Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Lúa tháng năm.


Lúa tháng năm, kén tằm vàng óng …
                                       “Khi ta ở, chỉ là đất ở
                                  Khi ta đi, đất bổng hoá tâm hồn”
                                                        (Thơ của ….)           

                                Kính tặng bà con cô bác
                           Xã An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái
                           Quê hương yêu dấu của tôi.
“…Hạt khô giòn, đem đóng thuế nông …” Đó là một sáng tác của nhạc sỹ Lê Lôi. Tôi rất yêu, rất thích “Bức họa đồng quê” của ông. Đến giờ này, nghe hoài vẫn không thấy chán. Ông dùng thủ thuật đảo phách (…Hạt khô giòn; chữ giòn đáng lý phải ở phách mạnh, nhưng tác giả lại cho “giòn” nằm ở phách nhẹ …) khiến tác phẩm rất có duyên và sống thật lâu với đời.
“Kĩu cà kĩu kịt qua sông, qua đò …”. Âm thanh này mà đưa được vào bài hát thì quả thật là tài tình. Đặc biệt là câu kết: “Nắng nhiều sớm nở hoa cau, đóng nhanh lúa tốt càng mau thắng thù”. Một câu khẩu hiệu (cổ súy, cổ động cho việc đóng thuế nông nghiệp) mà nghe như dân ca quan họ.
Hồi xưa, khi các phương tiện truyền thôngcủa ta chỉ có đài phát thanh, chứ chưa có truyền hình, mỗi lần được nghe “Đóng nhanh lúa tốt” là mình chăm chú lắm. Nếu ở hơi xa thì phải chạy nhanh về gần đài để nghe cho … sướng, cô ca sỹ giọng trong veo, thánh thót, phát âm chuẩn, rõ ràng, thế thì xinh, duyên là cái chắc. Ước gì được nhìn thấy mặt, thấy hình người hát nhỉ …
Nhạc hay, lời ca hay. Người hát cũng hay, lại xinh nữa (đoán thôi). Nói không mê thì mới lạ, mới có vấn đề (về thẩm mỹ).
Và còn một lý do …đích đáng nữa để mình nghiền thóc, lúa, rơm rạ, kĩu cà kĩu kịt vì là đã từng gồng gánh, từng vai quẩy, từng gặt lúa, đập lúa đến rát cả mặt, cả da thịt những ngày hội mùa, những ngày xuống ruộng cùng bà con, cô bác nơi mình tá túc, cư ngụ, để làn cái việc là góp phần “đóng nhanh lúa tốt, để mau thắng thù”.
Nói nôm na là, mình làm công tác dân vận – Sống cùng dân, mình vui cái vui, sướng, khổ cái sướng, khổ cùng bà con, và một phần nào đó, một phần rất nhỏ thôi (vì còn nhiều nhiệm vụ cũng quan trọng khác nữa) cống hiến cho đồng ruộng, cũng như một lão nông chi điền vậy.
Mùa lúa chín ở cánh đồng An Mỹ - Đại Từ (Nay đổi tên là Mỹ Yên – Đại Từ) tầm khoảng tháng tư, tháng năm. Nắng, nắng lắm. Nắng vàng như càng làm cả cánh đồng vàng rực lên, óng ả. Màu vàng trải dài từ gốc đa Hiệu Bộ vào tới tận chân núi Tam Đảo phía xa xa. Màu vàng óng ả của lúa chín, màu xanh xẫm của núi rừng, tạo ra sự tương phản nhau, càng nổi bật như tôn nhau lên. Một bên yên tĩnh, một bên sống động, cộng với màu sắc hài hoà đã làm nên một bức tranh “đồng quê, núi rừng” tuyệt mỹ.  
Một trận gió nổi lên, cả tấm thảm màu vàng ấy cuồn cuộn như sóng cồn. Phập phồng như một cái chăn có 2, 3 người cùng đắp, trồi lên thụt xuống, nhấp nhô không ngừng.
Đi theo bờ ruộng, mùi lúa chín thơm ngào ngạt, lá lúa cọ vào bàn chân, bắp tay mát rượi, rát rạt. Tụi mình đóng ở nhà dân, 3 đến 4 người một nhà (sau này vô doanh trại, đóng trong rừng để tăng cường bí mật), ngày nào đi học, đi họp, đi ăn đều đi trên những bờ vùng, bờ thửa này. Tha hồ hít hà hương lúa mới, tha hồ phóng tầm mắt tới những nơi xa tít trên ngọn núi Tam Đảo mù sương.
Và rồi các Thiếu sinh quân được lệnh: GẶT LÚA GIÚP DÂN
Thích chứ, vui chứ, ngồ ngộ nữa. Ngồi học hành nhiều cũng chai cái mông lắm. Tay chân ít vận động, nó cũng nhẽo nhẽo thế nào ấy. Da dẻ ít được phơi nắng, nó cũng mai mái như da người bị sốt rét. Vậy thì thay đổi không khí một tý, vừa là vinh quang (lao động là vinh quang), vừa là để cho dân nhớ, dân thương mình hơn (dân vận tốt).
Nói thì dễ để cho bà con cô bác thương mình, nhớ mình thì cũng phải …toàn thân vận động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt chớ bộ.
Bọn mình mới có học lớp 7. Tuổi chừng 13, 14 hoặc 15 là cùng (do học muộn hoặc đúp lớp). Tuổi nhỏ thì không sợ, vì anh em mình, đứa nào cũng chí lớn cả (trừ tụi con gái, không thích thứ này: chí, chấy lớn là … bệnh rồi). Sợ là sợ cái việc lâu nay các “bác” chỉ chuyên “cày đường nhựa”. Đứa nào hầu như cũng ở thành phố cả thì lấy đâu ra cuốc, cày, liềm hái, gồng gánh. Khó là ở chỗ đó. Việc của nhà nông và việc của nhà phố nó khác nhau quá. Không thể hoán đổi cho nhau được.
Vậy thì phải học, cái gì chưa biết thì phải học (học ăn, học nói, học gói, học mở). Thầy Nguyễn Phú, chính trị viên đại đội đã căn dặn: “Các em hãy cố gắng, tuy chưa quen, chưa biết, nhưng ta vừa học, vừa làm”. Đây là cơ hội để quân và dân gần gũi, gắn bó. Cơ hội để các em trưởng thành …
Thế là chúng mình xắn quần đến đầu gối và ùa xuống ruộng. Lưỡi liềm cong cong, răng liềm như răng cưa. Tay trái hơi ngửa ra ngoài, nắm lấy phần gốc, cách mặt đất chừng 5 phân, tay phải cầm chuôi liềm đặt phần răng cưa gần tay nắm vào gốc lúa. Xoẹt một nhát, bông và thân khóm lúa rời khỏi gốc. Phần gốc đó bây giờ có tên là gốc rạ.
Tay trái chưa đầy, còn gom được thì tiếp tục nắm thêm khóm thứ 2, thứ 3 mà xoẹt, xoẹt; Khi nào đầy tay thì đặt xuống ruộng. Cố gắng chọn chỗ nào khô và để thẳng hàng, giúp người gom lại cho dễ. Và cứ thế tiếp tục khom khom di chuyển theo hàng … ôi dễ mà.
Nhưng muốn làm được nhiều, được lâu thì đâu có dễ. Cái lưng mình nó cong cong cả ngày thì mỏi lắm. Thêm nữa, cái liềm nó cùn thì phải 2, 3 nhát “xoẹt” mới đứt được khóm lúa. Được dăm hàng, lại phải đứng lên, vặn bên này, vẹo bên kia, xương sống, xương sườn răng rắc, rôm rốp, nghe như đệ nhất cao thủ võ lâm đang … vận công ấy.
Thấy đám ruộng bên kia khô ráo, ông bạn T nhảy sang định gặt, thì bất ngờ, ông thợ gặt sở tại hét lên: “Này, này, người anh em, bên này có thợ gặt thứ thiệt rồi nhé”. Rồi ông bạn sở tại ngâm nga:
                       “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
                    Tuyệt  nhiên định phận tại thiên thư”
Ông kia biết ý, cười nhoẻn một cái, nhưngảy ngay về thửa ruộng gặt dở ban nãy.
Ông khoái ngâm thơ, hò vè kia sau này được vinh danh là “ Nho chùm, hán rộng” (nghĩa là kiến thức phong phú, biết nhiều chữ Nho, rành nhiều Hán nôm). Không ngờ (bọn mình thì nhiều việc không ngờ lắm) sau này để thuận mồm và để cho đễ gọi, cho trực quan sinh động, anh em gọi hắn là H “nho chùm, háng rộng”, quả thật sinh động và rất … tượng hình.
Tôi đang loay hoay, say sưa với cái liềm, khóm lúa thì bỗng có tiếng thánh thót, khẽ khàng của con gái: “Chú … à, anh bộ đội ơi, chân anh có con đỉa kìa!”. Giọng cô gái trong trẻo, chữ “ơi” hơi kéo dài, người nghe đâm ra xao xuyến lạ … Nhưng khi nghe tới chữ “đỉa” thì tôi giật mình, đứng thẳng lên, quay đầu ra sau, nhìn xuống, thì ra ngay ở khoeo chân có một con đỉa đang “tác nghiệp” thật.
- Úi chu cha, tôi thốt lên. Em à, làm ơn làm phước bắt nó giùm anh với. Anh sợ lắm.
- Ơ, cái bộ đội này, cô gái thảng thốt thật đáng mến. Bộ đội không sợ Tây lại sợ đỉa à? Không đợi tôi trả lời, nàng tiếp: Anh đứng im nhé, để em bắt cho.
Nghe chỉ thị, tôi liền đứng nguyên canh, nguyên cư từ phần thắt lưng trở xuống, chỉ có cái đầu là ngoáy bên này, ngoáy bên kia để xem người ta làm gì. Nàng ngắt một dẻ lúa, ngắt bỏ bông, tỉa lá và kéo khăm che mặt xuống, ghé miệng (miệng đến là xinh) tách thân cây lúa ra làm 2 ở phần gốc, độ chừng 7, 8 phân. Tiến lại phía tôi, người hơi cúi, nàng luồn một đầu cây lúa vừa tách xuống bụng con đỉa. Đầu còn lại dĩ nhiên sẽ nằm trên lưng nó! Chập 2 đầu lại (như cài cái kim băng qua thân con đỉa) nàng kéo mạnh một cái thì ô hô, ai tai, chỉ thấy con đỉa đã bị cắt ra làm 2, máu của nó (thực ra là máu của mình) túa ra.
Hoá ra, thân cây lúa bị tước làm 2 thì cạch của nó cũng sắc như cạch của một cây nứa chẻ vậy. Kéo mạnh một cái, cứa mạnh một cái thì “bố” đỉa cũng phải đứt phựt ấy chứ. Nhưng đầu của nó vẫn bám rịt vào chân và … vẫn “nhậu”. Cứ đà này thì cái đầu con đỉa không bao giờ rụng cả, vì nó có no đâu mà nhả. Bụng không có đáy thì bao giờ đầy được. Và thế là: làm ơn cho trót, em ơi! Sợ nàng coi như đã giúp xong rồi bỏ đi, tôi năn nỉ.
- Anh bộ đội nhấp nước miếng (nước bọt) vào ngón tay rồi dí vào đầu nó ấy.
- Nó nhầy nhầy làm sao ấy, anh không dám. Em giùm anh luôn đi, nhé!
Em nhoẻn cười, mắt đen hạt nhãn lấp lánh dưới ánh nắng vàng, liếc xéo một cái thật nhanh. Và cũng thật nhanh, em quay mặt đi chỗ khác rồi quay lại, dí ngón tay vào đầu con đỉa. Cả người tôi như có luồng điện chạy qua, chỗ con đỉa bám hơi nhột, nó rơi xuống tức thì. Máu ở vết cắn chảy một lúc thì ngừng. Ơn trời.
- Ôi, cảm ơn em nhiều lắm.
- Có gì đâu anh, cái bộ đội chưa quen đấy thôi.
Không còn căng thẳng nữa, lúc này có dịp ngắm kỹ ân nhân của mình. Có lẽ nàng hơn tuổi mình tí chút. Trót gọi em thì cứ gọi chứ sao, gọi chị là tụi con gái nó ghét lắm. Kinh nghiệm của các ông anh lớn tuổi nói thế.
Thân hình nàng mảnh dẻ, mà dùng từ ngữ chuyên môn như ngày nay hay gọi là “mình dây”. Mắt sáng, lông mày hơi xênh xếch, còn da dẻ thì … không thể nói được vì tay, chân người ta đều sử dụng đồ dùng chuyên dụng cho việc đồng áng. Riêng khuôn ngực thì thật là đầy đặn. Các em, các chị vẫn mặc sơ mi đi làm đồng mà, hay vì hôm nay có các chú bộ đội nên họ “phá cách” một chút (xanh, tím, vàng, hoa cà, hoa cải … ) cho nó sáng láng cánh đồng An Mỹ - Đại Từ.
Mà lạ nhé, mỗi thời mỗi khác. Cái đẹp những năm 60 của thế kỷ trước và bây chừ, nó khác lắm. Quan sát nhiều nhiều một tý, mấy cô gái làng, ai cũng nhòn nhọn ở …vòng 1 cả. Nhìn nghiêng, nhìn thẳng đều thế. Hình như càng nhọn thì càng đẹp, càng thể hiện ý chí … tấn công hay sao ấy?
Còn bây giờ, thời buổi này, ở thế kỷ 21, ai người ta lại cực đoan, cường điệu đến độ … nhọn hoắt ấy đâu !! (như đỉnh của một Kim Tự Tháp).
Nhiều cái, khi xưa được cho là không đẹp thì hiện tại là đẹp và ngược lại. Mốt, thời trang, thời thượng … là thế đấy. Cái gì cũng phải đặt vào thời điểm, hoàn cảnh, bối cảnh thì mới công bằng, khách quan các bạn nhỉ?
Chắc anh em mình sẽ cật vấn, làm gì mới 13 tuổi mà lắm chuyện thế “cha nội”. Thì xin được thưa rằng: “Gái thập tam, nam thập lục” nên chỉ nhìn và nhìn vậy thôi, chứ khi ấy thì chả có ý kiến, ý kẹo gì sất. Đến nay thì đã ngoài lục thập thì hồi tưởng, đối chiếu, ghi nhớ và bình vậy thôi. Nhé !
Sau này về doanh trại, ngẫm nghĩ lại, quả không uổng phí công sức giành … chiếc liềm gặt hồi sáng sớm.
Gặt giúp dân thì bao gồm các việc: Gặt lúa này, xếp lúa thành đống, chuyển lúa từ ruộng lên bờ này. Gánh lúa về sân kho Hợp tác xã. Rồi còn đập, còn phơi nữa chứ. Tôi thì thích gặt hơn là nhặt, là gom lúa. Không may, liềm không đủ mỗi người mỗi cái, và thế là … giành nhau. Vì qúa hăng, quá bất cẩn, nên người cầm chuôi liềm, người nắm lưỡi, rồi co co, kéo kéo. Kết quả là chảy máu, đứt tay.
Đỉa cắn chảy máu thì không sao, nhưng máu chảy do lưỡi liềm nó cứa thì eo ôi, khiếp. Tôi là người cầm chuôi liềm, nên một cái kéo mạnh đã gây ra thương tích cho đồng đội.
Mãi đến tận bây giờ, vẫn không nhớ được bạn đó là ai, tên gì. Là ai đi nữa cũng cho xin một lời tạ lỗi. Một lỗi không cố ý của tuổi 13, 14 hăng say và bồng bột …
Còn nói không uổng phí công sức để có liềm và được cô thôn nữ kia để mắt cứu giúp bằng những cử chỉ “trừ gian, diệt ác” cũng chỉ là may mắn thôi. Khi nàng giải quyết chuyện con đỉa cho tôi, nhiều anh bạn lom khom ngó sang và chắc gì trong thâm tâm không mong có một con chi chi đó (con gì cũng được), cắn xé mình một phát, để được các cô thôn nữ cứu rỗi cho, để được các nàng quét một ít nước bọt vào chân, vào tay cho nó … mát, cho nó … phê phê …
Đỉa thì nhiều, bộ đội cũng nhiều nhưng không phải ai cũng được thế đâu. Thiên thời địa lợi, nhân hoà. Và cuối cùng, may mắn là số 1. Nhé !
*
**
Đến tầm xế chiều, lúa gặt chất từng đống trên bờ. Dưới ruộng là những gốc rạ xếp thẳng hàng, xâm xấp nước. Vài ngày nữa thôi, là chúng được cày lật lên, được phơi nắng, hút sinh khí đất trời, hút năng lượng từ những tia nắng chói chang vàng óng kia, để rồi ấp ủ cho những vụ màu bội thu sau, sau nữa.
Mấy con cào cào, châu chấu bay loạn xạ, vui vẻ nhảy bổ cả vào mặt các “lão nông” nhí. Ngọc cẩn thận tóm mấy con có cánh mỏng màu xanh lét bỏ vào túi áo ngực, cài khuy lại. Mà hình như không phải cào cào hay châu chấu.
- Con gì đấy Ngọc? Tôi tò mò hỏi.
- Con muỗm, chính xác là con bọ muỗm.
- Để là gì?
- Nướng ăn chơi …
- Thế sao? Có ngon không?
- Thơm nức mũi, ngon trên cả tuiyệt vời. Bắt thêm nữa đi, cành nhiều càng tốt. Tý nữa tao cho mày thưởng thức.
- Sao không bắt cào cào, châu chấu để nướng?
- Cũng được, nhưng không có ngon bằng “em” này, nó béo và bùi lắm.
- Còn con này là gì? Tôi chỉ một con màu nâu xám, to chừng 2, 3 ngón tay chập lại, đang bơi lấp xấp, lại có cái vòi đằng trước.
- À, cà cuống đấy mà, thăng này cay phải biết, cay đến tận … đít ấy. Mày nghe người ta nói chưa: Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, là thế đấy. Ông bạn giảng giải tiếp: Phần sau gần đuôi, nó có một tuyến gọi là tuyến cay, giống bong bóng, trong có chứa tinh dầu. Mấy quán bán bánh cuốn ở Hà Nội hay dùng nó cho vào nước mắm, vừa cay, vừa thơm, chấm bánh cuốn hết ý.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Sau này hỏi ra mới biết, ông bạn Ngọc đã từng đi sơ tán chiến tranh về vùng nông thôn, và được gần cây lúa đống rơm, đụn rạ, được bọn trẻ sở tại nó khai hoá, mở mang cho, nên cũng sành điệu lắm.
Gánh thóc về, gánh thóc về thôi! Ai đó la lớn mà nghe như hát. Cả bọn lại quăng liềm xuống, tìm quang, tìm đòn gánh.
Tôi cố xếp từng bó lúa lên quang cho ngay ngắn và hơi nằng nặng một chút với suy nghĩ, đàn ông, đàn ang nó cũng phải mạnh mẽ một tý và thế là: Kĩu cà kĩu kịt qua sông, qua đò …
Không, thực ra chỉ vài con mương, qua một cái gò cao vừa vừa. Cũng may, ở nhà, tuy là ở phố phường, nhưng cũng nhiều bận được bà “Bô” tin tưởng tuyệt đối giao cho gánh nước ở vòi nước công cộng về đổ vào cái thùng phuy 200 lít để dùng, nên đôi vai mình coi như đã được tập huấn sơ sơ rồi.
Bọn con gái làng thì ngay phía sau. Ngực tụi nó cứ ưỡn ra, nhọn hoắt trông rất tấn công. Mình phải ráng lên, cho đáng mặt Thiếu sinh quân Việt Nam anh hùng chứ !!!
Các em thì ngày nào chả gánh gánh, gồng gồng. Bọn anh năm thì mười họa, nên đi đứng liêu xiêu, lẹo vẹo cũng không có gì lạ. Đừng cười bọn anh, tội nghiệp. Nhé !!
Nhìn chung là anh em mình so vai, rụt cổ. Còn các cô thôn nữ gánh lúa mà như đi chợ, vừa đi vừa thì thọt, cười cười, nói nói nhấm nhẳn. Rúc ra rúc rích như chuột sa bồ thóc.
Gánh ít thì chúng bạn nó cười, gánh nhiều thì vai quẩy thêm đau. Cái khó không bó được cái khôn, nhiều bạn vác thẳng lên vai rồi bươn bả về sân phơi của Hợp tác xã.
Mấy bạn Khắc Linh, Tường “gấu”, Tiến “kẹp”, Châu “lé” và Kim “tút” gánh rất khoẻ. Không biết tụi nó có khả năng hay vì lý do nào khác (có mấy cô em áo tím, áo xanh) – Chu Văn Kim bây giờ ở đâu, đi lại bằng gì? Chứ hồi ấy, thưở hàn vi, ngài chuyển lên … Bắc Kinh bằng xe … bò kéo (nói với Chu Uẩn Chin thì ai mà không biết) .
Thấy Tiến “kẹp” gánh khoẻ, có đứa nghịch, cho thêm 4, 5 lọn lúa vào quang, trông 2 quang lúa đầy có ngọn, Tiến thét lên: “ Thế lày nà thế lào?”. Nghe vậy, bọn con gái làng che miệng khúc khích cười. Anh em mình thì không có cảm xúc gì nhiều vì nghe bạn lày mãi, ló quen rồi …
Ấy vậy Tiến vẫn băng văng đi về ohía trước, vì dáng hơi nhỏ nên quang chùng …quết đất (ngay tối hôm qua, xem thời sự trên VTV1, có ông Cục trưởng cục gì ấy, trả lời phỏng vấn, không ngờ “cha nội” cũng nói “nuôn nuôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, mà ngay trước chữ Cục trưởng còn chua thêm 2 chứ TS nữa cơ đấy, ông ta sáng như trăng rằm mà còn “lỡ nhịp” nữa). Thì tụi mình khi ấy chỉ là con đom đóm thôi. Vậy thì chả có gì phải lăn tăn cả. Tiến nhẩy ?
Phải mất 2 ngày thì coi như việc gặt, gáng đã hòm hòm. Hôm nay không gánh gồng mà tập trung vào đập, phơi. Sân Hợp tác xã rộng mênh mông bát ngát. Đập lúa cũng phải có dụng cụ chuyên dùng. Đó là 2 cái que bằng tre hay gỗ, to và dài cỡ cái dùi trống. Hai đầu dùi được buộc với nhau bằng sợi dây thừng hay lạt ngâm, loại cật tre, dài độ 50 phân.
Cầm 2 tay 2 dùi, đưa đoạn dây áp vào bó lúa, vòng qua bên kia, xoay ngược lại. Bó lúa đã được néo chắc chắn. Chập 2 tay vào dùi, giơ thẳng lên đầu, đập mạnh bó lúa vào cái trụ bằng gỗ hay xi măng cao tầm thắt lưng. Hạt lúa bắn ra xung quanh nghe rào rào, bắn vào mặt, tay chân, quần áo. Chỗ nào hở da hở thịt là chỗ đó xót xa, mẩn đỏ lên.
Hạt thóc có cạch và góc sắc lắm. Nó văng mạnh và cứa vào da thịt một vài chục hạy thì chả là cái đinh gì, nhưng cả ngày đập lúa thì hàng nghìn, hàng vạn hạt thóc nó xỉa xói cho thì cũng phải … kính nể nó một tý. Anh em mình xắn tay áo lên, cho nó oai, cho đúng quân phong quân kỷ. Nhưng để đập lúa thì không nên. Càng kín càng tốt. Nhé !
Ấy là chưa kể, có hạt bay thẳng vào mắt, không kịp phản xạ là … ù té quyền ngay. Đi cấp cứu chứ sao, lơ mơ là nhức con mắt bên phải, đau con mắt bên trái, mù lòa như chơi.
Đập riết rồi quen tay. Có trai có gái nên không khí lao động cũng tưng bừng, cũng náo nhiệt, cũng khoái. Đập cho hạt thóc văng ra khỏi bó lúa gần hết (không hết được, sau này người ta sẽ dùng chân để chà, đạp cho ra bằng hết những hạt thóc quí giá mới thôi) thì việc giải phóng những bó rơm ra khỏi tay, đòi hỏi cũng phải có kỹ năng lắm. Hai tay vừa phóng bó rơm ra đằng trước, vừa banh 2 cái que ra 2 bên. Bó rơm sẽ bay thẳng lên trời, hoặc chỗ nào là tuỳ ý mình nhắm.
Tội nghiệp cho mấy o thôn nữ, gặp mấy chú bộ đội đùa dai, cứ nhắm thẳng vào người, vào nón mà “oanh tạc”. Bó rơm lao thẳng lên trời, không được hoành tráng như một phát tên lửa Ka chiu sa, nên có thể gọi nó là hậu duệ của Ka chiu sa vậy .
Năm, sáu ông Thiếu sinh quân cùng loạt phóng ra 5, 6 bó rơm thì ghê lắm. Đối thủ thế nào cũng bị thương tới … chết. Nhẹ thì bay mũ, bay nón. Nặng thì sưng mắt, sưng mồm.
Các nàng vừa ái, ố, vừa cười ran như nắc nẻ, đúng là:
        “ Bộ đội mà gặp thôn nư (thôn nữ)
     Như cá gặp nước như rồng gặp mây”
Nhưng tụi mình đâu đã được nhập ngũ, chưa đến tuổi. Nhưng cũng là “chồi Bộ đội”, chồi nhọn hoắt ấy chứ. Vì mình là Thiếu sinh, nên các nàng (có vẻ) coi tụi này chả là cái đinh gì, nên cũng phóng rơm rạ vào các anh, các chú như mưa sa, gió táp …
*
* *
Sau 3 ngày làm việc, có vất vả, có vinh quang, có cả ngậm ngùi chia tay với bà con xóm trại, với các o thôn nữ xinh xỉnh xình xinh, với những rổ khoai lang ấm bùi, bát nước chè xanh nghi ngút khói … đoàn Thiếu sinh quân lại về với đời thường: Học và học. Da dẻ sạm nắng, săn chắc, không còn nhão, èo uột. Và thu hoạch được rất nhiều điều.
Không còn sợ đỉa. Biết gặt, biết gánh gồng. Biết giá trị hạt thóc làm ra quí giá nhường nào. Và những tình cảm mơ hồ của tụi con trai, con gái mới lớn.
Những bài học i tờ về kiến thức nhà nông này đã giúp chúng ta thật nhiều trong cuộc sống. Biết con bọ muỗm mà nướng thì rất ngon. Con cà cuống có đặc sản gì bên trong lục phủ ngủ tạng của nó. Và sau này, sang Trung Quốc, chúng ta đã gặt lúa giúp dân nước bạn hiệu quả đến bất ngờ.
Con đỉa sợ gì. Cây lúa mảnh mai có thể cắt đôi cả một con đỉa trâu “khủng” (con này mà được ăn uống đầy đủ, đúng khẩu phần, thì nó to cỡ quả chuối …tiêu đấy).
Mùi lúa thì con gái, mùi lúa chín thì thế nào? Bờ vùng, bờ thửa, thâm canh gối vụ. Họp đầu bờ, giao ban, hội nghị đầu bờ nó ra sao? Từ giờ trở đi, bọn mình sáng mắt, sáng lòng ra nhỉ? Vân vân và  v v…
Chiều nay thôi, đại đội mình sẽ rút quân về. Hữu Lập có vẻ lớn tuổi trong bọn, có vẻ từng trải, tiến về phía các cô thôn nữ:
- Mai bọn mình không làm nữa, không xuống ruộng nữa. Xin chào trước các em nghen.
- Nghe thấy giọng miền Nam, các nàng chăm chú, tò mò. Em mặc áo hoa cà lên tiếng:
- Cái bộ đội sắp về rồi à? Không giúp tụi em nữa á?
Không trả lời thẳng câu hỏi, Lập mạnh dạn dần:
- Thế mấy …bạn có nhớ tụi tôi hôn?
(Đang em, trong giây phút quan trọng anh ta lại chuyển thành bạn và tôi)
- Cám ơn cái bộ đội giúp chúng em nhiều nhiều lắm. Ngừng một lát, lưỡng lự nàng đỏ mặt: Nhưng không nhớ đâu, chỉ …ghét ghét thôi ạ.
- Ái cha cha! Ghét của nào trời trao của đó đấy nghen … Lập cười hì hì, đắc ý lắm (ông này nói khôn thất mồ, thế mà có người bảo hắn ngố thì hơi lạ!).
Em mặc áo màu trứng sáo rổn rảng:
- Nó muốn làm dâu bộ đội đấy, bộ đội ạ.
- Bộ đội còn nhỏ, chưa được yêu. Mà còn phải oánh nhau nữa (không biết oánh ai?). Bọn em có chờ được không?
Chắc chắn là chờ rồi. Nhưng không phải chờ các anh Thiếu sinh quân mà chờ thầy của họ. Chính có sự chờ đó mà thầy Đại Thành dạy môn Hoá của bọn mình đã an cư lạc nghiệp, xây dựng gia đình, xây dựng cơ sở và có con đàn cháu đống ở An Mỹ, Đại Từ. Quả là duyên phận. Tình trò, duyên thầy, nói vậy có được không nhỉ, có chỗ nào phạm huý không ta??
Tiếng còi tập hợp đơn vị vang lên. Cả bọn nháo nhào chạy về sân phơi thóc. Phía sau lưng còn vang lên tiếng con gái: “ Cá không có nước là cá nó ươn đấy cái bộ đội ơi”. Thì lâu nay – “Quân với dân như cá với nước”, các em nó “chơi” mình đấy. Ghê chưa!
Không anh bạn nào đáp lời. Không trả lời được là vì: Một – hết giờ rồi; Hai – họ cao thủ quá; Ba – đơn vị mình cũng có nữ. Vuốt mặt phải nể mũi chứ, cũng phải kiêng khem chứ. Hình như Nguyễn Chiến Thắng, mau mồm, mau miệng là thế, lại không dám tán tỉnh gì. Hình như vì còn ngại - do đối tác ở ngay trong hàng ngũ … phe ta. Sợ có đứa nào ngứa “mỏ”, méc thì … tiêu rồi “Lượm” ơi.
Về tới đơn vị, ngay tối hôm đó, tập trung sinh hoạt toàn đại đội.
Sau vài phút đọc báo, nghe tình hình chiến sự miền Nam, miền Bắc. Và một vài tiết mục văn nghệ cây nhà lá nhà, tự biên tự diễn, thì thầy Nguyễn Phú - chính trị viên đại đội, tổng kết 3 ngày lao động:
- Các em thân mếm! Cả đại đội ta đã làm việc rất tích cực, không sợ nắng, không sợ khổ. Mặc dù rất nhiều em chưa từng gặt hái, gánh gồng, chưa từng bước chân xuống ruộng, nhưng các em đã làm rạng danh anh bộ đội cụ Hồ.
Ngừng một lát, nhìn tất cả chúng ta. Dưới ánh đèn Măng xông, mặt Thầy cũng xạm đen vì nắng, gió. Đen như mặt ngài Bao công vậy – chúng em đã đen, Thầy quán xuyến tất cả, vừa là chỉ huy, Thầy cũng là thợ gặt ngoại hạng, nên Thầy đen và vất vả hơn chúng em nhiều lắm …
Thầy tiếp tục:
- Các em đã vừa học, vừa làm và làm rất tốt, rất hiệu quả. Các anh, các cô chú trong lãnh đạo Hợp tác xã, bà con xã viên có nhờ tôi chuyển tới các em lời thán phục, lời cảm ơn và những tình cảm của bà con An Mỹ đã giành cho chúng ta, cho Trường ta, cho đại đội ta sẽ là mãi mãi.
- Hoan hô. Cả đơn vị đồng loạt vỗ tay rào rào. Mấy chú chó đơn vị nuôi nghe ồn ào cũng góp phần sủa nhặng xị. Lũ trẻ ở gần doanh trại cũng bồng bế, tồng ngồng ra xem bộ đội sinh hoạt.
Chờ cho tiếng vỗ tay ngớt xuống, Thấy tiếp:
- Chúng ta hôm nay đen thêm một tý, đôi vai có đau và rộp một chút, ngứa ngáy nhiều vì lúa thóc, rơm rạ nhưng Thầy tin tưởng chắc chắn rằng các em đã trưởng thành.
- Trưởng thành, trưởng thành!
Ai đó nghịch ngợm hét lên vừa đủ nghe. Vì ở cuối hàng nên không sợ thấy mặt, và tự do phát biểu một chút, chắc cũng chẳng sao.
- Thay mặt ban chỉ huy đại đội tôi xin biểu dương những cá nhân và tập thể sau đây đã có nhiều cố gắng trong lao động, sản xuất, trong dân vận. Ngừng một lát, lấy trong xà cột một quyển sổ, ghé tới sát ngọn đèn: Biểu dương các đồng chí Trung đội trưởng: Tống Thái Liên, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Tiến Dũng, Trịnh Tường. Biểu dương tất cả các đồng chí Tiểu đội trưởng. Biểu dương Trung đội 4 Quyết Thắng (Trung đội Việt Hùng).
Thầy biểu dương các em học sinh nữ, dù yếu, chưa quen nhưng với tinh thần “Nhà nông là chiến sỹ”, các em đã làm rất tốt, không có em nào bỏ cuộc (Thầy quên lúc thì em, lúc thì các đồng chí …).
- Hoan hô, mới đầu lẻ tẻ, sau đồng loạt tiếng vỗ tay rào rào.
- Thầy xin tiếp tục biểu dương các cá nhân có tên sau đây: Em Khắc Linh, em Nguyễn Minh Tiến, em Phạm Thế Châu … riêng em Trần Hà Đông, tuy vóc dáng nhỏ nhưng chí không nhỏ, đẫ mạnh dạn vác những bó lúa rất lớn.
- Biết ngay mà. Ông này đâu có nhỏ.
- Trong người nó, nhiều thứ cũng không nhỏ đâu nhé.
- Nếu không, thì hà cớ gì anh em mình xếp nó trên cả học trò, trên cả ma …
Ngồi trong hàng, mỗi người chêm một câu, thế là cả một nhóm cười lên như nắc nẻ, khiến Thầy phải ra hiệu, không khí ồn ào mới tạm lắng xuống.
- Cuối cùng Thầy xin thông báo với các em một tin nóng hổi.
- Máy bay rơi phải không Thầy? ai đó nói với lên.
- Bọn em được về phép hả Thầy?
- Các em trật tự!
Thầy chờ đám đông ngớt ồn, tiếp:
- Căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào khả năng tự tăng gia sản xuất, căn cứ vào yêu cầu an toàn tuyệt đối cho các em học sinh, Ban chỉ huy đại đội quyết định, ngày mai toàn đơn vị sẽ tổ chức ăn tươi toàn … thịt chó.
- Sướng quá ta!
- Hoan hô!
- Sáng mai, đại đội sẽ thành lập tổ thu gom tất cả chó của cá nhân và tập thể nuôi, giao nộp cho nhà bếp. Thầy mong các em tự giác chấp hành chủ trương này.
- Thưa thầy, em xin có ý kiến. Châu ‘lé” nói to lên với Thầy.
Thầy Phú ôn tồn:
- Em Châu có thắc mắc gì thì nói đi!
- Em đồng ý không nên nuôi nhiều chó, nhưng xin phép Đại đội cho mỗi tiểu đội được nuôi một con để tối tối tụi em còn dắt nó theo để đi gác, đi tuần cho nó an toàn, cho nó hiệu quả ạ. Có cho đi theo, mình như được thêm mắt, thêm tai ấy ạ. Em xin hết ý kiến.
- Đúng đấy ạ. Nhiều ý kiến khác nhao nhao theo.
Chờ cho Châu ngồi xuống và đám đông bớt nhốn nháo, Thầy mỉm cười và đỉnh đạc, tiếp:
- Các thầy trong ban chỉ huy cũng biết tâm tư của các em và đã bàn bạc rất kỹ về vấn đề này. Nhưng đây là chủ trương, là quyết định, là mệnh lệnh của Ban giám hiệu Nhà trường. Nên nhiệm vụ của Thầy, trò ta là phải chấp hành nghiêm, với bất cứ giá nào và không có ngoại lệ …
- Quân lệnh như sơn! Ông bạn “nho chùm” nói vống lên.
- Nhất trí!
- Đồng ý! Các bạn tranh thủ biểu lộ chính kiến của mình.
Có tiếng sụt sịt chỗ này, thút thít chỗ kia. À, thì ra các bạn nữ … khóc. Nhỏ thôi, nhưng cũng đủ nghe. Tụi nó thương mấy con cún lắm, tình cảm lắm. Thế mà bây giờ lại phải giao nộp hết cho nhà bếp, không được chừa lại con nào.
Gái thì khóc, trai thì hoan hỷ vì sắp được …chén chú, chén anh. Bọn con gái sau này nó kháo nhau: Muốn chinh phục được các chàng, thì trước hết phải chinh phục được cái dạ dày của các chàng đã. Mà cái dạ dày nó lại chi phối các khát vọng, đam mê và ham hố. No cơm ấm cật, người giật đùng đùng ấy chứ.
Nói vậy thôi, ai chả buồn, nhưng lệnh trên đã ban ra, đố ai dám không thi hành.
Chiếc đèn Măng xông treo trên cao chiếu ánh sáng mờ dần. Thầy Bạch Quốc Bính - Đại đội trưởng với tay lên lấy đèn để xuống đất. Thầy đẩy cái cần bơm ở chân đèn mươi nhát, ánh sáng trắng xoá của đèn lại toả ra rực rỡ. Mặt mũi anh nào anh nấy sáng hẳn ra, rạng rỡ, không biết vì ánh sáng của đèn hay vì sắp được chén đẫy mà chúng nó tươi roi rói, tươi nhưng vẫn đen xạm – đen mà đẹp lắm, các bạn ạ.
Có cơ hội thể hiện mối thâm tình, vừa là trách nhiệm của bậc Nam tử Hà (thành) đại trượng phu, Văn Toàn quay sang nói với Tưởng Hoài Nam đứng gần chót hàng quân:
- Cậu đừng có mà nhè nữa. Mai, tớ kiếm cho con sóc rừng đem về mà nuôi, đuôi nó dài lắm. Nó không khôn được như chó nhưng cũng tình cảm, lại đẹp nữa. Nhé!
- Ừ, được rồi không khóc. Nam đưa mu bàn tay lên quệt chút nước mắt còn sót lại. Nhưng cậu hứa rồi đấy nhé. Mấy hôm nữa mà không có sóc - Hoài Nam nhìn Văn Toàn với vẻ mặt nghiêm khắc – là tụi tớ bắt Toàn về nhốt vào lồng để …chơi đấy. Buồn ráng chịu, nhé!
Sự vụ đó không biết có đi đến đâu? Văn toàn có bị tụi con gái bắt nhốt vào lồng để ngắm chơi hay không? Nhưng Toàn từ đó mang tên Toàn “sóc”? Và một vài cái tên khoa học khác (do quần chúng nhân dân - học sinh khoá 3 đặt cho) cũng rất hồn nhiên, như cỏ cây hoa lá vậy.
Tai tôi đã nghe, mắt tôi đã thấy. Các bạn đừng cật vấn nhiều, để tuổi thơ của chúng mình mãi mãi sáng lấp lánh như một viên pha lê tinh khiết, lóng lánh trong lòng mỗi người, trong lòng bạn bè …
Trưa hôm sau, có dịp ngang qua bếp, thấy lỏng chỏng dưới đất, nằm san sát nhau, toàn những chó là chó.
Lớn thì bùi, bé thì mềm, tất cả đều đã được cạo lông, thui rơm đâu vào đấy, chỉ chờ lên bàn mổ là coi như …xong. (Theo sở thích cá nhân, cả đại đội mình, anh em nuôi rất nhiều chó, đủ chủng loại, đủ kích cỡ. Vì sợ bệnh dại nguy hiểm đến tính mạng các em học sinh, nên Nhà trường quyết định cấm các đơn vị được không được nuôi chó, dưới mọi hình thức …).
Chưa bao giờ tôi ăn thịt chó, và chắc chắn nhiều bạn khác cũng cùng “hoàn cảnh” với mình. Thì đây là cơ hội để mọi người học ăn. Của không ngon, đông con ăn cũng hết. Đằng này thịt chó rựa mận, cầy tơ 3, 4 món gì đó thì loáng cái đã … sạch sẽ. Sau mấy ngày vất vả, hôm nay được “đánh một trận sạch không cẩu, vện (bữa ăn thứ nhất) - Đánh trận 2 (bữa ăn thứ 2) tan tác “cờ tây”. Đúng là tức bụng, mỏi cái răng cũng quả là xứng đáng.
Nhiều anh bạn còn muốn tiếp tục được học ăn … hoài hoài …và đi đến kết luận: Thịt chó là ngon nhì trên đời. Còn ngon nhất là thịt …Đường Tam Tạng?
*
* *
Gần như tất tần tật những điều mà tôi vừa con cà con kê trên đây, chính là câu chuyện hàn huyên với anh bạn H, khi 2 người gặp nhau tại một quán phở ở phố Bò (điểm tập kết của Trung đoàn bộ Trung đoàn 212, thuộc Sư đoàn Phòng không Hà Nội 361, nằm ngay trên quốc lộ 5, con đường huyết mạch giữa Hà Nội với Hải phòng và nhiều tỉnh lỵ thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc). Phố Bò cách Gia Lâm chừng 3 Km, qua cầu chui - Một vùng ngoại ô của Gia Lâm những năm 1974 – 1975.
Phở phố Bò (một bên đường là quán xá lèo tèo, bên kia là đường tàu hoả, sao gọi là phố nhỉ) ngon tuyệt - Nước dùng ngọt, bánh phở không nhão, thịt bò tươi, mềm, thái mỏng, nhiều, kết hợp lại với ít ớt, tỏi, dấm làm nên một tô phở …không bình thường tý nào! Đã thế, phải có tý cay cay chứ - Chai Quốc lủi trong vắt, nút chai bằng lá chuối khô, lắc nhẹ cổ chai một cái, tăm sủi lên, nhìn mà thấy …ghét. Đồ ăn ngon, đồ uống ngon, chỗ ngồi ngon, thằng bạn ngồi ăn với mình cũng … ngon. Thế thì …
Hai thằng làm vài ly cho nó … oai, ai ngờ, ngứa răng, ngứa miệng toàn lôi chuyện xưa ra để “nhậu”.
Biết H sắp vô Nam chiến đấu, tôi cũng bùi ngùi. Chúc hắn thượng lộ bình an. Chân cứng đá mềm. Hẹn ngày tái ngộ.
Đá chưa mềm mà môi hắn đã mềm oặt rồi. Làm một hơi cạn chén Tống Quốc lủi, H khề khà:
                          “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
                           Giục ẩm tỳ bà mã thương thôi
                          Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
                          Cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi”
                                                                      (Thơ Trung Quốc)
Tới chữ “khứ nhân hồi”, giọng H như lạc hẳn đi.
- Không ngoa chút nào, cậu đúng là “Nho chùm, Hán rộng”.
- Nho chùm thôi! Hai quả trên là nho chùm rồi. Không biết đi Nam lần này, khi trở ra, có còn được gọi là chùm không nhỉ?
- Chùm quá đi ấy chứ, ít nhất là trong mắt bạn bè.
- Còn Hán thì đâu có rộng, cũng thường thường bậc trung thôi à, đủ để chào xã giao. Còn nói theo nghĩa đen í à, thì tớ nhảy qua … nhảy qua hào giao thông không cần … lấy đà đâu nhé Bọ.
Thấy ông bạn có chiều hướng “lên mây”, chỉ sợ không “khứ nhân hồi” được, tôi trả chai rượu gần cạn tới đáy cho bà chủ quán và lôi ông bạn ra quán chè chén cạch đấy, đàm đạo tiếp để giã bớt hơi men. Chừng hơn tiếng sau, nhờ chè Bắc Thái và kẹo dồi lạc, H tỉnh hẳn ra.
Xế chiều, lôi con “trâu sắt” mới trung tu ra, tôi đèo bạn lên Thị Trấn Châu Quì, cách phố Bò chừng dăm cây số. Ở đó có điểm dừng đón xe ca về Hà Nội.
*
**
Bản thảo chưa kịp nhờ anh bạn Post lên mạng, thì ông nhỏ nhà tôi, năm nay học lớp 12, lôi ra “duyệt”.
- Chuyện của ông Ba xưa rích, xưa rác. Có mỗi chỗ “nhòn nhọn” là mới thôi à.
- Thì cũng phải có cũ, có mới chứ (nghĩ bụng: Mà chỗ nhòn nhọn là chỗ nào ta? À, phải rồi tưởng gì - chỗ đó không có gì nghiêm trọng lắm, nó trót xem cũng được, có lẽ không có gì ảnh hưởng xấu đến tư tưởng … văn hoá cả). Cụ khốt mày bây chừ già rồi, mà người già hay lục lọi chuyện xưa, chuyện xó xỉnh, gầm tủ, gầm … giường. Như tìm trong đồ cũ, có cái gì hay hay, có cái gì còn dùng được. Ông Ba mày chỉ thích nhâm nhi mấy cái ly cà phê …hoài văn cổ thôi.
Thấy ông nhỏ nghêng mặt lên, có vẻ như đang được thụ giáo, tôi “phang” tiếp:
- Chú mày có mấy ông Ba, hay vô nhà hàng đặc sản không? Ít, rất ít. Ông Ba bây giờ khoái canh cua rau đay ăn với cà pháo chấm mắm tôm. Mắm tôm phải đánh cho sủi bọt. Cua phải là cua đồng. Cà pháo trắng, giòn, không mặn. Cắn nghe cái “bốp”, hạt cà văng xéo vào mặt … bố vợ thì mới được gọi là … tuyệt đỉnh công phu đấy con yêu quý ạ. (Để hạt cà văng vào mặt bố vợ thì mình không dám nói ra, sợ ông nhỏ nhập tâm, sau này có dịp vận dụng vào cuộc sống thì …toi. Bố vợ và con rể ghét nhau, choảng nhau, nguyên nhân sâu xa là do bố đẻ bày thì đúng là …không biết dạy con …).
- Cuộc đời còn dài mà, cụ khốt lo gì, từ từ rồi tính.
- Chú mày tưởng bở, sáu mươi năm í à, nó chỉ là cái “chớp mắt” của thiên hạ con ạ.
Nhìn thấy ông con há mồm, mắt chớp chớp, biết là đang vào “cầu”, tôi “chơi” luôn:
- Dải Thiên hà nó nhìn mình, như mình nhìn con phù du ấy. Cái con phù du nó sống ở trên đời này chỉ có vài tiếng đồng hồ, thế mà cũng đủ cả hỉ, nộ, ái, ố đấy nghen.
Nhìn lên thấy cu cậu mặt đâm ra đăm chiêu, mắt chớp chớp nhiều hơn. Tôi tiếp:
- Vậy mới có người khuyên “cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ”. Quanh đi quẩn lại, chú mày Khốt Ta Bít lúc nào không hay ấy chứ.
Sực nhớ ra điều gì, tôi nghiêm giọng:
- À, mà này, đừng có huyên thuyên (mình huyên thuyên thì có, nó từ nãy đến giờ đâu có mở …đài phát thanh), đừng vơ vơ, vẩn vẩn nữa. Ôn học kỳ cho tốt vào, cho tôi nhờ. Còn môn cuối cùng đấy, môn này mà rớt thì coi như toi luôn con à!
Giọng chắc như đinh đóng cây … chuối, ông nhỏ ngồi xuống trình bày:
- Ông cụ Khốt đừng lo. Chuyện nhỏ như con thỏ. Con đã có đối sách, con có cách.
- Thỏ thỏ cái con khỉ khô. Chú mày giống con cà cuống quá.
- Cà cuống là sao hả ba?
- Đúng là cái đồ … vô nông nghiệp. Cà cuống là … là chết đến đít vẫn còn cay. Còn chú mày chết tới đít rồi mà còn lý với chả sự.
Bất ngờ, từ chiếc đài bán dẫn của ông cụ tôi trên lầu vang lên: “Lúa tháng 5, kén tằm vàng óng …” thánh thót. Gai ốc nổi lên, đưa tay đẩy ông con ra, tôi chăm chú lắng nghe từng lời, từng giai điệu quen thuộc.
Mà nghe lúa tháng 5 là lại nhớ về An Mỹ, Đại Từ. Mà nhớ về An Mỹ là nhớ về mái trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Hoặc ngược lại, chỉ cần nhắc tới An Mỹ (nay là Mỹ Yên) là những vế khác của mệnh đề “LÚA THÁNG NĂM – AN MỸ, ĐẠI TỪ - THIẾU SINH QUÂN NGUYỄN VĂN TRỖI” sẽ tự nhiên xâm chiếm tâm trí ta, tình cảm ta và ký ức ta như một cái gì tất yếu, như một chính thể thống nhất hoàn hảo, hoàn mỹ, không thể khác đi được. Phải không các anh, chị, em, các bạn?
Và cuối cùng, gọi là một chút ghi chú thêm. Xin thưa với các bạn rằng linh cảm mình đã không nhầm. Từ khi có truyền hình, tôi đã được mục sở thị dung nhan người ca sỹ chuyên hát bài “Đóng nhanh lúa tốt”. Bây giờ cô ta vẫn đẹp, thế thì cách đây bốn chục năm có lẻ, nàng rực rỡ đến nhường nào!
Không tin, các bạn của tôi cứ thử nghe, thử xem và cảm nhận. Nhé!
                 Hướng tới kỷ niệm 50 năm
                  Ngày thành lập trường
                 Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi
                        15/10/1965 – 15/10/2015
                                   
                       Nha Trang, ngày giải phóng
                                  Lê Xuân Lý
                        Học sinh khoá 3

6 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Lăn chuột mỏi hết cả ngón tay, mà vẫn chưa đọc xong :-)

HữuThành.Nguyễn nói...

Phập phồng như một cái chăn có 2, 3 người cùng đắp, trồi lên thụt xuống, nhấp nhô không ngừng.
Nhạy cảm, kiểm duyệt, ơi kiểm duyệt :-)

chí nhân nói...

dọc bài viết bác Xuân Lý sinh động đáo để , hồi lớp 6 ,Chí nhân cũng thích bài hát đó , nghe các anh sôlô ghita thùng ko chán.sau này nghe các ông nông tri điền nói câu tục ngữ :được mùa cau đau mùa lúa. nên hơi nghi ngờ cái hình ảnh nở hoa cau của bác Le Loi.

chí nhân nói...

nói chuyện đập lúa,nhớ thấy Phú kể ,thầy ở mặt trận về phục viên,có anh hàng xóm thương binh cụt tay , thế là thầy đập lúa cho anh ấy 5 năm liền không lấy tiền công.đúng là ngừơi Thầy với chữ viết hoa

TC nói...

Lý nhím có kí ức rất "dân sự", có lẽ ít ae giữ lại những thứ thế này. Thực là mình chả nhớ gì

Đoạn "nước" bắt con đỉa bám vào "cá" từ 13-14 năm đáng kể nhất lại ko nói

Nặc danh nói...

Lý nhím qua 2 bài công nhận là 1 trồi non tuy hơi muộn chút xíu.