Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Cứu hộ 33 thợ mỏ Chi lê dưới góc nhìn của một "lính" Dù

Sự khó khăn, nguy hiểm, tính phức tạp về kỹ thuật trong việc cứu hộ 33 công nhân kẹt trong lòng đất dưới độ sâu 700 m ở Chi lê đã được báo chí đăng tải. Ở đây, dưới góc độ của một kẻ chơi Dù, tôi xin nói về mặt tâm sinh lý khi con người bị “leo” (chuyển động lên cao).

Trong vụ cứu hộ, để đưa công nhân lên mặt đất, họ nhốt anh ta trong cabin chật như chiếc quan tài. Tất cả tối đen. Cô đơn. Anh ta không biết gì và bị mất phương hướng (hiểu theo nghĩa đen). Khủng khiếp. Cabin “leo” với vận tốc 1m/s làm anh ta nôn nao muốn ói, hay tệ hơn, muốn xỉu, hay tệ hơn nữa, hoảng loạn.

Con người có khả năng kiểm soát, cảm nhận sự di chuyển trên mặt đất (ngang dọc). Khi lái xe hơi, anh ta thoải mái, và hăng lên, có thể “kéo” trên 200 km/h (ở xa lộ EU) mà vẫn bình thường. Nhưng với chuyển động lên và xuống, anh ta lại không dễ dầu thích nghi, bởi con người là loại động vật sợ độ cao. Anh ta hồi hộp khi “rớt” xuống, nhưng hồi hộp hơn là lúc “leo” (kể cả vận động viên Dù có hàng ngàn lượt nhảy hay hàng trăm giờ bay).

Tốc độ “leo”:
Tốc độ 1m/s (3,6 km/h) chỉ là tốc độ dạo phố, nhưng BỊ “leo” với tốc độ hơn 1/ms có thể làm cho người ta lạnh xương sống, có kẻ tim bị ngừng đập một vài giây, nhất là khi anh ta thấy mình đang ở trong điều kiện không an toàn. Một lần tôi bay dù lượn vào vùng khí thăng hơi mạnh, tôi bị “leo” hơi nhanh (hơn 1 m/s thôi), dù “phực phực” giật giật, bỗng dưng cảm thấy … lạnh, đành kéo cho dù trượt ra khỏi vùng thăng. Nhưng ngược lại, “rơi” với tốc độ 1 m/s thì quá êm, phải cỡ 10 m/s (36 km/h) đổ lên mới thấy “hay”, còn nếu đi mô tô (không leo, không rơi) thì phải lối 28 m/s (100 km/h).

Không nhìn thấy đích:
Ban ngày, khi VĐV rơi khỏi máy bay, anh ta hoàn toàn bình tâm vì đất trời minh bạch, nhưng chỉ cần bay đêm hay đơn giản hơn là chui vào đám mây mù là … khác ngay. Tôi một lần bị trôi vào mây mù. Không thấy trời, không thấy đất và đích đến, mất phương hướng, một nỗi sờ sợ kì lạ như bị mất giác quan. Một VĐV bơi qua eo biến Manche (cự li 22 dặm) và đã bỏ cuộc khi chỉ còn cách bờ nửa dặm, mặc cho HLV cam đoan rằng “chỉ còn nửa dặm thôi!”. Cũng chỉ vì lúc đó trời mù nên VĐV không nhìn thấy đích – một nỗi lo sợ vô cớ của loài động vật có tư duy. 3 tháng sau, VĐV này đã bơi qua eo Manche một cách mĩ mãn “vì đã trông thấy đích”.

Sự chế ngự nỗi sợ: Tính chuyên nghiệp của đội cứu hộ và việc tập huấn cho 33 thợ mỏ là rất quan trọng, nhưng phải nói đám thợ mỏ này (trừ 1 người) đều là dân kì cựu – họ có bản lãnh và tự tin.

Số liệu không liên quan (chỉ để xem chơi):
Định luật rơi tự do nói, vận tốc của vật rơi không phụ thuộc vào trọng lượng của nó.
Nhưng nó chỉ chính xác hoàn toàn khi không xét tới sức cản không khí.
Theo đúc kết của hội Dù thế giới, trên thực tế, với độ cao dưới 4.000 m, tốc độ rơi tự do của VĐV nhảy Dù (không phụ thuộc trọng lượng VĐV và phụ kiện) như sau:
Thời gian rơi (s) \ Tốc độ rơi (m/s):
1\9.8 – 2\19 – 3\27 – 4\33.5 – 5\45.5 – 6\47.5 – 7\49 – 8\49.5 – 9\50 (đã rơi được 287 m) – 10\50 – 11\50.5 – 12\50.5 – 13\50.5 – 14\50 - 15\50(...nt...) – 30\50 (đã rơi được 1.330 m).

6 nhận xét:

HCQuang nói...

Bài này chỉ là sự cảm nhận của tôi khi theo dõi cuộc cứu hộ thợ mỏ Chi lê trong hơn 2 tháng qua,
nó cũng liên quan tới hồi tàu ngầm Cuốc-xờ-cờ bị đắm, các thủy thủy đã bình tĩnh nằm nghỉ, viết thư, hít thở nhẹ nhàng và ... chết ngạt.
Bài viết hoàn toàn không nhằm giải thích về chuyện gì, nói lên vấn đề gì. Nó chỉ là một cảm xúc.

AMk3 nói...

@HCQuang: Bố cần thận quá rùi đấy :D. Blog không phải là sách....

Nặc danh nói...

Tôi không nghĩ như thế.Mấy tay thợ mỏ này từ cõi chết trở về, họ từ chốn "âm phủ" "đi thang máy" về gặp lại vợ, con, quá sướng (sau 2 tháng đứng tim)...Cho nên cái vụ "đi lên" này chỉ là "muỗi".
TM

HCQuang nói...

Bác TM.
(Theo báo chí thì) 4 người được cứu lên đầu tiên là do đội cứu hộ lựa chọn trong những công nhân "lì" nhất. Thậm chí họ suýt dùng phương án là trước khi "tống" ông "khách hàng" vào "thang máy", sẽ chích cho ổng 1 mũi thuốc mê. Chứng tỏ đội cứu hộ sợ mấy ổng khi bị "giam" trong thang máy sẽ hoảng loạn. Nhưng có lẽ do họ đã tin tưởng vào bản lãnh và sự tự tin của công nhân, nên đã không xài.
Tui nghĩ, kẻ chưa từng tập bay, tập Dù mà bị "leo" liên tục 15 phút là khiếp lắm, cơ quan tiền đình có thể rối loạn: rất dễ bị nôn (ói) và xỉu.

Nặc danh nói...

Các chuyên gia đã gắn máy tính bảng ToughBook U1 của Panasonic vào các công nhân để theo dõi vị trí và tình trạng mỗi người trong lúc đưa lên khỏi độ sâu 700 m. (vnexpress-14.10.10)

Nặc danh nói...

A Chí: Cái thằng làm chính trị ăn điểm vụ này, thằng làm KH-KT thì đề cao vai trò của nó,còn thằng thợ mỏ chỉ cần thoát nạn... Cho nên các giả thuyết, khả năng đưa ra, rào đón rất ghê. Nếu tui có "điếc k sợ súng" thì bác hãy đọc báo: người ta đang tổ chức cuộc đá banh của các thợ mỏ thoát nạn!?
TM