Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

CHUYỆN PHIẾM: TIỀN BO Lâu quá không có dòng nào trên blog. Hôm nay nhân có một sự kiện nho nhỏ mà mình cứ suy nghĩ mãi. Để lâu trong bụng nó cứ tưng tức đành phải xả chia sẻ cùng ace. Có điều gì không phải mong mọi người bỏ quá cho. Nhà tôi mấy hôm vừa rồi hỏng mất cái lò visong. Bình thường thì không thấy nó quan trọng, nhưng khi không có nó cũng phát sinh lắm vấn đề. Hàng ngày, cứ đến bữa ăn là phải hâm nóng vài món gì đó, không có lò vi sóng thì phải ăn thức ăn nguội. Như vậy xung quanh ta rất nhiều đồ vật quan trọng trong cuộc sống, nhưng bình thường chúng ta chẳng quan tâm, đến khi thiếu vắng mới nhìn nhận ra. Thôi, việc đó lan man, nói ra, các bạn đừng cười, có tuổi hay vẩn vơ vậy đó. Bây giờ nói vào cái việc làm tôi phải suy nghĩ. Cái lò visong hỏng, vợ tôi giục tôi tìm cách mang đi sửa. Nghĩ tuổi này mà phải chở cái lò đi sửa cũng ngại. May sao giữa lúc đang ngại lại thông minh đột xuất, tôi lục tủ tìm địa chỉ bảo hành. Cô nhân viên trực nhấc máy, ghi lại địa chỉ và hẹn cử người đến sửa. Ngày hôm sau một nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra và hẹn hôm sau mang phụ tùng đến thay thế và sửa. Đúng hẹn có một kỹ thuật viên đến và sửa trong vòng 15 phút. Phải thay cả một khối điều khiển trông cũng nặng ký, tôi nghĩ chắc cũng tiền triệu vì cái lò này đã mua gần hai năm rồi. May mắn là vẫn còn bảo hành, sau khi xem phiếu bảo hành, cậu nhân viên nói của chú không mất tiền. Nghe được câu ấy thấy lòng xốn xang - không mất tiền. Nhưng vẫn chưa hay nhiều, cái rất rất hay là một hành động rất nhân cách, rất người của chú kỹ thuật viên. Sau khi ký xong phiếu sửa chữa, tôi rút ví bồi dưỡng cậu nhân viên 50 ngàn đồng để uống nước, nhưng cậu ta khăng khăng không nhận với bộ mặt rất nghiêm làm tôi có cảm giác là mình có lỗi, mặc dù tôi đã ấn vào túi. Cái sự suy nghĩ cũng bắt đầu từ đấy. Tại sao cậu ta không nhận tiền bồi dưỡng? Tiền lương của nhân viên như cậu ấy chắc không thể vượt 10 triệu. Ở cái thành phố này với 10 triệu cũng chỉ nằm trong hạng trung bình không cao. Sau khi suy nghĩ rất lâu tôi tạm nhận định rằng có hai yếu tố cơ bản để anh ta không nhận tiền bồi dưỡng: một là vì lòng tự trọng, vì nhân cách của con người có liêm sỉ; hai là vì tên tuổi của công ty, vì anh ta xem công ty như là ngôi nhà của mình, phải vun đắp chứ không được huỷ hoại. Từ đấy tôi lại suy nghĩ, tại sao một chàng thanh niên trẻ làm được những việc bình thường mà người như vậy, trong khi đó có rất rất đông những người có chức sắc, thường xuyên dạy dỗ mọi người lại rất thường xuyên móc túi nhà nước, móc túi người dân cho vào cái túi tham không đáy của mình. Tôi đã chứng kiến nhiều vị có học hàm học vị, là những trí thức nổi tiếng, có tên tuổi cũng thò tay nhận phong bì quà cáp rất chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hơn cả phần trọng trách họ đang đảm nhiệm. Họ đã và đang làm cho hình ảnh của Việt Nam xấu đi trong con mắt bạn bè thế giới, họ đã làm cho người dân mất lòng tin vào chính thể. Thật buồn cho xã hội mà ngày nào mở mạng ra cũng thấy những tin tức tiêu cực đập vào mắt. Tuy nhiên xét cho cùng tôi lại thấy vui vui, vì đang xuất hiện những lớp người trẻ như chàng hiệp sĩ mà tôi mới gặp. Họ đang là những hạt nhân của lòng tự trọng, của nhân cách con người Việt. Họ sẽ làm cho đất nước này đẹp lên trong tương lai. Xin cảm ơn bạn - chàng hiệp sĩ. Tôi xin bật mí với ace, chàng trai tôi nói ở trên thuộc công ty phân phối dụng cụ nhà bếp MALOCA. Hết.

9 nhận xét:

Hoang Giang nói...

Hay ! Khi " đồng lương " chỉ như của bố thí làm cho con người ta " hèn" đi chăng !

KT nói...

Mấy hôm nay báo chí cứ sôi sùng sục vụ nguyên chủ tịch Thành phố Thủ đô không chịu trả nhà công vụ và phát biểu rất Chí Phèo rằng mình "đàng hoàng" thì chả phải nói gì với ai cả. Và cài đàng hoàng của ông nguyên tai to mặt lớn là chiêm căn nhà không phải của mình trị giá trên 120 tỷ (khoảng 6 triệu đô la). Bằng tiền lương một tháng của 12.000 công nhân có mức lương 10 triệu. Số người có mức lương này ở VN chắc không nhiều lắm. Quan phụ mẫu của Hà Nội "đàng hoàng" thật. Nghe nói ông cũng là người thuộc lớp trí thức. Có lẽ đây là cái sự mà tôi cứ trăn trở...

Nặc danh nói...

Tại sao trong xã hội ta còn có ty tỷ đứa làm những việc tày đình hơn bọ tớ (HVN, TVT) nhiều mà mọi người cứ xúm vào nói bọn tớ mãi thế? Bọn tớ nghĩ, giả sử các cậu ở vào vị trí như bọn tơ, chắc các cậu còn làm được nhiều việc "hay" hơn ấy chứ.

HCQuang nói...

Chú nớ nỏ phải đảng viên nên mới rứa, chứ như bầy tui...

Nặc danh nói...

Bài viết hay nhưng bác chịu khó "xuống dòng" cho. Chúng em giờ cũng cao tuổi,mắt kém, đọc hơi mệt.

KT nói...


Tớ xúc động qúa nên quên cả xuống dòng. Rút kinh nghiệm cho bài sau.

TK8 nói...

Đề nghị bác Chí Nhớn cứ ở lun trong Đ để giữ cho Quần Chúng chong xạch ợ.

TrunDC nói...

Ông muốn mọi người đọc một hơi, một lèo cho giống với cái cảm xúc đang tuôn trào của ông. Bây giờ vẫn chỉnh được. Kẻo ai đọc xong là ông cũng bị nghe chửi.

Nặc danh nói...

Bạn Hoàng Giang "Khi đồng lương chỉ như của bố thí, làm cho người ta hèn đi chăng?"
Tôi nghĩ khác, người ta hèn vì người ta không được phép sống dũng cảm, ngược lại cái hèn lại được khuyến khích. Ở các nước, nếu lương thấp, họ sẽ xuống đường biểu tình đò tăng lương.
Cho tiền boa ở các nước dân có đời sống cao, ít tham nhũng, lại là nét văn hóa bày tỏ lòng biết ơn. Nhưng tôi, sống ở Đức lại nghe người ta nói, người Nhật không thích nhận tiền boa. Về VN, mọi người nói không phải boa cho ai cả, trừ... cho gái. :-)