Ghi chép của TC
“Tết điên cuồng!”, mang máng là Nguyễn Minh Châu rên
thế trong nhật ký. Mấy ông nhà văn rất đáng nghi nếu biết họ nghĩ thật viết
thật những gì. Với mình, Tết Ất Mùi nhạt như mọi năm, nghĩa là đủ các bổn phận,
nhưng không đến nỗi thành hủ tục. Những thức trên bàn thờ hạ xuống, gọi là “cỗ
ma vầy”, là miến trương, xôi gấc và bánh chưng lại gạo, trời nóng để tủ lạnh
rồi hâm đi hâm lại. Được cái cháu ngoại bốn tháng rưỡi từ miền Nam
ra, ông có hiếu vừa bồng bồng vừa nghĩ đi đâu chứ nhỉ, lũ chim sâu ngoài kia
ríu rít thế kia mà.
Đấy là “nguyên nhân sâu xa”, nói theo kiểu sách giáo
khoa lịch sử vẫn học. Nguyên nhân trực tiếp là vợ bắt làm kiểm điểm vì lau bàn
bếp chưa sạch. Đầu năm đã nhận khuyết điểm thế nào được. Càng cãi càng thua, lánh
đi là hơn.
Hồi trước lên Sơn La, Điện Biên, đường 6 qua Hòa Bình
có biển chỉ “Vụ Bản” bên trái, chưa lần nào rẽ vào. Đây là huyện lỵ Lạc Sơn,
đường lên Tây Bắc không thuận, chắc còn hẻo hút để mà được hít thở vị hoang sơ.
Không xa, 150 km, đậm đặc khí vị Mường, thứ tự nhiên chứ không sành điệu kiểu
cỗ lá rượu cần với văn nghệ diễn cho du lịch xem dưới Mai Châu. Vậy là xuất
hành. Hai dê non, vì chưa con nào đến bẩy chục, chọn cách đi đủ độ phiêu lưu
nhưng cũng đừng bất trắc quá. Những dải núi đá vôi trầm mặc, nhà sàn, cạp váy…
hấp dẫn quá, mà biết đâu chả có tiếng cồng.
Nhấn mạnh cái ý “dê non”, vì tranh con giống họa sĩ
Phạm Viết Hồng Lam cho năm nay có cả đôi sinh thực khí, “súng ống đạn dược” của
giống đực và “hĩm” giống cái rất chi khỏe mạnh. Và mình thì mới trưởng thành,
chứ mấy!
Bến Mỹ Đình mồng năm chưa kín, nhưng đã rộn rập. Những
gương mặt dáng đứng bến xe. Lính tráng trả phép. Những vợ chồng nhễ nhại con
cái. Thành phố tịch mịch vài hôm đang tập hợp đủ mươi triệu người để trở lại
nhịp quần ngư tranh thực hàng ngày. Bãi xe đi Hòa Bình mênh mông mỗi chiếc lên
thành phố, cậu lái vồn vã “cứ lên rồi bắt xe đi huyện”, còn thu 50 chứ không
phải 45 k một vé như niêm yết thì không giải thích gì.
Chợ Lương Sơn đã họp, rau quả tràn ngập. Chả hiểu sao
các bà luôn nghĩ ra giêng không có cái ăn. Người đói quen bao giờ cũng chỉ ĂN
Tết. Dốc Kẽm hàng quán giải lên đến đỉnh. Kỳ Sơn, cái trại mấy ông bạn tậu để
thi thoảng lên thỏa chí giang hồ, rồi phải bán vì không nuôi nổi. Vừa hay đến
bến Chăm Mát (cái tên chắc “đặc Mường”) thì bắt được xe buýt Lạc Sơn, 70 cây số
35 k thu đúng giá nhưng không có vé. Ô hay, sao cứ phải so với xe thủ đô để lợn
cợn những cái không đáng có nhỉ?
Vụ Bản chả có vẻ gì của một thị trấn miền núi. Lầm
bụi. Vài con dốc. Tán bàng tán lát bạc
phếch, ghế nhựa giần giật tóc nhuộm hoặc đầu trọc theo nhịp ráp. Nhưng quán ăn
thì quý người, nhất là với hai anh giề “chắc là chán vị bánh chưng lên đây
chơi”. Cậu chủ người Nam
Định lấy vợ Mường, cho những thông tin rất đích đáng: “Trên Ngọc Sơn toàn Mường,
cho ở trọ không đắt, đám dù lượn hay lên để phóng từ trên đồi xuống. Em sẽ gọi
xe ôm cho các bác, bảo đảm liên hệ chỗ ngủ xong mới lấy tiền, được chưa?”. “Các
bác” bèn yên tâm, nhưng khi một thanh niên khác tiến đến thì lại bật ra cái ý
nghĩ bần tiện “mời mà lại đem chén không đến là làm sao!”. Đến là lắm “Ơ hay”, cái
lũ “con Kinh”!
Xe Uyn “ba
cầu” gần như chỉ lên dốc, 12 km ngày dưng 150 k, Tết lấy 200. Đường bê tông
phẳng phiu. Đào mận đã thôi khoe sắc. Ban còn lác đác. Mạnh nhất là những vạt
lau, ngả rạp khi có trận gió lớn. Dưới đèo là vực, dưới nữa là nương, những
chân ruộng thấp hẳn chắc cấy được hai vụ. Sườn bên kia xanh rì cỏ, chỉ còn cây
lúp xúp. Nếu mà phóng một phát từ đấy rồi thung dung dưới tấm dù sặc sỡ, nhìn
xuống thung lũng bên dưới, những dòng suối len lách, những búi tre ngún khói
lam, cảm giác chả biết ra thế nào.
Lên nữa, đường chỉ toàn đá cục lổn nhổn giữa rãnh sâu.
Thương cho cái xương sống nhưng đầu lại nghĩ “Khó đi thế này mới còn nguyên sơ
được”. Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do, ba xã vùng cao của huyện Lạc Sơn có cái dự án
Tây Ban Nha bỏ tiền vào, thêm tý tẹo của một tổ chức xã hội Nhật. Đại loại là
phát triển du lịch vùng núi đá vôi, khách trọ luôn trong môi trường sống của
dân. Voọc quần đùi trắng là loại thú quý hiếm được bảo vệ. Cây khó mọc, vào sâu
mới kiếm được củi, nhưng vẫn còn một khoảnh rừng nghiến. Cái chỗ đỗ lại đầu
tiên là cửa hàng chữa xe máy đầy mùi dầu ở Ngọc Sơn, duyệt thế nào được. Nên
phi vào Ngọc Lâu, đến làng Hầu 3, căn nhà một tầng rộng rãi có tấm biển bé tý
ghi “Nhà nghỉ – home stay” thì “định đô” được. Sau này còn thấy rất nhiều cái
“được” khác…
Như là giá cả phải chăng. Ngủ qua đêm 50 k một người,
đệm cỏ sạch sẽ giải vải bông chi chít “hột”, giống cái sơ mi đũi đàn ông sành
điệu hay mặc. Chăn bông nặng, ấm sâu. Phản gỗ nghiến vững chãi trên mễ. Đêm đi
“toa lét” phải ra ngoài nhưng giật nước sạch sẽ, khí phiền nếu lũ chó gầm gừ. Nhưng
đứng xè xè dưới gốc vả, nghe sương rơi lộp độp cũng lãng mạn lắm chứ. Ăn 50 k
một suất có rượu chuối hột, nhưng “hai bác” xơi khí khiêm nhường, hai bữa chỉ
phải trả 120 k.
Như là sinh hoạt trong không gian sống của người ta
luôn, nên thỏa mãn được cái thú tò mò lọ mọ. Cây sau sau lá giống lá phong dễ nhớ rồi, nhưng cây thi cây rả không “mô tả” được. Thế nào là mương là phai tre khác pheo à vừa
trả lời “bác” này “bác” kia đã hỏi lại. Chồng tên Hu (“Hu là “hu” ý nghĩa thế
nào em không biết”), ít lời, cằm xanh xanh chân râu tướng đàn ông, cười rất
tươi, đã xuống Mai Châu tập huấn nấu ăn, có thể làm cơm chay, vài món Tây. Vợ
là Sơn, sắm chân tính toán, ngoại giao. Tròn trĩnh như một bà Tòng Thị Phóng
không mặc áo cán bộ, môi thễu thễu, Sơn nói chậm kiểu “còn đang nghĩ” nhưng kỹ
càng, ngồ ngộ, chuyện tưởng đã hết lại tòi thêm ra rất duyên dáng, nhiều thông
tin. Có hai bếp, căn ngoài ốp gạch men trắng, đặt vòi nước, bếp ga, bộ thớt
nghiến cái to cái nhỏ. Gian trong đun củi lỉnh kỉnh cám bã, ông bạn “tâm hồn ăn
uống” của tôi rất khoái chí “tia” được những chân gà, thịt trâu, mắc khén, giò thủ
kẹp trong mấy thanh tre ám khói. Đặc biệt nhất hẳn là bộ lòng non, con lợn mổ
trước tết dành lại đem hong, lúc ăn thái nhỏ, ra bụi lồm ngắt vài lá đem vào
nấu canh, chua chua đủ rã rượu và còn vị hoi. Giống món nậm pịa của người Thái hay thắng
cố Mông, người xuôi không uống được rượu dễ là “Tào Tháo đuổi”.
Lạ, là khá thế mà
nhà Hu Sơn lại được tính hộ nghèo. Đã từng bỏ quê vào trồng cà phê, chè, dâu
tằm trong Bảo Lộc – Lâm Đồng. Bẩy năm lụi cụi trên đồi, mùa mưa đất đỏ sụt
xuống bụng chân, “nhớ lên nhớ xuống” rồi vợ ốm quá lại ra. Thế là hiếm lắm, vì
Tây Nguyên là đất hứa của dân những vùng đất đai vừa ít vừa kiệt mầu. Sơn “nhất
quyết” không nói bệnh, chỉ kể đã đi đủ bệnh viện, đến lúc cúng bái mới khỏi. Mình
đồ rằng “ma làm”, chả biết có phải…
Giống như (mọi) thanh niên vùng xa, con cái trong nhà
đều nuôi giấc mơ bay nhảy. Cậu trai lớn đang học dở cao đẳng sư phạm tỉnh thì
về Hà Nội làm thợ điện nước. “Nó bỏ học em buồn lắm”, Sơn kể. “Đi một năm mới
về, đưa bố mẹ chục triệu, bảo còn để dành mua nhà lấy vợ, chưa chắc đã ở quê”.
Mong ước của cô em đang học lớp 11 trường dân tộc nội trú dưới huyện còn tệ
hơn: “Cháu muốn thi vào trường sân khấu điện ảnh. Cháu hát cũng không hay, mà
chưa diễn kịch bao giờ”. Thôi rồi, lại một nạn nhân của văn hóa tivi, những chân
dài không xanh lơ thì tóc nâu môi trầm. Nhà thổ dưới xuôi nhiều em từng mơ thế,
và ăm ắp con cái những nhà hy sinh cho sự nghiệp phát triển thủy điện…
Hai chúng tôi là “đoàn” khách thứ ba tính từ Tết. Hai
đám trước “Phăng xe” có ô tô, mà một tên ăn chay. Toán thứ tư là ba kỹ sư của
công ty ngô đi bán giống, chuẩn bị gieo vụ xuân - những dân “phượt” thực thụ,
bản làng nào từ Sơn La đổ xuống cũng đã tới, bằng xe máy. Vùng rừng trên núi đá
vôi không quá rậm rịt nhiều tầng cây, chắc phải vào sâu hơn mới thỏa chí khám
phá, hợp với bọn nước ngoài hằng sống trong nhà chọc trời. Đường từ chỗ nghỉ
vào thác Mu trong Tự Do rất xấu, đi bộ năm cây trong nắng non cứ lử đử.
Không có bạch đàn, keo, những thứ cây “mới”
sinh lợi như vùng thấp. Bưởi đỏ ối trên cành nhưng chỉ nhỏ bằng quả cam. Bên
đường có nhà bia làm kiểu dưới xuôi, đề là mộ cụ tổ họ Quách do dân làng Rộc và
con cháu bên Pú Luông Thanh Hóa dựng “để tưởng nhớ công lao”. Làng Hầu 3 đa
phần họ Bùi, khi chết lấy lại họ cũ để làm ma họ Quách. Đinh -Quách - Bạch - Hoàng
là bốn họ sang cả trên Mường, họ Quách làng Hầu đổi sang Bùi từ xửa xưa hay
thời “đấu tranh giai cấp”, cũng là thú vị nếu hỏi ra. Nhưng biết cũng không dễ.
Có nhiều câu chả “cắc cớ” gì, như “Mu”, “Hu”, “Hầu” là gì chỉ đáp “cứ gọi thế
thôi”.
Một đêm tuyệt diệu. Không karaoke mùi mẫn nhạc Trịnh,
xe máy rú thi thoảng. Trên đầu trong vắt, lâu mới “đếm” được cả một bầu trời
như thế, nên ngất ngây khi tìm ra chòm Đại Hùng Tinh. Và tiếng cồng âm âm rền
rền chuyền trên ngọn cây. Đấy là cái “hội” của người già góp tiền chơi, Tết đi
từng nhà chúc tụng (dưới xuôi chắc là một “giáp”). Hôm nay là ông Nỉ. Sàn gỗ
rung rinh, các ông trống cơm, nhị, hai ba cây sáo chơi một kiểu chả ăn gì với
tám bà sống váy đúng kiểu cứ cồng mà gõ. Rồi các bà bỏ cồng sang song loan
miệng sòn sòn sòn đô sòn, dưới đồng
bằng “dịch” thành “Bà ngồi bà rung đùi, bà ngồi bà rung chân…”. Sau màn Sắc bùa
(mình cứ tưởng chỉ Nam Trung Bộ mới có) khá chậm đột ngột rộn ràng là là mí mí rê tức là “Này bà Lý toét ơi, con tôi nó lấy con
bà, hai đứa nó cùng yêu nhau sắm cho nó một cái giường…”.
Ghê thật. Sau Điện Biên cơ đấy. Những giai điệu bộ đội
“lấy” của đồng bào, phổ “son phe” vào rồi dậy lại, sáu mươi năm rồi vẫn còn bảo
tồn, là niềm vui cho những đêm xuân.
Bữa tối ê hề nhưng tẻ. Đĩa thịt nạc xào ú hụ không
động đũa. Sườn lợn tẩm hạt dổi rán có hơn nhưng quá quen. Chỉ đến khi bà chủ
rụt rè “hay là thịt chua, mới muối sợ chưa chín” mới bốc. Bốc vì câu chuyện, và
chốc chốc lại được chạy ra vườn hái mớ lá vả vào. Khách ăn như thuồng luồng
nhưng bì không nhằn nổi, để ý thấy vợ cứ gói thịt chua vào lá vả tiếp cho
chồng, hỏi tại sao thì (lại) không được trả lời. Trưa hôm sau, đoán được khẩu
vị khách, Sơn để anh em tôi tự hái lấy lá lồm, vả, rau trong vườn. Ối giời,
những cải xanh tươi non, xu hào củ bé vẹo vọ không mỡ màng mì chính luộc ngọt
đứ đừ.
Đêm không mộng mị, chả thuốc ngủ. Sáng ra đầu nhẹ,
trong vắt. Sơn bảo lúc tắc kè ném lưỡi em sợ nhưng chả thấy bác nào vẫy tai.
Rồi sang nhà ông Tờ, thầy cúng “gia truyền” đã năm đời. Trong tiếng tivi sột
soạt, lúc ề à chậm chạp lúc chuyển sang khẩn trương, chốc chốc ông lại “uống đi
các chú, đốc tơ Thanh đấy”. Vẫn biết
tiếng Việt còn pha nhiều gốc Mường, nhưng mình chả thủng được mấy, chỉ nghe rất
nhiều “Cuông lai”, hình như là quan lang đủ các thứ bậc.
Trên vách đính những chứng nhận, chúc thọ của Hội
Người cao tuổi các cấp. Chen vào một ý nghĩ quái quỷ: Người cao tuổi rất có ảnh
hưởng ở những cộng đồng xa xôi, nếu tờ báo của Hội - vừa “làm loạn” và bị xử lý
- lên đến tận đây, thì hệ quả sẽ thế nào? Giữa hai bài cúng, chúng tôi tranh
thủ hỏi túi bụi, thì cũng thấy “kêu” đến cả Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Thượng đế
tức Vua trời, tức là chen chúc với mấy vị dưới xuôi. Định hỏi có thần suối thần
rừng thần cây thiêng không nhưng ông cụ đã phải sang thôn bên ăn đám. Cũng
không tiếc quá, cụ đã đi bộ đội xong về bưu điện huyện làm cho đến khi về hưu, chắc
gì tránh khỏi cái thần thái “quốc doanh” hay pha phách.
*
Vậy là xong cuộc xuất hành đầu năm, nếm náp vị Mường
còn chân chất, hít thở khí xuân nồng nàn, gặp những con người của rừng núi còn
kha khá nguyên sơ, chưa tập nhiễm những thói hư của văn minh. Hai ngày một đêm
nhiều bất ngờ và không ít cảm xúc. Được quá lãi quá rồi, để mà yên tâm trở về
xây dựng gia đình văn hóa mới. Cũng phải tính nữa, là tiêu chỉ triệu rưởi, một
mức vừa phải.
Nhưng cái đoạn vĩ thanh “âm hưởng” lại có vẻ không
giống mấy với những ấn tượng trên. Ông xe ôm chở “hai bác” xuống huyện rất cởi
mở:
“Em sinh 1969, đi bộ đội không quân xong về nhà làm
lâm tặc, buôn thú quý, thỉnh thoảng chạy xe ôm. Nhà trước trong rìa núi, không
có nước chuyển ra gần đường, ai ngờ giờ làm thương nghiệp, dịch vụ lại “ăn”. Em
làm đậu phụ, mỗi ngày 15 cân đỗ, bán ở nhà và đi giao các chợ được chừng đôi ba
trăm. Về cái chuyện xếp loại hộ nghèo bác không biết, có khi phải mua, có khi
bổ theo từng họ”.
“Thằng lớn hết lớp 10, em chạy 120 triệu vào trường
thiếu sinh quân của Bộ Công an bên Thái Nguyên, cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả
ngày, ở cùng con ông cháu cha cả. Hết phổ thông cháu về Hà Nội học tiếp, ra thêm
đôi chục triệu nữa thì về công an huyện, đầu tư sớm nó chắc bác ạ”.
Bây giờ thì dừng hẳn.
T.C
4 nhận xét:
hay TC ạ nhưng viết đậm đặc thế này đọc một hơi là khó thở .
Chả đi đến mô, đọc ghi chép Dê của TC coi như được 1 chuyến thực địa. Sướng nhất 2 câu, 1 của xuôi - 1 của thượng; 1 của Kinh- 1 của Mẹo: "Ăn cỗ ma vầy" và "cái con Kinh".
"Càng cãi càng thua" - tại sao cứ oánh nhau với tụi Gấu cái là AE ta đại bại ?. Bởi vì:
- Mất cảnh giác. Ban đầu họ là Đồng Minh, sau chuyển thành Địch.
- Họ luôn tìm cách nắm yết hầu ta bằng chiêu thức rất tầm thường nhưng khó đỡ.
- AE ta luôn tránh đụng độ và nhường chiến trường cho chúng.
- ....
VÙNG LÊN HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN....
Đọc bài này tôi càng thấy thấm thía ý nghĩ là ; những giá trị trong văn của TC sẽ giống như vòng ngọc thạch ngày càng ngày càng sáng bóng càng 'có giá' không lường hết được.
Đăng nhận xét