XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ...
Theo lời kể của một lính Trường TSQ Nguyễn văn Trỗi .
Một tối tháng tư /2016 , tôi và Lê Đoàn ngồi quán ăn Tri kỷ ở đường Trần Não - Quận 2 ngay cạnh sông Sài gòn . Nước sông đang lên , tàu khách du lịch , tầu hàng ... Vẫn qua lại thật nhộn nhịp mặc cho sự cố Sà lan đâm gãy nhịp Cầu Ghềng tháng trước ,
Gió sông thổi mát rượi . Sài gòn về đêm chan hòa ánh điện .
Lê Đoàn nhớ lại và kể tôi nghe chuyện vượt Trường sơn mấy chục năm về trước :
Ngày tạm biệt Miền bắc là những ngày đầu đông . Cái rét năm đó thật khắc nghiệt . Mưa phùn gió bấc như tiễn chân đoàn quân ra trận đến tận tuyến lửa khu bốn .
Không khí chiến tranh thật buồn . Ga Vinh bị máy bay Mỹ dội bom thật tang thương . Mái ga chính bị đổ sụp , những toa xe và những thanh tà vẹt nằm chỏng chơ bên vệ các hố bom chi chít . Những công nhân bốc vác , nhân viên Bẻ ghi ...lầm lũi làm việc trong ánh đèn bão hiu hắt ... Một màu xám xịt bao trùm cả không gian .
Năm đó , đi chiến trường còn được giữ bí mật . Nhiệm vụ đi B như một chuyến đi đặc biệt mà khi khoác ba lô trên vai , người lính chiến mới hiểu ngày trở về sẽ dài vô tận .
Tiểu đoàn của Lê Đoàn phần lớn lính Hà nội . Cái chất hào hoa của lính Thủ đô cũng khác . Ngoài xin phép cấp trên cho Tiểu đoàn đem theo cây đàn ghi ta , trong ba lô của lính còn có truyện , tiểu thuyết nổi tiếng như : Ruồi trâu , Thép đã tôi thế đấy , Vượt sông Áp lục ... , hay cuốn sổ tay giấy đen, ghi những dòng lưu niệm , những bài thơ nổi tiếng đương thời của Nguyễn đình Thi , Xuân Diệu , Tố Hữu ... . hay dán tấm hình người bạn gái cùng học .
2 / - Tất cả chấm dứt ở Quảng Bình . Toàn thể Tiểu đoàn chuyển sang chế độ " Đi không dấu , Nấu không vết " , bí mật hoàn toàn .
Toàn bộ thư từ . Sách vở , tư trang ... liên quan đến Miền bắc gửi lại . Cả đơn vị trang bị như Quân giải phóng , mũ Tai bèo , Dép Râu , ba lô con cóc , và cây gậy chống đi đường .
- Tao khóc mày ạ ! Nhớ nhà , nhớ bạn bè , nhớ cả bàn tay nắm chặt của Nguyệt , đứa bạn gái ngồi cùng bàn với tao ở Trường cấp 3 Nguyễn gia Thiều - Gia lâm khi tiễn tao lên ô tô .
Cả súng đạn , tư trang , bao gạo nặng gần 30 ký đè lên đôi vai gầy của thằng học trò mảnh khảnh như tao ... Đấy chưa kể , phải dìu thêm thằng ốm , gục trên đường .
Đúng là nhờ những tháng ngày tập luyện ở ngoài bắc , cứ chập tối đeo ba lô 30 kg gạch , hành quân leo núi Tam đảo . Nếu không thì chỉ có bò chứ không lê nổi đôi chân ...
Cũng phải nói , công tác tuyên truyền hay thật . Làm gì có chuyện " Đường ra trận mùa này đẹp nhất " , hay " Trên đỉnh Trường sơn ta hát " , đấy là những năm sau này , còn thời tao lầm lũi đi và đi ... theo đường mòn trên đỉnh núi mà thấy máy bay Trinh sát OV10 vè vè bay dọc theo triền núi ngay ở dưới chân . OV10 bay dai dẳng lắm , loa chiêu hồi ra rả suốt ngày .
Thỉnh thoảng lại bị trận mưa bụi hoá chất , do Tụi Mỹ thả các túi bột trên các cánh rừng , được gió bay tứ tung , hít vào là ho sặc sụa , ngứa ngáy khắp người ...
Còn cây Nhiệt đới do Máy bay rải chi chít khắp nơi , thực chất là thiết bị thu phát điện tử , trông giống như cây con được thả suốt rừng Trường sơn để thu thập mọi hoạt động của ta . Vì thế , cả hàng quân đi lặng im như ngậm tăm , không dễ ăn Pháo bầy , hay máy bay ném bom do Cây nhiệt đới phát hiện ,
Lê Đoàn bỗng đăm chiêu , giọng xúc động :
- Trên đường lính chết nhiều lắm mày ơi . Đủ kiểu , đủ tư thế do sốt rét ác tính . Do lạc đường , chết đói và cả tê liệt ý chí , tự sát , tự thương ...tao cũng nhụt chí lắm . Nhưng cứ nghĩ đến bố mẹ , bạn bè lại nuốt nước mắt mà đi . Mày biết rồi đấy , mang tiếng B quay thì nhục lắm , cả nhà chắc chẳng dám nhìn mặt ai , chỉ có nước độn thổ ..
Giọng Lê Đoàn bỗng vui hẳn lên ;
- Mà hay nhất là Cái gậy chống hành quân . Hồi đó chưa có Bài Hát " Chiếc gậy Trường sơn " của Phạm Tuyên đâu . Không có cây gậy ấy thì tụi tao chết ,
Mày biết không , khi đi thì chống tạo đà cho đôi chân , lúc ùn đội hình thì hai tay cầm gậy tì trước ngực , tạo thành cây chống cho đỡ mỏi .
Khi có lệnh dừng nghỉ đứng , thì chống gậy dưới đáy Ba lô , tạo thế chân kiềng , ngả lưng tại chỗ ra sau , năm mười phút thôi , nhưng thật dễ chịu ...
Bây giờ nghĩ lại những năm tháng vượt Trường sơn những năm đó tao vẫn thấy còn kinh khủng và khắc nghiệt . Sau Mậu thân 1968 , việc đi B trở nên công khai , hệ thống đường Trường sơn được hoàn chỉnh và củng cố ...
Tao thấy Tố Hữu viết đúng thật :
Trường sơn Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó thì chưa thấy mình
Tiểu đoàn Đặc công của tụi tao hành quân đúng 4 tháng 10 ngày thì đến địa phận Tỉnh Gia lai . Đại đội tao được cắt lại , biên chế cho Tỉnh đội Gia lai bám đánh đường 19 , con đường huyết mạch nối Tây nguyên với duyên hải Miền trung .
Thật lạ , ở chiến trường luôn tiếp xúc với sống chết thì không nghĩ gì nữa . Thanh thản đi vào từng trận đánh . Coi cái chết cứ như không !
Còn lại , tiểu đoàn tiếp tục hành quân vào chiến trường B2 , miền đông Nam bộ .
Chín năm bám địa bàn Tây nguyên đến khi giải phóng Miền nam 1975 , đại đội tao còn sống một nửa ...
3 / - Lê Đoàn ngừng lại , rồi nói như tự sự :
- Lại sắp sửa đến 30/4 rồi , Chiến tranh thế mà đã lùi xa hơn 40 năm , Nhưng với những thằng lính chiến như tao khó quên ký ức hào hùng dạo ấy ,
Khi nào rảnh , tao kể mày nghe chuyện " Cứt Mỹ Cứt Ngụy " cho mà nghe . Lính ta ở Tây nguyên thằng nào cũng biết , không biết điều ấy thì gia đình ở hậu phương dễ nhận Giấy báo tử lắm .
Lê Đoàn cười , nụ cười thật hiền và trong sáng ... Nụ cười vẹn nguyên chất Lính của anh .
Sài gòn những ngày tháng 4 /2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét