Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Tìm hiểu


Chuyện Thời M Cõi
Chí Thọ (K3)

Trên mạng K3 vừa rồi có mấy bài bàn về thời “mở cõi” của nước ta (nhân nhắc chuyện các nàng công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa…). Tôi xem hơi muộn, nhưng thấy đây là một đề tài hay, nên cũng xin “nói leo” theo vài lời (cũng là cho vui thôi).
Chuyện mở cõi, hay Nam tiến, của ta chủ yếu liên quan đến hai xứ Chiêm Thành và Chân Lạp. Nó kéo dài hơn một nghìn năm và khá khốc liệt.
Thời nước ta còn bị Bắc thuộc (gọi là Giao Chỉ, Giao Châu…) thì Chiêm Thành đã là một vương quốc mạnh (còn gọi là Tượng Lâm, Lâm Ấp, Hoàn Vương quốc…) Họ thường xuyên đánh phá Giao Châu và ít ra cũng đã hai lần chiếm được vùng Nhật Nam, Cửu Chân (Thanh – Nghệ bây giờ). Thậm chí vua Chiêm còn đòi Trung Quốc phải giao cả nước ta cho họ cai quản (thời Dương Mại), coi như một chốn không người…
Sau khi giành được độc lập (thế kỷ 10), các triều đình Đại Việt vì luôn phải đối phó với giặc phương Bắc, nên đã cố giữ hòa hiếu với Chiêm Thành đề tránh bị ép cả hai đầu. Nhưng mọi cố gắng ấy đều không thành. Giặc Chiêm vẫn luôn là một tai họa, nên cuối cùng thời nào ta cũng phải dùng đến binh đao. Trong hàng trăm trận giao tranh ác liệt Việt – Chiêm thời ấy, có vài cột mốc chính đánh dấu sự mở cõi của nước ta :
- Năm 1069, nhà Lý thu ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh (Quảng Bình và một phần Quảng Trị)
- Năm 1306, vua Chiêm dâng 2 châu Ô và Ri ( Quàng Trị - Thừa Thiên) để xin cưới Huyền Trân công chúa. Sau đó là hàng chục trận giao tranh đẫm máu.
- Năm 1402 , nhà Hồ chiếm Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), vài năm sau lại mất.
- Năm 1470, Lê Thánh Tôn thân chinh dẫn 20 vạn quân tiến chiếm Chiêm Động, Cổ Lũy, đánh qua Đồ Bàn (Bình Định)… Lập đạo Quảng Nam. Ông đã chia nhỏ Chiêm Thành làm 3 nước rồi khắc lên Thạch Bi Sơn lời nguyền :
“Chiêm Thành quá thử binh bại tướng vong,
An Nam quá thử quân thua tướng chết”.
Tưởng thế là yên. Nhưng nạn binh đao vẫn không hề dứt. Nhà Nguyễn sau này, khi biết không thể quay lại đất Bắc, đành phải bước qua “lời nguyền”.
- Năm 1653, chúa Nguyễn cử tướng Hùng Lộc đem binh đánh đến sông Phan Lang, lập phủ Thái Ninh (Khánh Hòa).
- Năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Cảnh chiếm nốt Phan Rang và Phan Rí, lập ra Thuận Thành phủ (tức Bình Thuận).
Đến đây dứt hẳn Chiêm Thành.

Xin nói sơ qua về Chân Lạp (cũng chỉ là để… tham khảo) :
Chân Lạp (Chella) : Vương quốc Phù Nam tách ra thành các nước Chân lạp và Xích Thổ (thế kỷ 6). Sau này Xích Thổ thành Xiêm La (Thái Lan). Chân Lạp đến thế kỷ 13 khá hùng mạnh (đế chế Ăng Co), hay áp chế Xiêm La và bắt người Xiêm làm nô lệ… Giữa thế kỷ 14, người Xiêm nổi dậy đánh đuổi người Chân Lạp chạy về vùng Tonlesap. Từ đây Chân Lạp suy yếu dần… Thủy Chân Lạp (Nam Bộ) tuy thuộc Chân Lạp nhưng rất hoang vắng, thưa dân và hầu như thiếu sự cai quản. Việc truy sát của người Xiêm với người Chân Lạp chắc chắn là rất tàn khốc, khiến cả một vùng dân cư sầm uất từ Batambang đến Đan Rêck trở thành hoang địa. Nền văn minh ĂngCo rực rỡ đã bị xóa khỏi ký ức của dân tộc Khơ Me suốt trong 5 thế kỷ (từ thế kỷ 14 – 19). Người Chân Lạp không ai còn biết gì về ĂngCo nữa (phải đến 500 năm sau, năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp là Henri Mouhot mới tình cờ phát hiện được kinh đô huy hoàng này bị vùi lấp giữa rừng sâu). Trong hoàn cảnh ấy, Chân Lạp càng không thể quam tâm gì hơn về vùng đất hoang vu Thủy Chân Lạp (Nam Bộ), nơi mà hàng nghìn năm qua họ chưa bao giờ xây nên một thành quách, hay lâu đài, để khẳng định chủ quyền của mình.
Cuối thế kỷ 16 đã có những toán di dân tự do người Việt đến Chân Lạp, điểm đầu tiên ở Mô Xoài (Bà Rịa), Lộc Dã (Đồng Nai)… Đầu thế kỷ 17 sự di dân càng ồ ạt hơn. Chúa Nguyễn nhận thức được lợi ích to lớn và lâu dài của sự Nam tiến nên đã động viên (và cả cưỡng bức) di dân, nhất là từ năm 1658 – 1669. Bằng lao động cần cù năng động của di dân, bằng chính sách khéo léo của nhà Nguyễn (hỗ trợ chống Xiêm, ngăn chặn tạo phản, kết nối thông gia… ) nên sự di dân được thuận lợi hơn (trong đó chắc có sự góp sức của nàng công nữ Ngọc Vạn và cũng là hoàng hậu Chân Lạp từ năm 1620). Tuy nhiên, sự “thuận lợi” này chỉ tồn tại trong khoảng vài chục năm đầu thế kỷ 17. đủ để góp phần tạo nên tiền đề quan trọng cho người Việt đứng chân ở địa đầu Nam Bộ.
- Năm 1658, nội bộ Chân Lạp rối ren (chú cháu tranh ngôi). Vua Nặc Chân truy đuổi người Việt. Chúa Nguyễn đưa 3000 quân sang đánh chiếm Mỗi Xuy (Biên Hòa) bắt sống Nặc Chân đem giam ở Quảng Bình, rồi lại thả, bắt phải bênh vực người Việt đang làm ăn ở Đồng Nai. Di dân lại tiếp tục tiến về phía Nam
- Năm 1679, hơn 3000 người Hoa “phản Thanh” trốn sang xin tỵ nạn. Chúa Nguyễn cho đám quân Quảng Tây của tổng binh Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến về ở Mỹ Tho, toán quân Quảng Đông của Trần Thượng Xuyên và Trấn An Bình về Đông phố (Gia Định). Những người Hoa thất trận cùng đường này đã tìm thấy ở đây một vùng đất hứa. Tuy nhiên, nội bộ của họ khá phức tạp. Chúa Nguyễn đã hóa giải việc này một cách kiên quyết và khéo léo, khiến họ quy thuận.
- Năm 1680 hơn 200 người Hoa theo Mạc Cửu đến xin tỵ nạn. Chúa Nguyễn cho họ vào khai khẩn xứ Hà Tiên (Mang Khảm). Khi này Hà Tiên còn rất cách trở. Mạc Cửu đã cố gắng khai phá, lập nên 7 xã sầm uất ven vịnh Thái Lan và xin qui thuận về chúa Nguyễn (1708).
- Năm 1674, quân Xiêm giúp Nặc Đài đánh vua Chân Lạp Nặc Nộn. Chúa Nguyễn sai hai tướng Dương Lâm và Đình Phái chia quân hai đạo đánh úp Sài Côn (Sài Gòn), tiến sang vây Nam Vang lập cả Nặc Nôn, Nặc Thu cùng lên làm vua.
- Năm 1688, các tướng người Hoa ở Mỹ Tho gây loạn, phó tướng Hoàng Tiến giết tổng binh Dương Ngạn Địch, mưu cát cứ. Chúa Phúc Trăn lập mưu giết Hoàng Tiến, tiến binh thu phục Mỹ Tho.
- Năm Mậu Dần 1698, chúa Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Chân Lạp, đặt Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), lập huyện Phúc Long (Đồng Nai), huyện Tân Bình (Sài Gòn) và đặt quan cai trị. Với người Hoa ở Trấn Biên thì lập xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập xã Minh Hương.
- Năm 1699, Nặc Ông Thu bội ước đánh người Việt. Nguyễn Hữu Cảnh phản kích đến tận Nam Vang, Nặc Thu ra hàng.
- Năm 1705, nội bộ Chân Lạp phân tranh, tướng Nguyễn Cửu Vân dẫn 2000 quân sang đánh Nặc Thâm, đưa Nặc Yêm lên…
- Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Nguyên mưu phản. Tướng Nguyễn Cư Trinh tiến đánh. Nặc Nguyên thua, xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp chuộc tội.
- Năm 1759, Nặc Hinh cướp ngôi. Tướng Trương Phúc Du sang đánh, giết Hinh, đưa Nặc Tôn lên thay. Tôn dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn. Chúa Nguyễn cho lập tỉnh Vĩnh Long (Tầm Bao), đặt Đông Khẩu Đạo (Sa Đéc), Tân Châu Đạo (Tiền Giang), Châu Đốc Đạo (Hậu Giang).
- Năm 1760, Nặc Tôn lại dâng tiếp 5 phủ nữa là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt, Linh Quỳnh (Tịnh Biên, Tri Tôn…). Chúa Nguyễn nhập cả 5 phủ về trấn Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ cai quản.
Đến đây đất Nam Bộ mới liền một giải từ Đồng Nai qua Cửu Long Giang, đến Hà Tiên. Tuy nhiên quân Chân Lạp và Xiêm La sau này vẫn nhiều lần sang đánh phá. Riêng Hà Tiên đã hai lần bị mất vào tay người Xiêm (Năm 1715, 1771), chúa Nguyễn đều phải cử binh đánh dẹp thu hồi lại… Chưa kể việc sau này Nguyễn Huệ đại phá 2 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút (1785), Trương Minh Giảng lận đận với Trấn Tây Thành (1835)… Đến nửa sau thế kỷ 18 đất Nam Bộ mới cơ bản nên hình hài như hôm nay.
* Vài cảm nghĩ :
1. Việc mở cõi ngày xưa gần như là một trong những qui luật sinh tồn của nhiều dân tộc, thật khắc nghiệt : mạnh được, yếu thua! Không có công pháp. Biết sao khác. Thời ấy là vậy. Nếu một dân tộc không tự mạnh lên (bằng kinh tế, quân sự, văn hóa…) thì ắt bị tiêu vong. Chiêm Thành là một nước khá mạnh, nhiều tham vọng. Nếu Đại Việt không nam tiến, thì Chiêm Thành cũng bắc tiến. Còn Chân Lạp khi ấy đã qua thời hoàng kim và như một “quả chín sắp rụng”. Nếu người Việt không nam tiến, thì Xiêm La cũng đông tiến và sẽ tiến hết đất Gia Định (Nam Bộ). Ở góc độ nào đó, cũng có thể nói : chính sự nam tiến của người Việt ở Nam Bộ đã “chống lưng” cho Chân Lạp tồn tại trước sự xâm lăng tàn khốc của Xiêm La.
2. Công cuộc mở cõi của người Việt nên nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn cả về không gian và thời gian (suốt từ Chiêm Thành đến Chân Lạp và kéo dài hơn 1000 năm) chứ không chỉ trong vài trăm năm tiến vào Chân Lạp (hay chỉ vài chục năm thời các công nữ làm “Chiêu Quân”). Sự mở cõi ở Chiêm Thành khoảng 700 năm, thường mở đầu bằng vũ lực, sau đó mới di dân. Sự mở cõi ở Chân Lạp thường do di dân trước rồi vũ lực kèm theo. Việc tiến vào Chân Lạp tuy không gian truân bằng vào Chiêm Thành, nhưng cũng chẳng hề dễ dàng. Đó là một cuộc chiến vận dụng nhiều biện pháp cứng và mềm. Sự xông pha của di dân, các thỏa thuận và mưu chước… là tiền đề tạo thêm thuận lợi, rồi cuối cùng đều phải dùng đến vũ lực (hoặc răn đe bằng vũ lực), kể cả ở những nơi “bán tự trị” nhiều người Hoa như Mỹ Tho, Hà Tiên, Đông Phố… Vậy nên, ý kiến cho rằng : “sự hình thành chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ từ Chân Lạp không phải chiến tranh và bạo lực thôn tính, mà bằng lao động khai phá”, rồi cho rằng : “Hình tượng “mang gươm đi mở cõi” của Huỳnh Văn Nghệ, vì thế cần hiểu lại cho đúng”, theo tôi, hiểu thế là đã đơn giản hóa vấn đề (hoặc là nhầm lẫn).
Không ai muốn chiến tranh (trừ những cái đầu nóng bất thường). Binh lửa là điều bất đắc dĩ. Nhưng tình thế là vậy và lịch sử là vậy. Ta chấp nhận như nó đã có. “Frơt hóa” một chút cho rõ thêm khía cạnh, “nhân văn hóa” quá đi cho nhẹ bớt vấn đề đều được, nhưng không nên bỏ qua thực tế khắc nghiệt của thời cuộc. Nếu sự mở cõi Chiêm Thành đã mất rất nhiều xương máu của cha ông, thì sự mở cõi Chân Lạp cũng đổ rất nhiều máu xương của tiền nhân. Vậy nên, câu thơ ám ảnh một thời của Huỳnh Văn Nghệ “từ thưở mang gươm đi mở cõi”, thay vì “cần hiểu lại cho đúng” (hoặc sửa lại là “mang hoa mang bướm đi mở cõi” như có bạn đã đùa), thì theo tôi, ta nên hiểu như nó vốn có, vì đúng nghĩa nó là như vậy.
3. Có một sử gia nước ngoài khi nghiên cứu về thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, có nói đại ý : Năm 1558, khi thuận cho Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, Trịnh Kiểm đã nung nấu ý đồ đẩy Hoàng vào tử địa, coi như một kẻ đã chết rồi. Nhưng ông không ngờ rằng mình đã dâng cho Nguyễn Hoàng cả một cơ đồ.
Theo tôi, nói cho hình tượng thì vậy, chứ về góc độ lịch sử là … trật! “Cơ đồ” không có sẵn và chẳng ai “dâng” cho ai cả! Chúa Nguyễn và những người dân Việt khi đó đã phải tiến lên trong tư thế không có đường lui. Họ đã vượt qua bao trở ngại về phong thổ, sắc tộc, văn hóa… để tồn tại. Xứ biên trấn Thuận Hóa heo hút được đẩy xa xuống phía Nam trù phú, hóa thân nên một nước Việt mà mọi sự sau này đều được nhân đôi… Công ấy thật lớn!
Sau này lại để mất nước oan uổng gần một trăm năm, ấy là tội của hậu thế nhà Nguyễn. Tội này cũng là thật lớn !... Công, tội nên rạch ròi. Không ai chia sớt được cho ai. Tuy nhiên, đó lại là nội dung của một câu chuyện khác …
Không phải dân chuyên sử sách mà ham hố “nói leo” hơi dài. Trúng, trật cũng chỉ là trò chuyện cho vui…
Tháng 7/2011



6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thông báo:
Phạm Nguyễn đã mất lúc 8g tối qua, 5/7/2011 tại nhà riêng 342 Nguyễn Chí Thanh, Q5.
Tang lễ sẽ tổ chức tại nhà, kế hoạch báo sau.

Nặc danh nói...

Cái bản đồ khme cổ treo ở hoàng cung Nongpenh vẽ bao gồm tất cả chiêm thành (tới Quảng bình). Láo thật. Đúng là "tiểu bành trướng"!

HMK6

hadongtran nói...

Không chuyên sử , nhưng viết được như thế này là xuất sắc lắm - đặc biệt phần cảm nhân cuối bài , rất ấn tượng .
Chí Thọ , trưởng thành sớm , vốn là 1 trong những cây viết tài ba nhất trong đại đội . Đề nghị Anh cùng những tài năng khác như Xuân Nam , Chí Nhân , Đông Khu ...bỏ chút thời gian & nhiệt tình ủng hộ blog k3 !

Hu ra ! hu ra !

TC nói...

Tớ đang đi từ Phú Yên ra Quảng Nam, cứ nghĩ câu "ai nhớ người chăng ơi Nguyễn Hoàng, mà ta con cháu mấy đời hoang" của Huỳnh Văn Nghệ, bài Nhớ Bắc. Té ra ông thượng tá này cảm thấy rất sớm những điều giờ người ta nói nhiều, về vai trò của chúa Nguyễn.

hadongtran nói...

TC : Thế này biết cậu khỏe là mừng rồi . Lâu ko đc " nghe " cậu nói - kể cũng nhơ nhớ !
Cậu hãy ghé vào Thơ + Nhạc chơi đi , vui ra phết - toàn những người quen thui !!!!

HCQuang nói...

Quáxuất sắc.
Sự hoàn chỉnh theo cách tui hiểu, là không phải không còn gì để thêm nữa, mà là không còn gì để bớt nữa. Bài của nhà bác Chí thật là xuất sắc.
Cảm ơn