn quá, cứ như quơ tay là túm được. Họ là gia vị, điểm xuyết cho Chim sâu. À, cái tên này “tự dưng” xuất hiện, là vì tôi cứ nghe nó hót mãi, rất thích, ngửa mỏi cổ mới thấy, chỉ là cái chấm chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Một loài chim hay đùa, hẳn thế…
                                           *
Phần kết thật sự phân vân, kéo thêm vẫn được vì cuộc hành hương còn tiếp tục. Nhưng nghĩ dài nữa nó loãng, mình “hết chuyện” rồi. Bèn đóng lại. “Hoa nước” xong, tôi không thấy nó hơn gì những cái khác của mình. Đưa nhà văn Hòa Vang, anh bảo “Đây là truyện ngắn hay nhất của ông”. Rồi tạp chí Văn nghệ quân đội in, cắt đoạn Chim sâu táy máy chị gội đầu. Và cuối năm thưởng một triệu đồng. Nhiều người bảo nó duyên dáng, hóm hỉnh.
Vậy là con mình đẻ ra, thấy nó xanh xanh tròn trĩnh, người khác lại nhìn ra tim tím vuông vuông. Cái sự vênh nhau ấy rất đỗi bình thường, đem lại cho người viết khi sượng sùng lúc thú vị.
                                                              Trần Chiến

8 nhận xét:

TC nói...

Oái, cái này ko phải sáng tác đâu. Tc Văn nghệ qđ bảo tôi viết cho mục (như là) sự ra đời của tác phẩm, về cái truyện ngắn đăng 04. Nhân vừa đọc Chí Thọ nên gửi ae xem cho biết thôi

Tualinh nói...

TC : gọi là 'Tản văn' có được ko ? cậu cho biết để sửa lại tiêu đề.

hadongtran nói...

Chí Thọ - Trường Chiến - Lê Công : 3 thằng bạn thân , 3 thằng quái nhân ..." Ôm trọn " đến 1 nửa cái bồ khoa học nhân văn của đại đội mình mất rồi ...!

TC nói...

TL: Cậu cứ để thế chả sao đâu. Có phần còm rồi. Cảm ơn cậu

tuli nói...


Dọc mãi, đúng là con chim sâu bị méo mó thành con chim khác rồi.

CT nói...

Chí Thọ nói :
Trường Chiến nhớ chuyện thì dai, nhưng nhớ thơ thì sai! Cậu nhắc lại tớ mới nhớ : Hôm ấy tớ đi trên núi xuống, gặp ông lão ngồi đầu làng. Dừng lại chuyện trò. Ông ta tự nhận là chuyên làm nghề đi nhặt phân trâu, bò để bón ruộng, nhưng hay đôc... thơ (!) Nghe ông đọc thơ, tớ buồn cười quá về kể lại cho TC nghe... Ba câu đầu cậu nhớ có lẽ đúng, riêng câu cuối chắc sai!(không có "ông đại tá" nào cả) Còn nó là gì thì tớ cũng không nhớ nữa.
Bài này cậu viết "chắt bóp", nhưng nói thật là tớ không thích, vì nó "tửng" lắm! Tớ thích cái bài "Nhà quê nhìn từ Hà Nội" (?) Tinh tế và nhân hậu. Nếu được, gửi tớ xem lại.
-Hà Đông : Đừng nói thế Hà Đông ơi!! Cậu tha cho riêng tớ, đừng bắt làm "quái nhân".

hadongtran nói...

Sáng nay , câu lạc bộ ca phe thứ 2 hội họp . Vui , nào trêu đúa nhau , bóng đá ....và đến khi Thái Chi tới , Thoòng báo rằng Dương Thanh bị ốm ....ko khí bồng chùng xuống ....bởi một sự thật : mỗi chúng ta đều ko còn trẻ nữa , ....bệnh tật kéo đến bất cứ lúc nào ....vậy còn vui đc lúc nào thì ...." Vưỡn ".
Thế là cả bọn lại đi nhậu theo lời mời của Song Yên - và ko quên chúc cho Dương Thanh và anh em trong đó luôn vui khỏe dài dài !...
Chí Thọ : he he ! " quái nhân " là tốt mà ! Tớ mong đc 1/10 như cậu ....mà mãi chẳng đc !.

Hoang Giang nói...

Ô , bài viết của TC mà !Tôi là thằng chỉ biết làm thơ tình mà đọc TC vưỡn khoái " bị nấc " cái giọng văn của gã . Thôi , com. chỉ biết " thốt " vậy thôi !