Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Nhớ về ba người bạn vừa ra đi

Đi dự đám tang Trần Xuân Lăng về, lòng tôi bỗng thấy nặng nề. Vẫn biết sự sống – chết là lẽ thường, nhưng đến tuổi này (trên dưới 60) ta thấy rõ mình trở nên đa cảm hơn (khác hẳn cách đây không lâu: Mọi sự, vui buồn mặc lòng, cứ bay đi như gió lốc).
Nhớ lại sáng nay, khi thắp hương cho Trần Xuân Lăng xong, Khánh Tường (trưởng ban liên lạc K3) và Đồng Hiền đã chờ sẵn bên bàn ghi sổ tang, túm lấy tôi :
 Ông đại diện anh em vào ghi vài dòng đi!
 Ghi sao cho đúng là … Trần Xuân Lăng – Đồng Hiền nhấn mạnh.
Tôi ngồi vào bàn… Khuôn mặt Xuân Lăng thời Quế Lâm hiện lên vui tươi, hồn hậu (không hiểu sao với đám bạn cũ, mỗi khi nhắc đến ai, tôi lại cứ nhớ về khuôn mặt của họ thời ấy; còn bây giờ thì … lờ mờ thôi). “Anh em trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi vô cùng thương tiếc bạn Trần Xuân Lăng…” Với ai thì cũng đều có thể ghi thế được. Suy nghĩ một lúc, tôi viết tiếp : “…Một người bạn, một nhân cách Trung hậu và đằm thắm…”. Có ai đó đứng sau lưng tôi khẽ tán đồng :
 Đúng đấy! “Trung hậu và đằm thắm” Mấy ai có được điều này.
Xong việc, theo lệ, anh em ngồi lại bên nhau một lát :
 Hai năm nay khóa mình ra đi nhiều quá, những 7,8 đứa rồi – Ai đó lên tiếng – Chưa “thất thập” mà đã … “cổ lai hy” lia chia.
Đức “cối” gật gù :
 Lần này lại tòan những vị “kiêng” rượu : Phan Tiến, Tường Long, Xuân Lăng đều rất điều độ, vậy mà vẫn … đi.
 Nói vậy không có nghĩa là mấy “con sâu rượu” cứ thế mà phát huy đâu nhé…
Với riêng tôi, ba nhân vật của K3 vừa ra đi ấy (chỉ cách nhau vài tháng) tuy đều không thân, nhưng cũng có vài kỷ niệm nhỏ (Bình thường thì quên phứt, lúc này mới chợt nhớ ra). Thôi thì, cứ xin lan man ghi lại, gọi là có chút nhắc nhớ về nhau :
Phan Tiến học giỏi, nhưng không chăm lắm, dáng đi chữ bát khuềnh khoàng, vẻ mặt… phớt đời. Có lần đá bóng (ở Quế Lâm), hai đứa đều lỡ … quên đá bóng, mà đa “nhầm” vào nhau. Khiến cho hai bộ mặt đều bầm tím… Chỉ thế thôi. Sau này tôi về Hải quân, ở một trung tâm điện tử phía Nam, có lần cùng cán bộ Lữ đoàn 171 (đặc trách vùng biển DK1) sang bên dầu khí giải quyết việc gì đó, thì gặp lại Phan Tiến (khi ấy hắn đang là giám đốc một công ty của dầu khí). Mọi việc được giải quyết nhanh gọn. Phan Tiến gọi mấy cán bộ cấp dưới lên dặn dò phải hỗ trợ chúng tôi chu đáo, rồi “kết” một câu rất … Phan Tiến :
 Không có mấy ông hải quân lênh đênh ngòai ấy, thì “bố” chúng mày cũng không hút nổi một giọt dầu, chứ đừng nói đến “tấn nọ, tấn kia”. Vậy nên, khó mấy cũng phải làm, hiểu chưa?!
Tôi mỉm cười: “Hóa ra Phan Tiến trông phớt đời vậy mà cũng …chính trị ra phết!”.
Rồi nghe tin Phan Tiến gặp tai nạn, phải nằm dài. Mười mấy năm sau, một ngày đẹp trời, tôi lên nghĩa trang thành phố thăm người thân. Khi ra về bỗng thấy một người đàn ông bận quần áo đen, ngồi xe lăn dưới bóng cây trong nghĩa trang, vẻ tư lự… Hóa ra đó là Phan Tiến, đang cùng gia đình lên nhận phần mộ cụ Mai Chí Thọ (vừa mất) để chuẩn bị cho tang lễ. Nghĩa trang hôm ấy rất vắng, nắng vàng, gió nhẹ, Chúng tôi bắt tay nhau. Khác hẳn vẻ nhộn nhạo, Phan Tiến bỗng nói một câu lạnh băng :
 Có lẽ tôi cũng sắp đi…
 “Đi” thế quái nào được! – Tôi bật cười, nhưng ngay lập tức biết rằng mình đã sơ ý… Có lẽ Phan Tiến đã cảm nhận được một điều gì. Tôi nắm chặt bàn tay xanh xao của Tiến.
Chỉ vài tháng sau Phan Tiến ra đi thật. Hôm đến chia tay nhau, dừng lại trước ô kính nhỏ, nhớ lại lần gặp cuối cùng, tôi thầm nhủ :
 Đi thì đi, sợ quái gì!... Phải không Phan Tiến?
Còn về Tường Long, lại là một “kiểu” khác. Tường Long là người sắc sảo, có chí, nhưng không gặp may. Hắn học ở nước ngoài về, đang độ sung sức, thì bỗng ngã bệnh. Thoát chết là may… Tường Long chuyển sang nghề báo. Và trong lĩnh vực này Long đã khẳng định được mình : là một “cây” chuyên bình luận quốc tế có bản lĩnh, có cá tính. Những bài bình luận ngắn (rất ngắn! khó là ở đó) của Tường Long thường đăng ở trang cuối báo “Sài Gòn giải phóng” (dưới cái tên Tường Vân), thường đề cập đến một sự kiện quốc tế nào đó, không tô hồng, không bôi đen, đôi lúc bỏ lửng đầy dụng ý… Còn lại giành cho độc giả tự rút ra nhận định, (Tất nhiên, dạng độc giả này không ở diện rộng lắm).
Trong những năm 90 (thế kỷ trước) đầy biến động, không ít người mất tinh thần, xuống sức; thậm chí xoay ra điêu toa… thì Tường Long vẫn lặng lẽ đọc, viết khá nghiêm túc, bình tĩnh. Cái “sự viết” của hắn không xuôi chiều (theo kiểu tuyên truyền), mà dám xông vào những chuyện khá gai góc. Hay nữa là : Nói những vấn đề vĩ mô mà như ta đang trò truyện “vi mô”, cứ vui vẻ, tưng tửng vậy…
Tôi đón nhận những bài viết của Long với sự trân trọng, kể cả với những ý mà tôi chưa thuận lắm.
Đôi lần gặp gỡ, tôi có đem vài ý trong các bài bình luận quốc tế của Long (đã đăng) ra … bình luận lại. Khen nhiều và cũng có chê. Khi “chê” thì hai đứa lại … cãi nhau (?) Nói là “cãi nhau” cho vui, chứ thực ra hắn là nhà báo chuyên nghiệp (tôi chỉ là dân đọc… chuyên nghiệp) lời lẽ hắn khúc chiết lắm, ai mà cãi được. Kết quả thường là … cứ ai giữ quan niệm ấy (!) Vì cả hai đều “gàn” như nhau.
Một lần, biết tôi vừa đi KămPuChia về, lại có dự hội nghị tổng kết chiến dịch truy quét mùa khô năm ấy của Bạn, Tường Long hỏi nhiều… Tâm trạng chung của không ít cán bộ ta (sang giúp Bạn) đang rút về khi ấy có nhiều băn khoăn : Liệu rồi đây Bạn có “đứng” nổi không? Bạn mà không đứng nổi thì ta cũng chẳng yên…
Tường Long có lời “bình” (đại ý) rằng :
 “Giúp Bạn là tự giúp mình”, đã đành là vậy. Nhưng nếu ta cứ mãi “cầm tay” giúp Bạn theo kiểu này, thì rồi ta cũng … đuối. Biết đâu khi ta rút rồi, là người bản xứ, lại đứng trước sự “mất – còn” hiển hiện, Bạn sẽ có cách để “đứng” hay hơn ta tưởng.
Tôi không nói về sự “đúng – sai” ở đây (dù thực tế sau này chứng tỏ điều đó là đúng) mà chỉ cảm nhận rằng : suy nghĩ của Tường Long (cây chính luận Tường Vân) là khá sâu và thực tế.
Trong giai đoạn nhộn nhạo ở tầm “vĩ mô” vừa qua, người rất kiên trì, hiểu và viết được như Tường Long thật là đáng quý vậy.
Xin quay lại vài chuyện “đời thường” với Trần Xuân Lăng : Hồi cùng học hắn là người cởi mở, dễ mến. Hễ có dịp là Lăng lại “đăng đàn” ca hát, đọc thơ… Khi ở Quế lâm, có lần hắn ghé xem tôi … vẽ tranh. Xem và gật gù khen, nhưng rồi hắn “phán” một câu :
 Dùng màu bạo, nhưng không … thật!
Tôi tự ái (cái tuổi ấy chỉ thích được khen thôi) cứ lặng im vẽ. Hắn đi rồi, tôi mất hứng, ngồi ngẩn ra một lúc rồi … vò nát bức tranh (!)
Mười mấy năm sau, tôi ra Côn Đảo công tác (Côn Đảo khi ấy còn xác xơ lắm, bộ đội phải hái cả rau rừng về ăn). Một lần đám lính hải quân chúng tôi đi từ trạm kiểm báo trên đỉnh núi Chúa mù sương về đài Lo Ren, ngang qua vịnh Cá Mập. Thấy cảnh biển trời quá đẹp, chúng tôi tạt vào quán nước ven đường nghỉ chân. Cạnh đó cũng có vài người đang ngồi. Một gã mặt rám nắng tiến lại… Hóa ra là Xuân Lăng. Bạn cũ gặp lại nhau nơi cuối đất cùng trời ấy kể cũng hiếm! Hắn nói là vừa rời binh nghiệp, chuyển ngành ra một công ty của Vũng Tàu – Côn Đảo và được điều ra đây.
 … Ai cũng ngại đi xa, nên tớ đành … xung phong đi. Lính mà! – Xuân Lăng cười nhẹ nhõm – Vả lại mình cũng thích phiêu diêu đây đó một tí. Gặp lại ông, tôi nhớ đời lính quá…
Ngắm cảnh biển trời vịnh cá Mập xanh ngăn ngắt, rất cởi mở, Xuân Lăng đọc cho tôi nghe một bài thơ vừa làm, nội dung khá hồn hậu, có câu (đại ý) :
… Trước biển rộng lòng ta không hẹp nổi
Cứ yêu thương, ngơ ngẩn đến nao lòng…
Mọi nhà thơ, từ tầm tầm đến trác tuyệt, có lẽ đều có những lúc “dở hơi” một cách dễ thương như thế.
Sau này ở Sài Gòn, có hôm tôi đang họp trong đơn vị, thì trực ban báo vào là có một người quen đến chờ tôi dưới phòng khách. Tôi hẹn mươi phút nữa. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự kiến, nên khi tôi ra thì lính cảng vụ báo là : “Tàu anh ấy vừa nhổ neo đi rồi!”. Nhìn theo con tàu gỗ nhỏ lênh đênh ngòai ngã ba sông, tôi rất băn khoăn… Giở tấm danh thiếp người khách để lại, thấy ghi là “Trần Xuân Lăng” và dòng chữ : “Ghé thăm bạn, mà vội quá… Tớ lại ra Côn Đảo đây.” Lòng tôi bỗng thóang nhớ về buổi chiều bên vịnh Cá Mập xa xăm…
Xuân Lăng là người, khi nhận được tin nhắn của bạn bè, nếu không quá bận, có thể phóng hàng trăm cây số để về họp mặt ngay. Ngồi vui vẻ giữa anh em cả buổi, mặc dù không uống một giọt rượu, hắn vẫn không làm cho ai mếch lòng (đó là điều mà tôi không sao “học” nổi)
Trong thời buổi quá dư sự kêu ca than thở, chẳng mấy khi nghe Xuân Lăng thở than.
Trong thời buổi đầy dẫy sự đua đòi phô phang, có lẽ Xuân Lăng là người không chút phô phang hay hiềm tị.
Có lẽ vậy mà khi đưa tiễn bạn đi, tôi đã bùi ngùi viết rằng : “Một người bạn, một nhân cách trung hậu, đằm thắm…; Và đọc trên “blog bạn Trỗi” (khi nghe tin Xuân Lăng mất) tôi thấy có vài bạn cũng cùng chung ý nghĩ ấy với tôi. Phải chăng một cuộc đời thế cũng là nhẹ nhõm và trọn vẹn rồi!
Tháng 6/08
CHÍ THỌ (K3)

1 nhận xét:

KT nói...

CT vừa dựng lại được 3 bức tượng khá chuẩn về các bạn vừa đi xa. Tôi với XL sống với nhau khá lâu và khá thân thiết vì hai bà già trước cùng đơn vị, sau này vào SG sinh hoạt cùng phường 8 quận 3. XL đã từ quân ngũ bước vào giới kinh doanh buôn bán từ khi đất nước mới mở cửa, vậy mà hắn không bị nhuốm màu một chút nào. Bao nhiêu năm vẫn không thay đổi chất "lính bộ đội Cụ Hồ". Tôi phải nhấn mạnh từ này vì lính thì nhiều, mà chất thì biến cũng nhiều, kể cả những người, trước đây, trong chiến tranh đã từng có nhiều chiến công. Tôi phục XL ở điểm đó.