Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG

CÕI GIỚI VÔ HÌNH

Tôi có đọc một cuốn sách mang tựa đề “HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG”. Cuốn sách này xuất bản không chính thức vì không thấy có tên nhà xuất bản. Tuy nhiên khi đọc xong tôi thấy có một số vấn đề hay hay nên muốn gửi lên blog để các bạn xem cho vui. Tôi muốn đăng dẫn lại nguyên bản mà không biên tập nên hơi dài, bạn nào có điều kiện thì tham khảo cho ý kiến.
Tóm tắt phần trên: Một phái đoàn ngoại giao do tiểu vương Ranjit Singh cầm đầu sang thăm viếng nước Anh. Tại Đại học Oxford, có một đạo sĩ biểu diễn đã làm đảo lộn các quan niệm bình thường. Ông ta có thể uống tất cả mọi chất hóa học, kể cả những chất cường toan cực mạnh và có thể nhịn thở hàng giờ. Ông ta còn chui vào quan tài để bị chôn sống 48 ngày… Do vậy Hội khoa học Hoàng gia đã phái một đoàn gồm nhiều nhà khoa học có tên tuổi sang Ấn Độ quan sát, sưu tầm, tường trình và giải thích những hiện tượng huyền bí. Khi ra đi họ không mấy tin tưởng, nhưng khi trở về họ đều đổi khác. Giáo sư Spanding (người viết cuốn sách này) phát biểu: “Phương Đông có những chân lý quan trọng đáng để cho người Tây Phương nghiên cứu, học hỏi. Đã đến lúc người Tây Phương phải quay về Đông Phương để trở về với quê hương tinh thần”.
Các chương trước kể về nhưng cuộc gặp gỡ với nhiều nhân vật siêu phàm, mỗi người một lĩnh vực. Bạn nào quan tâm nên tìm sách để đọc cho hoàn chỉnh. Theo tôi nghĩ nó có thể nằm trong trang “VN thư quán”. Với trang Blog, tôi không thể đưa lên cả quyển sách mà chỉ trích một chương nói về ma quỷ, sống chết, đầu thai, tôi nghĩ chắc nhiều người thường xuyên có suy nghĩ, trăn trở về những điều này nên gởi lên mạng để mọi người xem cho vui. Mong các bạn chia sẻ.

CHƯƠNG TÁM
CÕI GIỚI VÔ HÌNH

Hamoud là một pháp sư có kiến thức rộng rãi về cõi vô hình. Khác với những đạo sĩ phái đoàn đã gặp, ông này không phải là người Ấn mà là người Ai Cập.
Ông ta sống một mình trong căn nhà nhỏ, xây dựa vào vách núi. Hamoud không hề tiếp khách nhưng trước sự giới thiệu của bác sĩ Kavir, ông bằng lòng tiếp phái đoàn trong một thời gian ngắn. Vị pháp sư có khuôn mặt gầy gò, khắc khổ và một thân hình mảnh mai. Ông khoác áo choàng rộng và quấn khăn kiểu Ai Cập.
Giáo sư Evans Wentz vào đề.
“Chúng tôi được biết ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí…”
Pháp sư thản nhiên: “ đúng như thế, tôi chuyên nghiên cứu về cõi vô hình.”
“Như thế ông tin rằng có ma?”
“Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma. Vì con người sợ hãi một cái gì đó mà họ không nhận thức bằng giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến sự sợ hãi, từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận chúng hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi. Các ông đòi một chứng minh cụ thể chăng?”
“Dĩ nhiên, chúng tôi cần một bằng chứng hiển nhiên…”
“Được lắm, các ông hãy nhìn đây.”
Vị pháp sư mở ngăn kéo lấy ra một cặp que đan áo, một bó len và mang ra góc phòng để xuống đất. Ông ta thong thả:
“Chúng ta tiếp tục nói chuyện, rồi các ông sẽ thấy”.
Mọi người ngơ ngác, không hiểu ông ta muốn nói gì. Giáo sư Moritmer nóng nẩy:
“Nếu nghiên cứu về cõi vô hình, xin ông giải thích về quan niệm Thiên đàng, Địa ngục, cũng như đời sống sau khi chết ra sao?”
Vị pháp sư nghiêm giọng:
“Đó là một quan niệm không đúng, sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới chứ không phải chỉ có một cõi này. Quan niệm về Thiên đàng hay Địa ngục chỉ là những biểu tượng chứ không có vụ quỷ sứ hành hạ tội nhân, hoặc thiên thần có cánh bay vòng quanh. Các biểu tượng thường bị hiểu nhầm bởi quan niệm cá nhân. Tôi cố gắng trình bày nghiên cứu của tôi như sau:
“Khi chết ta bước qua cõi trung giới. Cõi này gồm có bẩy cảnh khác nhau, mỗi cảnh được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh mà ta gọi là chất “Dĩ thái”. Tùy theo sự rung động (vibration) khác nhau mà mỗi cảnh giới (Astral phane) một khác. Tùy theo vía con người có sự rung động thanh cao hay chậm đặc mà mỗi người thích hợp với một cảnh giới. Đấy là hiện tượng “đồng thanh tương ứng” mà thôi. Khi vừa chết, thể chất cấu tạo nên vía được sắp xếp lại, lớp thanh nhẹ nằm trong và lớp nặng trọc bọc phía ngoài. Điều này cũng giống như một người mặc nhiều áo khác nhau vào mùa lạnh, áo lót mặc ở trong, áo khoác dày mặc ngoài.
Vì lớp vỏ bên ngoài cấu tạo bằng những nguyên tử rung động chậm và nặng nề, nó thích hợp với các cảnh giới tương ứng ở cõi âm và con người sẽ đến với cảnh giới này. Sau khi ở đây một thời gian, lớp vỏ bao bọc bên ngoài dần tan rã. Giống như con người trút bỏ áo khoác bên ngoài ra. Tùy theo các lớp nguyên tử bên trong mà họ thích ứng với một cảnh giới khác. Cứ như thế, theo thời gian, khi áp lực vật chất tan rã hết thì con người tuần tự tiến lên những cảnh giới cao hơn. Điều này cũng giống như quả bóng bay được cột các bao cát, mỗi lần bỏ bớt một bao thì quả bóng bay cao lên một chút. Cho đến khi không còn bao cát nào thì nó sẽ tự do bay bổng. Trong bảy cảnh giới của cõi âm thì cảnh thứ bảy có rung động nặng nề nhất, âm u nhất. Nó là nơi chứa các vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người mổ súc vật, những cặn bã xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa còn đầy thú tính. Vì cõi âm không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tính mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn nửa người, nửa thú. Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Điều này không sai sự thật là bao nhiêu. Vì đa số những vong linh này luôn luôn oán hận, ham muốn, thù hằn và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng. Dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình, tửu quán, các nơi mổ xẻ súc vật để tìm cách rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Khi một người ăn uống ngon lành, họ có các rung động, khoái lạc của loài ma tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Đôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non ớt. Những loài ma tình dục thì quanh quẩn nơi buôn hương, bán phấn, rung động theo những khoái lạc chốn đó và tìm cách ảnh hưởng họ. Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích, thì ngay trong giây phút mà họ không tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để ảnh hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa.
Vì không được thỏa mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm bớt dần. Các nguyên tử nặng, trọc cũng tan theo. Vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên theo cõi tương ứng.
Dĩ nhiên, một người có đới sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác. Tùy theo lối sống tư tưởng khi ta còn ở cõi trần, mà khi chết, ta đến những cảnh giới tương ứng. Đây chính là quy luật “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Toàn thể phái đoàn im lặng nhìn nhau. Vị pháp sư Ai Cập đã diễn tả bằng những danh từ hết sức khoa học, chính xác chứ không mơ hồ, viển vông. Dù sao đây vẫn là một lý thuyết rất hay, nhưng chưa chứng minh được. Có thể đó là một giả thuyết của những dân tộc nhiều tưởng tượng như người Á châu chăng?.
Hamoud mỉm cười như đọc được tư tưởng mọi người: “Các ông biết rằng, tôi cũng là một tiến sĩ Vật lý (Physics), tốt nghiệp Đại học Oxford…”
Giáo sư Harding giật mình kêu lên:
“Oxford ư? Ông đã từng du học bên xứ chúng tôi sao?”.

5 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Đáng lý ông ta phải hỏi "vật lý? Ông đã từng học vật lý sao?"
(lời góp của cử nhân Vật lý HT, hé hé...)

TK8 nói...

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG.

Ngoài ra, K8 có TS Nguyễn Thế Hùng là tác giả của NGŨ HÀNH VÀ KHOA HỌC cũng được dư luận quan tâm.

4 SG nói...

Tôi đọc quyển này khi mới đặt chân về SG năm 1975. Điều khó chịu nhất là ko sao tìm được bản tiếng Anh của nó trên mạng. Pác nào tìm giúp và post cho ACE thưởng thức nguyên bản.

4 SG

Nặc danh nói...

Có Vol.1-4 (/6)
http://pamelaparnell.homestead.com/life.html
http://spiritualchicken.com/2009/09/essential-esoteric-library-life-and-teaching-of-the-masters-of-the-far-east-vol-i-iv/

TQtrung nói...

Tôi cũng đã đọc quyển này do Kỳ Nghĩa gửi cho, cảm tưởng lúc đầu cũng thán phục nhưng khi đọc lại "tác phẩm văn học" được viết vào thế kỷ 19 này thì thấy có vẻ không mấy hợp với tư duy của thế kỷ 21, đề tài này nên tham khảo bộ ba cuốn " trong vòng tay Sambala" của tác giả bác sỹ E. Mun-đa-sép , Người Nga hay hơn nhiều, và có "lý" nữa.