Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

MỘT SỐ HIỂU BIẾT SƠ ĐẲNG VỀ KHÍ CÔNG

III. THỞ KHÍ CÔNG (ĐIỀU TỨC CÔNG)


Bình thường chúng ta quan niệm rằng, sự thở chỉ có hai thì là hít vào và thở ra bằng hai lá phổi. Với khí công, sự thở có một số điểm cần chú ý sau:
1) Hô hấp không chỉ đơn thuần xảy ra ở phổi. Ý nghĩa chính của của quá trình hô hấp bằng phổi chỉ là đưa dưỡng khí vào ở thì hít vào, còn ở thì thở ra là đẩy thán khí ở phổi ra. Với thở khí công, còn xảy ra quá trình đẩy thực khí trong dạ dày ra, thực khí này do thức ăn lên men mà tạo thành.
2) Nhiệt năng trong cơ thể phát sinh từ trái tim ( Tâm Hỏa Cung ), nhiệt năng này cần giáng hạ xuống Đan điền (vùng bụng dưới) để chưng cất tinh khí. Chính việc hít sâu xuống bụng dưới là để thực hiện quá trình Hạ tâm hỏa này.
3) Sự thở khí công được thực hiện qua 4 thì: Hít vào - Nén lại - Thở ra - Ngưng thở. Sự thở này bảo đảm cho hiệu suất hô hấp cao hơn, nhịp thở chậm hơn nên nhịp sinh học giảm xuống do vậy mà kéo dài được tuổi thọ. Ngoài ra, sự thở 4 thì còn đảm bảo cho chu trình khí hóa trong cơ thể, đó là: Hít vào - thu giáng khí; Nén lại - tụ khí ở Đan điền; Thở ra - dẫn khí; Ngưng thở - bình, xả khí.
4) Trong thở khí công khí chỉ đi qua đường mũi, miệng ngậm, đầu lưỡi đặt lên hàm trên. Cách thực hiện như vậy có tác dụng như sau:
- Miệng ngậm, đầu lưỡi đặt lên hàm trên để thông mạch Nhâm - Đốc.
- Thở bằng mũi để thực khí (hô khí) không làm nghịch mạch Nhâm, đồng thời lọc lại chân nhiệt cho cơ thể.
- Miệng ngậm để hãm nhịp hô hấp, để giúp thở sâu, đều và chậm.
5) Thở khí công là hít thật sâu xuống bụng dưới, hít hết cỡ rồi nén lại ở đó. Khi nén đủ rồi cố một chút, rồi thở ra bằng mũi. Khi thở ra hết rồi thì ngưng thở một ít rồi hô hấp trở lại. Điều cốt yếu là làm sao sâu, chậm, đều, các "thì" càng cân bằng càng tốt và chỉ nên cố gắng kéo dài mỗi ngày một chút. Cần chú ý "thì" nén ngưng.
Dưới đây là các bước luyện Điều tức công. Người luyện cần tập đúng từng bước như hướng dẫn trong bài thì rất mau đạt tới kết quả tốt.
BƯỚC 1 : THỞ 2 THÌ
- Ý nghĩa: Luyện thở Sâu - Đều - Chậm. Thanh lọc nhiệt, độc trong hệ Phế, Vị. Đưa khí thường và chân nhiệt xuống được tới Đan điền.
- Thực hiện: Người ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan (mắt nhắm, tai không nghe, miệng ngậm), điều hòa hô hấp, tập trung theo đường thở. Từ từ hít sâu xuống bụng dưới (Đan điền), sau đó từ từ thở ra bằng miệng.
- Lưu ý: Có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Mỗi lần tập ít nhất 10 lượt thở. Khi hít vào cố hơn khả năng bình thường một chút ( không cố gắng quá ). Khi thở ra từ từ chậm lại một chút và dần kéo dài thời gian thở thêm. Thời gian đầu nâng cơ ngực, phình cơ bụng để tăng lượng khí vào. Sau đó nên để bình thường. Cuối cùng là ép thành cơ bụng để tụ khí, nhiệt vào Đan điền.
+ Các chứng bệnh Tâm, Phế thì chú trọng hít vào nhiều hơn.
+ Các chứng bệnh Tì, Can, Thận thì chú trọng thở ra nhiều hơn.
Trong khi tập thở có thể kết hợp với các động tác thể dục sau: Khi đưa tay lên thì thở ra, khi đưa tay xuống thì hít vào, khi đưa tay vào thì hít vào, khi đưa tay ra thì thở ra.
+ Khi thở đã tương đối nhuần thì lúc hít vào quán tưởng theo mạch Nhâm ( đường chính giữa chạy từ đỉnh đầu xuống mặt, ngực, bụng ) theo chiều từ trên xuống. Khi thở ra quán tưởng theo mạch Đốc ( đừơng chính giữa cột sống ) theo chiều từ dưới lên.
BƯỚC 2 : THỞ 3 THÌ
- Ý nghĩa: Nâng cao hiệu suất của sự thở, nén nhiệt tại Đan điền đề đốt tinh thành khí, vận hành chân khí trong mạch Nhâm - Đốc. ( ở dạng vô thức ).
- Thực hiện: Người ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan, điều hòa hô hấp, ổn định nhịp tim, tập trung ý nghĩ tư tưởng theo đường thở. Từ từ hít thẳng xuống bụng dứơi, sau đó ngưng thở, nén khí tại bụng dứơi, cuối cùng từ từ thở ra bằng mũi, điều hòa trở lại sự hô hấp.
- Lưu ý: có thể tập bất cứ lúc nào, mỗi lần tập ít nhất 10 lượt. Khi hít vào đến bụng nên nén thành bụng lại để nén khí tại Đan điền. Khi trong bụng có thực nhiệt thì thở ra bằng miệng hoặc bằng mũi.
Để tự chữa bệnh, tỷ lệ thời gian của các thì thở như sau:
- Khi bị bệnh Tâm (tim), Phế (phổi) - Hít vào lâu hơn.
- Khi bị bệnh Tỳ (lá lách), Vị (dạ dày) - Nén lại lâu hơn.
- Khi bị bệnh Can (gan), Thận - Thở ra lâu hơn.
Khi thở đã tương đối nhuần nhuyễn thì luyện thêm: Khi hít vào quán tưởng theo mạch nhâm từ trên xuống. Khi nén lại tập trung ý tại Đan điền. Khi thở ra quán tưởng theo mạch Đốc đi từ dưới lên.
BƯỚC 3 : THỞ 4 THÌ
- Ý nghĩa: Nâng cao hiệu suất của sự thở, kích thích Đan điền, phối hợp đồng bộ khí thở với Chân khí trong mạch Nhâm - Đốc ( dạng vô thức ).
- Thực hiện: Ngồi ở tư thế thư giãn, bế ngũ quan, điều hòa hô hấp, ổn định nhịp tim, tập trung theo đường thở. Từ từ hít thẳng xuống bụng dứơi, sau đó ngưng thở, nén lại ở bụng dưới (Đan điền). Sau đó từ từ thở ra bằng mũi. Cuối cùng, khi thở hết ra thì ngưng thở một lúc. Tiếp theo, điều hòa hô hấp trở lại.
- Lưu ý : Ở thì hít vào cần hít làm 2 lần, lần đầu hít vào ít, lần 2 hít vào nhiều hơn để tránh biến loạn khí. Khi hít lần đầu tập trung ý vào Tim (hỏa cung), lần 2 quán tưởng khí đi theo mạch Nhâm xuống Đan điền. Thở ra quán tưởng theo mạch Đốc từ dưới lên. Khi ngưng thở, quán tưởng ý ở Ấn đường (giữa trán).
Để tự chữa bệnh, tỉ lệ thời gian của các thì thở như sau:
- Bênh Tâm, Phế : Tăng thời gian lần hít 1, giảm thời gian nén.
- Bệnh Tỳ : Tăng thời gian nén, giảm lần hít 1 và thở ra.
- Bệnh Can, Thận : Tăng thời gian thở ra, giảm lần hít 1 và nén.
Khi đã luyện thành thục và có sức khỏe tốt, thời gian của 4 thì bằng nhau, càng thuần thục càng kéo dài thời gian của các thì ra và vẫn giữ đều thời gian 4 thì thở.

Trên đây tôi đã ghi lại một số kiến thức cơ bản và sơ đẳng của khí công dưỡng sinh. Trong này có bài tập thở rất quan trọng và rất có ích. Bản thân tôi đã từng bị cắt mất một thùy phổi phải, nhưng nhờ có tập thở và luyện khí công, tôi vẫn có thể tham gia tập luyện thể thao thường xuyên.
Chúc các bạn sức khỏe.

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

@a KT:E xin bổ xung thêm,cho những người mới tập (phải luôn quán triệt):

-Trí dẫn Ý - Ý dẫn Khí.
Trong đó: Trí là sự tập trung cao độ
- Ý là tiềm thức vừa là ý chí để quán triệt bài tập.Nó rất quan trọng trong các chu kì hít vào ,thở ra...
- Khí khi ta hít vào va 2 dẫn nó...

AMk3 nói...

Đúng là khó nhất vẫn là việc phối hợp được việc thở và ý thức luyện công (?). Về mặt kỹ thuật, từ thở 2 thì chuyển sang 4 thì không có gì khó , nhưng đồng thời kết hợp "Trí dẫn Ý" thì không đơn giản, không phải ai cũng tập trung được. Tôi nhiều khi chỉ làm được thuần túy qui trình 4 thì rồi tự an ủi : Không bổ ngang cũng bổ dọc...

Nặc danh nói...

Ak7 bổ xung chính xác. Còn việc tập trung trong luyện tập là rất cần thiết và rất khó. Như trong bài đầu tôi đã nói, ai có thể tập trung hoàn toàn và không bị phân tán tư tưởng khi luyện công thì đã có thể có những công năng đặc biệt rồi.

Nặc danh nói...

Tôi học NLSH trường phái Nguyễm Đình Phư. Tất nhiên đưa tâm thức vào trạng thái vô thức để thu NL là tyệt vời. Nhưng chỉ còn giử lại MỘT ý thôi thì cũng quá tốt rùi. Dần dần, tâm thức sẽ đi vào cảnh giới vô thức. Nhanh hay chậm đều do căn cơ từng người. Thông thường, tôi "neo" ý thức thu NL ở bàn chân (Dũng Tuyền) hoặc Hội Âm
vài kinh nghiệm nhỏ.

4SG

Nặc danh nói...

Thả lỏng cơ bắp, thả lỏng đầu óc, thả lỏng toàn bộ.
Hít thở/(hít-giữ-thở)/(hít-giữ-thở-ngưng) đều đặn, đều đặn, như cái bánh xe quay đều.
HCQuang

Nặc danh nói...

Cám ơn KT! Viết rất căn bản,súc tích, dễ hiểu và khoa học.
Tôi đọc nhiều tài liệu loại này, sém bị "tẩu hoả " vì các tác giả dùng nhiều ngôn ngữ cổ, Hán- Việt, "chuyên ngành" nên rất khó hiểu...
Bác cho biết thêm các dấu hiệu, hiện tượng( biểu hiện ra)để nhận biết khi mình thở đúng cách.
TM

Nặc danh nói...

Phải nói đ/c KT siêu thật. Lý thuyết về vấn đề này dài dằng dặc, rất phức tạp, thế mà đ/c chỉ với ít dòng vắn tắt mà diễn giải được vấn đề. Tôi đã copy bài của đ/c vào thư mục riêng để suy ngẫm. Cảm ơn.
HCQuang

Nặc danh nói...

Tôi chưa được học khí công ở đâu cả, nhưng đọc bài cùa anh KT , thấy mình làm khá đúng. Đó là cách tự chữa bệnh hen phế quản của tôi.Gần 10 năm lệ thuộc vào thuốc hen tôi nản quá,dù đã vài lần bỏ thuốc song không thành công. Lần này bỏ thuốc(bệnh ) hơn nửa năm rồi,có lẽ thành công do tập thở.Tôi có một "lí thuyết riêng" để tự chũa cho mình,đúng sai chưa biết nhưng thấy cũng ổn ,vô tình lại giống cách thở khí công.Hiện giờ tôi vẫn dùng cách này, mỗi khi cơ thể dở chứng là làm liền,rất hiệu quả.
DS

KT nói...

Được mọi người quan tâm đến chuyên đề này tôi rất phấn khởi. Và lại muốn đưa lên blog một số nội dung nữa. Còn những nội dung đưa lên mạng là tôi chép lại có chọn lọc những kiến thức mà tôi đã ghi chép trong khi học môn khí công của thầy HVT. Còn bạn TM có hỏi dấu hiệu của thở đúng cách, theo tôi, khi thở đúng người không bị mệt, sau khi tập thấy sảng khoái, nếu cao hơn thì có thể cảm giác thấy có đướng khí chạy theo mạch Nhâm Đốc.

Nặc danh nói...

Xin hỏi:
Khí chạy theo mạch Nhâm và mạch Đốc, thì có cần quan tâm mạch nào khí chạy lên, mạch nào khí chạy xuống không? Hay cứ mạch này khí chạy xuống thì mạch kia khí ắt chạy lên?
HCQuang