Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Kỷ niệm với K3


Nhận một bức thư mới, nhớ lại kỉ niệm cũ 

                                                     Kiến Quốc


"Bac co nho co lan sinh nhat P. bac da gui ve Hanoi qua buu dien truyen ngan "Bong hong vang" cua Paustopsky do bac chep tay va dan vao do 1 bong hong kho. P. doc xong con dua cho ca 2 co ban doc. Chung no cu tram tro "sao ma anh may tam li the?". Sau do co lan khac, hinh nhu ngay 8/03, bac lai gui cho P. truyen ngan "Lang qua thong" (P. khong nho ten tac gia) cung do bac chep tay va gan hoa violet kho len do...".
...
Lá thư của cô em làm tôi nhớ lại kỉ niệm ngày còn học Đại học QS. Chuyện đã gần bốn chục năm...


    Năm 1973, tôi đã học năm thứ 3; các bác k3 Trỗi đã học năm thứ 5 - chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Vốn chơi thân với cánh k3 (vì cùng học với anh trai mình) từ ngày ở An Mỹ, Đại Từ. Mỗi chủ nhật vào rừng chơi thấy các anh treo trên liếp những mô hình máy bay chiến đấu MIG-17, MIG-21, hay Fantom F-4H, Thần sấm F-105... làm bằng gỗ duối rất chuẩn và rất đẹp. Trên bàn là những bản vẽ chi tiết từ thân, cánh đến các loại vũ khí trên máy bay. Chả hiểu kiếm đâu ra. (Sau này nghĩ, chắc toàn con em BTTM nên mới có). Những bàn tay tài hoa đó là Trung Việt, Dũng "gỗ", Châu "lé", Phi Hùng... Khi về Vĩnh Yên học, tôi vẫn giữ quan hệ này, thường lê la lên chơi với các bác k3.
    Mấy bố này lắm tài; nào bóng đá, bóng chuyền, nào vẽ viết, đàn địch... toàn thứ tôi mê. Vì có "chút tài" mà năm ấy, tôi từng được "nhờ kẻ vẽ", trang trí đồ án cho nhiều bác. (Nên nhớ tất cả đồ án này ấy đều chép tay, không được in vi tính như bây giờ nên ai chữ xấu là 1 sự đau khổ. Thầy đọc sẽ mệt, ác cảm, dễ bị cho điểm kém. Có học viên chữ xấu quá, phải gửi về nhà vợ chép hộ; nhưng chả hiểu chuyên môn nên nhiều thuật ngữ viết sai!).
    Dù bận rộn học hành nhưng nhiều bác vẫn mê thơ ca. Bác Trung Việt (hàng xóm nhà tôi ở khu 38 Trần Phú từ cuối những năm 1950, con cụ Đỗ Trình) hóm hỉnh, hay viết với bút danh KST (chắc là "kĩ sư trưởng"? (giờ thì gọi là "có nick-name KST"!) vì mơ ước học xong đại học sẽ phấn đấu thành kĩ sư trưởng, chỉ huy cả 1 công trình lớn!). Anh có cuốn sổ tay chép toàn chuyện tiếu lâm nhặt nhạnh được khi về đơn vị. Được cho xem cuốn sổ, tôi vừa đọc vừa tủm tỉm cười. Sướng. Tôi học được cách sưu tập đó. Bác còn là tay mê làm thơ. Từng được đọc những bài thơ viết theo kiểu "bậc thang" của đại văn hào Nga Majakopxky. (Bác đi xa đã gần chục năm và có trang thơ lưu ở BT5).
    Lại nữa, các bác Tuấn Linh, Chí Nhân, Nguyễn Thắng, Lê Thắng, Tuấn "ba tê"... vì đã có bạn gái nên say mê đọc những tác phẩm văn học, nhất là của Pautopxky rồi chép tay vào những cuốn sổ be bé. Tôi cũng thích trò này. (Quả thật ngày đó văn học Nga ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ. Và, sách in hiếm lắm, lính tráng phụ cấp "ba cọc ba đồng" chả có tiền để mua. Có được cuốn nào thì quý như vàng!).
Nhà tôi cho tới năm 1955 toàn con trai ("5 chiến sĩ cho tương lai", cha tôi bảo thế). Khi sinh đứa thứ 7 là gái thì cha mẹ sướng lắm, đặt tên là Hạnh Phúc.
    Năm 1973, Phúc đã học lớp 9. Bọn con gái lớp 9 so với con trai cùng lứa đã là lớn và có cuộc sống tình cảm riêng. Quý "cô em độc", lại vừa học thêm những "ngón" mới nên sinh nhật năm ấy đã chuẩn bị món quà bất ngờ. Truyện ngắn "Bông hồng vàng" được chép ra 1 cuốn số bé chỉ bằng bàn tay. Chữ tôi viết láu, phăng (fantesi) nhưng không được đẹp. Vậy là phải nắn nót, viết thật chậm. Quà mà. Tranh thủ giờ tự tu chép sau khi đã học xong bài. (Bọn cùng lớp, Chí Hòa, Công Chính cứ thắc mắc và "tia" xem thằng này thì thì thụp thụp (như mèo giấu cứt!) làm cái gì. Cũng phải che đậy, không cán bộ lại phê bình: làm việc riêng trong giờ tự tu).
    Viết xong thì còn đúng tuần nữa là đến ngày sinh nhật cô em. Chủ nhật, mượn xe đạp ra Vĩnh Yên, gửi bưu điện về nhà. Quà sinh nhật với cô em thì quý rồi nhưng ông anh còn biết cô em có mấy cô bạn xinh xinh. Thầm nghĩ, biết đâu "1 phát tên trúng vài ba đích"...
Nghe kể lại, mấy cô bạn được đọc ké cũng thích lắm. Khen suốt. Nhưng cuối cùng thì tên bắn toàn trượt, chả trúng đích nào!
    Cũng là kỉ niệm khó quên!
Tôi rất yêu Lẵng quả thông cùng Bông hồng vàng của Pau, 2 trong nhiều truyện ngắn được Vũ Thư Hiên (con trai cụ Vũ Đình Huỳnh, đại tá tùy tùng của Bác năm 1946 khi sang Pháp kí Hiệp định Phông-ten Nơ-blô) dịch!

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn bác Tuấn Linh đã post lại kỉ niệm giản dị này lên Bantroik3. Nhớ lắm 1 thời!

TrunDC nói...

Kiến Quốc lần này có ra ĐN dự với K3 ko vậy ?

Nặc danh nói...

KQ nhớ nhầm ,không có tập truyện "bông hồng vàng".Mà chỉ có tạp truyên ngắn Pautopxki và cuốn sách "bông hồng vàng" nói về nghề văn của Pautopxki,sau này người ta gộp hai quyển lại nhưng vẫn chia thành hai phần truyện ngắn và bông hồng vằng