Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Hai Đức Chúa Ông

Truyện ngắn của Trần Chiến
Ông cả Ngộ biết rằng mình phải đến nhà trưởng Thìn hôm nay, ngay sáng nay. Mai kia ra thì cứt trâu đã hoá bùn rồi. Nhưng cái việc phải giáp mặt này nó bắt nhớ quá nhiều điều ông muốn quên. Lâu nay, ông hằng tính nát nước đến sự liên minh này. Hôm qua, thao thức cả đêm, để rồi sáng nay phải châm ấm chè, xem nên nói điều gì, nên bỏ câu gì. Đúng là ông phải chủ động sang bên ấy, vì trưởng Thìn có lý do để hận ông hơn.
Họ Chu, do cả Ngộ đứng đầu, năm mươi năm nay hiềm khích với họ Nguyễn của trưởng Thìn. Thời đế quốc họ Nguyễn phát đùng đùng, thay nhau làm hào lý, việc làng toàn ngồi mâm tiên chỉ. Tráng đinh họ Nguyễn nhiều người được học hành, nói tiếng Tây làu làu, lang bạt sang làm ăn tận Pháp, Mỹ. Trưởng Thìn hồi chín năm làm lý trưởng. Đứng ở cửa đình, lão thẳng tay nện trống thúc sưu, cứ ngũ liên cả buổi như hộ đê, cả làng mặt xanh như đít nhái. Đến khi Thìn cùng trương tuần tay thước vào nhà ai - cố nhiên, kể cả họ Nguyễn – thì nhà ấy tha hồ chắp tay “con cắn rơm cắn cỏ…”. Được cái là lão cũng nương tay, chẳng bắt ai ra giữa đình khảo hèo.
Đến năm năm ba, mọi bề đổi hẳn. Địa phương quân về đánh bốt Vân Ổ, dẹp hết hội tề. Đội bắt rễ ở nhà cố Lương, định tỷ lệ địa chủ trong làng là năm phần trăm, dĩ nhiên họ Nguyễn đa tiên chỉ lĩnh nhiều suất nhất. Con cái đang đi học trường kháng chiến bị đuổi về. Trưởng Thìn phải mặt bôi gio trát trấu, quỳ giữa đình cho bần cố nông kể hết chuyện cho vay đòi trả lãi đến đoạn “con gà nhà tao lạc sang vườn nhà mày không thấy về”.
Lệ là thế. Vít cành tre thì nó quật trả vào mặt. Con trai cố Lương là Chu Văn Ngộ vào thanh niên, nông hội, dần dần tham chính trong làng. Qua mấy lớp học về xâu chuỗi, bắt rễ, qua bình dân học vụ i tờ ít, anh đứng trong đội ngũ, trở thành chủ chốt ở xã. Lại hô hào dân công đắp đê, làm nghĩa vụ lương thực cho nhà nước tích luỹ vốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nay mai máy cày sẽ chạy trên đồng thẳng cánh cò bay như nông trang bên Liên Xô. Lại kêu gọi thanh niên đi bê đánh Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam. Rồi chống mê tín, bỏ tượng trôi sông Lồ Ồ. Rồi cưa hoành phi câu đối đem về thưng vách chuồng trâu, bụt ngồi trên đình chùa cứ nhấp nhổm như lửa cháy dưới đít. Những ngày hoạt động sôi nổi ấy, thanh niên họ Chu có điều kiện thoát ly, ra công trường xưởng máy làm, hoặc về thủ đô học nên bác sĩ, kỹ sư. Đám con cái họ Nguyễn, ngược lại, nem nép một bề, học hết lớp bảy đừng hòng tính chuyện lên cấp ba. Em ruột trưởng Thìn phải gửi sang huyện bên học, nức tiếng cả tỉnh vì được đi thi toàn quốc. Có giấy ở trung ương tư về cho đi đại học Bách khoa ở Hà Nội, chính quyền xã ỉm đi, mấy tháng sau mới đưa ra thì đã quá kỳ chiêu sinh. Nhưng mà quyết vượt vũ môn, cả họ Nguyễn góp tiền đem cậu ta lên trường tỉnh học lại, thi lại, đón lõng giấy gọi đại học từ trung ương về. Từ đấy, con cái hai họ gặp nhau chan chát ở Hà Nội, cộng tác làm việc với nhau, chẳng biết có nhớ đến hiềm thù nội tộc…
Sang những năm tám mươi, cả Ngộ về hưu, sang làm chủ tịch mặt trận Tổ quốc. Sinh hoạt ở tổ phụ lão với trưởng Thìn, ông giáp mặt hàng ngày, song tuyệt nhiên nhạt nhẽo, giao đãi gọi là. Hai họ bây giờ phương trưởng bằng nhau, cùng có giáo sư, tiến sĩ làm việc ở thủ đô, lũ thanh niên nam nữ ve nhau, lập gia đình tán loạn. Chiến tranh rồi hoà bình. Lại chiến tranh, lại hoà bình, bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi, còn sống mấy nỗi mà làm mặt lành mặt giận mãi. Vẫn biết thế, mà hai lão trưởng tộc không thể đến với nhau.
Cho đến những việc mới đây xẩy ra ở đền Úc Phụ, bà Lành được tụi lãnh đạo nhiệm kỳ mới của xã o bế định làm những việc quá thể đáng, thì hai họ đều không chịu nổi. Mẹ nó chứ, cái con mụ họ Ngô ấy tưởng được ô dù che đỡ thì giẫm đít bụt à? Nhưng mình mình – dù là chủ tịch mặt trận Tổ quốc - đứng ra cản nó thì cũng khó. Phải tìm. Cái khó là chẳng biết trông cậy vào ai ngoài lão đầu họ Nguyễn.
Ấm chè mộc đã nhạt thếch, nắng ngoài ngọn tre dạt vào góc sân, ông cả Ngộ vẫn ngồi im phắc, mặt như táo bón. Anh con trưởng đi thăm đồng về, gặng: “Sao bảo bố sang ông trưởng Thìn cơ mà?”.
- Thế lúc nẫy anh bảo tao sang có việc, lão ấy bảo sao?
- Ông ấy bảo mời ông sang. Thôi, ông sang đi. Việc trọng, các cụ phải ngồi với nhau chứ.
- Lão ấy cũng bảo việc trọng à?
- Không bảo. Nhưng con biết. Việc các cụ quan tâm giống nhau cả.
*

- Chào ông!
Ông cả Ngộ bước vào sân, đủng đỉnh chào, vừa đủ nhỏ để trong nhà nghe tiếng mà không ra chiều vồ vập quá. Ông trưởng Thìn đang xỉa răng chanh chách trên sập cũng chậm rãi bước xuống. “Mời ông vào”, lời nói nghe đủ lịch sự mà cũng rõ là khách khí lắm. Nhưng ông cả Ngộ còn nán lại ngoài sân, ngắm nghía căn nhà. Đây là chỗ nhà ngang trưởng Thìn được giữ lại sau kỳ cải cách, trước kia nó cũng rách rưới lắm, giờ đã thay bằng nhà hai tầng đúc bê tông, chỗ nào chỗ nấy sáng choang. Đặc biệt là quanh giếng chi chít những chậu cảnh, dễ cũng tinh xảo, có giá bằng của nhà ông.
Trưởng Thìn thấy khách còn vơ vẩn ngoài sân thì quay vào, lại xếp bằng trên sập, nhưng cũng quát đứa cháu tắt ngay cái đài đang đít cô đít cậu choang choác. “Lão không ra đón ta ngoài sân. A, lão cũng đánh ấm chén sẵn sàng rồi đấy chứ”, cả Ngộ nghĩ, cứ đủng đỉnh, khủng khỉnh cho đến khi trưởng Thìn lên tiếng “Mời ông vào”.
- Chè ngon đấy, ông nhỉ.
- Thằng em tôi mới đi nghỉ Bắc Thái, gửi về một cân, Tân Cương chính hiệu.
- Thảo nào, cứ mộc thế này uống mới hay.
- Tôi tính rồi, ướp sen ướp nhài chỉ được hương chứ vị thì vứt.
Ấm chè, sang tuần thứ hai, cứu cho đoạn vào chuyện khỏi nhạt nhẽo. Hai lão già chuyển sang mùa màng, năm nay dông bão lắm quá, thuỷ lợi phí ngày một tăng. Rồi cũng hết. Bèn vào việc: “Tôi sang đây định bàn việc đền Úc Phụ. Làng ta có bà Lành định làm thế, ông tính sao?”. Ông Thìn nghiêm ngay sắc mặt, lừ lừ đứng dậy thay ấm chè khác. Rồi đuổi chó xua gà mãi, mới ngồi xuống. “Thì có người đem thả bụt trôi sông trước đây, nay họ mới có cớ làm thế chứ”. Giọng ông buông sõng, ra điều muốn tới đâu thì muốn, đây vô can, không nhúng tay.
Ông cả Ngộ bèn giải thích:
- Hồi ấy, tôi làm chủ tịch xã thật, nhưng đang đi học trên trường đảng tỉnh, không biết việc ấy. Ông Kháng là phó chủ tịch nội chính chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, đem Phật bỏ trôi sông Lồ Ồ. Rồi ông ấy bị kỷ luật, sau lại chết tức tưởi chứ còn đâu.
- Bao nhiêu là việc nữa, ông Thìn bùng ra. Tam quan đền làng đẹp nhất miền Bắc tính đem giật đổ, may mới mất con sấu trên cột. Chuông đồng bị dỡ, đem ghè ra bán cân. Ông còn để cho những đứa vo thần báng bổ đem hoành phi câu đối trên đình về thưng chuồng trâu. Thượng điện thì để thuốc sâu, hậu cung tam bảo thành kho chứa phân đạm ráo.
- Đấy là do tồn tại lịch sử, chứ có phải do chính quyền xã chủ trương đâu. - Cả Ngộ đã nóng mặt lắm, nhưng kinh nghiệm công tác bao nhiêu năm bảo ông phải dằn lại.
- Lại còn lấy đá trên gò đem trải đường, xe kìn kìn đi lại mấy tháng, vơi cả núi Đụn. Chả, dân không kêu thì bây giờ tan cả đình chùa, lấy đâu chỗ thờ cúng nữa. Suýt nữa thì mất cả giếng Tiên, dấu chân ngựa trời. Ông không nhớ hồi bé chăn trâu, thằng trẻ con nào đã uống nước giếng Tiên mãi, hở?
- Ông biết một mà không biết mười - Cả Ngộ sẵng giọng -. Nói cho ông biết, ngày kháng chiến, hội tề các ông ngồi đánh chén trong đình, tôi là du kích nấp trên cửa võng. Định thả lựư đạn xuống nhưng tiếc cái đền quá. Những tảng đá xanh chân cột trạm đài sen, rồi hương án, cỗ kiệu, điện thờ, cả nước chẳng nơi nào có vật đẹp hơn thế. Nên lại thôi. Tôi chỉ vê hòn cứt dơi thả vào bát canh lòng gà bí xanh ở mâm ông thôi. Ông ác lắm, làm lý trưởng gây bao nhiêu tội, chết là đáng. Nhưng tôi tha ông vì cái đền làng ta.
Trưởng Thìn mặt xám lại, nhìn trừng trừng vào cả Ngộ, rồi lại giãn ra, bần thần: “Ờ ờ, tôi ngỡ con dơi ỉa vào bát canh thật”. Rồi lại cất giọng lạnh tanh:
- Ông cũng ác như con rắn độc. Sao ông quy họ Nguyễn nhiều địa chủ thế? Sao ông giữ giấy gọi đại học của thằng Trực nhà tôi? Cả xã này có ai nhiều liệt sĩ chống Mỹ như họ tôi không, mà hôm họp trong diện ấy các ông làm khó dễ? Động cái dân công động cái đắp đê, là thế nào?
- À, thế thì để tôi cắt nghĩa. Đội cải cách quy định xã ta bẩy phần trăm địa chủ, tôi xin mãi mới xuống được năm phần trăm. Họ ông nhiều lý dịch lắm ruộng, quy thế là đúng, ai cãi được. Nhưng tôi thấy ông nắm quyền hương xã, làm gì là bị Tây thúc, đối xử với bà con không đến nỗi nào, nên còn nương nhẹ đấy. Còn việc giấy gọi đại học là lý do khác, do chủ trương không cho con em địa chủ lọt vào hàng ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa nên phải giam lại.
“Kể ra, cái việc họ ông trong diện liệt sĩ bị ngăn cản thì tôi làm sai thật. Việc ấy tại tôi”.
Ông Ngộ chùng giọng xuống, rồi điềm nhiên đứng dậy. “Tôi sang bàn việc bà Lành định thay tượng Đức Chúa Ông ngoài đền. Nhưng thấy khó nói chuyện quá. Chào ông, tôi về”.
Ông Thìn ngồi bó gối ôm điếu cày, mặt còn đỏ gay, không đứng dậy tiễn. “Không dám, chào ông”, giọng còn đầy thù hận. Hai ông trưởng chia tay như thể sắp về huy động trai tráng trong họ đến phá nhà thờ Tổ của nhau không bằng.
Ngang qua gốc sy giếng làng cũ, cả Ngộ gặp thằng cháu làm thư ký uỷ ban, nó báo: “Chủ tịch bảo nay mai thay tượng ông ạ”. Ông sẵng giọng: “Mày sang mà bảo cái lão trưởng Thìn, tao không biết!”.

*

Thế mà quá Ngọ sang Mùi được tẹo, cả Ngộ thấy trưởng Thìn sang nhà mình. Đi như xộc vào, chẳng để ý đến bộ điệu khủng khỉnh của chủ nhân, “Này ông, rằm tháng sáu họ định thay tượng Đức Chúa Ông thật đấy”, ông ta nói luôn.
- À, thế ra ông cũng muốn bàn chuyện ấy với tôi kia đấy.
Cả Ngộ làm cao. Trưởng Thìn đấu dịu ngay. “Tình hình khẩn trương lắm rồi. Tôi với ông không ngồi với nhau là có tội đấy”.
“Thế này ông ạ…”, giọng trưởng Thìn ôn hoà, những lời chắc đã được ngẫm rất kỹ. “Tôi với ông, họ tôi với họ ông đều có chỗ không phải với nhau. Thời thế nó bắt thế, cờ đến tay ai phải phất. Nhưng bây giờ có kẻ định phạm vào cái chỗ linh thiêng nhất của làng. Báng bổ quá lắm. Trong xã chỉ có họ Chu với họ Nguyễn là đương đầu nổi với chúng. Tách nhau ra là chết. Không phải chỉ có đợt thay tượng này, mà được đà, bọn quan lại cường hào mới sẽ được thể đè ta nhiều chuyện khác. Ai chứ ông với tôi đều đã làm lý dịch, còn lạ gì…”
“Còn lạ gì… Hừ, sao lại so thời lão làm lý trưởng với thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, ta làm chủ tịch xã”, cả Ngộ mỉa mai nghĩ. Nhưng ông cũng phải công nhận rằng truởng Thìn nghĩ phải trong tình thế này. Làng Vân Ổ còn dăm bảy họ khác, nhưng rặt lũ tép riu. Xưa nay quyền bính những chỉ nằm trong tay hai họ Chu và Nguyễn. Ngày bé, thằng Ngộ con mõ Lương và thằng Thìn con chánh Xuân cũng hay tha thủi bên gò Úc Phụ chơi, đứa chăn trâu, đứa đánh khăng. Đền có nhiều bàn thờ, ở giữa là Đức Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp Thục An Dương Vương trừ lợn lang gà trắng xây nên thành Ốc. Hai bên là những thổ địa, Mẫu Thượng Ngàn, ông Khổng Tử, bà Thị Kính. Ngộ và Thìn ban thờ Đức Chúa Ông cai quản mười tám vị sơn thần trông nom dương gian. Khoái, vì cụ từ hay gọi vào cho phẩm oản, nải chuối, quả na tạ từ ban, cũng vì tượng Đức Chúa Ông thật đẹp, ngắm mãi không chán. Ngài mặc phẩm phục màu nâu đỏ, cầm thanh đao nhỏ, một chân dận hia, chân kia để trần, trông mộc mạc mà lại thoát tục. Đặc biệt là đôi mắt nghiêm nghị, lúc hiền từ, nhìn kỹ lại rất dữ. Các cụ trong làng bảo người thợ nào tô đôi mắt ấy là chín chắn lắm.
Đền Úc Phụ, Ngộ có một trận để đời không thể quên được. Ngày mười lăm tuổi, chơi trốn tìm, chả biết kiêng cữ gì cả, cậu cùng cái Na rúc vào vòm cuốn tò vò dưới ban thờ Đức Chúa Ông. Chỗ ấy chật lắm, phải ép sát vào nhau mới khỏi lộ. Trong cõi ẩm mốc, nhớp nháp, mùi bồ kết, mùi mồ hôi từ cô bé đánh thức trong Ngộ một cái gì cậu chả bao giờ biết đến. Cậu mân mê mái tóc Na, úp mặt vào ngửi hít. Bỗng cô bé cầm tay Ngộ úp lên ngực mình, chỗ nhu nhú. Lâu lâu, Na đẩy tay Ngộ ra, bảo “Tay đằng ấy người lớn rồi nhưng mắt đằng ấy còn trẻ con lắm”.
Rồi Na lớn lên, lấy chồng, Ngộ thấy như mình mất cái gì. Mãi sau này, đận cháu chắt rồi, mỗi lần đến trước Đức Chúa Ông, cả Ngộ thấy thực khó ngăn mình khỏi chui vào cái lỗ tò vò ẩm mốc dưới ban thờ. Đít Ngài, đối với ông, mãi mãi là nơi bí ẩn, vừa thiêng vừa tục nhất đời.
Vào những ngày hai họ Chu, Nguyễn tranh nhau trị vì hương xã và thẳng tay trị nhau, cô bé Lành của họ Ngô lớn lên, theo ông chú ra Hà Nội làm ăn. Cô buôn hàng sắt, vốn lớn lắm, phát đạt ầm ầm, thỉnh thoảng thấy về làng đầu u xi răng trắng, kể chuyện đi bơi, giao du với người này người nọ. Cô có ba đời chồng và một đống con, khi lên bà thì đốc chứng đồng bóng, đền phủ nào cũng đi, càng xa xôi sức càng khỏe. Bạn bè cô ở hội Chân Tâm tín ngưỡng, cũng cùng hội buôn, tháng nào cũng hành hương cúng lễ, chẳng ngày sóc vọng nào không đèn nhang; chừng như các bà buôn đều cúng lễ khoẻ, Tiên Phật độ trì họ chẳng ít.
Khi cả Ngộ còn đương chức chủ tịch, bà Lành đánh xe về, bàn: “Làng ta là đất văn vật, đền Úc Phụ xưa có tiếng là thiêng, đề nghị uỷ ban, mặt trận tổ quốc cho lập hồ sơ để xin bằng công nhận di tích lịch sử của bộ Văn hoá, tốn kém đâu tôi xin cung tiến”. Lời nói phải quá, uỷ ban bèn cử cụ thống Đào nhiều chữ nhất làng đi lục lại những văn tự, gia phả, viết lại sự tích đền. Lại lôi tấm bia đá kê dưới ao làm chỗ rửa chân lên dựng lại nhà bia ở chỗ cũ. Những tam bảo, quán Tiên, đều Mẫu, bao nhiêu bộ hoảnh phi câu đối, cái bị Tây đốt, cái tự phá hồi tiêu thổ kháng chiến, cái bị mai một hồi báng thần bổ thánh dần dần được khôi phục lại, mới đầu còn dấm dúi sau ra công khai. Đền Úc Phụ được công nhận di tích lịch sử văn hoá, đón bằng của trên rầm rộ, thu hút thập phương đến ùn ùn.
Rồi bà Lành về hẳn làng, ủng hộ nhà trẻ dăm chục bộ quần áo mới cho đàn cháu và các cô, xây gian phụ sản ở trạm xá, có cả dụng cụ y tế. Chính điện đền Úc Phụ sáng choang khi bà cho bóc lớp gạch, tương truyền có từ đời Trần, thay bằng cả nghìn viên gạch hoa Đà Nẵng. Nước trên đền thiếu lắm, phải xuống tận giếng đất khiêng, bà cho xây đôi bể chứa cả nghìn gánh nước mưa, tha hồ việc làng, cúng lễ. Lại trình bày với uỷ ban xã và các cụ (bấy giờ ông Ngộ đã sang làm mặt trận tổ quốc): “Tôi nay đã già, hồi tâm làm việc thiện, xin các cụ các bác cho về ở đền hàng ngày bao sái đèn hương. Cũng như nhời Tiên Phật dạy, kẻ có căn đi đâu về đâu rồi cũng phải về núp dưới bóng đền bóng chùa thôi mà”.
Vẫn là lời nói quá phải, chẳng đụng đến quyền lợi của ai, nên chẳng bị chối từ. Huống hồ bà Lành ăn chay tuần ba ngày, và lôi về đền bao nhiêu bạn buôn, công đức nặng tay lắm.
Đền Úc Phụ mở hội lại, ba năm nay mời liền liền đội nữ quan ở Hà Nội về làm lễ. Thập phương kéo đến cả vạn người xem rước vua Thục giả, thần Rùa Vàng giả kín cả cánh đồng, riêng tiền giữ xe đem về cho xã vài chục triệu. Công đức thì vô kể, sẻ lại cho ban di tích xong, xã thu cũng gấp vài lần thuế công thương của mấy chục công ty tư nhân. Rồi mượn người hay chữ soạn tờ gấp in sự tích ngôi đền bán cả vạn tờ. Hàng quán rạp riệc dựng lên bán bánh dày, trứng luộc cùng khánh, xuyến, xà tích, bao người được nhờ trong mấy ngày lễ. Úc Phụ khuyếch trương được thanh thế, hội đền nức tiếng một vùng khiến quan viên các làng lân cận sốt tiết, cũng chạy đi lập hồ sơ xin bằng công nhận di tích cho mấy cái miếu bé con con của họ. Bỗng chốc thu bộn tiền thật đàng hoàng, hình như chẳng có gì dễ bằng tổ chức lễ hội thật to, dân tình nơi nơi đến mở hầu bao ra chóng vánh quá.
Có dịp ông Hoạt già, trưởng ban quản lý di tích, trẩm đi đâu mất chục triệu tiền công đức, xã bèn củng cố lại, đưa bà Lành lên phó ban, tất nhiên trưởng phải là chủ tịch mặt trận tổ quốc. Tiếng là đầu đàn, nhưng nhiều việc cả Ngộ thấy mình chân chất quá, cứ phải hỏi ý kiến bà Lành quảng giao, bạt thiệp. Dần dà bà ta tự động quán xuyến, chỉ hỏi ý kiến các cụ gọi là. Phương chi, cậu Đoàn đương kim chủ tịch xã là người họ Ngô, gọi bà Lành là cô, luôn luôn quyết đoán việc đền theo ý bà. Cũng ấm ách! Chẳng hạn như khi bà tự thuê người biết tiếng Tây viết lên hòm công đức mấy chữ Contribution nghĩa là “Đóng góp” gì đó, các cụ kêu, bà bảo để thế thì tây đầm đến đền ta phải tòi tiền ra. Chẳng thuận lắm, nhưng cho là việc nhỏ, các cụ cho qua không bàn lại. Vả lại, Chu với Nguyễn hai họ lớn nhất có bao giờ bằng mặt với nhau đâu mà ỷ dốc phản đối.
Nhưng đến cái sự thay tượng thì thật quá thể. Cách đây nửa tháng bà Lành đề nghị họp ban di tích, có chủ tịch xã dự. “Là tôi muốn xin ý kiến các cụ”, bà trình bày. “Mấy năm nay, đền làng được sang sửa nhiều, như may lại xiêm áo cho Tam Toà Thánh Mẫu, tô tượng, viết lại các bức hoành. Chỉ còn tượng Đức Chúa Ông trên ban bên phải đã cũ quá rồi. Phẩm phục màu nâu, trông Ngài tối xì xì, sứt miếng ngay cổ. Tôi bàn là ta nên thay tượng mới đẹp đẽ hơn. Thế ạ…”
Các cụ ớ người ra. Quá bất ngờ. Ai mà có thể ngờ được. Cả Ngộ phản ứng đầu tiên: “Thay thế nào được! Ngài đã có bao nhiêu năm rồi, linh thiêng là ở bản thân bây giờ chứ”.
- Thì ta hô thần nhập tượng. Đức Ngài lại dời sang “nhà” mới ngay. – bà Lành điềm nhiên.
- Thế tượng cũ bà định bỏ đi đâu? - Trưởng Thìn nóng nảy lên tiếng.
- Dạ, tôi hỏi thầy đã kỹ. Để Ngài nghỉ dưới giếng mắt rồng, vẫn có linh khí ngàn xưa tụ lại, mà còn mát nữa.
Giọng trả lời vẫn ngọt ngào, tự tin lắm. Nhưng các cụ đâu có chịu, rằng chưa ai làm thế bao giờ, đẻ chuyện gây tốn kém, rằng… Bà Lành không đáp lời. Thì ông chủ tịch xã lên tiếng, không phải phân trần nữa mà là quyết định:
- Thưa các cụ, đảng uỷ, hội đồng và uỷ ban nhân dân chúng tôi đã họp bàn xong. Ngày rằm tháng sáu này sẽ rước Đức Chúa Ông mới và thay bức hiện nay. Việc này hoàn toàn do bà Lành cung tiến, không ai phải bỏ tiền ra cả. Đây, các cụ xem quyết định của uỷ ban. Đã có hiệu lực rồi.
Cả Ngộ ớ ra. Chức trưởng ban di tích của ông té ra chẳng là cái đinh mục với bà phó. Đêm ấy ông càng phải tủi phận, nhận ra thời binh quyền của họ Chu đã qua.

*

Trước rằm tháng sáu, ông cả Ngộ triệu tập hội nghị bất thường các đảng viên họ Chu. Tiếng cả thế, nhưng cánh họ Chu trong xã chỉ còn giữ những chức èng èng như thu tín dụng, khuyến nông, thuỷ lợi, còn bao nhiêu vai vế quan trọng khác họ Ngô đã chia nhau cả rồi, sớt lại gọi là cho các họ khác. Bởi vậy, hội nghị mở rộng ra cả các bô lão trong họ.
Mở đầu, cả Ngộ mời mọi người uống chè Thái của trưởng họ Nguyễn biếu. “Hai họ phải kết hoà hiếu để chống lại đứa quỷ trá cậy của”. Rồi ông nói cụ thể hơn chuyện Đức Chúa Ông, bà Lành được uỷ ban xã ủng hộ. Mọi người đều nhất trí thế là giẫm đít bụt, làm hỏng những truyền thống đã có tự nghìn năm.
Bên họ Nguyễn, trưởng Thìn cũng quán triệt cho mọi người nguy cơ mất hết cổ vật của tổ tiên và cũng đạt được nhất trí cao. Hai họ Chu, Nguyễn thảo một giác thư lên văn hoá huyện văn hoá tỉnh, cậy người thân quen quà cáp để chuyện gở đừng xảy ra. Nhưng có vẻ như đã quá muộn. Hai họ lại định rằng đến ngày ấy nhất định phải tụ họp lên đền tranh đấu, kẻo rồi ảnh hưởng đến cả long mạch. Táo gan thật. Dám làm chuyện tày trời.
Rằm tháng sáu nhằm đúng chủ nhật. Từ sáng sớm, ban di tích đã đủ đầy trên sân đền, cả thảy sáu cụ, trừ bà Lành đi thỉnh tượng bên Hà Bắc. Ngoài ra còn có các bô lão trong xã, nhất nhất đều muốn giữ lại Đức Chúa Ông đương vị. Đám thanh niên đến cũng nhiều, phần vì hiếu sự, nhưng hai ông trưởng họ điểm mặt thấy yên lòng, khối đứa họ Nguyễn họ Chu.
Hút thuốc lào vặt, uống rượu vã mãi, rồi ô tô chở tượng mới cũng về đến nơi. Có mươi bà buôn ở Hà Nội hay đóng nữ quan trong các đám rước. Đồ nghề trên xe khuân xuống mãi mới hết. Bà Lành dõng dạc chỉ huy mấy thanh niên khiêng Ngài lên nhà tiền tế. Bên này, cả Ngộ và trưởng Thìn trố mắt nhìn, chỉ thấy lụa điều phủ kín, có vẻ to hơn Đức Chúa trong kia. Không hiểu bên trong thế nào.
Trước sự chứng kiến của Ngô chủ tịch xã, hai bên chủ khách chào hỏi nhau trịnh trọng, lịch sự, nhưng bên trong như bài binh bố trận thế nào. Ông cả Ngộ thay mặt ban di tích và các cụ trong làng cảm ơn các bà bên Hà Nội đã không quản xa xôi mà lui tới ngôi đền nhỏ bé của chúng tôi. Bà hội trưởng Chân Tâm tín ngưỡng đáp rằng đây là chốn thần tiên, đến được là có cơ duyên lắm, xin phép các cụ vào thắp hương. Tuần trầu nước đã qua. Kính thưa, cảm tạ mãi, bà hội trưởng có lời:
- Chúng tôi ăn chay nằm mộng, chọn ngày lành tháng tốt, hôm nay rằm tháng sáu dọn mình sạch sẽ sang đây. Trên có uỷ ban, dưới là các cụ ở ban di tích, xin cung tiến quý đền một đôi lọng, mười mâm nhôm to, một trống đại, hai đỉnh đồng cùng bộ bát bửu.
“À vâng!”. Món cung tiến quá to khiến cả Ngộ ngỡ ngàng, chỉ đáp lại được vậy.
“Hội Chân Tâm tín ngưỡng xin biếu uỷ ban xã Vân Ổ mười triệu đồng tiền mặt, vì đã góp phần ủng hộ phong trào uống nước nhớ nguồn, quay về với tổ tiên”.
Cả Ngộ và trưởng Thìn nhìn chủ tịch Ngô Tiến Đoàn tiến lên nhận tiền, cảm ơn, đưa mắt cho nhau. Ra họ gớm thật, cho cái thằng tham này há miệng mắc quai cái đã. Để rồi xem.
“Bà Ngô Thị Lành có hỏi ý kiến chúng tôi về pho tượng Đức Chúa Ông hiện nay, đã cũ rồi và không được oai phong mấy. Nếu thay Ngài bằng một tượng mới to đẹp hơn thì thu hút được thập phương đến nhiều hơn, thanh thế đền Úc Phụ càng lớn. Chị em chúng tôi nghĩ thế cũng phải, vậy xin ý kiến quý uỷ ban và các cụ”.
- Việc này chúng tôi đã bàn và đồng ý rồi, Ngô chủ tịch xã lên tiếng. Tượng cũ cổ lắm, không còn thích hợp với thời đại mới nữa. Phải mở cửa ra mới được. Dân tình thập phương đều chỉ thích đến chỗ đền đài nguy nga, đồ thờ lộng lẫy. Ý định của các bác ở hội đây và bà Lành rất hợp với sở nguyện chính quyền và dân xã. Chúng tôi xin chấp nhận và cảm ơn tấm lòng vàng này.
Ông cả Ngộ há hốc mồm, uất quá không nói được. Đến khi ra lời thì chả thành bài bản gì. “Việc này chưa từng có bao giờ. Từ thuở còn chăn trâu, chúng tôi đã quen thân với Ngài, thọ lộc của Ngài, khi nải chuối khi phẩm oản. Bây giờ thay tượng là dứt khoát không thể được.
- Thì có phải đem Ngài trôi sông báng bổ như năm xưa cụ làm chủ tịch xã đâu. – Bà Lành nói kháy – Chúng tôi chỉ định đưa Ngài xuống giếng Mắt rồng cho mát mẻ thôi mà. Việc hô thần nhập tượng mới đã có chuẩn bị, khấn đúng bài các cụ tổ ta dùng khi xưa. Có gì đâu mà bác cả Ngộ gây khó khăn làm vậy.
- Không được. Dứt khoát là Đức Chúa Ông y như bây giờ. Bà đừng có mà cậy của đòi thay đổi tất cả. Bà quen đi xa về gần mấy chục năm nay rồi, có biết tình cảm làng quê với Đức Chúa Ông, với ngôi đền này như thế nào đâu.
- Bác cả Ngộ không được nóng nảy thế, giọng Ngô chủ tịch xã chắc nịch. Bà Lành đây có chân tâm mới cung tiến như vậy. Hơn nữa đền chùa cải tiến, đổi mới, thiên hạ đổ đến nhiều thì mới có tiền công đức mà thay đổi bộ mặt làng xã. Hay là ông muốn chúng ta cứ nghèo hèn quê kệch mãi, hả?
- Anh thì chỉ biết có tiền! – Ông cả Ngộ đốp trả - Thằng Phương con nhà Tròn trốn đi di tản năm xưa, các anh lên án bao nhiêu. Mà năm ngoái nó ở Mỹ về, mới thăm hỏi một tẹo đã tôn thành Việt kiều yêu nước. Đừng có lộng giả thành chân, giẫm đít bụt.
- A, này… - Chủ tịch xã lắp bắp – Ông đừng hỗn với chính quyền. Tháng chín tới hết nhiệm kỳ, đảng uỷ bầu lại sẽ cách ông khỏi chức chủ tịch mặt trận tổ quốc. Rồi cũng tong khỏi chân trưởng ban di tích, cho mà biết.
- Tôi còn ngồi đây thì đừng hòng bê Đức Chúa Ông vứt xuống giếng!
Cả Ngộ đỏ mặt tía tai, chân giẫm bành bạch. Ông đứng ngó quanh tức tối. Quái, lão trưởng Thìn bàn bạc quyết tâm làm vậy, mà bây giờ đ. thấy hé răng. Thì ông đương đầu cũng chẳng sao. Được cái bên kia, con mẹ Lành và các bà Chân Tâm tín ngưỡng cũng im phắc.
Đang căng thẳng, thốt nhiên một ông lão từ nhà thờ chạy ra. “Các ông các bà xem kìa, tượng Đức Chúa Ông trên ban mồ hôi cứ rịn ra”.
Ai nấy sợ cứng người lại, kể cả bà Lành. Chỉ riêng chủ tịch xã điềm nhiên: “Ngài mừng đấy, vì sắp được xuống Mắt rồng tắm mát". Đoạn quay lại bảo đám trai tráng: “Các cậu còn đợi gì nữa, vào thắp hương xin phép, rồi hạ Ngài xuống đi”.
Chẳng ai bảo sao. Ông cả Ngộ đần người ra, bất lực nhìn đám trai họ Ngô rục rịch chuẩn bị đòn khiêng. Thì trưởng Thìn lên tiếng, giọng điềm đạm và sang sảng, hệt ngày còn là lý dịch:
- Không hạ xuống được đâu. Làm thế vừa trái đạo trời, vừa sai phép nước. Thứ nhất, tượng Đức Chúa Ông có tự bao giờ không biết, chỉ thấy khi lớn lên đã có Ngài rồi. Ngài tuy nâu sồng mộc mạc thật nhưng lại hun đúc khí thiêng bao đời. Thứ nhì, khi xin bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá, trên đã kiểm kê bao nhiêu tượng, bao nhiêu hoành phi câu đối, đến từng bức cửa võng chạm con gì bông hoa gì cũng vào sổ cả rồi. Nay hạ Ngài xuống bỏ ra ao Mắt rồng, liệu có phải xâm phạm di tích lịch sử không? Các ông uỷ ban có chịu trách nhiệm được không?
Chủ tịch xã không dám hé môi. Lý sự của lão già làm quan một thời cứng cáp quá.
- Cổ vật mới là của quý! - Giọng trưởng Thìn lại càng sang hơn - Lọng vàng bát bửu mâm nhôm trống đại các bà cung tiến chúng tôi xin nhận và cảm tạ hết lòng. Nhưng đó là đồ mới, có tiền là mua được. Chứ như đây, bạc tỷ có làm được vầng đá mọc dưới đít tượng Đức Quán Thánh không, mỗi năm lại nhô lên mấy phân đấy. Ông chủ tịch nói không phải. Thập phương đến đây vì các pho chư Tiên chư Phật đã có từ lâu đời, đâu phải vì mấy bức hoành mới tô vàng choé. Tôi nói lại chuyện cũ, bà Lành cho bật những viên gạch trạm rồng có từ đời Trần ở trong điện để lát đá hoa vào cho sáng choang lên, cũng là dốt nát rồi – Ông đột ngột hỏi – Bà đặt làm tượng Đức Chúa Ông mới này hết bao nhiêu tiền?
- Da, mất hai mươi hai triệu, bà Lành lí nhí đáp.
- Thôi, thế này, tôi đề nghị… Bà Lành là người có tâm đức, tuy hơi hợm của một tỵ. Tượng đã thỉnh về đây, thì đưa cả lên ban, ta thờ cả hai Đức Chúa Ông một lúc. Ý kiến chúng tôi là vậy. Dứt khoát không bỏ Ngài xuống ao Mắt rồng được.
Trưởng Thìn đứng dậy, quay hẳn sang các bà Chân Tâm tín ngưỡng: “Nếu các bà không đồng ý thì mang cả bát bửu lọng vàng cùng các thứ đem đi đâu cho thì đi”.
*
Tượng Đức Chúa Ông trên ban được kê dịch sang trái, lấy chỗ cho Đức Chúa Ông mới. Thoạt nhìn đã thấy khác nhau lắm. Bên này thì nâu đỏ mộc mạc, một chân để trần, đôi mắt vừa dữ lại vừa hiền. Pho bên kia bằng gỗ mít tô đỏ rực, hai chân đều dận hia, đôi mắt xếch ngược, lông mày dựng đứng như tranh trong sách Tầu. Rồi ngai, ngù, rồi mũ cánh chuồn vàng choé. Vì đôi con ngươi là hai hòn bi bằng thuỷ tinh nên lúc nào trông Ngài cũng như lúc nào, vô hồn và ít sinh khí hơn Ông cũ. Nhưng Đức Chúa Ông mới ngồi trên ngai vàng, tầm vóc cao hơn, nên khi đặt lại tượng, các cụ trong làng nhất quyết đôn thêm cái bục dưới đít Đức Chúa Ông cũ. Phải cho bằng nhau, phải thế. Không thì lại nhất bên trọng nhất bên khinh.
Đêm đến, ông cả Ngộ ngồi xếp bằng dưới chân tượng cũ. Cái bát hương chỉ cắm một nén nhang đỏ đọc như mắt người. Lòng ông mang mang hỗn độn. Lạy chư Phật chư Tiên, bây giờ có hai Đức Chúa Ông thì ai cai quản mười tám vị sơn thần coi sóc dương gian? Cái lão trưởng Thìn lý sự ghê thật, không bên nào đồng ý nhưng bên nào cũng phải theo. Bây giờ họ ông phải đoàn kết với họ Nguyễn thôi. Hai họ mà mạnh thì làng mới mạnh, không để lũ quỷ trá hợm của làm càn mãi. Dầu thế nào các ông phải giấy rách giữ lấy lề, khôi phục lề thói làng xã, truyền thống dân tộc cho bọn trẻ còn có cái để quay về với Tổ Tiên chứ.
“Lạy Đức Chúa Ông, Ngài ở với chúng con”
Bên phải ông Ngộ, bà Lành ngồi trước Đức Chúa Ông của bà, bát hương còn mới tinh ngùn ngụt như đám cháy. Bà đang nghĩ gì? Bà ấy còn định làm gì với ngôi đền của chúng ta nữa đây?
T.C

62 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Chuyện của bác TC hay lắm. Có nhiều phần giống chuyện quê tôi, có điều hơi kém hơn một tí :-) Vì quê tôi chính quyền phải làm việc với các trưởng họ trước thì việc mới chạy.
Quê tôi ở miền Nam nên "hủ tục" còn nhiều. Làng có 12 họ thì 5 họ Vua ban "chính tiền khai canh" được đứng gian giữa đình ngày hội làng. 7 họ kia đã nhiều lần "tạo phản" mà không chính quyền nào dám cho quyền bình đẳng. Lần tạo phản mới nhất cách đây vài năm. Phe tạo phản thất bại, gây chia rẽ những người kháng chiến cũ, tập kết, vốn thân thiết suốt thời chống Mỹ và sau này. Gần đây đám cưới đứa cháu họ nhà tôi mới thấy ông "tạo phản" đến dự, chắc cũng nguôi ngoai như họ nhà họ đã từng nguôi ngoai nhiều lần.
Họ tôi là họ Nhất của làng mà, hí hí...

Nặc danh nói...

@TC : Hay lắm. Đọc xong mình nhớ lại vài ca từ trong bộ phim nhiều tập "Đất và Người" đã phát trên VTV, đại khái là "...Kể làm chi chuyện đã qua! Nhưng từ đâu quá khứ cứ dội về trong ta ! Nơi đây Cha Ông ta đã sinh ra !..."
Ma làng trên mảnh đất lắm người nhiều ma ở vào thời của thánh thần thì biết làm sao hết được chuyện hôm qua, và còn cả chuyện ngày hôm nay.
Dòng chảy của thời gian, lớn nhất là với dân tộc mà bé nhất là một phận người, mang đi tất cả.

XN.K3

HCQuang nói...

"Tội nghiệp" cho họ nhà tôi. Suốt mười mấy đời, họ nhà tôi là "khai làng công thần", rạch ngang một cõi sơn hà. Thế mà nay chả còn ai là họ nhà mình, tuyền họ nhà người ta. Chả bù cho họ nhà Hữu Thành.

AMk3 nói...

Tui dốt đặc chuyện làng quê do vốn không có quê. Tui không hiểu việc thờ Đức Chúa Ông có phải là một tôn giáo? Khi đọc tiêu đề, tui đã nghĩ ...chắc là truyện kể về đức chúa Giê-su. Khi đọc rồi mới thấy không phải, cũng không phải nói về phật giáo.
Mẹ Đốp nhà tui sau gần 20 năm không ra Hà Nội, đầu năm nay cùng con gái ra chơi HN tiện đi lễ chùa Hương. Về than quá trời về cung cách người ta đi lễ mấy ông bà chúa...Tôi nghe ấn tượng nhất là việc người ta đổi 100k lấy 70k tiển lẻ để rồi rải đầy dưới đất cho mọi người qua lại dẫm đạp lên cùng bùn lầy!

THD-K3 nói...

Phải nói đây là một lát cắt rất khéo,sắc và đầy thẩm mỹ lên cái cơ thể sần sùi ,góc cạnh của nông thôn VN.Tôi rất thích cách kể chuyên tưng tửng,châm rãi và có phần hài hước của TC.Truyện ngàn đời của thôn xóm với những ân oán truyền kiếp giữa các dòng họ,sự xét nét hơn thua (nhiều khi chỉ bé tí ti)đầu làng cuối xóm giữa những gia đình đều nghèo kiết xác như nhau,rồi chuyện tình duyên ngang trái chuyên ăn ở dâu con,chuyện chiếu trên chiếu dưới ở sân đình...tất cả, tất cả...đều gợi nên hương vị quê hương.Và hơn nữa
cũng phải thấy đươc cái sắc sảo,ghê gớm và thông tuệ (ko biết hoc ở đâu và đc tích lũy tự bao giờ) của những ông trưởng tộc, trưởng họ,những ông lý ông chánh ...dã biết bao đời là lưc dắt dẫn chính và là 1 phần hồn cốt của xã hội nông thôn .
Thật tiếc là chúng ta xa rời quê hương từ tấm bé,cho nên hiểu và viết đươc về nông thôn như TC cũng là phải dụng công ghê gớm lắm. Bái phuc bái phục !

HữuThành.Nguyễn nói...

Kể lại lời người quê cao tuổi để mọi người biết thêm, minh họa lời anh THĐ.
Chuyện 7 họ "ngụ cư" đòi bình đẳng không phải tới thời CHXHCN mới có. Mà từ thời Ngô Đình Diệm đỗ đạt làm quan về huyện tôi làm ông tri huyện (mãi bao nhiêu năm sau mới được đế quốc thổi lên tổng thống) thì đã có chuyện các họ trong làng kiện lên, đòi quyền bình đẳng với 5 họ chính tiền khai canh.
Ông Diệm trả lời: việc này của vua ban, tôi không dám ký. Ai dám ký tôi đưa bút cho!
Chả biết thực hư thế nào, có khi 5 họ trên bịa ra để gây thanh thế?
Nhờ anh em thẩm định :-)

LÊ CÔNG nói...

"Kinh tế thị trường định hướng XHCN"-Hai Đức Chúa ông.Nghệ thuật văn chương thật tuyệt, khi đã hình tượng hóa một vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay.Đọc TC,nhớ về một thằng bạn với cái miệng cười rất TC,đôi măt cận với cặp kính không biêt bây giờ là bao nhiêu "độ".Hài hước,hóm hỉnh,thâm trầm,con chữ được trải ra nhẹ lướt trên từng trang giấy,nhưng những thông điệp gửi đến người đọc thì đầy trăn trở,suy tư về thời buổi nhiễu nhương,một thời hỗn mang, đầy rẫy những bất trắc và lo âu.ĐÈN VÀNG- chạy luôn hay dừng lại,đó là câu hỏi thường trực cho mỗi con người trong cái thời"thổ tả" này.

Chien Tran nói...

Hữu Thành: quê ông vui nhỉ. Ở đâu ta?
Lục lại lịch sử cái làng quê thú vị lắm. 5 họ khai canh, đúng là có giời mới chứng thực được, vì chả có bằng cớ nào. Xưa bà thi sĩ Bun ga ri Blaga Đimitrova bảo "VN lịch sử trộn lẫn với huyền thoại". Tôi tưởng tượng các bậc cao niên làng ông chia phe đòi mâm trên chiếu dưới, lũ thanh niên trí thức tỉnh thành ngồi chứng kiến, chúng nó chết vì cười."Toàn hão huyền!". Nhưng chúng nó ko hiểu. "Hương đảng tiểu triều đình", trong thôn dã có "miếng" cả đấy.
AM: về Đức Chúa Ông, mình nhớ mang máng, ngài được Huyền Thiên Trấn Vũ bổ nhiệm cai quản hơn chục cõi dương gian. HTTV là thần gốc TQ, nay thờ ở đền Quán Thánh HN, trên hồ Tây,đâu như sai thần Kim Quy tặng An Dương Vương lẫy nỏ thần. Có lẽ ngài nằm trong hệ thống thần của đạo Lão. Ta thờ "tam giáo đồng môn", tức là Nho Phật Đạo cùng được tôn lên (các cụ thấy thế mới đủ chăng?)nên Đức Chúa Ông cũng có một ban trong đình hoặc chùa, thường là bên rìa, nhỏ nhắn, khiêm nhường, gần cửa vào
Đấy là viết theo trí nhớ, chứ lúc viết truyện này tớ phải theo sách

TQtrung nói...

Một chuyện ngắn được viết khá dài. Một thời kỳ khá dài được thâu tóm trong một câu chuyện ngắn. Những số phận rời rạc được xâu chuỗi trong tổng thể một xã hội bát nháo. Câu chuyện có tính khái quát và phê phán nhưng hơi bị dung hoà, ít tính đấu tranh (nhưng sự thật nó là vậy), rất cảm phục tác giả TC vì tính hài hước,tôi đang nói về nhân vật Lành, cái tên ấy cho nhân vật ấy thì mỉa mai quá,nhưng cũng đúng quá :-)

HữuThành.Nguyễn nói...

@ChienTran: ông về quê tôi mà nói "giời chứng thực 5 họ chính tiền khai canh" là lỗi nặng đấy. Nó là lệ mà các họ truyền đời phải theo, chưa kể họ tôi còn có gia phả mang triển lãm Bảo tàng các Dân tộc VN, chưa biết chừng vẫn còn có văn tự cổ. Vua còn ban cho họ nhà tôi lấy Xuân Phân và Đông Chí làm ngày giỗ Ông/Bà tổ họ, hàng năm tới ngày ấy cứ thế mà làm giỗ thôi. Những chuyện ấy ở làng bao nhiêu năm, nếu bịa ra có còn là họ Nguyễn Nhất không? :-)
Khi nào có đ/k anh về quê tôi Diên Sanh (Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị) mà hỏi chuyện, tôi chỉ nghe lõm bõm thôi. Thêm một chuyện nữa, các bác tập kết về ngậm ngùi nói xã mình không được anh hùng vì chưa bao giờ lập được chính quyền CM xã qua suốt mấy cuộc KC :-( Ở ngay sát huyện lị mà.

tualinh nói...

@LC: Ô.nói thế hay quá chừng!
Hai Đức Ông đứng cạnh nhau,tượng cũ- nhỏ kê lên cho cao bằng tượng mới-to, bà con trong làng ai lạy tượng nấy.. thật là 'hình tượng văn học' có một không hai, bi-hài hết chỗ...Mà đời thực có hài cảnh ấy không nhỉ?TC thư sinh nhỏ nhẹ mà 'tinh quái' thiệt là.
Có một thời gian vở kịch 'Hồn Trương Ba da hàng thịt' nổi đình nổi đám,ầm ầm ĩ ĩ, giờ ô.nói thế,mới thấy : không khéo bọn VNS nó xỏ lá?

Chien Tran nói...

Hữu Thành: Rứa là sử làng ông có khi đặt rành hơn sử nước hỉ
Gia phả họ ông cho biết cụ tổ tính từ đời nào? Có khi cụ từ Bắc vào theo bà Huyền Trân đời Trần, hoặc chúa Nguyễn?

Ông Vũ Cao (Núi Đôi) hồi còn sống kể làng ông ấy (Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định) nhận anh hùng, nhìn xuống cánh đồng thấy toàn đàn bà chít khăn trắng đi đón danh hiệu...

Chien Tran nói...

TL: cậu đọc "vở" của mình quá tinh. Vì thế mà cậu phân vân ko nói ra, cho đến khi Lê Công...

Đền Sái ở xã Thuỵ Lâm, Đông Anh, thờ đức Huyền Thiên Trấn Vũ, rất đẹp, dựa vào sông Cà Lồ, trước mặt là cánh đồng. Nhất là cái cổng tam quan "đẹp nhất miền Bắc". Tượng nào cũng cao lớn gần chạm mái, bảo vì chân cột mọt nên cưa bớt. Rất nhiều lọ hoa, đồ cúng linh tinh người ta cung tiến, nhà đền ko bầy được nhưng ko thể vứt đi. Điều đó gây cho mình cảm giác là lạ, tưng tức. Rồi thấy một ban thờ có hai tượng, hỏi ra là Đức Chúa Ông, mọi việc gần gần như trong truyện. Mình nghĩ cái này đáng viết đây...

Đại loại là thế. Nhưng khi "con" mình ra đời thì mầu hồng hay xanh, hình tròn hay vuông thì lại ở người đọc. Giờ bảo "tớ ko có ý thức xỏ lá đâu" thì cũng mỗi người nghĩ mỗi cách

tualinh nói...

@TC : Ấy chết,có khi cậu hiểu nhầm ý mình mất rồi.
Chỉ là vì đọc 'phát hiện' của LC mình khoái quá mà 'phăng' theo. vẫn còn sơ suất thiếu chữ 'ngòi bút' trước 'tinh quái' và tiếc là thiếu chữ 'đ.m' trước câu 'không khéo..'.,com đăng rồi thì không sửa được nữa.
Văn viết mà 'ý' tràn cả ra ngoài 'chữ' thì 'thượng thừa' rồi còn gì?
Mà sao HĐ dạo này văn vẻ 'ngọt' quá. Có lẽ vì SKSL tốt chăng! :)

HDT-K3 nói...

@TL:Cậu thật khéo!SKSL gì với ông già 60 này ?! Còn "ngọt",ừ thì có ngọt nhưng....."trật lấc"!
Khi đọc,đặc biệt là những tác phẩm của bạn bè,tôi thường rất "cảm" rất "rung" rất "phê",rồi cứ loay hoay với cảm xúc của mình,cứ "tự sướng" mà ít quan tâm tới cái ý tứ sau từng con chữ ,và càng khó nhận ra cái thông điệp ẩn khuất phía sau .
Tới khi đoc của LC,đúng là tôi "uống" từng chữ....và ngộ ra nhiều điều .Qủa là "có học có hơn".Lời bình giảng ngắn gọn của ông bạn có giá trị như 1 cuốn giáo trình - và tuổi tác cùng những trải nghiệm nắng mưa cho ta hoc đc những gì tinh túy nhất ở giáo trình ấy chỉ trong vòng 2 phút qua mấy dòng ngắn ngủi của LC .
Vậy là blog đau chỉ là nơi anh em ta "tám" chơi nữa,mà còn là diễn đàn đẻ ta hoc hỏi -học theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này !

TC nói...

TL,HĐ: SKSL là "sức khoẻ (của củ) sắn (được) lùi" à?

Tualinh nói...

@TC: Ừ,cậu cố tình hiểu như thế,thì nó là như thế!
@HĐ: 'SKSL gì với ông già 60 này ?!'
tớ nghe không nổi! hu hu...

HDT-K3 nói...

Chuyện xảy ra cũng chưa lâu lắm .
Có 1 dạo ở HN, các nguồn thạo tin cho hay nhà văn trẻ của chúng ta có nhiều thay đổi .Vốn vui vẻ ,hòa đồng lai ham hoạt động nên anh tham gia nhiều hội lắm :nào bơi,nào tenit...và tất nhiên là cả hội bia nữa.Thế mà bỗng nhiên có đến mấy tháng nay,ko hiểu sao anh mất dạng,ko héo lánh tới bất cứ hội nào .Rồi nữa , hành tung của anh dạo này sao bí ẩn thế,cấm có mấy ng gặp đc anh ,kể cả mấy thằng ban nối khố .Mà họa hoằn lắm bất ưng gạp anh chưa kịp chuyên trò,hoăc hỏi thăm vì sao dáng anh hao gấy,võ vàng đến thế thì anh đã nguây nguảy "bận lắm bận lắm...".Thật chẳng sao hiểu nổi!
Thế đấy,ng ngoài thì đã đành,nhưng trong nhà,chính vợ con anh cũng ko lí giải nổi sự quái dị của bố nó.Không hiểu sao cứ đi thì thôi nhưng về nhà là cứ lẩn thà lẩn thẩn như nói chuyên 1 mình,nhiều khilai hoa tay như viết vào không khí .Lại nữa,suốt cả tháng trời ko biết bao em chân dài chân ngắn, thỉnh thoảng lại còn cả những ả nạ dòng nữa " xin phép chị cho em đươc găp anh 1 chut !"...
Phân vân ngờ vực xen chút ghen tuông nữa, nhưng vốn là 1 cô gái thông minh, diềm đạm nên nàng cứ bình tĩnh quan sát , suy đoán ngươc xuôi ....rồi cuối cùng ẩn số cũng đc tìm ra .
Chuyện là thế này,khi tác phẩm của anh đã đc chuyển thể xong,chuẩn bị bấm máy.Không hiểu thông tin từ đâu mà các em cứ tới tấp tìm anh ,xin anh "tác động" với đao diễn cho em 1 vai để được..."đổi đời".Còn lí giải cho những hàng động kì quái kia thì hóa ra anh đang tập trả lời phỏng vấn và kí tặng cho các "phan" hâm mộ - hoàn thành bước cuối cùng đẻ trở thành "người của công chúng".

tualinh nói...

@HĐ: tác phẩm được chuyển sang phim thì phần 'nhuận chuyển' chắc lớn lắm! Thật là 'lợi đơn lợi kép',vừa được 2 lượt tiếng vừa được 2 lượt tiền.Ấy là chưa nói tới đận chuyển sang kịch nói,kịch nhạc,kịch thơ... thêm mấy lượt tiền-tiếng nữa. VNS mình kiếm tiền dễ như bỡn,khiếp thật!

Chien Tran nói...

Lạy các bố!

HDT-K3 nói...

@TC: Cậu quên Ng Cương ở bộ tư lệnh rùi à? -trong 1 lần tranh luận rất hăng,khi đối tác xin hàng, NC phát 1 câu nổi tiếng" không cho thua,cãi tiếp!".
@TL:Cậu có tính rất xấu là hay nhòm vào ví của bạn.Cái mà cậu gọi là "nhuận chuyển" chỉ là "muỗi" nếu như..........
ke ke ....

AMk3 nói...

Hay thật, các bố nhà mình. Nếu không phải là đã về vườn, ...lão 60 thì các bố đâu có thì giờ, tâm trí mà tám mà kích nhau như vậy.

Tualinh nói...

@HĐ: tui dòm vô ví đâu phải có ý 'chôm chỉa'...tui chỉ lo lắng thôi, huhu..Ô. HĐ ơi là ô.HĐ!
Nếu thấy ví bạn đầy,tui mừng.Nó vơi,tui buồn bã,chẳng phải SKSL của bạn mình nhờ vào cái ví đó mà! Thế là tui cũng 'nhân văn' chứ bộ?
Huhu...chẳng ai hiểu mình hết!

TK8 nói...

Bác TC mà k kí tên là cháu tưởng vừa đọc Nam Cao.
K3 & K8 cách nhau nửa con Giáp nên cháu cũng ngại Nói Leo, nhưng cháu cứ Múc đại VỀ ĐÂY để xem dần.

Nói chung là cháu mắc bệnh CÚ BẨM SINH: thấy AMK3 chụp ảnh đẹp là cháu CÚ; bác TC Viết hay cháu cũng CÚ...nhìu khi Lí Trí bảo cháu ĐỤNG TỚI NGƯỜI ĐƯỢC YÊU MẾN LÀ DẠI DỘT, nhưng thằng CÚ vẫn thắng cháu.

Sản fẩm của các bác K3 nó Hoàn Chỉnh chứ cái loại "Văn Láo Toét" như cháu thì đến SRTKL tập 50 cháu cũng chẳng có 1 dòng - nhưng cháu vẫn thích LÀ CHÁU thôi, híhí !

Tiền nhuận bút Copy HAI ĐỨC CHÚA ÔNG bác TC cho cháu xin lun nhá ! :)))

HDT-K3 nói...

Hãy cười tươi lên
Cho trí tưởng tượng cất cánh!

*
Một trong những diên viên chính của bộ phim là Phượng.Khi đó nàng là sv năm cuối trường báo chí,về thực tập tại tòa báo của anh.Gương mặt sáng,nụ cười xinh phong thái đoan trang và cực kì lễ phép.Với nàng,C là cái gì đó còn cao hơn thần tượng,khi quyển sách của anh ra đời với những lời khen ồn ào của công chúng,đặc biệt là của giới phê bình.
Rồi một ngày, với vẻ rụt rè dễ thương,nàng xin anh 1 vai diễn,"để cháu thử sức mình!".Kể cũng khó cho C vì thật ra anh chỉ là tác giả phần văn học thôi-nhưng vì có mối quan hệ bạn bè thân thiết với đạo diễn,hơn nữa anh thấy cô bé cũng có tư chất-nên mọi viêc rồi cũng tiến hành xuôn xẻ.
Và từ đó bác C trở thành người đỡ đầu cho Phượng trong lĩnh vưc văn chương nghệ thuật -kể cả nghệ thuật thứ 7.
Chỉ có 1 điều rất lạ , kể từ lần gặp nàng đầu tiên,anh cứ phân vân mãi mà ko nhớ ra là gương măt ấy anh đã gặp ở đâu,từ lâu lắm rồi!...
Cho đén 1 hôm,khi tình cảm bác cháu giữa bộ ba:nàng,C và đạo diễn đã trở nên thân thiết ,Phượng mời 2 người về quê chơi,"thăm bà và mẹ cháu"....Thật khó từ chối,nhất là khi thằng cha đạo diễn-do làm viêc vất vả quá-cứ sùng sục đòi đi "đổi gió 1 chút".....Vậy là vào 1 ngày thứ 7 đẹp trời cả 3 bác cháu lên đường.
Xin cho đươc miễn kể về doc đường đi,3 nguời,đặc biệt là P vui vẻ thế nào.Rồi khi bước vào căn nhà đơn sơ nhưng sạch sẽ và mát mẻ,lòng C dâng lên 1 cảm giác bình an hiếm có thế nào...
Và sự việc chỉ thật sự bất ngờ khi mẹ cô bé đon đả chạy từ bên hàng xòm về,đon đả đón khách....Vừa nhìn thấy C,bươc chân tự dưng khụyu lai, gương măt trỏ nên thất thần......và 2 hàng nước mắt ứa ra rồi tuôn chảy ko sao cầm lại được.Chỉ thương nhất bà cụ và cô cháu gái,đang vui là thế,đang ríu rít là thế,bỗng nhiên nín lặng, ngỡ ngàng...

HDT-K3 nói...

Cho tui mở ngoặc ở đay 1 chút.
-Từ đây có thể có nhiều va ri an ,nhưng tuyệt nhiên ko bậy.
-Gắn với ông bạn để vui,để dễ tưởng tượng chư ko có ý gì khác xin tránh hiểu lầm
-Thực ra nghĩ gì viết nấy,viết luôn nên tính thống nhất sẽ ko cao.Tất nhiên tính định hướng là có.

HữuThành.Nguyễn nói...

Chuyện kể cho vui, không có ý gì:
Có việc lên Bộ Văn hóa Thông tin, làm việc xong, nói với chị cán bộ "tôi trông chị quen quen, không biết gặp ở đâu".
Cười rất thông cảm "thằng TBM em tôi ngày nào anh chả thấy nó trên TV". Ra thế. Dâu k3.

HDT-K3 nói...

@TL nhớ ko,mới đó mà đã mấy năm rùi.DTV mổ,cả bọn:vợ chồng Th Hùng,Th Lợi....đâu chục người.đi núi BaVì.Thế mà nay TV và Thu vợ Lợi đã mất rùi.

HDT-K3 nói...

***
Với anh, ngày hôm đó quả thật nặng nề.Vốn là 1 người cẩn thận, chỉn chu, chẳng biết mất lòng ai bao giờ,nhất là với đám đàn bà con gái C không hiểu tại sao lại xảy nên cơ sự này?!
Thế rồi bằng sự kiên nhẫn của anh,sự khôn ngoan khéo léo của nhà đạo diễn và nhất là tình yêu thương dịu dàng nhưng tận cùng đau khổ của người con gái,cuối cùng cái sự thât tưởng chừng đã được đào sâu chôn chặt trong lòng người đàn bà đã dươc hé mở.Và trong anh lại rôn lên bao kỉ niệm thiêng liêng về 1 thời hoa lửa đó.
*
Mới đó mà đã hơn 1/3 thế kỉ,khi cuôc chiến đang vào hồi gay cấn nhất.Lớp hoc của anh phải sơ tán trong 1 làng thuôc vùng trung du bắc bộ.Làng nghèo và còn lạc hậu lắm,nhưng có các chú bộ đội về nên cũng trở nên vui hơn.
Cuộc sống cứ thế,bình lặng trôi cho tới 1 buổi trưa,khi đang ngối ăn cơm ở ngoài sân đình,một thằng ban khá thân thông báo" cạnh nhà tao có 1 vụ hôn nhân cưỡng bức".Vốn là những chàng trai khảng khái nhưng sốc nổi cả bọn quyết định đứng ra can thiệp.Và anh được mọi người tín nhiệm cử làm đại diện.Làm sao mà ko can thiệp được trước cảnh chướng tai gai mắt ấy."Cô dâu" mới chỉ chừng 15 tuổi đẹp như 1 bông hoa hé nở.Cái nghèo,cái lam lũ không sao che khuất được những phẩm chất cao quí của ng đàn bà đang tiềm ẩn nơi người con gái trẻ.Mẹ nàng mất sớm khi nàng chưa tròn 8 tuổi,cha nàng tái giá với 1 người đàn bà có 2 đứa con riêng.Công bằng mà nói,cuộc sống của gia đình với 7 miệng ăn(cha nàng sinh thêm 2 em bé),so với trong làng cũng ko quá ngheò khổ,nhưng đời sống tinh thần của nàng thì ko khác gì địa ngục ,dưới bàn tay quản lí của người gì ghẻ đành hanh và ác độc.Cha nàng thương con lắm,nhưng vốn hiền lành và cam chịu nên chỉ biết nén chặt nỗi đau ấy trong lòng.
Còn "chú rể",ngoài 20 tuổi,có lí lịch chính trị chẳng tốt đẹp gì nên ko phải đi bộ đội.Biết lợi thế của mình(nhà giàu,trai tráng trong làng đi bộ đọi hết) nên anh ta cứ một mực đòi cưới cô gái nghèo nhưng xinh đẹp nhất làng.
Vậy là C và các bạn anh kiên quyết ra tay.Nào gặp bí thư chi bộ xóm,nào vận động đoàn thanh niên,rồi còn định viết đơn cho đảng ủy và chính quyền xã...và nhất là sự dũng cảm ko khoan nhượng của cô gái trẻ....cuối cùng cái đám cưới gây nhiều ồn ào ấy cũng ko thể xảy ra.
Thới chiến,và cuộc đời ng lính thật nhiều biến động.Chỉ ít tháng sau đơn vị anh lại hành quân sang 1 địa điểm mới.
Chỉ chờ có thế,với những thủ đoạn mới,tinh vi và ác độc,người gì ghẻ và họ nhà trai lại gây sức ép để "cưới bằng được mới thôi ".Nhưng cô gái trẻ (tuy 1 mình đơn độc) mà cũng chẳng vừa...,1 quyết định táo bạo nảy ra trong óc và nàng quyết thưc hiện cho bằng được.

Chien Tran nói...

HĐ: trong khi đợi phần tiếp theo của truyện dài kỳ, tố đớ cậu kích NC nhảy vào đây. Không có nó thì chợ ko đông!

HDT-K3 nói...

***
Biết chẳng thể yên thân đươc, và thương cha lắm nhưng nàng đã quyết ra đi.Còn rất trẻ,lại chẳng mấy khi rời khỏi con mương đầu làng,nàng lo lắng lắm.Nhưng hình như có 1 cái gì mới lạ và xa xăm đang thôi thúc trong lòng nàng.Trái tim thiếu nữ với những rung động đầu đời đã mách bảo nàng phải tìm đến chàng " người anh hùng" trong tâm tưởng.Con người trắng trẻo, thư sinh nhưng mạnh mẽ ấy đã bước vào giấc ngủ của nàng,đã chiếm lĩnh những suy tư của nàng về hạnh phúc,đã làm chủ phần hồn của nàng tự bao giờ nàng cũng chẳng biết nữa,nhưng nàng biết chăc chắn là phải tìm được chàng,vị thủ lĩnh đấu tranh cho tự do....
Dằn vặt vì thương cha,lo lắng hoang mang cho những bước chân bất định của mình,nhưng chí đã quyết.Hai chữ "hy vọng" là ngôi sao chỉ đường cho nàng tìm về 1 bờ bến mới.Vậy là gói ghém ít đồ dùng cá nhân cùng chiếc nhẫn mẹ cho trước khi nhắm mắt,vào 1 sáng tinh mơ nàng cất bước lên đường.
Thoạt tiên nàng tìm đến đơn vị của anh thì đươc biết anh đã về trường nhận nhiệm vụ mới.Đên trường hỏi thăm thì anh đã vệ HN,nghe đâu đi học ở trường tổng hợp.Nghe họ nhắc tới 2 chữ HN,mà nàng muốn xa xẩm mặt mày.Nơi đó chắc phải xa xôi lắm,đông vui đô hội lắm,biết tìm anh ở đâu?.Nhưng vốn gan lỳ từ tấm bé,rồi nỗi sợ hãi nếu trở về làng và nhất là "tình yêu lớn" với ng anh hùng đã vẫy gọi nàng quyết ra đi.
Khỏi phải nói những đắng cay trên con đường thiên lý ấy của nàng.Chỉ với những thông tin sơ sài như vậy,trong thời binh đao khói lửa,trường của anh lai sơ tán nhiều nơi và thường xuyên thay đổi,nàng làm sao tìm thấy được "ngọn lửa ấm","trái tim yêu dấu" của lòng mình.
Cho tới 1 buổi chiều mưa gió,nàng tả tơi guc ngã bất tỉnh trên 1 con đường làng(nơi mà người ta bảo là địa điêm sơ tán cuối cùng của trường anh).Cái buổi chiều định mệnh đó đã cho nàng gặp được bà cụ tốt bụng.Thế là nàng trở thành người con nuôi hiền thục của bà.
Nhà nghèo lắm,chồng chết bà chỉ có 2 ng con,1 gả chồng xa,còn ng con trai đang ở chiến trường....
Thời gian trôi đi thấm thoắt,1975 con trai cụ về.Cảm thương số phận nàng,ở lâu nên tình nên nghĩa,2 ng lấy nhau và sinh ra được người con gái,xinh đẹp sắc sảo chẳng khac gì mẹ ngày xưa.Đó chính là Phượng...

***
Vĩ thanh

Nhờ xinh đẹp và tài năng,lại có những người thầy giỏi dang tâm huyết,chẳng bao lâu Phượng trở thành 1 ngôi sao sáng trong làng giải trí.
Thế rồi cô yêu và kết hôn với 1 tiến sĩ nghiên cuu về ViêtNam hoc người Mỹ gốc Nhật.
Với tư cách là cha đỡ đầu,C và anh bạn đạo diễn thân thiết sang Mỹ dự đám cưới.Ông thông gia là 1 tài phiệt có tiếng nói ở Hôliut.Trong những lần chuyên trò thân tình nhà tài phiệt nọ mong muốn thực hiên 1 dự án về cuôc chiến tranh VN,và thiết tha mời 2 người tham dự...

Vậy là người hùng của chúng ta bước vào nền "điện ảnh lớn " như thế đấy!

tualinh nói...

@HĐ: Chuyện a.kể tình tiết nó cứ hư hư thực thực,mờ mờ ảo ảo nhân vật C.,xem tức bỏ mẹ!
Mà sao lại ở com? cho lên trang chính nhiều người mới xem được.

Chien Tran nói...

TL: giời ơi, cậu tinh nhạy thế mà ko nhận ra. HĐ có ý cả, để úp úp mở mở, nhắc qua đến NC, đặt nhân vật là C, giọng văn ỡm ờ, ko đúng Cương "bô" thì còn ai nữa. Tức là bố cục rất chặt để cho ae mình vào rọ

Nặc danh nói...

Chẳng biết chuyện này có thật không?,nhưng quả thật chú TC là người hạnh phuc nhất đời.
Nếu được như chú cháu sẽ xin đổi hết.Nào là "cây bút xuất sắc",nào là "nhuận chuyển",với lại "người của công chúng ", "của Hôliut"....
Cháu chỉ xin cái tình yêu thiết tha mà bi thảm của cô bé 16 tuổi "đẹp nhất làng" ấy thôi!...


" Em đi tìm anh giữa bán đảo BanCăng,
"Người chẳng thấy,chỉ thấy trời im lặng....."



t/b :xin chú đừng để cho cô biết chuyện này.Cháu sợ cô ghen đấy.

Cháu xin chào cô chú.

HDT-K3 nói...

KeKe !
@TL: Sắc sảo như cậu mà còn "lơ mơ lơ tuy" thì có lẽ tớ phải xem lai "ngòi bút"(đểu) của mình rùi.
Xin đừng tức giận khẻo hại gan lắm!
Xpakoi-xpakoi!

@TC:Cậu hoc võ hồi nào mà thi triển "tuyệt kĩ công phu " hay thế???
Anh "lắc người" 1 cái,viên đạn xoẹt qua mang tai bay trúng........NgCương.
Thằng bô-xit,đang hối hả " bán thuốc dạo " hòng kiếm chút cháo " cho con bỗng nhiên hứng đòn!

Thật là ! Thiện tai,thiện tai!

tualinh nói...

@HĐ: Tui 'thấy' thế nào thì tui phát biểu vậy thui.Tui đọc anh bằng 'tâm chân thật' nên nó ra như vậy.'Bút văn' của anh như thế là độc đáo,nó 'hồi hộp',nó 'đểu đểu'...mà hấp dẫn. Thế mới biết: nhờ 'tâm' người mà 'đểu' cũng biến thành 'hay'. :))
'Anh "lắc người" 1 cái,viên đạn xoẹt qua mang tai bay trúng..... ...NgCương.',câu này 'thậm đểu'!
@TC : mình tán thành với cậu,nhân vật C đích thị là NC!:)) 'thư sinh, trắng trẻo' chẳng qua là chi tiết 'văn học',tác giả cố ý đưa vào cho nhân vật nó nổi bật so với 'nghịch cảnh',hì hì.. mình biết thừa đây là kỹ thuật 'tương phản' trong việc 'dựng chuyện' của người viết.:))
Lời bình của cháu 'vô danh' hơi hướm như 'dòng' LC?

LÊ CÔNG nói...

Văn chương đa nghĩa,đa tầng,nhân vật có thể được xây dựng từ một nguyên mẫu nào đó.HĐ nếu có ý định viết văn nên cắp cặp đến thọ giáo thầy TC,nhưng rất tiêc cậu đã không còn cơ hội,vì sao chắc cậu thừa hiểu.
Cháu"vô danh" nào đó đã nói ra những điều mà người đọc nào cũng có thể đoán ra,nhưng cháu không cần phải thêm dòng "tái bút" đâu vì chú TC đã lãnh đủ "chính sách cấm vận" sau từ sau khi"Đèn vàng" ra đời rồi,tai nạn nghề nghiệp này
cũng từ thủ pháp xây dựng nhân vật từ nguyên mẫu đấy HĐ ơi,tớ cho rằng
cậu không có ý định viết văn, còn nếu cậu định kể chuyện "người thật,việc thật" thì TL không thỏa mãn cũng phải.
TL:cậu nói cháu"vô danh" có hơi hướm dòng LC,thực sự tớ không hiểu.

tualinh nói...

@LC: Tớ cũng không hiểu vì sao lúc đó lại có cảm giác như vậy? :))

HDT-K3 nói...

Xin thưa với TL,LC: Các cậu bảo tui là " đêu đểu ","thậm đểu"...rùi dọa TC sẽ ghét tui,thù tui.
Nhưng sai bét hết.Bằng chứng là trưa nay(31/5/2010)TC dẫn thêm Dũng "gỗ" nữa đến tui chơi.3 thằng uống bia nói chuyện lai rai hơn 4 tiếng đồng hồ.
Chỉ buồn cười là khi tiễn C đến cổng,anh rỉ tai tui :"nói tới chuyên ngày xưa,tao.... thèm gái quê quá!"
Chuyện! Gái quê thuần chủng,măc yếm thủa cụ NamCao,VũTrọngPhụng thì.......tui cũng thèm!

tualinh nói...

@HĐ : 4 tiếng mỗi người được mấy lon hở cậu? Tình tiết ra tới cổng mà khách còn cố nán 'rỉ tai' chủ nhà là chuyện tâm đắc lắm mà nói trong trạng thái ngất ngư đấy.
Các bố không khéo lại thèm chính cái 'gái quê'-nhân vật do mình tưởng tượng sáng tác trong chuyện, thì khốn!
Thế là yêu 'bóng' mình,có rõ là già rồi 'lẩn thẩn' không a?

LÊ CÔNG nói...

TL:Các cậu ấy không già,cũng chẳng lẩn thẩn chút nào hết,"cao lương,mỹ vị" hưởng hết rồi,"no ơxôi,chán chè" rồi,bây giờ thèm mấy món "quê",thời thượng đó TL ơi.

LÊ CÔNG nói...

TL:Các cậu ấy không già,cũng chẳng lẩn thẩn chút nào hết,"cao lương,mỹ vị" hưởng hết rồi,"no ơxôi,chán chè" rồi,bây giờ thèm mấy món "quê",thời thượng đó TL ơi.

HDT-K3 nói...

LC:Cậu chỉ đươc cái nói đúng!.TL nó chê bọn tui già,lẩn thẩn.
Xem ra mấy cô Đào cô Mận thắt đáy lưng ong,đôi mắt lá răm "lúng la lúng liếng" chẳng " xi-nhê " gì với ông bạn TL của tui rồi.
Vậy thì chẳng biết trong bọn ta, ai lên "lão" trước nhể???

tualinh nói...

Nào em có dám chê 'gái quê' đâu các bác.'cô Đào cô Mận thắt đáy lưng ong,đôi mắt lá răm "lúng la lúng liếng"',thử hỏi các bác đào đất cả làng lên có tìm thấy không a? Em nào trông sạch nước cản một chút thì sớm đã hoặc là Hàn Quốc,Đài Loan rước, hoặc ra thành thị làm nhà hàng rồi. 'Gái quê' này chỉ có trong trí tưởng tượng và trong tác phẩm của TC,HĐ! Em lo là ở chỗ cứ 'sướng' với đối tượng 'trong văn'- do chính mình tạo ra- hay chẩn theo y tế là tự sướng với cái của mình. Hỏi rằng có mấy ai 'th.dâm ảo'?
Các bác có hiểu cho nòng ruột em không? em no nắng nắm!

HDT-K3 nói...

Ừ ! Chẳng có cô Đào cô Mận ở đồng rừng thì ta chịu khó tìm cô Diu cô Diếc ở đồng biển vậy. Nghe nói ở QuấtLâm,HảiThịnh gần quê anh TL có nhiều đăc sản lắm (mà món nay thì thằng bạn "già" của tui rành 1 cây!!!)
Ở đấy,tôm cua ốc ếch ko thấy nói.Chỉ nghe có món "ghẹ" - mẩy, béo mà ngọt thịt lắm!.

Chả thế mà TL cứ mỗi dịp ra Bắc lại tất tả , nhanh nhanh chóng chóng về quê để lo....việc họ!

tualinh nói...

@HĐ: Bác HĐ nói lạ? Quê em có ở Hải phòng đâu.

Hồng Thu nói...

@ A Tualinh: Em nhìn thấy đường link vào trang của CLB rồi. Cảm ơn anh. Trang K3 dạo này sôi động quá. Em nhìn số lượng nhận xét mà "thèm" :-)

Nặc danh nói...

Xin phép anh Trần Chiến được giới thiệu tại BanTroiK6.
BTK6

tualinh nói...

Cám ơn BTK6 nhiều,vì đã công phu tìm kiếm và sắp xếp,trân trọng đưa các tác phẩm của TC K3 lên trang BanTroiK6,giúp cho ACE thuận tiện 'đọc' anh TC.

@Hồng Thu : đường link tới CLBDS do AMK3-TQ đưa lên đấy-sau khi a.chuyển thư của em sang cho anh ấy (thế là a.đã bắt đầu 'hành động' như một thành viên CLBDS rồi nhé!:)).
Mặt khác em cũng có thể cho link sang BanTroikhoa3.blogspot.com, trổ thêm một cửa sổ nữa nhìn ra phần 'đời'từ phía CLBDS cũng chẳng sao-a.nghĩ vậy,ai thích thì ngó kia mà.:) (trước a.thấy có 'UtTroi', sau lại biến mất)

TC nói...

TL, Hồng Thu: CLBDS là "câu lạc bộ dân số - kế hoạch hoá gia đình" viết gọn đi à? Nó có làm K3 mất đoàn kết ko đây?

tualinh nói...

Hồng Thu 'đối thoại' với anh TC đi nhé.
Chuyện CLBDS phải là 'trưởng môn', 'thánh cô Nhậm Doanh Doanh' tiếp chiêu 'nhà báo','nhà văn' mới xứng tầm.
Biết đâu,biết đâu đấy,trên đời này lại xuất hiện thêm một Lệnh Hồ Chiến nữa? :))

Hồng Thu nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
TC nói...

Hồng Thu: trình độ máy móc của mình "i tờ ít", muốn vào Trỗi khác sao khó quá, cứ phải qua những bước gì gì không hiểu nổi
Mà quả thật cũng hơi kho khó bộc lộ trước cử toạ "chưa phải là từ bé với nhau"

HDT-K3 nói...

Ơ hay! TC của chúng ta hôm nay sao thế nhỉ? cứ như cậu thiếu niên 16 tuổi chập chững bước vào đời í!
Cái khí phách hiên ngang của ng tráng sĩ ra đi một mai ko trở lại ," da ngựa bọc thây" đâu rùi?


Thằng TL ở trong kia cứ "TC ơi cố lên!cố lên ! " nhưng lại ngoảnh mặt đi,bụm miệng .....

Nó thừa hiểu rằng đồng lương còi của LệnhHồ ko đủ để mua RAU RĂM cho ni-cô HồngThu dùng trong 1 ngày!

TC nói...

bây giờ khoa học chế ra rau răm hoàn tán rồi, gọn gàng, rất tiện, ko phải ra chợ mua, về rửa sạch để tủ lạnh dùng dần. Tớ có địa chỉ đấy

HDT-K3 nói...

@TC:Cái thứ hoàn tán ấy, còn chần chừ gì nữa mà cậu ko mang đi "đối ngoại" đi? có giá phết đấy!

Mà ko thành công cũng thành nhân!Sợ mẹ gì!( hơn nữa,cần thì tui giúp 1 tay - chả là tui học với thằng anh cả của nico từ thủa cởi truồng ở trường ChimNon phố LòĐúc )

tualinh nói...

Bác HĐ 'đanh đá' quá nhẩy?
Có lẽ lâu ngày bác hơi lộn 'hai chập một' :trong 'Tiếu ngạo giang hồ' nhân vật ni cô khác với thánh cô đấy nhé!

HDT-K3 nói...

1)..."đanh đá",Tú Lì dùng chữ "ác" quá,làm tui thấy đau đau tức tức ở "dưới",phải dzọt lẹ vào toilet tự kiểm tra xem mình đã "chuyển giống" chưa?
2)Tui nhầm sao đc ,TL. Thánh cô là con ng tự do,hoang dã,đã chơi là mút mùa,tới bến lun.Còn nico thờ Phật,khuôn phép,có phần "ép xác".Vì vậy HThu,theo tôi thuộc phương án 2 nên mới cần dùng tới cái thứ "phải gió" đó. Còn cậu chon cho nàng p/a 1,phải chăng chỉ là 1 sự dụ dỗ ngọt ngaò ?......
3)Tui lo lắng cho thằng bạn TC "nai nai",chẳng lẽ ko đc sao? mà cậu nặng lời thế?

tualinh nói...

@HĐ : xin nỗi,xin nỗi! Vô tình làm cậu bị đau tức ở đâu tớ cũng mặc kệ, nhưng nếu đau ở "dưới" của cậu thì phải xin ngay cậu 2 chữ 'đại xá', mười lần nhé. Tớ vô ý 'câu chữ' quá đi,ko ngờ nó lạc vào chỗ 'phạm'.
Thực ra ý tớ chỉ là ở đây cậu dùng nghệ thuật loại chữ 'chua ngoa', 'đanh đá' biến hóa kinh khủng,làm tớ liên tưởng tới chiêu thức của 'tịch tà kiếm phổ',khiếp quá mà mắc thiếu sót trong diễn đạt. :)
Lão TC thánh thật! :))

HDT-K3 nói...

@TL: Đến tân bây giờ cậu mới biết là "nó" thánh à ?.
" Nàng " xóa 1 com của mình. Lí giải sao nhể?:
1)TC buông câu,ngửi thấy mùi chuyên nghiệp của gã ngư phủ,nàng chuồn lẹ, ko quên mang theo.... tất cả những gì phải mang ,thật xứng danh nữ quái của đại quân khu NamĐồng.
2)Sau mấy quả " đánh mắt " biết con mồi đã " ăn đèn " ,nàng thu xếp đồ đạc ( dọn sạch sẽ hiện trường),về đun nước ,chuẩn bị làm thịt .



Ai sẽ là nạn nhân của vụ án (TC?TL? )xin xem tiếp hồi sau sẽ rõ!!!

tualinh nói...

@HĐ :
Serenade de Schubert - Nana mouskouri

TC nói...

Người đâu nào thấy đâu nào
bờ nốc dường vưỡn ra vào đâu đây
(Kiều)
Ối giời ơi là tuyệt vọng!