Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

ĐI THĂM LÀO

Thanh bình
Khách sạn Lanexang trông ra con đường chạy dọc sông Mê – kông, biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan. Gần đấy có cái quán nhỏ, những thức nướng bình dân. Tôi nhẩn nha ngồi, chọn một quả chuối đã xem xém trên bếp than hoa, nhẩn nha ngắm. Có lẽ vậy là phải. Quang cảnh xung quanh yên bình đến đỗi ta không thể sống vội vã, để mà chẳng cảm nhận được cái gì...
Trước mặt, là những làn xe trôi tăm tắp, rất nhiều “túc túc” và bán tải. Người Lào có kiểu đi xe từ tốn lắm: không bóp còi nếu không có lý do to tát. Gặp chỗ phải quành, họ dừng lại chờ, đến khi hết làn xe bên kia mới lượn, không chồm ra từng chục xăng ti mét để rồi tắc dí dị như ta; tốc độ lưu thông nhờ thế mà nhanh hơn. Xe máy ít, có lẽ chỉ bằng lượng ô tô, xe tay ga phân khối lớn càng ít, xe đạp gần như không có. Cảnh sát giao thông không mấy khi gặp, thường chỉ phải làm việc căng gần một tiếng buổi sáng, giờ cao điểm. Trung bình mỗi tuần có 14 tai nạn giao thông, bốn ngày một người chết vì tai nạn giao thông, rủi ro vào loại thấp trong khối ASEAN, đứng sau Phnôm Pênh, Răng Gun. Những đàn bà duyên dáng trong bộ váy áo lấp lánh kim tuyến. Những nhà sư khất thực thong dong, ai muốn cho quả bí, nắm cơm phải quỳ xuống mà dâng. Vào giờ tan học, những bé gái ùa ra làm sáng cả đường. Tất cả đều mặc váy, một quy định. Váy là một thứ đặc sản, phụ nữ vào chùa, đến công sở, đi lễ hội đều bận. Em Kẹo Sỏn ở báo Viêngchăn Mài (Viêng Chăn mới) bảo có tới năm chục bộ váy áo. Thanh niên có diện quần bò, nhưng cũng rất ít tóc nhuộm, và không hề có hoa tai khuyên mũi. Nhớ hôm theo Hải, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã - vào một sàn nhẩy đêm, cũng ầm ĩ điệu “suynh” chát chúa, nhưng múa lại chậm, một thứ lăm vông biến thể.
Mấy ngày ở Viêng Chăn, tôi chả có thì giờ mò đến khu dân cư bình dân, những căn phố tồi tàn - đô thị nào mà chả có thứ đấy. Nhưng bằng vào phần bao quanh Hoàng cung, dọc sông Mê kông, thì thấy đấy là một thành phố có quy hoạch rõ ràng. Nối vào đại lộ Luôngprabăng là đại lộ Lane Xang thẳng tắp, to rộng, một thứ “Săng Ê - li – dê”, giống thủ đô Pháp chăng? Đứng trên đài Chiến thắng sừng sững (xây năm 1962) nhìn ra tứ phía đều thấy được đầu mút những con đường châu vào đây.
Viêng Chăn là một thành phố Mở. Thủ đô nằm ngay đường biên, không chắc chắn về phòng thủ, thì thân thiện phải là đặc tính đương nhiên rồi. Rộng gần 4000 km2, hơn Hà Nội nhiều, thành phố tha hồ thoáng đãng vì chỉ có hơn 70 vạn dân. Dù trời nóng, nhiều muỗi, mà khách du lịch đủ loại đến vẫn đổ xô đến, mỗi năm tới 80 vạn lượt người. Pha trộn trong khu trung tâm đủ loại “rét tô răng” Thái, ấn, Việt, Pháp, cơm chay, ăn nhanh, các món nướng món chấm cay xè, xôi, lạp... đặc trưng Lào. Đô trưởng Sinlavong Khoutphaythoune nói sức sống Thủ đô là thanh bình, xanh, sạch, sáng, hấp dẫn, duyên dáng, văn minh. Hiển nhiên, với định hướng ấy, truyền thống phải là cái giữ được, để mà đem ra phô với bạn bè, để họ thấy sắc thái Lào có khác với người Thái bên kia sông. Nhà cửa không cần cao tầng, cứ thấp thoáng dưới bóng đa đề me xoài, và dù kiến trúc hiện đại là mấy, phần mái, các chi tiết đều cài điểm những đường cong, hoạ tiết Lào. Chính quyền rất chú ý giữ hình thái bên sông cho thành phố. Nên dẫu còn tới 8 cây số đường ven Mê Kông còn phải giải toả nhà cửa, hàng quán, Viêng Chăn vẫn cứ thoáng rộng, không như Hà Nội, con sông Hồng đã bị chôn sống rồi.
Viêng Chăn còn là thành phố mở về sắc tộc. Trong hơn 70 vạn dân, tới 20 vạn là người Thái, Việt, Miên, Xinh, ấn... Phan Đăng Viên, người Hà Nội, bỏ ngành điện lực ở bản quán sang thuê 2000 mét đất mở hàng ăn “Bếp Việt”, với cá kho, lòng lợn, đậu phụ mắm tôm, bảo đất này dễ làm ăn, không chen chúc xô bồ. Người Lào hiền hậu, bàn bên nói to đứng lên bỏ đi, xe khách hàng xóm cho đỗ trước cửa nhà mình. Quả có thế. Những phụ nữ sao mà ân cần, nhỏ nhẹ, giọng ngân nga khó bắt chiếc, lúc nào cũng dành cho khách nụ cười, câu chào “xăm pai đi” êm ái.
Tôi đi xem Thạt Luổng – có tượng ông vua dời đô từ núi cao về đồng bằng cách nay gần 450 năm, đài Chiến thắng, vườn Phật, bảo tàng Quốc gia..., những biểu tượng của Viêng Chăn. Chùa chiền, kiến trúc, tác phẩm điêu khắc nhiều và độc đáo vô kể, tạo nên một bản sắc không thể trộn lẫn. Và lên cố đô Luongprabang thăm tháp Kuangsi, hoàng cung. Rồi một nhận xét rất chủ quan bật ra: bạn có những thứ ta không có (đương nhiên), lại giữ được những thứ ta đã có mà nay không còn. Người Lào, được giáo dưỡng trong ánh sáng thuần khiết của tôn giáo, văn hoá truyền thống, thể hiện cái thiện căn của con người thật sâu sắc qua nhời ăn tiếng nói, câu chào, nụ cười. Không nghiêm khắc, căng cứng đến cực đoan, họ cứ bình thản, nhỏ nhẹ mà tồn tại, giữ được mình trong trào lưu hội nhập.
Đó là những gì đáng làm ta phải ngước lên chứ!
Hoàng Định
1029

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

cơn gió mạnh
cuồng phong
gió cuồng phong