(Bài
này “thấy bảo” sẽ được đăng, nhưng
chắc sẽ cắt xẻo. Tôi đưa lên hưởng ứng đề tài HN của anh T. L. qua
thơ Phan Vũ)
Thành phố như một sinh thể phừng
phừng, quá đa dạng, nên ấn tượng trong mỗi tác giả không giống nhau.
Tuy thế, trong trí nhớ của tôi về những trang viết cách nay bẩy tám
chục năm thì ẩm thực là “đầu vị” của nhiều người, và nó lại phản
ánh ngay cái túi tiền của các vị. Một Tô Hoài có vẻ lầm lụi,
thuộc nhiều nết ăn của dân ngoại ô, quà cho Nguyễn Bính có chiếc
bánh giò. Thạch Lam thì không ai tinh nhã, sang trọng bằng, dù trước
ông ít lâu có “me” nọ bắc bậc đến mức “ăn giò nhả bã”. Sau năm 1954,
Nguyễn Tuân để lại phở, món “quà căn bản” và những lần đi uống rượu
tây (đâu là uống “boóng”) ở khách sạn Metropole. Trong Nam , là tuyệt phẩm “Thương nhớ
mười hai” của Vũ Bằng.
Đấy là trí nhớ, một tài sản ngày
càng tồi tệ của con người ta. Nên chi chả nhắc đến nó nữa, mà bắc
sang những trang sách đang có trước mặt, để điểm lại ấn tượng dân văn
nghệ để lại từng thời khắc.
Nguyễn Huy Tưởng tự nhận mình là
“nhà văn thiên về ca ngợi”. Nhưng năm 1956, trong bút ký (?) “Một ngày
chủ nhật”, ông có những mô tả thật ngổn ngang: “Quần áo phần lớn
màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất
nhiều màu sắc. Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi.
Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài
cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt, phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu
trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của
người phụ nữ trẻ kia cũng là màu tươi duy nhất trong đám người đồng
phục trên quãng đường này”… “Nhưng hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm
rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng
củng những quảng cáo vụng về, bầy vô tổ chức, những biển giới
thiệu hình ảnh nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không
mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín và bé
lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù
lù bên lối đi”… “Phố Tràng Tiền. Người chen chúc nhau đi lại. Nhiều
cán bộ và công nhân viên hơn là người dân sản xuất bình thường tràn
ngập các phố xá trong những ngày chủ nhật. Phản ánh cái tình trạng
của một bộ máy quan liêu cồng kềnh chưa khắc phục được”.
Dự cảm đầu “ngày về” của Nguyễn Huy
Tưởng rờn rợn những âu lo. Nguyễn Tuân thì “trực giác” hơn. Đâu như
đang đi bộ, anh thanh niên nọ va vào rồi mở mồm xin lỗi, nhà văn cảm
ơn lại “vì anh biết xin lỗi”. Giai thoại này chả biết chính xác đến
đâu.
Cuộc chiến chống Pháp rồi chống Mỹ
sau đó cuốn người ta đi theo mạch sống khẩn trương, khắc khổ. Khi dòng
chẩy ấy “thỉnh thoảng” dừng lại, hình như Nguyễn Khải là người nhạy
bén nhất trong các quan sát, so sánh. Truyện ngắn “Một người Hà Nội”
của ông trở lui lại thời ta mới trở lại Thủ đô, với một bà cô. “Tôi
nói: “Nước được độc lập vui quá cô nhỉ?”. Cô trả lời: “Vui hơi nhiều,
nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ”. Theo cô, chính phủ can
thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng,
phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống với nhau ra sao,
trai gái phải yêu nhau thế nào, thậm chí cả tiền công xá cho kẻ ăn
người ở. Về sau tổ dân phố lại vận động không nên nuôi người ở? Nhà
này trước đây có hai người ở, một anh bếp và một chị vú… Mỗi ngày
chị đi chợ, đều có cán bộ bám theo, dò hỏi: “Chị có bị nhà chủ
hành hạ không? Tiền công có được trả đều đặn không? Thái độ chính
trị của họ là như thế nào?”. Chị vú gắt ầm lên: “Nếu họ không tử tế
thì tôi đã xéo từ lâu rồi, không khiến anh phải xui”. Chị ta kể lại
chuyện đó cho cả nhà nghe, bình luận: “Cách mạng gì toàn để ý
những chuyện lặt vặt”.
“Một người Hà Nội” chuyển sang đoạn
sau khi đất nước thống nhất, gia đình bà cô mở tiệc đoàn tụ. “Trong
bữa tiệc hình như tôi nói có hơi nhiều, nói về thành phố Sài Gòn
rộng hơn, đông hơn, đẹp hơn cái Hà Nội của mình, về người dân Sài
Gòn cũng lịch thiệp nhã nhặn hơn người dân Hà Nội. Những người ngồi
nghe đều nín lặng… Tôi đã nói điều gì thất thố?”. Một đoạn khác,
nhân vật “tôi” thấy Hà Nội đã sống lại phần xác, còn phần hồn thì
chưa. Cứ nhìn nghe họ buôn bán, ăn uống, nói năng, cư xử với nhau ở
ngoài đường là đủ rõ. “Tôi đạp xe ở đường Phan Đình Phùng, đạp
chậm… Một ông bạn trẻ đạp xe như gió thúc mạnh bánh xe vào đít xe
tôi, may mà gượng kịp. Tôi quay lại, nói cũng nhẹ nhàng: “Cậu đi đâu
mà vội thế?”. Hắn không trả lời, đạp vượt qua rồi quay mặt lại “Tiên
sư cái anh già!”. Lại một buổi sáng tôi đến thăm bạn…, lát lát phải
hỏi thăm. Có người trả lời, là nói sõng hoặc hất cằm, có người cứ
giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ”.
*
Các già văn ấy mỗi người mỗi kiểu
“phát biểu” về Hà Nội. Ông Tưởng âu lo, ông Tuân trực cảm, ông Khải
kín kẽ sau nhân vật “tôi”. Dầu sao thì họ đã khuất núi cả, còn mỗi
già Tô Hoài. Thế còn những người đang sung sức trên văn đàn hôm nay
thì sao? Chẳng may, là tôi lại chơi với vài người có cảm giác rất
nghiệt ngã. Nhà thơ Văn Công Hùng “mô tả” Hà Nội:
mùa
thu trườn qua ngã tư
người
xe người xe đông cứng
mùa
thu tiếng còi như thét
em
trùm mùa thu ninja
và
bụi và nóng và trôi
mùa
thu chết ngạt trên đường
Mà trước đấy, ông phó chủ tịch Hội
Văn nghệ Gia Lai này đã từng viết, là “Hà
Nội cho anh biết nhớ / mùa đông cồn cào rắc muối trong anh”
Phan Thị Vàng Anh sống nhiều nơi, chủ
yếu phương Nam ,
và có thời “dính” đến Hà Nội. Trong tập “Gửi V.B” được giải thơ của
Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007 của chị có câu:
Thốc
đến tận tầng ba giọng nói người Hà Nội
để rồi
Hồ
Gươm ngay dưới kia nay đã thành người lạ
Từng thân thuộc mà thành người lạ là
có chuyện rồi. “Chuyện” ấy không giải quyết được, mà to ra. Gần đây, trong
truyện ngắn có dáng dấp một tự sự “Hà Nội tháng 7 năm 2011”, Vàng
Anh viết:
“Những người cả tuần mới phải ra phố
một lần, những người một bước là lên ô tô, xuống ô tô có thể cười
chị em Hà Nội mùa này trông giống nhau như tạc: váy ngắn hở đùi
nhưng bên trên là áo chống nắng tùm hum, có mũ lụp xụp và manchette
phủ dài qua hết hai bàn tay, mặt đeo khẩu trang, mắt đeo kính râm.
Trông các chị, các cô rất xấu, nhưng có đi làm mỗi ngày mới hiểu
được vì sao phải thế: nắng những năm này hình như có trộn cả hơi
xăng, muội than, và da dẻ phấn son rồi không thể mỗi lúc mỗi rửa như
thời còn để mặt mộc làm căn bản… Áo chống nắng mới cách đây một
tuần đã tiến thêm một bước đi kèm váy chống nắng: quấn quanh thân
dưới như xà rông, những chiếc váy này may bằng vải rẻ tiền càng làm
cho thành phố thêm nhếch nhác. Cả thành phố như đầy những đống giẻ
di động, bắt buộc và có lý…”.
Sau khi quan sát, mô tả, nhà văn sang
đoạn sâu sắc hơn, nghĩ ngợi về căn cốt bên trong đô thị thủ đô:
“Nếu như ở Sài Gòn có cảm giác cái gì
cũng “ngoài” ta, xa ta, thì ở Hà Nội cảm giác cái gì cũng sát vào
ta, cô đặc hơn: trời, cây, người, sự soi mói của con người, sự thân
mật và du đãng của con người, tiếng người… cái gì cũng như “nước
cốt” không ngừng làm ta ngạc nhiên và hơi sợ hãi vì nó quá gần ta.
Cái sự gần, sự sát ấy, nếu như mới
cách đây khoảng năm năm còn là ở mức dễ chịu vì xe chưa đông lắm,
người chưa đổ về lắm, thì đến năm nay đã trở nên khó chịu. Thứ nước
cốt kia đã thành đậm đặc vì độ dày ken của tất cả mọi thứ, trở
nên ngột ngạt mồ hôi người. Từng ấy sự soi mói được nhân lên, từng
ấy giọng nói Hà Nội nhân lên, sự cau có ngọt ngào hay giả tạo cũng
nhân lên… làm người phương xa như trúng nắng, xây xẩm. Muốn ra đường
gặp một người quen thì phải cọ xát với cả tá người dưng, nhất là
hẹn ở những phố trung tâm thì người dưng vừa đông, vừa vô hồn.
Vô hồn là phải, vì đám đông kia tuy
sống nhờ Hà Nội, không muốn rời Hà Nội, nhưng Hà Nội chỉ là một
phương tiện, không phải là nhà. Cứ nhìn những cuộc bia của hội đồng
hương Nghệ An hay Thanh Hóa là hiểu: họ yêu quê họ biết bao nhiêu – nơi
mà họ quyết tâm ra đi… Đó, ngày nay ta sống trong Hà Nội là sống với
các hội đồng hương khổng lồ và ồn ã. Người Hà Nội gốc với những
bà cụ áo phin nõn rót nước vối ủ cho ta uống, những ông cụ (luôn đi
cùng các bà cụ kia) áo may ô tinh tươm mắt lấp lánh tủm tỉm cười…
ngày càng vắng. Người Hà Nội cổ cũng như cà cuống đồng, biến đâu
hết, thỉnh thoảng bắt được một bà / một ông / một con tưởng như bắt
được linh hồn của một thời”.
Người Hà Nội hằng tự hào về truyền
thống “thanh lịch”, “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” của mình. Điều đó là
có thật. Nhưng còn một sự thật khác, là tứ xứ đổ về đây khai thác,
tận dụng, bòn rút thành phố. Xin không cắt nghĩa nguyên nhân (nông thôn
đang trống toang), chỉ nói rằng nó làm thành phố luộm thuộm, tự
phát, nhem nhếch hơn. Hai quá trình thành thị hóa nông thôn và nông
thôn hóa thành thị cứ cuồn cuộn song hành. Trong gia đình “Hà Nội
mới” trưởng giả, con cái hùng hục híp hóp chát chít trong khi ông bố
chồm hỗm hai chân trên xô pha xỉa răng chanh chách.
Ai đấy sẽ bảo các nhà văn nhà thơ
trên đời này ít lắm, những điều họ cảm thấy, nói ra trên đây chả ai
nghe thấy đâu. Nhưng nhiều khi, rất nhiều khi, sự thật, chân lý không
nằm trong đầu đám đông, mà lại do thiểu số ít ỏi nắm.
TTC 2012
6 nhận xét:
TC tâm tư thì cũng dễ hiểu thôi. Nhưng bây giờ người ta đang tìm lối ra từ cái mớ bòng bong do mình tạo ra hay có người lại vón cục nó lại mà còn dự báo 5-7 năm mới lo xong cho cái xác HN.Thi cái hồn HN lúc nào mới trở về nhập xác cũng khó mà biết được.Chắc phải tìm được thầy cao tay mới mời về được
Nhưng mà cháu vẫu iu HN bác TTC ợ. Con gái HN xinh nhắm,: CÔNG - DUNG - HẠNH thì thì Ổn, riêng fần NGÔN các cô í cháu hơi fàn nàn chút xíu. Híhíhí !!!
Nếu khoảng 60 năm nữa là 2070-80 chưa ai biết được cái gí sẽ xảy ra, nhưng may mắn thế hệ sau mà vẫn còn, thì chúng cũng sẽ có nhiều tiếc nuối giống như ta bây giờ,vì Hà nội của những năm 2010 đã biến mất rồi.
Biết đâu cái ầm ĩ, khói bụi, xô bồ ngày nay lại trở thành kỷ nệm đẹp của mai sau.
Thôi thì chấp nhận cả hai mặt của đồng tiền cho nó dễ tiêu xài.
TL:Hai mặt của đồng tiền vẫn là đồng tiền. Hai mặt một bộ mặt của đất nước hay mặt trái của tấm huân chương thì không còn là nó nữa.
Đăng nhận xét