Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Văn bút Hoàng Giang



( Bài viết được chuyển fonts từ nguyên bản bởi HT- Tổng quản trang "Trang Thơ" ,nhờ vậy mới có thể đăng lên ở đây.  Tác giả và ACE K3 cám ơn HT )


Hà nội, mùa thu 2011

Tản Mạn 2011

Tôi thì không hay viết vì rằng là tôi biết thì hơi quá nhiều mà hiểu thì chẳng bao nhiêu. Tôi vẫn còn nhớ một lần lên lớp, thầy Chi Phan (lúc ấy chúng tôi đang học lớp 8) dạy rằng: "Khi viết văn, các em "tha" cho thầy mấy từ "rằng – thì - là - mà" để nói rõ được ý." Có lẽ từ lúc ấy, tôi mới nhập được vào hồn thơ (bây giờ người ta vẫn gọi thế!). Chả thế mà tôi vẫn cứ viết rằng:



Thế là em…Thế là tôi
Thế là còn được "no xôi chán chè"
Thế là Đông cũng sang Hè
Tiếng Quyên gọi Lựu đỏ hoe góc vườn
Thế là qua cuộc đoạn trường
Rằng dâu còn lá còn vương tơ lòng
Biết còn có lúc còn không
Đắng cay thì "vưỡn" còn trông ngọt bùi
Thế là…em, thế là…Tôi

Tôi xin nói thêm về cụm từ "no xôi chán chè" dùng ở đây là được hiểu theo ý câu ca dao:

Nếu mà không sống thì thôi
Sống thì có lúc no xôi chán chè

Câu chuyện có vẻ quá riêng tư, đọc thấy buồn, thấy chán. Tôi cũng thấy vậy, cho nên rằng thì là mà tôi không hay viết vì thế.
Chuyện kể rằng khi chúng tôi 20, tôi đọc được câu thơ của thằng bạn:

…Có những đêm trăng sáng
Và những chiều nắng vàng
Tiếng chim ca ríu rít
Hay màn sương mênh mang

Bỗng dậy lòng xao xuyến
Ôi đẹp thay cuộc đời!
Và nhớ sao đôi mắt
Em ta nơi xa vời…

Thơ thằng này nhiều "và" quá! Nhưng cái quá không ở chữ "và" mà là hồn ở tuổi 20 của nó đẹp quá! Tôi thì vẫn hay mê cái đẹp, từ ngày ấy tôi đã yêu thơ nó rồi. Đây là giọng thơ trữ tình lãng mạn cách mạng của nhà thơ Hen rích Hai nơ được nhập vào hồn tuổi trẻ chúng tôi từ ngày ấy. Chả thế mà sau đó tôi nổi hứng "nhạc sĩ" viết luôn một ca khúc lấy tựa đề "Quãng 8 của tình ca" với hợp âm chủ ở cung mi thứ. Vì tính tôi không hay viết, bản thảo ngày ấy đã phôi phai theo thời gian mất rồi, chắc là chỉ còn dư âm trong lòng những người bạn được nghe tôi xướng âm cách đây khoảng 40 năm trước mà thôi. Qua rồi, qua lâu lắm rồi một thời trai trẻ. Không biết có phải như thằng bạn nhà thơ của tôi đã viết hay không:

…Thế đấy! Cuộc đời khắc nghiệt
Biết bao điều phải trả giá thời gian…

Không biết những năm tháng chiến tranh buộc chúng tôi vào cuộc có làm phai tàn chất lãng mạn, hồn trữ tình lai láng trong những tài hoa tuyệt vời của các bạn tôi hay không. Tôi chỉ đau đáu một điều rằng là chúng tôi mất mát quá nhiều, cả trong chiến tranh giữ nước và trong cuộc chiến quyền lực thời giáp ranh giữa 2 thiên niên kỷ ta vinh hạnh trải qua. Chỉ trong vòng chục năm, tôi mất hai thằng bạn nhà thơ mà tôi yêu quí nhất. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi như cụ Tam nguyên Yên đổ khi khóc cụ Dương Khuê:

…Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải không tiền không mua
Câu thơ những đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa…

Bọn tôi không viết kiểu thơ phong trào mà chắt lọc từ hồn của bạn bè, anh linh của các bậc tiền nhân và được rọi sáng bằng vầng hào quang của thế hệ. Đớn đau có, vinh quang có và đắng cay cũng đầy ắp dẫu nước mắt đã khô cạn từ lâu lắm rồi. Vậy mà khi mất chúng nó, tôi mất phương hướng, trượt dài theo phong cách cũ của cụ Lý Bạch: ôm vò rượu ngắm trăng đáy nước làm thơ. Hạnh phúc biết bao khi còn bạn thơ tri âm, tri kỷ.
Hồi ấy, khoảng cuối năm 2000, được lời mời, bạn bè chúng tôi chia làm mấy cánh đến Huế dự đám cưới con gái lớn của C.N. Ngoài Hà nội vào có cánh của Phi Hùng, Thanh Sơn, Chiến Thắng… đi xe riêng vào; Hoàng Sơn đi tàu hỏa vì cái bệnh già "toa lét" liên miên còn tôi đi xe đò đêm vào cho kịp hôm sau đám cưới. Trong Đà nẵng thì vợ chồng Thanh Hải tha lôi nhau ra, trong Quảng ngãi thì bố con Quốc Tấn cũng dắt díu nhau ra Huế… Phải nói là hiếm có đám cưới nhà bạn bè nào vinh hạnh được đón nhiều khách vượt vạn lý dến dự đến như vậy. Cũng phải thôi, bạn bè đều thông cảm với C.N một mình lăn lộn với khổ nhọc sinh kế nơi xứ quê sơn không cùng mà thủy cũng không tận ấy qua bao tháng năm thăng trầm, bây giờ mới có được ngày vui khởi nguồn cho mai sau. Mấy thằng bạn già không mừng cho nhau (may mà còn sống sót!) thì còn làm gì nữa. Thế là cả bọn hăm hở lên đường theo đúng tư chất lính Trỗi. Năm giờ sáng tôi vào đến Huế, sau mươi phút xe ôm tìm đến nhà C.N gần đền Nam giao (thành phố Huế bé mà!), cả nhà còn chưa ngủ dậy. Tay bắt mặt mừng tíu tít vừa tàn đôi tuần trà, đang định rủ nhau đi ăn sáng thì Hoàng Sơn vừa kịp đến nhập cuộc rượu vui luôn. Vợ con C.N khéo tay hay làm mời món mì Quảng nhà làm ngon không chê vào đâu được. Tôi lại đang xúc động dở chứng làm thơ nên chỉ nhắm được chừng ba đũa để chiêu đôi xị đế và sắp xếp lại các tứ thơ cứ chực tràn ra. Cũng may là bữa sáng vừa xong, mọi người dùng trà còn tôi giữ be rượu đế, vẫy tay gọi bé Châu (cô dâu đấy!): "Con vô nhà lấy giấy bút rồi ra đây chú đọc con chép bài thơ chú tặng bố con làm quà cưới cho con nhé!" Con bé ngoan ngoãn chạy đi ngay. Tôi quay sang C.N và Hoàng Sơn nói: "Tao chẳng có quà gì, thôi thì tặng mày bài thơ vừa ứng tác làm quà cưới cháu vậy." Chắc tôi là thằng ẩu vào hạng nhất nhì thiên hạ mới oái oăm như thế! Vừa lúc bé Châu mang giấy bút ra, tôi làm bộ xắn tay trải giấy cầm bút huơ huơ như bộ tịch các cụ đồ nho vẫn làm khi tặng thơ rồi nói với bé Châu: "Chữ chú như gà bới không ai đọc được đâu, con làm “thầy ký“ nhé!" Và bài thơ như thế này:

Quà tặng bạn

Ta vào chơi xứ Huế
Mừng bạn cũ gả con
Lấy Ngự bình làm thế
Viết tặng câu vuông tròn.

Thời tuổi trẻ lòng son
Xả thân đi giữ nước
Vẫn cháy lòng ao ước
Về một ngày hôm nay.

Chén rượu mừng thoáng say
Bạn bè vui gặp mặt
Mắt rưng rưng trong mắt
Lời ngổn ngang trong lời …

Long đong suốt một đời
Bao hy sinh, vất vả
Vẫn trần thân, đội đá …
Để một ngày mừng vui.

Gương mặt bạn rạng ngời
Rớm dài đôi dòng lệ
Như sông Hương xứ Huế
Đưa nguồn về biển Đông.

(Tặng Cảnh Nghĩa – Mùa Đông 2000.)

Thể loại thơ ứng tác này không có được bề thế hoành tráng kiểu trường ca như Phù sa mặn của thi sĩ Xuân Lăng hoặc Tiễn bạncủa thi sĩ Tuấn Linh; độ sâu sắc không trác việt ý tại ngôn ngoại của Đường thi; ý của tứ mở thì đủ cả chiều sâu cùng bề rộng còn ý của tứ kết lại hẹp, các tứ thực và luận chưa điều hòa cân xứng… Tuy vậy, tôi còn kịp giải thích cho mọi người ý nghĩa của đại từ nhân xưng ở câu mở đầu, tại sao lại lấy Ngự bình làm thế, ý nghĩa của cụm từ vuông – tròn được dùng ở đây, ngoài ra còn phải đủ cả sông Hương – núi Ngự…mới thực là Huế chứ! Cũng biết thơ ứng tác quả là chưa đủ tầm với sự kiện nhưng biết làm sao được, chắc vợ chồng C.N cũng đánh cho hai chữ đại xá mà vui. Vừa khi đến giờ sắp xếp, trang trí nhà cửa cho đám cưới. Bọn tôi vụng về chẳng giúp được gì đành rủ nhau đi thăm thành phố Huế và chờ đến 5 giờ chiều dự đám tuyên hôn bên phía Đại nội gần chợ Đông ba. Đám tuyên hôn thật là long trọng, hoành tráng…mà đáng vinh hạnh nhất lại là có các gương mặt anh hào quân Trỗi ta (hay chắc đấy chỉ là cảm nhận của riêng cá nhân tôi?). Dẫu sao thì mọi việc cũng đã rất tốt đẹp, trên cả tuyệt vời. Năm bảy năm sau, một lần gặp lại C.N, tôi trong bộ dạng rầu rầu hỏi nó:  "Hôm ấy mày bề bộn công việc liệu mày có còn nhớ bài thơ tao tặng mày hôm cưới con bé Châu không?" Nó trả lời tỉnh queo: "Tao quên mất rồi mà bản chép tay cũng không biết mất đi đâu nữa!" Nghe xong câu ấy, bộ dạng tôi đã rầu rầu thì lại càng méo mó đến khó coi hơn (có thể nó không để ý vì bình thường bộ dạng tôi cũng đã khó coi rồi!). Đành tự nhủ lòng: Vậy là không xuôi chèo mát mái rồi đây! Vừa rồi nó có ra Hà nội họp khóa, tôi cũng hỏi lại câu hỏi đó, nó bảo có nhớ và còn cả bản chép tay…tôi ngạc nhiên vì nó có nhớ được chữ nào của bài thơ đâu, song lại tự an ủi: thôi thì cái sự nhớ nó cũng ngẫu hứng như cái mớ dây thần kinh không khi nào ổn định của con người ta vậy mà, chi bằng cứ chép ra giấy trắng mực đen để xóa đi cái tính hoài nghi nhỏ nhen của mình lại chẳng tốt lắm ru! Âu thế cũng là có dịp để trả nốt chút nợ tình mà lâu nay còn canh cánh bên lòng. Và thế là Gươm vàng võ phục trang bị đến tận răng, tôi cắm phím mở máy viết những dòng này chỉ cốt tìm vui trong chừng nửa trống canh cho tiêu sầu nhớ bạn. Không biết ở những nơi xa vắng có ai đồng cảm được với cái chứng dở hơi ủy mị nhà thơ nửa mùa của tôi không! Giá mà có thì tôi cũng được an ủi cái phần hồn nghèo nàn này đôi chút rồi!

Thật là hạnh phúc khi còn có được những người bạn thơ tri túc, tri âm, tri kỷ...trong cuộc trăm năm ngắn ngủi này. Có lần nói chuyện qua điện thoại với Tuấn Linh về blog Trang Thơ trên mạng, tôi thật sự xúc động về ý nghĩa và qui mô của nó. Đâu phải đã phai phôi mòn mỏi hết những hồn thơ thấm đẫm tình người, ý tứ sâu sắc và đầy tài hoa trong hàng ngũ anh em mình ở thời kinh tế thị trường này. Nhưng quả thật là: hạnh phúc phải phấn đấu nhiều song chẳng bao giờ với tới được như câu thơ của thi sĩ Trung Việt, bạn tôi, mà tôi ghi lại đây để thay cho lời kết:

… Hạnh phúc như mùa xuân chín ngọt trên cành
Còn khổ đau như biển xanh muôn đời sóng vỗ
Có qua những phút giây mhư con thuyền
giữa mênh mông bão tố
Mới hiểu sâu xa hương vị ngọt ngào của Mùa xuân.

Hoàng Giang kính bút !

8 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Đọc xong bài thơ này của anh Hoàng Giang, thẫn thờ cả người. Sao lại có hai người trong một thân xác.
Giá mà anh suốt ngày viết thơ. Chứ ngồi cạnh anh, nghe anh nói, nghe anh cãi với GM, nghe anh... hát, xin lỗi, chỉ muốn... ngất!

Tualinh nói...

HT cảm nhận thật tinh tế,chân tình. Tôi cũng thấy vậy.
Có lẽ khi 'hồn vía' dồn nén vào hết vào con người thứ hai-'con người bên trong',thì 'con người bên ngoài' lại thể hiện bộc phát những gì tưởng như 'trái ngược' để 'cân bằng' lại chăng?
Con người 'nội tâm' mới là con người đích thực của HG-có lẽ vậy.

HữuThành.Nguyễn nói...

Những tâm hồn mong manh dễ bị tổn thương, và phản ứng của nó làm cho người đời cảm thấy lạ lùng, đôi khi khó chấp nhận.
Bùi Giáng là một điển hình như thế chăng?

hadongtran nói...

Hôm ở Thung nai về , có 1 trận khẩu chiến ác liệt giữa HG & giáo sư Lữ Thái .
Số là sau cuộc chiến Vùng Vịnh , bên PKKQ ( và cấp trên nữa nữa ) có ra đề bài bắn đêm . Phái HG( khi đó công tác ở phòng cao xạ ) thiên về hệ thống 37 li còn phái kia - có LThái - thiên về hệ 57. Chưa nói chuyện đúng sai ở đây , phái HG " dẻo miệng " hơn nên đc anh Sáu Nam - đương kim Bộ trưởng - ủng hộ , cho 1 triêu USD ( thời giá đầu 90s , to lắm lắm ) và 1 chuyến đi Pháp nghiên cứu ( mà thành viên số 1 (?) phải có là HG )
Không dám bình luận nhiều , tôi chỉ nghĩ rằng nếu anh Sáu mà " mục sở thị " thằng bạn tôi " uốn diệu " nhỉ - thì chắc 100% cái phương án 37 ấy đi xi-ma-teo !!!!

HữuThành.Nguyễn nói...

Về làm dân hết rùi mà các bác vẫn tiếp rượu tranh cãi xem phương án nào bảo vệ tổ quốc được vững chắc hơn? Quá quý tinh thần CCB :-)

Nặc danh nói...

Họa thơ Hoàng Giang

Thế là nó, thế là tôi.
Đến già vẫn cứ no xôi chán chè
Mặc đời, cười nói phe phe
Vung tay, nhấc đít, mấy be rượu đầy.

Dẫu rằng còn lắm rủi may
Rượu vào là hết, ai hay sự đời.
Ta đây, chí lớn ngất trời
Đắng cay thì "vưỡn", ngọt bùi.. càng chơi.
Thế là ...em, thế là... Tôi!
Sống thì có lúc NO XÔI CHÁN CHÈ
Mặc đời, cười nói phe phe phe, phe phe phe.

BẢY TÀNG rất vinh dự được làm quen và họa thơ với thi nhân Hoàng Giang.

Tualinh nói...

@Bảy Tàng : Hoạ hay! Thế là hiểu 'thần thái' nhau rồi! HG thêm một 'bạn thơ' nhé.
Bấy lâu nay vì ''Câu thơ những đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa…'

mà 'nương' theo Lý Bạch ôm be giải sầu, nay dần dần 'thấy' thêm bạn, thì HG có nên 'điều tiết' be ko a?

VNQ nói...

Có bao giờ thấy "thi sĩ" HG vào đây để mà đọc thơ họa đâu chứ?
Tôi thì biết HG trước khi biết HG làm thơ, nên đã có một ấn tượng hơi "tốt" và khi đọc thơ của HG, không nghĩ là có đến "2 HG in 1" như vậy.