Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

NGÀY XƯA...BÁNH ĐÚC.


      Hà Nội vào thu nhẹ nhàng. Không có những cơn ào ạt của mưa giông tháng bảy, những làn gió mỏng cũng đủ để xua tan đi cái oi nồng thái quá của ngày cuối hạ "nắng tháng tám rám trái bưởi". 
      Nắng cúc lăm răm, phố cổ mặc trầm, thoắt ẩn hiện vài hạt mưa bóng mây... tiết trời giao mùa khiến lòng vẩn vơ xuyến xao về quá vãng, nhớ thương nhiều kỷ niệm ngày cũ...hình bóng đọng lại là nồi bánh đúc trong ký ức tuổi thơ tôi hơn nửa thế kỷ trước.
       Ngày đó, Hà Nội không nhiều hàng quà bánh bán dong như bây giờ. Quà phổ biến cho lũ trẻ con ngày ấy chỉ là bánh đúc. Thức quà quê vừa ngon vừa rẻ lại lành ấy trẻ con nào cũng thích, nhất lại may mắn vớ được cái bánh đáy nồi có "khém", ăn dai dai ngon ngon và thú vị. 
      Bánh đúc dễ làm nên thỉnh thoảng bà nội tôi thường nấu cho cả nhà ăn đổi bữa. Bánh đúc truyền thống phải ăn khi nguội mới ngon. Từng miếng bánh bẻ trên tay mềm mại, mịn màng lại dẻo tinh, cắn ngập chân răng. Nếu bánh đúc chấm với muối vừng thơm béo và mát lành thì bánh đúc chấm với mắm tép Hà Yên khu bốn (mắm tép tiến vua) lại đậm đà chất phác, mặn mòi và ngon ngọt cái chất đồng quê thấm đậm trong mỗi lần chép miệng.
    Là món ăn dân dã, thô mộc và quê mùa đến tận cùng, bánh đúc có mặt hầu hết ở tất cả làng quê Việt Nam, nó có thể ăn chơi, ăn trừ cơm hay ăn thay cho bữa sáng. 
       Từ loại bánh thuần túy nấu bằng bột gạo pha nước vôi trong vị ngai ngái và 3 công đoạn: Ngâm gạo, xay bột và đun bánh. Bánh đúc có nhiều cách chế biến để thành những dạng khác nhau:
Bánh đúc nấu với lạc thành bánh đúc lạc; nấu với dừa nạo sợi hoặc thái mỏng thành bánh đúc dừa. Có thể nấu từ bột ngô, khi chín đổ ra mẹt lót lá chuối, chờ nguội thái lát để trở thành những miếng bánh đúc ngô béo ngậy vàng ươm. Tóm lại, tùy theo sản vật địa phương để có thể chế biến ra những loại bánh đúc khác nhau, khi nấu người ta còn cho một chút ít hàn the vào bột để tạo độ dai giòn của bánh.
      Món quà quê này khi lên thủ đô đã được sáng tạo thêm nhiều bậc: thái sợi chan riêu cua thành bánh đúc riêu cua, chan canh xương thành bánh đúc canh, lại có thể ăn kèm rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích...
      Yêu nhất là những ngày trời hạ sau mưa, trời đất sao mà gợi tình thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa; lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ, mới mẻ... trong rười rượi ban mai mà nhớ về khuôn mặt bụ bẫm má bánh đúc của người em gái... Nhớ có lần em tôi kể, ông nhà văn Vũ Bằng đã tuyên ngôn về bánh đúc thế này: “Bánh đúc mịn mặt như da thịt mát rợi của người đàn bà đẹp vừa mới tắm...". Bánh đúc mát cái mát của Đông phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ phô trương ồn ào...Và, không biết đã bao mùa mưa qua, tôi vẫn âm thầm chờ đợi "xâu" bánh đúc em để dành như đã hẹn.
      Khi tuổi đã man mát xế chiều... cảm nhận về thời tiết giao mùa hạ sang thu thật sâu sắc, có cái buồn mưa tê mê, cái buồn mùa mưa lê thê, cái buồn mùa mưa não nề nhưng không đến mức làm cho người ta chán sống mà càng yêu hơn cái cuộc đời bình dị, mộc mạc mà không kém phần trữ tình, triết lý như những câu ca dao, tục ngữ mà xuất phát từ bánh đúc:
Bánh đúc sốt.
 Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh, anh bán, thuận nàng, nàng mua.
Và:
Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.
Hay: “Bánh đúc, cá kho bán bò trả nợ”
    Đó là câu cửa miệng của ông bà xưa để nói lên sức hấp dẫn của món bánh đúc: dù rẻ tiền nhưng khi món ăn biết kết hợp và ăn thường xuyên mỗi ngày...không thể không tốn kém. Bánh đúc- mắm tôm chanh ớt là một sự kết hợp như vậy:
Bánh đúc bẻ ba, 
Mắm tôm quệt ngược, 
Cửa nhà anh xiêu.
    .... Bà nội tôi giờ đã đi xa, các cụ thân sinh chúng  tôi cũng đã về nơi chín suối, chỉ còn lại lũ trẻ con năm nào giờ đây tóc đã muối tiêu hết cả. Miếng ngon vật lạ trên đời cũng đã trải nhưng không làm sao quên được món quà quê bánh đúc ngày xưa bà nấu thuở nào và cũng không thể nào quên được khuôn vẻ đầy đặn, tròn trịa, hiền lành, bầu bĩnh... Bánh đúc ơi !
* Bài VT- ảnh tư liệu-

7 nhận xét:

TrunDC nói...

Mỗi ngày qua khi nỗi buồn nhân tình thế thái...tôi lại về ngôi nhà nhỏ Blog K3 thân thương trong vòng tay bè bạn, về với Trỗi để hoài niệm lại thời thơ ấu của mình...

Tualinh nói...

Bài viết hay quá,tràn đầy cảm xúc!

TK8 nói...

Bánh đúc quê mà chấm tương Bần thì thôi rồi má ơi chịu k nổi. Bánh đúc HN toàn hàn the, cứng giòn ăn vào mau toi.

TC nói...

Kỉ niệm bánh đúc của tớ ko được ngon như VT. Trong 13 kg lương thực, một dạo xuất hiện ngô, ghế cơm ăn no rất lâu. Nhưng mãi thì chán, bèn xay ra nấu bánh đúc. Phải quấy thật nhanh, mỏi thì đổi tay, kẻo dính hết đáy nồi. Cháy ăn mới đầu ngon sau phát sợ. Hôm nào có mấy hạt mì chính chạy qua đỡ hơn.
Các cháu gái giờ hay ra Thi Sách, bánh đúc gạo, nhưng thịt, nước chấm béo mới là chính, rắc mấy cọng mùi nữa. Nhìn vào muốn ăn cái môi vừa ăn xong bánh đúc.
Hôm nay có gió may, hoan hô VT!

HCQuang nói...

Bác TrungDC.

Nghe nhà bác tả mà phát thèm.

Dưng bánh đúc mà không có hàn the thì nỏ có ngon, mềm èo hà. Hàn the là "gia vị truyền thống" của cái anh bánh đúc mà.

TK8 nói...

Bi chừ hàn the mắc quá nó thay bằng vôi bột bác Chí ợ, măm vô cái mề của mềnh coi như xong phim, mần phá lấu nó còn chê...

TrunDC nói...

Tâm hồn ăn uống đã giúp tớ có được cảm xúc về bánh đúc như vậy TL ạ. Bánh đúc chấm tương Bần, chấm muối vừng, chấm mắm tôm mắm tép đều tuyệt cả. Hàn the vốn là gia vị truyền thống của Bánh đúc...chút ít thôi, thiếu nó mất ngon. Tớ cũng chỉ dám nhớ cái má bánh đúc chứ còn nhìn vào muốn ăn luôn cặp môi vừa ăn bánh đúc như TC quả thực không dám. TC . Bái phục! Bái phục !