Thị dân, anh là ai?
Chốn quần cư.
Nhắc đến tính cách Thăng Long - Hà Nội, người ta thường dẫn câu của Nguyễn Công Trứ “chẳng thơm cũng thể hoa lài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nhưng ở Tràng An, chỉ cái chốn đô hội của chúng ta, chả phải ai cũng thanh lịch, và chả phải đâu đâu cũng là “đô hội”. Là bởi vì cái tính chất quần cư của thành phố. Đấy là cái nơi ai cũng đến được, đến thì ở lại được. Nhiều người về hưu về Hà Nội. Trẻ đánh giầy, mỗi kỳ tết lễ “bỏ” lên xe, cấp quần áo trở về quê, ít lâu lại xuất hiện ở phố. Cuộc sống xa nhà đầy bất trắc, tai nạn, bệnh tật, hiểm nguy rình rập, chừng như đối với những “Ga - vơ - rốt đến từ Thanh Hoá” vẫn cứ hấp dẫn hơn. Nên chi “tôi thị dân, anh thị dân, chúng nó cũng thị dân”. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng, khi đưa ra cái “lô gô” nổi tiếng “Hội tụ - Kết tinh - Lan toả”, cũng đồng thời xác định cái tính chất quần cư của thành phố. Ông bảo thật khó định nghĩa thế nào là người Hà Nội, nhưng cái tính chất cá biệt, chỉ riêng nó có thì tồn tại, tồn tại một cách bất diệt qua đằng đẵng những cay nghiệt của lịch sử.
Hà Nội hình thành từ một bến nước ven sông, chắc thế. Từ những căn quán bán nước chè, kẹo bột cho dân đợi đò, khu chợ hiện lên, trao đổi những tre luồng, gạo mắm. Rồi quan binh kéo về, thành trì mọc ra, có khu cho vua và vợ con, khu của lính tráng. Quanh thành là vành đai thị, với những làng nghề đặc trưng, sau trở thành những phố hàng (Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bông...). Sang thế kỷ XIX, khu phố Tây mọc lên với biệt thự, thư viện, bệnh viện..., nhà gạch có thể tồn tại cả trăm năm thay thế nhà tranh tre “cháy một cái đi vèo cả khu phố được”. Trải cả nghìn năm qua, Thăng Long - Hà Nội bao phen không được “phi chiến địa”, lúc Chiêm Thành ra, Nguyên Mông Minh Thanh xuống, nhưng cái tính chất là bến đỗ cho những đời người bốn phương thì không bao giờ thay đổi. Và lạ chưa, từ cái chỗ tấp lại, chả phải quê hương ấy, có những bông hoa vụt lớn lên, lấp lánh bền bỉ qua năm tháng đoạn trường. Nguyễn Du quê mãi Hà Tĩnh, nhưng nếu không đẻ ở kinh kỳ, chạy loạn muôn nơi ăn lộc hai triều, làm sao để lại được gương mặt buồn thảm cho đời. Giải nguyên Nguyễn Công Trứ nếu cứ ở Nghi Xuân thì có thể “giương” cái phong cách ngất ngưởng lên? Họ là người tài, đến đây được nhào nặn thì mới thành tinh hoa được. Nói thế lại có thể hình dung tiếp: cũng có bao ông tài hoa hơn Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ nhưng cứ ngâm vịnh sau luỹ tre làng mãi rồi đâm ra gàn dở lụn bại. Cái hồn vía, linh khí, tinh chất gớm ghê của Thăng Long - Hà Nội là ở chỗ này.
Kinh tế đô thị phát triển tạo ra thị dân, và họ tác động trở lại cái “nặn” ra họ. Ngoài nông, Thăng Long có cả sĩ, công, thương, những kẻ làm dịch vụ như¬ kỹ nữ, gánh thuê, thợ nấu ăn... Đô thị phát triển mạnh có lẽ từ thời Trần. Từ “nhà Nho trần xì”, tầng lớp nhà Nho tài tử “ra mắt”, khá gần có Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, rồi hình như chấm dứt ở Nguyễn Tuân. Thị dân cần tiền nhưng không quá coi trọng nó đến mức chôn xuống đất hay làm nhà ngói cây mít như nông dân. Họ có quan niệm chất lượng cuộc sống khác, kiểu như tiêu tiền cho sướng ngũ quan, hình thành nhu cầu chân thiện mỹ. Đi hát (một nhà nghiên cứu nhận xét ca trù, nhất là hát nói, là đặc sản của thành thị), đánh cờ, phóng bút cho sang trọng, dần dần một nền văn hoá quý tộc hình thành với kiểu sống vừa phóng khoáng lại tinh tế. Tất nhiên, mỗi khi có chiến tranh hay thay đổi triều chính, dòng chảy đó lại bị đứt để rồi nối lại khi thời thế ổn định.
Trở lại thời bây giờ: Ai là người Hà Nội? Người đã đến đây từ 30 năm, hay phải từ năm bẩy đời rồi? Mươi năm nay vô số “người tỉnh” đến, đẻ con, đưa bố mẹ ra. Nhiều người “khẩu” một nơi mà “nhân” thì chắc chắn chung thân Thủ đô rồi. Muốn tìm người ở lâu nhất hoá phải ra ven đô, ngoại thành, nơi còn đình làng, nhà thờ họ, bằng khoán điền thổ. Và chính ở đây cũng lại gặp những bất ngờ khác, ví như ông Tổ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là tù binh Chiêm Thành. Thành phố không “thuần chủng”, đa tập người, vì thế thật khó xác định một tính cách cho dân của mình, và do đó, những giá trị, tính chất lâu bền cho mình, để mà rồi có thể dự liệu những ý tưởng, giấc mơ xa xôi khác. Và nên chăng dùng tới cái khái niệm “những người sống ở Hà Nội”?
Hình như đây cũng là một đặc điểm của nhiều nơi trong đất nước thời kỳ này. Xem truyền hình phỏng vấn nhiều người ở TP HCM, toàn thấy giọng Bắc. Tây Nguyên xa xôi, theo một con số trên tạp chí Ngok Linh, bên cạnh 1 triệu người bản địa là 3 triệu dân từ nơi khác đến; thiệt hại cho văn hoá rừng vô cùng.
Ai là thị dân?
Nhiều năm qua, chúng ta có rất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng một cốt cách Hà Nội trên cơ sở văn hoá, đạo đức phù hợp với lối sống hiện đại. Những cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá mới, nếp sống mới. Những chiến dịch giáo dục, thuyết phục trên báo đài, ở đơn vị cơ sở... Tất cả đã góp phần tạo nên một diện mạo tích cực cho Thủ đô. Nhưng cuộc sống lại vẫn đặt ra những vấn đề khác...
Ví như hồi đất nước mới thống nhất, nhiều người vào Sài Gòn ở khách sạn, đã ngạc nhiên vì một lời khuyên đơn giản: “Người thành phố nên đóng cửa ra vào”. Những nhận xét khác: người ở trỏng làm các nghề “phục vụ” rất chuyên nghiệp; lái xe không chen lời sếp, bán hàng mềm mỏng. Họ bằng lòng với công việc của mình, còn cộng đồng tôn trọng nghề của họ. Đây là một đặc điểm của đô thị, con người phân tầng, mỗi anh mỗi kĩ năng rõ rệt, không ai làm thay ai được. Tuy có lịch sử ngắn ngủi nhưng TP Hồ Chí Minh có tính chất đô thị nhiều hơn Hà Nội? Nói thế không phải không có lý. Hơn nửa thế kỷ là thuộc địa Pháp, mấy chục năm dưới ảnh hưởng Mỹ đã làm Sài Gòn gần với xã hội Âu Tây hơn. “Văn Bắc - thơ Trung - báo Nam”, chả phải là nhiều nhà báo gốc Bắc vào Nam đã “quậy” tưng bừng trong môi trường ít nhiều có ảnh hưởng của tự do báo chí đó sao?
Cách mạng nổ ra. Luôn năm chiến tranh. Những thay đổi về chính trị, xã hội, kéo theo “nhân sự lãnh đạo”... Rất nhiều yếu tố khiến cấu trúc dân cư thành phố hoán đổi, bổ sung, di dời, không bao giờ ổn định. Hai quá trình thành thị hoá nông thôn và nông thôn hoá thành thị dù ngược chiều mà đều “chảy” mạnh mẽ. Ví như anh bộ đội “bốn túi chân chì” từ Thanh Hoá ra sau ‘54 vào làm rể gia đình “tạch tạch sè”, con đẻ ra đặc “mùi” thị dân lại là nhân viên ông thủ trưởng vận complet ngậm tăm. Trong mỗi cơ quan, gia tộc, phường phố đều có sự xen kẽ, giao lưu, tranh đấu và chấp nhận nhau.
Một đặc điểm của lối sống nông thôn là chế độ gia trưởng. Một con người tồn tại trước hết thuộc về cộng đồng, làm con ông ấy bà nọ họ kia người làng nớ. Ông trưởng tộc cưu mang cháu chắt hết nhẽ, xẻ cả cửa nhà ra, là một đặc tính tốt, chứ gì? Nhưng đố đứa nào lấy vợ sai ý ông, muốn mở lối đi riêng trong khu vườn (thênh thang) để đi về, tự do đón bạn bè là không thể. Tương thân tương ái đấy, nhưng cũng thật khe khắt. Nó khiến cho sau này, lúc ra tỉnh làm nghề truyền thống, một kẻ hậu sinh muốn sáng tạo thật khó. Chả phải bỗng dưng mà một học giả Pháp nhận xét “sự hình thành trên cơ sở các làng nghề làm chậm quá trình đô thị hoá của Hà Nội”.
“Người tỉnh” lại khác. Anh thị dân tồn tại trước hết với tư cách cá thể độc lập, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn, những hành động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Và tất nhiên, cả những thể chế đô thị. Mình làm mình chịu, có thể không biết hàng xóm, họ mạc, anh ta chơi với người tận cuối tỉnh. Có gan ăn cắp, làm giầu, học hỏi, sáng tạo, anh ta phải có gan chịu đòn, vào tù, phá sản hay tận hưởng thành công. “Đèn nhà nào rạng nhà nấy”, “anh em kiến giả nhất phận”, anh ta thật khó trách móc người thân đã không can ngăn mình khi sa ngã, cũng không dễ chia sẻ khi hưởng lộc, vì sinh hoạt, ý thức hệ, cá tính đều rành rẽ cả. “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, câu ấy là của Xuân Diệu nói về đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng nói vui ra, vơ vào theo cách điêu xằng, cũng có thể cho đó là tâm thế tồn tại của thị dân. Trong môi trường mình được là mình, sự sáng tạo, dấn thân, năng động đều dễ dàng, không bị níu kéo, chả phải nhìn ngang liếc ngửa sợ ảnh hưởng đến muôn ngàn mối quan hệ “như ở quê”.
Như trên đã nói, vì liên tục nhập cư, Hà Nội luôn tồn tại những tập người trong lòng. Dân đã ở dăm bẩy đời dễ chấp nhận, tránh va chạm đến chịu đựng, thích làm chuyên môn, văn nghệ, hay “nhường” vị trí thủ lĩnh cho “người mới”. Phải trải quá nhiều biến động thời thế, kém thích nghi với chúng (do đã có cuộc sống ổn định), họ cũng “lười lĩnh”, “yếm thế”, ít tham vọng hơn hẳn, trong khi “người từ quê ra” tính cách mạnh, luôn có xu hướng tiếp tục chiếm lĩnh đỉnh cao. Đất học cung cấp cho kinh kỳ người tài, do sàng lọc tự nhiên mà họ lại “tụ” về một chỗ. Ví như vì đông người Nghệ mà tạp chí Văn nghệ Quân đội được “đặt” là “Văn đội quân Nghệ”, Viện Văn học thành “Viện Văn Nghệ”. Còn trong đội ngũ giảng viên đại học thì khỏi nói. “Hà Nội một triệu Nghệ nhân”, như ông nghị Nguyễn Lân Dũng phát biểu, nên chi đội bóng đá Sông Lam ra thi đấu như ở sân nhà. Người xa quê cũng hay kéo cả họ hàng, người làng ra làm “phên giậu” cho chắc chắn. “Một người làm quan cả họ được nhờ”, biến tướng của câu ấy từ cơ quan, công ty lan ra cả nước ngoài (Nga chẳng hạn), nơi những “soái” cùng “tướng” đều đồng hương trong một doanh nghiệp lẫy lừng. Dù sao, vì lợi ích chung, họ không thể co cụm, kỳ thị hoàn toàn, mà vẫn dùng người tài, chuyên gia, nhưng không ở vị trí quyết định.
Có một quan sát khác khá là “có tính chất xã hội học”: nhiều người ở chung cư sang trọng, vài ba ô sin, ô tô bim bim rồi, vẫn mong có tý đất; ấy là cái đuôi của tâm lý nông dân, không có đất tức vẫn không có gì cả.
Tiểu thị dân lại là một hình ảnh khác. Tủn mủn, dựa cậy, sột soạt sau lỗ khoá, cánh cửa văn phòng, công sở những lời sau lưng, lối a dua, dò xét, nhưng trước mặt lại rất “sĩ”. Thủ trưởng muốn nghe lời nói thẳng không dễ, và nghe được lại rất khó dễ chịu. Đồng sự nhún nhường nhau trước mặt nhưng thị phi, bất hợp tác trong công việc. Người có chút quyền hành thực thi công vụ như ban ơn, còn người đề xuất, dù hợp lý đủ đường, vẫn là kẻ đi nhờ cậy. Những quan hệ dích dắc, có khi phí tổn chả bao nhiêu nhưng đấu trí để giải quyết thì quá mệt, là một nguyên nhân làm nản lòng nhà đầu tư nghiêm túc, những ý tưởng nghiêm túc. Chập chờn tấm lưới rất vô hình, những khuôn thước chẳng thể ngờ trước con người trẻ tuổi được dạy dỗ tính độc lập, có mơ ước hào sảng. Và ai có thể “phê bình” nhau, coi là “vi phạm”, là “khuyết điểm” trước những “tính cách” như thế nhỉ?
Xác định tính chất thị dân
Vì sao ai ai cũng muốn về Hà Nội, chúng tôi sẽ bàn đến trong một bài sau. Nhưng có một điều chắc chắn là làn sóng nhập cư hàng chục năm nay không có ai kiểm soát, đặt vấn đề hạn chế hay chọn lọc. Làn sóng ấy tạo điều kiện cho người tỉnh ngoài, đa tài năng, tinh hoa cũng như cặn bã về thành phố. Bổ sung nhân lực (“thô” thì anh xe ôm, chị “ô sin”, “tinh” thì ông giảng viên đại học, nhà nghiên cứu), nó lại gây sức ép cho thành phố: thiếu trường học, bệnh viện, điện nước, nhà ở, giao thông, vệ sinh... Thử tưởng tượng trong nhà mình có thêm vài người lạ, ai cũng có hoàn cảnh buộc phải xa quê, rồi đặt vào đô thị mà xem, sẽ rất khó để quyết định buông trôi hay là hạn chế. “Nhân đạo” với tập người này thành ra lại “vô nhân đạo” với tập người kia. Hy vọng là bài toán luẩn quẩn này, đã đặt ra bao nhiêu năm, sẽ phần nào giải được khi vùng Thủ đô hình thành, những đại học, cơ quan, khu công nghiệp... được đẩy ra Hà Tây, Lương Sơn. Hy vọng là thế...
Với những đặc tính dân cư kể trên, có thể thấy đặc tính đô thị của Hà Nội còn mỏng hơn Sài Gòn, nơi mới chỉ thành đơn vị “trấn” hơn 300 năm. Nhưng dầu “người tỉnh” về nhiều thế nào, quá trình thị dân hoá cũng vẫn diễn ra ngày một nhanh hơn. Trong gia đình trung lưu có nhiều buồng riêng, bố mẹ không tự do vào buồng con. “Tôi tự hào về bố mình, nhưng trước hết tôi là tôi, với những cái hay dở riêng. Trước người lạ, khi “bị” giới thiệu thân thế ra, người ta chỉ nói chuyện với “con bố tôi” chứ không phải với “tôi”, nó không giản dị, nhiều khi gượng gạo...”, con một cán bộ lão thành bộc bạch. Đẻ ít, có điều kiện kinh tế, những cặp vợ chồng trẻ đều muốn tách khỏi gia đình lớn: “Sống tam tứ đại đồng đường rất gò bó. Mình khá hơn ông anh, muốn ăn ngon chơi khoẻ thì ngại, mà giúp đỡ nhau luôn cũng thế nào... Báo chí hay nêu gương những nhà nhiều tiểu gia đình hoà thuận, chỉ là vì họ không có điều kiện tách ra thôi”. Còn trong xã hội, vai trò chuyên gia, người có hiểu biết trong một chuyên môn sâu ngày càng quan trọng. Đã chả có người rỉ hoen trong cơ quan nọ, khi rời khỏi biên chế thời được trọng dụng ngay ra đấy ¬... Trong những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, mỗi căn hộ là một thế giới khép kín, những người cùng tầng có con hằng chơi với nhau, gặp nhau trong thang máy đều chỉ ừ ào chiếu lệ. Nhân viên nhiều doanh nghiệp có lệ ăn trưa chung nhưng tiền trả riêng, thuốc lá không mời nhau nhưng xin thì cho. Các cụ văn nghệ cao niên uống bia quán Halida ở Lý Thường Kiệt lập nhóm KAMA, nghĩa là “Không Ai (phải) Mời Ai”. Và rồi đến lượt cỗ cưới, những bà chu đáo lo gắp cho người khác (đa phần không quen biết) lại trở thành nỗi kinh hoàng cho cả mâm. Nhà văn Hồ Anh Thái coi “động thái” gắp ấy là sự cưỡng đoạt quyền tự chọn lựa của người khác.
Nhưng sự giải phóng cá nhân giúp cho người này được độc lập, lại mang tới nỗi cô đơn cho người khác. Nhiều bố mẹ phát phiền vì con cố thủ trong buồng với máy tính và tivi riêng, chỉ có mặt bữa cơm. Ông bà muốn “tạt” sang chơi với cháu không gọi điện trước không được. Tức là sự độc lập cũng nên có chừng mực. Cứ thử đến những nhà nhiều tầng mạn Trung Hoà - Nhân Chính mà xem, có những bà cụ ở quê ra, con lo cho chả thiếu thứ gì nhưng suốt ngày ngồi bậu cửa ngóng người bắt chuyện, chả được như đám “ô sin” cứ bế trẻ xuống sân chung, gặp nhau là tha hồ “buôn”.
Có nghĩa là cộng đồng, “bầy đàn” hay cá thể cực đoan quá, đều có chỗ phát phiền!
8 nhận xét:
Bái phục bác TTC. Những bài "quá sức đọc" mà bác vẫn còn viết được thì thật còn "xuân sắc" lắm, he he...
Mẹ kiếp ! Thằng này phải làm trưởng tiểu ban " văn hóa xã hội " của Quốc hội mới đúng!
Thiệt bái phuc ! bái phục !.
Bài viết ở mức một chuyên đề nghiên cứu rồi, tác giả có con mắt quan sát rất sâu sắc và thực tế, lượng kiến thức cũng không nhỏ, tuy không phê bình nhưng rõ ràng bài này cũng đáng để suy ngẫm về một xã hội tự phát, vô tổ chức và phần nào đó kiểu "bầy đàn".
Bạn Trỗi dù có gốc quê ở đâu trên mảnh đất này nhưng phần lớn đều sinh ra và sống ở Hà nội từ nhỏ, có bạn sâu trong trái tim mình vẫn hướng về quê cha đất tổ như một nguồn cội tâm linh, Hà nội chỉ như một bến đỗ nên có điều kiện là sẵn sàng rời xa chốn thị phi, cũng có người giọng nói vẫn còn âm hưởng phương Nam mà vẫn khăng khăng mình là người HN, Vậy thì đâu cần một quy định gì , một tiêu chí gì để công nhận ai đó là người Hn, chỉ đến khi trong tâm mình, trong hành động của mình, anh ta tỏ ra là người Thanh lịch, không bon chen, tranh đoạt, kính trên nhường dưới, gia phong quy củ, tính tình điềm đạm v.v... thì lúc đó, không cần nói người ta vẫn biết và cho rằng anh là người HN.
Tuy nhiên TC có ý kiến gì để HN vẫn "ngàn năm thanh lịch" thì chưa thấy nói đến, nhưng tin rằng với tầm của mình, chắc anh sẽ đưa ra được những ý kiến độc đáo.
Trong dau TC chic con nhieu die chua Viet ra. Co le ban hay lay dien dan nay de tuon bot hung die dang am I Chay trong long. KT
Trong dau TC chac con nhieu dieu chua viet ra. Co le ban hay lay dien dan nay de tuon bot nhung dieu dang am I chay trong long cho moi nguoi thuong thuc. Con chuc trong QH nhu TDHD de nghi thi dung co nhan vi chang thang nao nghe hoac doc dau. Xem giong nhu doc ky cua NK ay. KT
KT: Mình đang rất cân nhắc sự đề bạt của HĐ
QT:"đâu cần một quy định gì, một tiêu chí gì để...". Vđ ông đưa ra rất thú vị, làm tôi phải nghĩ. Ý tôi là muốn nói đến chất lượng người đô thị của HN. Giả sử giờ chúng ta về nông thôn cầm cày cuốc sẽ ra sao? Bà con bảo "thế mà cũng đòi làm nông dân". Hạt lúa củ khoai làm ra sẽ lép lắm.
Nông thôn miền bắc hiện ko nuôi được người. Đấy là một thực tế khó công nhận. Đất ít. 1 sào ruộng trừ vốn liếng, các thứ phí thuỷ lợi, bảo nông, thuốc sâu... thu lại 2 triệu. Thế mà nhiều nơi người ta còn bỏ đất, ra đi. Đô thị chịu sức ép ấy. Pha tạp, quê mùa ngoài đường. Còn trong một cơ quan khoa học, sẽ có người kêu "thế mà cũng đòi là tiến sĩ...". Một nhà quản lý đô thị không hiểu thành phố của mình sẽ sinh chuyện nhiều nữa.
Một lần mình đi xe ôm. Ông này đã ở HN chục năm. Gặp người làng ông ấy đòi kẹp ba, dĩ nhiên mình ko chịu. Mình trả tiền để ngồi một mình một chỗ chứ có phải để lèn thêm đâu. Lý anh thị dân quen sòng phẳng là thế, xưa gọi là "văn hoá tiêu dùng", thói "trả tiền ngay". Nhưng trong đầu ông ấy, hẳn mình là người ko trọng tình làng nghĩa xóm, ngồi chật hẹp một tẹo một lúc có sao. Những quan niệm khác nhau ấy va đập hàng ngày hàng giờ, ở nhiều "trình độ", đâm ra rất rắc rối.
Nói thế ko biết đã trúng ý ông chưa nhỉ?
Về sự thanh lịch, mình ko có ý viết ở đây, vì đã viết chỗ khác rồi. Loạt bài này chủ yếu về những chỗ ngứa ngáy, ko bằng lòng, và những gì người ta còn ít viết. Có thế mới dãi bày ra với bạn bè, còn góp vui thì báo chí có cả rồi.
"Tự phát, vô tổ chức...". QT đọc sau bài "Đô thị tự phát" trong loạt bài này nhé. Đã đăng báo của quốc hội hẳn hoi, để xứng đáng với sự để bạt của HĐ
Trình Văn + Sử của bác TC quá Phan - CAO ! - bởi vậy cháu Múc đại về đây để Ăn dần...tạm thời thế đã, rùi sẽ chỉnh lại hình thức cho Đẹp Zai hơn.
Bài có CÒN NỮA hay không bác TC cho ACE bít chứ chờ kiểu này hồi hộp wá, riêng cháu thì còn rình Bài 3, 4, 5...rủ về lun cho đông zui.
Cháu mà vít được như các bác K3 thì chả fải giở Ngón Nghề Chôm Chĩa thế này.
Con ơi nhớ lấy lời Cha
1 đêm ăn trộm bằng 3 năm làm..
Hay.
Xin bái phục.
Đăng nhận xét